Chim Việt Cành Nam      Trở Về   ]            [ Trang chủ ]          [ Tác giả ]
Sư Đào với Tháng 6

Phanxipăng

Sư Đào
Sư Đào / Shī Tāo / 師濤 / 师涛(1) chào đời ngày 25-7-1968 nhằm mùng 1 tháng 7 năm Mậu Thân tại huyện Diêm Trì, thị Ngô Trung, khu tự trị Ninh Hạ, Trung Hoa. Tháng 7-1991, Sư Đào tốt nghiệp khoa Kinh tế - Chính trị trường Đại học Thượng Hải. Năm 1992, Sư Đào kết hôn với Vương Viện / Wang Yuan  / 王媛 , rồi sinh một con trai. Nhà riêng của Sư Đào ở tỉnh Sơn Tây.
 
Sư Đào là phóng viên tờ Đương Đại Thương Báo, toà soạn đặt tại thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam. Tháng 4-2004, qua điện thư / e-mail / email, Sư Đào truyền ra hải ngoại bản tin cho biết Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc gửi chỉ thị đến các cơ quan truyền thông: cấm tiến hành kỷ niệm hay đưa tin về vụ thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn.

Ngày 24-11-2004, công an bắt giam Sư Đào, buộc tội dùng điện thư Yahoo! phát tán các thông tin mật không được phép công bố của Chính phủ Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Ngày 26-4-2005, toà án thành phố Trường Sa tuyên phạt Sư Đào tù 10 năm.

Tổ chức Nhà báo không biên giới (Reporter Sans Frontière: RSF) phát hiện: Sư Đào bị bắt do chi nhánh Yahoo! ở Hong Kong cung cấp cho cơ quan an ninh Trung Quốc những dữ liệu liên quan. Vụ việc ghê gớm nọ liền được nhật báo Christian Science Monitor nêu. Tháng 12-2007, tạp chí điện tử của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đăng bài do Ericca Razook viết, có đoạn: "Việc khởi tố và kết án Sư Đào chỉ có thể thực hiện được sau khi Yahoo! cung cấp tài khoản cá nhân thư điện tử của Sư Đào cho chính phủ Trung Quốc." Tổ chức Ân xá quốc tế (Amnesty International: AI) phát động chiến dịch lên án công ty truyền thông internet rộng lớn nhất thế giới là Yahoo! vi phạm nhân quyền thể hiện qua vụ án Sư Đào (2).

Ngày 9-6-2004, Sư Đào sáng tác bài thơ Tháng 6 mô tả cảm xúc về biến cố Thiên An Môn từng xảy ra tại Bắc Kinh rạng sáng chủ nhật 4-6-1989. Sự kiện chấn động lịch sử kia thường được người Hoa gọi "lục tứ sự kiện" (sự kiện mùng 4 tháng 6) hoặc "lục tứ vận động" (phong trào mùng 4 tháng 6(3).

Tác phẩm Tháng 6 lọt ra hải ngoại, tạo những hiệu ứng đáng kể về văn chương lẫn xã hội - chính trị.
 
Chip Rolley - cây bút ở Sydney, Úc - dịch bài thơ của Sư Đào ra tiếng Anh:

June

My whole life

Will never get past "June"
June, when my heart died
When my poetry died
When my lover
Died in romance's pool of blood

June, the scorching sun burns open my skin
Revealing the true nature of my wound
June, the fish swims out of the blood-red sea
Toward another place to hibernate
June, the earth shifts, the rivers fall silent
Piled up letters unable to be delivered to the dead

 
Dựa vào bản tiếng Anh ấy, bài thơ được các dịch giả chuyển sang bao ngôn ngữ khác. Huguette de Broqueville dịch sang tiếng Pháp:
 
Juin
 
Ma vie entière
Jamais n’ira plus loin que "Juin"
Juin, quand mon cœur est mort
Quand la poésie est morte
Quand l’amour
Est mort dans une romantique flaque de sang

Juin, le soleil ardent brûle ma peau
Révélant la vraie nature de ma blessure
Juin, le poisson nage loin de la mer rouge-sang
Vers d’autres lieux pour hiberner
Juin, la terre remue, les rivières chutent silencieuses
S’amoncèlent les lettres incapables d’exprimer la mort.

Cũng dựa vào bản Anh ngữ ấy, nhiều người dịch Tháng 6 sang tiếng Việt.

 
Bản Việt dịch của Nguyễn Văn Thoảng:
 
Tháng sáu
 
Cả đời tôi
Chìm trong tháng sáu.
Tháng sáu, tim tôi ngừng đập,
Dòng thơ tôi khô cạn,
Vì người yêu tôi chết trong vũng máu tình yêu.
Tháng sáu, nắng cháy nứt da,
Phơi trần vết thương rỉ máu.
Tháng sáu, loài cá bơi khỏi biển máu,
Tìm một nơi nào nương náu.
Tháng sáu, đất chuyển động, sông ngừng trôi,
Thư từ chất đống vì người nhận đã chết.
 
Bản Việt dịch của Ngu Yên:
 
Tháng sáu
 
Tháng sáu, suốt đời tôi không thể sống qua
Tháng sáu, con tim đã chết
Thơ đã chết
Người yêu nằm trong vũng máu đang mơ
Tháng sáu, mặt trời khô cằn cháy thịt da
Tự nhiên gây thành thương tích
Tháng sáu, con cá bơi khỏi biển máu
Trốn vào giấc ngủ quên
Tháng sáu, đất quằn quại, sông hồ nín câm
Cất giữ ngàn lá thư, gửi không đến những người đã chết.
 
Bản Việt dịch của Uyên Hạnh:
 
Tháng sáu 
 
Suốt đời tôi
Sẽ không bao giờ có "tháng sáu" quá khứ
Tháng sáu, khi tim tôi ngừng đập
Khi hồn thơ vỡ nát
Khi người yêu tôi
Gục chết trong vũng máu nguồn tình 
Tháng sáu, mặt trời nung vỡ mảnh da trần
Phơi bày rõ nét, mặt thật vết thương tôi
Tháng sáu, con cá bơi vượt đại dương máu đỏ
Hướng về nơi xa ngủ giấc mùa đông
Tháng sáu, quả đất vẫn quay, nước những dòng sông vẫn đổ trong lặng lẽ
Chất đống những bức thư chưa giao được cho người đã lìa đời

Bản Việt dịch của Nguyễn Mạnh Trinh:
 

Tháng sáu
 
Nguyên cuộc đời tôi
sẽ không bao giờ sống qua được tháng sáu
tháng sáu khi trái tim tôi ngừng đập
khi thơ tôi ngưng thở
khi người tôi yêu dấu
chết trong vũng máu đang mơ
Tháng sáu mặt trời lửa dãi thiêu cháy làn da
Xé toang sự thật tự nhiên của thương tích tôi
Tháng sáu con cá lao khỏi biển máu đỏ
Trôi tấp vào chốn khác của giấc đông miên
Tháng sáu, trái đất quặn mình, sông rạch lặng tiếng
Chồng chất ngàn ngàn lá thư
không thể gửi đến cho những người đã chết.

Bản Việt dịch của Trần Văn Phát:

Máu tháng sáu

Cả đời anh không bao giờ quên tháng sáu!
Khi trái tim chết héo giữa quảng trường
Khi thi ca tắt lịm bởi đau thương
Và người yêu oằn mình trên vũng máu!
 

Khi nắng thù tháng sáu tróc da xương
Để lộ trong anh nguyên vẹn vết thương
Bờ biển máu! Cá thoát ly từ tháng sáu
Tới nơi nào biển sạch để dung thân
(Như bầy dơi ngơi nghỉ suốt mùa đông)
 
Ôi! Tháng sáu! Địa cầu thay bộ mặt
Dòng sông im chết lặng giữa muôn trùng
Những chồng thư gom nhặt giữa không trung
Người đã khuất có thể nào nhận được!

Chẳng mấy chốc, Tháng 6 của Sư Đào được dịch ra hơn 60 thứ tiếng. Năm 2008, Hội Văn bút thế giới (Poets Playwrights Essayist Editors and Novelists: PEN) quyết định đọc bài thơ Tháng sáu tại các quốc gia đúng lúc đuốc Thế Vận Hội Bắc Kinh rước qua.

Bài thơ này còn được Lyly Phan phổ nhạc và đặt lời Việt; ca từ tiếng Anh vẫn của Chip Rolley.

Với áng thơ ngắn như Tháng 6, tốt nhất hãy tiếp xúc nguyên tác. Nghĩ vậy, Phanxipăng đã tìm và thấy bản chữ Hán Lục nguyệt do Sư Đào viết:

六月

所有的日子
都绕不过"六月"
六月,我的心脏死了
我的诗歌死了
我的恋人
也死在浪漫的血泊里
 

六月,烈日烧开皮肤
露出伤口的真相
六月,鱼儿离开血红的海水
游向另一处冬眠之地
六月,大地变形、河流无声
成堆的信札已无法送到死者手中

Phiên âm:

Lục nguyệt

Sở hữu đích nhật tử

Đô nhiễu bất quá "lục nguyệt"
Lục nguyệt, ngã đích tâm tảng tử liễu
Ngã đích thi ca tử liễu
Ngã đích luyến nhân
Dã tử tại lãng mạn đích huyết bạc lý
 
Lục nguyệt, liệt nhật thiêu khai bì phu
Lộ xuất thương khẩu đích chân tương
Lục nguyệt, ngư nhi ly khai huyết hồng đích hải thuỷ
Du hướng lánh nhất xứ đông miên chi địa
Lục nguyệt, đại địa biến hình, hà lưu vô thanh
Thành đôi đích tín trát dĩ vô pháp tống đáo tử giả thủ trung

Nguyên tác bài thơ của Sư Đào cố ý lặp đi lặp lại lục nguyệt / tháng 6 (tính cả nhan đề là 6 lần) và tử / chết (4 lần). Riêng một lần, cụm từ lục nguyệt treo giữa cặp ngoặc kép.

Xuất hiện 2 hình tượng nghệ thuật đỏ au máu: hồ cỏn con và biển cả. Dòng gần cuối thể hiện mâu thuẫn động với tĩnh mà trằn trọc nỗi niềm: Lục nguyệt, đại địa biến hình, hà lưu vô thanh / Tháng 6, quả đất méo xẹo, sông chảy lặng câm. Phải chăng sự câm lặng của dòng sông trôi chảy trên địa cầu bị méo mó vì biến dạng lại biểu đạt đoạn trường vô thanh hiện đại?

Phanxipăng tạm chuyển ngữ kiểu 1:

Tháng 6

Mọi ngày

Tất cả đều vây quanh "tháng 6"
Tháng 6, quả tim tôi đã chết
Thơ của tôi đã chết
Tình yêu của tôi đã chết
Trong hồ máu lãng mạn
 
Tháng 6, những cuối tuần nóng bức
Lẽ phải bị thương
Tháng 6, cá thoát khỏi biển máu đỏ
Tìm chốn trú đông
Tháng 6, quả đất méo xẹo, sông chảy lặng câm
Chữ nghĩa chất chồng không thể gửi người đã chết

Phanxipăng tạm chuyển ngữ kiểu 2:

Tháng 6

Ngày lại ngày đều vây quanh "tháng 6"

Tháng 6 ơi, tim tôi đã chết rồi
Thơ của tôi, hỡi ôi, rồi đã chết
Hồ máu đào dìm chết mối tình tôi!
 
Hỡi tháng 6, phơi vết thương công lý
Cá thoát thân khỏi biển cả máu đào
Đất quằn quại, tháng 6, sông câm nín
Người chết rồi, nhận thư tín ra sao? 
_________________
(1) - Tự xửa xừa xưa tới nay, tiếng Việt không gọi Lý Bạch bằng Li Bai / Li Bo / Li Po, không gọi Đỗ Phủ bằng Du Fu / Tu Fu, không gọi Bạch Cư Dị bằng Bai Juyi / Bo Juyi / Po Chu-i, không gọi Vương Duy bằng Wang Wei. Vậy thì với nhà báo - nhà văn - nhà thơ Shi Tao, chúng ta nên gọi một cách phổ biến trong cộng đồng Việt ngữ theo lối phiên âm Hán-Việt là Sư Đào.
(2) - Quý bạn đọc có thể tham khảo thêm các bài Trung Quốc: Yahoo chia sẻ thông tin phục vụ điều tra trên báo VietnamNet 12-9-2005 http://vnn.vietnamnet.vn/cntt/2005/09/488321/, Yahoo lập công với chính quyền Trung Quốc trên báo An Ninh Thế Giới 7-10-2005 http://antg.cand.com.vn/News/PrintView.aspx?ID=53289, v.v.
(3) - Thực tế, đó là những vụ biểu tình diễn ra rầm rộ tại nhiều địa phương ở Trung Hoa từ 15-4 đến 4-6-1989 của sinh viên, trí thức, các nhà lãnh đạo công nhân chống chính quyền tham nhũng, hà khắc, và yêu cầu tự do báo chí. Ngày 20-5-1989, chính phủ Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa tuyên bố thiết quân luật. Đêm 3-6 đến sáng 4-6-1989, quân đội Trung Hoa gồm xe tăng cùng bộ binh thuộc quân đoàn 27 và 28 đến quảng trường Thiên An Môn tại thủ đô Bắc Kinh nhằm giải tán biểu tình.

 
Đã đăng Kiến Thức Ngày Nay 788 (1-7-2012)
Sư Đào
Tranh châm biếm của Michel Cambon. 
Nghĩa lời thoại Anh ngữ: "Xin chào, cảnh sát hả? 
Tôi đã có một mạng bất đồng chính kiến ngay trước mặt tôi đây này!"

Biểu tình trên quảng trường Thiên An Môn ngày 2-6-1988 với tượng Nữ thần dân chủ. 
Ảnh: Catherine Henriette

Bắc Kinh, 4-6-1989, máu đã đổ. 
Ảnh: Manuel Ceneta

Đoạn đầu Song of June / Bài ca Tháng 6