Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]             [  Tác giả ]

NGUYỄN TUÂN 
nghĩ về văn xuôi

Thu Tứ

Các anh làm văn kia mà!
Bệnh giải thích
Đi đêm tìm sáng
Phải đọc nhiều
Bở hơi tai mới nhẹ nhàng!
Đi, đọc, và viết
Phải biết dùng vốn...
Văn phải linh hoạt
Mặn chữa dễ hơn nhạt
Phải đọc lại cả bằng tai
Đừng thiếu, càng đừng thừa
Phải chịu thương, chịu khó
Công đức lập ngôn
*

Văn xuôi mà có nhạc, viết xong phải đọc lại cả bằng tai, mà mỗi lần viết phải là một lần sử dụng sáng tạo tiếng nói dân tộc để "lập ngôn", mà tác giả nổi tiếng là "người đi tìm cái đẹp", loại văn xuôi ấy nhất định không có thể dịch ra thứ ngôn ngữ "quốc tế" nào để chờ được phát giải thưởng.

 

Ai cố viết văn xuôi cho giống ở đâu đâu thì mặc ai.  Nguyễn Tuân suốt đời theo đuổi loại văn xuôi riêng của mình.

 

Nguyễn Tuân nhận thức hoàn toàn đúng đắn về bản chất của việc mình làm chứ không mắc "bệnh giải thích", nên không bao giờ lý luận về văn chương.   

 

Sau đây là một số ngẫm nghĩ, lời tâm sự của một người "đi tìm" tận tụy và đã đến được Đẹp nhiều lần hơn bất cứ người viết văn xuôi nào khác. Các tiểu đề đều tạm đặt. 

 

 Các anh làm văn kia mà!

 

Năm sau Nguyễn có đón giao thừa ở ngoại thành không nhỉ?  Nếu có thì sáng mồng Một, có gặp lại "cái anh sương xuân bảng lảng" chăng?  Nếu có và có, thì cũng chỉ là để cùng hướng về tương lai tái ngộ ở ngoại ngoại thành!

 

Mới mất "anh sương" đã kêu "nghèo", vậy cái chiều ba mươi tháng Chạp vừa qua, hồn Nguyễn được con cháu rước về ăn Tết Quý Tỵ, nhìn quanh chắc thấy Tết... rách mồng tơi.

 

Tết truyền thống sắp sửa "mất đứt" rồi. 

 

Mà những người Việt cảm xúc tinh tế như Nguyễn cũng sắp sửa "mất đứt" rồi.  Cả cái đất nước từng có một nền văn hóa hết sức thơ này rồi chỉ rặt những "anh" gặp bất cứ cái gì cũng đòi mổ xẻ, phanh phơi!

 

Bây giờ cả dân tộc Việt Nam đang đua nhau theo "người khác" ngày đêm nặn óc "đi tìm cội nguồn của hiện tượng", chả ai còn rỗi để cho tâm hồn mình cảm xúc cho ra cảm xúc bất cứ hiện tượng nào nữa.

 

Văn chương sắp sửa "mất đứt" rồi, Vang bóng một thời ơi.

 

--

 

Người xông nhà chúng tôi rất sớm, khi còn tối đất, sáng mồng Một năm Đinh Tỵ (1977), là nhà văn Nguyễn Tuân (...) (Khi) ra về (...) khỏi cổng, dừng lại hồi lâu trên hè, nhìn phố Hai Bà Trưng thưa thớt người đi lại vào sáng sớm, ông nghiêng đầu nói khẽ với tôi:

 

- Anh có thấy Hà Nội buổi sáng mồng Một này thiếu cái gì không?

 

Tôi không cần động não để tìm câu trả lời làm gì. Câu hỏi được đặt ra chỉ là cái cớ cho câu trả lời đã có sẵn, chắc chắn là sẽ rất Nguyễn Tuân.

 

- Thiếu sương!

 

Nguyễn Tuân mắt vẫn nhìn chung quanh, thở dài.

 

- Anh không nhận ra cái sự thiếu ấy, tôi không trách. Anh còn quá trẻ. Ngày trước sáng mồng Một bao giờ cũng có sương nhè nhẹ, không nhiều, một chút gọi là có thôi, nhưng đích thực là sương. Nó bay là là, thoang thoảng, như có mà như không. Rét ngọt. Chỉ có trên các lá cây mới có sương hiển hiện, lâu lâu đọng thành giọt, rơi xuống mặt mình, có khi lọt cả vào cổ áo mình, rất là Tết. Đã mấy năm nay, vào ngày Tết mình cứ thấy thiếu thiếu cái gì đó mà không biết là cái gì. Bây giờ mới phát hiện ra: đúng là thiếu nó, thiếu sương.

 

Tôi bàng hoàng trước nhận xét của ông. Tôi nhớ đến những năm xa xưa, khi tôi còn rất nhỏ. Đúng là Hà Nội những ngày đầu năm ấy sương la đà trên mặt đường, lẩn khuất trong những bãi cỏ, bụi cây.

 

- Thưa bác, có lẽ tại Hà Nội đông dân thêm, nhiều nhà máy, nhiều xe cộ, thành thử cái tiểu khí hậu địa phương thay đổi, nhiệt độ tăng cao hơn trước...

 

- Xì, đốt anh đi! Các anh bây giờ, đụng đến cái gì cũng vội vã chỉ ra nguyên nhân rồi dài dòng giải thích, cứ như chung quanh mình toàn một lũ thất học vậy. Các anh làm văn kia mà - không nhìn tôi, ông cằn nhằn - Tôi là tôi đang nói cái có, tôi nói cái hiện hữu, nói cái cảm xúc mà nó gây ra trong tâm hồn con người... Còn cái việc đi tìm cội nguồn của hiện tượng là việc của người khác.

 

- Dạ!

 

- Thế là mất đứt cái anh sương xuân bảng lảng. Tiếc quá!

 

Nguyễn Tuân lại thở dài. Ông buồn thật sự.

 

- Thiếu nó, Tết (...) nghèo đi, mà không chỉ nghèo đi một chút đâu nhá, anh hiểu không? Đành vậy, sang năm phải tìm cách đón giao thừa ở ngoại thành, may chăng còn có thể gặp lại nó.(1)

 

Bệnh giải thích

 

Ðọc phát biểu của Nguyễn Tuân, có thấy nhẹ nhõm. Tưởng tượng "người đi tìm cái đẹp", sau một đời xuôi ngược tìm, tuyên bố: "Tôi đã giải mã được cái đẹp, bí mật của nó đây..."! Tưởng tượng Nguyễn Tuân trịnh trọng "bật mí" Vang bóng một thời hay Chùa Ðàn: còn thất vọng nào hơn!

 

Để ý, "bố tôi" hiển nhiên rất có tài trong việc sáng tạo ra một cành đào đẹp, thế mà..., thế nghĩa là không phải cứ hễ nghệ sĩ sáng tạo giỏi thì chắc chắn nhận thức hoàn toàn đúng về hoạt động sáng tạo của chính mình! Ai biết có bao nhiêu nghệ sĩ ưu tú khác cũng như "bố tôi", "có mắc một chút bệnh giải thích"...

 

"Một chút" không sao, nhưng trầm trọng là chí nguy cho nghệ thuật đấy.

 

Bây giờ thời đại khoa học. Người người say sưa giải thích tất cả mọi cái, kể cả cái đẹp. Càng được nghiên cứu công phu, giải thích cặn kẽ, cái đẹp đích thực nó càng hiếm khi xuất hiện! Nhưng nhân loại khoa học có biết đâu.

 

--

 

- Đào năm nay được mùa. Chợ nhan nhản toàn đào, giá lại hạ, nhà nghèo năm nay cũng có đào Tết. Thế mà đố có tìm ở Cống Chéo Hàng Lược được một cành nào như cành đào của bố anh. Tuyệt! Không chê vào đâu được. Năm nào cành đào của ông ấy cũng làm tôi mê mẩn, cũng làm tôi sửng sốt (...) Thôi, tôi về. Còn phải đến mấy nhà nữa mà mình thì thích cuốc bộ (...) Mai có khi tôi còn đến đây nữa. Để ngắm cành đào của bố anh!

 

Ngày hôm sau ông lại đến thật. Và đúng là chỉ để ngắm có một cành đào mà thôi (...)

 

Tôi (tức Vũ Thư Hiên) kể cho Nguyễn Tuân nghe cách bố tôi nhìn vẻ đẹp của cành đào. Ông tủm tỉm cười:

 

- Về đại thể, bố anh đúng. Nhưng ông ấy cũng có mắc một chút bệnh giải thích. Cái đẹp, theo tôi, là cái không giải thích được. Chỉ có thể cảm nhận được nó mà thôi. Bố anh cũng chẳng giải thích nổi tại sao ông đã cắt đi một cành con này mà không phải một cành con khác, tại sao ông giữ cành đua này mà lại bỏ cành đua kia, cái cành được để lại ấy gợi nên trong lòng ông cảm xúc gì (...) (2)

 

Đi đêm tìm sáng

 

Tưởng tượng một người ngồi một mình trong đêm khuya, ôm một "nồi" cảm giác cảm xúc, loay hoay tìm cách nấu cho nó thành... Chùa Ðàn.

 

Nguyễn Tuân đó. Nguyễn đang "đi đêm". Nguyễn sẽ ngồi đi cho đến bao giờ những cái chất chứa bên trong Nguyễn nó chịu bốc hơi lên, hơi đông lại rơi xuống thành... sách.

 

--

 

Ngay cả lúc anh đăm đăm ngồi trước trang giấy trắng lạnh phau giữa phòng văn, anh cũng vẫn là một người đang đi. Ði vào cái đêm làm việc của mình. Ði cho đến tận cùng của đêm mình. Của một đêm, của trăm của ngàn đêm, của ngàn lẻ đêm (...) (3)

 

Phải đọc nhiều

 

Viết, nhưng về cái gì chứ.

 

Muốn có cái để viết thì phải "đi". Ði không chỉ bằng chân mình, mà cả bằng chân người khác!

 

Nguyễn Tuân mới nói đến một cái hay của đọc sách là "tích lũy thực tế". Còn một cái hay thứ hai. Ấy là khi đọc sách, ngoài tiếp thu kinh nghiệm sống ta còn tiếp xúc với những cách viết có thể mới lạ đối với ta, gợi ý cho ta làm mới cách viết của mình...

 

Một đọc đến hai hay, chờ gì nữa!

 

--

 

Phải đọc nhiều. Ði thực tế là cần thiết nhưng chưa phải là đủ (...) Theo tôi vốn đọc sách cũng là một nguồn thực tế. Ðó là một cách tích lũy thực tế qua kinh nghiệm của người khác (...) (4)

 

Bở hơi tai mới nhẹ nhàng!

 

Thực là đã "thở hồng hộc", thế mà nếu để lộ cái thở hồng hộc ra, thì uổng công... thở hồng hộc!

 

Cũng phải thôi. Vì người đọc đọc không phải để nghe người viết thở! Cho người ta nghe, người ta thôi đọc đấy.

 

Có muốn kể công thở tí, phải kể cho nhẹ, như Tản Đà:

 

"... Thâu đêm hao tổn tinh thần

Đèn xanh chiếc bóng xoay vần từng câu!",

 

thì mới được.

 

--

 

Lao động nghệ thuật là sự đánh nhau với chữ nghĩa nhưng anh phải tích lũy, lao động như thế nào để khi viết ra người đọc cảm thấy nhẹ nhàng. Phải tỏ rõ được sự hàm dưỡng trong bài văn của mình. Ðừng lộ cho người đọc thấy mìnnh phải thở hồng hộc, bở hơi tai ra. Ðúng là mình phải bở hơi tai làm việc cật lực, nhưng để đem đến cho người đọc một bài văn nhẹ nhàng, thanh thoát. Ðọc xong bài văn, câu chữ hết rồi, nhưng ý vẫn còn dư.(5)

 

Đi, đọc, và viết

 

"Đi" là để tự mình gặp được nhiều cái khác nhau mà nẩy sinh cảm nghĩ dồi dào.

 

"Đọc" là đi bằng... chân người khác.

 

Đi và đọc tạo vốn. Có đủ vốn rồi thì "làm ăn": viết. Làm ăn thế nào cho xứng với vốn thì làm!

 

Thiết tưởng đọc còn có giá trị này nữa. Là nó có thể gợi ý cho người viết làm mới nghệ thuật mình. Tức đọc cũng giống như tích lũy "vốn hình thức". Tưởng tượng cái lúc bắt đầu cho dễ hiểu: một người tâm hồn trí óc đầy ắp cảm nghĩ mà chưa đọc bài thơ bài văn nào của ai cả, người ấy biết đặt bút xuống viết làm sao?! Nguyễn Du trước khi viết Kiều cũng phải nghe hát ru em, hát ví, hát đúm v.v. đã chứ!

 

Vay trời vay đời vay người vốn nội dung vốn hình thức, cố trả cho tốt nhé, ta ơi.

 

--

 

Người làm nghiệp văn thấy hình như đời mình, nghề mình chỉ thâu tóm lại có ba việc cơ bản: đi, đọc, viết. Ba việc ấy liên quan chặt chẽ với nhau. Hạnh phúc vậy thay là những người làm nghiệp văn mà lại đều đều làm được song song cả ba việc đi, đọc, và viết.(6)

 

Phải biết dùng vốn...

 

Nói văn to, người ta hay nghĩ đến văn chở đạo chở triết. Đấy mới là một lối to. Còn lối nữa. Văn mà có sức gợi cảm đặc biệt, chẳng hạn:

 

"Buồn trông ngọn nước mới sa

Hoa trôi man mác biết là về đâu"

 

hay

 

"Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách

Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu",

 

cũng là văn to.

 

Loại văn bề thế thứ hai, nhà văn nhà thơ Việt Nam có lợi thế khi sáng tạo vì tiếng Việt cực kỳ gợi cảm. Vốn độc đáo của bao nhiêu đời tổ tiên để lại, ta phải hết sức tìm cách huy động thế nào cho xứng!

 

--

 

Cũng cùng một vốn ngôn ngữ ấy, nhưng sử dụng (...) sáng tạo thì văn sẽ có bề thế (...) Có vốn mà không biết sử dụng thì cũng chỉ là nhà giầu giữ của (...) (7)

 

Văn phải linh hoạt

 

"Cứng đơ" thì như máy móc. "Linh hoạt" thì như tự nhiên.

 

Máy móc có thể "hoạt" lắm, nhưng "hoạt" mấy đi nữa trông cũng không "linh".

 

Văn phải như nước như mây chứ đừng như máy!

 

--

 

Văn phải linh hoạt. Văn không linh hoạt gọi là văn cứng đơ, thấp khớp.(8)

 

Mặn chữa dễ hơn nhạt

 

Văn mặn đây là văn có nội dung, chỉ cách diễn còn nặng. Chữa là sửa lời cho bớt nặng. Sửa sao cho hình thức nhẹ nhàng mà vẫn chở được nội dung, tức là biến văn xoàng văn thường thành văn hay, đâu phải chuyện dễ!

 

Văn nhạt đây là văn không có nội dung. Không có cái gì để diễn thì làm sao nên tác phẩm giá trị được! Cho nên chữa mới càng khó. Thực ra không phải là chữa mà là trước tiên tập trung lại vào đề tài xem có nẩy được cảm nghĩ gì đáng diễn hay không...

 

Món ăn mặn nhạt là chuyện hoàn toàn khác, vì mặn nhạt là do thừa thiếu muối chứ không liên hệ gì đến "nội dung" của món ăn là thịt, cá, tôm... Nếu muốn so món ăn với bài văn, phải nói món ấy ngọt hay nhạt. Canh thịt mà không có thịt thì ngọt thịt làm sao được! "Chữa" canh hỏng lối này chỉ có cách tìm cho ra thịt rồi nấu nồi khác!

 

--

 

Phải ngửi lại, nếm lại cái lời mình viết ra (...) trước khi bưng nó ra cho người khác thưởng thức (...) theo chỗ tôi biết, hình như câu gì, trang gì mà mặn - dù có mặn đắng, mặn chát cũng vẫn chữa dễ hơn là những câu nhạt và những trang nhạt (...) khác hẳn với sự cấp cứu chữa chạy trong việc nhà bếp.(9)

 

Phải đọc lại cả bằng tai

 

Nhạc chứa cảm xúc của người làm ra nó và nhạc gợi cảm với người nghe nhạc có tâm hồn đa cảm. Để nối tâm hồn với tâm hồn, không gì bằng nhạc. Trước kia ta sống chủ yếu bằng tâm hồn, nên văn ta tự nhiên chứa nhạc.

 

Bây giờ đa số mọi người hầu như chỉ còn là cái óc suy luận. Viết là để trình bày suy luận. Đọc là để tiếp thu suy luận. Nối loại óc này với nhau, không cần làm nhạc. Chỉ cần ráp một số ký hiệu mang nghĩa qui ước theo cách nhất định, là đủ.

 

Văn có nhạc thì mới nên nhờ tai đọc lại.

 

Chứ văn "tê thấp và thấp khớp", xin cho tai được miễn!

 

--

 

Viết ra rồi, chưa có nghĩa là đã xong hẳn (...) (Phải) đọc lại bằng mắt, đọc lại bằng tai. Đọc thầm bằng mắt và đọc to lên bằng miệng để cho tai cũng đọc (tức là nghe) với (...)

 

Tự mình kiểm tra về tính trong sáng của văn mình, cặp mắt vẫn là ở hàng đầu, rất cần, nhưng một mình nó riêng tôi cho là chưa đủ. Có những tiếng, những chữ mỗi lần vác từ trong kho dân tộc ra mà dùng, cần phải gieo nó xuống, cần phải gõ nó lên mà đo lại cả những vòng ngân vang của nó. Người đã làm nổi thơ thì rất hiểu sự quan trọng của tai, cái tai nhạc của nhà thơ giúp việc đắc lực cho sự trong trẻo của lời thơ. Mà người làm văn xuôi cũng phải hiểu điều này (...) Bởi không thấy được cái tiềm lực kín đáo của chất nhạc trong mọi cái hơi của văn xuôi, cho nên đã bục ra một số hiện tượng tê thấp và thấp khớp tại chỗ văn xuôi này, tại chỗ văn xuôi kia (...) (Văn xuôi có chất nhạc), hãy khá đừng lẫn nó với cái kiểu văn xuôi biền ngẫu con hoang của thể phú! (cái thứ nhạc biền ngẫu ấy đã từng phá đám mất bao nhiêu là trang văn xuôi có thể là hay) (10)

 

Đừng thiếu, càng đừng thừa

 

Lý tưởng là không thiếu không thừa. Nhưng chẳng thà thiếu hơn thừa. Tại sao?

 

Có phải vì cái thiếu nó vắng mặt, trong khi cái thừa nó giơ mặt nó ra tích cực làm giảm giá trị tác phẩm?

 

--

 

(Nguyễn Tuân cho biết ông chia xẻ hai ý kiến sau đây, nhất là ý kiến thứ hai:)

 

"Anh phải viết như thế nào để khi người ta đọc đi đọc lại thật kỹ vẫn thấy không thể thêm vào được một chữ nào".

 

"Anh phải viết như thế nào để khi người ta đọc đi đọc lại thật kỹ vẫn thấy không thể bớt đi được chữ nào".(11)

 

Phải chịu thương, chịu khó

 

Người thợ ty-pô già thì có gì đáng sợ. Sợ là sợ cái tờ báo sau lưng người ấy đấy, cái nơi vẫn gửi tiền cho nhà văn tiêu đấy.

 

Áp lực của vật chất, hay bất cứ thứ áp lực gì, có làm hại văn chương chăng?

 

Khó nói. Một mặt, dĩ nhiên nó đã khiến ra đời hằng hà sa số tác phẩm đọc để... quên ngay lập tức. Mặt khác, biết đâu khi bắt đầu viết ta không có hứng nhưng viết một lúc thì hứng sẽ đến ào ào (cũng như ngược lại, có lúc cầm bút lên thì đầy hăng hái nhưng viết chưa được mấy đã đâm chán)...

 

Có lẽ áp lực vừa phải là tốt nhất.

 

--

 

Phải nói rằng Nguyên Hồng là người kiên trì trong công việc sáng tác. Có những ngày, có những buổi anh không hứng thú gì lắm – nói một cách văn hoa thì chúng tôi gọi là "đầu ngòi bút không thấy động gió" – nhưng Nguyên Hồng vẫn cặm cụi viết (...) Riêng tôi những lúc (...) tờ giấy trắng cứ như hất ngang ngòi bút mình đi, cứ lặng tờ mà khước từ bất cứ ý định câu cú nào định ươm ướm thả xuống – thì tôi lại phải nghĩ đến Nguyên Hồng, lấy cái chịu thương, chịu khó ở anh ra mà tự động viên mình. Đêm thanh vắng còn gì dễ sợ bằng trang giấy nguyên như thế cho tới gần hết đêm. Mà canh này nối tiếp canh khác đêm cứ trôi đều trên cái trắng băng ấy (...) . Mà thế nào thì sáng mai cũng phải sang được bờ bên kia (...) Thấy muốn nguyền rủa bè lũ hình tượng chữ nghĩa nó hè nhau từ giã mình, mình bỗng chốc là kẻ cùng đường bên sông chữ quạnh trắng thê lương. Ấy chính lúc khốn cùng ấy hình ảnh Nguyên Hồng thình lình hiện ra in hệt một ông chở đò tận tình đưa mình sang ngang cho kịp (...) Bên kia bờ văn đã thấp thoáng cái người thợ ty-pô già đang ngóng bài (...) (12)

 

Công đức lập ngôn

 

Nhà văn "lập ngôn" chứ không "lập từ". Nghĩa là không đặt ra một từ nào cả, mà dùng những từ sẵn có viết nên những lời văn vừa đúng tinh thần ngữ pháp dân tộc lại vừa sáng tạo. "Công đức" là ở chỗ sáng tạo. Tuy Nguyễn Tuân phát biểu trong lúc giới thiệu tác phẩm của người khác, nhưng kể từ ngày văn xuôi Việt Nam ra đời đến nay, chính ông mới là người góp được nhiều công đức nhất.

 

"Công đức lập ngôn của nhà văn nó mở mang thêm vốn liếng dân tộc về tiếng nói"?

 

Thiết tưởng không phải thế. Cơ bản, nhà văn huy động vốn ngôn ngữ dân tộc cách sáng tạo để làm ra những tác phẩm có giá trị biểu dương vốn, chứ không thực sự thêm được gì đáng kể vào vốn.

 

Lời văn Nguyễn Tuân hay tuyệt, nhưng có khiến được bao nhiêu người Việt Nam đổi lời mình nói đi ít nhiều đâu! Nông nỗi bởi đông đảo nhân dân không quen thuộc với văn ông, hơn nữa dù có bị ép đọc thật nhiều thì chính cái tính chất tinh hoa của nó cũng khiến họ không thể nào lĩnh hội được. Ngay Kiều cũng chủ yếu là biểu dương tiếng nói dân tộc...

 

Nếu xem ngôn ngữ như một cái "cây" mọc lên từ "đất" là thực tế đời sống, thì thơ văn giá trị là hoa chứ không phải thân cành lá của cây ấy. Cứ mỗi lần có một nhà văn "lập ngôn" thành công, trên "cây tiếng" lại thấy có thêm một "đóa lời", còn thân cành lá nó thì cơ bản vẫn y nguyên.

 

--

 

Và theo tôi nghĩ (...) là một cái chuẩn quan trọng – nếu không là duy nhất – để nhận định giá trị của một nhà văn (...) Cụ thể (...) công đức lập ngôn của nhà văn nó mở mang thêm vốn liếng dân tộc về tiếng nói được tới mức nào (...) (nhà văn) đã góp được phần sáng tạo của mình vào ngôn ngữ Việt Nam như thế nào (...) (13)

 

__

(1) Vũ Thư Hiên, "Sương xuân và hoa đào", trong Nguyễn Tuân - người đi tìm cái đẹp, nhiều tác giả, nxb. Văn Học, Hà Nội, 1997.

(2) Xem chú thích 1.

(3) Các nhà văn nói về văn, tập I, nxb. Tác Phẩm Mới, VN, 1985, tr. 62-63.

(4) NT - NĐTCĐ, không nhớ số trang.

(5) NT - NĐTCĐ, tr. 257.

(6) NT, "Đi, đọc, và viết", đăng Tác Phẩm Mới tháng 7,8 - 1972, in lại trong CNVNVV, tập I, tr. 159.

(7) CNVNVV, tập I, tr. 174.

(8) Xem chú thích 7.

(9) NT, "Về tiếng ta", đăng Văn Học số 3, 1966, in lại trong CNVNVV, tập I, tr. 175.

(10) Xem chú thích 9.

(11) NT trả lời phỏng vấn của Ngọc Trai, in trong NT - NĐTCĐ, không nhớ số trang.

(12) "Con người Nguyên Hồng", trong Tuyển tập Nguyễn Tuân, tập 2, nxb. Văn Hóa, VN, 1982, như in lại trong CNVNVV, tập I, tr. 196-197.

(13) "Thay lời giới thiệu", Truyện ngắn và tiểu luận của Thạch Lam, nxb. Hội Nhà Văn, VN, 1957, như in lại trong CNVNVV, tập I, tr. 176-177.