Chim Việt Cành Nam        [ Trở Về  ]            [ Trang chủ
Biến đổi khí hậu và 
dự án Điện hạt nhân ở Việt Nam

RFI phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn (*)

Thứ tư 11 Tháng Mười Hai 2013

RFI :
Thưa Giáo sư, như Giáo sư biết, Hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu lần thứ 19 ở Vacxava bế mạc cách đây hơn hai tuần. Được tổ chức hai năm trước Hội nghị quốc tế về khí hậu tại Paris (năm 2015), mà thành công hay thất bại của Hội nghị Paris sẽ có ảnh hưởng quyết định đối với khả năng nhân loại duy trì được mức nhiệt độ không tăng quá 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp hóa, tức là mức tăng nhiệt độ được coi là « tương đối an toàn » đối với hành tinh chúng ta. Đây là điều khiến Hội nghị Vacxava rất được chú ý. Ngay sau khi Hội nghị kết thúc, tạp chí Khoa học hàng tuần của RFI đã có chương trình giới thiệu chung về chủ đề này. Hội nghị Vacxava liên quan như thế nào đến Việt Nam, đặc biệt trong việc đối phó với những biến đổi khí hậu bất thường, có xu hướng ngày càng trở nên khốc liệt hơn là một vấn đề cũng rất được công chúng quan tâm. Trước khi đi vào chủ đề chính, trước hết xin Giáo sư cho biết một số ghi nhận và đánh giá chung của Giáo sư về hội nghị Vacxava vừa qua.

Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn :
Nhiều người tham dự đã chỉ trích sự lựa chọn Varsovie cho địa điểm hội nghị. Thực tế, Ba Lan không làm rạng danh châu Âu về việc bảo vệ khí hậu. Ba Lan đã thông báo giữa hội nghị về sự ưu tiên cho " khí đá phiến " (gaz de schiste) và tổ chức song song một cuộc họp nghị thượng đỉnh về than sạch ! Nó giống như việc mời người ta đến tham dự buổi tiệc ăn chơi của ngành công nghiệp thuốc lá được tổ chức bên cạnh một hội nghị quốc tế về ung thư ! Đó là một sự khiêu khích thật sự !

Một điều đáng lưu ý khác : thảm họa tại Philippines do cơn bão Haiyan đã tạo nên cơn chấn động cho toàn thể những người tham gia hội nghị. Đó là cơ hội tốt để các nước phía Nam nhắc nhở các nước phía Bắc về trách nhiệm lịch sử của họ trong việc nóng lên của khí hậu. Liên minh bốn cường quốc đang trỗi dậy Brazil, Nam Phi, Ấn Độ và Trung Quốc tuyên bố không đồng ý một thỏa thuận nhượng bộ.

Cách đây 3 năm, các nước giàu chịu trách nhiệm 52% tổng số khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Từ nay trở đi ta có thể nói rằng các nước phía Bắc và phía Nam chịu trách nhiệm tương đương nhau. Chiếm 29% tổng số khí thải CO2 toàn cầu, Trung quốc đã trở thành nước gây ô nhiễm nhất hành tinh. Các nước đang phát triển và Trung Quốc tố cáo mạnh mẽ các quốc gia công nghiệp về sự chậm trễ trong việc chống lại sự nóng lên của khí hậu. Họ yêu cầu có sự minh bạch hơn trong việc huy động 100 tỷ đô la mỗi năm mà các nước giàu đã hứa tại Copenhague. Sự ích kỉ của nước này, sự không nhân nhượng của nước khác đã không cho phép thỏa thuận tiến triển.

Tố cáo sự chậm chạp và các kết quả đầy thất vọng, các tổ chức môi trường ONG đã rời khỏi Varsovie một ngày trước khi bế mạc hội nghị. Sau khi kéo dài thêm hơn 24 tiếng đồng hồ, một thỏa hiệp vào phút chót mới được thông qua. Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu văn bản Varsovie có thể đưa đến một thỏa thuận tại Paris năm 2015 hay không?

RFI :
Trong vấn đề Biến đổi khí hậu, có thể chia ra hai mảng chính. Mảng nguyên nhân, tức là các nhân tố dẫn đến Biến đổi khí hậu và mảng hậu quả, tức là các tác động của Biến đổi Khí hậu. Nhiều quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam, không phải là nguồn mang lại các tác nhân chính gây ra Biến đổi khí hậu, nhưng lại là những nơi có nguy cơ bị Biến đổi Khí hậu tác động nhiều. Theo Giáo sư, trong tình hình Biến đổi Khí hậu hiện nay, những nước nào trên thế giới đứng trước các đe dọa lớn hơn cả ?

GS Nguyễn Khắc Nhẫn :
Theo Maplecroft, cơ quan phân tích rủi ro của Anh, 10 nước nghèo nhất là những nước dễ chịu nhiều rủi ro nhất : Bangladesh, Guinée-Bissau, Sierra Leone, Sudan, Nigeria, Haiti, Cam Bốt, Cộng hòa dân chủ Congo, Philippines, Ethiopia.
Nhóm thứ hai - những nước chịu những rủi ro cực độ - là Ấn độ (thứ 20), Pakistan (24), Việt Nam (xếp thứ 26). Việt Nam nằm trong nhóm các nước có nguy cơ đặc biệt lớn. Những rủi ro cho nước ta cũng giống như nhiều nước là : bão ngày càng lớn và thường xuyên hơn, ngập lụt tăng cao do nước biển và sông, sói mòn, đất trượt, tài nguyên nước và dự trữ nước ngọt giảm, mực nước biển tăng, ngập úng, mặn hóa, hiệu suất nông nghiệp giảm, đói kém, tử vong tăng do các dịch bệnh vì nhiệt độ tăng... Nếu các chính phủ chậm trễ trong việc phản ứng, họ sẽ bất lực trước việc di chuyển của hàng trăm triệu người tị nạn vì thời tiết.

RFI :
Giáo sư nhìn nhận như thế nào về các chuẩn bị của Việt Nam hiện nay để đối phó với các nguy cơ Biến đổi khí hậu ?

GS Nguyễn Khắc Nhẫn :
Trước hết tôi muốn giới thiệu với các bạn cuốn sách nổi bật của Tiến sĩ Nguyễn Thọ Nhân với tiêu đề « Biến đổi khí hậu và Năng lượng » xuất bản năm 2009 tại Nhà Xuất Bản Trí Thức – Hà Nội. Giáo sư Phạm Duy Hiển đã bày tỏ lòng cảm phục đặc biệt đối với tác giả bằng cách giới thiệu vấn đề một cách trân trọng và tài hoa trong lời nói đầu. Giáo sư đã tuyên bố: Đứng trước thảm họa biến đổi khí hậu toàn cầu, chính là cơ hội để mọi người, từ nhà lãnh đạo quốc gia đến chủ doanh nghiệp và người dân thường, nhận ra sai lầm trong lối tu duy, cách hành xử và tập quán sử dụng năng lượng phi phạm của mình. Chỉ có năng lượng tái tạo mới trường tồn cùng loài người như một sắp đặt của Tạo hóa.

Theo tôi, khả năng thích ứng của Việt Nam thấp, do thiếu quyết tâm chính trị và tài chính. Những công việc đồ sộ cần thực hiện không được chậm trễ như : rà soát lại quy hoạch đô thị và kế hoạch phòng chống, xây dựng lại cầu đường và nhà cửa, bảo vệ các công trình, làm sạch hệ thống dẫn nước, bảo vệ các đê, đập, di chuyển dân cư... Nếu chúng ta càng trì hoãn, càng khó cho việc đối đầu với các đe dọa và thiệt hại sẽ lớn hơn, khó xử lý hơn. Còn đợi bao nhiêu thảm họa thời tiết nữa để chính quyền mới dành ưu tiên cho việc chống lại sự nóng lên của khí hậu ?

Nếu xem xét tốc độ tăng trưởng của khí thải hiệu ứng nhà kính, chúng ta phải thi hành ngay bây giờ, mặc dù đây là công việc cần phải làm trường kỳ. Sự phát triển bền vững cần có sự thay đổi về thái độ của dân chúng. Các kĩ sư và các nhà khoa học cần hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia về khoa học xã hội, nếu họ muốn thành công trong công việc khó khăn này.

Ngày 6 và 7/11 vừa qua, Philippines đã chịu trận bão Haiyan, vô cùng ác liệt, gây thiệt hại lớn nhất từ nửa thế kỉ nay : gió từ 315 km/h (đến 379 km/h). Cơn bão đã tàn phá tất cả trên đường đi từ đông sang tây với chiều dài 600 km, như một cơn sóng thần. Cơn bão Haiyan, thay đổi đột ngột đường đi của nó và giảm vận tốc gió xuống còn 120-130 km/h, trước khi đổ bộ vào Viet Nam. Sự may mắn đó khó lặp lại nhiều lần. Làm thế nào để đất nước ta có thể đối mặt với một thảm họa như ở Philippines? Vì lí do an toàn, nhà chức trách đã di chuyển hơn 600.000 người. Nhưng một sự di tản lớn hơn không phải là không thể xảy ra trong lần báo động khác.

Những trận lụt kinh hoàng như vào tháng 11/2013 vừa tàn phá miền Trung Việt Nam có nguy cơ sớm trở lại và đặt dân chúng vào tình thế hết sức nguy hiểm. Ở đây, sự phá rừng đã làm tình hình thêm trầm trọng.

Đầu tháng 12 cùng năm nay, đường phố của nhiều khu dân cư ở TP HCM đã biến thành sông, do vỡ đê. Điều chưa từng thấy trong vòng 60 năm qua. Cũng như tại Hà Nội và nhiều thành phố khác, những cảnh tệ hại này sẽ lặp lại khi mưa lớn. Chiến lược khả dĩ nào để đối đầu với thảm cảnh hằng năm này và để giảm thiểu những hậu quả tai hại đó ?

Chính quyền cũng lo ngại cho sự an toàn của 1200 hồ chứa và đập trong tổng số hàng ngàn cái hiện nay. Mỗi năm hơn chục cơn bão và lũ làm khổ miền Trung Việt Nam, vốn khó khăn về kinh tế hơn miền Bắc và miền Nam.

Người dân lo ngại và phản đối mạnh về việc xả nước đồng thời của hàng chục đập đầu nguồn, điều này đã làm tăng lưu lượng nước một cách nguy hiểm ở hạ lưu, gây nên nhiều thương vong và làm hư hại mùa màng cũng như hàng ngàn ngôi nhà. Tại sao phải xây dựng cấp tốc các đập như thế ? Liệu việc hoạch định các công trình thủy điện trong hệ thống điện quốc gia có được thực hiện đúng phương pháp khoa học và đáng tin cậy không? Nhà nước vừa từ chối cấp phép cho việc thực hiện 424 dự án. Đây là thời điểm quan trọng để lập lại trật tự trong lĩnh vực này.

RFI : 
Dự án Điện hạt nhân ở Việt Nam là mối quan tâm thường trực của Giáo sư từ 10 năm nay và Giáo sư cũng đã từng dành cho RFI một số cuộc phỏng vấn. Giáo sư đã nhiều lần nhấn mạnh đến tính chất không an toàn và tốn kém của điện hạt nhân. Riêng về vấn đề Điện hạt nhân trước nguy cơ Biến đổi Khí hậu, xin Giáo sư cho biết những điều mà theo Giáo sư cần phải lưu ý.

GS Nguyễn Khắc Nhẫn :
Hiện nay chính phủ Việt Nam có chương trình dự kiến lắp đặt 14 lò phản ứng hạt nhân (từ 1000 đến 1500 MW), khởi công từ 2014 và hoàn tất toàn bộ vào năm 2030 tại 5 tỉnh miền Trung Việt Nam, một vùng có rủi ro hết sức cao và diện tích quá eo hẹp. Các chuyên gia đề nghị những địa điểm này có lẽ không hề nghĩ đến những cơn gió bão có thể lên đến 350 km/h ? Vì vậy, tôi đề nghị chính phủ để khỏi bị ảnh hưởng trực tiếp các thảm họa thiên nhiên kinh khủng nối tiếp nhau, hãy tuyên bố từ bỏ ngay một chương trình quá tham vọng và tốn kém như vậy trước khi quá muộn.

Với độ lùi của thời gian và tính đến tần suất xuất hiện của các hiện tượng thiên nhiên (bão, động đất, lũ lụt, núi lửa) mà Philippines gánh chịu, nhân dân nước này có lẽ đã cảm thấy nhẹ nhõm phần nào vì nhà máy điện hạt nhân Bataan (620 MW) xây xong năm 1986, tốn 2,3 tỷ đô la, nhưng không được phép chạy. Chính phủ vào thời đó đã có một quyết định hết sức sáng suốt, biết hi sinh lò phản ứng công suất lớn đầu tiên, vì lí do gần điểm đứt gãy địa chất và núi lửa hoạt động.
Khi xảy ra trận lũ ngày 29/12/1999, Pháp từng suýt phải chịu một thảm họa lớn tại một nhà máy điện hạt nhân cách Bordeaux 60 km. Các máy bơm và hệ thống an toàn bị ngập do nước dâng lên đột ngột.

Về phần Việt Nam, nếu muốn khiêu khích tạo hóa, một hai cứ xây dựng những nhà máy Điện hạt nhân này, chính phủ sẽ phải lên kế hoạch di tản hàng triệu dân ở miền Trung Việt Nam (đặc biệt là các tỉnh Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Hà Tĩnh). Đồng bào sẽ phải sống trong sự sợ hãi của ba đe dọa thường trực : bão, lũ, phóng xạ, chưa kể động đất... hay sóng thần!

Sự nóng lên của khí hậu đặt ra các vấn đề đáng lo ngại về an toàn, trong thời gian xây dựng các nhà máy cũng như trọn thời gian khai thác. Hàng chục và sau đó là hàng trăm tỷ đô la đầu tư cho chương trình hạt nhân này sẽ có ích lợi xã hội hơn nhiều, nếu dùng số tiền này để chi phí cho kế hoạch thích nghi với biến đổi khí hậu của quốc gia ! Việt Nam phải dựa trên sức mình trước hết, bởi sự đóng góp của các quốc gia giàu mạnh sẽ quá nhỏ, nếu xét đến số lượng những nước trên thế giới cần được hỗ trợ.

RFI :
Nhiều người cho rằng phát triển điện hạt nhân tham gia vào việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, và đây có thể cũng là quan điểm của nhiều giới chức tại Việt Nam, xin Giáo sư cho biết nhận định của Giáo sư về chuyện này ?

GS Nguyễn Khắc Nhẫn :
Thật là sai lầm khi cho rằng hạt nhân có thể cứu được trái đất khỏi sự nóng lên của thời tiết. Thực ra, hạt nhân, trên đà suy thoái ngay cả trước thảm họa Fukushima, vào năm 2011 chỉ còn chiếm 11,7% tổng năng lượng điện thế giới. Hai phần ba năng lượng hạt nhân khi sản xuất bị mất đi dưới dạng nhiệt, đó là điều gây nên những tổn thất cho môi trường. Khác với những lời tuyên truyền không đúng sự thật, lượng khí CO2 thải ra trong toàn bộ các khâu của quá trình hạt nhân không phải thấp!

Tính đến sự đầu tư cần thiết cho sự tăng cường liên tục về an toàn, giá thành quá cao cho việc tháo gỡ nhà máy, việc quản lý lâu dài các chất thải phóng xạ và tổn thất gây ra bởi thảm họa, giá một kWh điện hạt nhân trên thực tế khó cạnh tranh được với năng lượng cổ điển hay tái tạo ! Hạt nhân quá nguy hiểm và phản kinh tế ! Tóm lại, để đối mặt với đe dọa khí hậu, Việt Nam cũng như tất cả các nước trên thế giới, không có lựa chọn chiến lược nào khác ngoài việc khai thác triệt để ngay từ bây giờ các nguồn năng lượng tái tạo, khuyến khích hiệu suất năng lượng và tiết kiệm năng lượng.

Đầu tháng 5/2011, bản báo cáo của 120 chuyên gia hợp tác với GIEC tuyên bố rằng đến 2050, nếu tất cả các nước đều quyết tâm, thì năng lượng tái tạo có thể chiếm gần 80% của tổng nhu cầu thế giới! Trong năm 2012, trên 250 tỷ đô la đã được đầu tư vào lĩnh vực then chốt này. Việt Nam không nên lỡ chuyến tàu của cuộc cách mạng năng lượng đã bắt đầu lăn bánh trên đường rầy.

Đối mặt với đe dọa khí hậu, chúng ta phải hành động ngay hôm nay, ngày mai sẽ quá trễ !

RFI :
Giáo sư làm công việc phổ biến kiến thức trong lĩnh vực điện hạt nhân từ nhiều năm nay. Bản thân Giáo sư đã liên tục đưa ra các cảnh báo đối với chính quyền Việt Nam. Giáo sư có cảm thấy tiếng nói của mình được chính quyền hưởng ứng và được lắng nghe ở mức độ nào đó không ?

GS Nguyễn Khắc Nhẫn :
Đây là một câu hỏi rất tế nhị. Từ 2003 đến nay, tôi đã viết và trả lời phỏng vấn cho các đài phát thanh ở Mỹ, ở Pháp, ở Anh... và đã được báo chí trong nước cũng như ngoại quốc đăng tải. Đến giờ nay tôi không biết chính phủ sẽ quyết định như thế nào, nhưng ngày đêm, tôi vẫn hy vọng những bài tôi viết, dành tất cả trí óc và tâm huyết đối với đất nước, đến giờ chót, chính phủ có thể rút lui có trật tự. Nếu không, theo tôi đất nước chúng ta sẽ lâm nguy, và sau này, thế hệ con cháu sẽ trách móc anh em chúng ta không có can đảm bảo vệ môi trường, bảo vệ đất nước, để dân chúng an lành, không sợ hạt nhân, không sợ khí hậu. Xin cảm ơn RFI đã cho tôi cơ hội để trả lời một cách thẳng thắn và đầy tâm huyết đối với đất nước.

RFI :
xin chân thành cảm ơn Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn.
 

----------------------------
(*) Nguyễn khắc Nhẫn,
Nguyên Giám đốc Trường Cao đẳng Điện học và Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ
Cố vấn Nha kinh tế, dự báo, chiến lược EDF Paris,
GS Viện kinh tế, chính sách năng lượng Grenoble,
GS Trường Đại học Bách khoa Grenoble.

Nguồn : http://www.viet.rfi.fr