Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]

Định Kiến, Cơ Duyên, Và Ước Nguyện: 
Vài Cảm Nghĩ Về VănChương-Blog

Trần Văn Nam

Đối với các thế hệ trẻ, vấn đề định kiến và cơ duyên không có gì đáng kể, vì cơ duyên duy nhất của họ là được tiếp xúc với computer ngay từ khi học trung học, hoặc ngay từ lúc học tiểu học ở các nước tiên tiến. Như vậy họ đâu có định kiến nào để e ngại khi đi vào thế giới ảo của điện tử. Chỉ ở các thế hệ khá lớn tuổi, có thể từ 50 tuổi trở lên, xuất thân học tập trong thế kỷ 20 ở các nước chưa phát triển, thì họ mới có những ngần ngại, hoặc tệ hơn có các định kiến (như người viết bài này) khi chưa biết rõ những tiện ích vô song của sáng tác và tiếp nhận chữ nghĩa trên các trang mạng toàn cầu. Vậy, xin nêu ra những định kiến mà người viết bài này thuở ban đầu đã từng có, rồi nhờ các cơ duyên đưa tới mà giải tỏa định kiến.Tuy nhiên, ta vẫn còn nhận thức thấy thế gới ảo của điện tử dường như có những bất trắc, sợ e không bền vững như thế giới in ấn chữ nghĩa trong sách báo, vì vậy xin nêu ra thêm trong bài này những ước nguyện. Định kiến có thể là chung cho một số người cùng thế hệ, nhưng cơ duyên giải tỏa định kiến chắc chỉ riêng biệt cho từng người. Và ước nguyện thiển nghĩ cũng là chung ước nguyện, nhưng có thể còn nhiều ước nguyện mà người viết bài này không nêu ra hết cho đầy đủ. Vậy bài viết mong đóng góp ở đây nghiêng nhiều về định kiến chung có thể giúp ích cho chủ đề VănChương-Blog (Từ ngữ này thấy lần đầu tiên ở mạng "tranhoaithux.wordpress.com"). Những từ ngữ khác cùng chủ đề này, nay ta đã quen nghe như Văn-Học Việt Nam Thời Toàn-Cầu-Hóa (Từ ngữ thấy trong "tienve.org"); Thông Tin Trên Xa Lộ Toàn Cầu. Chắc còn nhiều từ ngữ mới cùng loại mà người viết bài chưa nghe nói đến.

Thật xa xôi cách nay đến 15 hay 20 năm trên nhật-báo Việt-Báo ở Westminster-California, nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh có một bài viết dài về Thông Tin Trên Xa Lộ Toàn Cầu, lúc ấy người viết bài có đọc tới, nhưng tỏ ra thờ ơ vì cảm tưởng như nhà báo tiên liệu về một tương lai còn xa mờ về thông tin hoặc sáng tác trên điện tử, cảm tưởng nó như truyện giả tưởng. Cứ đinh ninh điện tử chớp hiện chớp tắt thì làm sao sánh bằng chữ viết chữ in trên giấy. Điện tử trên màn ảnh thì làm sao còn mãi khi ta tắt máy computer. Vậy định kiến thứ nhất đối với người viết bài này là: Chữ nghĩa trên điện tử phù du, không được lưu trữ lâu dài. Công đâu mà viết bài gửi đăng để thấy nó hiện lên ngắn ngủi trên màn ảnh computer. Duyên cơ đã đến khi nhà thơ theo khuynh hướng tân kỳ Hà Nguyên Du, tình cờ ngồi uống cà phê tại quán Factory ở Westminster, cho biết có nhiều bài viết về văn chương rất hay trên trang mạng "talawas.org" của nhà văn Phạm Thị Hoài cư ngụ bên Đức. Lúc ấy, đã vào năm 2004, kể như khá trễ biết đến bài vở trên các trang mạng toàn cầu trong khi các bạn cùng trang lứa đã biết sử dụng computer và đóng góp bài trên thế giới điện tử. Cho đến khi "talawas.blog" ngưng hoạt động vào ngày 3 tháng 11 năm 2010, sau 9 năm hiện diện, nhưng các bài vẫn được lưu trữ như ở thư viện trong đề mục "Tác Giả Talawas" gồm "Blogger" và "khách Mời". Ta có thể quay lại để tra cứu bất cứ lúc nào khi "click" vào "talawas.org", rồi "talawas.blog". Thư viện điện tử này là ví dụ đầu tiên để ta tin tưởng lạc quan về bài vở sẽ được lưu trữ, dù người chủ trương đã rút lui không còn lèo lái trên xa-lộ thông tin toàn cầu. Ví dụ (không thể kể hết ra đây hàng mấy ngàn bài khác trên "talawas.blog), các đóng góp viết về thơ Quang Dũng; về thơ phơi bày tính trung thực thời từng cầm quân tác chiến như Trần Hoài Thư; hoặc chuyện tình đời thường mà đẹp thuộc về thời chiến như trong thơ Phù Hư; hoặc về thơ tân kỳ của các nhà thơ thuộc khuynh hướng Hậu Hiện Đại; hoặc về các bài quân ca thể hiện ước mơ của người xưa; hoặc về các tập truyện mang nhiều tính xã hội của Viên Linh, đều còn tồn tại trong mục "Khách Mời" trên mạng "talawas.blog".

Vậy định-kiến thứ nhất cho rằng văn chương điện-tử phù du, kể như được giải tỏa phần nào. Còn định kiến thứ hai: Mỗi ngày đọc trên mạng bốn năm bài thì ta cứ miệt mài ngồi trên bàn có đặt máy, không những ở một mà còn theo dõi ở nhiều mạng điện tử khác, vậy ta sẽ mệt nhoài hay mỏi mắt, không được thư thái như khi ngồi đọc nhật báo in trên giấy ở nơi quán cà phê hay ở một góc nhà; không tập trung thâu nhận như khi ngồi đọc sách trên ghế dưới ánh sáng đèn hoặc dưới hiên nhà gió ngoài vườn thổi qua dịu mát. Rồi một duyên cơ đưa tới giúp tôi cởi bỏ định kiến bài nhiều quá trên online và định kiến phải ngồi cố định trước computer. Đó là khi nhà văn Lữ Quỳnh báo cho tôi biết thử mở coi trang mạng điện-tử "vanchuongviet.org" do anh "Nguyễn Hòa VCV" cư ngụ ở Việt Nam chủ trương. Lúc nhà văn Lữ Quỳnh cho biết là lúc tôi ngồi cùng anh và một số bạn quen ở quán cà phê Factory tại Westminster California. Nóng lòng muốn biết, tôi ghé mắt coi "Laptop" của một người cũng quen thân đang ngồi trong quán, nhờ anh "Click" vào chỗ tìm kiếm trên Google, quả nhiên tôi thấy một loạt bài "post" lên cùng ngày. Dưới mỗi bài được trích dẫn một câu, khi "click vào nhan đề thì toàn bài hiện ra. Khi bài hiện ra, kèm theo bên cạnh tất cả bài của cùng tác giả được xếp theo thứ tự thời gian trước sau bài được đăng lên. Cũng do thứ tự thời gian này mà hai hình bìa của Tạp chí Văn Học số 80 (Sài Gòn, năm 1968) và 140 (Sài Gòn, năm 1971) được đưa lên ngày 18 tháng 7 năm 2012, trùng thời gian đăng bài "Nghĩ Về Di-Cảo Mấy Ngàn Trang Của Một Nhà Thơ Yểu Mệnh", liên hệ gắn liền chỉ do một lượt đăng lên. Còn khi "click" vào chính tên tác giả (không phải click vào bài) thì cũng tất cả bài của cùng tác giả hiện ra, nhưng lần này theo thứ tự A B C... của nhan đề. Trên mạng "vanchuongviet.org", khi ta tìm bài của một tác giả nào đó, click vào đề mục "Tác Giả" theo vần A B C... của họ tác giả, trùng họ nhiều quá như họ Nguyễn chẳng hạn thì ta lưu ý thêm thứ tự 1 2 3 4... ở phía dưới. Từ ngày anh Nguyễn Hòa VCV bị bệnh, cần tịnh dưỡng, tôi thấy số bài xuất hiện trên mạng mỗi ngày dường như ít hơn trước đây. Ở mạng điện tử như "vanchuongviet.org", ta dễ theo dõi dù mỗi ngày bài đăng trên mạng dồi dào, và cho dù bài đã đăng khá lâu rồi trong quá khứ. Vậy thì định kiến khó theo dõi bài trên mạng điện tử cũng vơi đi phần nào. Vơi đi mà chưa hết hẳn, vì có mạng điện tử bài cũng dồi dào, cũng hiện diện lâu dài trong nhiều năm, mà tìm bài cũ hay tìm tên tác giả, ta không biết đâu mà tìm lại, ngoại trừ các tác giả tiếng tăm hoặc bài viết nổi tiếng thì mới xuất hiện khi ta đánh máy tìm đúng tên của bài ấy. Ví dụ trên mạng "diendantheky.net", khi ta tìm tên tác giả như Vũ Hoàng Chương hay Nguyên Sa hay đề tài thường được nhắc nhở như "Mekong" thì mới dễ tìm ra... Còn định kiến đọc bài trên computer phải ngồi cố định trước máy, thì nay được giải tỏa với các máy computer di động như Laptop, iPad, hoặc các smartphones rất nhỏ mà chức năng cũng gần đầy đủ như máy computer đặt trên bàn ở nhà mình.

Định kiến thứ ba liên hệ đến việc thực hiện bài viết, tức đánh máy sáng tác bài trên computer, không theo cách sáng tác viết bài trong giấy. Trước đây, ta nghĩ đánh máy trên bàn đánh máy chữ đã thấy mất hứng rồi, huống chi lại đánh máy trước màn ảnh để sáng tác. Thật ra sáng tác thơ, đúng là không cần ngồi vào bàn mà là sáng tác trong đầu rồi viết lại vào giấy, đó là đối với các bài thơ ngắn như lục bát cần tập trung những câu thật hay thật ấn tượng ở cuối bài. Nhưng sáng tác bài thơ dài thì cần trang giấy trước mặt. Rồi cứ thử sáng tác trên computer đôi lần, ta sẽ thấy sáng tác dễ dàng gấp bội lần đánh máy chữ như trước đây. Ta sẽ thấy đánh máy trên màn ảnh dễ bôi xóa chữ bằng nút "Backspace", dễ xuống hàng bằng nút "enter", dễ bỏ dấu tiếng Việt theo cách thức VNI hay Télex hay VIQR; dễ xóa các dòng đã lỡ đánh máy rồi ở đoạn trước, xóa bằng nút "delete". Đánh máy kiểu nào thì với các computer hiện đại sẽ tự động chuyển qua Unicode cho mọi nơi tiếp nhận đều đọc được với đầy đủ các dấu tiếng Việt. Ban đầu, ta tưởng ngồi đánh máy trên màn ảnh sẽ mất hứng. Một khi nhuần tay đánh chữ bỏ dấu tiếng Việt, ta sẽ thấy sáng tác cũng lướt đi như như khi viết trên giấy. Nếu sử dụng được mười ngón tay thì càng tốt. Nếu không, thì vài ngón tay đánh máy cũng rất mau nhờ "backspace" và "enter" như đã nói ở đoạn trên. Một số chủ nhân trang mạng, nhờ kinh nghiệm hoặc tra cứu nên có thể áp dụng được cách thức đưa bài hát trong "Youtube-Music" vào cuối bài viết, chỉ cần "click" tên bản nhạc thì bài hát được trình bày ngay, như ở trang mạng "banvannghe.com". Hoặc đưa hình ảnh sống động vào trong bài thơ, như bài thơ "Mưa Núi" của Lê Hân với hình ảnh hàng hàng giọt mưa rơi xuống từ mái tranh miền sơn cước, thấy được ở trang mạng "luanhoan.net". Nhưng đối với "banvannghe.com", ta tìm bài cũ theo thiển nghĩ hơi mất thì giờ vì phải lướt qua từng kỳ đăng bài theo thứ tự từ 1 đến 40 hay 50 qua các đề mục như "Bài Mới Nhất" hoặc "Bạn Văn" hoặc "Phiếm Văn Nghệ" hoặc "Tin Thơ và Thơ". Chẳng hạn tìm bài "Văn học Hải Ngoại Như Một Món Quà Cho Quê Hương", ta "click" đề mục "Bài Mới Nhất" và lần lượt click đến số 18 thì mới tìm ra. Nếu như tìm bài ở đề mục "Tin Thơ và Thơ" thì lần lượt với thời gian lâu hơn vì "Tin Thơ và Thơ" đã đến số 226 ... Còn với "luanhoan.net", ta tìm theo cách thức: click đề mục "Sáng Tác Bốn Phương", lựa chọn bài thuộc năm 2011 hoặc 2012 hoặc 2013, rồi tìm bài đăng từ đầu năm đến cuối năm. Nếu bài ở đầu năm hay cuối năm thỉ dễ tìm, ở lưng chừng giữa năm thì hơi khó vì có đến hơn trăm bài cho mỗi năm được đăng trên "luanhoan.net". Những điều hơi khó trên chắc lần hồi sẽ được đổi thay. Trong khi đó với mạng "namkyluctinh.org", ta nhận ra sự truy cập bài cũ có vẻ mau hơn. Cái tên Nam Kỳ Lục Tỉnh, nghe tưởng là địa phương, nhưng thực sự chủ trương của mạng điện-tử này như sau: "Nam Kỳ Lục Tỉnh là diễn đàn của các nhà biên khảo và sáng tác không phân biệt sinh quán viết về Lục Tỉnh. Địa danh Nam Kỳ Lục Tỉnh mà vua Minh Mạng đã đặt tên từ năm 1834... Ước mong của trang mạng NKLT là được người viết ngoài nước và trong nước đóng góp... để nguồn tài liệu về vùng đất mới này được phong phú...". Chỉ nói về vấn đề truy cập, trên mạng này có nhiều hàng chữ đề mục, ta chọn chẳng hạn đề mục "Văn Học-Biên Khảo" thì tên các tác giả hiện ra, ta lần xuống tìm bài của tác giả.

Một định kiến nữa khi ta thấy các bài hát trên Youtube-Music hiện ra cùng lúc với bài viết mà một tác giả muốn nối liên hệ để minh họa, ta đinh ninh chỉ các người giàu kinh nghiệm mới gửi bài hát kèm theo bài viết được. Người chủ trương mạng điện tử "chimvietcanhnam.free" (bên Pháp) đã làm cho bài viết kèm bài hát cùng lên mạng nhanh chóng, do đó chỉ cần "click" nhan đề bài hát (cùng một cách thức như đã kể ở "banvannghe.com"); hoặc click hàng chữ dấu hiệu đặc biệt (nhiều chữ làm nên dấu hiệu thấy khá lạ thuộc về kỹ thuật lên Youtube). Đối với thế hệ trẻ rành về computer thì đây đâu phải định kiến rồi được giải tỏa do lần đầu gửi đi rồi chứng kiến video được trình bày, mà thật ra thế hệ trẻ đã thực hiện những thao tác gửi và thưởng thức này từ lâu trên chính computer của họ. Với mạng điện tử này, cứ 3 tháng người chủ trương mới tập trung bài viết mới cho môt kỳ và được gọi tên như cách đánh số của Tạp chí in trên giấy, ví dụ "ChimVietCanh Nam" số 43, số 44... đến nay "Chim Việt Cành Nam" sắp đến số 52, nghĩa là đã hiện diện gần 13 năm rồi.

Định kiến thứ năm mà người viết bài này muốn nêu ra: có dư luận cho rằng chỉ Tạp chí in trên giấy mới dễ mời mọc tìm đến để đọc, còn Tạp chí văn chương điện tử xuất hiện quá nhiều, làm sao theo dõi hết. Đúng là như vậy, nghĩa là lần này xin không nêu sự giải tỏa định kiến, mà chỉ nêu duyên cơ làm ta gặp gỡ một mạng điện tử văn chương nào đó. Xin nhắc lại bốn định kiến đã nói ở các đoạn trước: - văn chương điện tử là chữ nghĩa ảo - văn chương điện tử không lưu trữ lâu dài - ngại rằng không hứng cảm sáng tác trên màn ảnh - chỉ những người chuyên môn mới gửi được bài kèm hình ảnh hoặc video. Vậy định kiến thứ năm do cảm nghĩ mạng điện tử quá nhiều làm sao theo dõi cho hết (gần giống như trường hợp nhà văn Lữ Quỳnh giới thiệu mạng "vanchuongviet.org" giúp giải tỏa định kiến chữ nghĩa ảo nên từ lâu đã thờ ơ). Bây giờ thì không có vấn đề giải tỏa gì mà chỉ nói về gặp gỡ. Đó là khi nhà văn Nguyễn Văn Sâm giới thiệu cho tôi biết mạng Thư Viện Sáng Tạo: "sangtao.org". Mạng điện tử này sắp xếp mỗi tác giả đóng góp bài vào một "Category" với tên của tác giả, ví dụ "Võ Công Liêm/Sáng Tạo"; "Đinh Cường/Sáng Tạo" hoặc "Nguyễn Văn Sâm/Sáng Tạo" (viết đầy đủ dấu tiếng Việt"). Viết category này trên "Google" thì ngay tức khắc tất cả bài của tác giả đã đăng trên "sangtao.org" đều hiện ra theo thư tự bài mới đến bài cũ đã "post" lên mạng. Vậy khi cần đọc, ta gõ máy tìm "sangtao.org" để vào mạng Thư Viện Sáng Tạo, hoặc chỉ cần tìm "category" nào đó trên mục truy cập của Google (Google rất phổ biến khắp toàn cầu hiện nay). Hơn nữa, "sangtao.org" đều báo tin hằng ngày cho độc giả và tác giả về các bài mới được đưa lên mạng, kể luôn việc đưa vào đôi khi những video âm nhạc.

"Category" đã là quý khi được sắp xếp như vậy; "Archive" (văn-thư-khố) lại càng làm cho ta phấn khởi về việc lưu trữ trên mạng điện tử. Thường ta nghe đến văn-thư-khố (kho trữ văn kiện sách vở) thì liên tưởng đến thư viện với tòa nhà đồ sộ chất chứa biết bao nhiêu tài liệu văn hóa. Nhưng bây giờ có một mạng điện tử, không biết còn mạng nào khác sắp xếp thành những "Archives" như Vườn Tao Ngộ Văn Học Nghệ Thuật ("vuontaongovhnt.blogspot.com"). Các Archives cất giữ bài đã đăng trên mạng trong tháng, ví dụ "Archive December 2010", hoặc mới đây với "Archive July 2013". Nhờ vậy tác giả hay độc giả dễ truy tìm một bài nào đó mà họ biết đã đăng rồi trên mạng, chỉ cần nhớ rõ thuộc tháng nào năm nào. Những khi mở máy ra để tìm đọc "vuontaongovhnt.blogspot.com" thì ta thường thấy bên cạnh trang chính còn một mạng coi như chi-nhánh phụ của nó là "Quán Bên Đường", nơi có ghi lại các bài thơ của Đỗ Hữu và Dao-Ca đăng trên tuần báo "Đời Mới" ở Sài Gòn vào những năm đầu thập niên 1950. Nhân đây, người viết bài rất cám ơn "vuontaongovhnt.blogspot" đã lưu giữ 10 bài thơ-văn-xuôi thử nghiệm của tôi, xuất bản từ năm 1963, lưu giữ trong "Archive January 2013" (Kể như dịp kỷ niệm đúng thời gian cách khoảng 50 năm. Trong khi "Thơ Với Đề Tài Vật Lý Vũ Trụ", thiển nghĩ cũng là một đóng góp mới, thì đã được đăng để mong lưu giữ gần toàn bộ trên mạng điện-tử "chimvietcanhnam.free" cách nay được 3 năm).

Tôi không rõ có phải các tác giả đều có hai hai ước nguyện chung như sau. Ước mong thứ nhất: Tất cả bài đã đăng trên điện tử, đối với vài tác giả, coi như đã được sửa đổi cẩn thận và bổ sung cần thiết, vậy sẵn sàng được tải xuống để in vào sách. Chỉ đợi chờ dịp có nhà xuất bản nào đó đề nghị, chắc ở hải ngoại đôi người cũng không khó khăn gì về bản quyền. Ước mong thứ hai: Nhờ các mạng lưu giữ giùm những bài viết trong thể-cách nếu như lấy ra từ nguồn nào đó thì đổi thành một hình-thức mới để đăng vào mạng của mình, dĩ nhiên không quên ghi nguồn xuất xứ. Nghĩa là không "LINK" trực tiếp, tức lấy ra nhưng làm biến dạng (nếu lấy trực tiếp, cứ để y nguyên, bài sẽ dễ biến mất trong trường hợp nguồn bỗng ngưng hoạt động). Chẳng hạn ở mạng "bichkhe.org", mạng điện tử này cốt yếu vinh danh cuộc đời và Dòng Thơ Tượng Trưng của thi sĩ Bích Khê, nhưng cũng có mục "Diễn đàn thơ" tuyển chọn các bài bàn luận về thơ ở khắp các mạng điện tử khác, đổi dạng với lối trình bày và dùng chữ màu tím, không quên ghi nguồn nào đã được tuyển chọn lấy ra. Đến nay đã tới số 150 kỳ đăng các bài tuyển chọn nói về thơ, mỗi kỳ xuất hiện khoảng 5 hay 6 bài. Như vậy là bảo đảm không cùng biến đi nếu những nguồn kia không còn hiện hữu. Với cách thức ấy, mạng điện tử Chút Lưu Lại ("chutluulai.net") cũng trình bày bằng cách sửa đổi lối chữ hoặc màu sắc hoặc khung nền của các bài được tuyển chọn, thêm video thơ phổ nhạc có liên hệ đến bài viết, được ca sĩ trình bày ngay trên trang chủ của Chút Lưu Lại. Ví dụ ta nghe nhiều bài hát nổi tiếng, phổ thơ của Cung Trầm Tưởng, qua các giọng ca Thái Thanh, Sĩ Phú, Vũ Khanh, Elvis Phương,Tuấn Ngọc... Với mạng điện tử Thư Viện Tài Liệu Tổng Hợp "tailieutonghop.com", ta biết Thư Viện này có mục đích "Tạo nên môt kho kiến thức chung để phát triển sự nghiệp giáo dục nước nhà". Nơi đây chứa đựng rất phong phú tài liệu luận văn, luận án thạc sĩ, luận án tiến sĩ, tài liệu ngoại ngữ... cho đến tài liệu phổ thông cấp 3, ôn thi đại học. Với chủ trương tạo kho kiến thức chung, nên chắc chắn đây là nơi gìn giữ cẩn thận, chắc có dự trù không "link trực tiếp" để khỏi bị mất theo sự biến mất của một mạng điện tử nào đó trong tương lai không còn tồn tại vì đã quá hạn rất lâu mà không đóng lệ phí hàng năm; hoặc một mạng tự ý rút lui khỏi thế giới văn-chương-blog. Có lẽ "nguyentrongtao.info" và "hoingovanchuong.wordpress.com" là hai mạng có cùng một chủ nhân dĩ nhiên, nhưng điều ta lưu ý thì cả hai như cùng một đường lối: đăng thơ và các bài bàn luận văn chương, và đăng khá nhiều bài về âm nhạc vì người chủ trương là nhà thơ đồng thời nhạc sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo. Mạng này có lẽ tuyển chọn đăng thơ hơi khó, vì thấy ít có thơ như ở một số mạng điện tử khác. Mạng này dồi dào bài gửi đến, nhưng khi đã tuyển chọn bài để đăng lại từ một nguồn nào, như nguồn "talawas.blog"chẳng hạn, thì ta thấy "hoingovanchuong.wordpress.com" và "nguyentrongtao.info" đều trình bày khác đi. Đây cũng chính là ước nguyện mong sao cho bài còn "ở lại" một khi cái nguồn biến mất, tuy nhiên đến nay "talawas.org" vẫn còn được duy trì và có thể còn hiện diện mãi mãi. Có trường hợp mạng điện tử như "hocxa.com" vừa tuyển chọn đăng bài từ nguồn khác dưới hình thức cũng trình bày lại hầu tránh "bị triệt tiêu theo giây chuyền điện tử", đồng thời cũng duy trì việc "link" trực tiếp với những websites để tạo thuận tiên cho người nào muốn truy cập đầy đủ hơn về một tác giả. Trên bản liệt kê những websites được "link trực tiếp" từ "hocxa.com", ta thấy có độ 24 tác giả thời xưa xen kẽ với thời nay, xen kẽ người hữu danh cũng như người đang cố gắng đóng góp một chút gì cho văn học. "Link trực tiếp" như vậy có cái thuận lợi: giới thiệu nhanh chóng văn thơ của một tác giả trong website của họ. Đồng thời có điều đáng e ngại: bị biến mất theo giây chuyền điện tử (như đã nói đôi lần ở đoạn trước). Đối với mạng "4phuong.net", ngoài cách trình bày lại các bài có xuất xứ từ nguồn khác với hình thức như nét chữ màu xanh nhạt làm dịu mắt khi đọc trên màn ảnh, "4phuong.net" còn cho in khổ chữ đột nhiên lớn hơn ở những đoạn nào người chủ trương mạng thấy cần lưu ý. Nhờ vậy, người đọc cũng có thể hiểu phần nào tâm thức của người chủ trương, khen hoặc tán đồng tác giả bài viết, mặc dù dưới bài không ghi ý kiến phản hồi. Ngoài ra, nếu số bài được đăng trên trang chính không đủ chỗ, bên cạnh còn cột "Tác Giả" và cột "Có liên quan" giới thiệu nhiều bài khác cùng tác giả. Trang mạng với tên Quán Cóc Truy Cập Điện Tử ("quancoconline.com"), nghe cái tên ta có cảm nghĩ mạng này của những người yêu thơ thường lui tới những quán cà-phê dưới gốc cây, nhưng ta không biết rõ đích xác ở thành phố nào tại Việt Nam, hoặc có thể ở một thành phố mãi tận Canada. Vì hình như mạng điện tử này chỉ tuyển chọn đăng lại toàn là thơ từ nguồn những mạng điện tử khác. Người chủ trương chuyển thơ dưới hình thức khác, thật trang trọng với hình ảnh mỗi bài thơ được ghi bên cạnh một khung xanh ghi hàng chữ "poem" khi ta "click" vào hàng chữ "Xem thêm". Mạng điện tử "vonga 1.wordpress.com" đôi khi xuất hiện đôi lại không thấy khi ta đánh máy tìm trên "Google". Không rõ người chủ trương đang ở trong thành phố nào ở Việt Nam, hay một nơi đâu đó bên bờ sông Volga thuộc nước Nga. Nhưng "vonga" cũng có thể do từ ngữ "vô ngã", thực sự ta không biết đích xác. Điều hoang mang ấy cho thấy người Việt đang có mặt gần như khắp nơi trên thế giới, mặc dù sử dụng tiếng Việt nhưng không biết đâu là nơi họ khởi hành trên Xa Lộ Thông Tin Toàn Cầu. Và vì mãi bận rộn sinh kế hay vì ít có dịp liên hệ do không đồng hội đồng thuyền với quan điểm thi-ca quá tân kỳ theo lối Tân-Hình-Thức, nên một số người như chưa có dịp theo dõi trang mạng "nhanvan.com/tapchitho" do nhà thơ Khế Iêm chủ trương, người đã kiên trì mà ít xuất hiện nơi quán xá văn nghệ, nay đã xuất bản mấy cuốn sách về Thơ Tân Hình Thức. Cũng vậy, do ta đinh ninh những người chủ trương gồm một nhóm theo hướng hiện-đại thái quá nào đó, bởi có dấu hiệu là-lạ trên trang chính của nhóm như "vanchuong+" hoặc "Bài cực nóng", thuộc một mạng điện tử xuất phát từ nội địa Việt Nam ("vanchuongplusvn.blogspot.com"). Ta đoán như vậy, vì trên mạng này có sự đóng góp của nhiều tác giả nổi tiếng trong nước. Ngược lại với ít dịp tìm đọc, một mạng điện tử ta đã từng đôi lần mở ra coi vì trong mục "vườn thơ" có một số bài bàn về thi ca thật hay, như bài "Nét Đẹp Bài Thơ Tống Biệt Của Tản Đà" của tác giả Từ Bích Diệp đăng lên ngày 6 tháng 5 năm 2013, nhưng thực sự mạng điện tử này không hoàn toàn dành cho văn học. Đây là diễn đàn phần lớn dành cho hội luận về đạo Công Giáo, đó là mạng điện tử Thư viện Huyền Thoại. Tuy nhiên, ta thấy có một bài bàn luận dài về các bài ca thời chiến ở Việt Nam. Độc giả có thể tìm trên Google, hoặc "huyenthoai.me" hoặc "HuyenThoai.org".

Ngoài các mạng điện tử mà người viết bài này có đôi chút hiểu biết nên bàn được đôi lời, còn sách đưa lên "e.books" là cả một biển rộng mà lắm người chưa dong buồm đi lần nào. Chỉ từng ghé coi đôi lần trên mạng "damau.org" và "bentrehome.net", nhưng tôi thấy không dễ mở ra đọc sách ở trang mạng "damau.org" hơn là ở "BenTreHome.net": đây có thể do người viết bài này đang đi chập chững vào thế giới "Thư Viện e.books", chưa quen nhiều cách mở ra đọc sách điện tử, hoặc chưa sở hữu một trong những loại máy điện tử thích hợp.

TRẦN VĂN NAM
City of Walnut, California, tháng 7 năm 2013