Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]          [ Trang chủ

Nửa vách đèn tàn, thị u lâm mạc luận 
***
Phí Ngọc Hùng
Cõi ta riêng một góc vườn
Bóng cây bóng lá chập chờn bóng ai
Bóng chiều đậu xuống bờ vai
Đời còn sót lại một vài bóng quen
(Cung Vĩnh Viễn)
***

Chiều sẩm tối lọ mặt người, mặt đất đen kìn kịt...

Đến tơm tởm khuya, giải đất hoang vất vưởng tiếng cóc nhái gọi đàn ì oạp, ồm ộp...Tiếng dế rủ rê nhau ủ ê, âm ỉ...khiến cho khoảng không gian lẫm đẫm thâm u thêm. Thẻo đất thô trải thông thốc vào vườn cây không hàng rào, cửa nẻo, dẫn tới dưới mái hiên nhà đang le lói đỏ đèn. Nhập nhòa dưới bóng trăng, bóng cây, bóng lá ẩn hiện một bóng người đang hòm hòm ngồi ở cái bàn thấp lè tè.

Bỗng khi không xuất hiện một cái bóng khác trong bóng đêm, tay cầm gậy trúc khua cua đang đi cùn cụt về hướng căn nhà có bóng người.

Vừa đi cái bóng vừa lâm râm như hát đồng dao:

Bao năm tháng thân chìm vào bóng
Thân về trời bóng vẫn ngồi im
(Hoàng Vũ Thuật)
Thề dưới bóng đèn, rằng bóng người đã ngồi đấy từ lâu lắm rồi thì phải. Từ năm này qua năm khác chờ đợi một hình bóng không hẹn mà đến ở cõi u u minh minh, để mong nửa vách đèn tàn, luận cổ suy kim. Thế nên bóng người vừa nghe thấy cái bóng nhắc đến mình rằng bao năm tháng thân chìm vào bóng,và cũng vừa nhìn thấy đời còn sót lại một vài bóng quendường như lại quen thuộc và gần gũi thì phải.

Bóng người được thể cất giọng mời gọi như cuốc gọi hồn:

Bóng ơi mời bóng vào nhà
Ngọn đèn khơi tỏ, đôi ta cùng ngồi
Ngồi đây ta nói sự đời
Ta ngồi ta nói, bóng ngồi bóng nghe
(Tản Đà)
cái bóng ngồi xuống. Nhìn bên cạnh cái đèn hột đỗ là sấp bản thảo, mặt tròn dấu hỏi. Bóng người hiểu ra và làm như gặp nhau từ kiếp trước, xắng xớn vào chuyện:

- Chẳng dấu gì cụ, chả là tôi cứ tức anh ách mỗi khi quan quả đến mấy câu thơ trong bài Tứ thú của nhà thơ Quách Tấn này đây, thưa cụ:

Có tiền in sách đẹp
Gặp bạn sẵn thơ hay
Gối tỉnh hồi chuông sớm
Võng đưa giấc ngủ ngày
Nghe câu...gặp bạn sẵn thơ hay, cái bóng lắc đầu quầy quậy:

- Úi dào, tôi chẳng biết làm thơ. Mà ông làm gì mà như rắn ngày vậy.

Đảo mắt qua những con chữ, cái bóng gật gỵa:

- Ông rồ chữ đang túm tó gì đây?

- Thì như cụ đã biết đấy, tôi đang đắp chữ vá câu...

- Chết chửa, ông nói nghe rõ lạ.

- Chả dấu gì cụ, chẻ hoe phơi nắng thì bấy lâu nay trong tủ quần áo có dăm khúc, mươi đoạn chữ nghĩa cứ ngẫng ngẫng cả lên. Nên tôi đang vầy vò thành văn bài bắt chước cụ Tản Đà mang văn lên bán chợ trời đấy thôi, thưa cụ.

Chép miệng cái tách, cái bóng nói đay:

- Hóa ra ông đang làm cái chuyện lai cảo đấy ư. Buồn ngủ gặp chiếu manh, nhân ông nhúc nhắc đến câu...võng đưa giấc ngủ ngày,nay canh khuya vằng vặc tôi chợt dạ quan hoài đến cụ Hoàng Cầm. Cụ nửa đêm thức giấc nghe bà hàng xóm ư hử câu ca dao Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng nên mới bật ra bài thơ Lá diêu bông. Vậy chứ "cửa võng" là gì? Xin ông...gối tỉnh hồi chuông sớm cho.

- Cụ cứ quá nhời ấy thôi. Thôi thì tôi cũng đành bấm bụng xin thượng đội hạ đạp là "váy cửa võng" từ váy đùm, váy kép mà ra. Số là váy cửa võng phần trước váy chùng xuống những mép cong cong như cái cửa võng. Người mặc váy khéo phải thu xếp làm sao phía trước rủ xuống mu bàn chân, phía sau hơi hếch lên gót bàn chân.

Cứ theo cụ Hoàng Cầm váy Đình Bảng chỉ làng Đình Bảng mới có. Bắt qua "cửa võng" là tên gọi phần cửa nhìn ra sân đình để quan viên xem lễ hội làng. Cửa võng được khắc, trạm cầu kỳ cong cong nên còn được gọi là y môn, thưa cụ.

***

Bóng người xăn xắn thêm:

- Thế đấy thưa cụ, làm thơ là làm bóng chữ. Bóng chữ nó đẻ ra nghĩa đen, nghĩa bóng nên chả biết đâu mà lần với Hoàng Cầm. Vậy thì xin mạn phép cụ rối rắm thêm cùng Tản Đà với bài Thu Phong...rơi rụng:

Ngọn gió thu phong rụng lá vàng
rơi hàng xóm, lá bay sang
Vàng bay mấy lá năm già nửa
Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng
Ngọn gió thu phong rụng lá hồng
Lá rơi tường bắc, lá sang đông
Hồng bay mấy lá năm hồ hết
Thơ thẩn kìa ai vẫn đứng trông
Thế mà người chủ bút báo bổ thời đó tại Hà thành cắt béng đi còn bốn câu. Đó là chưa kể những chữ "ngọn gió", "rụng", "rơi", bị sửa thành "trận gió", "rũ", "bay" như thể dưới đây, thưa cụ:
Trận gió thu phong lá vàng
bay hàng xóm, lá bay sang
Vàng bay mấy lá năm hồ hết
Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng
(Lê ? Tràng Kiều)


***

Bóng tối chùm bóng đêm...Cái bóng chòm chõm góp chuyện:

- Một công đôi chuyện về cái võng, đụng bát đụng đũa thập niên 30, 40, với thơ là chữ, chữ là nghĩa như ông đã khéo giải bày. Cứ theo ngu ý tôi luận về thơ thì chẳng thể không nhắc đến thơ mới qua cụ Phan Khôi. Cụ cắt cái búi tó củ hành vào cái ngày mùng 10 tháng 3 năm 1932 bằng vào trình làng bài Tình Già trên báo Phụ Nữ Tân Văn ở Hà Thành: Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa - Dưới ngọn đèn mờ trong gian nhà nhỏ, hai mái đầu xanh kề nhau than thở.Thế là cụ bị gựt gọng từ đám cựu trào Đường thi, đường mòn. Đỗ tú tài Hán học năm 18 tuổi, cụ ung dung tự tại: "Không phải tôi chê các cụ làm thơ sai, nhưng tôi chê các cụ chưa làm thơ đúng theo lề lối của người Tàu. Nên nhớ chữ Ta và chữ Tàu sai một ly đi một dặm".

Cụ Phan lọ mọ qua tích cũ:

"...Một đêm mù trời tối đất, quan nha bắt được tên trộm chuông thì tha, tên trộm võng thì thả. Giữa công đường quan dậy cứ theo thư kinh có câu "Phu tử chi đạo kỳ chungthứ giả", là đức Phu tử dậy bắt trộm chuông hãy tha. Quan huấn đạo ngồi bên nghe hãi quá thể, bèn ghé tai quan nhỏ to rằng đấng Vạn thế sư biểu nói "Phu tử chi đạo kỳ trung thứ giả" và trung đây ở chữ trung dung mà ra chứ chẳng thể là...cái chuông."

Cái bóng nhắc nhớm thêm nữa:

- Bằng vào cái tâm đắc giữa ông và tôi ở cái thời nho mạt này, ba mớ chữ vô chăng, hữu có, khuyển chó, dương dê... tôi chả hanh thông cho mấy, huống chi ba thứ ễnh ương, chẫu chuộc ồm ộp gieo vần, giáng vận này kia. Nhớ lại các cụ ta xưa thượng thông thiên văn, hạ thức địa lý, trung trí nhân sự này nọ. Rồi thì các cụ thi Hương với Đường luật bát cú, tứ tuyệt, thi Hội với ngũ ngôn, thất ngôn, lằng nhằng đến luật thơ như phá đề, thừa đề, cách cú, gối hạc, thúc dồn, cách cảm. Những thứ ấy tuyệt không có tôi...Nay từ cái chuông của cụ Phan Khôi, tôi mạo muội gõ cái chuông của Trương Kế. Nhưng xin thưa với ông rồ chữ rằng ấy là chuyện sau này.

Với chữ Ta và chữ Tầu, sai một ly đi một dặm tôi lại muốn rề rà đến chuyện thi nhân nước Nam ta cấu, véo thi bá, thi hào phương Bắc qua hai chữ "dữ" và "cộng". Ấy là tôi muốn sơ sịa với giai thọai Vương Bột qua bài Đằng Vương các tự:

"...Chuyện là con của Cao Tông đời Sơ Đường, được cha phong là Đằng Vương, nên xây một cái gác bên bến Tầm Dương để bằng hữu ngâm thơ tác phú. Vương Bột lúc ấy mới 15 hay 16 tuổi đến và ngậm vần nhả chữ thành danh với hai câu:

Lạc hà dữ cô vụ tề phi
Thu thủycộng trường thiên nhất sắc
Vậy mà có người cho là Vương Bột còn dốt nhưng không chỉ dốt ở đâu? Năm 29 tuổi, họ Vương đi thăm cha là Thái Sử ở Giao Chỉ, sau đó bị đắm thuyền chết ở xã Thổ Thành, Nghệ An. Hồn vất vưởng không siêu thóat nên mỗi lần mưa gió lại hiện lên, níu áo văn nhân sĩ tử qua lại, ai óan ngâm thơ của mình và hỏi dốt ở chỗ nào để xin chỉ giáo. Dân làng lập đàn cúng tế cũng không xong, sau phải nhờ đến Hồ Tôn Thốc.

Nhân lễ Nguyên Tiêu, tiến sĩ họ Hồ nghe được kỳ thọai miếu thần, nên vào miếu thờ Vương Bột để cầu an cho trăm họ. Hồ Tôn Thốc thắp hương khấn Vương Bột tự Tử An rằng: "Cái tên như vận vào ngươi nên chết vẫn chẳng...yên thân".

Và tiếp:

"Vì rằng hai câu ấy chẳng hẳn là sai, nhưng nhà ngươi còn dốt thật, đã bao năm có tiếng là Tứ kiệt của Sơ Đường mà chẳng nhận ra điều ấy ư: Vậy thì mỗi câu bớt đi một chữ: "tề phi"cùng bay thì không cần chữ "dữ" nghĩa là..."với". Câu thứ nhì vì rằng "nhất sắc" tức một màu thì không cần chữ "cộng"..."cùng" nữa".

Một công đôi chuyện với...bớt và...thêm. Lại thêm chuyện, nhân ông quan hòai, quan san đến bài Tứ thú của Quách Tấn. Thế thì tôi không thể không nhắc đến chuyện tứ khoái của Bùi Hữu Nghĩa quê Vĩnh Định, An Giang, đỗ thủ khoa thi Hương tại trường thi Gia Định. Ông nổi tiếng là người hay chữ, một hôm trong lúc nhàn đàm, cầm tập Đường thi tam bách thủ đọc lên bài Nhân gian tứ hỷ để bình văn luận nghĩa:

Cửu hàn phùng cam vũ
Tha hương ngộ cố tri
Động phòng hoa chúc dạ
Kim bảng quải danh thì
Nghĩa thơ thì một trong tứ khoái của con người là hạn lâu gặp mưa rào, xa quê gặp bạn cũ, đêm động phòng hoa chúc, thi bảng vàng đề tên. Mọi người gật gù tấm tắc, nhưng Thủ Khoa Nghĩa cho là chỉ...bình bình thôi. Nếu thêm mỗi câu đầu hai chữ:
Thập niên cửu hàn phùng cam vũ
Thiên lý tha hương ngộ cố tri
Hòa thượng động phòng hoa chúc dạ
Mộc nho kim bảng quải danh thì
Thủ Khoa Bùi Hữu Nghĩa dẫn giải mười năm nắng hạn mới gặp mưa rào, ngàn dặm xa quê lại gặp bạn cũ, nhà sư có được đêm động phòng hoa chúc, học trò dốt đi thi thấy bảng vàng bia đá đề tên thì chẳng...khoái hơn lắm ru.

***

Cái bóng dòi dõi với Đường thi, Tống tửu:

- Ấy đấy, từ đấy mới có câu: Thời lai, phong tống Đằng vương các, nôm na là thời tới nhờ gió máy đưa đến để thành danh, chỉ cái may mắn của kẻ gặp vận. Vì vậy chẳng thể không thưa với ông chuyệnHòang hạc lầu thì...có tội với Đường thi, Tống tửu.

Nên tôi đành lây lất qua với Thôi Hiệu và Lý Bạch:

"...Kiến trúc này nằm trên mỏm đá Hòang Hạc ở nam Trường Giang. Chủ nhân họ Tân giao du rộng, nên các văn nhân mặc khách thường lui tới đây uống rượu ngắm cảnh gió nội mây ngàn. Và có một họa sĩ để lại trên tường bức tranh Vũ hạc, vẽ hạc múa sống động...như thật. Thôi Hiệu nghe tiếng, tìm đến đề thơ Hòang hạc lầu trong đó có câu: Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản - Bạch vân thiên tải không du du".

Thơ thẩn như vậy là nhất với chiếu hoa một cõi, nhưng nghe óc ách làm sao ấy. Và chẳng phải đợi đến Lý Bạch nhắc nhở người sau: Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc - Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu. Ấy vậy mà cụ Tản Đà chỉ cần vẩy mực nhẹ hai câu trên giấy khô mực nẻ Cái hạc bay lên vút tận trời, trời đất từ nay xa cách mãi. Thế là hạc bay cao, mãi mãi, lại bay đẹp nữa mới thật là tuyệt bút.

Chẳng phải đợi đến cụ Nguyễn Khắc Hiếu sau này, năm nắm thấy vậy, theo chân Thôi Hiệu, một ngày Lý Bạch nhón nhén tới uống rượu ngắm hoa và bon chen hai câu: Hòang Hạc Lâu trung xuy ngọc địch - Giang thành ngũ nguyệt lạc mai hoa...Xin thưa với ông rằng thi hào, thi bá Trung Hoa có gật gỵa hạc vàng, hạc trắng gì gì đi chăng nữa thì câu: Giang thành ngũ nguyệt lạc mai hoa tức "Trường giang tháng năm mai rụng...". Với tôi, quanh quẩn nơi xó vườn, bới bèo tìm bọ đóan chừng rằng Lý Bạch ực rượu, ngất ngư làm thơ ngắm...mai hoang, mai dại đấy thôi.

***

Bỗng khi không, bóng người lửng xửng với cái bóng:

- Cũng như cụ, trước nay tôi nào phải là thơ gia, kể lể chuyện thơ thẩn thì trúc trắc, chẳng đâu vào đâu. Vậy mà tôi vắt cổ chầy ra nước mới sống sớt được bài lai cảo này đây. Nói dại chứ cứ nhóp nhép như bò nhai lại ấy mà. Chẳng qua là gọt chữ vót bút dối già đấy thôi, thưa cụ.

Cái bóng im ỉm như thóc ngâm một hồi, rồi nèo neo:

- Vẽ, làm gì mà nẫn nần lên vậy, như Đỗ Phủ đã dậy: Văn chương thiên cổ sự - Thất đắc thốn tâm tri, diễn nôm là văn chương tự muôn thưở, hay dở chỉ lòng mình mới biết. Ông đừng có dụt, đừng dối giăng dối cuội gì sất.

Rồi cái bóng ư hử:

Tuổi già bóng trẻ mãi
Người mất bóng chẳng già
(Hoàng Vũ Thuật)
Bóng người lẩm nhẩm một mình, cũng học đòi nho phong, nho gia như cái bóng: Đồng thị thiên nhai luân lạc nhân - Tương phùng hà tất tằng tương thức", và chắc mẩm hiểu là cùng một lứa bên trời lận đận, gặp gỡ nhau lọ đã quen nhau. Nay nhân giải cầu vong niên, cửu trùng tri ngộ, nhờ túc duyên gặp gỡ mà cụ lại chả nệ tuổi tác. Nên bóng người bất giác mặt mày mừng vui:

- Cụ dậy sao tôi chắc bụng vậy, mà giời ạ, cụ mắn chữ gớm. Mà sách vở để lâu chỉ tổ cho mối mọt nó sơi, để rồi nhai văn nhá chữ buồn ta với mấy cái giai thọai cũ rích như lợn ăn cám hấp, lập thân tối tiểu thị văn chương, ai mà dại, thưa cụ.

***

Cái bóng như không nghe, nhìn cái bóng đèn mù u và u ơ:

"Nhân nửa khuya đèn mờ, từ cái chuông của cụ Phan Khôi, tôi muốn gõ trống qua cửa nhà sấm qua...cái chuông của Trương Kế như trên tôi đã thưa với ông.

Rõ ra văn học Trung Hoa quả tình kỳ bí với Vân phi sơn thủy vô kỳ khí - Nhân bất phong sương vị lão tài. Phải chăng những tài danh vua biết mặt chúa biết tên đều bị mang xuống thuyền nổi trôi để Lý Bạch lăn tòm xuống sông. Để tôi có dịp tuế tóa với Trương Kế lềnh bềnh trên sóng nước, vất vả với thơ phú chẳng phải là ít.

Chuyện là tại tỉnh Hồ Bắc, Trương Kế làm quan đời Đường Huyền Tông đang ngồi trong thuyền cắm sào, sầu miên gần thâu đêm, buồn tình ùn tắc được hai câu đầu...Rồi tịt mít. May nhờ có túc duyên với vị sư già và chú tiểu, nghe được tiếng chuông của nhà Phật nên tỉnh thức mới làm được hai câu tiếp cho bài Phong Kiều Dạ Bạc. Chuyện ùn tắc là ngay từ hai câu "mở, thực" đã bị vùi dập với tình riêng nỗi cảnh, nỗi khách bâng khuâng như chu hành ngộ vũ tức đi thuyền gặp mưa, qua sông thấy nước. Cứ theo kỳ tích thi khách Trương Kế đang neo thuyền tại bến sông, thấy trăng sao chập chờn, trên bờ lại điểm những đốm lửa của dân chài sau rặng phong lập lòe như ma chơi, nên...sợ quá đỗi, cứ thao thức mãi. Bỗng nghe có tiếngquạ kêu, bèn lóp ngóp bò dậy bóp cổ...con quạ nặn ra được hai câu cổ phong:

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên

Giang phong ngư hỏa đối sầu miên

Thế nhưng người sau hiệu đính cái khổ nạn của Trương Kế là Ô Đề là tên thôn xóm chứ không phải là tiếng ...quạ kêu. Còn Sầu Miên là tên cũ của núi Tô Châu chứ chẳng phải...giấc ngủ buồn. Thêm nữa, khổ một nỗi là mấy ông thắt bím lại thích đèo bòng để vẽ vời thêm với...một chuông hai mõ. Để trong văn học Trung Hoa vừa có một nhà tu lớn, vừa có một nhà thơ lớn. Nên khóac cho vị sư già vừa là Phật gia, vừa là thi nhân. Chữ nghĩa bóp méo vo tròn cách mấy ai chả biết, vị sư già nói kệ thì hay chứ làm thơ ắt hẳn là chẳng...hay ho gì cho lắm đâu. Lại nữa, các vị thiền giả tự thuở ấy ai lại lấy tên mình đặt cho thiền viện là...Hàn San. Người sau cục kịch...mượn hoa cúng Phật, ai lại mượn thơ người khác nói về công quả thiền học của mình. Tội chết.

Và chuyện lịu địu, lót đót là:

Canh khuya vằng vặc, sư thầy Hàn San với chú tiểu Thập Đắc đang bần bật bách bộ ngòai sân, thấy trăng thượng huyền lưỡi liềm lung linh mờ ảo. Thầy bèn thở ra hai câu Sơ tam sơ tứ nguyêt mông lung Bán tự ngân câu bán tự cung rồi thôi. Ngay lúc ấy chú tiểu mang thau ra lấy nước ở hồ, thấy ánh trăng lung linh trên mặt thau như Nửa in dưới nước, nửa cài trên không (thơ Cao Tiêu), bèn xin dâng thầy cúng Phật hai câu kết: Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đọan - Bán trầm thủy để bán phù không.

Thật tình mà nói, lời truyền tụng quả đà sai lạc, vì rằng kệ chẳng ra kệ, thơ chẳng hòan thơ để người đọc thấp thỏm. Mà thấp thỏm hơn ai hết là khách Trương Kế lúc này đang ngồi bó gối trong khoang thuyền, đang bí rị chưa nhả được hai câu sau. Tiếp đến hai thầy trò thấy ý từ ăn khớp như tiên thiên và mẫn tiệp hiếm có, nên bèn hoan hỉ áo nâu sòng vái nhau. Sư thầy, bất kể nửa đêm, bằng cách sai chú tiểu lên lầu đánh ba tiếng đại hồng chung phá tan cái tĩnh lặng của thiền quán, vang vọng tứ phương tám hướng....Thế nhưng chẳng lẽ nhà chùa làm thơ lại có những giây phút hí lộng tham sân si như thế chăng? Há lại có lý ấy sao?.

Bỗng có tiếng chuông vô thức, vô duyên vào lúc nửa đêm về sáng khua rồn rã như báo động vỡ đê, khách Trương Kế nghe thấy cũng động tình, động não thêm hai câu "luận, kết": Cô Tô thành ngọai Hàn San tự - Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền vang vọng cả nghìn năm sau.

Để chẳng quên cái vạ của Âu Dương Tu:

Số là thi hoạ Trung Hoa có một đặc thù không diễn đạt đến toàn bích, toàn mỹ. Dường như họ cố tình để lại những khiếm khuyết để người sau làm ngự sử văn đàn. Người xưa giấy má còn thô thiển, viết sử còn phải chẻ tre ra mà ghi lại huống chi thơ phú, chữ nghĩa phải xúc tích ngắn gọn, viết ít hiểu nhiều. Vì quá xúc tích nên nhiều người lớ quớ. Trong đó có Dương Tu đời Tống ỷ ngông mà nói ngọng với câu: Dạ bán chung thanh và cho rằng Trương Kế tham những câu hay mà lý thì không thông. Vì hay thì có hay đấy, nhưng giữa đêm khuya khoắt không phải lúc nhà chùa khua chuông gõ mõ trên núi Hàn San. Nhưng Dương Tu không đến tận nơi để biết đất Tô Châu có lệ đánh chuông nửa đêm gọi là..."vô thường chung".

Chùa ở đất Phong Kiều, trước kia chùa có tên là Phổ Minh. Sau khi Trương Kế mất mới được đổi tên như ở trên, mắc mớ gì thưở ấy Trương Kế lụi đụi gọi là...Hàn San tự?!.

Chẳng như Lý Bạch, Thôi Hiệu đến tận Hoàng hạc lầu để ngắm cảnh, ngắm tranh để thi trung hữu họa. Vì vậy theo thiển ý tôi thì Trương Kế ngồi nhà tỉ tê làm thơ chứ chẳng phải nằm chèo queo ở dưới thuyền ngâm nga thi phú theo truyền thuyết.

Lại nữa, thêm cái khổ nạn cho cụ Tản Đà sau này, Phong Kiều Dạ Bạc được cụ diễn tác:

Trăng tà tiếng quạ kêu sương
Lửa chài cây bến còn vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San
Ấy vậy mà theo ngâm sĩ Hồ Điệp: Trăng tà chiếcquạ kêu sương mới đúng theo nguyên tác của cụ Tản Đà mà bà có trong tay. Rõ ra "chiếc" mới gợi lên ý thê lương của con chim lạc bầy trong đêm vắng cùng người lữ khách mất ngủ ở dưới đò. Đồng thời tránh lập lại hai chữ: "tiếng quạ" và "tiếng chuông".

***

Ngồi đồng nghe chuyện sóng nước, bóng người bập bềnh:

- Che đóm ăn tàn với thi trung hữu họa, với tiếng quạ, tiếng chuông của cụ vừa rồi. Thời nhà Nguyễn, cụ Dương Khuê phóng bút bài Trăng nước Hồ Tây có câu: Phất phơ ngọn trúc trăng tà, tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương cũng có tiếng chuông, tiếng gà. Thế kỷ 16, chúa Tiên Nguyễn Hoàng xuôi nam vào Thừa Thiên, xây chùa. Gần đây có câu được coi là ca dao xứ Huế:"Gió đưa cành trúc la đà - Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương... Xao xác là thôn Vĩ Dạ có làng Thọ Xương phía tây chùa Thiên Mụ khỏang mươi cây số đường chim bay, làm sao nghe được tiếng gà gáy te te. Đúng ra phải là tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Cương. Vì theo Đại Nam Thống Nhất Chí, đình gò Long Thọ ở xã Nguyệt Biểu phía nam sông Hương đối diện ngay với chùa Thiên Mụ được vua Gia Long đổi tên là...Thọ Cương từ đời tám hoánh nào rồi, thưa cụ.

***

Bóng người teo tóp qua ngọn đèn leo lét...

- Cùng thời nhà Nguyễn, thêm bài ca dao khác nữa:

Khi biết Đào Duy Từ lẻn vào Nam, Trịnh Tráng cho người mang lễ vật đến tặng Đào Duy Từ để chiêu dụ. Theo giai thoại nhà chúa "làm" câu ca dao nhắn gửi nụ tầm xuân nở ra canh biếc, em có chồng anh tiếc lắm thay. Tiếp đến là bây giờ em đã có chồng, như chim vào lồng, như cá cắn câu mà các nhà biên khảo, biên chép đổ vấy cho họ Đào. Nhưng tầm chương trích cú thi Đào Duy Từ mượn tích đời Đường với Trường Tịch và Lý Sư Đạo cùng một hoàn cảnh, tâm trạng giống mình để thoái thác. Chuyện là Trương Tịch làm bài thơ Tiết phụ ngâm trả lời Lý Sư Đạo có câu đầu: Quân tri thiếp hữu phu(em có chồng, chàng đã biết) và câu chót là: Hận bất tương phùng vị giả thi(phải chi gặp gỡ lúc chưa chồng). Theo tôi bài Nụ tầm xuân chả phải như giai thoại nay đang đồn đãi, thưa cụ.

Trời đã vào khuya, cái bóng khật khừ:

- Cũng theo ngu ý tôi thì ông nên ngừng bài lai cảo ở khúc này thì hơn. Miệng thế gian nhiễu sự lắm, chẳng biết đâu mà lần, ông rồ chữ ạ...Dào, ngay như hai câugió đưa cành trúc la đà, tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương..., tôi ngờ cũng chẳng phải là...ca dao xứ Huế nữa là! Là vì của ai đó? Nhưng chả dám vạ miệng...

Bóng người miệng tắt ứ:

- Tôi cũng nghĩ như cụ. Nay tôi đang bí ngô, bí khoai cho cái đọan kết của bài lai cảo này đây, thỉnh ý cụ như thị ngã văn cho thì quý hóa lắm thay.

Nghe xong, cái bóng ậm ừ:

Chữ nghĩa của người này
Là cái bóng của người kia
(Hoàng Vũ Thuật)
Và cái bóng mặt tỉnh rụi, miên man tiếp:

- Như thị ngã văn cho lắm cũng như kịch bản vá víu tiếng hồng chung bát nhã của sư thầy, sư trò để bài thơ Trương Kế thêm phần huyễn hoặc. Huyễn hoặc hơn nữa là ông với tôi hãy trở lại bài thơ Hà Nội tức cảnh của cụ Dương Khuê:

Phất phơ ngọn trúc trăng tà
Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói sóng ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gươm Tây Hồ
Có thể vì cảm giao, cảm hoài nào đó, cụ Dương Khuê đã cảm hứng, cảm tác từ bài Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế:
Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền
Cả hai bài thơ tức cảnh sông hồ, một phương Bắc đời Đường Huyền Tông, một phương Nam đời Vua Tự Đức. Rõ ra một Tầu, một Ta, vô hình chung cùng âm hưởng, âm điệu, đôi cảnh đối chữ như: trăng tà với nguyệt lạc, canh gà quaô đề, chung thanh đến tiếng chuông. Âm hưởng, âm điệu thì giang phong ngư hỏa đối vớimịt mù khói sóng. Về tác động địa danh thì:Cô Tô - Thọ Xương tớiHàn San - Trấn Võ là như thế, rằng như vậy, tôn ý ông rồ chữ thấy sao?

***

Bóng người chả...thấy gì sất, vì đang dậu đổ bìm leo với Vua Tự Đức ở trên vừa nhẩy bổ vào đầu. Cái đầu củ chuối cũng đang lất phất qua câu thơ đập cổ kính ra tìm lấy bóng, xếp tàn y lại để dành hơi. Cứ theo bóng người thì:

Bài thơ Khóc Thị Bằng đây không phải là thơ Tự Đức mà là thơ Nguyễn Gia Thiều. Cụ Ngô Tất Tố đã chứng minh điều này từ năm 1918 trên báo Nam Phong trong mục Nam âm thi thoại, trong cuốn Thi văn bình chú, Lê Mạc Tây Sơn. Ngoài ra, Trần Danh Án (1754-1794) có dịch bài thơ nôm của Nguyễn Gia Thiều khóc người ái thiếp tên Bằng Cơ ra chữ Hán với hai câu:

Phá toái lăng hoa tầm cựu ảnh
Tùng phong khâm thử hộ dư hương
Sở dĩ có sự gán ghép này vì Tự Đức hay ưa sửa thơ thiên hạ, khi nhuận sắc có sửa hai chữ mảnh gương thành cổ kínhmanh áo thành tàn y, rồi xếp vào tàng kinh các của mình. Thế nên Dương Quảng Hàm mới nhầm ra thơ Tự Đức, rồi người sau cứ truyền tụng như thế. Ngoài Ngô Tất Tố, các chuyên gia thơ cung đình triều Nguyễn, như Phan Văn Dật, Bửu Cầm đều nói không phải của vua. Vì trong thư khố, không tìm thấy vết tích gì bài thơ trên và tên họ bà phi nào tương tợ ngoài một bà Hoàng quý phi, hai bà phi, và 103 cung tần nhưng chẳng có ai tên Thị Bằng.

Sinh thời, học giả Hoàng Xuân Hãn cũng nói vậy. Nhưng bóng người chẳng dám hở môi vì ngại há miệng mắc quai là sở cuồng, ngộ chữ như...cái bóng. Nên thôi...

***

Nửa vách đèn tàn, náo thị u lâm mạc luận đã lâu, bóng người thấy toàn nói chuyện vờn trăng trên nước, mò kim dưới duềnh như ông Trích Tiên. Nhưng nghĩ cho cùng có bột mới gột lên hồ, cũng nhờ cái bóng với Đường thi, bài lai cảo mới có "mở, thực".

Đang định bày tỏ khí vị thì cái bóng đã khai thông, khai ngộ dùm phần "luận, kết":

Khi hai người gặp nhau
Họ chỉ còn một bóng
(Hoàng Vũ Thuật)
Đâu đó bóng trăng bị đuổi ra khỏi vòm cây ngoài vườn, mái hiên bìa nhà. Nhưng còn hắt lại hai cái bóng hòm hòm vắt bóng trải dài trên mặt đất. Bỗng nhiên cái đèn hột đỗ phụt tắt. Trong canh khuya đèn tàn tối như hủ nút. Bóng người ngớ ra trong bóng đêm là mình vừa nói chuyện với...cái bóng của chính mình.
 
Thạch trúc gia trang
Thu phân, Tân Mão 2011
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Nguồn: Đào Đức Chương, Lê Văn Huyền,
Trương Quang, TrầnNhung, Lê Văn Huyên,
Nguyễn Tử Quang, Chu Thiên, Nguyễn Qúy Đại,
Thái Văn Kiểm, Hồ Dzếnh và Hứa Hoành.


***

Hà Nội tức cảnh

Phất phơ ngọn trúc trăng tà
Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương
Mịt mùng khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây hồ

Dựa theo Dương gia phả ký của dòng họ, tham khảo thêm Luận đề về Dương Khuê của Nguyễn Duy Diễn, Dương Thiệu Tống đã chép lại nguyên văn bài thơ "Hà Nội tức cảnh" (hayTrăng nước Hồ Tây) trong thiên khảo luận Tâm trạng Dương Khuê và Dương Lâm.

***

Bấy giờ là tháng 4-1918, lần đầu Phạm Quỳnh được ghé chốn Thần Kinh và sau đó thực hiện liền bút ký Mười ngày ở Huế để kịp đăng trên tạp chí Nam Phong.

Phạm Quỳnh viết: "Cả cái hồn thơ của xứ Huế như chan chứa trong hai câu ca ấy. Chùa Thiên Mụ là một chốn danh lam, có cái tháp bảy tầng, làng Thọ Xương thì ở bờ bên kia. Đêm khuya nghe tiếng chuông chùa với tiếng gà gáy xa đưa văng vẳng ở giữa khoảng giời nước long lanh mà cảm đặt thành câu ca".

Và ông đã sửa đổi hai câu đầu là:

Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương
Hai câu lục bát trên của Phạm Quỳnh chẳng mấy chốc đã hòa nhập vào "kho tàng văn học dân gian", đã gây ngộ nhận là ca dao xứ Huế. Mức độ hòa nhập và sau đó phổ biến trở nên sâu rộng vì địa phương tính. Một phần nhờ thiên hạ đua nhau... tranh luận quanh hai địa danh vì chùa Thiên Mụ ở Huế mà huyện Thọ Xương ở Hà Nội.