Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ

Thương nhớ 
Hà-Tiên 
"miền duyên hải mến yêu tận cùng 
trên nẻo đường quê hương đất nước" 

*****

An-Tiêm MAI-LÝ-CANG 
(Paris)

 

Hòn Phụ-Tử khi xưa

LTG - Đất phương Nam xưa nay vốn thường được người ta nói đến nhiều nhất là vùng kinh tế lúa gạo cốt lõi ở miền đồng bằng châu thổ sông Cửu-Long chín nhánh chảy ra bể cả. Và người ta cũng thường hay ví bản đồ nước Việt bây giờ như là hình hài của một con tằm xinh đẹp đang bám mình vào lục địa Á-Châu chính do nhờ lượng đất phù sa tô bồi hằng bao thế kỷ trôi qua, và nay mảnh đất Hà-Tiên mới đã được thành hình.

An-Tiêm MAI-LÝ-CANG
(Paris)
Và bây giờ, thử nhìn vào vị trí bản đồ hình cong chữ "S" thì mọi người đều thấy rằng con đường biển cả bao la trên quê hương yêu dấu của nước ta kéo dài từ bãi Tục-Lãm xuống tận miền duyên hải cuối cùng trên nẻo đường đất nước, là phải dừng chân lại ở tại dải đất Hà-Tiên. Một vùng đất phương Nam thổ ngơi trù phú, vườn ruộng cây trái xinh tươi, lại còn nổi tiếng có sắc màu phong thủy hài hòa và những thắng cảnh nên thơ trữ tình, quyện lấy cùng với những kỳ quan thiên nhiên tuyệt vời, huyền ảo.

Ngược dòng thời gian, ngày xưa vào năm (1832) thì Hà-Tiên vốn là một tỉnh trong Nam-Kỳ Lục-Tỉnh dưới triều đại của vua Minh-Mạng. Tuy nhiên, sau đó trải qua nhiều thời đại cải cách về địa lý hành chánh, thì giờ đây Hà-Tiên đã bị khép mình trở thành một huyện biên thùy ở miền duyên hải cuối cùng của miền Tây-Nam tổ quốc. So với phố cổ Hội-An ở duyên hải miền Trung (nằm cạnh quần thể lâu đài hình tháp của cố vương quốc Chămpa) vốn là một tụ điểm du lịch nổi tiếng có tầm vóc quốc tế từ lâu, thì Hà-Tiên ở đất phương Nam bây giờ chỉ là một thành phố nhỏ hẹp. Và hẻo lánh, nép mình bên bể cả nhưng lúc nào cũng sẵn sàng túc trực đón chào du khách trong nước tìm đến tham quan. Lợi thế may mắn của Hà-Tiên bây giờ, đó là nhờ dải đất miền duyên hải nầy nằm cạnh Phú-Quốc hoang sơ trù mật, một hòn đảo ngọc hiện đang còn tích trữ tiềm tàng rất nhiều tài nguyên thiên nhiên quý báu của quốc gia. Và có đầy tiềm năng để khai thác về kinh tế, mở mang đáp ứng nhu cầu du lịch trong tương lai ra thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, nói riêng về mặt khác thì Hà-Tiên cũng đã có một thời từng là một cái nôi hội tụ được rất nhiều thành phần mặc khách tao nhân từ khắp mọi miền tìm đến giao lưu dưới mái nhà hội ngộ Tao-Đàn Chiêu-Anh-Các*.Và cùng nhau đã để lại cho đời sau nhiều thi phẩm rất là lý thú, tuyệt vời.

Đi thực tế, người nào muốn tìm hiểu về Hà-Tiên mau lẹ thì hãy lướt nhanh qua xem một đoạn văn miêu tả sau đây của Đông-Hồ đã viết: - "Ở đó (Hà-Tiên), kỳ thú thay, như gồm hầu đủ hết. Có một ít hang sâu động hiểm của Lạng-Sơn. Có một ít ngọn đá chơi vơi giữa biển của Hạ-Long. Có một ít núi vôi ở Ninh-Bình, một ít thạch thất sơn môn của Hương-Tích.Có một ít Tây-Hồ, một ít Hương-Giang. Có một ít chùa chiền của Bắc-Ninh, lăng tẩm của Thuận-Hóa. Có một ít Đồ-Sơn, cửa Tùng, có một ít Nha-Trang, Long-Hải. Ở đây không có một cảnh nào to lớn đầy đủ, ở đây chỉ nhỏ nhắn, xinh xinh, mà cảnh nào cũng có." Do vậy, người ta có thể nói rằng non nước Hà-Tiên quả là một nơi biểu tượng cho nhiều danh lam thắng cảnh VN hội tụ lại trên dải đất nhỏ bé nầy.


Hà-Tiên một góc nhìn

Thị xã Hà-Tiên ngày nay trực thuộc tỉnh Kiên-Giang nằm cách trung tâm thành phố Rạch-Giá 93km, tiếp giáp biên thùy Campuchia với đường ven biên về phía Tây. Hà-Tiên có đường ven biển phía Nam chạy dài 22km giáp vịnh Thái-Lan, có sông Giang-Thành dài 23km. Lại còn có vũng Đông-Hồ, núi Tô-Châu, Bình-San, Thạch Động, bãi biển Mũi Nai, và cạnh đó còn có hòn Phụ-Tử v.v. Và kinh Vỉnh-Tế (nối liền Châu-Đốc với Hà-Tiên) dài hơn 90km là một công trình thủy lợi lớn lao nhất của triều đình nhà Nguyễn bắt đầu khởi sự từ thuở thời vua Gia-Long trị vì. Còn dải đất Hà-Tiên khi xưa, thì được người Chân-Lạp gọi tên là Mang-Khảm với đầy những huyền thoại ly kỳ về không gian cảnh sắc.


Mũi Nai

Ngày nay, có rất nhiều khách đi phượt lúc ban đầu khi vừa mới đặt gót chân lên thành phố Hà-Tiên, thì đã tỏ ra ngay sự thất vọng khi nhìn thấy quang cảnh phố thị không có dáng vẻ gì đặc biệt ngoài số ít ngôi nhà cổ xưa, lác đác các vách tường mái ngói ngả màu phủ rêu phong xám xịt. Bên cạnh đó là cảnh quan sinh hoạt nơi chợ búa êm đềm, đường sá không có lưu lượng giao thông ồn ào như nhiều nơi phố thị có nhiều nhà cao tầng khang trang khác. Tuy nhiên, không phải vì thế mà người ta không thể nhìn thấy có những nét quyến rũ nên thơ của nó chính là sự lặng lẽ, yên lành, chậm chạp, êm đềm bên cạnh bể khơi bao la chuyển hóa được lòng người làm cho họ tìm lại được một cảm giác nhẹ nhàng, thư thái.

Quả vậy, sau khi rời khỏi trung tâm thị xã Hà-Tiên cách đó không xa, thì người ta mới có dịp mục kích được đâu là cảnh trí màu sắc ở nơi đây tuyệt đẹp y như là hình ảnh của một bức tranh họa đồ.

Cách đây vài thập niên, khi nước nhà chưa thực sự hoàn toàn thống nhất thì Hà-Tiên là một vùng đất buôn lậu xuyên quốc gia lý tưỏng cho những thành phần tránh né pháp luật ở nơi chợ trời biên giới. Dạo ấy, đường sá hư hỏng xuống cấp nặng nề vì chiến tranh tàn phá chớ không được trùng tu mở rộng như thời buổi bây giờ. Do vậy, vào thời kỳ đó thì cái tên Hà-Tiên chỉ được nhiều người nghe qua vậy thôi, chứ cũng ít có người muốn phiêu lưu đến đó để tìm hiểu đâu là nước non cảnh đẹp ở nơi nầy. Còn bây giờ, với phương tiện giao thông thuận tiện hơn thì người ta thường dùng tỉnh lộ 955 nếu đi từ Châu-Đốc, hoặc quốc lộ 80 nếu đi từ Long-Xuyên hay Rạch-Giá xuống Hà tiên rồi dùng tàu cao tốc để thực hiện mau lẹ cuộc hành trình đi ra đảo Phú-Quốc. Và như hầu hết tất cả du khách đã từng đến Phú-Quốc rồi, thì sẽ không bao giờ quên được Bãi Sao là một thắng cảnh tuyệt vời có dải cát mịn màng trắng tinh chạy dài theo ven biển màu xanh nhấp nhô sóng nhẹ nhàng. Bờ biển thì có vực nước sâu từ từ khi lội ra xa, thật là lý tưởng cho người tắm biển có dịp nhìn thấy rõ từng đàn sứa, đàn và cá lội tung tăng dưới làn nước trong veo tận đáy biển. Và cũng như lời đồn không sai, là ai đã đến Phú-Quốc mà chưa biết được Bãi Sao thì phải kể như là cần phải trở lại thêm một lần nữa.


Bãi Sao

Trở lại bối cảnh không gian về lịch sử, xã hội, chính trị, văn hóa và nhân văn được thành hình trên dải đất Hà-Tiên ngày trước (ngày nay là gồm toàn bộ diện tích của tỉnh Kiên-Giang) là cả một giai thoại vô cùng kỳ thú, vì nó đã góp phần rất nhiều vào kho tàng tinh hoa phong phú của miền đất phương Nam. Giờ đây, nếu lấy cái mốc thời gian vào năm 1708 khi mà Mạc-Cửu ( 1655-1735) hoàn toàn thần phục chúa Nguyễn và xin dâng đất cầu thân thì được chúa Nguyễn-Phúc-Chu ban cho chức Tổng binh, và từ đó tính cho đến nay đã được là 300 năm.

Đối với tinh thần truyền thống cao đẹp của người VN ta từ thuở xa xưa, là luôn luôn lúc nào cũng trọng nghĩa mến tài, chiêu hiền đãi sĩ, đãi ngộ công lao. Vì thế cho nên, vào ngày 7-9-2008 thì nhhân dân cùng chính quyền sở tại cũng đã có tổ chức một buổi lễ khai mạc tượng đài Mạc-Cửu ở Hà-Tiên để vinh danh, và cũng để nhằm dành cho họ Mạc một chỗ ngồi xứng đáng trong lịch sử mở mang miền đất phương Nam.


Tượng đài Mạc-Cửu

Mạc-Cửu nguyên là một viên bại tướng của nhà Minh khi xưa ở bên Tàu, sau đó đã vượt biên tìm đường đi xin tị nạn chính trị nhà Thanh chạy ra ở nước ngoài. Và trong những thập niên dài, họ Mạc từng bôn ba ở Cao-Miên làm nghề bán buôn gặp thời cơ phát đạt trở thành một vị đại gia có rất nhiều thế lực ở tại phủ Nam-Vang vào thời buổi bấy giờ. Rồi ông còn qua lại Xiêm-La do thám tình hình, để mong tìm hậu thuẫn hầu mưu cầu nghiệp cả. Tuy nhiên, cuối cùng Mạc-Cửu quyết định trở về mảnh đất Hà-Tiên hoang vu để dung thân cùng với nhiều lý do, là dùng để chiêu tập những lưu dân tứ xứ hầu để biến thành những tụ điểm dinh điền, khẩn hoang lập ấp, tạo dựng khu trù mật và phát triển thương mại. Tuy nhiên, chủ đích của Mạc-Cửu còn đi xa hơn là muốn lợi dụng địa thế Hà-Tiên, để dùng làm căn cứ chiến lược về quân sự để chờ ngày trở về với giấc mơ phục quốc (phản Thanh phục Minh). Cho dù thế nào đi nữa, thì tiết tháo của một kẻ sĩ Hán tộc chắc chắn cũng sẽ không bao giờ có thể làm cho ông quên được hận thù quân xâm lăng đất nước của ông vào lúc bấy giờ.

Hơn thế nữa, Mạc-Cửu là một con người có tâm hồn hoài cố quốc, vốn từng có đầu óc thông minh hiểu biết nhìn xa trông rộng, biết dựa vào sức mạnh về quân sự của triều đình chúa Nguyễn lúc bấy giờ để sinh tồn. Vì thế cho nên lịch sử cần nên cân nhắc, để đặt lại vấn đề dâng đất của Mạc-Cửu có phải là dụng ý câu móc thời gian trong hoàn cảnh lực bất tòng tâm mà đành phải chọn lấy mảnh đất Hà-Tiên để dung thân trên quê hương thứ nhì của cuộc đời mình. Vì trong lúc bấy giờ, thì nước Xiêm-La luôn luôn lúc nào cũng dóm ngó, chờ thời cơ làm áp lực dụng binh để tranh giành hòng muốn chiếm đoạt cho kỳ được dải đất miến duyên hải Hà-Tiên xinh tươi màu mở.


Núi Tô-Châu

Do vậy, người ta có thể nói rằng trường hợp dâng đất cầu thân của Mạc-Cửu vào năm 1708 phải được coi như là một ngoại lệ chưa từng có xảy ra trong lịch sử nước ta, vì lúc bấy giờ, Hà-Tiên vốn là một vùng đất còn hoang sơ vô chủ. Trường hợp đó có khác rất nhiều với trường hợp trước đó của vua Chế-Mân dâng đất Ô, Lý của Chiêm-Thành để cầu hòa, tuy rằng cũng đã cưới được Huyền-Trân công chúa (1306). Có khác với trường hợp của vua Chey Chetta II nước Chân-Lạp muốn cầu hòa và xin cưới được công chúa Ngọc-Vạn (1620). Để rồi sau đó chấp thuận cho chúa Sãi được lập ra một đồn thuế ở vùng Prei-Kor thuộc Gia-Định bây giờ, và một địa điểm dinh điền ở Mô-Xoài thuộc Bà-Rịa ngày nay. Về sau, lại còn cho phép người dân ỏ xứ Đàng Trong dễ dàng di dân lần xuống đất phương Nam vùng Biên-Hòa bây giờ, để phá rừng định cư lập nghiệp lâu dài. Do vậy, xét cho cùng thì người ta có thể suy luận rằng Mạc-Cửu chính là một nhà chính trị tài ba có tầm nhìn khôn khéo, biết đo lường thời cuộc tương lai trong khi đang bị lâm vào cái thế chẳng đặng đừng.

Tuy nhiên, điều không ai có thể phủ nhận là dưới thời dòng họ Mạc được triều đình chúa Nguyễn tin cậy trao trọn cho mọi toàn quyền hành để cai quản giang sơn một cõi trên dải đất Hà-Tiên, thì vùng đất nầy đã trở nên một thương cảng sầm uất, nhộn nhịp. Hơn khoảng ba thập niên sau khi Mạc-Cửu qua đời, thì các thương thuyền ở xa xôi cũng như giáo sĩ phương Tây, lúc bấy giờ, như Bá-Đa-Lộc (Béhaine de Pigneau) cũng đã thường xuyên tới lui Hà-Tiên. Và có thành lập ra một chủng viện đơn sơ ngay tại Hòn Đất quy tụ được chừng vài chục giáo dân người Việt, Hoa, Xiêm-La vào năm 1765. Và hai năm sau (1767), ông cũng đã có dung dưỡng cho cho vị hoàng tử Xiêm-La đến đây để tị nạn chính trị. Sang đến năm 1774, ông lại được Mạc-Thiên-Tứ cho phép mở ra một họ đạo cũng ở tại Hòn Đất và tự do đi lại truyền giáo khắp nơi.

Trở lại dưới thời kỳ Mạc-Thiên-Tứ (hay Tích) kế nghiệp, thì lại mở rộng bến cảng thêm ra để cho các thương thuyền từ Khmer, Mã-Lai, Nam-Dương, Xiêm-La, Miến-Điện, Ấn-Độ, Nam Trung-Hoa lui tới dễ dàng, và ngày càng thường xuyên đến cập bến nhiều hơn. Các tiệm tùng tạp hóa của người Việt lẫn cùng các lưu dân Hoa-Ấn mọc dài ra theo ven biển, các gian hàng bán quà thủ công lưu niệm, các quán xá sáng chiều nhậu nhẹt rất đông người. Cộng thêm vào lúc đó, là những tiếng đồn từ nơi nhả ngọc phun châu của Tao-Đàn Chiêu-Anh-Các đã bay xa làm cho có nhiều kẻ sĩ ở khắp bốn phương nghe tin kéo nhau tìm đến giao lưu hội ngộ ở Hà-Tiên, và tạo dịp cho phố thị nầy trở nên thành tụ điểm của một chốn thi đàn tao nhã.


Mộ Mạc-Thiên-Tứ trên núi Bình-San

Tao-Đàn Chiêu-Anh-Cácdo Trần-Trí-Khải tự Hoài-Thủy là người sáng lập ra vào năm 1736, và đề cử Mạc-Thiên-Tứ tự là Sĩ-Lân làm Tao-Đàn chủ soái (còn riêng về nghiệp võ, thì người ta thường gọi là Mạc-Thiên-Tích). Mạc-Thiên-Tứ là một nhân vật có bản lĩnh văn võ song toàn, và cũng là tác giả nổi tiếng của tập thơ "Hà-Tiên thập cảnh khúc vịnh"** được diễn tả bằng thơ nôm và theo thể thơ tiếng Việt. Và riêng về bài thơ "Hà-Tiên thập cảnh tổng vịnh" cũng của danh sĩ họ Mạc sau đây, có thể được coi như là đã giới thiệu lên được trọn vẹn về non nước ở nơi nầy:

Mười cảnh Hà-Tiên rất hữu tình
Non non nước nước gẫm nên xinh
Đông-Hồ, Lộc-Trĩ luôn dòng chảy
Nam-Phố, Lư-Khê một mạch xanh
Tiêu-Tự, Giang-Thành, chuông trống ỏi
Châu-Nham, Kim-Dữ cá chim quanh
Bình-San, Thạch-Động là rường cột
Sừng sựng muôn năm cũng để dành

Thạch-Động
Mạc-Thiên-Tích (1718-1780) lên thay cha kế nghiệp năm 1735, vào lúc mới được 29 tuổi. Và đã được chúa Nguyễn-Phúc-Trú phong chức Tổng binh Đại đô đốc để tiếp tục khai khẩn đất đai, mở mang văn hiến vùng đất Hà-Tiên, song song với mục đích án ngữ quân sự, bảo vệ quốc phòng làm tiền đồn cho đạo quân chúa Nguyễn ở phương xa. Vào lúc bấy giờ, thì địa lý Hà-Tiên tuy đã trực thuộc hẳn về giang san chúa Nguyễn nhưng cũng vẫn hãy còn có những dải đất hoang vu chưa được khai thác mở mang.Do vậy, cho nên vẫn còn được coi như là một vùng tranh chấp của tứ chiến giang hồ ở khắp bốn phương anh hùng hão hán. Trong số đó có đạo quân của Xiêm-La, thậm chí có cả Khmer đã nhiều lần đưa quân sang giao chiến chiếm đoạt Hà-Tiên. Tuy nhiên, cuối cùng thì nhờ có sự yểm trợ mạnh mẽ của đạo quân triều đình chúa Nguyễn đánh bại đạo quân Xiêm-La mà Hà-Tiên mới được tái chiếm lại, để cho Mạc-Thiên-Tích còn có thêm một thời để tiếp tục cai quản mở mang tiểu quốc nầy trở thành một nơi trù phú về sau. Và mãi cho đến năm 1776, khi đạo quân Tây-Sơn của Vua Quang-Trung (1753-1792) tổng tiến công truy kích tàn quân của chúa Nguyễn vào đến đất phương Nam, thì Mạc-Thiên-Tích mới bỏ Hà-Tiên, để chạy sang Xiêm-La tị nạn chính trị nhưng sau đó vì bị bạc đãi cho nên ông phải cam đành chọn lấy con đường tự sát. Chính vì vậy, mà ngày nay ngôi mộ không có thi hài của ông ở Bình-San chỉ còn có mang một tính cách tượng trưng mà thôi.

Tuy nhiên, ngày nay trong danh sách danh nhân từng góp phần làm sáng giá cho mảnh đất Hà-Tiên, thì người ta không bao giờ có thể không nhắc đến một trong những kẻ sĩ đặc biệt tài hoa khác. Đó là nhà văn, nhà thơ Đông-Hồ Lâm-Tấn-Phát (1906-1969).


Nhà lưu niệm Đông Hồ

Sự nghiệp văn chương của Đông-Hồ sớm được người ta biết đến từ năm 1920 với những thể loại như thơ, ký, tiểu thuyết. Và lần lượt tiếp theo sau đó, là trong thời kỳ nhiều năm làm báo cũng như lúc giảng dạy ở tại trường Đại-Học Văn-Khoa Sài-Gòn. Văn phong trong bút tích của Đông-Hồ trong tình tự về lịch sử hình thành của quê hương trên dải đất Hà-Tiên, thì phải nói là có sức hút gợi cảm lạ kỳ dành cho người đọc. Lúc nào cũng bình dị rõ ràng mà phong phú, đậm đà miêu tả tính chất nhân văn rặc của miền đất phương Nam. Đặc biệt, là những tài liệu sưu khảo về tổ chức của phong trào Tao-Đàn Chiêu-Anh-Các được tung ra trên các báo chí, vào lúc bấy giờ, như là một quả châu soi sáng lại cả một góc trời văn hiến của tiểu quốc Hà-Tiên từng đã nằm yên trong một giấc ngủ lâu dài gần 150 qua, nay đã được chính ông là một đứa con bản địa làm sống lại. Do vậy, người ta có thể nói rằng các công trình sưu khảo của ông còn để lại bây giờ chính là những tài liệu vô cùng phong phú, có nhiều giá trị cơ sở xuất xứ và tính thuyết phục.


Nhà văn
Đông-Hồ Lâm-Tấn-Phát

Nữ sỉ
Mộng-Tuyết Thái-Thị-Úc

Hiện nay, bên cạnh dòng sông Đông-Hồ lặng lẽ ở Hà-Tiên thập cảnh đã có ngôi "Nhà lưu niệm Đông-Hồ" với một không gian thi phú lưu trữ, trưng bày các hình ảnh, kỷ vật, sách báo của tác giả và phu nhân là nữ sĩ Mộng-Tuyết Thái-Thị-Úc (1914-2007) - tác giả của một tác phẩm tiểu thuyết bi thương là "Nàng Ái-Cơ trong chậu úp". Nội dung cốt truyện của tác phẩm nầy đã được tác giả dựa vào giai thoại lưu truyền trong mối tình éo le, đẫm lệ giữa danh nhân Mạc-Thiên-Tứ và nàng thứ cơ Phù-Cừ. Và sau cùng, là hình ảnh chứng tích của mái chùa Phù-Dung ngày nay là nơi giải trừ nghiệp chướng, để kết thúc cho một cuộc tình không vẹn tròn hạnh phúc giữa đôi uyên ương tài tử giai nhân.


Chùa Phù-Dung một thời huyền thoại

Về sau, tác phẩm nổi danh nầy đã được hai nhà soạn giả Kiên-Giang và Thế-Châu đưa vào kịch nghệ cổ nhạc. Và biên soạn công phu ra thành tuồng hát dưới nhan đề "Áo cưới trước cổng chùa", và được nghệ sĩ điêu luyện Lệ-Thủy (huy chương vàng giải Thanh-Tâm 1964)*** xuất sắc trình diễn vai chính đã từng làm rơi lệ hàng triệu khán giả say mê nghệ thuật sân khấu cải lương.


Nghệ sĩ Lệ-Thủy

Và giờ đây, mới đó mà đã hơn ba thế kỷ trôi qua từ dạo cái tên Phương-Thành (tên gọi xưa của Hà-Tiên) thực sự không còn nữa, thì mảnh đất Hà-Tiên bây giờ đã bị lột xác thay da biết bao lần. Từ một dải đất thiên nhiên núi rừng và thú dữ, Hà-Tiên đành phải chịu chào thua trước sức tiến của con người lần luợt kéo đến khai phá mở mang. Thị xã Hà-Tiên (nói riêng) ngày nay, chiếu theo nghị định tái cấu trúc đơn vị hành chánh địa phương vào ngày 8-7-1998, sau khi điều chỉnh địa giới hành chánh thì chỉ còn thu hẹp lại trong vòng đai diện tích chỉ có 89.548,5 ha, với con số nhân khẩu là 62.162, và bao gồm có 6 xã và một thị trấn. Và mặc dù là một vùng đất hẹp, không có nguồn tài nguyên địa phương lợi ích gì đáng kể ngoài việc nuôi trồng thủy sản, nhưng lợi thế của Hà-Tiên bây giờ là một thành phố nằm ở đoạn cuối cùng trên đường du lịch xuyên Việt của các công ty tổ chức lữ hành thường xuyên những tuyến tham quan.

Vi thế, cho nên ngày nay có rất nhiều du khách một khi đã đến đây thì họ sẽ không bao giờ bỏ lỡ những cơ hội để tai nghe mắt thấy rõ ràng từ cảnh đồng bằng, vũng, vịnh, hang động, núi sông, hải đảo xinh đẹp nên thơ nằm trong tầm địa lý ở quanh vùng. Nhất là, cảnh quan chiêm ngưỡng Bình-San nơi có lăng mộ của dòng học Mạc nhìn xuống núi Voi Phục giữa bể khơi trời nước bao la. Hơn thế nữa, rồi đây trong tương lai lại có thêm những công trình lấn biển ngoạn mục đã và đang được thi công ra sức tiến hành. Và đây sẽ là nơi lần mọc lên một cảnh quan của khu đô thị mới có tầm vóc hiện đại, xứng đáng với hình ảnh của một thành phố du lịch phát triển được nhiều lợi thế diệu kỳ của thiên nhiên ưu đãi.
 


Thạch-Động thôn vân

Lộc-Trĩ thôn cư

Do vậy, cho nên đúng vào thời điểm nầy thì Hà-Tiên đã biết cựa mình lợi dụng thế mạnh của một vùng địa lý đặc biệt có một không hai ở phương Nam. Để ra sức kết cấu, hoàn chỉnh từ các cơ sở hạ tầng hầu mong theo kịp bước đáp ứng nhu cầu với các dịch vụ đầu tư khai thác du lịch đang phát triển trong thị xã. Vả lại, về mặt khác thì Hà-Tiên lại còn cũng phải cố gắng làm sao cho bằng được để có thể thành lập ra thêm nhiều hơn nữa những tổ chức hữu hiệu để nhằm bảo tồn. Duy trì và phát huy về bản sắc văn hóa một thời vàng son rực rỡ địa phương từ hồi hơn quá thế kỷ trôi qua, từng đã được lịch sử văn học nước nhà đương nhiên thừa nhận, là dải đất nầy khi xưa từng được mệnh danh là một tiểu quốc văn hiến****. Thêm vào đó, là Hà-Tiên bây giờ cũng đã có cửa khẩu trên quốc lộ 80 được trùng tu ăn thông qua nước bạn láng giềng Campuchia, rất khá thuận tiện cho sự giao thông giữa hai chiều hơn ngày trước. Và cũng còn có đường tàu cao tốc rút ngắn được rất nhiều thì gìờ đi tới cùng các hải đảo, nhất là Phú-Quốc.

Tuy nhiên, trên con đường phát triển mở mang, hiện đại hóa địa phương, thì Hà-Tiên cũng bị lâm vào tình trạng gặp phải có những trường hợp bất khả kháng là đã làm cho ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, và làm mất lần vẻ mỹ quan của một vài thắng cảnh thiên nhiên. Mặt khác, bên cạnh đó thì Hà-Tiên còn vô tình gặp phải có những bài toán khó khăn, nan giải cũng như ở nhiều vùng miền khác về mặt tệ đoan ảnh hưởng đến an sinh xã hội, làm xáo trộn rất nhiều vào cuộc sống của đồng bào sở tại. Nguyên nhân chính, đó là do có sự thành hình của những ngôi nhà casino nguy nga mọc dài theo bên kia biên giới.


Casino Hà-Tiên Vegas

Theo tổ chức phân chia về địa lý hành chánh hiện nay, thì Việt-Nam đã có tới 10 tỉnh Tây-Nam ven biên giáp giới với lãnh thổ Campuchia chạy dài 1270 km, và gồm có 13 cửa khẩu quốc tế đường bộ chính nằm trải dài ra theo chiều dài giữa hai biên giới. Tuy nhiên, về phía bên kia phần đất của Campuchia song song với phần đất Việt-Nam, thì chính phủ quốc gia nầy đã có chủ trương cho phép đầu tư xây cất lên rất nhiều casino lớn nhỏ ở rải rác từ ngang độ vĩ tuyến từ ở Gia-Lai xuống tận Kiên-Giang để nhằm mục đích thu hút con bạc VN sang qua vui thú đỏ đen.

Từ lâu, người ta được biết (nói riêng) là trong kế hoạch đầu tư ấy thì ngoại mục đích họ tìm cách thu lợi nhuận, thì chính phủ Campuchia còn nhằm vào chủ yếu khác là để chứng minh rõ ràng về đường phân ranh giữa hai lãnh thổ quốc gia. Và sự kiện nầy đã từng được chính phủ nước bạn khẳng định, cho rằng mỗi casino là chứng tích của một cột mốc biên giới rất thực tế và vĩnh cữu.

Casino Hà-Tiên Vegas là một sòng bạc có tầm vóc hoành tráng được xây dựng lên tới 9 tầng lầu, nằm phía bên kia cửa khẩu Hà-Tìên chỉ độ chừng vài trăm mét, và được chính thức khai trương vào tháng 9-2009. Hệ thống bên trong gồm có 160 phòng nghỉ hiện đại, có sân khấu nhạc sống hấp dẫn với sự hiện diện của các ca sĩ Campuchia và Việt-Nam hằng ngày sang qua biểu diễn, kể cả những màn thoát y bốc lửa để phục vụ con bạc. Sòng bạc mở cửa 24 trên 24 giờ với đầy đủ trò chơi games, bàn chơi bài, chơi qua mạng như nào là Poker, Xì-Dzách, Midi v.v. Và còn có cả trường gà, để dành cho cả những người ham thích môn nầy.


Những màn ca vũ bốc lửa bên trong casino nhằm chiêu dụ con bạc

Trong những năm đầu tiên kể từ ngày ra đời của casino nầy, thì hàng ngày đã có hơn cả ngàn người Việt-Nam sang qua để tham quan, mua dâm và đánh bạc. Do vậy, mà thành phố Hà-Tiên vào lúc bấy giờ đã vô tình được tự khoác lên mình một chiếc áo tô màu sặc sỡ, phồn vinh giả tạo qua những hình ảnh sinh hoạt phố phường ồn ào, nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, theo dòng chảy của thời gian thì ngày nay giai đoạn háo hức, hỗn độn ấy đã không còn. Các con bạc VN lần hồi đã bị tán gia phá sản rất nhiều, có kẻ thế thân mượn tiền đã bị casino giam giữ làm con tin chờ ngày gia đình đem bạc tiền sang để chuộc mạng. Người nào không có khả năng, phương tiện chi trả được thì sẽ bị hệ thống đầu gấu casino hành xác đánh đập mang thương tích nặng nề. Và thậm chí, còn có những con nợ vô cùng hối hận đến nỗi quá quẫn trí, cho nên đành phải chọn lấy con đường tự hủy diệt lấy thân mình.

Dẫu sao, những bi kịch đó cũng chỉ là cái giá phải trả theo vòng xoáy của hiện trạng sinh hoạt xã hội điạ phương lúc bây giờ. Và cũng như ngược dòng thời gian từ hơn 35 năm về trước, thì thành phố Hà-Tiên nầy cũng đã một lần từng bị cánh quân diệt chủng cận kề tràn qua xâm lấn gieo tai họa cho bao gia đình vô tội. Tuy nhiên, giờ đây đối với bản tính của người dân ở xứ Hà-Tiên lúc nào cũng hiền hòa, hiếu khách. Và có thói quen là luôn luôn thức dậy cùng lúc với ánh mặt trời mọc lên trên biển cả, thì họ đã tự nhìn thấy rõ ràng hơn ai hết, là con đường nào dễ dàng để lướt qua được mọi khó khăn, khắc phục để gặt hái thành công.

Sau cùng, hình ảnh Hà-Tiên hôm nay sẽ được kết thúc bằng một buổi họp chợ đêm ven theo bờ biển, hoặc tùy theo sự lựa chọn theo đoàn người đi câu mực, hay soi đâm cua, ghẹ về khuya. Tại khu chợ đêm, du khách thường hay đứng ngay bên bờ biển nhìn cảnh bóng trăng treo trên bể cả lăn tăn gợn sóng vàng, và họ ít khi phải đắn đo để lựa chọn cho mình một vài món quà lưu niệm đem về sau chuyến tham quan, vì đa số mặt hàng ở đây thường có giá rất bình dân. Và các món nhậu hải sản đơn giản thì cũng phục vụ bình dân ngay tại các vỉa hè với đầy đủ ngao sò ốc hến, khô cá đuối, khô cá thiều, khô mực, bánh canh chả ghẹ, bún gỏi cá trích v.v. Còn trái cây thì đặc biệt còn có xoài Miên, và đường thốt nốt.

Tuy nhiên, cuộc hành trình của bạn không thể kéo dài. Vậy bạn hãy ráng nhanh tay lẹ chân lợi dụng cơ hội, để khám phá ra thêm nhiều hơn nữa về huyền thoại xa xưa của dải đất từng có những nàng tiên xuất hiện xinh đẹp tuyệt trần. Biết đâu ở tận vùng sâu vùng xa nào đó, bây giờ cũng vẫn hãy còn có những nàng công chúa đang mơ màng trong giấc ngủ tình yêu, để trông chờ một vị hoàng tử của lòng mình từ phương xa đến đặt nụ hôn, để cùng nhau gá duyên tơ tóc hạnh phúc lâu dài. Và hẳn bạn đã từng được nghe, nếu ngày xưa người ta thường nói :

Hà-Tiên đi dễ, khó về.
Trai đi có vợ, gái về có con

thì Hà-Tiên bây giờ cũng vẫn hãy còn luôn luôn luyến lưu những ý nghĩa lời thơ tình tự dân gian, không phân chia biên giới.

An-Tiêm MAI-LÝ-CANG
(Paris)
* - Tao-Đàn Chiêu-Anh-Các quy tụ được nhiều tác giả với nhiều thi phẩm gồm có: Hà-Tiên thập vịnh, Hà-Tiên thập cảnh khúc vịnh, Thụ-Đức-Hiên tứ cảnh và Minh bột di ngư.

**- "Hà-Tiên thập cảnh khúc vịnh" là 10 bài thơ xướng của Mạc-Thiên-Tứ làm ra vào năm 1737 theo thể loại thất ngôn bát cú và được chia ra với các tựa đề: Kim-Dữ lan đào, Bình-San điệp thúy, Tiêu-Tự thần chung, Giang-Thành dạ cổ, Thạch-Động thôn vân, Châu-Nham lạc lộ, Đông-Hồ ấn nguyệt, Nam-Phố trừng ba, Lộc-Trĩ thôn cư, Lư-Khê ngư bạc. Sau đây là nguyên văn:

1. Kim-Dữ lan đào
Một dẫy non xanh nước bích liền
Giăng ngang cho mạch đẹp sông Tiên
Đông-Nam sóng biển bằng trang cả
Trên dưới trăng trời sáng rực lên
Rồng cá vẫy vùng trong cõi nước
Đá cây xan xát khắp ven miền
Nghìn thu tiếng gió quanh chân sóng
Đậm nhạt trăng treo nét lạ nhìn.

2. Bình-San điệp thúy
Cây xanh ngăn ngắt vút cao cao
Ngọn dựng bình giăng đẹp mĩ miều
Mây sáng vây quanh hình núi rõ 
Mưa tàn thêm nổi bóng non theo 
Đất trời bền vững nền linh tú 
Mây khói vời xa nỗi ước ao
Danh thắng Hà-Tiên đâu dám bảo
Cây ngàn mơn mởn biết xanh gieo

3. Tiêu-Tự thần chung
Lác đác trời tàn nhạt ánh sao
Chuông chùa xa vắng tiếng đưa vào
Mơ màng cõi tục người tiên lẫn
Đồng vọng bờ cây bến nước xao
Hạc để tiếng vương cành gió thoản.
Quạ đưa lời gởi ngọn trăng cao
Gối nghiêng giấc tỉnh đêm mê mộng
Sớm giục canh gà tin khát khao

4. Giang-Thành dạ cổ
Gió cuốn trời cao mây lạnh tung
Sông dài vây tỏa khí anh hùng
Lâu thuyền dãi bóng trăng sương lạnh
Trống mõ cầm canh sóng nước trong
Kim giáp đã nhờ đêm chặt chẽ
Cẩm bào cho được chốn thung dung
Lược thao đem đáp tình minh chúa
Nước Việt biên thùy vững núi sông

5. Thạch-Động thôn vân
Xanh xanh ngọn đá chạm thiên hà
Động bích long lanh ngọc chói lòa
Chẳng hẹn khói mây thường lẩn quất
Không ngăn cây cỏ mặc la đà
Phong sương càng dãi màu tươi đẹp
Nhật nguyệt chi ngừng bóng lại qua
Chót vót tinh hoa đây đã hẳn
Theo chiều gió lộng vút cao xa

6. Châu-Nham lạc lộ
Bóng rợp mây dâm phủ núi non
Bay la bay lả trắng hoàng hôn
Góc trời thế trận giăng cây cỏ
Đóa ngọc hoa rơi khắp bãi cồn
Trăng dãi non treo làn thác đổ
Chiều tà cát lẫn ánh mây tuôn
Trên đường bay nhảy bao xuôi ngược
Nghĩ cảnh dừng chân bến nước còn

7. Đông-Hồ ấn nguyệt
Khói lạnh mây tan cõi diểu mang
Một vùng phong cảnh giữa hồng quang
Trời xa mặt sóng in đôi bóng
Biển bạc vành gương dọi bốn phương
Rỗng đã sánh cùng trời bát ngát
Sâu còn so với biển mênh mang
Cá rồng tỉnh giấc chi tan vỡ
Một tấm lòng băng vẫn chói chang

8. Nam-Phố trừng ba
Một vùng xanh ngát một doành khơi
Bãi nối màu thu tiếp sắc trời
Mưa khéo mây đem về kết tụ
Gió nào cho sóng động tăm hơi
Biển hâng hẩng sáng triều tuôn dẫy
Buồm nhẹ nhàng đưa khỏi thoảng trôi
Vực thẳm cá rồng còn ẩn náu
Êm đềm nước ngậm bóng trăng soi

9. Lộc-Trĩ thôn cư
Lều tre giấc tỉnh gió lay mình
Tiếng quạ ồn chi trước mái tranh
Ráng xế treo ngang khung cửa tím
Cây vườn che lợp luống rau xanh
Tánh rần mộc mạc hươu nai dại
Lòng thích thơm tho nếp tẻ thanh
Ai đó hỏi thăm nơi chốn ở
Lưng trâu tiếng sáo lặng làm thinh

10. Lư-Khê ngư bạc
Bóng chiều nắng ngả dòng sông thẳm
Rạch Vược đèn ngư khói chập chùng
Bến cũ nhấp nhô thuyền đỗ sóng
Vờ xa san sát lưới phơi trăng
Cánh tơi sáo thấm sương pha buốt
Mái trúc chèo khuya nước sáng trưng
Lồng lộng vời trông cười thử hỏi
Cá rồng vùng vẫy chốn nầy chăng

                                         (bản dịch của Đông-Hồ Lâm-Tấn-Phát)

*** - Nữ nghệ sĩ Lệ-Thủy có tất cả là 10 danh hiệu, giải thưởng hạng nhất. Trong đó, có ba giải được coi như là vẻ vang trên con đường sự nghiệp là: giải Thanh-Tâm 1964, giải Kim-Khánh 1974 và giải A1 năm1980. Trong năm 2012, Lệ-Thủy vừa được mang thêm danh hiệu là nghệ sĩ nhân dân. Trước đó, năm 1993 Lệ Thủy cũng đã từng được mang danh hiệu là nghệ sĩ ưu tú.

****- Phủ-Biên tạp lục năm Bính-Thân 1776 của Lê-Quý-Đôn.


Tượng các nàng tiên ở Hà-Tiên


**********************************