Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]             [  Tác giả ]

ĐẰNG VƯƠNG CÁC 
của Vương Bột 

Thu Tứ


Nguyên văn 
Dịch nghĩa 
Dịch ra thơ Đường luật 
- Tương Như 
Dịch ra thơ lục bát 
- Trần Trọng San 
- Thu Tứ 
*
Các là gác. Gác có thể rất khiêm tốn, có thể là "gác tía". ĐẰNG VƯƠNG CÁC là cái gác tía của một ông con vua.

Trông chốn ở cũ nghĩ đến chủ nhân là đề tài hay gặp trong thơ Đường, thường thiø chốn nào đó đã điêu tàn, hóa di tích, nhưng cũng có khi quang cảnh ngược lại. Khi Vương Bột đến thăm, Đằng Vương các vừa được trùng tu: cột chạm bóng bẩy, rèm châu lung linh và chắc trong buổi chiêu đãi tưng bừng của Diêm Công cũng không hề thiếu rất nhiều gái trẻ đẹp múa hát... Thanh sắc phục dựng huy hoàng có tác dụng lạ với văn nhân đa cảm: chuông đồng khánh ngọc đang rộn bên tai lại khiến người ấy nghe được tiếng của những ngày vui qua đã lâu rồi...

Bài thơ "Đằng Vương các" nằm ở cuối bài tự "ĐẰNG VƯƠNG CÁC". Trong bài tự có câu này hay được trầm trồ:

"Lạc hà dữ cô vụ tề phi, thu thủy cộng tràng thiên nhất sắc",

ai đó đã dịch thành:

"Cái cò bay với ráng sa

Sông thu cùng với trời xa một màu".(1)

Từ Đằng Vương đi đến Vương Bột đến, chỉ hai mươi năm. Từ bấy tới nay, một nghiøn mấy trăm năm!

Chiều chiều ráng vẫn sa, cò vẫn bay, sông Cám Giang đến mùa thu vẫn xanh như trời... Người lên gác tía hỏi con vua bây giờ ở đâu, bây giờ ở đâu?...

Nguyên văn

ĐẰNG VƯƠNG CÁC

Đằng Vương cao các lâm giang chử,
Bội ngọc minh loan bãi ca vũ.
Họa đống triêu phi nam phố vân,
Châu liêm mộ quyển tây sơn vũ.
Nhàn vân đàm ảnh nhật du du,
Vật hoán tinh di kỷ độ thu.
Các trung đế tử kim hà tại?
Hạm ngoại trường giang không tự lưu.

Dịch nghĩa

Gác Đằng Vương

Gác Đằng Vương còn đứng cao ngất bên bãi sông
Nhưng thôi rồi những buổi múa hát vang tiếng chuông tiếng ngọc
Sớm mây từ bến phía nam bay về vờn quanh cột chạm
Chiều cuốn rèm châu, thấy mưa trên núi phía tây
Ngày ngày mây lờ lững trôi in bóng xuống đầm
Vật đổi sao dời, đến nay đã mấy thu?
Người "con vua" trong gác nay đâu rồi?
Ngoài hiên, sông dài vẫn miên man chảy.

Dịch ra thơ Đường luật

Tương Như:

Gác Đằng cao ngất bãi sông thu,
Ngọc múa vàng reo nay thấy đâu?
Nam phố mây mai quanh nóc vẽ,
Tây sơn mưa tối, cuốn rèm châu.
Đầm nước mây vờn ngày tháng trôi,
Mấy phen vật đổi với sao dời.
Đằng Vương thuở trước giờ đâu tá?
Sông lớn ngoài hiên luống chảy hoài.

Dịch ra thơ lục bát

Trần Trọng San:

Bên sông đây gác Đằng Vương,
Múa ca đã hết, ngọc vàng nào ai.
Cột rồng Nam phố mây bay,
Rèm châu mưa cuốn ngàn Tây sớm chiều.
In đầm, mây vẩn vơ trôi,
Tang thương vật đổi, sao dời mấy thâu?
Đằng vương trong gác giờ đâu?
Trường Giang nước vẫn chảy mau mé ngoài.

Thu Tứ:

Gác ca còn đứng giữa đời
Mà người ca múa đã dời vào... mơ
Sớm mây về tụ mái xưa
Chiều rèm châu cuốn: núi mưa đen rầm
Mây trôi lững thững qua đầm
Sao dời vật đổi, mấy lần thu sang?
Đằng Vương, ới hỡi Đằng Vương!
Ngoài kia sông vắng miên man chảy hoài.

____________

(1) Người dịch là Tản Đà?