Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]          [ Trang chủ

Bà huyện Thanh Quan tân biên cổ sự 

***
Phí Ngọc Hùng

Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết, người biên khảo đất La Sơn cặm cụi trong thư phòng. Ông xuất thân Sorbonne năm 1936, ngồi ở cái bàn cổ Louis thứ 16 này từ năm 1952. Với gia sản một mẻ chữ Nôm, khủng khỉnh cọ đít nồi nhăm câu đối Hán để hoài nghi chi hồ giả dã rằng một số thơ truyền khẩu trong dân gian của bà Hồ Xuân Hương là giả, là không có thật.
Chuyện là đang vật lộn với bài khảo luận, biên khảo có tựa đề Bà Hồ Xuân Hương tân biên liệt truyện, nhưng ông lại đụng chạm đến bà Huyện Thanh Quan. Số là hai bà cùng làng Nghi Tàm, lại có chung hai bài thơ Chùa Trấn BắcCảnh thu cho đến bây giờ trong văn học sử còn đang tồn nghi. Riêng bà Huyện, những tác phẩm của bà được truyền tụng qua những bài Đường thi như Thăng Long thành hoài cổ, Chùa Trấn Bắc, Nhớ nhà, Cảnh chiều hôm nhiều thành ngữ chữ Hán hơn bài Qua Đèp Ngang.
Vì vậy ý tại ngôn ngoại của ông là bà Huyện chưa chắc đã đi qua Đèo Ngang?

Ấy là ông ăn vẹt ở mòn cho là vậy, nhưng theo ông chủ quan và suy luận vô căn cứ là hai nguyên nhân dẫn tới sai lầm của nhà biên khảo. Nguyên nhân chính là sự tin tưởng hoàn toàn vào sách cũ, thu mình trong thư viện, do không đánh giá, chọn lọc, không cân nhắc kỹ càng các tài liệu sẽ để lại những sai lầm cho người đi sau.
Thế nên ông nghĩ phải về Hà Nội một chuyến để tìm hiểu cho ra nhẽ về một số nghi vấn văn học. Rõ ra ông muốn cảo mực đề văn, với ông chẳng qua chỉ là văn chương thiên cổ sự, đắc thất thốn nhân tâm mà thôi. Ông trộm cho rằng văn chương là chuyện ngàn đời hay dở tự mình biết. Một công đôi việc, ông muốn tìm kiếm mồ xanh cỏ lục của bà Huyện Thanh Quan nay ở đâu? Là người cẩn trọng, ông phải lần mò cho ra sự thật với bằng chứng cụ thể. Với giác ngoại biệt truyền bất lập văn tự, nếu như gặp bậc thức giả nào đấy văn kiến súc tích, sở kiến cao minh để ông kiến văn sở thị thì hay biết mấy. Vì muốn có một tác phẩm sưu khảo giá trị, người sưu khảo phải có tinh thần trách nhiệm với tác phẩm của mình, thu thập dữ kiện trung thực.

Lắm khi phải khổ công đi tìm hỏi và lắng nghe...đồng cô bóng cậu chẳng hạn. Và trong cơn đồng thiếp, người biên khảo đất La Sơn thiếp đi trên bàn kỷ với đồ tứ bảo đang bày sẵn...

***
Qua giấc hương quan mơ luống mẫn canh dài, tỉnh giấc mơ hoang người biên khảo đất La Sơn bắt gặp mình đang ngồi đồng ở quán nước vối bên đường. Dưới gốc cầy bàng già cỗi là một quán lợp tranh, lơ thơ vài nải chuối ngự, ít bánh đa vừng, dăm cái kẹo lạc. Ông tự hỏi tại sao mình lại có mặt ở nơi chốn này và cớ sự gì đẩy đưa bên kia đường lại có một ngôi đền...!

Đền Kim Liên

Nhưng ông không chắc đó là đền Kim Liên thờ chúa Trịnh Giang. Vì cứ theo như ông gối đầu trên giá sách thì bà Hồ Xuân Hương, tiểu thiếp của ông Hiệp trấn Trần Phúc Hiển ở Quảng Yên. Sau khi ông bị tử hình, bà vào chùa tu và sống những ngày cuối đời ở làng Nghi Tàm, bà từ trần khoảng năm 1822 tại Cổ Nguyệt Đường bên Hồ Tây. Mộ phần trong khu nghĩa địa Đồng Táo trước đền Kim Liên, bên cạnh hồ sen. Nay nghĩa địa đã chìm trong lòng nước Hồ Tây, do việc đắp đường Cổ Ngư chia hai Hồ Tây và Hồ Trúc Bạch, vì mực nước dâng lên một thước.
Nhòm ngôi đền bên kia đường, ông không thấy có hai con rồng, tức chẳng phải thờ ông. Mà là hai con lân, hiểu theo nghĩa là thờ bà, nói dại chứ với tình làng nghĩa xóm, với nghiệp ngão thì dám dưới mái đền kia thờ bà Đoàn Thị Điểm lắm ạ. Số là bà theo chồng vào Nghệ An đến đền Sòng thì bà mất ở đấy. Di hài bà mang về đây, nhưng mộ bà Đoàn Thị Điểm cạnh Tây Hồ đất lở, đất chùi nay chẳng còn dấu tích như mộ chí bà Hồ Xuân hương. Nhưng may quá là may, năm 1982, khi người đạo diễn Trần Văn Thủy quay phim Hà Nội trong mắt ai đã tình cờ để...mắt tìm được mộ bà ở dưới một đống rác làng Nghi Tàm. Và ông nghĩ quẩn rằng đi tìm mộ chí bà Huyện Thanh Quan trong tha ma mộ địa, nào có khác gì lạc nẻo đường trần vào nghĩa trang Père Lachaise ở Paris. Khi không trong đầu ông bật ra cái ý nghĩ bà Huyện cũng mất ở Nghi Tàm.
Thế là ông bước qua đường để hỏi han trong một ngày nắng ong ong, nắng chầy chầy.

Vào đến chính điện nhang thơm đèn thắp, trầm lắng đứng trước mắt ông là một bức tượng nữ lưu mặc áo dài mầu hồng đào. Nhưng khuôn mặt thật thanh thoát chẳng giống...bà Đoàn Thị Điểm cho mấy, dù rằng từ tấm bé đến nhớn, ông chưa thấy mặt bà lần nào. Lại nữa, không có văn chỉ, sắc phong, bài vị hương linh nên ông không biết là ai. Mắt đảo tít như lạc rang, nhìn qua bên trái, va vào mắt ông là một cụ áo lương khăn lượt, tay phe phẩy cái quạt xếp, đang lui cui sắp hoa quả. Ông chắc như bắp luộc là...cụ Từ giữ đền. Ông giả bộ húng hắng ho đánh tiếng, cụ quay lại. Thêm một lần đập chát vào mắt ông là cái thẻ bài ngà đeo trước ngực. Trong đầu ông râm ran, nếu nhằm vào thời một thưở hoàng kim thì ắt hẳn cụ đây là kim tiền thoát xác của một ông quan. Mà là quan..."cà-mèng". Vì nếu đeo thẻ bài ngọc hay kim khánh mới là quan quả của triều đình, không bộ Lễ, bộ Hình thì cũng...bộ binh.
Ông gật đầu chào cụ, rồi gật gừ hỏi khuê danh bậc nữ lưu đang hòa nhập hương khói trong một cõi đi về. Cụ nhìn người biên khảo đất La Sơn như nhìn người cõi trên bằng nửa con mắt rùa, vung cái quạt ra hiệu cho ông theo cụ ra sau hậu sảnh. Đi theo cụ, thực mục sở thị qua khuôn mặt tiêu dao, nho nhã, tóm lược thần thái cũng đâu ra đấy nên ông cho là tin tưởng được.
Và ông choáng người vì ngoài hậu sảnh, ngay sân sau là tấm mộ bia của bà Huyện Thanh Quan. Ông ngẩn ra, vì hóa ra cũng như cụ Nguyễn Du, mộ bia của bà được tái dựng lại theo tân hình thức, hậu hiện đại. Thế nên thiếu hẳn nho phong sĩ khí với chữ Nho, chữ Nôm lưu danh thiên cổ, mà chỉ là hàng chữ Quốc ngữ: "Phần mộ Bà Huyện Thanh Quan". Ngày sinh ngày mất còn để trống. Gần đây trong văn học sử cho là bà sinh năm Ất Mùi 1805, mất nằm Mậu Thân 1848. Sự thể này theo ông, là một nhà biên khảo văn học cẩn trọng không khả tín cho lắm.

Ông đạo đạt sự hiểu biết lỗ mỗ lơ ngơ với cụ áo lương khăn lượt đang đứng bên cạnh. Cụ phất phơ suy nghĩ, rồi phẩy cái quạt chỉ về hướng trai phòng. Sau khi thủ lễ và vấn danh, ông thổ lộ tâm can thổ ngơi ông ở Kẻ Trổ, huyện La Sơn. Đường họan lộ không ngoài biên khảo, biên soạn như đếm củ dưa hành đo lu nước mắm vậy thôi. Hay nói cho đúng ra ông chẳng hẳn là hàn nho mãi tự, mà chỉ vì nhân sinh quý thích chí, hiểu theo nghĩa là thích thì làm. Hơn nữa công việc của ông không ngoài thuật nhi bất tác như người Khổng Khâu, là chỉ thuật lại chứ không sáng tác. Chính xác hơn thì ngành biên khảo không có tính cách sáng tạo mà thuộc về học thuật. Cụ gật gù rằng có nghe ông học trường Bưởi, sau qua Alber Sarraut, rồi đi Tây, xưa kia có về nước làm việc với hội Truyên bá chữ quốc ngữ dậy i tờ...rít, với "a" là...quả na này nọ.

Ông mạo muội tham vấn qúy danh cụ. Cụ khủng khẳng là thời buổi này không có danh thì quá...dễ. Nghe lạ! Tiếp, người biên khảo đất La Sơn bộc bạch ông sinh năm 1908, với ý đồ cả hai đồng canh, đồng tuế để dễ bề xưng hô cho phải lễ nho gia. Làm như điếc đặc, cụ hỏi ông như con dế trống đi xa, lâu lâu lại nhớ quê nhà gáy chơi, rồi ra ông sẽ dế mèn phiêu lưu ký về đâu? Ông chột dạ vì thấy cụ cũng hay chữ...quê mùa quá lắm. Nên ông ngỏ lời là muốn thêm dữ kiện để biên thuật, biên tác về bà Huyện qua...đồng cô bóng cậu. Vì ông nghe đâu đó dưới Cảng Phòng, có một bé con mới lớn đang bì bạch tắm truồng cạnh chum nước, đột nhiên ngã cái bạch, tỉnh dậy biết mọi chuyện thiên cơ bất khả lậu và hóa thân thành..."Cô". Đại thể ông muốn hỏi cô đồng bài thơ Cảnh thuChùa Trấn Bắc phải chăng là của bà Huyện. Nghe xong cụ quơ cái điếu cày, cái bong bóng lợn xẹp lép bỏ vào cái giỏ mây. Xong, ới một chiếc "xe con".

***
Ngồi trên xe, ông lẩn đẩn rằng hoài bão ông đang muốn gặp một nhà bác học, bác vật, trên thông thiên văn, dưới thuộc lòng địa lý để kiến văn sở thị thì may quá lại gặp cụ. Nếu như cụ đây là...cụ Từ thật, thì ông cũng ăn mày chữ nghĩa cụ ít nhiều về gia thế, gia cang bà Huyện. Nhưng chả may gì, vì thay đi Hải Phòng cụ nói bác tài ghé đền bà Chúa Liễu, và nhúm một cô đồng. Rồi xuống bãi Phúc Xà bên sông Hồng và...xuống thuyền. Ông chột dạ sao xuống Hải Phòng mà lại đi bằng thuyền! Lại mang cái bong bóng lợn xẹp lép theo? Bỗng cụ quay sang hỏi phải chăng ông là người Hà Tĩnh? Khi không ông đâm ra lo lo, vì đi biển mà cụ đây...lú lẫn thì mất vui.
Thuyền ra cửa biển xuôi nam...Để thăm chừng, ông dọ dẫm cụ về học thuật của ngành biên khảo, vì là nhà biên khảo đúng nghĩa phải có kiến thức rộng rãi, vốn sống, tránh cảm tính hoặc duy lý. Là nhà biên khảo như ông phải biết lý luận và luận giải rằng trong sách vở không nói bà Huyện vào kinh nhận chức Cung trung giáo tập bằng phương tiện nào? Nhưng theo ông thì bà đi bằng thuyền. Nhưng ông chưa có bằng chứng đích xác, chỉ là phỏng đoán.
Cụ rất tâm đắc với ông vì bà Huyện đi bộ hay thuyền thì cũng tới...Huế.

Sau đấy ông bị say sóng, nằm bẹp dí bao lâu chẳng biết nữa. Tỉnh dậy đã tới Nghệ An, mượn nỗi nhớ...Paris đèn vàng. Ông buồn môi ngứa miệng với bài Chiều hôm nhớ nhà không ngoài ý đồ dò la cụ Từ về nỗi hàn ôn, lữ thứ của bà Huyện, về văn khảo, văn học này kia, kia nọ:
Chiều trời bảng lảng bóng  hoàng hôn
Tiếng ốc xa đưa lẫn trống dồn
Gác mái, ngư ông  về  viễn phố
Gõ sừng, mục tử  lại  cô thôn
Ngàn mai gió cuốn, chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa, khách buớc dồn
Kẻ chốn chương đài  nguời  lữ thứ
Lấy ai mà kể nỗi  hàn ôn

Ông bình thơ luận phú với cụ là trong 8 câu bài này có 5 câu dùng từ Hán. Theo ông chỉ một vốc chữ Hán không thôi nhưng có hồn, có cốt, có tráng qua chút văn chương chữ nghĩa như thế đấy. Nghe xong, cụ ậm ừ: "Ông giáo dậy i tờ...rít...sao tôi nghe vậy". Rồi thôi. Thôi thế nào được, ông trộm nghĩ cụ đây chữ nghĩa ăn đong nên...đong không đầy lọ mực. Ông bèn gọt cốt vừa giầy với "Ốc: tù và làm bằng vỏ ốc lớn. Viễn phố: bến xa. Cô thôn: xóm vắng. Ngàn mai: rừng mai. Dặm liễu: dặm đường có trồng liễu, ý nói đường xa. Kẻ chốn Chương Đài: người vợ đang ở nhà. Lữ thứ: người đang ở xa quê. Hàn ôn: lạnh ấm; nỗi hàn ôn là chuyện tâm tình.

Tâm ý ông muốn nhắc khéo cụ là thời trước thế ấy, thời này thế đó, nào có khác gì như cái thời cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân của ông ở bên Tây! Chưa hết, ông tính kể lể cho cụ nghe các nhà học giả, học thật quái ác với râu ông này cắm cằm bà kia (1). Như bài "Chiều hôm nhớ nhà"có tựa đề Cảnh chiều hôm. Bài "Cảnh chiều hôm" lại mang tựa Chiều hôm nhớ nhà. Nhưng nghĩ sao lại thôi, vì Cảnh chiều hôm như là một dị bản của  Chiều hôm nhớ nhà nói ra chỉ tổ làm cụ rối như canh hẹ thêm. Thêm nữa, cụ Từ thì biết quái gì về thơ phú với bút khảo. Vớ vẩn cụ lại học thói nho gia như...ông rằng lập thân tối..."dạ" thị văn chương thì cũng rõ khổ.

Khổ đâu chưa thấy đã thấy cụ nhúc nhắc ông muốn hỏi thơ tả cảnh buổi chiều, hay...buổi sáng thì hỏi cô đồng. Thế là cả ba ngồi xuống chiếu. Ông bèn hỏi cô đồng phải chăng bài Cảnh thu là của bà Huyện Thanh Quan? Hỏi rồi, ông ngáo ệch nhòm vì trước mặt cô là cái đĩa có cái chân gà khô queo khô quắt và hai đồng trinh. Cô loáy nhoáy thắp hương, cúi mặt xuống chiếu khấn âm dương một hồi lâu. Trong tĩnh lặng, cô cúi đầu xuống lạy cái chân gà quắt queo ba lạy như tế sống...ông. Ông thuỗn mặt ra vì chả hiểu "đồng cô bóng cậu" này thuộc Tam phủ, Tứ phủ của Đền Phủ Giầy thờ Mẫu địa hay Đền Quốc Oai thờ Mẫu thiên đây?
Xong lễ bộ, đầu lắc lư như...lên đồng. Cô mở mắt nhìn trừng trừng ông và mở miệng ca trù, cung văn "Cậu bắn súng lục, Cô bơi thuyền rồng" với bài Cảnh Thu như thế này đây:
Thánh thót tầu tiêu mấy giọt mưa,
Bút thần khôn vẽ cảnh tiếu sơ,
Xanh om cổ thụ tròn xoe tán,
Trắng xoá tràng giang phẳng lặng tờ.
Bầu dốc giang sơn say chấp rượu,
Túi lưng phong nguyệt nặng vì thơ
Cho hay cảnh cũng ưa người nhỉ,
Thấy cảnh ai mà chẳng ngẩn ngơ.

Múa may hát hỏng một hồi xong, cô hầu bóng: Lạy bà! Bà ở trên ngàn - Thương con đệ tử trần gian bà về và cô dẫn dụ rằng: Xuân Hương đi chơi gặp mưa, vào chơi thăm làng Văn Giáp, thấy có một chùa xưa, Xuân Hương vào chùa lạy Phật, rồi đi xem ngoài chùa. Thấy bên chùa có cây đa. Ngó lên xem thấy xanh om cổ thụ tròn xoe tán, nên...ngẩn ngơ làm bài thơ trên.
Cô liu điu thêm riêng bản Đông châu 1917 thì lại khác:
Lạy thánh mớ bái hai bác chứ. Chứ chuyện là một ngày kia đang qua thu, giời lún phún dăm ba hạt mưa, hơi ngăm ngăm rét, quan phủ nhân vô sự, mới sai bày cuộc rượu, cho gọi Xuân Hương ra cùng ngồi uống rượu để vịnh thơ. Xuân Hương vâng lời, đương khi chén quỳnh đầy vơi, chiều thu hiu hắt, Xuân Hương tức cảnh với thơ rằng thánh thót tầu tiêu mấy giọt mưa...
Cô luận giải là theo văn bản của Antony Landes năm 1892 (2), bài thơ không có đầu đề. Câu thứ hai Bút thần khôn vẽ cảnh tiếu sơ bị đổi ra là Đố ai vẽ được cảnh tiếu sơ. Rồi "cô hay cậu" gật gừ: Thế thì bài này không phải của bà chúa thơ Nôm, cũng chẳng phải của bà Huyện.
 

Nghe thủng xong, ông đực ra như ngỗng đực vì sao cô này biết tiếng Tây tiếng u như ông. Chạy trời không khỏi nắng là đồng thiếp nhập vào cô chẳng sai chạy. Vì vậy ông hắng giọng hỏi về bài thơ Chùa Trấn Bắc. Cô nhướng mắt, vẫn giọng ái nam ái nữ: Xá lầm, xá lú, xá mê - Trần gian bà về, bát nhã thuyền huê và cô đắp chữ vá câu:
Bài Chùa Trấn Bắc mà Landes gán ghép cho bà Hồ Xuân Hương thì câu đầu Trấn Bắc hành cung cỏ dãi dầu bị sửa thành Ngoài cửa hành cung cỏ dãi dầu.Ấy đấy, gì mà dính dáng đến bà chúa thơ Nôm đều bị đảo ngữ lộn tùng phèo hết. Thêm nữa, chùa Trấn Quốc, năm 1884 vua Thiệu Trị mới đổi ra là chùa Trấn Bắc. Trong khi bà mất năm 1822. Vẫn chưa hết, cứ theo như nhà biên khảo Cao Xuân Huy thì bài thơ có tựa đề Trấn Quốc Tự chép trong Hương Đình Cổ Nguyệt Thi (3). Lạy thánh mớ bái hai bác chứ. Chứ "Cô" đây cũng hết biết luôn.
Thế nhưng ông chắc như cua gạch một nhẽ với câu chót của bài Chùa Trấn Bắc Khéo ngẩn ngơ thay lũ trọc đầu thì chắc chắn không phải là văn phong của bà Huyện. Thêm nữa, vào năm 1813, trên đường đi sứ Trung Hoa, qua Thăng Long, chứng kiến những đổi thay nơi mình đã từng sống suốt tuổi hoa niên, cụ Nguyễn Du cảm khái: "Thiên niên cự thất thành quan đạo - Nhất phiến tân thành một cố cung" tạm diễn nôm là nhà lớn nghìn năm thành đường cái, một mảnh tân thành mất cung xưa. Cũng vậy, bà Huyện Thanh Quan là người Thăng Long (4)chính gốc, dù bản thân chưa từng sống với nhà Lê, nhưng hít thở cái tâm thức chung ấy của thời đại, hẳn cũng không tránh khỏi cái tâm sự hoài Lê. Một lần qua chùa Trấn Vũ, bà cảm tác Ba hồi chiêu mộ, chuông gầm sóng - Một vũng tang thương, nước lộn trời. Vì vậy ông trộm nghĩ bài thơ của bà Huyện Thanh Quan phải là bài Đền Trấn Vũ như ở trên, chứ không là bài Chùa Trấn Bắc như lâu nay thiên hạ sự truyền tụng. Ông ậm ừ với "Cô" là bà Hồ Xuân Hương khi qua đèo Ngang có câu đối Chơi Đèo Ngang như sau: "Khéo khen ai đẽo đá chênh vênh, tra hòn ngược để đơm người đế bá - Trách con tạo lừa cơ tem hẻm, chuốt núi xuôi cho lọt khách cổ kim".

Nghe ông hầu cô bóng cậu xong, cô chầu văn: Bà về bát nhã thuyền huê - Con cõng đệ tử ngồi kề hai bên. Biết ý, ông và cụ Từ ngồi hai bên cô đồng. Và cô tiếp: Bà về để thấy cái nhà bác này khéo dệt chuyện. Vì bà chúa Nôm chỉ theo chồng là ông Hiệp trấn Trần Phúc Hiển cáng võng tới Quảng Yên là hết đất. Có ăn gan giời trứng trâu, thân gái dặm trường cũng chả dám hẻo lánh tới đèo Ngang. Rồi mặt cô đồng như một thánh nữ hiển hiện trên chín tầng trời với hư trúc niết bàn chẳng đâu xa, vái sống ông hai lạy, quay về hướng núi lạy bốn lạy và...thăng. Cô thăng tới...đuôi thuyền vẫn còn đồng bóng tiếp: Lạy bà! Bà đẹp chín nghìn - Trăng còn thua sáng, hoa nhìn kém tươi. Ông hiểu ra bà đây là bà chúa thơ Nôm.
***
Thuyền vượt sóng qua đất Nghi Xuân của cụ Nguyễn Du thì cũng vừa hết chuyện cụ Tiên Điền với bà Huyện Thanh Quan. Thuyền vừa vào địa phận Hà Tĩnh, đất quê của ông và cũng là quê nội bà Hồ Xuân Hương. Thế là ông được thể lân la qua...Qua Đèo Ngang:

Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi, tiều vài chú,
Lác đác bên sông, chợ (rợ) mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Dừng chân đứng lại, trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta.

Buồn tình ông thêm dấm thêm tương rằng bà Huyện Thanh Quan chân cứ thung thăng mà bước mà không bị vướng vào câu. Tay cứ tự do vung vẩy mà không ngại bị va vào chữ. Tâm viên ý mã ông muốn lươn khươn với cụ là bà Huyện tới đèo Ngang thì...đi bằng thuyền. Như vua Lê Thánh Tông chả hạn, chả là mùa xuân năm Canh Dần (1471), quốc vương Chiêm Thành là Trà Toàn đem 10 vạn thủy quân đánh úp Châu Hóa. Ngày 16, vua Lê Thánh Tông thống lãnh thủy quân đi đánh Chiêm Thành, trên đường đi gặp mưa, vua có câu thơ răng: "Trăm vạn quân đi đánh cõi xa Mui thuyền mưu đội thấm quân ta". Ngày 28, vua bắt sống Trà Toàn ở Chà Bàn. Tháng Tư năm ấy, trên đi về thì gặp lúc hoàng hậu và thái tử đi thuyền nhẹ tới Nghệ An đón vua. Vua đưa hoàng hậu ngược về Hà Tĩnh và rong thuyền ở đây cả một mùa hạ.
Ngại cụ nông choèn, ông muốn cụ thông hanh câu của người xưa rằng nhân bất học bất tri lý, nôm na là người ít chữ chẳng hiểu lẽ hay là...hay. Hay hơn hết, ông câu đọng chữ thừa về bài thơ Qua Đèo Ngang của vua Lê mà ông cho là vua làm khi ghé Hà Tĩnh để cụ tường:
Bãi thẳm ngàn xa cảnh vắng teo
Đèo Ngang lợi bể nước trong veo.
Thà là cúi xuống cây đòi sụt,
Xô xác trông lên, sóng muốn trèo.
Lảnh chẳng đầu mầm chim vững tổ,
Lanh chanh cuối nũng cá ngong triều.
Cuộc cờ kim cổ chừng bao nả,
Non nước trông qua vẫn bấy nhiêu.

Ông định hỏi han cụ về hồn phách thơ vua Lê với bà Huyện ra sao. Cụ bỏ ra mũi thuyền đứng, văng vẳng tiếng cụ Từ rơi rớt lại thì bài thơ của vua Lê chả hay ho gì. Chỉ giống nhau...cái tên thôi. Thuyền rẽ mũi vào một eo biển sâu vào đất liền cả mấy cây số. Bên bờ có bãi đất rộng, có làng làm nghề chài cá. Ông men lại, cụ chỉ trỏ rằng trước kia nơi đây thuyền chài tránh bão, sau hải thuyền nhà Nguyễn làm nơi trú quân vì vậy mới có chợ Đồn. Chẳng phải đợi cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, là nhà biên khảo phải có cái nhìn tinh tế, vốn sống, không nên thờ ơ, phải biết lắng nghe. Nghe xong, ông chắc như bắp luộc với cụ là vua Lê đi thuyền đến đây đã thấy bãi thẳm ngàn xa cảnh vắng teo, đèo Ngang lợi bể nước trong veo.
Thêm nữa, nhà biên khảo phải biết dựa dẫm và suy luận. Vì nhẽ dễ hiểu di hài bà Đoàn Thị Điểm từ Nghệ An đưa về Nghi Tàm cũng bằng...thuyền.Thếnên ông càng chắc đinh đóng...thuyền là bà Huyện cũng đi bằng...thuyền như bà Đoàn Thị Điểm. Vì chả nhẽ bà Huyện ...đi bộ, còn chỗ ăn chỗ ở, nhiêu khê lắm chứ đâu có đùa. Ngay cả các thầy đồ xưa khi vào kinh ứng thí, còn phải mang cá gỗ để giả đò chấm với nước mắm nữa là. Vì vậy dân gian mới có câu "Bắc Kỳ ăn cá rô cây" là thế. Thế nên bà Huyện cũng như vua Lê thấy thà là cúi xuống cây đòi sụt, xô xác trông lên, sóng muốn trèolà...là bà Huyện trèo lên đèo Ngang ngắm cảnh đấy thôi.

Ghé chợ Đồn, cụ Từ sắm sửa ít đồ nhắm và mua rượu Kim Long san vào cái bong bóng lợn. Xô xác trông lên rồi, rồi cụ rủ cả hai leo lên đỉnh Đèo Ngang ngắm cảnh trời trăng mây nước như vua Lê, bà Huyện xưa kia cả mấy trăm năm trước. Nhưng đồng cô bóng cậu núm xúm trông lên chả muốn...sóng muốn trèo nên lắc đầu nguây nguẩy vì "Cô" đâu phải là...sóng, hay là bà Huyện Thanh Quan mà dám leo lên cái dốc thẳng đứng thế kia.
Leo lên lưng chừng dốc, cả hai phải tạt vào vệ cỏ của một thẻo đất trống hình cánh quạt để nhường chỗ cho đàn trâu mươi con đi qua, trên cổ con to nhất đeo "cái mõ", theo mỗi bước chân trâu, "chiếc mõ" đong đưa, phát ra tiếng leng keng...leng keng....Ông ngớ ra sao mõ lại kêu "leng keng". Bèn hỏi. Thì được cụ cho hay đó là âm thanh của dùi sắt gỏ vào vỏ quả bom, ấy là dụng cụ tạo âm thanh thông dụng của làng quê thời chiến tranh với Mỹ. Nom ròm theo chân đàn trâu từ thẻo đất đi xuống triền dốc thoai thoải đầy ổ gà, ổ voi, sống trâu. Ông bắt gặp cái làng nằm dưới chân đèo Ngang, có con sông nhỏ uốn lượn quanh, trên dòng sông đó đây có vài ba con thuyền nan, mui cong bằng phên tre, nứa, có ông già ngồi buông cần câu cá. Cạnh bến sông là chợ Đồn, chợ chiều nằm trên khu đất rộng, mấy túp lều tranh nghiêng ngả, xơ xác...

Khi không người biên khảo đất La Sơn bám như cua cắp với cụ rằng bài Qua Đèo Ngang của bà Huyện với "quốc quốc" "gia gia". Thì có thể khởi đầu từ Trần Danh An, một di thần nhà Hậu Lê vay mượn hai câu chữ Hán: "Dạ thính đỗ quyên minh cuốc cuốc - Nhật văn cô điểu khiếu gia gia", tạm hiểu nghiã là đêm nghe đỗ vũ kêu cuốc cuốc, ngày lắng gà rừng gọi gia gia.
Và người di thần họ Trần gói ghém tâm sự mình trong thơ:
Giá cô tại giang Nam
Đỗ quyên tại giang Bắc
Giá cô minh gia gia
Đỗ quyên minh cuốc cuốc
Vi cầm do hữu quốc gia thanh
Cô thần đối thử tình vô cực

Diễn nghĩa là:
Chim giá cô ở bờ sông Nam,
Chim Đỗ quyên ở bờ sông Bắc,
Giá cô kêu gia gia,
Đỗ quyên kêu cuốc cuốc
Chim nhỏ kêu tiếng nước nhà
Cô thần đối cảnh tình man mác

Ông luận giải từ con đỗ vũ kêu cuốc cuốc, chim giá cô hay cô điểu tức gà rừng hoặc gà gô gọi gia gia, chỉ là hai chữ đối cảnh trong nỗi nhớ nhà. Cụ lại vẫn cái mửng cũ rằng: Chữ nghĩa cụ lờ đờ như gà ban hôm nên đâu có biết...con giá cô, con gà gô nó kêu ra làm sao? Và cứ theo nhẽ cụ thì nhẽ ra hai câu thơ của bà Huyện: "Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,  thương nhà mỏi miệng cái gia gia" phải là: "Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc,  thương nhà mỏi miệng cái gia gia" mới hợp tình hợp cảnh theo nhẽ bình thường.
Rồi cụ lựng bựng hỏi ông là vào thời bà Huyện có hai chữ "quốc gia" không?

Nghe vậy, ông phân bua với cụ qua câu nhớ nước đau lòng con quốc quốc thì: "nước" đối với "quốc". Vì Hán tự thì quốc đây là thổ địa, là một nước. Và câu thương nhà mỏi miệng cái gia giathì: "nhà" đối với "gia". VìHán tự vớigia đây là nhà, để thành "nước nhà".Còn "con" ở câu trên đi với "cái"ở câu dưới cũng chỉ là đối chữ thôi. Đó là thể đối thơ thất ngôn có tên "Gối hạc" như Cao Bá Quát với một chiếc cùm lim chân có đế, ba vòng xích sắt bước thì vương.
Tiếp đến, trong cái đầu đất của ông ăn xó mó niêu với bức thư của giám mục Pugunier đề ngày mùng 4 tháng Tư năm 1887 có đoạn sau đây: "...tiếng Việt-nam ghi bằng mẫu tự Âu Châu, kêu là: cuốc ngữ". Ấy là từ "cuốc ngữ" xuất hiện lần đầu tiên vì thời đó chữ Việt theo chữ La-tin chưa có chữ "q". Mãi đến năm 1838, J.L Taberd trong Nam Việt dương hợp tự điển mới có một số chữ "q" thay cho một số "c" để có "quốc ngữ" hay "quốc gia". Cụ Phan Bội Châu trong Việt Nam quốc ngữ khảo cho biết thêm: "Trong thời xưa, "chữ ta" hay là "chữ An nam" chỉ chữ Nho. Hồi đầu thế kỷ nầy, dân tộc ta nhận ra lần thứ nhứt rằng có một thứ chữ viết riêng cho tiếng nói của ta, đó là chữ Quốc ngữ. Đối với chúng ta, Quốc ngữ là tiếng nói của nước nhà.

Với bà Huyện Thanh Quan, qua chữ nghĩa văn học bà chỉ được biết đến mới đây khoảng giữa thập niên 30 và 40 (4) . Thế nên từ bài thơ chữ Nôm "Qua Đèo Ngang" theo thể Đường luật thất ngôn, bát cú được một người nào đó vì nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc dịch nghĩa ra con ...quốc quốc chăng? Nói cho ngay, chính người biên khảo đất La Sơn cũng không hay biết!

Ấy là chưa kể tận tín thư bất như vô thư với ông Lê Văn Phát qua tác phẩm Contes et Légendes du Pays d'Annam bằng chữ Pháp có văn bản Le Râle d'eau trong đó cũng có bài thơ Đèo Ngang rặt chữ Nôm, giống hệt bài Qua Đèo Ngang của bà Huyện.  Le Râle d'eau kể chuyện vua La Hoa nước Chiêm Thành đem quân đánh Giao Chỉ. Một cận thần tên Quốc hết lời can gián nhưng vua không nghe. Quốc xin theo để bảo vệ vua.  Cuộc chiến xảy ra ở Đèo Ngang. La Hoa trúng tên chết. Quốc xông ra lấy xác cũng bị chết theo. Quá uất ức, hồn của Quốc không siêu thoát được, vất vưởng quanh Đèo Ngang để tìm xác chủ. Sau Quốc tái sinh là con chim cuốc cất những tiếng kêu bi ai: "Quốc Quốc, La Hoa, Quốc ở  đây, còn La Hoa ở  đâu?".
Ông tính kể cho cụ Từ nghe nhưng lại thôi vì cụ đâu có biết bài Đèo Ngang in ấn năm 1907, từ chuyện dân gian trong thời Chiêm Thành đem quân đánh Giao Chỉ, ắt hẳn là trước năm Canh Dần (1471) thời vua Lê Thánh Tông đánh Trà Toàn. Vì vậy bài Đèo Ngang này có trước hai bài trùng tên là Qua Đèo Ngang của vua Lê và bà Huyện Thanh Quan.
Qua ải Đèo Ngang bóng ác tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen ba.
Non cao rải rác tiều vài lão,
Đất rộng lai rai xóm mấy nhà.
Nhớ chúa đau lòng con Quốc-Quốc,
Kêu người mỏi miệng tiếng Hoa-Hoa.
Dừng chơn ngóng cổ miền non nước,
Một tấm lòng riêng ta với ta.

Nhìn lên đèo Ngang cao ngất trời, ông lắc đầu ngao ngán vì gì mà cao quá thể vậy trời. Đang ì ạch leo lên, bỗng cụ Từ hỏi ông sao lại gọi là đèo Ngang, nghe...ngang như cua ấy. Ông cũng chẳng hơn gì, cái đầu biên khảo lắm chữ của ông cũng đang bí ngô bí khoai và tự hỏi cớ sự gì chẳng ai bảo ai, từ vua Lê Thánh Tông, di thần Trần Danh An, dân Chàm mất nước, đến bà Huyện đều làm thơ cái đèo...ngang ngang chân núi không một áng mây bay để...rách chuyện cho những nhà biên khảo. Gần tới đỉnh đèo, ông vừa thở ra khói, vừa nghĩ quẩn là bà Huyện đi thuyền qua đây, nghe giai thoại dân gian Chàm với hai câu thơ nguyên thủy: Nhớ chúa đau lòng con Quốc-Quốc - Kêu người mỏi miệng tiếng Hoa-Hoa, rồi đi luôn một mạch tới Huế. Tới kinh đô, bà trau chuốt lại bài Đèo Ngang để có bài Qua Đèo Ngang thành bài thơ của mình chăng? Ai biết đó là đâu, có thể lắm ạ. Và với cảm tính của người biên khảo đất La Sơn là vậy.

***
Vậy mà tới đỉnh đèo...Giời ạ, chọc vào mắt ông là cái Cổng Giời.

Ai mà chẳng hay nhà biên khảo phải có kiến thức và quan sát. Thế nên người biên khảo đất La Sơn biết ngay cổng này do vua Minh Mạng xây năm 1833. Trong khi ấy cụ Từ lôi đồ ăn thức uống ra bày ra ở ngay dười gốc cây cạnh đường. Cụ làm một hơi rượu Kim Long, bắn vài bi thuốc lào, giọng cụ âm ỉ hoài đồng vọng về một thời xưa cũ: "Dừng chân đứng lại, trời, non, nước...". Hóa ra cụ đồng cảm với ông, nhòm Cổng Giời cổ kínhcó tự trăm năm kiến trúc kiểu Hy-La Gothic, ông cũng u mặc, u mê đến...Arch Triump ở đại lộ Champs Élysées nữa là...
Là trong một ngày tàn, người biên khảo đất La Sơn nhìn xuống chợ Đồn phía dưới để đi tìm lại hình bóng ngôi làng nằm dưới chân đèo Ngang lúc nãy có con sông uốn lượn quanh. Và ông chỉ thấy trên giải nước mờ nhân ảo vài ba con thuyền đánh cá bé tẻo teo như...cụ Nguyễn Tuân đun nước sôi sủi đầu tăm, mắt cá. Ông đảo mắt xuống cạnh bến sông, quán chợ dăm mái nhà tranh nghèo nàn và bé cỏn còn con như mắt muỗi nên nhòm không ra. Ông lẩn thẩn tự hỏi ông nhòm không ra thì từ trên cao xa đất gần giời như thế này mà bà Huyện Thanh Quan làm sao mà...lom ròm thấy "Lom khom dưới núi, tiều vài chú - Lác đác bên sông, chợ (rợ) mấy nhà".

Cạn chén hạt mít, cụ Từ nén viên thuốc lào nhét vào ống điếu, châm lửa, thổi ra khói. Nhìn xuống chân đèo, cụ râm ran qua khói thuốc, qua luống đoạn trường: "Một mảnh tình riêng, ta với ta...". Ông lại lan man ai chẳng một lần trong đời với những tiếc nuối. Cụ cũng thế, thế nhưng ông nhủ thầm: Một mảnh tình riêng nào đây? Nhưng không tiện hỏi...
Hướng theo ánh mắt cụ nhìn xuống chân đèo  thoai thoải dốc. Ông không nhìn thấy cỏ cây chen đá, lá chen hoa, mà chỉ thấy lá cây đang đổi dần từ xanh tươi sang xanh thâm...Hoa, hoàn toàn không có, thêm một lần ông cũng chẳng gặp lại...tiều vài chú, mà là những người gánh củi như những cái bóng nhập nhòa từ trên rừng  về thôn xóm. Đâu đó có tiếng chim kêu xao xác...như bìm bịp kêu nghe mệt mỏi, não nề. Đứng trên đỉnh đèo, giữa đất và trời, ông làm như nghe tiếng cuốc kêu mà hoang tưởng mình là bà Huyện nghe chim da da...kêu như cuốc gọi hồn với nỗi niềm thương nhà nhớ nước. Niềm hoài cổ đang chầu chực sẵn với thân phận lưu vong của ông, gần nửa đời người ông mới có mặt ở nơi chốn này, vậy mà không như bà Huyện Thanh Quan. Người biên khảo đất La Sơn nghe cuốc kêu chỉ nghe ra là: " dà dà...bát cát quả cà...bắt cô trói cột..., dà dà...bát cát quả cà...bắt cô trói cột...".
Như đi guốc vào bụng ông, cụ Từ chép miệng cái bép là thổ ngơi ông ở Hà Tĩnh, ở Tây lâu quen thói nên đụt ra, đâu có hay chim da da hay đa đa còn gọi là "gà cơm cát" vì tiếng gáy của nó nghe: "chát cha chát... chát cha...cha". Còn chim cuốc hoặc chim giẽ chúng sinh sống dưới ruộng nước, đầm ao... chứ ở đèo Ngang với núi rừng khô không khốc đây làm gì có. Cái giống chim này cứ đến mùa hè kêu cả đêm rồi chết rạc, người Bắc gọi là chim cuốc. Người Trung kêu...chuốc chuốc. Rồi người sau đổ vấy cho bà Huyện cải biên nhớ nước đau lòng con chuốc chuốc,  thành...con cuốc cuốc, sau với tiếng Quốc ngữ hóa thân là...con quốc quốc!
Qua lời cụ Từ, ông biết để đó là đèo Ngang không...chim cuốc. Và ý tại ngôn ngoại của ông là bà Huyện chưa đi qua đèo Ngang để...nhớ nước đau lòng con quốc quốclà đúng quá rồi.
Tuy nhiên ngồi dưới gốc cây, ông cũng thầm mến mộ bà Huyện Thanh Quan trong niềm hoài cảm với khen ai khéo vẽ cảnh tiêu sơ, xanh um cổ thụ tròn xoe tán. Ông tức cảnh sinh tình với trắng xoá tràng giang phẳng lặng tờ, bầu dốc giang sơn, say chấp rượu. Ông làm nhẵn một chấp rượu, vân vo bi thuốc lào như hạt thóc lép và rít một hơi. Ấy vậy mà say đứ đừ. Đầu óc ông cứ váng vất về kẻ chốn chương đài, người lữ thứ, lấy ai mà kể nỗi hàn ôn?
Thế nên ông hàn ôn với cụ rằng:
- Cứ theo sở học bấy lâu qua những học giả, biên tác thì bà là  một nữ sĩ thời Nguyễn Sơ, người phường Nghi Tàm, huyện Thọ Xương gần Tây Hồ. Bà là học trò của danh sĩ  Phạm Quý Thích  (1760-1825), cụ là tiến sĩ đời nhà Lê và cũng là bạn thân của thi hào Nguyễn Du. Bà là vợ ông Lưu Nghị, người Huyện Thanh Trì, tỉnh  Hà Đông. Ông đỗ cử nhân  thời Minh Mạng, là tri huyện Thanh Quan, nên người đời gọi bà là  bà huyện Thanh Quan. Sau bà được vua Tự Đức vời vào kinh dậy học. Mới vào kinh một tháng thì ông Lưu Nghị mất khi 43 tuổi.
Cầm ly rượu và để đó, cụ tư lự, đăm chiêu:
- Tôi nghe hơi nồi chõ là bà Huyện cùng làng Nghi Tàm với bà Hồ Xuân Hương nhưng nhỏ tuổi hơn. Khi thân phụ bà chúa thơ Nôm dậy học ở Nghi Tàm rồi mất, bà tiếp tục dậy học và bà Huyện là học trò bà Hồ Xuân Hương, thưa Thầy.

Người biên khảo đất La Sơn như muốn nhẩy nhổm lên:
- Thì sách vở ghi chép rành rành bà Huyện là học trò của cụ Phạm Quý Thích mà, thưa cụ.
Cụ Từ đong đưa chén rượu theo từng chữ từng câu:
- Thôi thì Thầy hãy để tôi hầu chuyện giai thoại Sâm cầm của cho Thầy nghe nhá. Sâm cầm là một loại chim quý, rất hiếm, chỉ sống ở vùng ven Hồ Tây. Vì vậy lệ quy định nhà Nguyễn rằng mỗi năm phải nộp năm chim sâm cầm, thiếu một con chim phải phạt vạ. Dân làng Nghi Tàm khốn khổ vì tiệc "tiến" sâm cầm. Nhưng nhờ bà Huyện đang ở kinh đô dâng đơn lên vua bỏ lệ này. Việc thành, làng ghi tên bà Huyện vào Ngọc Phả trong đền thờ bà Đoàn Thị Điểm, ngay trang đầu có tên bà. Lúc bà về làng, quan trên ra lệnh tìm người viết đơn. Nhưng chắt ngoại của cụ Phạm Quý Thích, cụ Phạm đây là thày dạy thân phụ bà là cụ Nguyễn Lý. Người chắt làm tri huyện Hoàn Long đương thời, vì trọng cụ Nguyễn Lý, nên đã ỉm chuyện này đi.
Nhiễu chuyện nữa là cụ Phạm Quý Thích lại là người tình của bà chúa thơ Nôm. Cụ Tam Nguyên Trần Bích San khi viết Xuân Đường Đàm thoại về cụ Nguyễn Du..."sống lại 49 năm sau" cùng Tiến sĩ Phạm Quý Thích, mỗi người làm một bài phúng Hồ Xuân Hương và luận bàn về chữ tình, tài, mệnh, giai nhân. Cả hai đều là người tình của bà Hồ Xuân Hương, thưa Thầy.
Ông ớ ra vì cụ đây là người thông tỏ mọi chuyện, biết cả giai thoại của bà Huyện. Hay cụ là cụ Từ...thật cũng nên. Thế nên những canh cánh bấy lâu, ông mang ra...bắt cua bỏ rọ:
- Vậy chứ giai thoại Phú cho Nguyễn Thị Đào là của bà chúa thơ Nôm hay bà Huyện đây?
Cụ Từ ngần ngừ, rồi lẫm đẫm:
- Nói là giai thọai là của bà chúa thơ Nôm thì chỉ mới có năm 1963, khi người sau tìm ra tập Lưu Hương ký của bà vì bà là thiếp của Trần Phúc Hiển làm quan ở Quảng Yên. Vì bận việc quan, thỉnh thoảng ông ủy thác cho bà chuyện công văn sổ bộ quan nha. Còn giai thoại về bà Huyện thì có từ thưở tám hoánh nào rồi. Không những thế còn nhiều hơn nữa. Như giai thoại "Làm...trâu" chẳng hạn. Chuyện quan Huyện đi vắng, bà ấy thay chồng đăng đường. Một ông hương cống tới xin mổ trâu để giỗ bố. Bấy giờ mùa màng thất bát, triều đình hạn chế mổ trâu trong dịp tế lễ khao vọng để giữ trâu canh tác. Bà ấy ngại ngùng, nhưng trước sự năn nỉ của ông Cống, và cảm động trước hiếu hạnh của ông. Bà hóm hỉnh cầm bút phê vào đơn: "Người ta thì chẳng được đâu - "ƯØ " thì ông Cống...làm trâu thì làm". Biết bà Huyện chơi chữ để lỡm mình, nhưng vì được việc nên ông Cống cũng vui vẻ ra về.

Còn giai thoại Phú cho Nguyễn Thị Đào thì nhân một hôm ông Huyện lại đi vắng, có một người đàn bà còn trẻ, tên Nguyễn Thị Đào đến cửa quan kiện người chồng phế bỏ việc gia đình, hắt hủi vợ nhà, nên xin quan trên cho mình được bỏ chồng. Nhận thấy lá đơn lời lẽ rất cảm động, thương cho người thiếu phụ chịu lỡ dở, bỏ cả xuân xanh trong cảnh cô đơn, vì thương cảm...Bà ấy đã thay chồng phê vào lá đơn bốn câu thơ:
Phó cho con Nguyễn Thị Đào
Nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai?
Chữ rằng: Xuân bất tái lai
Cho về kiếm chút kẻo mai nữa già!

Hay chuyện, chồng cô Đào kiện lên quan trên, ông Huyện bị cách chức. Nhưng sao đó ông lại được phục hồi, và thuyên chuyển về Bộ Hình thăng chức Lang trung. Cứ theo mấy nhà học giả, học thuật như Thầy...thuật lại thì nhờ có tài văn chương lỗi lạc. Bà ấy được vua Minh Mạng vời vào cung phong chức Cung trung giáo tập. Ấy tôi chỉ biết thế thôi:
Tôi chỉ..."biết" là cái năm bà ấy vào cung để dạy phi tần, công chúa thì vua Minh Mạng đã...chết từ thưở tám kiếp nào rồi, thưa Thầy.

Người biên khảo đất La Sơn lựng khựng trông thấy vì cụ Từ già rồi nên đốc chứng hay sao ấy, lúc này cứ gọi bà Huyện là "bà ấy". Chưa kịp hỏi cho ra nhẽ thì hốt nhiên cụ cười nhẹ.
Cụ cười thật ấm áp và giọng cũng đầm ấm chẳng kém:
- Thôi thì trăm sự cũng chẳng dấu gì Thầy...

Ngừng lại một chút, cụ vỗ vai ông thân mật:
- Tôi là ông huyện Thanh Quan đây.

Người biên khảo đất La Sơn đang ngớ ra, đang chộn rộn chàng ràng thì...cụ Từ. Ấy quên, thì...quan Huyện làm như khó nghĩ lắm rồi từ tốn:
- Thầy không dậy tôi cũng biết làm biên khảo phải đọc sử ký, địa lý để tìm ra sự thật, chứ không phải là làm cho rối rắm thêm. Nhưng tôi phải đưa ra dữ kiện để Thầy hiệu đính dùm là cứ theo các nhà học giả, học thật thì tiện nội tôi ở kinh một tháng. Trong khi tiện nội tôi rời Nghi Tàm đúng...một tháng sau thì tôi mất.
Vì vậy tôi cũng không biết tiện nội tôi có đi ngang qua Đèo Ngang hay không? Thưa Thầy.

Như có gì suy nghĩ lung lắm, quan Huyện chậm rãi:
- Thầy cứ xem lại Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục 1884 của nhà Nguyễn viết toàn bộ lịch sử nước nhà tới đời Lê. Sử thi ghi chép cả chuyện bà Nguyễn Thị Lộ, tiểu thiếp của cụ Nguyễn Trãi được vời vào cung làm Lễ nghi học sĩ. Hoặc giả nhưĐại Nam Thực Lục, ngay cả Quốc Sử Di Biên được vua Tự Đức phụ đính và phê chuẩn năm 1851. Thám hoa Phan Túc Trực còn viết đôi chút tiểu sử về bà Hồ Xuân Hương. Vậy mà không sử sách nhà Nguyễn nào đề cập đến tiện nội tôi? Thế mà những nhà biên khảo đồng nghiệp với Thầy đã ngụp lặn với chữ nghĩa là: "...Nhờ có tài văn chương lỗi lạc, bà Huyện Thanh Quan được vua Tự Đức vời vào cung và phong chức Cung trung Giáo tập để dạy phi tần, công chúa...".

Quan Huyện chép miệng một cái tách:
- Thì như Thầy đã biết đấy, muốn là nhà biên khảo đúng nghĩa...như Thầy đây thì phải có tâm hồn nhậy cảm, tránh duy lý, không dễ dãi với những dữ kiện, phải cân nhắc kỹ càng những tài liệu chính xác hay không để người sau không bị lầm lẫn?
Quan Huyện thở ra:
- Mà vua Tự Đức nào có...con cái đâu! Thưa Thầy.

Dặn dò xong, quan Huyện đứng dậy, đi qua Cổng Giời, thăng về giời trong u u minh minh...

***
Phần viết thêm:

Loạy nhoạy đến một tháng, người biên khảo đất La Sơn mới trở lại Paris. Trong thư phòng, nay trên tường có treo cái điếu cày và cái bong bóng lợn. Trên cái bàn cổ Louis thứ 16, sáng trưa chiều tối ông ngồi rị mọ với thiên cổ kỳ bút về bà Huyện Thanh Quan. Xuân sinh, hạ trưởng và chẳng đợi đến thu liễn, đông tận, vào một ngày nắng hạ với sinh có hạn, tử bất kỳ... Vừa lúc viết đến đoạn: Dặn dò xong...quan Huyện đứng dậy... thì người biên khảo đất La Sơn thiếp đi và cũng ...thăng theo quan Huyện trong một ngày ít nắng nhiều mây.
Bữa ấy nhằm vào tháng 3 năm 1966.

Chót chét cho rằng ông không quay quả về chốn nhân gian này nữa. Rồi lớ quớ thế nào không hay, ông rơi tõm vào lỗ hổng của thời gian...Trở về cõi thế tục trong một ngày nắng chầy chầy, ngỡ rằng đã xong cái nợ chữ nghĩa, người biên khảo đất La Sơn thanh thản bước từng bước trên lối mòn xưa cũ. Cũng mấy hôm rày bên Tây Hồ, dưới gốc cầy bàng là một quán lợp tranh, có ít bánh đa vừng, dăm cái kẹo lạc. Ở đấy có hai người: Một đồng cô bóng cậu, một cụ áo lương khăn lượt. Họ thầm thì bảo nhau rằng Kinh thi có câu bách quế quy vu kỳ thất, rằng trăm năm rồi cũng về nhà. Thế nên họ đang ngồi đợi ông, nếu ngày mai không mưa thì nắng...thì họ và ông sẽ mầy mò chuyện cụ Nguyễn Du viết Truyện Kiều vì bà Hồ Xuân Hương.

Nghe vậy, ông bước đến gần, ngồi xuống và rì rầm bảo họ ông đang theo chân cụ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu khiêng văn lên bán chợ giời, ngoài cái điếu cày, cái bong bóng lợn xách đến đây để làm vài cữ. Ông còn khuân theo bài biên soạn, biên chép có tựa đề dài ngoằng ngoẵng:

Hồ Xuân Hương tân biên liệt truyện.

Thạch trúc gia trang
Hạ chí, Quý Tỵ 2013
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
Nguồn: Ngô Sĩ Liên, Nguyễn Đức Cung, Trần Đăng, Khoa
Phạm Trọng Chánh, Nguyễn Vĩnh Tráng, Lê Xuân Quang.
***
Chú thích:

Xưa văn nhân làm thơ truyền tay nhau thường không có tựa đề, những nữ lưu trong văn học không lấy bút hiệu và họ thường được gọi bằng tên tục. Bà Huyện Thanh Quan tên thật là Nguyễn Thị Hinh. Chữ Hán "Hinh" là "Hương" để thành tên. Bà Hồ Xuân Hương qua tập Lưu Hương ký thì Hương là tên gọi và trong bài Mời trầu, bà tự ví "Này của Xuân Hương đã quệt rồi".
Vì vậy lâu nay những uẩn khúc thi phẩm của hai bà (1) phải chăng có thể vì tên "Hương"?

Ngoài ra người sau hay đổi tựa đề thơ của hai bà.
Như trong tậpHương Đình Cổ Nguyệt Thi của bà Huyện Thanh Quan có bài thơ tựa đề Trấn Quốc Tự. Trong khi bài thơ nôm cũ nhất Chùa Trấn Bắc mà Antony Landes (2) trích lục từ nguồn nào chẳng ai hay lại gán ghép cho bà Hồ Xuân Hương. Vào cuối thế kỷ 19, Antony Landes người Pháp sang nước ta thời họ chiếm Nam kỳ. Ông học tiếng Việt ở trường Thông Ngôn nên giỏi tiếng Việt, ông dịch cả Nhị độ mai. Khoảng năm 1892, ông được bổ làm đốc lý ở Hà Nội. Có thể ông là người Pháp đầu tiên ra Bắc tìm kiếm các tác phẩm của người Việt, rồi thuê hai ba người chép lại. Những gì ông gom góp do con cháu ông Landes cho Société Asiatique lưu trữ lại. Gốc tích đầu tiên về văn học mà sau này được in ra và được gọi là thơ Hồ Xuân Hương là ở trong ấy!

Riêng bài thơ về Thăng Long (4) có hai tên Thăng Long thành hoài cổThăng Long hoài cổ. Bài này dựa theo Hương Đình Cổ Nguyệt Thi lúc đầu có tên "Quá phu quân cố lỵ cảm tác" diễn nghĩa là qua chốn chồng làm quan cũ. Có nguồn cho rằng bài Quá phu quân cố lỵ cảm tác là bà Huyện hoài Lê qua cố đô Thăng Long, qua hình ảnh ông Huyện Thanh Quan. Vì Gia Long (1802) đổi tên là Bắc Thành (bà Hồ Xuân Hương thuộc thời Gia Long), sau Minh Mạng (1831) đổi là Hà Nội (bà Huyện Thanh Quan thời Minh Mạng).Vì Thăng Long là cố đô, nên bà không cho là "thành" như Bắc Thành. Nên với bà Huyện Thanh Quan phải là: Thăng Long hoài cổ...

Với sách vở tam sao thất bản thì: Bà Hồ Xuân Hương, sớm nhất có Xuân Hương thi tập thời Minh Mạng. Sau này còn có nhiều bản chép tay như Quốc Văn Tùng Ký soạn vào thời Tự Đức, đến đầu Duy Tân thêm Xuân Hương thi sao, Tạp thảo tập, Quế Sơn thi tập, Xuân Hương thi vịnh, Liệt truyện thi ngâm, Lĩnh Nam quần hiền văn thi văn diễn âm tập và...Hương Đình Cổ Nguyệt Thi. Uẩn khúc ở chỗ, khi những nhà sưu tầm làm công việc sưu tập thơ bà chúa thơ Nôm thì Hương Đình Cổ Nguyệt Thi (3) của bà Huyện Thanh Quan lại nằm trong danh mục trên.

Ấy là chưa kể tất cả chỉ có tên của thi tập chứ không có nguyên bản của thi phẩm trong ấy. Lại nữa, những người đi sau cho thêm vào những bài thơ không rõ xuất sứ của ai đó theo ý của mình. Trừ Lưu hương ký  với 52 bài thơ gồm 24 bài chữ Hán và 28 bài chữ Nôm, nhưng cho đến nay chỉ một số bài được dịch ra chữ Quốc ngữ vì Lưu Hương ký bị thất lạc. Văn bản thơ Nôm thất truyền của bà Hồ Xuân Hương trong kho sách Hán Nôm ở Hà Nội cũng chỉ còn được 3 bản khắc ván in và nhiều bản chép tay khác nhau, tổng cộng khoảng trên dưới 20 văn bản Nôm.
Cho đến nay, theo các nhà làm văn học hay biên khảo thì bà Hồ Xuân Hương có từ 84 đến 213 bài. Và bà Huyện Thanh Quan có từ 5 đến 8 bài. Phải chăng vì ít thi phẩm, nên bà Huyện chỉ được biết đến vào khoảng thập niên 30 qua Cao Xuân Huy, con của Cao Xuân Hạo, nhờ tìm được trong thư tịch củaCao Xuân Dục (1842-1923), chánh chủ khảo trường thi Nam Định 1897 thời Đồng Khánh (Trần Tế Xương là ông tú "rốt bảng" trong khoa thì này). Cao Xuân Dục đã tìm thấy trong tủ sách gia đình Trần Xuân Hảo ở Nam Định tập Hương Đình Cổ Nguyệt Thi (3).

Vì thế bà Huyện Thanh Quan cũng mới chỉ biết đến sơ sài qua Dương Quảng Hàm qua Việt văn giáo khoa thư vào năm 1940(4). Theo những bài viết của những nhà biên khảo thì bà Huyện Thanh Quan chỉ để lại 7 bài thơ Nôm, viết theo thể Đường luật thất ngôn, bát cú. Một số nhà biên khảo khác lại cho rằng bà Huyện Thanh Quan chỉ có 3 bài: Thăng Long Hoài Cổ, Chiều Hôm Nhớ Nhà, Qua Đèo Ngang  còn những bài khác được xếp vào diện tồn nghi.