Chim Việt Cành Nam         Trở Về  ]          [ Trang chủ ]         [ Tác giả ]

Đọc thơ Nguyễn Phi Khanh (*)

Đỗ Đình Tuân

 
*
Đọc thơ Nguyễn Phi Khanh thấy đúng là năm 19 tuổi ông đã đi thi và đỗ tiến sĩ. Đó chính là năm Giáp Dần (1374) niên hiệu Long Khánh thứ 2, thời vua Duệ Tôn. Bởi có đến hai bài thơ ông nhắc tới chuyện này. Bài thứ nhất là bài "Thiên Trường thí hậu hữu cảm" (Cảm xúc sau kỳ thi ở Thiên Trường). Về kỳ thi ấy thì Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Mùa xuân, tháng 2, thượng hoàng ở cung Trùng Hoa phủ Thiên Trường. Thi đình các tiến sĩ, cho Đào Sư Tích đỗ trạng nguyên, Lê Hiến Phủ đỗ bảng nhãn, Trần Đình Thâm đỗ thám hoa, cho bọn Tu La đỗ hoàng giáp cập đệ và đồng cập đệ; đều cho ăn yến và mặc áo xấp, cho xuất thân theo thứ bậc khác nhau".

Bài thơ của Nguyễn Ứng Long (từ đây xin dùng tên cũ của Nguyễn Phi Khanh) không nói đến chuyện đỗ đạt mà chỉ nói nỗi lòng ông sau khi thi xong:

Sáng nay chính lúc đau lòng nhất
Quá nửa xuân hơn bỗng nhớ nhà.
(Bài 22:Cảm xúc sau kỳ thi ở Thiên Trường)
Bài thứ hai là bài "Thu trung bệnh" (Bài 25:Ốm giữa mùa thu) ông có nhắc lại một câu "Long Khánh  nhị niêntân tiến sĩ" (Trở thành vị tiến sĩ mới vào năm Long Khánh thứ hai). Qua hai chi tiết này cho ta biết năm 1374 ông có đi thi và chỉ đỗ tiến sĩ thôi. Những cuộc thi tiếp sau, được tổ chức vào các năm 1381 và năm1384 nhưng cũng đều không thấy nói đến việc Nguyễn Ứng Long đỗ bảng nhãn.

Tuy đỗ tiến sĩ nhưng ông lại không được bổ dụng. Lý do chỉ là vì "Bọn ấy lấy vợ con nhà phú quý, là kẻ dưới mà phạm người trên, bỏ không dùng" (Lời thượng hoàng Trần Nghệ Tông). Như vậy thì câu chuyện tình giữa anh gia sư Nguyễn Ứng Long với cô học trò Trần Thị Thái đã xẩy ra trước năm 1374 rồi. Có một điều lạ là nhà quan Tư đồ Trần Nguyên Đán có hai cô tiểu thư lá ngọc cành vàng thì cả hai Trần Nguyên Đán đều chọn cho mỗi cô một thày giáo là nho sĩ bình dân ? Cô chị là Nguyễn Ứng Long và cô em là Nguyễn Hán Anh. Giữa cái thời "nam nữ thụ thụ bất thân", con gái nhà lành thường phải "cấm cung", thì Trần Nguyên Đán lại giao mỗi cô cho một thày giáo trẻ "kèm cặp". Thế chẳng quá bằng xui là gì? Kết quả là cả hai cặp "thày trò" ấy đều " làm thơ nôm ghẹo nhau", rồi yêu nhau và thành vợ thành chồng. Cặp Nguyễn Ứng Long và Trần Thị Thái thì "nghiêm trọng" hơn vì để lại hậu quả làm cô Thái có bầu. Nguyễn Ứng Long sợ quá phải bỏ trốn. Trần Nguyên Đán có lẽ cũng nhận ra phần "trách nhiệm" của mình (?) nên mới không quở trách gì, cho người đi tìm về, rồi tác hợp cho đôi trẻ. Ông chỉ yêu cầu Ứng Long phải học hành đỗ đạt, làm nên sự nghiệp để được tiếng tốt về sau.

Nhưng đỗ dạt rồi, Nguyễn Ứng Long lại bị bỏ rơi. Tâm trạng ông ôm nặng một nỗi buồn u uất, khó nguôi ngoai. Đây là tâm trạng của ông chừng nửa năm sau ngày thi đỗ :

Bao chuyện không thành sầu chất dạ
Canh tàn trằn trọc mắt trơ trơ
(Bài 25: Ốm giữa mùa thu)
Trở về làng quê ông vẫn sống trong một tâm trạng nặng nề như thế, chỉ còn biết lấy rượu và thơ để giải sầu:
Vừa uống vừa ngâm rót cạn chai
Nỗi niềm sâu kín ngỏ cùng ai
Vườn xưa mưa ít cúc bông muộn
Lối rậm người đi thu sắc phai
Sau hội Long Sơn chừng có dịp
Lòng về Bành Trạch chính đây rồi
Triền miên muôn việc dành say một
Ao Phượng thân này như đến nơi.
(Bài 41: Ở quê uống rượu một mình)
Thậm chí đến nhiều chục năm sau, trong đêm vắng một mình, ông vẫn còn cảm thấy xót xa:
Khó tan sầu mới hờn xưa
Nỗi lòng nam bắc trong mơ giật mình
Không người trăng cũng buồn tênh
Đêm đêm thu đến chạnh tình xót thương.
(Bài 68: Đêm thu)
Tâm trạng ấy khiến ông sống như một người vất vưởng. Khi ở quê chỉ thấy ông say và ngủ:
Nhàn rỗi tênh tênh thêm túy lúy
Đường đời man mác lại say sưa
Tỉnh ra đày tớ cho theo gót
Ai gặp toàn hay chuyện lúa ngô.
(Bài 9: Thú Quê nhà)
Khi lên Hòe phủ lại thấy ông chỉ ngủ và say:
Khách nơi hòe phủ dạ chim đồng
...
Sầu dạ khuyên ta cạn chén nồng
Chiếc gối bên song khi đẫy giấc
Viết bài thơ mới dạy nhi đồng.
(Bài 11: Khiển hứng ngày thu)
Ông tự thẹn trước cảnh sống nhàn rỗi và vô tích sự ấy của mình:
Thói nhàn khó được đời ưa
Thẹn thùng chẳng giám điểm tô chi mình
Thông già cúc muộn Uyên Minh
Cây đơn Tử Mỹ cũng đành vậy thôi
(Bài 35: Phụng họa thơ tướng công Băng Hồ gửi Đỗ Trung Cao)
Mỗi lần gặp bạn cũ là lại chạnh lòng:
Bây giờ tuyển dụng đôi nơi
Nhớ ngày cùng học cùng ngồi dự thi
Chia tay lúc tiễn nhau về
Hẹn nhau gắng sức đợi khi vua dùng.
(Bài 3: Gửi bạn đồng niên họ Trương)
Mừng bạn được bổ dụng, trong lòng ông dường như cũng có háo hức lên chút ít nhưng rồi lại phảng phất hoài nghi:
Xương Phù nay thấy cử ba ông
Đã đem phong thái làm khuôn mẫu
Hãy lấy lòng trung động cửu trùng
Lưu lại thanh danh soi sáng mãi
Nhân gian ngã rẽ khói mây lồng
(Bài 20: Mừng ba quan ngự sử họ Tống, họ Lê, họ Đỗ).
Trong hoàn cảnh ấy, người giành cho ông nhiều ưu ái nhất chính là nhạc phụ Trần Nguyên Đán. So với Nguyễn Hán Anh ông được sống gần với bố vợ hơn:
Bên tây hòe phủ ở gần
Thênh thênh một mái thanh bần yên vui
(Bài 49:Lại trả lời thơ Hồng Châu)
Dường như không có chuyến du xuân vãng cảnh nào mà Ứng Long không được cùng đi. Những tiệc rượu mừng tiết đẹp... trong dinh quan tư đồ, thấy Ứng Long đều có mặt và trong lúc vui say Ứng Long cũng cười nói khá tự nhiên:
Mơ màng say tỉnh cùng thu đẹp
Hát váng cười to thật thỏa lòng
(Bài 31:Tháng chín trong bữa tiệc của tướng công Băng Hồ)
Tự đáy sâu tâm hồn, Nguyễn Ứng Long rất tôn kính bố vợ. Trong thơ ông, Trần Nguyên Đán hiện ra trước hết là một nhà chính trị trụ cột của triều đình tận tụy vì dân, vì nước. Ứng Long luôn khẳng định một điều là lòng tôn kính của ông đối với Trần Nguyên Đán không phải vì tình riêng mà chỉ là vì Trần Nguyên Đán thật sự là một người đáng kính:
Trời dành quốc lão phò xương vận
Nước quý ba vua có cựu thần
Chúc tụng há vì riêng kẻ sĩ
Vì Người nghĩa cả dạ thương dân.
(Bài 52:Ngày Nguyên Đán dâng lên tướng công Băng Hồ)
Và đồng thời với con người chính trị ấy, trong Trần Nguyên Đán còn có một con người văn hóa rất hào hoa phong nhã:
Quen sống cùng hồ hải
Chuyên lo việc triều đình
Thơ nhã cùng chim cá
Câu hay lan chỉ thơm
(Bài 61: Theo tướng công Băng Hồ đi chơi sông mùa xuân)
Trần Nguyên Đán cũng là người hiểu ông và thương ông hơn cả. Ông rất tiếc cho chàng con rể tài cao mà sớm phải sống một cuộc đời như ẩn dật:
Câu trăng ai sớm cầy mây
Nghìn chung vạn mái của này phần ai ?
(Thơ Trần Nguyên Đán, bài 39: Gửi tặng Nguyễn Ứng Long ở Nhị Khê)
Trần Nguyên Đán cũng chính là người mà Nguyễn Ứng Long gửi gắm niềm tin cậy. Sống ở quê, chứng kiến những "tiêu cực xã hôi" , bức xúc là ông lại làm thơ gửi lên thay cho lời biểu tấu:
Lúa đồng ngàn dặm đỏ như thiêu
Thôn xóm than phiền chẳng chỗ kêu
Đất rộng mênh mông đều nứt nẻ
Trời cao thăm thẳm cứ trong veo
Tham quan miệng lưỡi vơ hầu hết
Mầu mỡ dân gian nửa đã tiêu
Dâng áng thơ này thay biểu tấu
Hiện đang nằm bệnh khó lai triều.
(Bài 38:Ở quê xúc động trước sự việc xẩy ra gửi trình tướng công Băng Hồ)
Nhưng người mà ông có thể chia sẻ nhiều tâm sự hơn cả có lẽ lại là Nguyễn Hán Anh, người anh em cọc chèo với ông. Trong những dịp gần nhau, câu chuyện giữa họ thường miên man không dứt. Chỉ hết ngày hết buổi thì phải ngừng thôi. Nhưng mong ngày sau lại tiếp tục:
Cửa sài quét lá sai con trẻ
Ông đến ngày mai chuyện tiếp theo.
(Bài 24:Đêm thu dậy sớm gửi kiểm chính Hồng Châu)
Gắn bó thế nên những cuộc tiễn đưa giữa họ thường rất lưu luyến:
Đêm qua trò chuyện trước đèn
Sáng nay gió sớm đã lên ngựa rồi
Mắt theo cửa Bắc trông vời
Lòng về đã gửi bên ngòi xứ Đông
Sân hòe chim thước ngóng trông
Lau thu biền biệt chim hồng nhớ thương
Chanh thơm nếp trắng rượu làng
Thương ta đơn độc còn vương bụi trần.
(Bài 55: Tiễn Nguyễn Hán Anh về Hồng Châu)
Có một điều lạ trong tình cảm của họ là, khi ở xa hễ cứ nhớ đến nhau là ốm cũng khỏe dậy, trong lòng lại thấy hào hứng hăng hái lên:
Há vì trận ốm hao hào khí
Tỉnh dậy ngâm nga hát váng trời.
(Bài 56: Trong khi ốm nhớ Hồng Châu kiểm chính Nguyễn Hán Anh)
**

Ngoài nỗi buồn khổ vì "lỡ dịp công danh", Nguyễn Ứng Long còn mang nỗi buồn khổ của một con người sống trong thời loạn...Suốt trong thời vua Duệ Tôn, nhà vua dường như dồn toàn bộ sức lực của Đại Việt cho việc đi đánh dẹp Chiêm Thành. Nhưng do ương bướng, cố chấp ý mình, không nghe lời khuyên can của nhiều vị cận thần, lại chủ quan khinh địch nên Duệ Tôn đã trúng kế của Chế Bồng Nga. Nhà vua tử trận, nhiều cận thần bị chết theo. Quân Đại Việt bị đánh tan tác. Trần Phế Đế (con Duệ Tôn) kế vị nhưng tiếp thu một gia tài trống rỗng. Đất nước lâm vào tình trạng loạn lạc liên miên. Quân Chiêm Thành thường xuyên ra quấy nhiễu bắt người cướp của ở các tỉnh phía Nam. Ngày 6 tháng 11 năm Đinh Tỵ (1377) quân Chiêm Thành tấn công ra Bắc. Chúng đánh thẳng vào kinh sư, vơ vét của cải, đốt phá kinh thành. Sau 6 ngày chúng lại rút quân về. Tháng 6 năm Quý hợi (1383) quân Chiêm Thành lại theo đường núi đánh ra Đại Việt. Kinh sư kinh động. Thượng hoàng chạy sang Đông Ngàn. Mãi tháng 12 chúng mới rút về. Tháng 10 năm Kỷ Tỵ (1389) Chiêm Thành lại đánh ra Thanh Hóa, quân ta thua liểng xiểng. Thừa thắng chúng tiến quân ra Bắc. Trần Khát Chân được cử đi chống giữ. Đến sông Đại Hoàng thì gặp quân Chiêm. Thấy thế giặc mạnh, Trần Khát Chân phải quay về cố thủ ở Hải Triều (sông Luộc)...Trong nước cũng nhiều nơi nổi dậy chống lại triều đình. Lớn nhất là cuộc nổi dậy của Phạm Sư Ôn. Tháng 12 năm Đinh Tỵ Phạm Sư Ôn, Nguyễn Tông mại, Nguyễn Khả Hành, tụ họp bè đảng ở Quốc Oai rồi đánh vào Kinh Sư. Hai vua phải chạy sang Bắc Giang. Sư Ôn đóng trong kinh thành ba ngày rồi rút về Nộn Châu (vùng Quốc Oai). Sau Hoàng Phụng Thế đi đánh dẹp được...

Nhờ có sự may mắn, một tiểu thần của Chế Bồng Nga, do bị đánh đập đã trốn sang bên ta báo cho Trần Khát Chân biết thuyền của Chế Bồng Nga. Trần khát Chân cho đội cung tên tập kích và bắn chết được. Quân ta cắt lấy đầu rồi sai Lê Khắc Khiêm đem về báo công với thượng hoàng đang ở hành tại Bình Than. La Ngai, đại tướng quân Chiêm, thiêu xác Chế Bồng Nga rồi rút quân về nước. Đại Việt tạm qua cơn nguy biến. Nhưng quyền lực lại đã thâu tóm cả vào trong tay Hồ Quý Ly.

Thời buổi loạn ly ấy đã in dấu vào trong thơ Nguyễn Ứng Long. Đó là nỗi đau lòng khi nghe tin giặc Chiêm sang cướp phá:

Gió tây tỉnh mộng tin về
Phía nam mấy quận tai nghe quặn lòng
(Bài 47: Trao đổi với kiểm chính Hồng Châu)
Là niềm hy vọng sớm trừ được giặc Chiêm:
Tin tốt nay mai vào sẽ hỏi
Ngày nào bắt được Quỷ Chương nghe?
(Bài 40: Mùa đông năm Xương Phù thứ nhất (1377) tôi từ Nhị Khê đến ngụ tại nhà khách ở phía nam thành)
Rồi cảnh ông phải chạy vào trong núi sâu tránh giặc:
Suốt ngày trong núi rượu triền miên
Nguy hiểm ngoài đường ngại chẳng lên
Xót mẹ tuổi già nghìn dặm cách
Thương ta lánh nạn một thân tuyền
Đất trời gió bui lo suông vậy
Lam chướng núi rừng mệt mỏi thêm
Canh cánh nỗi lòng da diết nhớ
Đêm nhìn Ngưu Đẩu ngóng trung nguyên.
(Bài 1: Lánh giặc trong núi)
Là nỗi buồn của ông trước cảnh kinh thành bị đốt phá hoang tàn:
Huống lại điêu tàn sau lửa chiến
Trông vời trời tạnh ngậm ngùi vay.
(Bài 7: Chiều thu đứng trông)
Là niềm mong mỏi đất nước thanh bình
Xin nhờ trời ánh đêm quang
Thấu soi muôn nỗi trần gian khổ sầu
Ngày vui đất nước đến mau
Năm Hồ mộng lại cùng nhau thả thuyền.
(Bài 51;Cảm xúc nhân tiết trung thu)
Và sau hết là niềm vui ông được trở về với mái nhà cũ, vườn xưa:
Sau loạn về mái nhà xưa
Đứa con sáu tuổi đã ưa sách đèn
Chim kêu hoa rụng trước thềm
Ngõ sâu gió lạnh mộng tàn song trưa
Hướng nhàn lòng hết âu lo
Học càng sâu rộng càng thư thái người
Chạy theo vật dục kệ đời
Chí nhàn ta đã toại rồi ở yên.
(Bài 13: Thú quê nhà)
Có lẽ lúc này thì bà Trần Thị Thái và nhạc phụ Trần Nguyên Đán đều đã qua đời. Các con phải trở về sống với ông. Gánh nặng gia đình ấy hình như đã làm ông gắn bó với cuộc sống đời thường hơn:
Một túp lều con thân khả dung
Trồng cây ghi chép dậy con dùng
Vun trồng ai giỏi hơn xuân chúa
Sinh trưởng đâu bì kịp hóa công
Ôm sách dưới lùm trưa ngả giấc
Say sưa bên đóa đón nồm đông...
(Bài 54: Họa thơ Phạm Cố Sơn)
Và lòng ông lúc này dường như cũng thấy nhẹ nhõm hơn đôi chút:
Nhà tranh xuân mãi đẹp thay
Cửa sài khách lại qua đây dễ tìm
Gió trưa giấc ngủ êm đềm
Hồn thơ gợi hứng từ rèm mai sang
Dở hay không đến cửa nhàn
Dậy châm hương gảy cây đàn ngày xưa.
(Bài 26: Quán khách)
Và thơ ông ta cũng thấy tươi tắn hẳn lên:
Thôn quê ai bảo đời đơn bạc
Dâu tốt quanh nhà lá biếc xanh.
(Bài 53: Cảm hứng ở xóm núi)
***

Tháng 4 năm Kỷ Mão (1399), Hồ Quý Ly ép vua Thuận Tôn (con út của Nghệ hoàng, con rể của Quý Ly) phải xuất gia theo đạo giáo ở quán Ngọc Thanh, thôn Đạm Thủy (Đông Triều). Cho Nguyễn Cẩn đi theo trông nom. Nguyễn Cẩn tiến thuốc độc cho vua nhưng không chết. Sau đó Nguyễn Cẩn chỉ tiến nước dừa mà không cho ăn. Vua cũng không chết. Phạm Khả Vĩnh phải đem vua ra thắt cổ mới chết. Quý Ly lập con trưởng của Thuận Tôn (cháu ngoại của Quý Ly) là hoàng tử An lên ngôi, Quý Ly làm phụ chính. Sau sự kiện này nhiều người muốn giết Quý Ly, nhưng mưu sự không thành đều bị Quý Ly đem giết: " cộng hơn 370 người...tịch thu gia sản, con gái bắt làm tì, con trai từ 1 tuổi trở lên hoặc chôn sống, hoặc dìm nước. Lùng bắt dư đảng đến mấy năm không thôi" (ĐVSKTT)

Tháng 6 năm ấy Quý Ly xưng là Quốc tổ chương hoàng đế. Cho con cả là Nguyên Trừng làm tư đồ (tể tướng). Ngày 28 tháng 2 năm Canh Thìn (1400), Quý Ly ép vua (Thiếu Đế) nhường ngôi và bắt người tôn thất và các quan ba lần dâng biểu khuyến tiến. Quý Ly giả cách cố từ chối nói: "Ta sắp chết đến nơi, còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế dưới đất nữa?". Rồi tự lập làm đế, đặt niên hiệu là Thánh Nguyên, Quốc hiệu là Đại Ngu, đổi họ từ Lê sang họ Hồ vốn là họ gốc của Quý Ly. Phế vua xuống làm Bảo Ninh đại vương (vì là cháu ngoại nên không giết). Quý Ly vốn có ý nhường ngôi cho Hán Thương từ trước, nhưng còn e ngại ý của con trai cả Nguyên Trừng. Một hôm lấy cái nghiên đá làm đề tài, Quý Ly ra một vế đối bắt Nguyên Trừng đối lại:

Thử nhất quyền kỳ thạch, hữu thì vi vân vi vũ dĩ nhuận sinh dân;
(Hòn đá bằng nắm tay này, có khi làm mây làm mưa để thấm nhuần nhân dân)
Nguyên Trừng hiểu thâm ý cha bèn đối lại rằng:
Giá tam thốn tiểu tùng, tha nhật tác đống tác lương dĩ phù xã tắc.
(Cây thông nhỏ ba tấc ấy, sau này làm rường làm cột để chống đỡ xã tắc).
Tháng 12 năm ấy, Quý Ly nhường ngôi cho Hán Thương, tự xưng là thái thượng hoàng, cùng coi chính sự.

Mùa đồng, tháng 12 năm Tân Tỵ (1401), Hán Thương lấy Nguyễn Phi Khanh làm hàn lâm học sỹ. Từ đây "con rồng ẩn" (Ứng Long) mới thành "con rồng bay" (Phi Khanh). Thế là tưởng đã yên sống với người vợ thứ Nhữ Thị Kham, chuyên cần dạy học, nuôi con, Nguyễn Phi Khanh lại mũ áo ra làm quan nhà Hồ.

Bước vào cuộc đời làm quan, ông tỏ ra là một viên quan rất tận tụy vì việc nước:

Chịu sao được tiếng trượng phu hèn
Vạt áo chia ly khô lệ hoen
Kiến Lĩnh bóng chìm tìm quán trọ
Trường Châu tuyết ráo dặm đường lên
Sâu xa đạo ấy đời đâu bỏ
Đơn độc thân này nước chẳng quên
Gắng gỏi chút công phò nước thịnh
Dù xa khó mấy nguyện gan bền.
(Bài 39: Đường khách)
Ông dùng thơ để khích lệ bầu bạn đi dẹp giặc ở phương xa:
Trốn tội giặc Chiêm cá tại nồi
Thần dân bốn biển thảy căm rồi
Trăm năm còn đó quân man rợ
Tấc lưỡi đem đi đánh giặc Mòi
Ngựa sắt giáo vàng săn ngạc mập
Cờ sao hịch vũ đuổi trâu voi
Oai vua thoáng quét miền xa sạch
Việc lớn nhà nho gánh lấy thôi.
(Bài 27: Tiễn quan kinh sư doãn họ Nguyễn đi nhậm chức hành doanh chiêu thảo sứ)
Bản thân ông cũng đôn đáo phải đi công cán ở nhiều nơi trong nước. Khi thì đi an dân ở Trường An và Vũ Lâm ( Ninh Bình, Thanh Hóa):
Phụ lão tâm tòng ơn Hán chỉ
Vũ phu khóc cảm chiếu Đường ban
Thẹn mình chút đỉnh ơn chưa báo
Nêu đức vua nhà nguyện giữ an.
(Bài 21: Phụng chiếu đi Trường An)
Khi thì phải cưỡi thuyền ra biển giữa mùa sóng dữ:
Cuồng nộ mù phun trước cửa thuyền
Tháng tư sóng dậy đổ như điên
Trên bờ cây vẫy như cờ phất
Ngoài bãi ầm ào chẳng lúc yên...
(Bài 30: Từ phủ Thiên Trường ra cửa biển)
Khi thì phải lên tận miền ngược để lo việc quân lương:
...
Tộc lẫn Mán Mường dân thái cổ
Đất quen cánh gié lua bời bời
Trong rừng "hà hổ" không qua lại
Trên ấy "mộc ngư" cũng có rồi
Thời hạn lệnh vua quân việc gấp
Xin đừng chè rượu kẻo lôi thôi.
(Bài 46: Bãi biệt quận phó Nguyễn Viêm)
Nhưng cuộc đời làm quan của Nguyễn Phi Khanh thật ngắn ngủi. Bởi bắt đầu từ tháng 4 năm Bính Tuất (1406), nước Minh đã sai Chinh Nam tướng quân Hàn Quan và Tham tướng đô đốc Hoàng Trung, cùng 10 vạn quân, dẫn Trần Thiêm Bình về nước, tiến đánh Đại Ngu. Chúng đánh vào Đáp Cầu. Quân Nguyên Trừng bị thua. Nguyên Trừng nhảy lên bờ xuýt bị vây. Tả thánh dực quân là Hồ Vấn ụp đến đánh. Quân Minh thua chạy. Hoàng Trung liệu không địch nổi đem quân rút về, bị Hồ Xạ và Trần Đình chặn ở Chi Lăng. Quân Minh sai Cao Cảnh Chiến dâng thư hàng và giao nộp Trần Thiêm Bình cho quân Hồ. Trần Thiêm Bình bị sử chém.

Tháng 7 năm Bính Tuất (1406), nước Minh sai Tân Thành hầu Trương Phụ cùng Huỳnh Dương bá Trần Húc đem 40 vạn quân tiến vào Pha Lũy (tức cửa Nam Quan); Tây Bình hầu Mộc Thạnh cùng Phong Thành hầu Lý Bân cũng đem 40 vạn quân tiến vào cửa ải Phú Lệnh ( tức Hà Giang) đào núi, đẵn cây mở đường để tiến quân. Tháng 11 thì hai đạo quân gồm 80 vạn binh này họp nhau ở Bạch Hạc. Chúng đóng cả ở bờ bắc sông Cái.

Ngày 2 tháng 12 chúng lấy được Việt Trì.

Ngày 7 tháng 12 Trần Đĩnh đánh thắng quân Minh ở bờ bắc. Tướng Minh đem những người nào chạy lùi ra chém. Từ đó quân Minh đều cố sức liều chết, tự nguyện lập công.

Ngày 9 tháng 12 quân Minh đánh úp quân Hồ ở bãi Mộc Hoàn ở phía bắc sông Cái gần Bạch Hạc. Tướng Hồ là Nguyễn Công Khôi đang mải vui chơi nữ sắc, không chuẩn bị. Quân Hồ bị diệt gọn. Quân Minh cho bắc cầu qua sông.

Ngày 12 tháng 12, Trương Phụ, Hoàng Trung, Thái Phúc đánh vào phía tây bắc thành Đa Bang; Mộc Thạnh, Trần Tuấn đánh phía đông nam thành. Xác chết cao ngang thành mà quân Minh vẫn tiến đánh, không ai dám rút lui. Nguyễn Tông Đỗ đục tường cho voi ra đánh. Người Minh cho bắn tên lửa làm voi lùi cả lại. Quân Minh tiến theo voi vào lấy được thành. Các cánh quân trên toàn phòng tuyến đều tan vỡ, vội co cụm về giữ Hoàng Giang. Quân Minh vào Đông Đô, tích trữ lương thực, chiêu tập dân xiêu tán, đặt quan cai trị tính kế lâu dài. Rồi chúng tìm con gái, thiến hoạn con trai, thu vét tiền đồng đưa về Kim Lăng.

Ngày 20 tháng 2 năm Đinh Hợi (1407), tả tướng quốc Nguyên Trừng đánh nhau với quân Minh bị thua phải rút về giữ các cửa biển ở vùng Thái Bình, Nam Định. Quân Hồ, quân Minh cầm cự nhau ở vùng này. Vì nắng mưa sinh ra ốm đau , lại bùn lấy ẩm ướt khó ở, quân Minh rút về đóng ở Hàm Tử.

Ngày 30 tháng 3, Hồ Nguyên Trừng tập trung 7 vạn quân, nói tăng lên thành 21 vạn, tấn công Hàm Tử. Quân Minh chia hai đường Thủy bộ đánh lại. Quân Hồ lại thua. Quý Ly, Hán Thương chạy vào Thanh Hóa.

Ngày 1 tháng 4, nhà Minh xuống chiếu tìm con cháu nhà Trần lập làm quốc vương. Mọi người nói con cháu nhà Trần đều bị giết cả, không còn ai nối dõi. Nhà Minh bèn đặt ba ty cai quản Giao Chỉ. Lã Nghị giữ Đô ty (việc quân). Hoàng Phúc giữ hai ty Bố chính (hành chính) và Án sát (tư pháp).

Ngày 23, quân Minh đánh vào Lỗi Giang (Cẩm Thủy, Thanh Hóa), quân Hồ không đánh mà tan vỡ. Ngày 29, quân Minh đánh vào cửa biển Điền Canh (Tĩnh Gia, Thanh Hóa), quân Hồ bỏ thuyền tự tan vỡ. Cha con họ Hồ muốn chạy vào Thâm Giang (Ngàn Sâu, Hà Tĩnh), rồi lại không đi. Ngụy Thức nói: "Nước đã gần mất, vương giả không nên chết về tay người khác" và khuyên vua nên tự thiêu. Quý Ly giận đem chém.

Ngày 5 tháng 5, quân Minh đánh vào cửa biển Kỳ La (nam Hà Tĩnh).

Tháng 11 năm ấy, quân Minh đánh vào Vĩnh Ninh (?) bắt được Quý Ly ở ghềnh Chẩy Chẩy (?), bắt được Nguyên Trừng ở cửa biển Kỳ La. Ngày 12 tháng ấy bắt được Hán Thương và Thái tử Nhuế ở trong núi Cao Vọng. Chỉ có Ngô Miễn và Kiều Biểu là nhảy xuống sông chết. Một số khác phải đầu hàng, trong đó có Nguyễn Phi Khanh. Thế là tròn sáu năm làm quan cho nhà Hồ, Nguyễn Phi Khanh vướng vào quốc nạn, bị đóng cũi đưa sang nước Minh, cầm tù ở Vạn Sơn Điếm (Hồ Bắc) cho đến khi chết. Em Nguyễn Trãi là Phi Hùng theo hầu cha khi ấy mới đem tro cốt của cha về chôn trên núi Báo Đức.

Ngôi mộ ấy ngày nay vẫn còn. Theo con mắt phong thủy thì ngọn núi Báo Đức giống như một búp hoa sen vậy. Ngọn núi không nhọn mà lượn tròn, các bên sườn núi lại có những u bò gồ lên khá cân đối giống như những lớp cánh sen ấp vào. Lên đỉnh mà ngắm nhìn lại thấy ngọn núi giống như phần nhụy một bông sen, các dãy núi Dây Diều, Đá Vách, Vắt Vai...nhấp nhô bốn phía giống như những lớp cánh sen bao quanh...Tương truyền, ngôi mộ này là do Hoàng Phúc đặt cho để trả ơn Nguyễn Trãi, người chủ trương "mưu phạt tâm công" trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đã thu nuôi, đối xử nhân đạo và trao trả toàn bộ số tù hàng binh của nhà Minh sau khi thua trận. Theo Hoàng Phúc thì ngôi mộ này "trường mạch", sẽ hóa giải được sự "đoản mạch" của ngôi mộ phát phúc ở Nhị Khê của dòng họ Nguyễn. Có điều sen cần có nước và phải chờ sáu trăm năm sau thì vùng này mới có nước.

Đúng là gẫn sáu trăm năm sau, giữa thế kỷ XX, sau khi miền Bắc được giải phóng (1954), ở Chí Linh rất nhiều đập nước được xây dựng, trong đó có đập Bến Tắm. Từ đó các khe lạch ở vùng dưới chân nuí Báo Đức bỗng biến thành hồ chứa nước. Năm 1980, đúng sáu trăm năm sinh Nguyễn Trãi, tổ chức UNESCO của LIÊN HỢP QUỐC vinh danh Nguyễn Trãi là "Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới". Từ đó tên tuổi và tư tưởng của Nguyễn Trãi tỏa sáng trên phạm vi toàn thế giới. Từ đó Nguyễn Trãi trở thành niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, càng là niềm tự hào đặc biệt của gia tộc các chi họ Nguyễn ở Dự Quần, Phương Quất, Nhị Khê, Chi Ngãi...Phải chăng đó chính là sự hóa giải cho cái "mạch đoản" của Nhị Khê chăng?

(*) Thơ trích dẫn dùng trong bài viết, theo lời dịch của Đỗ Đình Tuân

2/7/2013
Đỗ Đình Tuân