Chim Việt Cành Nam           [  Trở Về   ] 

GỬI THƯƠNG VỀ HUẾ

Tập V : Huế qua trang sử 

Võ Quang Yến

***

43- PIERRE LOTI : 1883, 
BA NGÀY ĐÁNH CHIẾM CỬA THUẬN AN

Thật ra, ba ngày đánh chiếm Huế, ba ngày oanh tạc cửa Thuận An hay ba ngày binh lửa ở An Nam cũng thế thôi, tác giả chẳng vào đến Huế và độc giả cũng không được đọc về Huế. Nhớ lại gần đây, trong cuốn phim Full Metal Jacket, nhà đạo diễn Stanley Kubrick náo nhiệt kể lại chuyện Tết Mậu thân khốc liệt ở Huế, là người Huế tôi đã dương mắt tìm xem một chi tiết gì, một mái nhà, một khúc đường, một mảnh cầu,... để định hướng nhưng chẳng tìm ra một cảnh nào có thể cho là Huế. Trong các bài viết của Pierre Loti cũng vậy vì qua mắt người Tây phương Huế thường được cho là một kinh thành có một không hai, tuy lại gần mà không thấy lối vào, tuy đứng trước mà không sao xuyên mắt qua được. Thật ra, hành trình chỉ dẫn đường ông đến của Thuận An. Tuy nhiên, ông không chỉ là một sĩ quan quen viết những bản báo cáo không hồn đầy dẫy những con số, những sự kiện rõ ràng thiếu hẳn mặt tình cảm. May cho bạn đọc, Pierre Loti còn là một nhà văn, nhưng không phải loại nhà văn mơ mộng, có khả năng tưởng tượng ra những thiên phiêu lưu có tính tiểu thuyết, những màn chiến tranh dựt gân được xếp vào các hợp tuyển. Niềm lý thú và tính độc đáo trong các bài viết của ông là một hỗn hợp vừa một bản tường trình khách quan qua mắt lãnh đạm một sĩ quan, vừa một bức tranh tế nhị phác họa tình hình chiến trận của dưới cây bút một nhà duy mỹ.

Đứng về mặt quân sự, những bài viết của một sĩ quan hải quân như ông trong công cuộc đặc biệt chinh phục Đông Dương là những tài liệu sử học quý báu. Nhưng cách hành văn nhạy cảm của ông đã đưa người đọc đi xa hơn một bản kê những người bị thương ngã gục xuống đất, những người trúng đạn nằm chết còng queo. Nhận xét sự chênh lệch trong khí giới đôi bên, ông phát giác nhiều chi tiết chỉ rõ tinh thần tranh đấu của địch quân, lắm lúc được xem như một nạn nhân hơn là kẻ thù. Khi oanh tạc rất lâu, pháo đạn tràn ngập quân địch, họ vẫn cương quyền chống trả, khi phải lâu lắm mới đánh phá được một ổ kháng chiến tử thủ đến cùng, ông không khỏi tự nhủ với một lòng tôn trọng ý vị : chắc chắn họ đã là những đối thủ dũng cảm, gan dạ. Lẽ tất nhiên, Pierre Loti không tâng bốc địch quân, không có một cử chỉ chống đối chính trị mặc dầu ông không tán thành chánh sách chinh phục nước người, ông chỉ tỏ ra lòng trắc ẩn đối với những người chết vì nghĩa, rộng lượng tha tội những kẻ bị thương đang run rẩy vì còn nhiều xác chết trong đồn cần dẹp gọn tối nay trước giờ đi ngủ. Tội lỗi của ông chỉ là tính chính xác, sự hiện thực, lòng tôn trọng sự thật trong những câu viết. Ông kể lại những gì ông thấy, khách quan, không có chút bình luận luân lý, dạy đời nếu không là có chút nhạo báng kẻ thắng trận. Vậy là hết ; toàn phía bắc bờ sông đã chiếm đoạt, quét sạch, đốt cháy. Nói chung, một buổi sáng hồ hởi, vẻ vang, chỉ huy tuyệt diệu. Và đấy là điều mà những nhà chức trách không mong muốn : họ chờ đơị ở nhà văn những trang chiến đấu hào hiệp tán dương văn minh quân đội viễn chinh, dành những cử chỉ tàn bạo cho dân bản xứ mọi rợ da vàng. Ông gởi những trang kể chuyện chinh chiến chính xác nhưng sống động về đăng ở tờ báo Le Figaro tại Paris, ngay sau đó những nhà bảo thủ phái hữu Pháp cho ông đã mạt sát thủy thủ Pháp, và kết quả là họ đã thành công thúc dục bộ tư lệnh hải quân triệu hồi ông về. Ông viết cho ông bạn Alphonse Daudet : Tôi không biết người ta sẽ xử tôi ra sao ; về phần tôi, cái bất công, gây phẩn nộ là tôi bị lên án đã tố giác những thủy binh, đã tả họ như là những người lính khát máu. Ông tránh được mọi lôi thôi nghe nói nhờ tình bạn của bà giám đốc nhà xuất bản với Thủ tướng Jules Ferry.

Tên thật Louis Marie Julien Viaud, Pierre Loti sinh ngày 14 tháng 01 năm 1850 ở Rochefort, mất ngày 10 tháng 06 năm 1923 ở Hendaye sau cơn bệnh liệt nửa mình. Con thứ ba một ông chủ sự bưu điện, theo đạo Tin lành, ông học những năm trung học ở Rochefort rồi thi đậu vào trường Hải quân ở Brest năm 1867. Sau khi tốt nghiệp, ông tuần tự phục vụ ở cấp bậc chuẩn úy trên các chiếc tàu Borda, Jean-Bart viếng Alger, Decrès trong cuộc chiến chống Đức, Vaudreuil khám phá Nam Mỹ, Flore viếng đảo Pâques, xuống đóng ở Tahiti. Chính ở đây Nữ hoàng Pomaré đã tặng ông biệt hiệu Loti, có người cho là tên một loài hoa bản địa (có thể đồng gốc với lotus, hoa sen) mà ông chỉ sử dụng làm bút hiệu từ 1876 và sau nầy bàn đến nhiều trong các sách của ông. Vào dạo nầy, ông cho xuất bản cuốn Mariage de Loti (Đám cưới của Loti). Năm 1872, sau khi trở về Pháp với chức trung úy hải quân, ông lại lên đường đi châu Phi trên chiếc Pétrel và chuyển qua chiếc Espadon để trở về lại Pháp. Năm 1881, ông được phong đại úy hải quân và cho xuất bản cuốn sách đầu tiên ký tên Pierre Loti : Roman d'un spahi (Truyện một kỵ binh - ở Sénégal bên châu Phi). Năm 1883, ông đáp chiếc Atalante lên đường đi chinh phục Đông Dương. Đây là thời gian ông viết những bài như Trois journées de guerre en Annam (Ba ngày chinh chiến ở An Nam) gây chấn động trong báo giới. Những bài nầy sau đó được in lại năm 1897, cắt xén những chi tiết cho là không lợi, mở đầu với chuyện một giáo sĩ già nói lên cách đối xử tàn bạo những người Công giáo, có thể biện bạch cho cuộc gởi quân qua Việt Nam. Chuyện đi đánh chiếm đất nước người trong rất lâu luôn còn ám ảnh ông nên qua năm 1919, hơn ba mươi năm sau những ngày oanh tạc cửa Thuận An, ông trở lại trong cuốn sách ký ức Prime jeunesse (Tuổi thanh xuân), trách chính phủ đã gởi hàng ngàn con dân Pháp qua Bắc kỳ, đi mà không về, trong một mục đích vô bổ. Tuy đấu óc tràn đầy tính phiêu lưu nơi xa lạ, ông không quên môi trường quen thuộc vùng Bretagne trong cuốn Pêcheur d'Islande (Dân chài Islande, 1886), Xứ Basque trong cuốn Ramuntcho (1897). Năm 1891, ông được bầu vào Hàn lâm viện Pháp lúc 42 tuổi và sau nầy đuợc trao tặng Bắc đẩu bội tinh. Về hưu giữa 1900 và 1902, ông tranh thủ để được phục chức ở Hải Quân, qua Á Đông một thời gian đủ để ông viết những cuốn Les Derniers Jours à Pékin (Những ngày cuối cùng ở Bắc Kinh), L'Inde sans lesAnglais (Nước Ấn Độ không có những người Anh), rồi Vers Ispahan (Tiến về Ispahan). Năm 1910, trở về lại Constantinople, ông dự vào cuộc bảo vệ Đế quốc Ottoman đang bị các cường quốc tây phương hăm dọa và cho xuất bản cuốn la Turquie agonisante (Nước Thổ Nhi Kỳ hấp hối).

Cuộc đời tình duyên của ông cũng náo động như mặt biển hôm bão gió. Ông bắt đầu với một cuộc tình xác thịt ngắn ngủi nhưng tha thiết thời thiếu niên với một cô gái du cư Bô hem ở Saint-Porchaire, nơi có lâu đài mạng danh cô gái đẹp trong rừng yên ngủ là tên sau nầy của cuốn sách Le belle au bois dormant, tiếp theo một cuộc tình mơ mộng nhưng say đắm với một người đẹp cung tần mắt xanh trong cung cấm một quan chức ở Constantinople, bà Hattidjé, sau nầy kể lại trong hai cuốn tiểu thuyết AziyadéFantôme d'Orient (Ma phương Đông). Năm 35 tuổi ông cưới tạm thời một tuần ở Nagasaki một cô gái Nhật theo tục quán Nhật Bản, cô Okané-San tức Kikou-San còn gọi Bà Cúc, tên sau nầy dùng làm tựa đề cuốn Madame Chrysanthème (1887). Qua năm 1886, ông mới chính thức cưới một bà vợ Pháp, Jeanne Amélie Blanche Franc de Ferrière, một cô gái gia đình thân hào vùng Bordeaux, sinh cho ông được một đứa con trai, Samuel Loti-Viaud. Năm 1894, ông bỏ qua sống với cô Juana Josepha Cruz Gainza, người vùng Basque, sinh cho ông bốn người con trai mang họ mẹ. Rất tôn trọng gia đình, ông tìm kiếm mua lại biết bao hiện vật dính dấp đến thời xưa, tiêu biểu cho quá khứ Tin lành, chứng tích thời bị bài xích tôn giáo vào khoảng thế kỷ 17. Ông cũng mua lại ngôi nhà xưa xây hồi 1739 của gia đình ở Đảo Oléron đặt tên là "Maison des Aieulles" (Nhà các tổ tiên, tổ tiên đây là những bà dì), từ nay trở nên một điểm tụ văn học và sau nầy làm phông cho bản kịch Judith Renaudin của ông diễn ở Paris năm 1899. Ông được an táng trong vườn nhà nầy theo nghi thức truyền thống đơn giản Tin lành sau một lễ quốc tang. Ông viết trong cuộc sống hòa bình bình dị ở đây, ông có một trực cảm bất diệt cái gì đã dành cho đời ông : một vị anh hùng tiểu thuyết mà cái tên làm mơ mộng phụ nữ tất cả các nước ! Còn cái nhà ở Rochefort ngày nay là một viện bảo tàng chan hòa một bầu không khí ngoại lai, thần bí với những vật lưu niệm đem về từ bốn phương trời. Những bài viết của ông trong tập Journal (1867-1878) sau nầy được người con cho in thành sách Un jeune officier pauvre (Một sĩ quan nghèo).

Như vậy, trong khoảng tháng năm 1883, trung úy hải quân Julien Viaud tức nhà văn Pierre Loti năm 33 tuổi được gởi qua chinh phục xứ An Nam, vào lúc Toàn quyền Le Myre de Vilers, thống đốc Nam Kỳ, muốn quét sạch quân Cờ Đen ra khỏi vùng đồng bằng sông Hồng vì đã phá nhiễu giao thông trên con sông ấy. Ông ta đã cho thiết lập ở Hà Nội một đồn trại do đại úy hải quân Henri Rivière chỉ huy. Nhưng hôm 19 tháng 5 năm 1883, vào lúc ông ta chuẩn bị đi đánh quân Cờ Đen thì bị phục kích giết hại ở Cầu Giấy, đúng nơi trung úy hải quân Francis Garnier cũng bị giết mười năm trước, ngày 21 tháng 12 năm 1873, và bị cắt đầu. Lợi dụng thời cơ hung tin, thủ tướng Jules Ferry, nguyên là một nhà giáo dục có tiếng, lại nuôi mộng bành trướng thuộc địa, cho chính trị thuộc địa là hệ quả của chính trị kỹ nghệ, là một biểu lộ quốc tế những luật cạnh tranh bất diệt, nổi danh biệt hiệu "le Tonkinois" (người Bắc Kỳ), liền vận động biểu quyết tăng gia ngân quỷ, động viên gởi quân qua Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Hạm đội của Julien Viaud, dưới quyền chỉ huy của đô đốc Amédée Anatole Courbet, hướng vào Biển Đông vào lúc có tin vua Tự Đức băng hà, ngày 17 tháng 7 năm 1883. Một tháng sau, trong lúc tướng Bouët hành quân ở ngoài Bắc, đô đốc Courbet được lệnh đem hạm đội tiến đến Đà Nẵng để chuẩn bị đánh chiếm thành Huế. Sau khi ra lệnh đầu hàng không được trả lời, ông cho oanh tạc đồn lũy cửa Thuận An trong luôn ba ngày 18-21 tháng tám từ ba chiếc chiến hạm Bayard, AtalanteChâteau-Renaud. Julien Viaud chỉ dự cuộc đánh chiếm cửa Thuận An, không dè chiến công nầy đã bắt đầu cho một cuộc chinh phục lâu dài vì sau đó, lợi dụng lúc vua Tự Đức băng hà không có con thừa tự, Nam triều lủng củng nội bộ, Pháp ép nước ta ký hòa ước Harmand ngày 25 tháng tám 1883, sau nầy được hòa ước Patenôtre ngày mồng 6 tháng sáu 1884 thay thế, đặt nền bảo hộ lên Bắc Kỳ và Trung Kỳ, một thời đô hộ kéo dài hơn sáu chục năm đến 1945.

Rút cuộc, lịch sử cũng như văn học còn nhớ đến Pierre Loti nhờ những bài viết và cách hành văn của ông. Sau đây là những dòng viết tâm tư của một nhà văn khi cuộc tấn công cửa Thuận An bắt đầu.

Thứ bảy, 18 tháng 8. 9 giờ sáng. Hạm đội (Bayard, Atalante, Annamite, Château-Renaud, Drac, Lynx, Vipère) rời vịnh Tourane một hôm trời trong sáng, rực rỡ, giữa một đám ghe thuyền đánh cá, buồm giăng như những cánh bướm, lên đuờng tiến đến Huế, kinh đô xứ An Nam.

2 giờ 20, hạm đội đến trước cửa sông Huế. Phía trước, một sườn cát rực sáng trong ánh nắng mặt trời, vài cây dừa chùm lá xanh tươi, vài mái nhà uốn cong theo thị hiếu người Tàu. Chỉ có một cái đồn gác giữ cửa sông, sóng biển vỗ vào tận bờ. Vừa thăm dò cẩn thận, hạm đội vừa tiến dần lại, thả neo ở chỗ gần nhất, cho kéo cờ Pháp lên trước khi bắt đầu oanh tạc. Đồn gác kéo cờ vàng, mạnh dạn đáp lại. Công sự có thể xem như hiện đại, khéo xây đắp và phòng thủ nhưng không thấy có súng ca nông. Vài người hiện ra trong khuôn cửa, thảnh thơi đi lại và thản nhiên nhìn chúng tôi ; cuộc kháng cự chắc sẽ không mãnh liệt và chúng tôi chờ đợi họ chạy trốn sau cú ca nông đầu tiên. Trên đường sáng đồi cát, núi non làm thành một màn đen tối xông lên cao trên nền trời và nổi bật trong màu xanh ánh sáng.

5 giờ rưởi chiều. Một đạn súng cối đầu tiên từ chiếc Bayard báo hiệu nổ súng, rơi trúng vào đồn gác, cho tung lên một vòi rồng đỏ nhạt cát và sỏi. Từ các chiếc khác, cuộc oanh tạc bắt đầu, điều hòa, có phương pháp, mỗi chiếc bắn vào một mục tiêu chính xác đã đuợc chỉ định hôm qua. Vài phút trôi qua, trên bộ chẳng thấy rục rịch ; rất có thể địch quân đã chạy trốn hết rồi. Nhưng bổng nhiên nhiều tia sáng nhỏ, lanh, tỏa ra từ các khung cửa đồn, theo sau là những làn khói trắng ; phản công rồi, địch quân bắn vào ta. Hơn nữa, nhiều chiếc ca nông nhỏ mà ta không thấy, được xếp dọc sườn cát, cũng đua nhau nổ súng.

Những viên đạn tròn không đạt đến đích, rơi trên biển gây ra những xoáy nước. Chỉ có vài chiếc thuyền hộ tống lại gần mới bị trúng, còn những tàu bọc sắt đứng xa thì chẳng sợ gì ; từ tàu thấy những viên đạn nhảy nhót nảy thia lia trên mặt nước như những gan bàn tay con trẻ rồi biến mất. Không mấy chốc, sau lưng đồn gác, những ngọn lửa hồng từ các đám cháy do đạn súng cối gây ra trong làng bốc lên, lên rất mau, đồng thời cùng một lớp khói dày. Cuộc oanh tạc tiếp tục. Mặc dù tàu tròng trành khó bắn, những viên đạn rơi vào địch quân, lật nhào mọi vật nhưng họ vẫn cầm cự, tăng lanh bắn trả. Chắc chắn họ phải là những người dũng cảm.

Thì ra, nhà văn ra trận như đi xem phim ảnh, có thì giờ nhìn trời ngắm nước và theo dõi địch quân từ xa. Tuy nhiên, ông cũng có dịp xem xét họ gần hơn.

Đêm 20 tháng 8. lúc 7 giờ chiều. Cuộc đổ bộ bấp bênh bắt đầu từ sáng tinh sương, giữa những làn sóng bạc : những thủy thủ, nước ngang lưng, sóng rung mình, bước chệnh choạng làm ướt cả khí giới lẫn đạn được. Bước đầu khó khăn. Nhưng rồi cả đoàn đông đủ đạt đến bãi cát mặc dầu bom đạn được những địch quân vô hình núp sau đồi ném xuống. Rất mau, cả đoàn lặng như tờ chạy tiến lên. Bổng nhiên, trong một hàng hào như tuồng chạy dài khắp bán đảo, xây dựng ngăn nắp, một số dân quân đang ngồi rình, như đàn chuột xảo trá nép mình trong lỗ cát : những người da vàng, xấu xí, gầy còm, tả tơi, khốn khổ, vũ trang với vài cái giáo, vài cái súng cũ rét, đầu đội những chao đèn trắng (người Tây phương chưa biết cái nón). Họ không có vẻ là địch quân quan trọng. Vài cú báng súng, lưỡi lê là họ chạy tán loạn, vứt tan hoang đồ ăn, rổ cơm, cơi trầu.... Sĩ quan chỉ huy ra lệnh trèo lên trên đồi chiếm cái đồn bên mặt, nơi phấp phới lá cờ vàng.

Thủy thủ hổn độn chạy lên như một đàn con trẻ, thình lình đứng dừng và lùi lại : lại còn một hàng hào đầy đầu người. Tất cả những bộ mặt nầy hiện ra cùng lúc, dưới một hàng chao đèn ; những cặp mắt nhỏ, góc hếch, phóng ra một sắc mặt giả dối, dữ tợn giãn nở qua một cuộc sống mảnh liệt, một cực điểm cuồng nhiệt và khiếp sợ. Họ là quân nhân trong khung cửa thấy qua ống nhòm và đã được ta lo âu theo dõi từ xa. Họ không giống gì những lính tráng hàng hào dưới ; đây là những quân nhân mạnh khỏe, vạm vỡ, béo lùn ; những cái đầu vuông, tóc dài, râu nhọn như người Mông Cổ. Đầy đủ súng ống, đạn dược trong mủng mang dưới tay, họ chắn ngang đường, không động đậy, không nói năng : họ là quân chính quy xứ An Nam - họ phải là những người dũng cảm cầm cự từ hôm qua dưới cuộc oanh tạc các đạn ca nông.

Theo miêu tả, những quân nhân nầy có thể hiểu là quân Cờ Đen hay Cờ vàng đánh giữ cửa Thuận An ? Dù sao, quân binh ta thiếu khí giới, không mấy chốc bị đánh tan vở.

Thật vậy, cuộc chạy trốn của quân Tự Đức từ cái làng đang cháy tức khắc diễn ra. Thình lình thấy họ chạy ra khỏi nhà, tụ họp thành nhóm, lưỡng lự, xắn ống quần để dễ chạy, che đầu với những mảnh gỗ, mảnh chiếu, những cái khiêng bằng liễu giỏ để tránh đạn, phòng ngừa theo lối trẻ con để đở mưa. Rồi họ lại chạy mau, giống người điên cuồng, tràn ngập trong một nỗi bàng hoàng chạy trốn như những con vật bị thương. Họ chạy ngoằn nghèo, ngang dọc, búi tóc sổ ra, tóc dài khiến họ được xem như những phụ nữ. Có những người nhảy xuống bơi dưới nước kiếm cách đạt đến thuyền, đầu luôn không rời những mảnh liễu giỏ. Trong lúc ấy, làng tiếp tục cháy, có nhiều người bị bỏng, nằm thành đống dưới đất. Có người vẫn tiếp tục động đậy : một cánh tay, một ống chân căng thẳng dựng đứng hay co quắp, theo sau một tiếng than khủng khiếp.

Mới chín giờ sáng mà xem như là đã hết ; đại đội chiếc Bayard và bộ binh vừa mới chiếm đóng đài tròn phía nam gồm có hơn một trăm ca nông ; chiếc cờ vàng cuối cùng đã bị hạ rơi xuống đất, dân quân đào ngũ hốt hoảng nhảy xuống nước phá. Không đầy ba giờ, cuộc vận hành của Pháp đã diễn biến với một chính xác, một may mắn lạ lùng ; sự thất bại của vua An Nam đã rõ ràng. Tiếng rầm rập pháo binh, tiếng súng gọn ca nông lớn mọi nơi đều đã dừng ; những chiếc mẫu hạm cũng ngừng bắn, đứng yên trên mặt nước xanh.

Dù có thắng trận, quân binh Pháp cũng cảm thấy thiếu thốn một cái gì. Khi oanh tạc cửa Thuận An, họ nhắm mục đích tiến vào thành phố Huế, nhưng rồi chẳng thấy Huế đâu.

Và mảnh đất lớn An Nam kia, thấy rõ bên kia đầm phá, tưởng như là chốn bồng lai với những dãy núi cao xanh, những thung lũng tươi mát và cây trồng. Ta nghĩ đến cái thành phố Huế bao la kia sau những bức màn xanh lục, bây giờ hầu như hết còn phòng thủ nhưng tràn đầy những kho tàng bí ẩn. Dĩ nhiên, mai đây ta sẽ đến và chắc chắn sẽ là một ngày vui thật sự...Và bây giờ, đêm đã hoàn toàn đến, cảnh tượng sa sầm trong một giấc mơ nửa vời. Ta đoán đêm nầy sẽ rất dài và khó qua, không làm sao ngủ được. Cái thành phố Huế, nó gần đấy, cách hai tiếng đồng hồ, mà chẳng có một dấu hiệu gì tiết lộ sự hiện diện của nó, cất dấu sau những bức tường lớn, cũng bắt đầu nêu ra trong trí tưởng tượng những vẻ dáng hư ảo. Mai có vào đó không ?... Rất có thể. Và chắc ta sẽ chiếm đóng dễ dàng như ở Thuận An, mặc dù nhiều đồn lũy dọc đường bộ và đê đập trên sông ngòi.

Một thành phố duy nhất trong các thành phố ; chỉ một người Âu, một vị giám mục giáo sĩ, được vua mời vào nhân vụ nhượng bộ Hải Phòng. Ông ta đã kể lại những chuyện lạ lùng.

Trong trí tuởng tượng của người chưa bao giờ đến Huế, thành phố nầy đã được trình bày ra sao ?

Cửa luôn đóng, ngay cả cho người An Nam, chỉ được vào kinh thành trong những trường hợp đặc biệt và ra cửa còn khó hơn đi vào. Kinh thành là một hình vuông hoàn hảo (tác giả không phân biệt kinh thành và hoàng thành) rộng đến nỗi một người phải hơn một ngày mới đi được vòng quanh, và gần như trống rỗng. Những người nước ngoài, những công nhân, những nhà buôn, tất cả những ai sống và di chuyển, đếu bị tập trung ở ngoại ô, ngoài những bức thành vô tận kia. Bên trong chỉ là nhà ở kếch xù của một vị vua vô hình hay có thể đã chết.

Chỉ có cung điện, hậu cung, công viên và chùa chiền ; dĩ nhiên của cải chất đống được tích trữ nhiều thế kỷ nay ; chỉ có những người trong triều, những quan chức - những lũ nham hiểm cai trị và bóp nặn vương quốc già cũ đầy bụi ấy.

Năm (thật ra chỉ có ba) thành tường đồng tâm vây quanh, càng vào gần trung tâm càng gặp những nhân vật đáng kính hơn và cũng càng bí ẩn hơn.

Sau cùng, ở chính giữa là nơi ở của ông vua mà không ai thấy, nhốt giữ như ở dưới đáy một trong những tráp Tàu lồng hộp nầy trong hộp kia. Người ta nói có khi vì tò mò một vài người lính trong cung liều mạng kiếm nhìn mặt già nhà vua, mặt người chết như mặt Méduse (có khả năng giết người nhất trong ba chị em quái vật Gorgones, theo thần thoại Hy Lạp) qua một cánh cửa, một cửa sổ mở ; nếu anh ta thành công mà ngưòi ta biết được, đầu sẽ bị chặt ngay.

Như tuồng thành phố nầy đã được một sức quyến rũ canh giữ. Một tục ngữ xưa bảo khi nào những người Âu vào thành, trời sẽ sập.

Sự kiện nầy xứng được đánh liều tấn công vào và ngày mai trí tưởng tượng mặc sức vận dụng.

Nếu Pierre Loti viết như vậy tức là ông đã tin những điều ấy, mà không phải một mình ông tin, ông đã phản ảnh lòng tin của những người lính khác. Đấy cũng là duyên cớ khuyến khích họ mạnh dạn xung phong tấn công thành Huế. Nhưng họ đã thất vọng vì không có trận đánh chiếm, Nam triều gởi phái đoàn đến đàm phán, ký kết hòa bình. Sự kiện nầy đóng góp phủ nhận huyền thoại quân Pháp đạp lên những trái mù u quân ta rải và té nhào trên đường từ Thuận An lên đánh thành Huế (*).

Vậy thì câu tục ngữ xưa nói đúng và những thành quách Huế vẫn giữ những bí mật của mình...

Tối đến, hai vị quan đến đồn...Họ đem theo một đoàn bò, heo, chuối, nước lạnh, tất cả những đồ ngon lành rất được hoan nghênh.

Họ cũng đem lại những tin tức giật gân : tuồng như hôm qua nhà vua, con người không ai thấy, không ai biết, đã lên trên tháp canh thấy ở đằng xa để theo dõi cuộc oanh tạc và quan sát hạm đội. Thật ở trong thành phố có tiếng đồn nghiêm khắc dọa xử tử mọi ai hướng mắt nhìn lên tháp canh ấy và tất cả nhà ở, cửa sổ đều sợ hãi đóng kín. Nhưng ở ngoại ô là nơi những người châu Âu và những nhà buôn cư ngụ, người ta có thể thấy nhà vua qua ống nhòm và đấy là một dấu hiệu thời đại chưa từng có trong nước An Nam.

Thật vậy, bắt đầu từ đây nước ta bị đô hộ nhưng cũng là lúc bờ cõi hé mở để người dân có dịp nhìn ra thế giới, theo đà tiến triển toàn cầu gây dựng một tổ quốc mà ngày nay ta có thể tự hào. Khi viết những dòng về xứ An Nam trên cửa Thuận An, thời sự diễn biến lanh chóng, Pierre Loti không nghĩ chỉ ba năm sau, 1886, bác sĩ Hocquard đã được vào yết kiến vua Đồng Khánh và chắc chắn ông không dè đánh chiếm đồn Thuận An là bước đầu một cuộc đô hộ chỉ được lật đổ năm 1945 và sau đó Việt Nam còn phải qua hai kỳ chiến tranh khốc liệt dài ba mươi năm đến 1975 mới dành lại được độc lập .
 

Xô thành mùa xuân 2010
Huế Xưa và Nay 102 2010


(*) Thật có chuyện trái mù u quân ta cho rải trước đồn Mang Cá truớc hôm tấn công ngày 22 tháng năm Ất Dậu tức là ngày 04 tháng bảy 1885 để bẫy quân Pháp. Họ thủ thế suốt đêm, đến sáng mới phản công, quân ta chạy tán loạn và đạp lên những trái mù u đua nhau té bổ... Gậy ông đập lại lưng ông !

Sách của Pierre Loti về chuyện đánh Thuận An :

- Pierre Loti, 1883,Le débarquement de Hué, trong Histoire de l'Indochine, La conquête 1824-1885, SPL Henri VeyrierParis 1983.

- Pierre Loti, Trois journées de guerre en Annam, Les Editions du SonneurParis 2006

- Pierre Loti, Hué Heureux qui comme...Magellan et CieParis 2007


  [ trang trước ]  /  [ trang sau ]