Chim Việt Cành Nam           [  Trở Về   ] 

GỬI THƯƠNG VỀ HUẾ

Tập V : Huế qua trang sử 

Võ Quang Yến

***

41- MỘT ÔNG QUAN TÂY THỜI NGUYỄN

Để tranh thủ ngôi báu với anh em Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã đi cầu viện Pháp. Năm 1783, ông cậy đức ông Pierre Joseph Georges Pigneau (hay Pigneaux) de Béhaine (người Tàu phiên âm Pierre Pe-to-lo, ta đọc Bá Đa Lộc, và Pigneau thành Bi Nhu nên có tước Bi Nhu quận công), Giám mục Adran, đem Thái tử Cảnh qua Paris gặp vua Louis XVI. Đức Giám mục Pigneau (1741-1799), quê quán vùng Picardie miền bắc nước Pháp, là con trưởng một gia đình 19 người con, năm 24 tuổi trong khuôn khổ Hội Truyền giáo ở Nước ngoài tại Paris (Société des Missions Etrangères de Paris MEP), còn được gọi Hội Thừa sai, được gởi qua Cochinchine (Cochin bên phía Chine - Trung Quốc, tức Nam Bộ, để tránh lầm lẫn với Cochin bên xứ Karala - Ấn Độ), mất ở cửa Thị Nại, Qui Nhơn trên đường hộ tống Nguyễn Ánh. Thái tử Nguyễn Phúc Cảnh (1780-1801) là con của chúa Nguyễn Phúc Ánh và bà Tống Thị Lan sau nầy được phong Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu. Một hiệp ước gọi là Traité de Versailles được ký ngày 28.11.1787 giữa vị Bộ trưởng bộ Ngoại giao Pháp, bá tước Montmorin, và đức Giám mục Pigneau. Theo hiệp ước nầy, trong số các hứa hẹn, vua Pháp sẽ cung cấp ba thuyền chiến, 1200 bộ binh, 200 pháo binh và 250 quân Nam Phi đầy đủ súng ống, còn chúa Nguyễn Ánh nhượng cho Pháp đảo Phú Quốc, thành phố Hội An chi phối hoạt động hải cảng Tourane tức Đà Nẵng ngày nay, quyền tự do buôn bán khắp nước, quyền không đóng thuế quan ngoài thuế mà người bản xứ phải đóng. Đức Giám mục Pigneau tin tưởng nhiều ở hiệp ước nầy nhưng chính phủ Pháp không thật tình và ngay sau đó có lệnh cho bá tước Conway, người được chỉ định điều khiển cuộc viễn chinh, đừng thi hành. Thành thử khi đức Giám mục Pigneau đến Pondichéry ngày 18.05.1788 thì có sự bất hòa giữa ông và Conway. Một năm sau, ngày 15.06.1789, ông và Hoàng tử Cảnh được chở về nước trên chiếc chiến hạm Méduse cập bến Sài Gòn ngày 24.07.

Có nhiệm vụ đi cầu viện mà không lẽ về tay không, đức Giám mục Pigneau nỗ lực chạy vạy, đàm phán với những nhà buôn ở Ấn Độ, nhất là ở Pondichéry, để được giúp đở về mặt tài chánh (ông quyên được 15.000 quan tiền vàng) và vật liệu cần thiết, đồng thời cũng kiếm cách chiêu mộ quân binh, đặc biệt những người có tài tổ chức. Trong số những người "tự nguyện" rời bỏ tàu chiến của vua Pháp, có Victor Olivier de Puymanel (ông Tín), quê gốc Carpentras, những sĩ quan hải quân thuộc địa Jean-Marie Dayot (ông Trí) quê Redon, Charles-René Magon de Médine, những sĩ quan hải quân Philippe Vannier (ông Chấn) quê Auray, Jean-Baptiste Chaigneau (ông Thắng) quê Lorient, những thủy thủ quý phái Godefroy de Forsanz (Nguyễn Văn Lăng tức ông Lăng), Julien Girard de l'Isle Sellé là một thương gia trở thành chiến binh, những bác sĩ Desperles, Despiau,... và nhiều pháo thủ, hoa tiêu, lính thủy phần lớn quê quán vùng Bretagne, cùng chung một chí hướng ham muốn phiêu lưu, mạo hiểm ở phương trời xa lạ. Alexis Faure trong một cuốn sách về đức Giám mục Pigneau đưa ra con số 369 quân binh từ 12 chiếc tàu thủy ngược xuôi chạy quanh vùng thời ấy, cộng thêm gần toàn bộ đoàn thuỷ thủ các chiến thuyền Revanche, Espérance, ArielFlavie năm 1794 bị tước khí giới ở Mã Cao. Ở Sài Gòn, đức Giám mục Pigneau khéo léo phối hợp mọi cố gắng, bổ nhiệm mỗi người vào một chức vị thích hợp. Jean-Marie Dayot (1760-1809), từ 1790 đến 1795, là một trong những người đầu tiên đã tổ chức hải quân theo kiểu Tây phương, năm 1792 điều khiển một đơn vị thủy quân đánh thắng quân Tây Sơn. Chính trong đơn vị nầy mà những sĩ quan người vùng Bretagne Philippe Vannier, Guillaume Guilloux, Jean-Baptiste Guillon quê gốc Vannes, Renon quê gốc Saint-Malo đã lập thành tích. Cũng nhờ những tàu chiến kiểu Tây phương, với những đoàn thủy thủ tinh nhuệ Việt, Nguyễn Ánh đã thắng được nhiều trận.

Trong lúc ấy, trên bộ, từ 1790, chàng trẻ Victor Olivier de Puymanel (sau nầy được gọi Ông Tín, rủi ro chết sớm lúc vừa 31 tuổi khi đi thi hành nhiệm vụ ở Malacca) được phong làm chỉ huy pháo binh đồng thời ủy nhiệm xây cất pháo đài với Théodore Lebrun làm phụ tá. Mới 22 tuổi, anh ta thành công trong mấy tháng xây dựng thành Gia Định theo kiến trúc Vauban (1633-1707) với những dụng cụ thô sơ và nhân công sở tại ứng biến. Thành nầy nay không còn nữa vì vua Minh Mạng đã cho đập phá nhưng những bản đồ để lại đã gây khâm phục không ít ở những kiến trúc sư. Ba năm sau, anh ta lại xây một pháo đài ở Diên Khánh và sau nầy những thành khác đều do đồ đệ của anh ta thực hiện. Với sự tiếp sức của Laurent Barisy (ông Mân), anh thành lập một thứ trường quân sự đào tạo sĩ quan cho quân đội Nguyễn Ánh. Đồng thời anh chỉnh đốn pháo binh, thích ứng những khí giới chiến dịch mà tính di động và khả năng giết chóc đã gây nhiều thiệt hại cho địch quân. Người ta thường đánh giá một đội quân hồi ấy tập luyện theo lối Tây phương, kỷ luật nghiêm khắc, thành thạo vừa tấn công vừa phòng thủ, hợp lực với thủy quân, là công cụ cốt yếu sự thành công sau nầy của Nguyễn Ánh, thành tích đáng kể trước lực lượng hùng mạnh của Tây Sơn. Kể từ 1790, sau mười năm chiến đấu, lúc thắng khi bại, nhiều lần bị quân Tây Sơn truy kích phải chạy trốn, Nguyễn Ánh nhẫn nại phản công năm 1800 đánh phá chiến thuyền Tây Sơn ở vũng tàu Qui Nhơn, thừa thế tiến ra Bắc và, nhờ tài thao lược của Lê Văn Duyệt, chiếm đóng Huế năm 1801. Sau trận thắng Nhựt Lệ đầu năm 1802, Nguyễn Ánh dễ dàng thôn tính miền Bắc và thống nhất sơn hà, lên ngôi vua.

Hòa bình trở lại, những quân binh Pháp hết còn được dùng, tự hỏi có được giữ lại trên đất Việt Nam nữa không. Vua Gia Long thông minh thấy cần có quanh mình những người Tây phương thông thạo phong tục đất nước ta để dùng làm thông ngôn đồng thời gây tín cẩn trong những cuộc đàm phán với người nước ngoài, đặt biệt với người Pháp. Jean-Baptiste Chaigneau là một trong những người được giữ lại. Ông là con thứ 8 trong số 13 người con của bà vợ thứ nhì ông Alexandre-Georges Chaigneau, một thuyền trưởng rất được tín nhiêm dưới thời vua Louis XVI. Bà Bonne-Jacquette Pérault sinh ông ngày 08.08.1769 tại Lorient. Mồ côi mẹ năm 10 tuổi, hai năm sau, biết đọc, biết viết, biết bốn phép tính, ông tình nguyện ghi tên vào Hải quân và lần lượt được tuyển dụng lên các chiến thuyền Necker (1781), Ariel (1782), Subtile (1784). Chiếc sau nầy nhổ neo sang Ấn Độ và, cùng một người em, Etienne, ông đã được viếng Pondichéry, Mahé, Madagascar, Batavia, Quảng Đông, Manille... Có điểm tốt, ông được dạy luyện về mặt thực hành kỹ thuật vận hành, hoa tiêu, pháo kích như những sinh viên trường Hải quân. Được thăng chức thiếu úy thủy quân, một chức vị chưa chính thức, ông xin theo học Trường Địa lý Thủy văn, nhưng sau đó ông gặp nhiều khó khăn để thăng quan vì ông xuất thân chỉ là một người "tình nguyện". Không muốn chờ đợi một quyết định lâu đến, ngày 29.09.1791, ông tòng quân lên chiếc tàu thương mãi Flavie được vũ trang trên đường qua Á Đông. Rủi ro cho ông, ngày 24.03.1794, chiếc Flavie bị tước khí giới ở Mã Cao để tránh lực lượng nước Anh. Chính thức bị giải ngũ, chứ không phải đào ngũ, đáng lẽ trở về Pháp nhận nhiệm vụ với chính quyền mới vì gia đình đã lo liệu mọi giấy tờ, ông theo đuổi mộng phiêu lưu của mình, một phần nữa cũng vì cảm phục tâm hồn cao thượng của đức Giám mục Pigneau, chạy qua Nam Bộ sung quân Nguyễn Ánh, theo dõi anh bạn cũ Laurent Barisy đã có mặt ở đấy. Năm ấy, ông vừa lên 25 tuổi.

Khi ông đến Sài Gòn đầu tháng 04.1794, cả đức Giám mục Pigneau lẫn Laurent Barisy đều vắng mặt nên ông chưa quyết định nhập ngũ ngay. Qua lại Mã Cao nhiều lần, rút cuộc đến đầu 1797, sau khi Jean-Marie Dayot từ chức, thiếu sĩ quan, ông mới được tuyển dụng vào thủy quân Nguyễn Ánh, ở chức Cai đội chỉ huy đại đội, như Philippe Vannier và Girard de l'Isle Sellé. Cùng với các bạn đồng hương khác, ông được phong tước Hầu. Trên thực tế, lúc ban đầu chưa thấy rõ chức vụ của ông là gì. Trong một hải quân gồm có 447 chiếc tàu, ông luôn có mặt bên cạnh đức Giám mục Pigneau qua các trận đánh từ 1797 đến 1799. Có lẽ vai trò của ông rất quan trọng và ông đã được đức cha quý mến vì trước khi chết ở đầm Thị Nại hôm 09.01.1799, đức cha đã tặng ông một cái máy lục phân, một bộ áo quần Tây phương mới tinh đựng trong 6 cái rương, 6 bộ đồ ăn bằng bạc, một hòm rượu đỏ, con ngựa trắng của ông... đồng thời dặn dò nếu ông ở lại thì phải lo liệu cho ông một mảnh đất có vườn tược để ông xây nhà. Qua tháng 3 năm 1800 ông được chính thức thăng các chức Khâm sai, Thuộc nội, đến tháng 12 năm 1802 được ban tước Thắng Toán Hầu, đổi thành Thắng Đức Hầu một tháng sau nhưng qua tháng 8 năm 1807 trở lại tước Thắng Toán Hầu. Nhiệm vụ mới của ông là chỉ huy chiến thuyền Long Phi và ở cương vị nầy, ông tham dự chiến dịch Qui Nhơn hai ngày 28-29.02.1801, một trận thủy chiến vĩ đại mà những nhà điều hành, trong điều kiện gió mùa đông bắc, phải vững chắc về đủ mọi mặt nhìn tổng quát, óc biển cả, tính táo bạo. Trong trận đánh thắng nầy, ông đã có công lớn cùng với Philippe Vannier và Godefroy de Forçanz. Sau đó ông dự cuộc đánh lấy Tourane-Đà Nẵng rồi cuộc phong tỏa Huế dưới quyền chỉ huy của Giám quan Phạm Văn Nhân. Ông được thăng Cai cơ chỉ huy trung đoàn bắt đầu từ tháng 03.1802.

Lâu ngày ở xứ người Jean-Baptiste Chaigneau có cảm tình với dân bản xứ, đượm phần luyến ái nữa là khác. Thêm vào đó, vua Gia Long muốn giữ ông lại, tạo điều kiện dễ sống cho ông, nhà cửa, vợ con, danh lợi, phẩm tước,....nên ông quyết định đồng ý ở lại. Ngày 08.08.1802, ông mua một ngôi nhà ở làng Dương Xuân trên bờ sông An Cựu. Ngày 10, ông cưới bà Benọte Hồ Thị Huệ ở nhà thờ Thợ Đúc, cạnh Phủ Cam. Bà nầy trong 13 năm sinh cho ông được 11 người con mà 6 người chết khi còn nhỏ (4 trai : Thế, Phước, Đảng, Sanh, 2 gái : Hữu, Nghi) chôn gần nhau bên cạnh mộ bà - mất khi nằm nơi đứa con cuối cùng ngày 12.09.1815 - ở làng Phước Quả (Phú Cam). Vua Gia Long thăng ông lên chức vị Chưởng cơ, tương đương với Đại tướng. Khi làm văn bằng tước Thắng Toán Hầu, vị quan lưỡng lự về tên Pháp của ông (có lúc phiên âm là Xa nhu hay Xe Nho), vua Gia Long liền đặt cho ông một tên Việt : Nguyễn Văn Thắng, từ đó ông có quyền mặt một quần lụa đỏ như thấy trong tranh vẻ hiện được một người cháu nội giữ. Bức tranh nầy (60,5 X 47,7 cm) không có đề ngày và tên họa sĩ thực hiện, có lẽ vào khoảng 1805, lúc ông có 35-36 tuổi. Bức tranh được đem về Bretagne năm 1820, khi ông trở về nước lần thứ nhất, bị hư hại nhiều nên được khôi phục lại, nhưng người thợ vẽ Pháp đã thêm vào những chi tiết không đúng, thậm chí xóa bỏ hay thay đổi những chi tiết trong y phục. Dù sao giá trị bức tranh nầy, dùng làm hình bìa cho cuốn sách "Một ông quan người vùng Bretagne phục vụ vua Cochinchine" của tác giả André Salles (1860-1929), là trình bày cho ta quân phục thời Gia Long với nhiều ảnh hưởng Âu Tây. Trong bức tranh nấy, ông Chaigneau mặc một chiếc áo màu sẫm thêu có cổ áo cao và cổ tay đỏ, ngang lưng kiếm cài giây thắt, một chiếc quần đỏ, đầu đóng khăn, chân đi ủng. Ngù vai độc nhất bên phải chỉ định chức thuyền trưởng chiếc Phi Long. Ở Huế, vào tuổi 30, mặc dầu đầy đủ danh phẩm, tiền tài, Jean-Baptiste Chaigneau thấy thiếu thốn vì sau 21 năm thủy thủ trên biển, bây giờ ông phải ngồi làm quan trên bộ ! Ông tiếp tục chỉ huy chiếc Long Phi (cho nên sau nầy người ta có tên gọi Ông Longhay Chủ tàu Long )được đem về Huế để ông tiện việc sử dụng, nhưng nó không còn là một chiến thuyền nữa, đoàn thủy thủ giảm bớt còn 50 người đủ để coi giữ và bảo dưỡng chiếc tàu.

Qua mùa thu 1803, ông được giao phó một nhiệm vụ thời bình. Một chiếc tàu Anh cập bến Tourane-Đà Nẵng, viên thuyền trưởng Roberts có mang theo một lá thư của Công ty Ấn Độ nước Anh gởi vua Gia Long. Triều đinh Huế liền phái hai vị quan Chaigneau và Vannier đi đường bộ vào lấy thư, đồng thời tìm xem ý đồ và kế hoạch của họ. Philippe Vannier (1762-1842) được đặt tên Nguyễn Văn Chấn, lấy vợ Việt là bà Nguyễn Thị Sen, có một cuộc sống ở Huế song song với tiểu sử Chaigneau. Sứ mệnh nầy rất quan trọng vì viên thuyền trưởng được xem như là một ông đại sứ và chiếc tàu Anh nấn ná đến tháng 08.1804 mới nhổ neo. Trước khi từ giả, viên thuyền trưởng trao cho hai vị quan một lá thư đả kích, hỗn xược lại còn dọa nạt nếu vua Việt Nam thuận ban bất cứ một dễ dãi nào cho những kẻ địch của nước Anh thì sẽ phải chuộc lấy oán giận của chính phủ Anh. Những kẻ địch ở đây ám chỉ nước Pháp, lời lẽ lá thư cho thấy viên thuyền trưởng chẳng đạt được mục đích củamình và trong một cuộc thương thuyết chắc là khó khăn, hai vị quan đã khéo léo bênh vực chính phủ mình đại diện. Người ta ít rõ cương vị của họ trong triều đình. Michel Đức (1803-1894) người con trưởng của Chaigneau, trong cuốn Kỷ niệm ở Huế, kể lại thấy cha mỗi tuần ít nhất ba lần mặc lễ phục, lên vỏng, có lính hầu, vào đại nội họp Hội đồng. Qua các thư từ, người ta biết ông chú trọng đến các vấn đề sinh sống dân nghèo, bất công xã hội, tham nhũng quan lại,.... và nhất là tự do tôn giáo : ông sợ những tín đồ công giáo bị bài xích. Một vấn đề khác làm ông bận lòng là nếu vua Gia Long tiếp tục giữ một mối tình giao hảo với ông, vài quan Việt trong triều ngày càng tỏ ra thái độ ghen tuông, chống đối. Từ năm 1806, ông đã có những dấu hiệu chán nản. Nhưng như vua Gia Long đã đoán trước : tình thế một vợ, bốn con, nhà cửa, bổng lộc như tuồng đã trói chân ông lại đây. Năm 1808, lần đầu tiên ông nhận được tin nhà và ông bắt đầu có ý trở về lại Pháp. Điều làm ông bâng khuâng là trước lòng tốt của vua Gia Long, ông không muốn tỏ ra là người vô ơn, bạc bẻo.

Ngày 15.01.1817, goá vợ, ông cưới bà thứ nhì rất trẻ, Hélène Barisy (con người bạn Laurent Barisy), ở nhà thờ Phủ Cam, sau nầy sinh cho ông 4 người con. Trong năm 1817, khi chiếc thuyền Henry chịu chở ông và gia đình miễn chi phí về Pháp, ông rất muốn nhận lời rồi lại thôi. Cuối năm ấy, chiếc Cybèle chính thức được gởi đến Huế để nối lại tình hữu nghị giữa hai nước qua trung gian của Chaigneau và Vannier, nhưng vì thiều lá thư giới thiệu của vua Pháp, thuyền trưởng Kergariou không được triều đình tiếp kiến. Thất bại trong sứ mạng nầy, Jean-Baptiste Chaigneau lại còn phải chịu đựng những hành vi chống đối ngày càng nhiều của các quan trong triều. May vào lúc ấy, có tin ông và Vannier được tặng thưởng Bắc đẩu bội tinh của Pháp theo chỉ dụ ra ngày 26.08.1818. Với huân chương nầy, ông tin tuởng là sẽ được đón tiếp nồng hậu ở Paris. Thêm vào đó, chiếc thuyền Henry trở lại và ông thuyền trưởng Rey một lần nữa lặp lại đề nghị chịu chở ông và gia đình về Pháp. Lần nầy, ông quyết định rời Huế, bán cái nhà ở Dương Xuân, làm giấy tờ khai sinh cho mấy đứa con với đức Giám mục Jean La Bartette de Véren, người thay thế đức cha Pigneau, và mạnh dạn trình cho vua Gia Long biết mong ước của mình. Trong cuốn Kỷ niệm ở Huế, Michel Đức, một nửa thế kỷ sau, đã tường thuật lại cuộc tiếp kiến cảm động nầy, nói lên nỗi quyến luyến giữa một ông vua đầu óc rộng rãi và một ông quan ngoại quốc đã nhiều năm vào sinh ra tử với mình. Vua Gia Long lưỡng lự nhiều tuy chỉ là một cuộc xa cách ba năm mà thôi, nhưng cảm thấy lòng luyến tiếc não nùng của người bạn thâm niên, vua không thể cầm chân ông được. Cái lạ là trong giấy xuất, chức tước của Jean-Baptiste Chaigneau không còn là thuyền trưởng chiếc Long Phi nữa mà là chiếc Thoại Phụng. Ngày 4.11.1819 ông rời Huế và 9 ngày sau lên chiếc Henri ở Tourane - Đà Nẵng về nước cùng với 5 đứa con của bà vợ đầu (Michel Đức, Joseph Nhân, Pierre Diu, François-Xavier Ngãi, Anne Trinh), bà vợ thứ nhì Hélène với 2 đứa con (Louis Thương, Henri Quang), cập bến Bordeaux ngày 14.04.1820, sau 28 năm 6 tháng vắng mặt.

Về lại Pháp, lương bổng không có, gia tài không bao lăm, tài chánh bên vợ cũng chẳng mấy dồi dào, mang trên lưng cả một gia đình một vợ 7 con, ý định của Jean-Baptiste Chaigneau là trở về Nam Bộ. Lên Paris để tường trình tình hình bên ấy (ông đã đệ trình một biên bản rất đầy đủ về địa hình, hành chánh, dân số, quân sự, tài chánh, thuế má, cảnh sát, phong tục, đạo giáo, canh nông, thương mãi, kỹ nghệ,...), ông được vua Louis XVIII tiếp kiến, trao tặng huân chương Saint-Louis và ngày 12.10.1820 không ngần ngại bổ nhậm ông làm Đại diện Pháp quốc ở Cochinchine, Lãnh sự những người Pháp bên nước ấy đồng thời Ủy viên của nhà vua để ký kết những hiệp ước thương mãi. Hiểu biết sâu rộng miền đất nầy, ông đã là người được đặt đúng chỗ. Chương trình hoạt động của ông vượt quá nhiệm vụ được giao phó : ông muốn đem theo về nhiều hạt giống cây mới thích hợp với khí hậu, ông muốn mở mang cuộc trồng trọt cà phê, cây chàm, ông muốn chữa chạy những bệnh tai hại như lậu, giang mai đang hoành hành dữ dội,...nói tóm lại ông sẵn sàng phục vụ như lúc trước một xứ mà ông coi như là tổ quốc thứ hai của mình. Sau sáu tuần về thăm bà con ở Bretagne, ngày 01.12.1820, ông cùng gia đình đáp chiếc Le Larose lên đường trở lại Cochinchine và ngày 17.05.1821 vui mừng đứng ngắm đất Huế quen thuộc. Đáng buồn là ông không còn gặp Gia Long nữa vì ông vua đã mất từ một năm trước. Ông buồn rầu vì đã rất gắn bó với vua Gia Long đã đành mà còn vì một tiếng đồn vua đã căn dặn người con nối ngôi nên đối xử tử tế với người Pháp nhưng không được nhân nhượng một tấc đất, tỏ ra nghi kỵ những người đã có công.

Dù sao, vua Minh Mạng đã ân cần tiếp ông, đặt dưới quyền ông 50 quân binh không phải để bảo quản chiếc Long Phi không còn nữa mà để ông tự tiện sử dụng. Được lập lại trong các chức tước đã có trước kia, thêm vào chức Quan Thoại Phụng đã được vua ban khi lên đường về Pháp, ông mua nhà ở xóm Chợ Dừa, gây ghen tuông không ít. Ngày 04.03.1822, khi chiếc tàu Cléopâtre đổ bến Tourane - Đà Nẵng, viên thuyền trưởng Courson nhờ Chaigneau lấy tư cách Lảnh sự can thiệp để được yết kiến vua, triều đình nhẹ nhàng từ chối. Hơn nữa, ông được lệnh dẫn một toán quân vào Đà Nẵng như để phòng ngừa một cuộc tấn công của quân Pháp. Đáng chú ý là trong giấy lệnh của vua, những chức tước của ông không còn được ghi nữa, trừ chức thuyền trưởng chiếc Long Phi ! Ngày 14.09 cùng năm ấy, khi chiếc John Adam của Anh cập bến Đà Nẵng, ông không được cử đi đón mà là một vị quan vỏ Việt. Thuyền trưởng Crawford dễ dàng được phép ra Huế và bây giờ ông và Vannier mới được mời dự những cuộc đàm phán. Mặc dầu không được vua Minh Mạng tiếp kiến, Crawford cũng đạt được phép cho các thuyền Anh tự do buôn bán ở những thành phố Tourane, Hội An, Huế và Sài Gòn, một thành công làm bận lòng Chaigneau vì nghĩ là mình hết còn được tin cậy. Tuy vậy, ông và Vannier còn được phép đi dự đám tang đức Giám mục La Bartette de Véren. Nhân chiếc Cléopâtre cập bến Đà Nẵng, ông dấu cho xuống bộ giáo sĩ Imbert, một chuyện mà ông không thận trọng kể lại cho cha Thát là một người bạn đã từng rửa tội cho các con ông, không dè vị linh mục nầy đem tố giác với các nhà chức trách. Bắt đầu bị ngờ vực, sỉ nhục, điên đầu trước cách đối xử hết còn tử tế, Chaigneau một lần nữa nghĩ phải trở về lại Pháp. Ông và Vannier đưa đơn xin từ chức, bán nhà và ngày 25.11.1824, cùng gia đình lên đường đi Tourane nhưng phải đợi ở đây đến ngày 11.12 mới có tàu chở đến Đồng Nai. Hấp tấp như vậy vì, theo lời ông kể sau nầy cho bà vợ, vua đã gởi đến ông một mẫu thuyền nhỏ và một giải lụa mà ông hiểu là phải ra đi hay là thắt cổ tự tử theo truyền thống thường thấy ở Á Đông. Ở đây, ông có dịp lên chắp tay bùi ngùi trước mộ đức Giám mục Pigneau đã được phong Trung Y và Thái tử Thái phó. Ngày 21.03.1825, ông và Vannier thuê một chiếc ghe đi Tân Gia Ba để lên chiếc Courrier-de-la-Paix về Pháp, một chuyến ra đi không trở lại, chấm dứt một trang lịch sử đầy sóng gió.

Về lại Bretagne với một gia đình rút gọn : bà vợ thứ nhì và hai con (Michel Đức, Anne Trinh) - Louis và Joseph lần lượt bị bệnh chết ở Đồng Nai - ông quyết định ở hết đời mình ở nơi quê quán. Ngày 12.07.1820, ông mua một cái nhà ở trung tâm thành phố Lorient, khá nhỏ so với biệt thự ở Huế. Lên Paris, sau khi làm bản tường trình ở bộ Ngoại giao và làm thủ tục hưu trí, ông cùng với Vannier lập tức đến viếng chủng viện Hội truyền giáo, được tiếp đón nồng nhiệt và không khỏi mủi lòng trước bức chân dung đức Giám mục Pigneau. Ông sống yên ổn những ngày cuối đời ở Lorient, lo cách làm ăn cho con cái, chăm sóc khai thác một trại lĩnh canh xa cách 10 cây số, luôn luôn đi lại với Vannier như những ngày hào hùng ở Huế. Tháng 10.1827, ông và Vannier nhận được một số quà của vua Minh Mạng gởi từ tháng 12 năm trước. Quà gồm có những bình tráng men Huế, những tấm lụa làm hài lòng hai bà Chaigneau và Vannier, đồng thời cũng gây thán phục ở người dân Lorient. Trong thư kèm theo, hai ông quan cũ nhận thấy trong số phẩm tước của họ trước kia chỉ còn chức Chưởng cơ với những dòng chữ khen ngợi rất có chừng mực... Tuy biết là sẽ không bao giờ trở lại Cochinchine, ông luôn còn mơ mộng với bao luyến tiếc về nơi miền đất mà ông đã cống hiến một thời trai trẻ. Hết còn được tin cẩn ở Huế, chính phủ Pháp cũng tỏ ra hết thông cảm : năm 1830, ông bị cắt lương hưu. Thời ông Chaigneau đã qua ! Sau 45 năm một cuộc sống náo nức, phấn khởi từ ngày xông pha biển cả ở tuổi 12, ông yên lặng từ trần ngày 31.01.1832, hưởng thọ 63 tuổi và được an táng tại nghĩa địa Carnel ở Lorient, cạnh mộ của bà vợ Hélène mất sau ông, ngày 17.09.1853. Trên mộ ông chỉ có ghi đơn giản : "Ở đây yên giấc ngàn thu Jean-Baptiste Chaigneau, Hiệp sĩ Saint-Louis và Bắc đẩu bôi tinh, Cựu Lãnh sự ở Cochinchine".

Trong lịch sử Việt Nam, tên Chaigneau còn trở lại một lần nữa với Louis-Eugène Chaigneau, cháu của Jean-Baptiste. Ông nầy, sinh năm 1798, là con của người anh Alexandre. Khi Jean-Baptiste về lại Pháp lần đầu tiên năm 1820, Eugène được đề nghị làm phụ tá trong công tác lãnh sự và ngày 28.11.1820, mới có 21 tuổi, cùng chú đáp chiếc Le Larose, lên đường đến Huế ngày 17.05.1821. Ngay hôm sai ông theo chú đi đệ trình quốc thư lên vua Minh Mạng. Sau đó, có ý thức về trách nhiệm của mình, ông học tiếng Việt, tìm hiểu phong tục bản xứ và trở thành một nhân viên ngoại giao khá tham hiểu những quan hệ với triều đình Huế. Cuối tháng 10.1823, khi thấy có vấn đề với triều Nguyễn, Jean-Baptiste gởi ông về Pháp tường trình tình hình. Chính phủ Pháp liền phong ông làm Lãnh sự ở Cochinchine và ngày 17.05.1825, ông lại đáp chiếc Le Larose cập bến Đà Nẵng tháng 02.1826 khi Jean-Baptiste đã rời Huê. Nhưng Eugène không được đức vua tiếp kiến vì các nhà chức trách cho biết không một người châu Âu nào có quyền đến kinh đô. Và quốc thư cũng không được nhận vì lý do là từ nay không ai đọc được tiếng Pháp. Eugène buộc lòng phải lên đường trở về Pháp. Ghé ngang Calcutta tháng 10.1826, ông được phép nhập đoàn trên chiếc Research đi tìm dấu vết của Lapérouse bị đắm thuyền gần đảo Mannicolo. Tìm được tàn tích hai chiến thuyền BoussoleAstrolabe, ông và ông thuyền trưởng Dillon được chánh phủ Pháp tặng thưởng Bắc đẩu bội tinh sau một chuyến trở về Pháp gay go. Tuy vậy, từ nay thất nghiệp, Eugène chạy vạy để lại được bổ nhiệm Phó lãnh sự ở Đà Nẵng. Lập tức, từ Bordeaux ông đáp chiếc thuyền buồm Saint-Michel đi Viễn Đông nhưng rủi ro thuyền bị đắm gần đảo Trường Sa ngày 09.08.1830, Eugène mất tất cả giấy tờ chính thức và không được công nhận là đại diện của nước Pháp. Cũng như lần trước, Eugène đành phải lủi thủi trở về lại Pháp. Sau nầy ông đuợc bổ làm Chưởng ấn toà lãnh sự ở Philippin năm 1835 và Lãnh sự ở Singapore năm 1840. Rất mong muốn đạp chân lên lại đất Việt Nam mà ông đã hết tình gắn bó, Eugène không đạt được mong muốn của mình vì đau yếu, ông phải hồi hương và mất ngày 27.05.1846 tại Lorient, hưởng thọ 47 tuổi. Sau Jean-Baptiste Chaigneau làm quan dưới hai triều Gia Long và Minh Mạng, Louis-Eugène Chaigneau không thành công sống lại thời vàng son của ông chú thời nhà Nguyễn mà họ đã đi vào lịch sử.

Xô thành mùa thu 2007
Huế Xưa và Nay 85 2008
Tham khảo

- Michel Duc Chaigneau, Souvenirs de Hué, Paris (1867)

- Henri Cosserat, Notes bibliographiques sur les Français au sevice de Gia Long, Bulletin des Amis du Vieux Hué (1917) 3

- Léopold Cadière, Les Français au service de Gia Long, Bulletin des Amis du Vieux Hué (1920) 1

- André Salles, Un mandarin breton au service du roi de Cochinchine, Bulletin des Amis du Vieux Hué (1923) 1, Les Portes du Large, Rennes (2006)

- Jean Despierres, Prémisses à l'intervention française en Indochine, Bulletin de la Nouvelle Association des Amis du Vieux Hué, Massillargues (2007) 10


  [ trang trước ]  /  [ trang sau ]