Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]          [ Trang chủ

Cái ấm sứt vòi 

***
Phí Ngọc Hùng

Đồ chuyên trà ấm đất sứt vòi
Cuộc sống rượu be sành chắp cổ
(Hàn nho phong vị phú - Nguyễn Công Trứ)
Về lại Sài Gòn, đi qua con đường nhỏ bán đồ cổ phố Lê Công Kiều. Bắt gặp bộ ấm Nhật bằng sành với cánh đào quen thuộc từ ngày di cư mà Tết nhất nhà vẫn bầy biện cạnh điã mứt, điã hạt dưa. Trong cái đầu tậm tịt chỉ một thoáng hững hờ. Đảo về quê nội Thái Bình. thăm căn nhà tranh vách đất ba gian hai chái của ông cậu, nhin cái ấm tích Bát Tràng ít nhất cũng hai ba đời đã lên nước và cũng chẳng quan hòai gì cho mấy.

Ngược về Hà Nội, tìm lại căn nhà rêu phong xưa cũ số 10 phố Hàng Đường của ông bà ngoại, trước bán vải vóc nay là tiệm đồ cổ. Bất chợt va vào mắt là cái ấm sứt vòi mốc meo, hai cái chén hạt mít to bằng mắt trâu, mỏng như trứng gà đang ấp đã lên men vàng ố nằm không động đậy sau cánh tủ. Bụng bảo dạ ắt hẳn đây là bộ ấm Thế đức gan gà chăng? Nhưng cũng chỉ hờ hững qua một thoáng mây bay, nói cho ngay, buổi ấy chưa biết gan lợn, gan da lươn là gì. Nhật mộ hương quan hà xứ thi, yên ba giang thượng cổ nhân sầu, lại vẩn vơ bồi hồi đến các cụ ta xưa của một thời hoang vắng, chỉ còn ẩn hiện qua lớp cát bụi chân ai với bộ ấm trà đã lạc tinh nằm kia. Chợt quan quả đến ông bà ngọai ngày nào năm ấy trong căn bếp ắng lặng, để bâng quơ chẳng biết cái bình trà quả bứa năm xưa bây giờ lưu lạc ở phương nao, về khung trời nào...

Những ngày còn bé tí ở phố Hàng Đường, hình ảnh còn nằm tậm tịt trong đầu là căn nhà hình ống dài tun hút. Sau là khỏang trống ngăn hai giữa nhà trên và cái bếp là cái sân nhỏ lát gạch Bát Tràng vuông vức, cái bể nước mưa doc theo bờ tường loang lổ. Mờ suơng dậy đã thấy ông bà ngọai đối ẩm ở cái bếp to bằng hai manh chiếu, hai cụ ngồi ở đấy vừa gù gù châu đầu vào nhau nói chuyện. Với động tác quen thuộc hàng ngày, bà bê cái khay trà gỗ, mở miếng khăn màn, chậm rãi lau nhè nhẹ cái ấm đã bị sứt vòi và hai cái chén từ trong ra ngòai. Lớn lên một chút mới biết bộ ấm này là bộ ấm qúy mà ông ngọai sắm được với giá hời ở chợ Đồng Xuân ngay cuối phố...

Ông bắc cái siêu nước lên ông đầu rau đặt ngay mép bàn, nhìn tép lửa tí tách qua mấy cục than quả bàng, lặng lẽ ngắm nhìn cái vòi siêu nước, đợi khói lên...Rồi dùng nắp cái ấm để cân trà, ông châm nước ngang nửa bình, đợi một lát đổ đi, ấy là ông đang "tắm trà" hay tráng trà. Và ông châm nước mới, ông ôm cả cái ấm trà trong lòng bàn tay, thăm chừng độ ấm để biết trà vừa đủ ngấm...Ông rót qua chén tống, chuyên qua hai chén quân cho bà và ông. Như đong đưa vơi đầy, gạn nhặt những vương vấn: Ông ngồi thẳng lưng, hai tay bưng cái chén ngang miệng và...tớp một hớp nhẵn thín....

***

Cái ấm sứt vòi nằm ẩn khuất trong tâm khảm từ dạo ấy. Ấy vậy mà vốn liếng về trà Tàu, trà Tachỉ thóang qua sách vở. Chữ nghĩa chui vào đầu ngọ nguậy rồi bò ra ngay. Một ngày ngồi ở góc vườn đối ẩm với một thằng bạn, trước là bạn trà đàm, sau là bạn viết chữ. Chuyện là bấy lâu nay bạn viết để giấy bút...giấy đỏ buồn không thắm với Cái điếu bát của cụ Chánh tổng. Tiếp đến, mực đọng trong nghiên sầu với Cáitẩu thuốc phiện của ông Cửu ở quê nhà. Bèn rì rào với bạn viết rằng nay bụng dạ cứ xào xạc là một ngày nào đó sẽ để...lá vàng rơi trên giấy với cái ấm quả bứa của ông ngoại với Hà Nội ngoài trời mưa bụi bay là ấm Tàu hay ấm Ta? Cái đầu "bạn viết" gật gừ.

Ngồi rình rình những bước đi im ắng của thời gian, chiêu...một tách trà. Và hầu trà với bạn trà rằng chẳng vô tri bất mộ quá lắm, chẳng qua nhè rị mọ làm quen với mấy bộ ấm trà nắp rồng, quai chảo được nặn, véo mới cáu cạnh. Chợt hòai cố nhân, hoài cố quận qua các cụ ta xưa một thời vang bóng với những chiếc ấm hình dạng quả hồng, quả na...Thế nên cũng muốn làm việc chữ nghĩa với mấy bộ Thứ nhất Thế Đức gan gà, thứ nhì Lưu Bội, thứ ba Mạnh Thần mà chưa một lần thực mục sở thị, không ngoài chỉ nghe hơi nồi chõ ấy thôi! "Bạn trà" gật đầu tắp lự.


Ấm Mạnh Thần
Nghi Hưng
Đời Minh

Thế nhưng nay ôm rơm rặm bụng với những chiếc ấm tàu lỡ mà đụng tới trà kinh, trà đạo thì cứ như lạc vào trận đồ bát quái nên chả thống khoái tí nào. Vì loằng nhoằng với Trà kinh của Lục Vũ như lạc vào rừng trà bao la bát ngát, thoai thoải bên sườn đồi hay cạnh sông Dương Tử mãi tận bên Tàu với cả trăm loại tên khác nhau, như láo ngáo vào tiệm thuốc bắc, kệ trên ngăn dưới với thục địa, đương quy, trần bì, phục linh...

Bất chợt bạn viết thưa gửi: Bác cứ nói vấy, chữ nghĩa em như lá mít nhưng em có mấy nhời muốn thưa là Trà kinh cũng có đoạn về trà Ta: "Trà là cây quý ở Giao chỉ, cây như cây qua lô, lá như lá chi tử, hoa như hoa bạch tường vi nhưng không thơm. Vì lá non thì nhụy đắng. Trà đắng uống suốt đêm không ngủ". Khi không bạn trà mượn miếng trà là đầu câu chuyện: "Dào, gì mà bác văn kiến súc tích quá thể. Ngay ở Hà Nội đây có trà Thái Đức. Uống rồi "thức đái" suốt đêm. Phải gió phải giây cái nhà bác này, vậy mà chả hay. Còn trà "qua lô" ấy chẳng qua là mạt trà của ta ấy thôi, ai mà chẳng biết".

Nghe vậy, thôi thì không biết làm gì hơn là làm thinh và chữ nghĩa nó nhập vào người như lên đồng với mấy ông con trời thì trà có năm, có tuổi, có tướng mạo, có kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, có mầu sắc, có hương vị và khí phách khác nhau. Chúa ơi! Chẳng khác nào...rượu vang vậy. Lại chẳng thoải mái cho mấy với Trà đạo của Okakura Kakuro, chém chết cũng chỉ ba cái lễ bộ lăng nhăng như bỏ một nhúm trà vào ấm gọi là ngọc diệp hồi cung, tráng trà là cao sơn trường thủy, pha trà là hạ sơn nhập thủy. Vẫn chưa xong, nhấc chén trà lên bằng ba ngón tay là tam long giá ngọc, đưa trà lên mũi hít hà thì cũng nên đưa từ phải qua trái, để được tôn vinh là...du sơn lâm thủy.

Học cụ Nguyễn với nước pha trà phải là nước trên giếng cổ của nhà chùa. Vừa đi lấy cái ấm đồng con cò, bạn viết vừa rập ràng: "Chao ôi là nghi thức, là cầu kỳ quá đỗi".

Nghe thủng xong, bèn mầy mò với chữ nghĩa, với thuật nhi bất tác như cụ Khổng Khâu đã dậy rằng chuyện viết lách chỉ là thuật lại qua chuyện kể từ người khác, nào có sáng tác, sáng tạo quái gi Thế nên bạn đọc cũng chẳng nên lắc đầu ngao ngán thở ra. Nhẽ rằng chỉ một chén trà bé bằng cái hột mít không thôi, các cụ ta xưa đã tốn nhiều giấy thô mực nẻ như cụ Nguyễn Trãi với "Tảo tuyết chỉ trà, hiên trúc hạ", cụ thưởng trà nào có khác một thiền sư "Thắp hương trước án bên mai lũy - Quét tuyết đun trà trước trúc hiên". Hay trong Vũ Trung tùy bút của Quốc tử giám tế tửu Phạm Đình Hổ thì "Trà tiên, rượu thánh". Hay tập Cổ văn với Trà ca của Lư Đồng, hoặc giả như Hương Trà của Đỗ Trọng Huề với trà ướp như trà đen, trà mạn. Nói cho ngay, các cụ ta xưa chả trà đạo với trà kinh mà đơn thuần chỉ nhân sinh quý thích chí, tạm hiểu là sống sao cho thỏa chí bình sinh. Đại thể với trà tiên rượu thánh, với "trà tam tửu tứ" thì trà uống ba chén, rượu làm bốn ly. Như trà đạo của Nhật uống ba tách để thoát tục, vậy thôi.

Ấy vậy mà chưa thôi. Bạn trà chả tha: "Ấy bác cứ nói thế, vụng tính vụng suy như em thì thưởng trà với trà tam có ba thói. Ấy là độc ẩm cho một người, song ẩm hoặc đối ẩm với hai người. Còn quần ẩm là cho ba người và không hơn. Đó là thưởng trà theo người Việt mình chứ không phải của người Tàu. Vi vậy gõ trống qua cửa nhà sấm với bác thì "trà tam" chả hẳn là uống...ba chén như bác dậy đâu. Ấy chưa kể châm trà chỉ ba nước thôi, thêm nữa thì nhạt hoen hoét như nước lã ao bèo. Dạ thưa bác".

Ha! Bá quan bá tính, đành ngậm bồ hòn làm ngọt với trà tam tửu tứ. Rõ ra sau khi được phá ngu, vì vậy chả dại mồm dại miệng nhắc tới cụ Nguyễn Du để lại cho đám hậu sinh với "Trà tàu, tửu quán" để sau này có...quán rượu. Còn cụ Nguyễn Tuân thì...

Khi không cụ Nguyễn chui tịt vào đầu bạn viết, chuyện là lão bộc lên chùa có giếng cổ để kín nước. Sau đấy thả mấy cành đào có lá vào nồi nước, lúc gánh đi đường xa về đến nhà, nước vẫn mát. Nhìn hồ cá Koy giữa vườn, dòm thấy mấy lá súng, lá sen trông cũng...mát mắt nên lụi đụi xách cái ấm đồng múc đầy một ấm. Và rảo chân mang về.

Vừa quấy quả về chỗ, bạn viết len chân vào ngay:

"Xin vô phép vô tắc thưa với bác trà đàm qua cụ Nguyễn trong Những chiếc ấm đất, cụ tả lão ăn mày nhấp một ngụm trà thấy có mùi vỏ trấu ở trong bã trà cũng có hơi lọng cọng. Hoặc giả lão phá gần hết cơ nghiệp ông cha để lại, cái lão ăn mày đã tiêu tán cả sản nghiệp vào rừng trà Vũ Di Sơn để vong gia thất thổ vì cái thú uống trà. Ngay cả ông cụ Sáu bạn thâm giao cố đế với nhà sư có cái giếng nước cổ, ông tiêu pha hết cơ ngơi của ông bà tổ tiên, ông ta thực đã coi cái phú quý nhãn tiền không bằng một ấm trà tàu. Chỉ vì đam mê cái phong vị trà tàu thì cũng có khí quá đáng chăng?".

Bạn trà lập bập: "Vậy chứ, quấy hôi bôi nhọ thì cụ Nguyễn Tuân tả cái phong thái uống trà qua Chén trà trong sương sớm như thế nào nhỉ? Ấm trà thì Thứ nhất Thế Đức gan gà, thứ nhì Lưu Bội, thứ ba Mạnh Thần. Ấm Ta là vứt đi, phải ấm Tàu mới được. Trừ cụ Nguyễn ba đời uống nước máy Hà Nội, các cụ khác cả đời quanh quẩn ở đất quê. May ra cầm trên tay vài bộ trà là cùng, cứ thấy ấm nào chả phải là ấm Ta thì gọi là...ấm Tàu và cho là quý! Trong khi có cụ cả đời không rời lũy tre làng đi đây đi đó, làm sao biết được thế nào là ấm quý? Mà các loại ấm chén, đồ sành sứ do đám buôn người Khách thời xưa mang sang ta bán, chắc cũng như hàng Tàu thời nay bán ở biên giới, toàn thứ lởm khởm, có gì mà...quý nhỉ? Thế đấy, em chỉ huyếch thế thôi!".

Nghe bạn trà đàm thế...Vì vậy bài tản mạn như...trà mạn này chỉ đắng đót với cụ Lê Qúy Đôn qua tập Vân Đài Lọai Ngữ với nhất thủy, nhị trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh và không hơn, thưa bạn đọc...

Vì rằng trước đèn đọc sách khốn khổ với một mảng văn chương của cụ chẳng phải là ít, đọc thóang qua ngũ quần anh là hoang tưởng ngay đến...Võ Lâm Ngũ Bá. Nhúm được hai chữ tam bôi lại nặng nợ với dòng nhạc đại chúng quan hà xin cạn chén ly bôi, mà đã chén còn...bôi bác làm gì nữa hở giời. Lại nữa, thưởng trà chẳng hẳn là ngon sơi. Nào là quạt than, đun nước. Than phải là than đá, than quả bàng. Nước phải là nước giếng, nước suối đầu nguồn. Đun nước sôi sủi đầu tăm, đầu đũa. Trà phải là lục trà, hắc trà. Hắc trà cố mà hiểu dùm là trà...mầu hồng, khó khăn vậy đấy . Bôi là chén, chén đây là chén quân, chén tống. Bình không thể là bình thiếc mà là ấm Nghi Hưng. Còn ngũ quần anh chẳng thể thiếu vắng quần ẩm với ngưu ẩm này kia, kia nọ.

Chìm đắm với gợn sóng trong chén trà, lại nổi trôi đến chè mạn và có người rách chuyện hỏi mắc mớ gì lại gọi là "chè" để gây ra một cuộc bút chiến trong chốn trường văn trận bút dài mệt nghỉ, sư nói sư phải vãi nói vãi hay rồi vặc nhau như mổ bò. Hết giết gà bằng dao mổ trâu, dẫn chứng bao nhiêu điển cố, điển tích, nào là bà Chúa chè Đặng Thị Huệ với chúa Trịnh Sâm, người được coi là trà sư của nghệ thuật uống trà. Đến lá gì bỏ vào nồi nấu được gọi là chè, như chè xanh, chè vối, chè tươi. Giản dị và cũng dễ hiểu thôi, cứ theo nhà văn Võ Phiến với ý tại ngôn ngoại thì người miền Trung kêu trà là...chè, mô tê răng rứa chi cho mệt!

Bạn viết tay cầm cái ấm đồng, nhòm dưới gầm bàn mắt tròn dấu hỏi? Bạn trà hiểu ý, đứng dậy đi tìm ông đầu rau. Thôi thì hãy tạm gác chè vối, chè tươi lại, hãy làm hai, ba tuần trà Tàu, Nhật và Việt. Nếu có trà dư tửu hậu, thì đảo qua trà sử nước ta:

Theo An Nam Chí Lược của sử gia Lê Tắc có ghi "Vào tháng 5 năm thứ 8 niên hiệu Khai Bảo, Định Liễn có tiến cống nhà Tống sừng tê giác, ngà voi và trà...lưỡi chim". Lần mò sách Địa Dư Chí Lược của cụ Nguyễn Trãi, ấy là trà Tước thiệt, còn gọi là trà móc câu thuộc Châu Ô, Châu Lý. Theo sử Tàu, tục uống trà người Nam ta có từ thời nhà Tiền Lê, sử chép rằng trước sứ thần thiên triều, vua Lê Đại Hành vừa uống trà vừa múa hát. Với sử thi, trà Việt phát triển vào đời vua Lý Nhân Tông với Viên Chiếu thiền sư. Và cực thịnh vào thời vua Tự Đức, nếu như cái nghiên mực được phong tước hầu như người là...Tức mặc hầu, cái bát điếu là Thủy hỏa hầu. Thi ấm trà là...Ngọan hảo hầu. Ngồi không, nghe vậy bạn viết bã bời: "Cứ như truyện...hư cấu, nghe mất sướng!".

Ừ thì trà tàu, truyền thuyết từ cụ vua Thần Nông rong chơi mạn núi Lĩnh Nam. Cụ vua nghỉ chân dưới tàng cây, bỗng có ít lá khô rơi lả tả vào nồi nước sôi để ngâm chân. Đang mỏi mệt, cụ vua uống vào thấy lãng đãng, trong lúc..qúa đã. Cụ vua vỗ đùi một cái đét, buột miệng kêu một tiếng..."Ch'a". Vua Tàu cho lấy giống về trồng và gọi là "Cha". Một thuyết khác, trà từ Ấn Độ theo Đạt Ma Bồ Đề Sư Tổ vào Trung Hoa, suốt 9 năm thiền định trong hang đá, Ngài đã ngậm lá trà để chống buồn ngủ trong cơn mê thiền.

Vẫn chưa thấy tăm hơi cái hỏa lò, bạn viết vặn chữ véo câu: "Sau Bồ Đề Đạt Ma, uống trà lần đầu trong Diện Bích động cũng hô hoán lên một tiếng "Ch'an". Ch'an đây chẳng phải là...chán đời tục lụy, mà diễn nghĩa là "Thiền". Từ đó, trà là bạn của người tu thiền như hình với bóng. Từ cái tên này, các nhà nho ta cũng chẳng khó khăn gì mấy, chả cần chiết tự, các cụ ta xổ tọet...một nét ngang vào thành chữ Nôm là..."trà". Rồi thì trà từ đời Đường lan rộng qua đời Tống. Vì nhà Nguyên chiếm nhà Tống, tạo nên một lớp cuồng sĩ sinh bất phùng thời cùng thuyết vô vi ẩn dật như ẩn sĩ lúc trong rừng trúc, khi thưởng nguyệt ngắm hoa ở lan đình. Nhưng muốn làm thơ, phải...nốc trà cho phóng đãng, phải leo lên...núi cho phóng khoáng. Núi đây là núi Thanh đài bạch thạch, hiểu là núi rêu xanh đá trắng cho những đạo sĩ tu ẩn đời Tống. Từ đó bên Tàu mới có...chén Tống. Và hệ phái thưởng trà ngang ngang đầu núi, tục gọi là Thanh đàm".

Nghe vậy cũng nên đắp câu vá chữ với bạn viết để thành chuyện:

Chuyện là: Thế kỷ thứ 10, nước Nhật bị nhà Tống cô lập, nên một số tu sĩ và doanh thương vào nước ta qua bến cửa biển Vân Đồn, vì vậy một số trà cụ triều Lý, triều Lê đã du nhập vào nước Nhật qua ngả này (thứ phi của vua Lê là một kỹ nữ Nhật). Đến thế kỷ thứ 16, thời Mạc Phủ tướng quân (Shômu) cùng các hiệp sĩ đạo (samurai), thiền sư Sen Reikyu đưa trà xanh vào cung đình cùng nghi thức uống trà (chanoyu) để có trà đạo (théisme) và lãnh chúa Hideyoshi, cũng là người đã dựng lên trà thất ở thời kỳ này.

Năm 2005, các nhà khảo cổ trong nước tìm thấy di tích kinh đô nhà Mạc là Dương Kinh vào thế kỷ 15-16, tại thôn Cổ Trai. Dương Kinh trở thành đô thị ven biển xứ Đông, nhà Mạc xây một số thương cảng với những phố phường như phố Lỗ Minh Thị, phố An Quý. Từ bến cảng này, đồ gốm cổ truyền nước ta đã trải dọc theo ven biển phía nam, nay đã có mặt ở trong các bảo tàng viện của Negara-Mã Lai, Adam Malik-Nam Dương, Ryukyus-Brunei và từ Ai Cập đến Trung Cận Đông như Cairo-Ai Cập, Tehran-I Rắc...

Trà Việt, ấm tàu cùng nhà nho phương Nam, chạy trời không khỏi nắng, vẫn không thoát ra ngoài vòng cương tỏa của thanh đàm phương Bắc. Với gió thoảng mây trôi, nhưng không phải lúc nào cũng uống trà liên tử, ngâm nôm Thúy Kiều mà thỉnh thoảng cũng vương vương chút sầu vạn cổ, đắng chát trong men trà như:"Thượng đế trên cao, chiều độc ẩm - Mạt lộ, ta ngồi chốn hạ phiên". Hai câu thơ hơi hướng Đường thi, đường mòn ấy, chẳng phải của Tô Hiệu, Vương Bột, mà xin thưa là của kẻ sĩ An Nam Nguyên Sa Trần Bích Lan, nằm tận cùng ở cuối thế kỷ thứ hai mươi ở miền đất ấm tình nồng.

Nghe nói tới người phương Nam, phương Bắc, bạn viết nhóp nhép: "Vậy chứ Ta có học Tàu về đồ gốm chăng?". Ừ thì đồ gốm tìm được ở vùng Cát Bà (2789-2588 BC) cho thấy những bước tiến rất dài qua ba thời kỳ rõ rệt: Thời kỳ đầu làm bằng tay, thời kỳ thứ hai bằng bàn xoay, và thời kỳ thứ ba có trang trí hồi văn. Tuy nhiên, sau này ta có trau dồi kỹ thuật và nguyên liệu của người Tầu thì cũng có đấy. Như gốm Hán bản địa có những giọt men xanh nhiễu đọng trên thân gốm. Hay men rạn đều nhau, bắt chước từ ông Đường Anh, quản thủ lò Cảnh Đức Trấn. Và sự khác biệt là hoa văn họ cầu kỳ, ta thô vụng. Gõ vào thành bình, họ nghe thanh, ta nghe đục. Về trọng lượng, họ nặng, ta nhẹ. Với nước men, họ trơn láng, ta tự nhiên. Họ vẽ cảnh thần tiên, người, rồng, lân. Ta vẽ cảnh dân dã bình dị, chân phương với cọng rau muống, tàu lá chuối. con chuồn chuồn...Đại thể ta vẫn giữ được nét thanh cảnh, thanh tao với sắc thái, bản sắc Việt.

Chả bịa tạc tí nào, nhưng cũng văn dĩ tải đạo dăm hàng dưới đây:

"...Tự thuở khai thiên lập địa, trời tháng bẩy mưa ngâu âm u ảm đạm, thượng đế trên cao ngồi không nên khí buồn da diết, ngài bèn vác cục đất sét ngồi rị mọ nhồi, nặn rồi mang lên bàn xoay...xoay tít mù ra...Thằng người để có bạn. Ngài lúi húi "bắt nẩy", bỏ vào "lò ếch" nung than đá, than quả bàng, nhưng lửa qúa già, móc ra từ "lỗ giòi" để chết giấc với tác phẩm đầu tiên là Thằng da đen, qủa thật là ngất ngư quá đỗi.

Ngài lại "đánh cừ", mó máy nắn với véo, lại quẳng vào "lò đàn" với củi bửa, củi phác, lần này lửa hơi non, lôi ra từ "lỗ đậu" thì hỡi ơi, đích thị là Thằng da trắng.

Bất quá tam, ngài ngồi chồm hổm kiểu ngồi nước lụt, ngài mầy mò "ra hương", hết "be chặt." Đến "đặp nặn", rồi đút vào "lò bầu" với rơm, rạ, tre, nứa. Ngài cong lưng thổi phì phò, lửa âm ỉ bẩy ngày bẩy đêm, nhân sinh vị nghệ thuật. Cuối cùng lôi từ "lỗ rồng", ngài có một tuyệt phẩm con rồng cháu tiên cho hậu thế: Ấy là Thằng da vàng.

Theo sử liệu ghi rằng: Sau này thằng Giao chỉ da vàng có mặt trên trái đất từ thời kỳ đồ đá qua thời kỳ đồ đồng, ăn không ngồi rồi đến thời kỳ...đồ gốm. Hai tác phẩm đầu tay nghệ thuật vị nhân sinh của thằng Giao chỉ là cục đất thó nung lên để...ăn cơm. Đang...bát nháo không biết kêu là gì thì buột miệng gọi là...cái bát. Và nặn, véo cục đất sét để uống nước. Lấy ở lò ra, ôm trong lòng bàn tay thấy âm ấm. Nên đặt tên là..cái ấm. Một buổi trưa, thằng Giao chỉ da vàng buồn ngủ nhổ lông mũi cho tỉnh ngủ và vất bừa xuống đất. Bất thình lình cái lông mũi mọc lên một cây lá xanh tươi. Thằng Giao chỉ ngắt lá xanh vo vo trong lòng bàn tay và bỏ vào ấm đun. Rồi ngồi độc ẩm. Chợt thượng đế láo ngáo đi tới hỏi: "Chà! cây gì?. Bèn trả lời: Cây trà. Thượng đế hỏi tiếp: Nước chi?. Bèn đáp: Nước trà. Thượng đế "Ha!" một tiếng rõ to và ngồi xuống song ẩm với thằng Giao chỉ. Ít lâu sau thằng Giao chỉ lấy vợ, nên mới có ba người quần ẩm.

Và người Giao chỉ ta sau này rúm ró nghĩ rằng Ta chả là Tàu, vì Tàu ăn xì-dầu, Ta sơi nước mắm. Vì vậy để tránh cọ xát văn hóa với Hán tộc. Người Giao chỉ ta theo nghiệp tổ với cái bàn quay, mà quay từ trái vòng qua phải, chứ chả phải quay từ phải qua trái như Tàu. Để "ve" cục đất sét nhão trước khi nung, người Giao chỉ ta ve vuốt từ dưới lên trên, chứ không vuốt ve từ trên xuống dưới như người Tàu viết...chữ tàu.

Ấm ta khác với ấm tàu ở hình dạng, quai cầm, và nước men. Ấm ta men nâu ngả vàng hay men nâu ngả mầu nâu mận. Mặt láng trơn, không hoa văn, chẳng chữ Nho nhe. Hình dáng ấm tên hoa đồng cỏ nội với ấm quả hồng, quả vả, quả bương, quả na, quả sung...Chén thì có dáng chén hạt mít, chén mắt trâu, chén khẩu mía, chén chuông...Khác với ấm tàu là ấm ta không có quai: Vì "quai" đây là cái núm. Núm thường là hình đầu rồng, đầu rắn, đầu rùa, đầu gà, bông hoa...Tạm cho là các cụ ta xưa chống lại nỗ lực Hán hóa của Tàu từ nghìn năm trước, từ chữ Nho nhe qua chữ Nôm, từ cách ăn mặc đến đầu tóc trong cái nỗ lực đối kháng bền bỉ đó có...cái núm ấm.

Đặc trưng của ấm tàu là Thứ nhất Thế Đức gan gà, thứ nhì Lưu Bội, thứ ba Mạnh Thần. Có ba thứ đồ gốm đất đỏ không tráng men từ ba lò chế tạo danh tiếng ở thị trấn Nghi Hưng (Yi-hing) ở tỉnh Giang Châu. Vùng này với lọai đất sét có chất sắt, tùy theo lượng sắt nhiều hay ít để có mầu sắc khác nhau, gọi chung là "ấm tử sa". Hoặc là ấm da lu (kiang-sou), hay da chu (yi-hing) mà tiếng Tây tiếng u gọi là "bocarro". Lò Thế Đức với ấm gan gà mầu nâu đậm đỏ, lò Lưu Bội với ấm gan heo (trư can chi sắc) mầu đen nhạt và lò Mạnh Thần về loại ấm da chu mầu da nai...


Ấm Lưu Bội
Nghi Hưng
Đời Thanh

Với ấm tàu, chả lẽ mồ cha không khóc, lại đi khóc cái tổ mối, vậy thì hãy trở về dăm làng quê nhà với nghề gốm. Đời Lý 1127, ba vị quan đi sứ Bắc Tống là ông Đào Trí Tiến, Hứa Vĩnh Cảo và Lưu Phương Tú, trên đường về qua Quảng Đông học được nghề làm gốm. Khi về nước, ông Cảo truyền cho làng Thổ Khối nước men trắng. Ông Tiến truyền cho là Thổ Hà Bắc Ninh nước men sắc đỏ. Ông Tú truyền cho làng Phù Lãng Hà Nam nước men vàng thẫm.

Bạn trà líu tíu: "Nhiễu nhương vừa rồi dường như bác bắt voi bỏ rọ thì phải. Không có sách vở ghi lại, em chả tin cho mấy . Em chỉ hay là nghề gốm Bát Tràng có từ thời nhà Lý. Vì vậy em cứ cua ốc mùi bùn thì tất cả bình, ấm, bát đĩa, men nâu, men trắng từ đời Lý, Trần, Lê mà mới đây khi đào xới cổ vật ở Hà Nội có thể do làng Bát Tràng làm ra. Em nhăng cuội thế chẳng hay có hợp nhẽ với bác không?".

Ái chà, gay đây! Mà cua ốc mùi bùn theo sách vở ghi lại thì sau có hai anh em người Việt gốc Tống tên Nguyễn Ninh Tràng tới làng Thổ Khối kết hợp với con cháu nhà Tống lánh nạn giặc Nguyên qua đây và lập nên lò gốm. Theo Đại Việt sử ký tòan thư chép rằng: "Năm 1376, trong cuộc Nam chinh đòan chiến thuyền của vua Trần Duệ Tông xuất phát từ Thăng Long xuôi theo sông Nhị đi qua "bến sông xã Bát". Sách Địa dư chí lược của cụ Nguyễn Trãi cho biết thêm: "Làng Bát Tràng làm bát chén" và: "Làng Bát Tràng cung cấp cho Trung Hoa 200 tấm vải thâm và 70 bộ đồ sứ bát đĩa...".

Khi Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long 1010, dòng họ ông Nguyễn Ninh Tràng từ làng Bát ở Thanh Hóa theo chân nhà Lý, mang theo nghề gốm tới trấn Kinh Bắc, quê gốc Lý Công Uẩn, huyện Gia Lâm. Khởi thủy họ lập lên làng xã và lấy tên là làng Bát. Thời nhà Nguyễn 1822, trấn Kinh Bắc đổi thành Bắc Ninh và làng được gọi là làng Bát Tràng. Chữ Hán, bát nghĩa là bát ăn cơm, Bát Tràng là chữ Nôm. Tên làng Bát Tràng ghép chữ thổ ngơi "Bát" của anh em ông Nguyễn Ninh "Tràng". Tràng (hay trường) là đất cho làng chuyên nghề. Làng Bát Tràng chuyên làm bát, đĩa, bình, chén, ấm, thạp, chậu, âu, ang, chóe, nậm rượu, bình vôi, bát điếu. Chứ không chuyên làm gạch. Men thường là men xanh hay men lam. Hoa văn lá chuối, lá rong, cọng rau muống, bông hoa cúc, bông hoa sen, chim sẻ, chích chòe, con tôm, cá bống, con cóc.

Như đợi cố sự này từ lâu, bạn trà lễnh đễnh: "Úi giào, bác thông thiên..."bát" cổ sao em nghe vậy, theo ngu ý em thì mọi sự chỉ là ngẫu nhiên thôi. Vì là để nung những đồ gốm trên, dân làng làm gạch để kê, giữ. Sau khi nung ba lần là cứng, khô như...gạch nung. Vì vậy sau này mới có "gạch Bát Tràng" lát sân, lát đường. Dạ thưa bác".

Bạn viết, mặt khô như gạch nung: "Bác ăn nói hay nhẩy, như bác đây là một bồ chữ Hán vừa cho hay với chữ Hán thì "bát" là..."bát ăn cơm". Từ đấy dân gian gọi bát lớn là liễn, bát nhỏ là...bát đàn. Ấy là chưa kể bát Ko-Chi của làng Bát Tràng hiện đang được trưng bầy ở bên Nhật. Em mà nói sai bác cứ vả vào mồm em".

Ha! Những điều cóc cắn này nằm ngay ở dưới đây. Trước kia, bàn dân thiên hạ chỉ biết đồ gốm Bát Tràng không thôi. Ngay cả cụ Vương Hồng Sển cũng thế. Chuyện đồ gốm người mình với cái bàn xoay, như tích tái ông thất mã như thế này đây:

Chuyện rằng vào năm 1983, ông đại sứ Nhật Makato Anabuki ở Hà Nội cho các quan chức chốn cung đình hay rằng chính mắt ông nhìn thấy ở viện bảo tàng Topkapi Saray ở thủ đô Istambul, Thổ Nhĩ Kỳ. Tại đây lưu giữ hai món đồ cổ. Một là chiếc bình gốm với dấu ấn "Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi thị hý bút". Dịch nôm là năm Thái Hòa thứ 8, bà họ Bùi phóng bút vẽ chơi cảnh đất Nam Sách. Các quan chức lăng Ba Đình ngâm cứu sách vở tam sao thất bản mới ngã ngửa ra rằng năm Thái Hòa thứ 8 là năm 1450 đời vua Lê Nhân Tông và phủ Nam Sách là tên cổ của Hải Dương, đất của nhà Mạc cũ. Hai là cái bình trà gốm mầu xám, dưới đáy bình ký tên nghệ nhân Trần Thanh Tài với ấn chứng Diên Thành tam niên thời Mạc Hập Hợp.

Từ đó các nhà khảo cổ "điền dã" về làng Chu Đậu và đào dưới vườn nhà bác nông dân tên Vạn và họ đã tìm thấy những di tích đồ gốm đã có mặt vào thế kỷ 13, 14. Họ còn tìm thấy những đồ gốm không men như chum, vại, bát nhang trong các ngôi mộ cổ, đình chùa, nhà từ đường tại các làng Ngói, làng Gốm của các họ Đặng, họ Đỗ. Đặc biệt nhất là làng Cậy, chuyên làm ấm chén có quai vòng cong vì ảnh hưởng của vương quyền và Phật giáo nên những ấm trà quai là con rồng, cánh sen.

Nghệ nhân làng Chu Đậu làm cổ vật đời Trần, đời Lý đào được ở cổ thành Thăng Long với nước men tam thái ba mầu vàng, đỏ, xanh không thua gì nước men tam thái đời Tống, tức Tống ngọc. Hoặc men ngũ thái đời Minh với những nhiễu giọt ở cổ bình, cổ lọ của lò Cổ Nguyệt Liêm. Hay da thái đời Thanh với men da rạn lò Cảnh Đức Trấn.

Thế kỷ 14, Người Nhật mượn bến Vân Đồn làm ngõ thông thương qua đất Đại Việt và Xiêm La để mang về tơ lụa, đồ gốm. Trà đạo chỉ mới xuất hiện từ thế kỷ 16, thời đó họ chưa biết làm đồ gốm. Ấm và bát uống trà của trà đạo sau này chính là đồ gốm Chu Đậu, Bát Tràng trước kia. Trà cụ đầu tiên do thiền sư Raku Zengoro, thời lãnh chúa Ashikara mang về cho thiền viện Kasuga có dáng bát trà đời Lý, được gọi là An Nam Yaki của làng Chu Đậu thời Lê Mạc và được trưng bày ở bảo tàng viện Tokyo. Vì rằng người Việt uống chè xanh, chè vối bằng bát. Lại nữa bát trà mang hình thái bình bát của các tăng sư ta, nên ảnh hưởng đến chén tống (temmonlu) của họ sau này.

Cụ Vương Hồng Sển trong Khảo cổ về đồ sứ men lam Huế viết: Đồ gốm Bát Tràng vào thế kỷ 16, được một lò gốm bên Nhựt Bản nhái tạo và đặt tên riêng là Ko-Chi (Giao Chỉ). Và Ko-Chi được hiểu là đồ gốm Đàng Ngoài. Để phân biệt với đồ gốm Đàng Trong có tên là Kochi Yaki. Kochi phiên âm từ chữ Giao Chỉ, do thương nhân Ozawa Shrouemon thời lãnh chúa Togugawa 1638 từ Hội An mang về đồ gốm làng Thanh Hà thuộc Quảng Nam. Đồ gốm Đàng Trong cũng còn có tên Conchin China (Giao Chỉ) vẽ mầu "Beni-Annam" nay đang được trưng bày ở bảo tàng viện Nagoyga.

Lẫn đẫn thế nào lại lạc vào đất Nhật để thấy họ đi tìm cái vô ưu qua tách trà, những giây phút lắng đọng của tâm thức qua nét thanh tịnh của cỏ cây. Họ nâng nghệ thuật uống trà (chanoyu) như một nghi thức để có trà đạo (théisme) và lãnh chúa Hideyoshi là người đã dựng lên trà thất (sukiya). Thời kỳ sơ khai, chủ nhân thường là lãnh chúa, thiền sư, họ dựng giữa vườn nhà chỉ là "cái chòi" để tọa thiền rồi thưởng trà một mình.

Từ cổng vườn dẫn tới trà thất bằng một lối đi nhỏ (roji). Khách đến thưởng trà phải cúi khom người bước qua một khung cửa (nijiri-guchi) cao chừng non một thước. Đây là tập tục muốn nhắc nhở sự khiêm tốn của mọi người, không phân biệt sang hèn. Trà đạo nguyên sơ từ cái chòi nhỏ (sukiya) được ghép bằng tre, gỗ, lợp tranh. Trước khi đốt lò, chủ nhân cúi đầu sát đất để chào một cây quạt ở ngay cửa, cánh quạt này tượng trưng cho những kiếm sĩ xa xưa. Sau đó, tất cả đều ngồi thế tĩnh tọa và đắm chìm qua làn khói trà nhẹ tênh, tan loãng. Trong trà thất bài trí một bức tranh cổ, một bếp đun nước, một lò hương nhang, một lọ cắm hoa chỉ cắm một bông như mọc lên từ kẽ đá.

Ngồi trong trà thất nghe nước sôi nhè nhẹ như gió thoảng mây bay, như ngồi giữa thảo am thôn dã trong thanh thoát. Ấm trà tỏa hương thanh cao với cõi không. Trong giới hạn tương đối, hãy thoáng nhìn vào vĩnh cửu. Uống chén trà thứ nhất thấy tâm tĩnh lặng, không còn giao động, tự soi vào bản ngã. Uống chén thứ hai thấy nơi ấn đường, bản thể, tâm thức khai thông. Uống xong chén thứ ba, cả hai tâm thái vừa rồi đi vào vô ưu. Thân xác hòa vào đất trời, cát bụi và tan loãng với phù du. Người ta nói ấy là đã đạt tới Thiền, là Trà đạo. Từ đó có trà đạo, vườn Nhật, bonsai, đá cảnh sắp xếp thế thiên, địa, nhân. Trong vườn dựng lên trà thất thoáng đãng hơn. Nước pha trà là nước mưa hứng giữa trời, bằng cách họ lấy miếng vải căng bốn góc với bốn khúc tre, tương tự như căng vó và dưới là cái vại (chozubachi). Hồng trần bất đáo trước khi nhập thất, ngay cửa ra vào, họ đặt một hòn đá khóet rỗng như cái thố lớn để hứng nước mưa qua những đốt tre gộc (kakeiki) và một cái gáo dừa.

Vừa lúc bạn trà mang cái hỏa lò đất ra và rấm rẳng ngay: "Em hỏi khí không phải thì cái vại nước với cái gáo dùng để rửa tay cho thanh khiết, phải không bác". Bạn viết lươn khươn: "Sao bác lắm nhời thế, với hồng trần bất đáo ngay cửa ra vào là để...rửa chân đấy. Vì chân...phong trần cát bụi mà". Làm như điếc đặc, bạn trà bâng quơ: "Bác nói thế mà nghe được, bác làm như em là "trà điếc, nụ câm" không bằng. Mà em bì thế nào được với bác. Em cứ lỗ mỗ lơ ngơ một khoẻn chữ thì trà đạo họ không nhâm nhi như mình đâu mà "ực" một cái chót như uống rượu vậy. Dạ thưa bác".

Nhiễu sự này cũng phải chừa ra thôi. Vi từ nãy đến giờ cứ bác này bác kia, chả biết bác nào nói chuyện với bác nào, với nắng không ưa mưa không chịu nên chả biết đâu mà lần. Thôi đành trở lại với trà đạo nếu được xem như là tên gọi thì Tàu có Thanh đàm, Nhật có Trà đạo và Việt ta với tận tín thư bất như vô thư có...Việt dao. Trà đạo Việt ta thành hình vào đời nhà Đường nhờ tùy sứ ta tạo được thứ gốm tên Việt dao. Gọi tên như thế để chỉ thứ "men tro" trổ mầu xanh biếc như ngọc cổ. Đồ gốm men tro được thể hiện qua bình bát trà gốm Việt dao có từ thới bắc thuộc Đông Hán. Sách Tầu chép Việt dao phát sinh từ nước Nam Việt miền đất núi Ngũ Lĩnh. Và lên đến tột đỉnh Phật giáo thời Lý, Trần. Đạo trà Việt cổ là đạo Vô môn quan: không cửa vào, không lối ra.

Bạn viết lại được thể véo câu nặn chữ: "Cứ ăn mày chữ nghĩa theo em thì Việt dao trên là của nước Nam Việt bên Tầu. Vì nước Việt ta không có...núi Ngũ Lĩnh. Vô môn quan của Thiền sư Trung Hoa Ekai, còn gọi là Vô Môn thiền sư (1183-1260) được truyền qua Nhật và đổi tên là Hữu môn quan (Cha No Yu). Rồi từ Nhật ngữ chuyển qua tiếng Việt năm 1996 trên mạng lưới mới đây. Trong khi nhà Lý khởi nghiệp năm 1010, nhà Trần 1226. Vì vậy đạo trà Việt cổ với Vô môn quan chẳng thể..."nhập quan" vào nước ta vào khoảng thời gian này. Bác đây thấy sao? Bác đây dầy tiếng mà!".

Chả nhẽ lại nói xin bác xá cho, thế nên trong khi đợi bạn trà loay hoay than củi cho ông đầu rau. Đành đánh bài tảng lờ với tầm chương trích cú, với tiếng dầy, tiếng mỏng:

Theo điển tích những bộ ấm trà từ thời Trịnh Nguyễn được gọi là đồ ký kiểu cho quân diêuquan diêu. Nghĩa là vẽ kiểu trước và ký là dấu ấn hay một bài thơ ngắn trên những đồ gốm tàu đặt cho vua quan. Khởi đầu từ chúa Trịnh Sâm, tự nhận mình là "trà nô", với chén bạch định hay bạch trản ký hiệu "Nội Phủ". Và chỉ có năm đời vua nhà Nguyễn là Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và Khải Định là ký kiểu với bộ "chữ Nhất". Cụ Nguyễn Du và Trịnh Hoài Đức mang về cho vua Gia Long bộ ấm "Giáp Tý 1804" có niên hiệu Giáp Tý niên chế. Vua Thiệu Trị với bộ Mãn hoa tùng đình và vua Tự Đức cùng bộ Ngọan Hảo. Các bộ ấm đặt làm cho các quan, với "chữ đề" gọi là "chấm". Quan võ thích chấm Tam Cố thảo lư, hoặc Tây Sương ký. Quan văn ưa Trúc lâm thất hiền hay Đạp tuyết tầm mai này nọ, này kia.

Nghe hai chữ ký kiểu, bạn viết như ếch vồ hoa mướp: "Thêm nữa, cụ Nguyễn Du đi sứ lần thứ hai vào đời vua Gia Khánh1812 năm thứ chín nhà Thanh, hay năm thứ tư của vua Gia Long. Cụ tìm đến lò sứ Ngoạn Ngọc ở Giang Tây (Kiang-si) đặt bộ chén trà Mai Hạc với hai câu thơ "Nghêu ngao vui thú yên hà, mai là bạn cũ hạc là người quen". Bộ ấm này gồm ba chén quân, một chén tống". Bạn trà tươi tớp: "Với nhà Lê, mai là bạn cũ, em cho là là cụ Nguyễn chẳng hoài Lê gì đâu? Đâu gì mà vì nhà Nguyễn với hạc là người quen mà cụ phải cáng võng từ Huế, tới tận ải Nam Quan, quan san vạn lý để rước về cho vua bộ ấm "Giáp Tý 1804". Ấy là chưa kể bác đây ngoài chuyện mới vừa rồi cho biết "trà tam tửu tứ" là trà uống...ba chén. Thì bác đây cũng vừa cho hay bộ chén trà Mai Hạc chỉ có...ba chén quân đấy thôi, mà phong cách uống trà...ba người đã có từ cụ Ngộ Không, em nói cấm chả sai bao giờ, nay xin thưa".

Ha! Bác này đâu có hay thú chơi ấm "nhất cổ nhì quái" cũng...quái lắm. Như sau:

Từ các bộ ấm của các quan, sau rơi rớt lại trong dân gian qua cụ tú, cụ cử, cụ nghè. Các cụ xem bộ ấm trà như vật gia bảo để đi vào giai thoại: Như cụ Cử Lưu làng Nguyệt Ánh, tỉnh Hà Đông, cụ có bộ ấm trà Bạch định để không thì trắng cả trong lẫn ngoài, nhưng nếu rót trà vào ấm thì hiện lên một bức họa Thanh sơn bạch vân thêm bốn câu thơ nhỏ li ti, mỗi câu ở mỗi chén. Năm 1922, cụ Cử Nguyễn Kỳ, Tri huyện Thanh Trì, muốn xem bộ ấm chén đó phải nhờ cụ đồ Thục tiến dẫn và được hương hào, lý trưởng làng Nguyệt Ánh xuất tuần phu, trống rong cờ mở đón tiếp. Tháng sau, cụ Cử Lưu lại trẩy hội qua làng Hoàng Mai để đáp lễ và cũng để thưởng ngoạn bộ chén trà văn kỳ thanh, bất tướng kỳ hình có cái tên Kim tiên kỳ ngoạn còn được gọi là bộ Long linh từ đời Minh Vĩnh Lạc, khi soi dưới ánh sáng mặt trời thấy lưỡng long tranh châu, nét như sợi chỉ và phủ ngoài một lớp men nên nhìn sơ qua chỉ thấy mầu trắng không. Khi nào rót trà, nhìn vào lòng chén, sẽ thấy hai con rồng cử động và ngo ngoe như thật.

Với ấm tàu đã tránh Nhất thủy, nhì... thì vỏ dưa gặp vỏ dừa, ngược lên phương bắc lại gặp vua Tống Huy Tông để nín thở qua sông với sách Đại quan trà luận phân loại nước dùng để pha trà như sau với sơn thủy thượng, giang thủy chung, tĩnh thủy hạ, nghĩa là nước pha trà tốt nhất là nước suối, kế đến là nước sông sau cùng là nước giếng. Thêm Lục Tào Xán cùng Tục trà kinh cũng cá mè một lứa với nước là trà hữu, lửa là trà sư, mà "nước" đây ráng bóp trán hiểu là..."bằng hữu". Thế nên nước sủi tăm đâu đó như ngư nhãn, giải nhãn. Kinh hơn nữa với Tục trà kinh là cái tục rót trà phải theo vòng tròn, hiểu nho phong sĩ khí là Quan Công tuần thành, là mỗi chén một chút như chó đái giắt, rồi rót vòng ngược lại để trà không đậm nhạt giữa chén đầu chén cuối. Hoặc giả chuyên từ chén tống qua chén quân tức Hàn Tín điểm binh cho đều nước.

Từ các lò gốm của Tàu ở trên, các sứ thần đi sứ đặt làm đồ ngự dụng, quan dụng cho triều đình và bằng hữu để các cụ ta có cái thú chơi ấm trà. Một bộ ấm đầy đủ lễ bộ gồm dầm, bàn, tống, quân: Dầm là một lọai đĩa nhỏ đựng một cái chén tống. Bàn là đĩa lớn chứa nhiều chén quân. Theo cụ Vương Hồng Sển, chén tống từ đời Tống để uống rượu. Đến đời Khang Hy vì tửu lạc vong bần nên bị cấm chỉ, thế nên chén được làm nhỏ hơn để uống trà. Chén tống còn gọi là thố hào trảntrản là chén.. Vì "quân" là cái bàn xoay đất sét, nên thợ đồ gốm gọi là chén quân. Tuy nhiên có thuyết khác cho là chén tống chuyên qua chén nhỏ cho đồng đều nước, cho bằng nhau, vì vậy chén nhỏ là chén "quân". Vì chữ "quân" này có nghĩa là...bằng nhau.

Bạn viết nhờn môi nói chữ: "Ấy bác nói hay chửa, chữ nghĩa em đong không đầy lọ mực. Nhưng với giấy mực em cứ dây dưa với nhời bác dậy là chén tống chuyên qua chén quân cho đều nước. Thì Tàu có bó chữ Hàn Tín điểm binh, dốt hay nói chữ nên em tào lao thiên tôn với binh đây là lính, là..."quân", vì vậy mới có chén quân. Ngừng lại một chút như có gì suy nghĩ lung lắm, bạn viết chỏng chảnh tiếp: "Cứ với rượu trên be, chè dưới ấm thì dưới là quân, trên là "tướng" thì khởi đầu chén lớn được gọi là chén tướng, người sau đọc trại dần ra là chén tống, thưa bác".

Nghe vậy bạn trà toen hoẻn ngay: "Ừ theo bác thì cứ như vậy đi, đũa mộc mà chòi mâm son thì em thấy bác đây không thêm bát thêm đũa cho bạn đọc hay đồ sứ là gì?. Theo em đồ sứ chỉ chung những món đồ mà sứ thần mang theo khi đi sứ. Nói thẳng mực tàu đau lòng gỗ là sứ thần ta thì trước là biếu xén ải quan Tàu, sau triều cống vua Tàu. Chứ chả phải là bình cổ, đĩa kiểu làm bằng sứ. Xin thưa, tôn ý bác đây sao?".

Sao trăng sao gì nữa! Vì đang muốn tỉ tê chữ nghĩa với bạn đọc như thế này...

***

Thưa với bạn đọc là chuyện cách đây mấy năm không nhớ: Bạn trà đàm viếng Trúc gia trang, sau hồ trường với rượu be sành chắp cổ. Bạn miệng như tráng trà nước đầu: "Trà lá chăng?". Tạm hiểu là...uống trà, hút thuốc là cái thú thanh tao của tao nhân mặc khách. Bạn tiếp: "Thuyền lá đâu?". Nên hiểu là mang...khay trà ra để đối ẩm.

Bèn khiêngcụ ấm già lão khoe nhắng với bạn trà. Với bạn, giả tảng làm như thiên bất đáo địa bất chi, giả đò là chuyện trên trời dưới đất chả biết gì sất. Thế là cầm cái ấm và tần ngần hỏi bạn nó là ấm Thế Đức gan gà đời Minh, hay đời Thanh? Làm như vô tình, tiện tay chỉ cho bạn vết ố vàng màu củ nghệ. Vết nhiễu bò trên mặt ấm dường như cả trăm năm, nay lạc tinh mầu gan gà nâu vàng. Lại làm như của đi tìm người với quý hồ tinh bất qúy hồ đa và thở ra với bạn trà đàm: Nào ai biết đó là đâu, dám là cổ vật Hán bản địa của lò cổ...Cổ Nguyệt Liêm từ đời Hán Cao Tổ không chừng?

Chuyện là trôi sông lạc chợ cho lắm thì trong nhà cũng có một bộ ấm Nhật, dăm bộ ấm Tàu và cũng chẳng thể thiếu cái ấm tích Bát Tràng. Một buổi sắm được bộ ấm Thế Đức gan gà. Cái ấm to như quả bòng, y thị mầu gan gà chẳng sai chạy. Nhưng vì bóng nhẫy không một chút gợn nên chả ra dáng "cổ ngoạn", "cổ khí", "cổ vật" cho lắm.


Ấm Thế Đức
Nghi Hưng
Đời Thanh

Thửa cái ấm về rồi, điện thoại cho bạn viết để khoe mẽ...Bạn sắm nắm: "Các cụ ta xưa gọi là gan gà nhưng thấy giống gan lợn hơn. Mà chắc gì các cụ phân biệt được màu gan lợn với gan gà. Cả năm mới được một vài bữa thịt trong dịp giỗ chạp, hơn nữa các cụ có lăn vào bếp, hay ra cầu ao để mổ gà, giết lợn đâu mà biết gan chúng mầu mè ra sao! Bất quá các cụ biết gan luộc, gan xào là hết đất". Bạn viết luận thế đấy, nên đâu dám cho bạn hay vớ được cái ấm này cũng bộn tiền. Nhưng bù lại, qua lão Tàu già bán hàng chỉ vẽ ba mớ lỉnh kỉnh với...nồi nào vung nấy. Như thể xoay xoay cái nắp quanh miệng ấm, thấy khít khao, nghe tiếng kêu vừa êm vừa thanh là ấm thật, nghe thấy reng réc như răng giả...nghiến răng là ấm giả, quẳng ngay đừng tiếc của giời. Giời ạ, vẫn chửa xong! Về đến nhà là lỉnh kỉnh bỏ cái ấm vào chậu nước như cụ Vương Hồng Sển...mách nước. Cái ấm nổi lềnh bềnh như lông vịt, không lềnh bềnh chao đảo, lặng lờ như con thuyền trên mặt nước ao thu. Vẫn chưa hết! Học cụ Nguyễn, lại tẩn mẩn úp ấm xuống mặt bàn, cho ấm ngửa trôn lên. YÙ đồ xem ấn dấu nhằm vào đời Minh, hay đời Thanh. Mà có xem cũng chịu chết! Nên đành xem miệng vòi, quai và gờ miệng ấm cắn sát mặt bằng thì đích thị là...ấm tàu. Sự thể rõ ràng nên cứ thao láo như mắt rắn ráo...

Giời đất ạ, nhất cụ Nguyễn Tuân: Vòi, mặt ấm và cái quai nằm ngang thẳng băng.

Sắm được bộ Thế Đức gan gà tân trào, tân hình thức mới quá cũng mất vui. Bèn học mót mấy ông con trời làm đồ cổ giả ở Chợ Lớn trong Cuốn sổ tay của người chơi cổ ngoạn của cụ Vương Hồng Sển. Bèn cắm cũi giã nghệ rõ nhuyễn, trải đều trên mảnh vải bố, bọc cái ấm nhiều lớp như bó bùi nhùi. Rồi tưới nước mắm lên. Tiếp, đào cái lỗ sau vườn, lui cui đặt bó bùi nhùi xuống. Lấp đất nhưng vẫn để chừa một cái hũng trống. Xong, ngày này qua tháng nọ, có gì cáu bẩn như nước trà, nước cà phê dư thừa là tống xuống cái hũng nay đã mọc cỏ xanh rì. Tự nhủ thầm, ắt hẳn phải đợi dăm năm, cái ấm sẽ lên "meo". Một từ chuyên ngành của cụ Vương chỉ một cổ vật già lão cũ kỹ, đã đóng men, lạc tinh cũ rích. Và chắc mẩm nào ai biết đó là đâu, nào có thua gì chiếc ấm cũ của cụ Nguyễn trong Chén trà trong sương sớm. Và một ngày moi ấm lên, thấy không khờ, không...mẻ, nắp quai còn nguyên và cụ ấm già lão như một cổ vật!

Giời ạ, ông giời có mắt xuống đây mà xem: Nhất cụ Vương Hồng Sển.

***

Rồi giột giời hay sao ấy! Bụng dạ chộn rộn, râm ran với vạn vật tĩnh quan giai tự đắc, tứ thời giai hứng dữ nhân đồng...Ấy là khi không lại chập cheng hoang tưởng chi mê nếu như cái ấm bị sứt vòi thì...thật hơn.

Ấy cái tuổi chưa già tom, chưa khọm mà đã thế đấy, cứ tủn mủn, tần mần thế đó. Trộm nghĩ còn có một cái gì để dựa dẫm, tất cả gia tài đơn chiếc của những năm tháng vắng gió đìu hiu này, thôi thì cũng đành bám víu vào quá vãng bên phố đông người qua...qua chiếc ấm đất của cụ Nguyễn. Hoặc thảng như cố hương nan khứ hậu nan quy với cái ấm sứt vòi ở số 10 phố Hàng Đường của ông bà ngoại ngày nào...
 

Trúc gia trang
Thu phân, Giáp Thân niên 2004
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng


Nguồn:

Khảo về đồ sứ cổ Trung Hoa - Vương Hồng Sển Những chiếc ấm đất - Nguyễn Tuân
Chén trà trong sương sớm - Nguyễn Tuân Ký kiểu Cảnh Đức Trấn - Trần Đức Anh Sơn
Đồ Gốm Cổ Truyền - Bùi Ngọc Tuấn Nghệ thuật gốm trà VN - Phan Quốc Sơn
Thư Tịch Gốm Cổ VN - Trần Anh Tuấn Gốm Trà Việt Nam - Phan Quốc Sơn
Làng Gốm Cổ Truyền VN - Khuyết Danh Gốm Bát Tràng - Nguyễn Đình Chiến
Vẻ đẹp Chu Đậu - Hồ Trung Tú Bình và ấm Việt Nam - Bùi Ngọc Tuấn
Thú chơi xưa và nay - Đoàn Tiểu Long Thuật Uống Trà - Nguyễn Kỳ Hưng

***