Chim Việt Cành Nam           [  Trở Về   ] 

GỬI THƯƠNG VỀ HUẾ

Tập IV : Huế một thời xưa 

Võ Quang Yến

***

33- LỖ TAI VÀNG LÀNG MỸ CANG

Tôi quê người Nam Phổ, đến nay tính ra đã được 12 thế hệ. Nhưng đến đời ông thân tôi làm ăn không đủ sinh sống nơi quê cha đất tổ nên đem vợ và đứa con đầu lòng về ở làng mạ tôi. Mỹ Cang là một cái làng nhỏ xíu, mà thường tôi gọi đùa nhưng rất đúng là thôn Mỹ Cang, nói tắt thôn Mỹ để nhái lại thôn Vỹ... Người trong vùng còn một tên gọi khác : Làng Hói vì một cái hói nhỏ nằm dọc phía nam. Cái làng nầy nhỏ đến nỗi ít thấy trong các bản đồ cũng như trong các bảng kê khai làng xóm. Thật ra, nó được cắt một mảnh từ xã Mỹ Xuyên ra, thành thử làng được xã bao quanh ba bề, sông Ô Lâu chạy dài theo phía tây. Năm 1946, để trang hoàng chòi tự vệ bên cạnh Bến Đình, chỉ một ngày, tôi đã sử dụng phương pháp hướng đạo (dùng địa bàn và đo bước chân) thực hiện một bản đồ làng đủ kích thước.

Làng có ba xóm : xóm trong, xóm dưới và xóm ngoài. Xóm trong là xóm của họ Lê mà một hậu duệ sau nầy được biết ở Huế là anh Lê Tư Sơn, nay đã mất. Xóm dưới chạy dài đến các làng Phước Tích, Phú Xuân, đóng góp một số thiếu niên, thiếu nữ trong đội của tôi, sau nầy có nhiều em đi làm liên lạc cho bộ đội. Xóm ngoài là xóm của họ Hồ, nằm dọc sông Ô Lâu gồm có một dãy mươi cái nhà tranh nằm giữa hai cái nhà ngói : nhà của cụ mạ tôi và nhà ông Tri Giồ sau nầy dời lên Phường Trung (Mỹ Xuyên). Tôi còn nhớ ông ấy đi đâu cũng chỉ nói "Lọt, lọt" nhái tiếng "alors" của Pháp mà ông đã từng nghe thời phiêu lưu tuổi trẻ. Lúc tôi chưa sinh ra, cụ mạ tôi đêm làm bánh kẹo, ngày khiêng đem bán cho công nhân đường tàu xe lửa xuyên Đông Dương, đoạn quanh Mỹ Chánh, từ Phò Trạch ra Quãng Trị, nhưng khi công trường đi quá xa thì không theo được nữa. Hồi ấy, nhà của họ cũng chỉ là một lều tranh như những nhà khác. Sau đó, mạ tôi quay ra bán đồ tạp hóa, từ kim chỉ, bút giấy, hương đèn qua thuốc lá, thực phẩm, vải vóc,... ở ngoài chợ, chật vật sáng gánh đi, tối gánh về. Mạ tôi thường nhắc :

Gánh khổ mà đổ lên non,
Cong lưng mà chạy, khổ còn đuổi theo !
Mạ tôi kể lại hồi đó bán chịu mà không biết chữ, bao nhiêu con số phải ghi trong đầu óc. Khi chị tôi lớn lên, học đọc học viết với các anh tôi, mới giúp bà ghi chép. Cái gen trí nhớ của mạ tôi phải chăng đã giúp tôi phần nào sau nầy học hóa học ở đại học. Rồi hai ông bà thêm vào việc buôn lúa (bán chịu khi lúa chưa lên, đến mùa thì nông dân trả nợ bằng lúa vừa gặt), nuôi bò (gởi nuôi ở vùng đồi, chia bò với người nuôi), buôn củi (mua củi từ vùng rừng núi, chở về bán ở thành phố). Do cần cù lao động và tháo vát, biết tính toán trong kinh doanh, đời sống trong gia đình được cải thiện và từ đấy mới xây dựng cơ ngơi, tậu thêm vườn, dựng nhà ngói. Công lao vĩ đại của cụ mạ tôi, hai người không có chút học thức mặc dầu mạ tôi là con cháu nhà quan, đối với đàn con bảy đứa là đầu tư cho đứa nào cũng học được chút ít chữ nghĩa hầu mong hiểu biết thêm trong cuộc sống, đồng thời có khả năng leo lên thang xã hội, may ra tránh được cuộc đời lam lũ cực nhọc mà họ đã sống. Ông bà lập một chương trình nhiều đợt đã được thực hiện có kết quả : cho anh cả chúng tôi vào làm y tá tập sự ở bệnh viện nhãn khoa ở Huế sau bằng tiểu học ; khi có việc làm rồi thì anh lập gia đình, thuê nhà và lần lượt cho một, hai em vào ở học ; dần dần các em lớn lên lo cho các em nhỏ,...Dân ta thường có câu tự hào :
Nước lã mà vã nên hồ,
Tay không xây dựng cơ đồ mới ngoan.
Ông bà sẽ hãnh diện biết bao nếu ngày nay thấy được một đứa con của ông bà đứng trên bục thính phòng ở viện Đại học Sorbonne giải thích trước các giáo sư những phương trình hóa học phức tạp dành cho những khảo cứu viên cao cấp...Con đường từ làng Mỹ Cang đến Sorbonne thật là dài dằng dặc và trải qua biết bao chướng ngại. Tôi nhớ lúc tôi bảy tuổi, các anh tôi đều đã vô Huế, chỉ một mình tôi là đứa con út cưng ở làng với cụ mạ tôi, chị tôi và ông ngoại tôi. Tôi đi học trường tổng với thầy giáo Yến, người làng Phước Tích, một năm rồi mà chẳng đọc, viết được thông thạo. Cụ mạ tôi cũng như chị tôi, ông tôi chẳng giúp tôi được. Thế là mấy anh tôi lấy một quyết định làm khổ tâm tôi : tôi cũng phải vô Huế ! Bảy tuổi mà phải rời cụ mạ, tổ ấm cưng chìu, một bà chị lo lắng cho tôi như một bà mẹ...Cách thay đổi lối sống nầy là bước đầu rèn luyện cho bản thân tôi để sau nầy có đủ khí giới tranh đấu với đời. Hằng năm, chúng tôi chỉ về làng trong những kỳ nghỉ Tết, Phục sinh và ba tháng hè mà cụ mạ tôi quen gọi là "ba căng" (vacances). Chao ôi, mỗi chuyến đi về có 40km mà thật là một hành trình như đi hằng trăm, hằng ngàn cây số bây giờ. Hồi ấy không có va li hay bị xách mà phải mang rương hòm vừa nặng, vừa kềng càng. Nhưng bù lại, về đến nhà, đến làng là như trở lại chốn thần tiên ấp ủ cả năm mặc dầu tôi không khổ sở trong nhà anh tôi. Tôi còn nhớ mãi khi tàu về trễ mà không báo trước, mạ tôi hấp tấp chạy ra vườn hái vài ba lá rau là cả một bữa cơm thịnh soạn, trong mắt tôi, được dọn ra. Tráng miệng thì trong vườn có trái cây đủ thứ : chuối, cam, thơm, ổi, mít, dâu, mảng cầu,... Những hôm Tết là những ngày vui nhộn nhất, ăn uống, đánh cờ, đánh bạc. Sau nầy, một người anh tôi và tôi đi hướng đạo, muốn cải cách lối ăn Tết nhưng chẳng làm nổi. Ấn tượng nóng hổi còn lại bây giờ là những tháng hè. Mấy anh tôi tổ chức sáng học chiều chơi. Con trẻ trong làng đều được mời lại dự, sáng cũng như chiều. Những năm cách mạng, dưới sự điều khiển của một người anh tôi, lúc ấy làm hiệu trưởng trường huyện Phong Điền, lớp học nầy, với sự đóng góp của nhiều thanh niên trong làng, đã biến thành tòa soạn thực hiện một tờ báo làng độc nhất trong vùng, dán trên cửa đình làm người làng rất hãnh diện. Những nhà báo nghiệp dư vô tư kia cũng là những những nhân viên trong những đêm thông tin tuyên truyền, những thầy giáo dạy học, dạy viết trong các lớp truyền bá quốc ngữ buổi tối. Dưới ngọn đèn dầu leo lét, những mái tóc bạc cặm cụi nắn từng nét chữ thật là cảm động. Những tối sáng trăng là những buổi họp thiếu niên hồn nhiên hay những buổi tập quân sự tuy nghiêm túc nhưng vô cùng vui nhộn. Cuối chiều là những trận bóng chuyền, bóng đá hào hứng trên sân đình hay ở chợ cũ. Trong những đầu thập niên 40, một người anh tôi còn là học sinh ban thành chung, mạnh mẽ, đẹp trai, ham mê đá bóng, đến nghỉ hè là tổ chức những trận đấu giữa các làng vùng quê. Đáng buồn là trong một trận kia, anh rủi ro bị một cú đầu gối đánh vào thủng ruột và chết ở nhà thương Huế. Từ đấy mạ tôi cấm các anh tôi và tôi đá bóng. Tuy vậy, nhân ngày kỷ niệm một năm cách mạng, tôi cũng chịu nhận ra làm thủ môn cho một trong hai đội của bốn khu A,B,C,D liên xã Phong Lâu,... Chơi banh xong là nhảy xuống tắm sông. Nước sông sạch, mát, gội rửa mọi mệt mỏi vừa qua. Cũng là một dịp để bơi xa, lặn lâu. Tôi có người anh khi chơi trò trốn tìm, có khả năng ngồi lâu dưới đáy sông, lắm khi làm chúng tôi lo sợ hoảng hồn.

Đối với tôi, sông Ô Lâu để lại nhiều kỷ niệm êm đềm. Chính ở trên bờ sông nầy mà những đêm hè, cùng với các anh, tôi được thưởng thức những điệu ca Huế của một cô gái trẻ xinh, bà con bên chị dâu tôi. Là một tôn nữ con nhà nghèo khó, cô lại giúp việc nhưng vẫn luôn nuôi dưỡng một tấm lòng văn nghệ dồi dào... Mới xấp xỉ 15 tuổi mà cô biết hát hay tất cả các bài Nam ai, Nam bằng, Lưu thủy, Hành vân, Kim tiền ,Tứ đại cảnh,...làm người nghe, đặc biệt một thiếu niên mới dậy thì như tôi, không sao tránh khỏi một mối tình lãng mạn. Vì vậy, hơn một nửa thế kỷ sống bên phương trời Tây, tôi luôn còn xúc cảm với những làn điệu cổ truyền xứ Huế. Cũng có đêm nằm không ngủ, anh em chúng tôi vô tình lại được thưởng thức những câu hò mái nhì xao xuyến, trữ tình của một cô lái đò không quen biết trên sông. Rồi khi nghe quen thành thói, chúng tôi lại thất vọng vì đợi lâu mà không được gặp lại giọng hò quyến rũ kia...Còn có những trưa hè, mơ màng dưới bóng bụi tre sau vườn, tôi lại được ông ngoại cho nghe vài tuồng hát bội. Ông được xem như là một sinh viên vĩnh viễn. Từ nhỏ được cha là đô úy Hồ Đăng nuôi cho ăn học, ghi tên vào Quốc tử giám. Lớn lên khi trở thành mồ côi, ông may mắn được cô gái độc nhất là mạ tôi chăm nuôi mặc dầu nghèo nàn, túng bấn. Mạ tôi lúc trẻ có tiếng là đẹp, chịu lấy cụ tôi lớn tuổi nhiều hơn vì cụ chịu để ông ngoại tôi cùng chung sống. Tôi không khi nào được ông kể cho nghe chuyện khoa cử. Sức học của ông chỉ hiển hiện khi thỉnh thoảng ông lên truông tìm vài ba cây cỏ chữa một bệnh gì hay cho ra một vài câu học trong kinh sử. Ngoài ra, hình như ông thuộc rất nhiều các tuồng hát. Được chức ấm sinh vì là con cháu quan, ông tương đối có được cuộc đời nhàn hạ. Ông nghiện thuốc phiện, mỗi ngày hút đều đặn ba điếu. Những năm chiến tranh, hết còn thuốc hút, ai cũng tưởng ông dễ dàng lìa đời, không ngờ ông luôn vẫn mạnh, sống lâu, chỉ chết dưới lưỡi dao một tên lính lê dương vào một tối chạng vạng khi ông nghêu ngao trên đường làng.

Sức mạnh của ông phải chăng là di truyền của ông nội một thời đã danh vang vì ông nội là ... Hồ Oai, một trung thần dưới triều vua Tự Đức. Lên ngôi năm 1847, vua bắt đầu cho xây lăng từ 1864 ở làng Dương Xuân cách thành phố Huế 7km. Sơn lâm ám khí, sốt rét ngã nước, ba ngàn thợ thuyền bắt buộc làm việc ở đó, đau lên sốt xuống nên hết sức công phẫn và kiếm cách kháng cự. Ở triều nhà Nguyễn tình hình cũng rối beng. Khi vua Thiệu Trị băng hà, thay vì lập con trưởng là Hồng Bảo, Trương Đăng Quế đưa em là Hồng Nhậm lên ngôi lấy niên hiệu Tự Đức. Hồng Bảo muốn chiếm lại ngôi, bị bắt, bị kết án chung thân và tự sát (1854). Cũng vào lúc ấy, một phần lớn triều thần lại bất bình vì nhà vua nhượng bộ cho Pháp mấy tỉnh miền Nam. Hồng Tập kêu gọi sĩ tử nổi dậy nên bị chém đầu (1865). Trong lúc ấy, nhà vua sức khoẻ yếu, chỉ lo mài miệt kinh sử, thơ văn suốt ngày. Ở làng An Truyền cách Huế vài cây số, có Đoàn Hữu Trưng là một chàng trai thông minh, sáng sủa. Mồ côi cha sớm, anh làm ruộng nuôi mẹ và bảy đứa em. Tuy Lý Vương, một nhà thơ có tiếng, thấy Đoàn Trưng ham học, liền cho phép chàng và em là Đoàn Trực lại nhà học với các con. Không mấy chốc, chàng cũng thông thạo văn thơ và lọt vào mắt xanh của Thể Cúc, con gái Miên Thẩm tức Tùng Thiện Vương cũng là một nhà thơ lớn. Mặc dầu không môn đăng hộ đối, Tùng Thiện Vương chịu gả Thể Cúc cho Đoàn Trưng. Từ đây chàng làm quen vói đời sống vương giả, với những quan lại trong triều. Nhưng qua năm 1864, chàng trả vợ về lại nhà, lấy cớ nàng không phải là một cô dâu thảo, lập hội Đông Sơn Thi tửu là nơi gặp gỡ để bàn chuyện lật đổ vua Tự Đức. Được ba người em phụ tá, nhiều bạn bè, quan lại, quân binh cùng nhiều sư sải giúp sức, chàng chọn Đinh Đạo (tức là Ưng Đạo bị đổi tên), con Hồng Bảo, làm người kế vị và dựa vào sức mạnh của ba ngàn thợ thuyền cùng quân binh lấy chày vôi làm vũ khí cho nên có tên loạn Chày Vôi. Cuộc khởi nghĩa lấy chùa Pháp Vân làm địa điểm tập hợp. Chùa nầy nằm cạnh khu lăng mà tên đầu tiên là Vạn Niên, sau nầy vua Tự Đức đổi thành Khiêm Lăng vì Vạn Niên đã tượng trưng cho bất bình, bạo lực.

Vạn Niên là vạn niên nào,
Thành xây xương lính hào đào máu dân.
Mùa thu 1866, chùa Pháp Vân mở hội, đại trai đàn siêu độ cho chúng sinh và giải oan cho Hồng Bảo, có mặt đông đủ nghĩa quân và gia đình Đinh Đạo. Họ quyết định phát động ngày 16 tháng 8 tức là ngày trực của Hữu quân Tôn Thất Cúc làm nội ứng. Theo Bùi Quang Tung trong Bulletin des Etudes Indochinoises (1967) lược kể Gia Sơn Kiều Oánh Mậu trong Quốc triều ban nghịch truyện, nghĩa quân tiến rất mau vào thành nội qua Ngọ Môn, được Tôn Thất Cúc từ Đại Cung Môn đến dẫn đường qua Tả Dịch. Phó vệ úy Nguyễn Thanh và Chỉ huy sứ cản đường nhưng không nổi. Khi nghĩa quân tiến đến Duyệt thị đường, đến lượt Quyền Chưởng vệ Long Võ quân Hồ Oai ngăn chận thì bị Đoàn Trực chém vào tay trái. Mặc dầu bị thương, Hồ Oai đóng ngay cửa Tả Sương. Chạy đuổi bắt Hữu quân Đoàn Thọ là người điều khiển cuộc bảo vệ hoàng thành, Đoàn Trực chạy qua điện Thái Hòa hợp lực với Đoàn Trưng. Thừa lúc vắng mặt địch quân, Nguyễn Thanh và Cai đội Trần Đức Lý đóng cửa Dịch Môn còn Hồ Oai thì chạy tìm quân cứu viện. Trong lúc ấy Đoàn Trưng ra lệnh đem giá rước Đinh Đạo lên ngai vàng. Gặp Đoàn Trưng, Hồ Oai thét lên : "Nếu muốn sống phải cút đi" rồi hướng về thợ thuyền : "Các ngươi cũng theo giặc à ?" làm họ bỏ chạy tán loạn. Thấy vậy, Hồ Oai và Cai đội Cai Văn Sâm vung kiếm chém Đoàn Trực buộc chàng quỵ xuống, còn Đoàn Trưng thì bị bắt sống...Loạn Chày Vôi thất bại. Đoàn Trưng, Đoàn Trực, nhà sư Nguyễn Văn Quý và một số nghĩa quân bị án tử hình, những người lãnh đạo kể cả Tôn Thất Cúc đã tự vẫn, bị cắt thành mảnh nhỏ, đầu bêu ngoài đường. Gia đình Đinh Đạo, mẹ, vợ, anh chị em, tất cả 8 người, bị kết án thắt cổ. Tùng Thiện Vương khi thấy mọi việc bại lộ liền trói con gái và các cháu ngoại lên dâng vua. Vua Tự Đức không kết tội Tùng Thiện Vương, chỉ trách không biết chọn rể, cắt lương bổng trong 8 năm còn Thể Cúc thì phải lấy họ mẹ và sống những ngày cuối đời trong một đạo đường.

Trong cuốn Biến động (nxb Thuận Hóa, Huế, 1984), nhà văn Thái Vũ cho thêm chi tiết về vụ Đoàn Trực chém Hồ Oai : "Hắn định chặn cửa không cho Tư trực tiến vào nhà Duyệt thị. Tư Trực như con mãnh hổ đang đà xông tới, đánh bạt lưỡi gươm của Hồ Oai làm hắn ngã nhoài xuống đất. Tư Trực thuận tay đưa đà gươm xuống chém vào cổ Hồ Oai, nhưng cái ngã đã cứu hắn thoát. Gươm của Tư Trực chém đứt tai bên phải của Hồ Oai, hắn ôm đầu gục xuống. Tư Trực tưởng hắn đã bị thương nặng nên không bồi thêm nhát nữa để kết liểu đời hắn ! Anh nhảy qua người hắn cùng quân nghĩa xông thẳng vào nhà Duyệt thị, tìm cách đến cửa Tấu. Thực tình anh chủ tâm vào việc phá cửa Tấu để sang Càn thành hơn là giết một tên quan võ mà anh cho là một tiểu tốt vô danh chưa đánh đã ngã. Anh không hiểu được rằng đó chính là hành động thắng bại của hội Đông Sơn thi tửu khi đánh vào Đại nội". Trong sách Danh nhân Bình Trị Thiên (nxb Thuận Hóa, Huế, 1987), ở chương Đoàn Hữu Trung, tác giả Đỗ Ban kể có phần khác : "Đoàn Hữu Trung đang tìm vào cửa Tấu Môn, trực diện tiến thẳng vào giường ngủ của Tự Đức chỉ còn cách một bức tường nữa thì đến long sàng, gươm vua xa gươm ngụy gần, lính canh thấy quân kéo vào đông lo chạy trốn, thì chợt thấy Chuởng vệ Long Võ quân Hồ Oai xuất hiện : thấy nghĩa quân quá đông Oai hoảng sợ chạy lui về phía Tả Sương vội vàng đóng cửa lại để ngăn bước tiến của nghĩa quân, nhưng Đoàn Hữu Trưng đã nhanh chóng đuổi theo lùa gươm qua cửa khe, chém mất tai nhưng Oai vẫn ghì chặt cửa, Trưng ra lệnh thu quân về điện Thái Hòa để chờ lệnh mới". Dù Đoàn Trưng hay Đoàn Trực đã chém, một điều chắc chắn là Hồ Oai đã tỏ ra rất trung với vua và trong khi cứu vua đã mất một lỗ tai. Vua Tự Đức rất cảm kích cử chỉ một trung thần, khen công lớn, đã thăng ông chức Đô thống Tiền quân kiêm Doanh Long Võ, ban tước Nghĩa Dũng Tử, về quyền vẫn giữ Quan Lĩnh Thị vệ, chức Đại thần và tặng thẻ bài ngà mang ba chữ Vũ Dũng Tướng, một viên ngọc đeo, một nhẫn vàng có kham kim cương, 10 lạng vàng để làm lại một lỗ tai vàng (báo Ánh Sáng, Huế, 1935). Theo Thái Vũ, sau nầy Hồ Oai nhậm chức Tổng đốc Đại thần ở Nghệ An, bất lực trong việc trấn áp Văn thân chống Pháp và chống tà đạo khi vua Tự Đức đã hòa nghị nên bị giáng xuống Chưởng vệ, đổi về quê rồi chết. Nhà sử học Yoshiharu Tsuboi trong cuốn L'Empire vietnamien face à la France et à la Chine (Đế quốc Việt Nam trước nước Pháp và Trung Hoa, nxb L'Harmattan, Paris, 1987) xác nhận tài liệu nầy và cho biết thêm để giải quyết vấn đề nầy, vua Tự Đức phải gởi nhiều quân binh do Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đích thân điều khiển.

Làng Mỹ Cang có nhà thờ họ Hồ và ông Hồ Oai , ông cố ngoại bốn đời của tôi, đã được thờ ở đây. Cách đây mấy năm, anh Nguyễn Đắc Xuân, trong cuốn Chuyện các quan triều Nguyễn (nxb Thuận Hóa, Huế, 2001) có viết theo lời kể của ông Hồ Thu ở Tân Định những giai thoại về sức mạnh của Hậu quân Hồ Oai. Tôi không kể lại đây những thành tích khác thường của một người hùng nhưng tôi lại thắc mắc về tung tích của ông. Tôi có lại gặp ông Hồ Thu : ông tự hào là hậu duệ ông Hồ Oai nhưng không biết gì đến làng Mỹ Cang và nhà thờ họ Hồ ở đây. Hôm về thăm quê năm 1988, tôi ghé lại nhà thờ nầy nhằm chụp hình tấm bia kể công trạng ông cố của tôi. Đáng tiếc là tấm bia bị bom phá gãy và người ta đã vứt xuống hói. Lại lục lọi bờ hói , tôi chỉ tìm ra được một mảnh phía trên bia, không có chữ. May có người bà con trao cho tôi một bản sao chụp tấm bia. Đem về Pháp tôi nhờ anh bạn Hán Nôm Tạ Trọng Hiệp, nay đã mất, đọc giùm. Tuy không rõ lắm, anh cũng nhận ra được đây là bài văn của Nội các ghi lời Dụ của vua ban ngày 24 tháng 8 năm Tự Đức (1866) về vụ loạn xảy ra ngày mồng 9 cùng tháng với những chi tiết về công lớn và thăng thưởng đã thấy ở trên. Họ Hồ ở Mỹ Cang chính thật đúng là dòng họ ông Hồ Oai. Nhưng như vậy thì ông Hồ Oai của ông Hồ Thu là ông nào ? Có hai ông Hồ Oai ? Tôi chỉ có một giải thích theo lời gợi ý của ông Hồ Thu : ông Hồ Oai có một bà vợ khác và bà vợ nầy không hay biết gì về bà ở Mỹ Cang. Bà nầy có thể xây dựng một nhánh ở Đồng Hới, nay như tuồng còn mộ ở làng Nại (Lương Yến) cách thị xã Đồng Hới 2km, có điều gia phả đã bị tiêu hủy, khó chứng minh. Chuyện nhỏ lặt vặt, ngày nay chẳng có gì là quan trọng, nhưng tôi chỉ yên tâm ngày nào tìm ra giải đáp. Chắc bên ông Hồ Thu cũng vậy.

Xô thành mùa Vu Lan nhớ Mạ 2004
Nhớ Huế 23 Huế Làng Xưa 2004

  [ trang trước ]  /  [ trang sau ]