Chim Việt Cành Nam     [  Trở Về   ]                    [ Trang chủ ]    /     [ Trang trước ]

DẤN BƯỚC THĂNG TRẦM
- 3 -
NGUYỄN BẢO HƯNG
" Il n'est qu'un seul grand luxe, et c'est celui des relations humaines. " A. de Saint-Exupéry (uvres - Terre des hommes, p.158 - Bibiothèque de la Pléïade - Gallimard 1959)
(Chỉ có một sự xa hoa đích thực, và ấy là sự xa hoa tìm được nơi tình người)
" Ta phải tưởng tượng Sisyphe được hạnh phúc... Ta phải tưởng tượng Sisyphe được hạnh phúc... ". Tôi còn thiêm thiếp với những lời kết này chập chờn trong tiềm thức thì đã vọng lên giục dã hồi kẻng báo thức. Tôi nhỏm dậy, như cái máy lập lại mấy cử chỉ thuộc lòng của một cải tạo viên : gấp mùng mền xếp ngay ngắn trên chỗ gối đầu, lật chiếu phủ lên, lôi lon gô đặt ở chân sạp để chờ được chia phần nước uống tiêu chuẩn. Xong xuôi, tôi phóng ra sân làm công tác thể dục qui định trước khi lo phần vệ sinh cá nhân. Nhưng hôm nay tôi không chỉ có khua chân múa tay làm điệu bộ cho có lệ. Trái lại tôi chăm chú làm đúng từng động tác một và tập thở hít cho thật điều hòa. Bây giờ tôi đã sẵn sàng chờ tập họp điểm danh để lãnh cuốc sẻng đi công tác. Nhưng khác với mọi bữa, hôm nay tôi không cảm thấy phải kéo lê những bước chân nặng chĩu và cũng không phải mang tâm trạng mệt mỏi chán chường. Trên bãi tập họp giờ đây mọi người đã tề tựu hầu như đông đủ. Vẫn những con người đó trong những bộ quần áo đó : những thân hình xanh xao ốm yếu vì lam lũ và thiếu dinh dưỡng trong những bộ trây y tả tơi, vá chằng vá đụp. Nhưng hôm nay tôi mới để ý và thấy họ có vẻ như đang sống cuộc sống bình thường. Tự bao giờ ? Họ, ra trình diện cùng một ngày, cũng phải di chuyển hết trại này qua trại khác. Như tôi. Họ, thuộc đủ thành phần xã hội, động viên hay tình nguyện, nay chỉ là những con chốt thí trong cuộc tranh chấp ý thức hệ giữa hai khối quyền lực quốc tế. Cũng như tôi. Vậy mà nay cuốc, sẻng trên vai, họ bình thản trao đổi với nhau những mẩu chuyện vui nho nhỏ : về thành tich chôm chĩa, về mánh mung qua mặt được mấy anh bộ đội, về một vài bi thuốc lào mới quan hệ được. Họ cũng không quên bàn chuyện nắng mưa, vui vẻ chỉ dẫn cho nhau cách thức lên luống, reo bắp, trồng rau để đạt năng xuất cao như những nông dân thực thụ. Cũng như tôi, họ đã phải trải qua biết bao giờ phút chán nản tuyệt vọng. Và họ đã tự rèn luyện để biết quên đi thân phận của một cải tạo viên mà hòa giải với cảnh sống hiện tại của mình. Tự bao giờ ?...

Còn đang đăm chiêu tự hỏi, tôi bỗng nghe tiếng vỗ vai kèm theo một giọng nói thân quen : " Làm gì mà tư lự hoài vậy huynh ? Thôi mà bỏ qua đi Tám. Đời sao ta vậy, sức mấy mà buồn. Tối nay huynh qua em. Em mới quan hệ được ít thuốc sịn thứ thiệt. Anh em mình sẽ phê một trận đã đời hết biết luôn. " Tôi nhận ra ngay tiếng nói của Sơn, đội viên trẻ nhất láng và cũng là người bạn tâm đầu duy nhất. Hồi mới nhập trại Sơn là người tôi để ý và ghét nhất. Bởi lời lẽ cấc lấc, điệu bộ lền khên (11) bất cần đời, có khi còn như thách đố Ban chỉ huy trại của Sơn. Nhất là sau buổi lên lớp đầu tiên được nghe lời nhắc nhở ân cần của ban quản giáo : " Về hay ở, sớm muộn là tùy thuộc các anh. Chính sách khoan hồng nhân đạo của Cách mạng vẫn trước sau như một. Cách mạng có muốn giữ các anh ở lâu làm gì. Đất nước rất cần tới bàn tay xây dựng của các anh. Sở dĩ các anh còn phải ở lại đây vì Cách mạng muốn giáo dục các anh trở thành những công dân chân chính. Vậy các anh em phải học tập cho tốt và thẳng thắn xây dựng lẫn nhau để giúp đỡ nhau cùng tiến bộ trong tinh thần làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa. Chừng nào Cách mạng đánh giá anh em đồng tiến bộ thì sẽ giải quyết cho toàn bộ anh em được về... " Trước những lời động viên hứa hẹn như vậy đa số anh em trong trại, đặc biệt là những thành phần lớn tuổi có gia đình như tôi, đều tỏ một tinh thần học tập tích cực. Chỉ riêng có Sơn là vẫn tỉnh bơ, lại còn ngấm ngầm biểu lộ thái độ phản kháng bằng một tác phong lề mề mỗi khi phải thi hành công tác, hoặc bằng những lời châm chọc mỗi khi phải phát biểu trong buổi học tập. Khó chịu về thái độ của Sơn và e ngại nó có thể phương hại tới kết quả học tập chung gây trở ngại cho ngày về, một hôm tôi cố ý gặp riêng Sơn và tìm lời lẽ xây dựng Sơn. Nghe tôi nói xong, Sơn trơn trơn ngó tôi một hồi như thể tôi mới từ cung trăng rớt xuống. Sau đó Sơn dằn dọng tuôn ra một tràng ngôn ngữ thuộc loại tàng tàng cù lủ nghe bắt xóc óc : " Ông anh yêu quí của tôi ơi ! Ông lỡ sinh ra có mắc bệnh tối dạ thì cũng nên tối dạ một vừa hai phải thôi. Ông mà tin lời tụi nó thì chỉ có nước đem bán thóc giống đi mà ăn. Ông anh đã có lòng tốt muốn dạy bảo đàn em thì đàn em cũng xin phép được thưa gửi ông anh đôi điều. Trước hết ông anh hãy viết thư về khuyên chị nên kiếm một ông chồng khác đi, đừng bắt chị giữ cái đó chờ ông anh làm gì để nó phải lên meo, tội nghiệp. Về phần ông anh, xin ông anh hãy ráng gìn giữ hàm răng và luyện quai hàm cho rắn chắc. Cái ngữ ông anh và tôi cứ gọi là còn ở đây nhá bắp và bo bo đến mút mùa lệ thủy. " Nói xong, Sơn quay phắt bỏ đi. Còn tôi, chới với trước phản ứng bất ngờ dữ dội ấy, tôi phát ngọng luôn.

Thời gian trôi qua, không thấy ban chỉ huy trại nhắc nhở gì tới ngày về nữa. Thỉnh thoảng lại thấy một vài người chẳng có thành tích xuất sắc nào, bỗng được kêu lên gặp ban chỉ huy trại rồi biến mất. Theo lời xầm xì của anh em, họ đều thuộc thành phần con cháu thân nhân cách mạng nên được bảo lãnh cho về. Lúc đó tôi mới nhìn ra cái bệnh tối dạ của mình và thấm thía nhũng điều Sơn nói. Một hôm, Sơn bị cảm nặng. Sẵn còn ít thuốc để dành, tôi chia cho Sơn vài viên. Sơn định từ chối nhưng thấy tôi thực tình, cuối cùng nhận vậy. Chúng tôi thân thiện trở lại, hiểu nhau hơn và thêm gắn bó. Một bữa, nhắc lại chuyện cũ, Sơn thủ thỉ với tôi : " Bữa đó chắc huynh giận em lắm nhỉ. (Sơn thích gọi tôi bằng huynh hơn là đại ca vì cho rằng từ " huynh " thể hiện được tình bằng hữu hơn mà vẫn phân định được ngôi thứ như trong câu nói " huynh đệ chi binh " hay cách gọi " huynh trưởng " trong hướng đạo). Thực ra ngay từ bữa nhập trại em đã để ý tới huynh. Em biết huynh con người học thức và cũng có thớ ngoài đời. Nhưng huynh không như một số người khác. Mẹ kiếp. Đã phải rúc vào đây, chỉ còn trên răng dưới " dzế " mà vẫn thích huênh hoang. Nào là trước đây tao đã bắt tay ông này, tao đã ngồi họp với ông kia. Rồi còn kể tùm lum đủ thứ chuyện, ra điều ta đây con người sành sỏi lịch lãm quen biết nhiều. Thực chất toàn là những chuyện thuộc loại ruồi bu (12) thôi, chứ có ra gì đâu. Bây giờ mới rõ cháy nhà ra mặt chuột, nhân cách lồ lộ ra hết. Thấy cán bộ là xun xoe khún núm ; tới giờ chia cơm dành nhau từng tí cháy, rồi còn cãi vã om sòm về cái màn chia cơm cánh cụp cánh xòe (13) không đều. Riêng huynh, em không hề thấy huynh nhi nhô. Em thấy huynh lúc nào cũng từ tồn, hòa nhã với mọi người, vì vậy em mới có cảm tình. Em tin huynh không như bọn họ. Thế mà bữa đó huynh lại lên lớp em bài bản y chang lời tụi nó như con vẹt, em thất vọng quá. Huynh làm em nực. Em đâm quạu. Em mới phạng huynh. Sau đó em ân hận. Nhiều lúc em thấy huynh cứ thừ người ra, em biết huynh đang trong cơn khủng hoảng. Em định mon men đến trò chuyện giúp huynh lên tinh thần. Nhưng bộ mặt huynh lúc đó ngó âm u quá, em đâm lạnh cẳng. Huynh làm em rét (14), em không dám lại gần. Cũng may bữa đó huynh cho em thuốc, thế là anh em mình lại được chơi với nhau. " Sơn cho biết những ngày đầu Sơn cũng chán nản tuyệt vọng lắm. Mấy lần Sơn tính trốn trại nhưng biết sẽ không thành vì hệ thống kiểm soát chặt chẽ. Sơn cũng có ý nghĩ tự tử, nhưng lại gạt bỏ ngay vì cho như thế là hèn nhát. Cuối cùng Sơn quay lại với cái triết lý sống của mình : đời sao ta vậy. Sơn coi mình như tay bạc gặp phải vận đen, nhưng không chịu bỏ cuộc. Sơn quyết định biến sự bất hạnh thành trò đùa, lấy nó làm vốn để kéo dài cuộc chơi. Hì hì, huynh có nhớ cái bữa lên lớp. Cán bộ, sau khi thao thao bất tuyệt về xã hội chủ nghĩa ưu việt, động viên anh em mình tích cực phát biểu. Em liền đứng dậy giơ tay : Báo cáo cán bộ tôi buồn đi cầu. Tối về nhớ lại bộ mặt cả thộn đỏ gay của y em cười phát đau cả bụng, thế là quên được một bữa đói.

Sơn như vậy đó. Hai mươi tuổi đời chưa tròn tuổi lính. Cày xong bằng tú tài một, vừa làm quen được một người đẹp thì xảy ra chuyện đứt phim. Người đẹp theo gia đình di tản, Sơn đành ở lại tiếp tục số kiếp con rệp trong thân phận một cải tạo viên. Số phận long đong, cuộc đời bạc đãi, nhưng Sơn không lấy làm bất mãn và cũng chẳng một lời than vãn. Với sức sống thanh niên và nhiệt tình của tuổi trẻ, Sơn đã rèn luyện cho mình cách nhìn đời bằng cặp mắt của kẻ muốn thấy chai rượu hãy còn đầy chứ không phải đã vơi mất một nửa. Nhờ vậy Sơn đã sớm tìm ra thỏa hiệp với chính mình và biết cách thích nghi với điều kiện sống khắt khe hiện tại : kiếm lời chọc quê cán bộ để giết thì giờ trong các buổi học tập ; trổ tài chôm chĩa như trò chơi cút bắt với vệ binh, đồng thời cũng là một phương tiện bồi dưỡng cải thiện.. Có thực mới vực được đạo. Chưa bao giờ Sơn lại đắc ý với câu châm ngôn này. Mỗi lần đi lao động, gặp dịp là Sơn bẻ ngay một vài trái bắp, hái vội một nắm rau xanh tìm cách đem lọt vào trại để tối về ca cóng. Mặc dù thường bị lôi ra kiểm điểm, thậm chí có lần còn bị nhốt Sơn vẫn không chừa. Sơn không chịu nhận là ăn cắp của cải nhân dân, phá hoại tài sản nhà nước như lời cán bộ lên án. Trái lại, Sơn coi đó chỉ là một sự thu hoạch, một hành động tự vệ chính đáng của kẻ yếu thế và cũng là một biểu lộ phản kháng. Đù mẹ, em chỉ thực hiện quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa theo đúng khẩu hiệu làm theo công sức hưởng theo nhu cầu. Em phải đổ ra biết bao mồ hôi, đóng góp biết bao sức lao động cho tập thể, mà có được hưởng đúng theo nhu cầu của em đâu. Như vậy sao lại bảo là ăn cắp. Mấy lần Sơn định rủ tội cùng thâu hoạch, nhưng thấy tôi có vẻ không mấy hưởng ứng, Sơn liền bỏ qua. Tuy nhiên khi chôm chĩa được bất cứ thứ gì, Sơn không quên kêu tôi sang cùng chia xẻ. Có bữa vui miệng Sơn còn lên lớp tôi : " Phi chôm chĩa bất thành cải tạo. Chừng nào huynh chưa biết chôm chĩa chưa thể được cấp bằng cải tạo cho về. ". Tuy thích trổ tài chôm chĩa, nhưng Sơn rất tự trọng. Không bao giờ tranh giành cãi cọ mà cũng không hề đụng tới đồ vật nhỏ nhặt của bất cứ ai. Bữa nào chôm chĩa được thì tạm no, bằng không chịu đói vậy. Bao giờ Sơn cũng vui vẻ nhận phần cơm được chia của mình, không một lời kêu ca phàn nàn. Điều Sơn tối kỵ : đó là tranh giành cãi cọ vì miếng ăn. Sơn cho đó là một cách tự sỉ nhục trước mặt cán bộ : " Mẹ kiếp ! Mình thua, nó hành mình mình chịu. Mình có hàng đâu mà để tụi nó khinh mình được. " Càng hiểu Sơn tôi càng thêm mến Sơn. Đằng sau những cử chỉ thô bạo, những lời lẽ sỗ sàng tôi lại thấy ánh lên một vẻ đẹp : cái đẹp của chất thô nơi con người còn giữ được phẩm chất nhân chi sơ tính bản thiện. Sơn lền khên, Sơn hay quạu, Sơn dễ nực, Sơn ưa chửi thề ; nhưng Sơn không hề kiếm chuyện gây gổ với ai, ngoại trừ một vài phần tử được xếp vào loại ăng ten. Thực ra, bằng những lời châm chọc khích bác, Sơn chỉ muốn chọc quê thái độ nhẫn nhục cầu an của đám người tìm cách " nín thở qua sông " hoặc những kẻ khờ khạo còn tin tưởng vào chính sách học tập cải tạo như tôi. Tuy không ăn học nhiều, nhưng Sơn lại dồi dào kinh nghiệm sống và hiểu biết thực tiễn để dễ dàng ứng phó với những trạng huống bất thường ở đời. Chỉ cần vài tháng ở đơn vị thám báo cũng đủ trang bị cho Sơn cái nhạy cảm của một con thú hoang biêt hửi từ xa những cạm bẫy vô hình. Và chính những kinh nghiệm và hiểu biết mưu sinh ấy mới thực sự hữu ích cho giai đoạn gian khổ hiện tại.

Một điều nghịch lý là tuy không hề tin tưởng vào chính sách cải tạo, nhưng Sơn lại tỏ ra làm việc hết mình trong những buổi lao động. Chính ban quản giáo cũng nhận ra điều đó. Và, mặc dầu thường xuyên lên lớp Sơn về tội chôm chĩa, dã có lần họ phải đề nghị Sơn được bình bầu làm anh hùng lao động xuất sắc. Bữa đó lần đầu tiên tôi thấy Sơn lúng túng ngượng ngập, cười gượng với anh em. Tối về Sơn tâm sự với tôi : " Tụi nó làm em quê quá. Em làm là làm cho em chứ em đâu có lao động tích cự để trông mong chúng nó sớm thả em về. " Sơn cho biết tình cờ đã tìm thấy trong sự làm việc hết mình một động lực giúp Sơn lên tinh thần và đem lại ý nghĩa cho công tác hàng ngày. Lúc đầu em ráng sức cốt để trút hết nỗi bực dọc lên nhát cuốc. Khi thấy mảng đất mới vỡ thấm đất mồ hôi ánh lên một chất nâu màu mỡ, không hiểu sao em bỗng đâm ra ham cuốc, cuốc hùng hục, cuốc quên đói, cuốc quên mệt, cuốc quên hết ưu phiền. Rồi tới khi được nhìn những đọt lang xanh phủ đều mặt đất mình vừa lên luống, em thích thú. Em nghĩ mình không phải làm công việc vô bổ. Em đâu có phải lao động khổ sai. Em làm việc để nuôi em. Vậy em có quyền chôm chĩa. Hì hì, em sống lương thiện. em không bóc lột ai, nhưng cũng không chịu để ai bóc lột mình. Em phải ăn cho đủ ca lo mới có sức làm việc chứ. Càng nhìn những luống lang ngay hàng thẳng lối em lại nhớ tới hồi mới đến mảnh đất hoang vu, dày đặc sỏi đá như một vùng đất chết. Vậy mà mầm sống đã chồi lên từ đó. Em nghĩ bàn tay ta còn đem lại được sự sống cho mảnh đất khô cằn này, ta đâu đến nỗi là đồ bỏ. Tại sao ta lại không biết làm sống dậy sức sống nơi ta. Thế là em bắt đầu đem hết tâm trí vào công việc mình làm. Em không làm vì Bác, vì Đảng. Em không làm để trở thành anh hùng lao động. Em làm cho em. Em làm để trút bỏ dược gánh nặng mặc cảm của một tên tù khổ sai. Em làm để khỏi phải sống trong khắc khoải trông chờ một ngày mai không biết bao giờ tới. Em làm để không phải thấy một ngày trôi qua là một ngày sống phí phạm. Cũng nhờ vậy mà em thâu hoạch được một số hiểu biết ích lợi ra trò. Một bữa em đang lúi húi ngắt ít đọt lang thì thấy bóng vệ binh xuất hiện. Em đứng phắt dậy : Báo cáo cán bộ mấy luống này nhiều giây lại sai lá quá, tôi phải ngắt bớt, củ mới lớn được. Em nói vậy là đúng quá đi chớ. Em nhớ có lần lên lớp cán bộ đã phát biểu : Lời nói mà nghe lọt tai đến củ khoai cũng phải ừ. Thế là tên vệ binh chỉ hăm he ậm ự rồi cũng bỏ qua. Như vậy là em làm đúng lời cán bộ. Em thuộc bài. Em học tập tiên bộ. Em đâu có mánh. Hí ! Hí !

Tôi im lặng theo dõi từng điệu bộ Sơn khoái trá kể chuyện và thầm nghe dấy lên một sự mến phục. Sơn vẫn gọi tôi bằng huynh và luôn luôn xưng em với tôi. Thái độ nể trọng ấy một phần do Sơn ít tuổi hơn tôi, nhưng phần lớn do Sơn cho là tôi học thức uyên bác. Phải chi hồi đó tôi không bị động viên. Phải chi hồi đó tôi cố nhịn ăn, bớt thêm được hai lạng thịt. Khi đó tôi chỉ nặng có ba bốn kí chín, tôi sẽ không bị kêu lính. Tôi tha hồ tiếp tục cuộc sống phây phây ngoài đời. Khi đó nếu có gặp Sơn, chắc tôi sẽ khinh khỉnh ngó Sơn bằng nửa con mắt và hờ hững chìa tay ra chờ Sơn vội vàng nắm lấy. Mảnh bằng đại học mới nắm trong tay, tôi tự phong cho mình bậc đại-trí giả. Tôi nay kinh sử thuộc làu. Tôi giờ quán thông kim cổ. Aristote, Platon, Khổng Tử..., Sartre, Camus, Lỗ Tấn tôi thuộc tên vanh vách. Chính trị, lịch sử, triết học, văn chương, nghệ thuật...chẳng có lãnh vực nào tôi lại không dám chõ mõm vào. Chỗ nào hội hè đình đám là có mặt tôi. Tôi ba hoa chích chòe. Tôi hót như khướu. Nhờ tài thao thao bất tuyệt, chẳng mấy chốc tôi lọt mắt xanh con gái một phú thương đang bốc như diều nhờ khéo đầu cơ tích trữ lại biết mánh mung trúng thầu Mỹ. Thế là tôi, chuột sa chĩnh gạo. Thé là tôi, một Xuân tóc đỏ. Ông bà nhạc thương tôi, biết tôi có tài ăn nói nên chạy chọt cho tôi một ghế dân biểu. Khỏi phải nói, cờ đến tay ai người ấy phất. Đã sẵn chính trường lại có thêm cơ quan truyền thông, tôi tha hồ trổ tài đấu láo. Tôi hô hào ra luật tổng động viên. Tôi viết bài cổ vũ thanh niên con cái nhà người phải hăng say tòng quân cứu nước. Giặc đến nhà đàn bà cũng phải đánh. Là đấng mày râu nam tử mà cứ quanh quẩn vũ trường, tối ngày rúc nách mấy em ca sĩ, vũ nữ coi sao được. Làm trai cho đáng nên trai. Xuống Đông Đông tĩnh, lên Đoài Đoài tan. Miệng tôi có gang có thép : tôi hùng hổ, tôi dũng mãnh. Tiếng tăm tôi lừng lẫy. Toi biết cứ đà này tôi có triển vọng trở thành nhân vật lịch sử. Tôi sẽ, tôi sẽ còn...

Nhưng hỡi ôi ! Cũng như cái mũi Cléopâtre (15), chỉ vì có hai lạng thịt tôi bị kêu lính, tôi ra nỗi này. Bây giờ phải vào trại tôi mới có điều kiện để suy ngẫm về giá trị thực dụng của sự hiểu biết thuần túy sách vở ấy. Nhất là vào những ngày chủ nhật, không phải đi lao động nhưng khẩu phần lại bị giảm bớt. Những bữa đó tôi chỉ biết vắt tay lên trán, nằm thở dài bất lực trước tiếng la lối om sòm của đám ruột gan cồn cào đang rầm rộ xuống đường biểu tình đấu tranh đòi quyền sống. Tưởng tượng những lúc được tuyên bố rất nổ tại nghị trường để nào là đấu tranh cho dân chủ đân quyền, nào là trổ tài kinh bang tế thế mưu cầu ấm no cho lê dân trăm họ, chữ nghĩa của tôi khi ấy chắc là phải kêu cứ bong bong. Vậy mà nay cũng tuồng chữ nghĩa ấy, tôi thấy cứ lỉnh cà lỉnh kỉnh trong đầu mà chẳng biết làm cách nào để biến chúng thành mấy cọng lang cho được ấm bụng. Những lúc ấy tôi mới biết đánh giá cao cái tài linh hoạt khéo xoay sở của Sơn và chỉ mong Sơn xuất hiện rủ tôi đi ca cóng. Ấy cũng may, từ bữa nhập trại không hiểu trời xui đất khiến làm sao, tôi lại biết nghe lời vợ dạy dỗ nhắc nhở nên chịu khó giữ mồm giữ miệng. Sơn cứ tưởng tôi con người học thức nhưng khiêm tốn nên mới chịu thân với tôi. Nhờ vậy mà thỉnh thoảng, với Sơn, tôi có thêm được chút rau chút cháo để dằn bụng cho ấm lòng. Thì ra cái mớ kiến thức thuần túy sách vở của tôi trong những lúc ấy, ít ra, cũng còn tỏa được chút hào quang ảo ảnh để gây ấn tượng với Sơn và giúp tôi qua được cơn hoạn nạn.

Nhưng tôi mến Sơn đâu chỉ vì được Sơn thường đem đồ chôm chĩa đến chia xẻ với tôi. Càng hiểu Sơn tôi càng thêm bị cuốn hút như khi ta chợt phát hiện ra được cái đẹp hoang dã của một cảnh vật sơ khai chưa phải mang vết tích lở lói chứa đựng mầm mống hủy diệt của văn minh tiến bộ loài người. Sơn lền khên như một con thú hoang. Sơn lền khên vì Sơn ghét thói đời giả dối. Những điệu bộ kệch cỡm giả tạo làm Sơn bắt nực. Bởi thế Sơn hay quạu. Bởi thế Sơn thích đù mẹ. Bởi thế Sơn ưa chửi thề. Sơn không biết thưa gửi uốn éo ra tuồng ta đây con nhà gia giáo nết na có được ăn học đàng hoàng tử tế. Nhưng Sơn không hề biết đểu. Có lẽ vì sống trung thực nên Sơn được phú cho một bản năng sinh tồn khá mạnh và một khả năng đề kháng tự nhiên giúp Sơn vượt qua được mọi tai biến, cho dù là do thiên nhiên hay con người gây ra. Sơn như những cọng cỏ hèn mọn ấy, vẫn lại trồi lên từ kẽ phún thạch hay từ bãi sình lầy trong khi biết bao công trình kiến trúc đồ sộ lại vĩnh viễn bị vùi lấp sau những trận đại hồng thủy. Chỉ những con người như Sơn mới chính là thành phần bảo toàn và nuôi dưỡng sự sống cho thế gian này. Cũng như tôi, Sơn chỉ là con chốt thí trong cuộc tranh chấp giữa các khối quyền lực. Và, như tôi, Sơn cũng là nạn nhân của sự phi lý ở đời. Nhưng bằng cái nhìn trong sáng bình dị, Sơn đã sớm tìm lại cho mình niềm tin gắn bó với cuộc sống thế gian. Sơn vui, Sơn buồn như chuyện nắng mưa. Sơn chấp nhận lao động hành xác vì Sơn muốn sống lương thiện. Những biến động thời cuộc, những thăng trầm cuộc sống, Sơn chịu đựng, Sơn chấp nhận coi chúng cũng như bệnh tật, đói khát, thiên tai bão lụt..., là những bất hạnh không tránh được trong cuộc sống. Bởi thế nên Sơn buồn, Sơn vui, Sơn đổ quạu, Sơn chửi thề, Sơn chôm chĩa, rồi Sơn lại cười hì hì mỗi khi đến tâm tình với tôi. Trong khi ấy tôi chỉ biết ngụp lặn trong tuyệt vọng, loay hoay mãi với mớ kiến thức sách vở mà không biết làm cách nào để tìm ra lối thoát. Trước đây, với hàng pho sách từng bỏ công nghiền ngẫm, tôi cứ tưởng tôi đã nắm được hết lẽ sống ở đời. Nhưng nếu không phải vào nằm trong trại này liệu tôi có rút ra nổi bài học về Sisyphe của Camus ? Mà có thực là tôi đã hiểu hết được ngần ấy trang sách của Camus hay chưa ? Nhớ lại lúc lên mặt khuyên bảo Sơn phải chịu khó học tập cho có kết quả để cùng với anh em sớm được thả về ; rồi lại thêm cái bữa dặn vợ phải kiếm con gà nuôi cho béo để chờ ngày học tập thành tài đem ra cúng tổ, tôi mới thấy rằng mãi tới giờ này tôi vẫn ngây thơ, rất ngây thơ, có khi còn ngây thơ hơn cả cô gái con nhà lành một trăm phần trăm đang theo học trường ma sơ nữa cơ.

Mặt trời gần đứng bóng, áo đã ướt đẫm mồ hôi, nhưng mải mê suy nghĩ, tôi vẫn mạnh tay cuốc, cuốc liên tục, không thấy đói, không thấy mệt. Chợt giọng nói thân thuộc lại vang lên : " Thôi mà, nghỉ tay đi huynh, vào đây phê cái đã. Sao hôm nay cuốc tích cực thế ? Coi bộ có chuyển biến tốt rồi đấy. Thế nào kỳ này em cũng phải bình bàu cho huynh được làm anh hùng lao động xuất sắc mới được. Hì ! Hì !... " Tôi mỉm cười buông tay cuốc, ngoan ngoãn theo Sơn kiếm một bóng mát làm chỗ nghỉ ngơi. Kéo xong điếu thuốc tôi thở khà, lim dim theo rõi khói thuốc tỏa bay, hả hê thưởng thức cái mệt mỏi đang rần rần tỏa lan cơ thể... Một làn gió mát thoảng qua. Tôi sảng khoái mở mắt nhìn. Bên tôi Sơn vẫn nằm yên như hãy còn phiêu du với khói thuốc. Tấm thân cao thước bảy lăm của chàng thành niên lực lưỡng trước đây giờ chỉ là một thân hình xanh xao gầy guộc trong bộ trây y mục nát chằng chịt các mảnh vá nham nhở. Sơn nằm nghiêng chân hơi co, gối đầu lên tay trái. Tóc Sơn bù xù dài quá ót và phủ kín thái dương. Sơn có vẻ đang ngủ ngon lành. Miệng sơn nhép nhép như đứa trẻ thơ tưởng đang còn bú mẹ. Rồi Sơn lại khẽ nhếch lên một nụ cười khoái trá tinh nghịch. Có lẽ sơn đang tưởng tượng tới lúc thưởng thức cái món vừa chôm chĩa được và thích thú với thành tích qua mặt được vệ binh đem lọt về phòng. Tôi âu yếm nhìn Sơn ngủ ngon lành với cặp mắt chiêm ngưỡng như khi ta chợt bắt gặp một thiên thần. Trước mắt tôi Sơn chính là một Sisyphe bằng xương bằng thịt mà tôi vẫn hoài công tìm kiếm. Xung quanh tôi mọi người như đều chìm đắm trong giấc nghỉ ngơi. Không gian hoàn toàn im ắng. Những luống đất vừa mới xới lên loang loáng màu nâu non như vừa dược xoa thêm dàu bằng những giọt mồ hôi của bọn tôi. Đâu đây lại vọt lên vài tia thép từ lưỡi cuốc được mặt trời rọi thẳng vào. " ... Mỗi hạt cát của phiến đá này. Mỗi tia thán khí ánh lên từ ngọn núi dày đặc bóng đêm này cũng đủ làm nên một thế giới. Cũng vậy, cuộc vật lộn để vần cho được tảng đá lên đỉnh núi cũng đủ lấp đày trái tim một đời người. Ta phải tưởng tượng Sisyphe được hạnh phúc... " Tôi nghe lòng mình thanh thản lạ. Mọi ý nghĩ hận thù hầu như tan biến. Giờ đây tôi chỉ thấy nảy nở một sự cảm thông. Cảm thông với hoàn cảnh sống hiện tại. Cảm thông với Sơn, với những bạn đồng đội khác của tôi. Cảm thông với anh vệ binh có nhiệm vụ canh gác chúng tôi, nhưng giờ đây lại ôm súng lơ là, có chiều còn đăm chiêu tư lự hơn cả bọn tôi. Cảm thông với mảnh đất cằn cỗi đang được lên luống này. Cảm thông với mấy gốc cây vẫn cho tôi bóng mát. Cảm thông với tiếng chim hót líu lo rót cho tôi những điệu nhạc êm tai. Cảm thông với bàu trời tang thương rách nát vẫn được gọi là quê hương này nhưng tôi bỗng cảm thấy gần gũi gắn bó... Không, tôi chưa có cạn láng. Với ngần ấy thứ đang làm nẩy nở trong tôi sự cảm thông, tôi còn gom góp được số tiền còm. Số vốn tuy nhỏ nhoi, nhưng cũng đủ cho tôi tiếp tục cuộc chơi. Và tôi sẽ chơi. Chơi cùng mình. Chơi xả láng. Chơi cho nước chảy huê trôi. Chơi cho đến thiệt đã đời mới thôi. Chơi cho rõ ra phong cách của một khách chịu chơi. Chứ không phải chỉ có quen thói chơi chịu.

Thế là tôi lại chấp nhận tiếp tục cuộc chơi !

[ Trang trước ]

(Còn tiếp...)

---------------------------------------------------------------------------
(11) Lền khên : Từ để chỉ bộ tịch một con người cao lớn dáng đi khệnh khạng, hai tay buông thõng như con khỉ dột, cái nhìn kên kên ra chiều thách đố.

(12) Ruồi bu : Chuyện " ruồi bu " là những câu chuyện gây tranh cãi ồn ào nhưng rút cục chẳng đi tới đâu, thường được nghe tại những buổi hội hè hay những bữa tiệc tùng đình đám. Đề tài tranh cãi thuộc đủ loại không phân biệt thượng vàng hạ cám, từ chính tri, văn chương, triết học, nghệ thuật đến cờ bạc, ăn nhậu, đĩ điếm... Tích cực tham gia nhất vẫn là những khuôn mặt ưa nổ để được nổi bằng những câu đao to búa lớn với những lập luận khoa trương phần lớn dựa trên một số giai thoại, một vài tin tức nghe ngóng được hay một vài kiến thức sách vở còn chưa kịp tiêu hóa. Hai chữ " ruồi bu " là từ rút gọn của thành ngữ " ruồi bu cặc ngựa ".Tôi không biết ai là tác giả câu nói này, nhưng vừa mới khai sinh nó đã trở thành câu nói cửa miệng của dân lính tráng và chẳng mấy chốc đi vào ngôn ngữ văn hóa dân gian (cũng như một số từ ngữ khác) biểu thị cho cái không khí sinh hoạt phóng khoáng và óc tưởng tượng phong phú của giới bình dân miền nam Việt Nam trước 1975. Câu nói sở dĩ chóng được phổ biến, theo tôi, ấy là do cái ý vị ranh mãnh hóm hỉnh hàm chứa một sự mỉa mai riễu cợt qua phong cách diễn tả rất ấn tương của nó .

Cái ý " ruồi bu " dân dà còn được nới rộng để ám chỉ những thành phần được mô tả thuộc loại " ruồi bu ". Đó là những khuôn mặt ưa lai vãng một số nhà hàng hay quán nước. Tuy không có hẹn hoặc chỉ mới biết sơ qua, họ cũng sà tới vỗ vai người này, băt tay người kia, kể một vài câu chuyện sở trường rồi thoải mái kêu gọi món ăn, thức uống như là khách mời chính thức vậy. Bên cạnh những " ruồi bu " thuộc loại này, cần phải kể thêm một thành phần ruồi bu khác : đó là một vài nhân vật đã thành danh hoặc mới gây được tên tuổi. Họ cũng thường hiện diện tại tại các nhà hàng hay quán nước để được mời chào. Nhưng họ thích lai vãng mấy nơi này không hẳn chỉ muốn được ăn chạc, uống chạc, mà còn vì muốn được nguwofi khác thừa nhận tài năng của họ. Và nếu họ chờ có người đứng ra chi trả phần ăn uống cho họ, thì họ coi đó chỉ là một thứ ưu ái, một vinh dự dành cho người đó. Hiện tượng " ruồi bu " này cũng khá phổ biến tại các trại cải tạo, đặc biệt kể từ khi có phép thăm nuôi. Có những nhân vật quá nhẵn mặt đến độ mỗi lần xuất hiện là đã có người lên tiếng cảnh cáo : " Ê, đừng định giở trò ruồi bu nữa nghe mầy ! ".

(13) Cánh cụp cánh xòe : Mặc dù thau cơm đã được chia ra từng phần rất đều dưới con mắt quan sát của các tổ viên, nhưng người trực phiên trong ngày lại tìm cách hướng lòng cái muôi lớn để chia cơm về phía hai tổ viên bên cạnh (cánh cụp), còn lưng muôi về phía mình (cánh xòe). Dĩ nhiên là phần cơm ở phía cánh xòe bao giờ cũng lợi hơn hai phần ở phía cánh cụp, vì được dôi ra mỗi bên một chút. Tuy nhiên mánh lới chia cơm này chẳng mấy chốc cũng bị lật tẩy trước cảnh đói chung của các trại viên.

(14) Lạnh cẳng, rét : Ngại ngùng, e sợ. Tôi hiểu ý nghĩa mấy tiếng này nhờ những lần được trò chuyện với một vài người bạn cùng trại vốn là lính Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến , Biệt Động Quân, Lực Lượng đặc biệt ... Điều này thoạt nghe có vẻ nghịch lý bởi vì những binh sĩ thuộc các binh chủng này đều được coi là những thành phần gan dạ thiện chiến, không biết sợ là gì. Thuộc thành phần tổng trừ bị, họ thường được sử dụng trong những trận đánh có tính cách quyết định. Chính vì vậy mà họ mới biết thế nào là rét, thế nào là lạnh cẳng. Rét và lạnh cẳng ở đây không có nghĩa là họ lo sợ bị mất mạng trong khi thi hành nhiệm vụ, mà vì do tính khốc liệt của những trận đánh quyết định sống còn, họ đã trở thành tác nhân đồng thời cũng là chứng nhân của những hành động chém giết say máu điên cuồng biến con người đôi khi trở thành những con thú dữ hầu như mất hết nhân tính. Còn khủng khiếp hơn nữa với họ là khi phải ban cho đồng đội phát súng ân huệ theo lời yêu cầu để tránh cho anh ta khỏi phải kéo dài sự đau đớn trong tình trạng vô phương cứu chữa. Cái được gọi là rét hay lạnh cẳng trong những trường hợp này, do đó, không phải là cái sợ hãi do hèn nhát của những kẻ tham sinh úy tử. Trái lại nó là biểu hiện của cái sợ nhân bản nói lên phẩm chất của những con người dũng cảm không ngại dấn thân vào nơi dàu sôi lửa bỏng, nhưng lại lo sợ cho cái nhân tính của mình có thể bị mất mát.

(15) " Cái mũi Cléopâtre : nếu nó ngắn đi chút đỉnh, bộ mặt thế giới có thể đã hoàn toàn đổi khác. " ( Le nez de Cléopâtre : s'il ẻt été plus court, toute la face de la terre aurait changé. " Blaise PASCAL, Pensées- ch. 24 : Vanité de l'homme.) : Nữ hoàng Cléopâtre nổi tiếng là người đẹp Ai Cập với cái mũi dài thanh tú đã mê hoặc được tướng Marc Antoine khiến ông này nổi dạy chống lại triều đình La Mã dẫn đén hậu quả là sự tan rã của đế quốc La Mã. Pascal (1623- 1662), nhà bác học, triết học kiêm thần học Pháp đã có ý mượn sự tích Cléopâtre để tìm cách thuyết phục giới quí tộc hoang đàng (les libertins) rằng mọi sự ở cõi đời này đều phù du cát bụi vì chỉ là kết quả của ngẫu nhiên, may rủi ; do đó chỉ có Thiên Chúa giáo mới là con đường dẫn họ đến đời sống vĩnh hằng.