Chim Việt Cành Nam             Trở Về  ]          [ Trang Chủ            Tác giả

Khai Bút Đại Cát

Nguyễn Thị Chân Quỳnh

Năm xưa, có lần nhân dịp Tết, Tú Xương (1870-1907) đã cao hứng viết một bài hát nói, đến nay còn lưu truyền :

Tết dán câu đối (1)

"Nhập thế cục bất khả vô văn tự" (2)
Chẳng hay ho cũng phải dự một vài.
Huống chi đã đỗ Tú-tài,
Ngày Tết đến cũng phải một, hai câu đối.
Ðối rằng :
"Cực nhân gian chi phẩm giá, phong nguyệt tình hoài,
Tối thế thượng chi phong lưu, giang hồ khí cốt." (3)
Viết vào giấy, dán ngay lên cột,
Hỏi mẹ mày rằng dốt hay hay ?
Rằng :"Hay thì thật là hay,
Chẳng hay sao lại đỗ ngay Tú-tài ?
Xưa nay em vẫn chịu ngài !"

Bài này đáng chú ý một phần vì nó là một trong những bài thơ Tết hay và một phần vì Tú Mỡ -một nhà thơ trào phúng khâm phục Tú Xương đến nỗi chọn bút hiệu cũng phỏng theo tên của thi sĩ sông Vị- nhân đọc nó mà nẩy ra ý viết bài :

Khai bút rông

Là văn sĩ lẽ nào không khai bút ?
Chẳng hay ho cũng nắn nót một bài.
Ngót hai năm xổng bút mỉa mai đời,
Thì Tết đến cũng phải có bài thơ... rắc rối !
Giót thêm mực, thay ngòi bút mới,
Thảo mấy dòng cảm khái sau đây.
Thơ rằng :
Tú chi Tú ấy nực cười thay,
Chẳng phải Nho, mà chẳng phải Tây !
Dửng mỡ, trêu đời, văn mách qué,
Thế mà cũng tiếng bấy lâu nay !
Ngồi ngâm thơ, đùi rung chuyển ghế mây,
Rồi chép lại, rắp thả ngay " Giòng nước ngược".
Bắt chước cụ Tú Xương thuở trước,
Hỏi mợ Tú rằng nghe được hay chăng ?
Bĩu môi, mẹ đĩ chê rằng :
"Nôm na mách qué, nhố nhăng nực cười !"
Ðầu năm đã bị rông rồi,
Hẳn là văn viết ngược đời quanh năm !

Cả hai bài cùng vui nhộn, rất hợp với không khí ngày Tết. Ðọc xong hai vị Tú -một thật (Tú Xương) và một giả (Tú Mỡ)- ta nhận thấy :

1) Chắc chắn bài "Tết dán câu đối" phải được viết sau khoa Giáp-Ngọ (1894) -là khoa Tú Xương thi đỗ Tú-tài- vì trong bài nói rõ :

"Huống chi đã đỗ Tú-tài"

Khi viết, hẳn nhà thơ còn vững tin ở "tài hoa" của mình, giọng tuy vẫn là giọng trào phúng cố hữu nhưng xem ra không giấu nổi phần nào đắc ý.

Ðến khoa Ðinh-Dậu (1897), Tú Xương thi hỏng, song vẫn chưa ngã lòng :

Vịnh Chủ khảo Cao Xuân Dục :

Này này Hương thí đỗ khoa nào ?
Nhân hậu thay lòng quan Thượng Cao !
Người ta thi chữ, ông thi phúc,
Dù dở, dù hay cũng được vào !

Bài thơ tuy đượm mầu khinh bạc nhưng không có giọng chán nản của một thí sinh lận đận về khoa cử. Cũng không lạ, bởi sau khi ông thi đỗ đây mới là khoa thi hỏng đầu tiên, chưa có gì đáng nao núng.

Ðến khoa Canh-Tý (1900), Tú Xương lại thi hỏng một lần nữa. Kể từ ngày lều chiếu đi thi năm 17 tuổi ta (1885) đến nay vừa đúng 6 khoa mà ông đã thi hỏng 5 bận nên bắt đầu thấm mùi "lảo đảo trường ốc". Bài "Phú hỏng thi khoa Canh-Tý" có những câu cay đắng, lòng tự tín đã nhường chỗ cho thuyết số mệnh :

Học tài thi phận, miệng đàn bà, con trẻ nói vậy mà thiêng.
Nào ai ngờ chữ tốt, văn hay, tài Bảng-nhãn, Thám-hoa lỡ ra cũng hỏng !
Thi là thế, sự tình là thế, hở chuyện cùng ai ?
Người một nơi, hồn phách một nơi, than thân với bóng !

mặc dầu hai câu kết vẫn còn giữ giọng trào lộng :

Ý sẵn kẻ lo toan việc nước, vua chửa dùng hiền,
Hay thiếu người dậy dỗ đàn em, Trời còn bắt hỏng !

So sánh ba bài "Tết dán câu đối", "Vịnh Chủ khảo Cao Xuân Dục" và "Phú hỏng thi khoa Canh-Tý", tôi chắc bài đầu được viết không bao lâu sau khi Tú Xương thi đỗ, hay ít nhất cũng trước khoa Canh-Tý, vì lòng tự tin của tác giả còn vững.

2) Trong bài, Tú Xương cũng cho biết nhân dịp Tết muốn làm chơi vài câu đối :

Huống chi đã đỗ Tú-tài,
Ngày Tết đến cũng phải một, hai câu đối.

Chắc hẳn đôi câu đối này là đôi câu đối đầu tiên trong năm, và rất có thể bài "Tết dán câu đối" cũng là bài thơ đầu tiên ông cầm bút viết trong năm ấy, thế nhưng Tú Xương lại không đả động đến hai chữ "khai bút", trong khi Tú Mỡ gọi bài thơ đầu tiên trong năm của mình là "Khai bút rông", vậy thì Tú Xương đã vô tình "quên" hay cố ý không dùng đến hai chữ "khai bút" vì biết "khai bút" còn có nghĩa khác ?

I - KHAI BÚT ÐẠI CÁT

Tú Mỡ, cũng như các Từ điển, đều hiểu "khai bút" theo nghĩa "đầu năm cầm bút viết lần thứ nhất", bất cứ viết gì. Nhưng theo Chu Thiên thì lại không hẳn như thế :

Thời xưa, đầu năm, cha ông ta có tục lệ khai bút là một tục lệ trang nhã mặc dầu có xen đôi chút dị đoan. Các cụ tin rằng đầu năm chưa khai bút mà đã viết văn, làm thơ, thì cả năm sẽ giông : đi học thì dốt, làm gì cũng hỏng. Không những thế, dẫu có khai bút nhưng cẩu thả, gập ngày giờ xấu cũng cứ viết thì quanh năm sẽ ốm đau, tai vạ bất kỳ vv. Cho nên khai bút là phải trịnh trọng chọn ngày tốt, giờ tốt, dùng giấy mới, bút mới... Khai bút xong rồi muốn viết gì khác mới viết (4).

- Tuy nhiên, khai bút không phải chỉ giản dị cầm bút viết lên giấy bất cứ cái gì cũng được mà là cả một nghi thức trang nghiêm. Nếu là nhà thường dân thì lấy một tờ giấy hoa-tiên hay hồng điều, bề dài độ hai gang, bề ngang độ hơn một gang, gập đôi tờ giấy theo chiều dọc để lấy nếp chính giữa theo đó mà viết cho ngay ngắn. Viết một dòng rồi chua thêm năm, tháng, ngày cùng tên họ người khai bút là xong (5).

- Khai bút trong một gia đình nho học có phần trịnh trọng hơn. Sau đây là cảnh khai bút của một thế gia, theo Nguyễn Triệu Luật :

"Ngồi ngay ngắn trên chiếc sập trước giường thờ, ông mài thong thả thoi mực, nhấp nhẹ nhàng cái bút rồi viết bắt đầu mấy dòng khai đồ ký [dấu của quan nỏ (?) là đồ ký] lên trên mảnh giấy ngân chu. Hàng giữa :

Hoàng triều Minh-Mệnh vạn vạn niên chi ngũ, tuế tại Giáp-Thìn, chính nguyệt, Nguyên-đán, cát thì, cẩn phụng khai đồ ký.

Hàng thứ hai, gần mép giấy :

Thần, Quản Thành Tử Nguyễn Chí Quản.

Giữa dòng và dưới dòng bên, ông đóng hai dấu son, trong có mấy chữ triện : Quốc-oai phủ Ðồng Tri Phủ đồ ký.

Dán mảnh giấy ấy lên chiếc xà nhà ở gian giữa, ngay trước giường thờ xong, ông lại ngồi xuống trước cái kỷ và gọi :

- Nào, em Bẩy, mợ nó và trẻ con ra mà khai bút. Ðem cả thằng cu con ra nữa.

Một lát sau khi đã khai bút, đã cầm tay cho con khai bút... tờ giấy khai bút dán lên tường, ngay trên chỗ ngồi xem sách, tươi tỉnh như một nụ cười đầu xuân với tất cả những chữ thẳng thắn, nét chữ mềm mại, nét chữ run run và nét nguệch ngoạc.

Dòng thứ nhất là ngày, tháng, năm, cũng như dòng thứ nhất ở tờ trước, chỉ khác mấy chữ cuối : (...) cát thì thí bút.

Dòng thứ hai là ông thí bút :

Hạo-Phủ, Nguyễn Chí Quản.

Dòng thứ ba là em ông, ông Tú Bẩy ; dòng thứ tư là vợ ông, dòng thứ năm, sáu, bẩy, tám là bốn con ông, chữ còng queo như là que củi vì còn phải cầm tay. Dòng cuối cùng, dòng thí bút của người con mới được hai tháng, đáng cho ta nói hơn. Nói cho đúng thì cậu bé con bị cưỡng, ấn bút vào tay chỉ muốn chọc toẹt ngòi bút xuống. Bà mẹ cầm viết cả. Bà cầm cả bàn tay con mà viết, ngọn bút chỉ gọi là lấy hơi tay đứa trẻ mà thôi. Tuy bé thế mà theo phong tục nhà nho, cũng đủ cả tên lẫn tự rồi" (6).

- Khai bút ở công đường còn long trọng hơn nữa. Trước hết phải thiết lập một bàn thờ ở giữa công đường để bái vọng thiên tử. Xin lược lại cảnh khai bút của một quan Huyện, trong Thanh Ðạm :

"Giữa công đường bầy một cái sập, trên sập giải chiếu cạp điều phủ thêm một khăn gấm thất thể. Mé ngoài mặt sập bầy một đỉnh trầm và một đôi đèn cao sáp ong, mé trong, bộ tam sự gồm một chiếc lọ sứ cắm cây chuối nhỏ có gài vài bông hoa giấy đỏ. Ðối với chiếc lộc bình là một tấm gương mờ đặt trên cái giá gỗ. Giữa sập đặt một chiếc đĩa cổ lớn trên để một giò thủy tiên hoa trắng sít nhau như mâm sôi.

Giờ Tỵ khai ấn. Trầm, hương, đèn, nến thắp lên. Quan Huyện mặc áo thụng, tụt giầy, bước vào giữa chiếc chiếu hoa giải dưới đất trước sập, lễ vọng Hoàng thượng năm lễ rồi lùi ra nhường chỗ cho các thầy Ðề, thầy Thông, theo thứ tự vào lễ.

Sau lễ bái vọng, quan ra ngồi trên ghế ngựa kê ở gian bên, sau chiếc án thư trùm nhiễu đỏ. Thầy Ðề giải lên án tờ giấy hồng điều để quan khai bút rồi đóng ấn son lên gần mấy chữ niên hiệu nhà vua ở phía trên. Ấn phải được rửa sạch từ cuối năm trước bằng cách ngâm rượu cho nhả chất mùn đóng trong kẽ chữ khắc trên ấn, nếu cẩu thả, nóng ruột, lấy tăm cậy mùn ra cho chóng sạch, sẽ độc vô cùng : trong hạt có thể xẩy ra án mạng. Ấn rửa rồi niêm phong lại, đầu năm mới đem ra dùng, gọi là khai ấn (7).

Quan viết và đóng ấn xong, thầy Ðề bắc thang leo lên bóc tờ hoa tiên năm ngoái đã bạc mầu hoa đào và dán tờ mới mầu đỏ tươi lên giữa xà nhà, giấy bay lất phất mỗi lần gió thổi"(8).

- Ðến vua khai bút thì lại càng không phải chuyện tầm thường : Năm 1823, vua Minh-Mệnh tự viết sáu chữ lớn Phúc Thọ, Thượng Thọ, Hữu Niên (= được mùa) vào ba bức giấy rồng và đưa bảo bầy tôi :"Nay Trẫm khai bút viết sáu chữ ấy, hai chữ Thượng Thọ là dâng cung Từ-Thọ để cầu phúc lớn, hai chữ Hữu Niên để cầu cho dân ta năm nay được mùa, năm ngoái mùa kém Trẫm từng thức ngủ không yên, hai chữ Phúc Thọ đặt bên hữu chỗ ngồi để theo ý nghĩa nhà vua thu phúc mà ban cho dân".

Năm 1843, vua Thiệu-Trị ban cho đại thần mỗi người một chữ Trung của vua ngự bút. Lại nói : "Cần là đức tốt của vua, Trẫm thường lấy chữ đó răn mình. Xuân năm nay khai bút viết một chữ Cần để tự cảnh tỉnh".

Năm 1867, vua Tự-Ðức phán :"Ðầu mùa Xuân trăm quan tâu việc rất ít, cuối năm rất nhiều, không phải vì chăm chỉ, lười biếng, thì là câu nệ, kiêng kỵ. Tháng chạp năm ngoái tập tâu gấp đôi ngày thường, xem cả ngày không hết... sợ mỏi mệt phê thành sai một ly đi một dậm". Bèn làm một bài thơ Xuân mới, đại ý nói :"Không nên câu nệ ngày nên làm, ngày nên kiêng, phải như bốn mùa lần lượt theo nhau mới không phê sai" (9).

I I - CHỮ VIẾT

Người xưa chuộng chữ đẹp, khai bút lại càng phải nắn nót, người ta nhìn nét chữ mà đoán tính tình cùng hậu vận : Chữ ngay ngắn là người phúc hậu, chữ kín đáo là người cẩn thận, chữ buồn tẻ nét không đến nơi là người vất vả, chữ tươi tắn là người có hậu vận tốt, làm nên (10).

Trung quốc có những người viết chữ đẹp nổi tiếng, được tôn lên bậc thầy (sư pháp) như :

Tiêu Hà, đời Hán, giỏi lối chữ Ðại Triện,

Trương Húc, đời Ðường, giỏi lối chữ Thảo,

Vương Hi Chi, đời Tấn, giỏi chữ Thảo và chữ Lệ, là một trong bẩy người được công nhận viết lối chữ Khải "hợp pháp", những người khác chỉ viết được lối chữ Chân mà thôi (11).

Chữ Tứ Thể là lối chữ của bốn nhà : Tô Ðông Pha, Hoàng Lỗ Trực, Mễ Nguyên Chương và Sài Kính, thường gọi là Tứ Tuyệt của Tống triều (12).

Người ta tranh nhau sưu tầm bút thiếp các danh sư để treo trong nhà như treo tranh đẹp. Tương truyền Hàn Tôn Luân mỗi khi được cánh thiếp của Tô Ðông Pha lập tức đem đi đổi được vài mươi cân thịt dê. Một hôm, Tô Ðông Pha bận soạn bài chế cho ngày Thánh-tiết (sinh nhật của vua), Tôn Luân trong ngày gửi mấy cánh thiếp để mong được giấy trả lời, lại sai người nhà đứng đợi ở sân thúc giục. Tô Ðông Pha cười bảo :"Ngươi về nói với chủ ngươi rằng ngày hôm nay là ngày cấm thịt mà" [xem chú thích (11)].

- Ở Việt-Nam, người ta hay ca tụng chữ của Cao Bá Quát nhưng không ai nói rõ ông sở trường lối chữ gì ? Sử chỉ chép năm 1841, Cao Bá Quát làm Sơ khảo trường Thừa-thiên, phải ở nội trường, nhưng Chủ khảo Bùi Quỹ mộ ông viết chữ đẹp, triệu ra ngoại trường nhờ viết bảng. Ðây là một điều cấm kỵ trong trường thi nên khi vụ này phát giác, cả hai đều bị nghiêm trừng. Trong "Chữ người tử tù", Nguyễn Tuân đã viết những trang thật cảm động về lòng mến trọng chữ Cao Bá Quát của một viên cai ngục :

"Ðêm hôm ấy, lúc trại giam tỉnh Sơn chỉ còn vẳng có tiếng mõ trên vọng canh, một cảnh tượng xưa nay chưa từng có, đã bầy ra trong một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, tổ rệp, đất bừa bãi phân chuột và gián.

Trong một bầu không khí khói tỏa như đám cháy, ánh sáng đỏ ngòm của một bó đuốc tẩm dầu rọi lên ba cái đầu đang chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ. Khói bốc tỏa cay mắt, làm họ dụi mắt lia lịa.

Một tên tù cổ đeo gông, chân vướng siềng, đang đậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng phẳng trên mảnh ván. Tên tù viết xong một chữ, viên quản ngục lại vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng. Và cái thầy thơ lại gầy gò thì run run bưng chậu mực. Thay bút con, đề xong lạc khoản, ông Huấn Cao thở dài, buồn bã đỡ viên quản ngục đứng thẳng người dậy và đĩnh đạc bảo :" Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy Quản nên thay chỗ ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng trẻo với những nét chữ vuông vắn rõ ràng như thế. Thoi mực kiếm được ở đâu tốt và thơm lắm. Thầy có thấy mùi thơm ở chậu mực bốc lên không ? (...) Ta bảo thực đấy, thầy Quản nên tìm về quê nhà mà ở đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây không giữ được thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi.

Lửa đóm cháy rừng rực, lúc lụi, tàn lửa rụng xuống nền đất phòng giam, tiếng lửa tắt nghe sèo sèo.

Ba người nhìn bức châm, rồi lại nhìn nhau.

Ngục quan cảm động, vái tên tù một vái và nói một câu mà giọng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào :

- Xin bái lĩnh"(13).


Chữ Hán thời thái cổ (đới Chu, Thương)
- CÁC KIỂU CHỮ

Cùng một chữ có thể viết nhiều kiểu khác nhau : nét cong hoặc gẫy gập, chấm tròn gọn hay toẹt ra rồi móc lên vv. Mỗi loại chữ đều có tên riêng: Cổ Lệ, Cổ Lựu, Ðại Triện, Tiểu Triện, Chân phương, Chân hành, Chân thảo, Nộn thảo, Hành thư, Khải thư, Tiểu khải, Phi bạch, Bát phân...

Tương truyền, đời Hoàng Ðế (2698-2597 tr. TL) sử quan Thương Hiệt thấy dấu chân chim, thú, chế ra văn tự tượng hình, còn lưu truyền đến nay, thay cho tục thắt nút. Mới đầu người ta khắc chữ lên mu rùa, xương loài vật hay trên đồ đồng, sau mới biết dùng bút viết lên thẻ tre, rồi trên vải lụa. Chứng tích xưa nhất tìm được là chữ khắc trên đồ đồng thời nhà Hạ (2205-1767 tr. TL), song đến các đời Thương (1766-1401 tr. TL)), Chu (1134-247 tr. TL) cách viết vẫn chưa có quy luật.

Ðời Chu Tuyên Vương, quan Thái sử Trực (có chỗ gọi là Trứu) biến đổi lối chữ cổ thành Ðại Triện, chữ ngay ngắn, rõ ràng.

Ðời Chiến quốc (479-221 tr. TL), để đáp ứng nhu cầu địa phương khác nhau, các nước đều đặt ra chữ riêng.

Ðến đời Tần Thủy Hoàng (246-209 tr. TL), Lý Tư mới đồng nhất văn tự, làm ra bộ Tam Thương, 3300 chữ, quy định lối viết, lấy Ðại Triện làm tiêu chuẩn, bỏ chữ 6 nước kia đi. Về sau Ðại Triện cải thành Tiểu Triện để viết trên lụa(14).

Sau Trịnh Mịch lại đổi thành chữ Lệ trong các công văn.

Bát phân là chữ Lệ được sửa đổi đi.

Chữ Chân phương : Nhà Tấn sửa chữ Lệ, viết nắn nót cho đẹp hơn thành chữ Chân phương, nét mập mạp, tươi vui, kín đáo.

Khải thư là lối chữ Chân phương ngay thẳng, vuông tròn hợp pháp, bố trí hợp pháp, biến hóa hợp pháp. Chữ Khải thông dụng từ Hậu Hán.

Hành thư biến đổi lối chữ Khải, viết mau.

Chân hành là lối chữ Chân đá Hành.

Thảo thư : Thoạt đầu người ta dùng que nhọn viết nên nét đều nhau (xem Cổ tự). Khi có bút lông, viết nhanh được mới sinh ra lối chữ Thảo, chữ nọ giằng chữ kia, bay trên giấy như lướt trên cỏ, nét to xen nét nhỏ, nét đậm nét nhạt, thay hình đổi dạng tùy sở thích từng người. Chữ Thảo khó viết hơn lối chữ Chân phương, phải đưa bút nhanh mà chữ vẫn đẹp.

Thảo hành là lối chữ Thảo đá Hành.

Chữ Phi bạch thì lấy bút kẻ từng đường nhỏ cạnh các nét chữ còn trong nền từng nét thì vẫn để trắng.

Chữ Lệnh dùng để viết chiếu, sắc.

Bốn loại chữ thông dụng nhất là Lệ, Triện, ChânThảo(15).

Theo Phạm Ðình Hổ, chữ viết xuất phát ở Trung quốc song sang đến Việt-Nam có thay đổi ít nhiều :

"Ðời Lý, đời Trần, ta bắt chước nhà Tống, nét chữ cổ kính. Tuy nhiên, ba chữ "Ðông Hoa Môn" do ngự bút của vua nhà Lý viết ở cửa Ðông Hoa thành Thăng-long (16) thì bút pháp hùng hồn, tự nhiên, những nét phẩy, mác, móc, sổ, phôi thai ra một lối chữ nước Nam ta.

Còn ba chữ "Ðại Hưng Môn" ở cửa Ðại Hưng (Cửa Nam) thành Thăng-long, viết ra từ đời Lê Hồng-đức (1470-97) có pha trộn lối chữ Chân với lối chữ Khải.

Từ đời Lê Trung-Hưng (thế kỷ 16), người đi thi viết lối chữ Khải lại thêm bớt sai đi đến một nửa, gọi là chữ Nho. Chúa Trịnh Sâm ưa thích chữ của Trung quốc, học giả đua nhau biến đổi lối chữ Nam, bắt chước Tầu, không phân biệt thể chữ, cố viết cho thẳng, cho vuông, có khi một chữ mà chấm thì theo lối chữ Triện, móc theo kiểu chữ Lệ, phẩy và mác theo lối chữ Chân, nếu gập chữ rậm nét còn đá chữ Thảo nữa" (17).

- THƯ PHÁP

Muốn viết chữ đẹp phải luyện tập cho nhiều, nhưng tất nhiên cũng cần phải học thêm kỹ thuật viết. Trung quốc có những sách dậy viết như : Bút Trận Ðồ của Tấn Vệ Ðại Phu, Bút Túy Luận của Ngu Thế Nam... mỗi người đều có thủ thuật riêng nên đôi khi lời dậy trái ngược nhau :

Theo Tấn Vệ Ðại Phu, phải cầm bút cách xa ngòi hai tấc một phân (một tấc = 4 cm) dù là viết chữ Chân, chữ Hành hay chữ Thảo cũng vậy.

Ngu Thế Nam lại cho là phải cầm bút cách ngòi bút một tấc nếu viết lối chữ Chân, cách hai tấc nếu viết lối chữ Hành. Ngón tay cầm bút cho chắc, lấy ngón giữa đẩy bút, cổ tay phải để lỏng, nhẹ bỗng.

Tô Ðông Pha nói cầm bút không có phép nhất định, chỉ nên cầm lỏng, bỏ, mà khoan thai.

Vương Hữu Quân khuyên :"Muốn viết chữ đẹp, trước hết phải định tinh thần, tưởng tượng ra lối chữ viết to hay nhỏ, ngay ngắn hay nghiêng ngả, cử động phải cho gân và mạch đi liền với nhau, phải để ý vào ngòi bút. Nếu cứ ngang bằng, sổ ngay, viết cho thật đều thì là vạch, không phải viết" (18).

Vương Dương Minh kể :"Khi mới cầm bút, ta cứ theo chữ thiếp mà tập, chỉ tập được cái hình chữ mà thôi. Sau ta cầm bút lên không dám khinh dị viết ngay, phải lặng yên nghĩ cái hình chữ ra ở trong tâm rồi mới viết, lâu mới hiểu được thư pháp (19).

I I I - VĂN PHÒNG TỨ BẢO

Văn phòng tứ bảo là bốn vật quý của nhà Nho dùng trong văn phòng, tức là giấy, bút, mực và nghiên. Người xưa tặng quà cho nho sĩ không gì trang nhã bằng tặng Văn phòng tứ bảo.

Thành Thăng-long còn để lại cho Hà-nội hai chứng tích của nơi "nghìn năm văn vật" là Phố Hàng Bút và Phố Hàng Giấy, cả hai cùng nằm trong huyện Thọ-xương (ấy là chưa kể Ô Cầu Giấy, nơi Francis Garnier và Henri Rivière bị phục kích phải bỏ mạng khi tấn công Hà-thành). Ðáng tiếc là Phố Hàng Bút không còn, nay lấy tên là Phố Hàng Thuốc Bắc.

1 - GIẤY

Khi chưa có giấy, người ta biên vào thẻ tre hay trên lụa, song thẻ thì nặng, lụa thì đắt nên đời Hậu Hán, Thái Luận đã biết dùng vỏ cây, giẻ rách, lưới đánh cá cũ làm ra giấy. Sau người ta chế biến, dùng nhiều nguyên liệu khác như sợi bông, sợi chuối, sợi đay, dâu, tre vv. Giấy Tầu bạch làm bằng vỏ cây dâu, thuộc loại giấy tốt.

Ðường Cao Tông chê giấy trắng hay bị mọt, bắt dùng giấy nhuộm hoàng bá, mầu vàng, cho mọt khỏi đục. Nhà Ðường giao chiến với Ả rập nên Ả rập học được nghề làm giấy và truyền sang Âu châu. "Giấy Tây" xuất hiện ở Trung quốc khi Matteo Ricci (Lợi Mã Ðậu) vào cuối đời Minh Thế Tông (1522-66), cho xem vật lạ nước mình, trong đó có thứ giấy làm bằng vỏ cây bào mỏng "như da đàn bà đẹp" (20).

Giấy đẹp nổi tiếng ở Trung quốc là các loại giấy Tương dương, Hồ nam, Tuyên thành... trắng, mỏng trông suốt qua được nên chỉ viết một mặt, tờ nào cũng gấp làm đôi, sống ở phía ngoài.

- Ở Việt-Nam, theo Ðào Trinh Nhất, có lẽ dựa vào Sử Ký Toàn Thư, thì nước ta bắt đầu học được nghề làm giấy từ thời Trịnh Căn (1682-1709). Chúa Trịnh thấy ta đã biết nghề in mà vẫn phải mua sách học của Trung quốc nên thường bị bọn lái buôn Trung quốc bắt chẹt bèn sai người sang Trung quốc học lỏm nghề làm giấy về dậy lại cho dân phường An-thái (cũng gọi là Yên-thái), ở cạnh phường Liễu-chàng (chuyên nghề in ấn). Câu thơ của Dương Khuê :

"Nhịp chầy Yên-thái, mặt gương Tây Hồ"

chính là tả cảnh tiếng chầy giã vỏ cây dó để làm bột giấy, của phường Yên-thái, ven Hồ Tây, ở Thăng-long.

Tuy vậy, phải đến 1736 chúa Trịnh Giang (1729-40) mới thực hiện được việc in sách Tứ Thư, NgũKinh bằng giấy của ta chế tạo, từ đấy cấm dân mua sách của Trung quốc (21).

- Thế nhưng, trong Dư Ðịa Chí, Nguyễn Trãi (1380-1442) đã viết là từ thời Lê :"Phường An-thái có giấy sách, phường Thụy-chương, Nghi-tàm có tơ, vải v.v..."

Sử lại chép từ thời nhà Lý, làng An-hòa (Yên-hòa), cũng gọi là làng Giấy, ở bờ sông Tô-lịch đã chuyên nghề làm giấy. Trong số những bảo vật vua Lý Cao Tông cống nhà Tống, ngoài vàng bạc, sừng tê, ngà voi còn có giấy dó nổi tiếng của Thăng-long.

Cái Cầu Giấy ở Hà-nội bắc qua sông Tô-lịch là vùng sản xuất giấy bởi vì cây dó được chở từ Tuyên-quang, Phú-thọ... xuôi sông Hồng về Thăng-long, theo sông Tô đến Cầu Giấy (thuở xưa sông Hồng ăn thông với sông Tô-lịch và Hồ Tây) nên nghề làm giấy phát đạt từ Cầu Giấy lan dần đến các làng ven sông Tô rồi đến vùng Hồ Tây bởi Hồ Tây nước nhiều và sạch, rất thuận tiện cho việc ngâm rửa vỏ dó để làm giấy.


Xưởng chế tạo giấy gần Hồ Tạy (1884-1886)

Nhưng theo Biên Niên thì nước ta đã biết làm giấy ngay từ khi còn mang tên Giao-chỉ :"Năm 284, nhà buôn nước Ðại Tấn tới Giao Chỉ mua ba vạn tờ giấy Mật hương là loại giấy cực tốt của Giao-Chỉ để dâng Tấn Vũ Ðế". Ðiều này được một học giả Trung quốc ở thế kỷ IV, Kê Hàm, xác nhận : "Giấy Mật hương của Giao-chỉ làm bằng gỗ trầm thơm, mầu trắng, có vân vẩy cá, thả xuống nước không nát". Vương gia, một học giả Trung quốc khác ở thế kỷ IX thì đề cập đến loại giấy Trắc lý của Giao-chỉ làm bằng rong rêu biển(22). Rõ ràng ta đã biết làm giấy tốt ngay từ thời Bắc thuộc, có lẽ về sau nghề này bị thất truyền nên mới phải sang Tầu học lại chăng ? Theo Nguyễn Trãi thì ít nhất đến thế kỷ XV nghề làm giấy của ta chưa bị thất truyền, bằng cớ là Sử Ký Toàn Thư (IV, 80) chép năm 1514 dùng giấy Phương chi, như giấy viết châm, làm vở cho Công chúa.

Lê Quý Ðôn cho biết :"Người đất Thụy-nguyên dùng vỏ cây thương lục, tục gọi là cây niết, làm giấy trắng bạch, bền, dai nhưng cũng đắt nhất vì cây ấy hiếm. Phường Quảng-đức lấy vỏ cây dó làm giấy, giá rẻ vì cây dó dễ trồng và vỏ khá nhiều, dễ kiếm ở các vùng Lạng-sơn, Thái-nguyên..." (23).

Thế kỷ XX, các làng Yên-thái (Kẻ Bưởi), Nghĩa-đô (làng Nghè) vùng Hồ Tây vẫn nổi tiếng về nghề làm giấy. Phường Yên-thái gồm bốn làng làm giấy là Yên-thái, Hồ-khẩu, Ðông-xã, Nghĩa-đô. Ðặc biệt họ Lại ở thôn Trung-nhã, làng Nghĩa-đô, nổi tiếng sản xuất loại giấy Lệnh là giấy thượng hảo hạng, dùng để viết sắc chỉ vua ban, dầy, bền, khổ rộng, trắng như ngà, làm xong phải "nghè" tức là dùng vồ đập cho thật mịn rồi mới đem ra vẽ lờ mờ hình rồng vờn mây. Bùi Hạnh Cẩn cho biết thêm họ Lại làm thông gia với chúa Trịnh bốn, năm đời liền nên đặc cách được chuyên làm giấy gấm chỉ dùng để viết sắc cáo. Giấy dầy, mầu vàng vẽ hình tứ linh hoặc vân hoa bằng kim nhũ. Giấy trắc lí làm bằng cây dó do hai làng Hồ-khẩu, Yên-thái sản xuất tới 4, 5 loại nhưng chỉ loại Lềnh tốt hơn cả, dùng tiến vua (24).

Kỹ thuật làm giấy bằng tre cuối thế kỷ 19, theo Hocquard : Thoạt tiên đem tre ngâm dưới ao mấy tuần để loại bỏ lớp vỏ xanh rồi đem nấu với nước vôi, sau đó rửa sạch, ngâm nước tro để thớ tre mềm ra, bỏ cối giã thành bột thật nhuyễn. Bột hòa với nước trong cái chậu to, cầm khung nghiêng tráng một lớp bột mỏng rồi đổ úp xuống tấm ván bên cạnh, tờ nọ chồng lên tờ kia thành từng thếp dầy giấy ướt, đem ép nước. Khi giấy còn ẩm bóc từng tờ dán lên tường lò sấy khô rất nhanh. Mỗi lò chừng một hay hai người thợ làm việc dưới một cái mái tranh nhỏ bốn góc chống cột, lò nọ sát lò kia thành dẫy dài. Xưởng chế giấy nằm ở một làng cách ngã ba đi Sơn-tây chừng mấy trăm thước. Loại giấy này thô, không dùng để viết được (25).

Kỹ thuật làm giấy của phường Yên-thái : Vỏ dó đem về rửa sạch, ngâm nước vôi loãng vài ngày rồi đun cách thủy trong vạc vài ngày nữa, xong đem tách vỏ, phân loại, rửa thật sạch rồi bỏ cối giã thành bột, đem bột đổ chảo lớn (gọi là tầu seo) khuấy trong nửa tiếng ; bỏ thêm chất nhựa cây mò làm hồ dính. Seo là tráng bột lên mặt khuôn, để ráo nước, xếp thành tập đem ép nước ra rồi bóc từng tờ bỏ lò sấy. Trung bình phụ nữ một ngày seo được từ 800 đến 1 000 tờ. Phố hàng Giấy chuyên bán giấy của Kẻ Bưởi. Giấy dó có nhiều loại khác nhau tùy theo mức độ tinh chế và nguyên liệu (lớp vỏ giữa tốt nhất, thứ nhì đến lớp vỏ bên trong, vỏ bên ngoài nhiều đầu mấu, xấu nhất).

Giấy Lệnh của làng Yên-thái.

Giấy Nghè của làng Nghĩa-đô.

Giấy Dó lụa thuộc loại cao cấp nhất, dùng in tranh hay sách quý.

Giấy bản phổ thông hơn cả, dùng in tài liệu thông thường, mầu ngà sạm, mặt hơi thô, chỗ dầy chỗ mỏng, lại hút mực như giấy thấm, chỉ viết được có một mặt. Giấy bản nhuộm dùng làm quạt hay đồ mã.

Giấy moi, giấy phèn thì để gói hàng là của làng Hồ-khẩu.

Giấy xề, thô, nhiều đầu mấu (26).

Giấy Hoa tiên, dùng trong những dịp trang trọng đặc biệt như ngày Tết vv., mầu hồng vẽ con chim sẻ đậu cành trúc mầu thẫm hơn, cũng có khi vẽ cành hoa ở góc trên, hay in hoa lá mầu nhạt khắp trang. Hoa tiên có nhiều mầu khác nhau chứ không bắt buộc phải mầu hồng.

Sách Thượng Kinh Phong Vật Chí (cuối thế kỷ 18, đầu 19) viết : Phường Yên-thái làm giấy bền dai, trắng bóng, hoặc tờ một, hoặc tờ đôi, hoặc dài hoặc ngắn đều có mẫu mực. Dù để kín trong hòm lâu năm vẫn không bị mối mọt. Lại có thứ mặt giấy vẽ mây rồng và vẩy rồng, đầu rồng có sừng, nhuộm hoa hoè làm mầu, tô kim nhũ cho đẹp. Nhà vua phong sắc bằng giấy ấy (27).

Ðối với Nguyễn Tuân thì hạng nhất là giấy Chu Hồ :

"Mặt giấy nhẵn, chất dai, không cứng mình. Khổ rộng, mình dầy mà bắc lên cân lại nhẹ như lông hồng. Mặt giấy xốp, nhìn nghiêng như má trinh-nữ, phẳng mà đượm chút lông măng. Mùa nực vuốt mặt giấy thấy mát cả lòng tay ; tiết đông ấp tay vào giấy thấy nó âm ấm như có sinh khí. Ðưa lên mũi, giấy đượm hơi thơm của một thứ mộc thảo còn tươi sống. Soi ra ánh sáng có hai chữ Chu Hồ (giấy nhà họ Chu chế ở làng Hồ khẩu, Hà-đông) viết lối chữ Triện đời Tấn, in lối thủy ấn. Bắt những con dán, con mọt dài đuôi thả lên đám giấy ấy thì cả lũ côn trùng, kẻ thù truyền kiếp của sách và giấy, đều chạy lảng ra xa rất nhanh khỏi chồng giấy, trốn đi đâu hết.

Dùng giấy nhà họ Chu thành một lổi biểu dương của riêng một phái quý tộc trong làng văn mặc. Người có học mà văn xoàng, viết chữ xấu, không nhẫn tâm đem giấy họ Chu ra viết. Người dốt biết kiêng sợ, thấy giấy họ Chu thì lảng tránh. Kẻ sĩ thấy ai dùng giấy họ Chu là tìm đến, ví chẳng được văn đại khoa thì âu cũng phải có nét bút thiếp" (28).


Sách làm bằng những thẻ gỗ tráng sáp để viết lên trên
2 - BÚT

Sách Vật Nguyên chép rằng Ngu Thuấn làm ra bút, lấy sơn viết vào sách (nhiều thẻ tre xâu với nhau gọi là sách). Có chỗ chép Trình Diễn nghĩ ra bút gỗ chấm sơn đen mà viết, viết mau nhưng không được đẹp lắm.

Ðời Tần, Lý Tư dùng que nhọn, trong ruột chứa sơn đen để viết , xem Cổ tự thấy nét tròn đều nhau, ấy là lối chữ Triện.

Mông Ðiềm đi đánh Hung nô, mới bắt chước chế được bút lông mềm, nhẹ, viết với mực (chứ không phải sơn) lên giấy hay vải lụa nên viết được rất mau. Các nét khó viết thay bằng nét ngang, nét sổ hay phẩy.

Bút của Trung quốc phần lớn làm bằng lông thỏ. Những loại bút nổi tiếng thường được chế tạo ở Hồ-châu, Giang-tô, Triết-giang như : Song lan, Kiều lan, Lan trúc, Thanh chi, Nhất chi, Thử tu, Ðại Kính thủy... Ðặc biệt được ca tụng : Tảo thiên quân lông trắng, ngòi bút Diêu tự (trắng mà nhọn hoắt), Hoàng dình Kinh làm bằng lông chuột bạch ở tận trong dẫy núi Trường Bạch (29).

Bút tốt không được dài quá sáu tấc : ngòi bút dài một tấc, quản năm tấc. Ngòi không cứ phải nhọn hoắt mới viết chữ đẹp được, Tiêu Hà nổi tiếng viết chữ Ðại Triện lại thích dùng ngòi bút cùn.

Ngược lại với giấy, không thấy sách vở đả động gì đến bút do Việt-Nam chế tạo.

3 - MỰC

Ðời Ngụy, Tấn, dùng khói tùng, than gỗ thông, chế ra mực. Mực tốt phải là mực Tầu đã đen nhánh lại có mùi thơm, làm bằng muội đèn giã chung với xạ hươu, trộn hồ loãng, đổ khuôn nhỏ, in chữ và hình lên mặt, đem phơi khô. Những loại nổi tiếng là : Diêu tự, Hoàng tam xương, Chu vĩnh phu, Trùng tư, Huy chân, Hàng châu.

Mực Kiêu kỵ bền nhưng khó tẩy, những người đi thi tránh không dùng.

Son Tầu cũng được chuộng hơn son ta vì mầu tươi thắm hơn. Trong trường thi, son Tầu dành cho hai ông Chánh và Phó Chủ khảo, những khảo quan khác phải dùng son ta mầu như gạch, hay mực xanh.

MựcVạn niên chi của Tầu nổi tiếng, sắc xanh biếc như đầu vịt (áp lục).

Về mực nội hóa chỉ thấy Sử Ký Toàn Thư chép là Trịnh Căn phái người sang Trung quốc học làm giấy mực, bắt đầu in sách, chế giấy (30).

4 - NGHIÊN

Nghiễn là nghiền, nghiền mực ra để viết. Nghiên là vật dùng để mài mực hay son, thường làm bằng đá hay sành, sứ, lòng nghiên hơi trũng để lấy chỗ đổ nước mài mực. Tạm bợ thì cái đĩa cũng có thể dùng, cầu kỳ thì nghiên bằng ngọc, bằng đá quý chạm trổ...

Giấy tốt, bút tốt, mực tốt mà nghiên xấu thì chữ cũng không thể đẹp được vì nghiên xấu hút nước nhiều khiến mực đặc sệt, khó viết.

Tương truyền Hoàng Ðế có cái nghiên Hồng tị không bao giờ khô, ban đêm đổ mồ hôi ; Tô Ðông Pha lấy được viên ngọc Thương bích xanh biếc trong một quả trứng cò (?) đem về sai đẽo gọt thành một cái nghiên quý nổi tiếng.

Cũng nổi tiếng là nghiên Cổ Cầm làm bằng đá núi Nhạc, chạm hình Khô Tùng, Nguyệt Hạ (gốc thông khô dưới ánh trăng). Hốc cây là cái mặc trì để chứa nước mài mực, mặt nghiên là mặt trăng. Lại có một Tam sơn để gác bút, bằng đá thủy tinh trong vắt.

Nghiên Phần nê thì làm bằng một loại bùn đặc biệt nên nghiên lúc nào cũng ẩm ướt.

Ngõa nghiễn phả : chỗ di chỉ đài Ðồng tước nhà Ngụy chứa nhiều ngói cổ, đem mài thành nghiên đựng nước vài ngày không khô. Nghe đâu thợ gốm lấy vải lọc sạch (đất làm ngói) rồi chế thêm dầu hồ vào nên khác hẳn ngói thường (31).

Nghiên Tức Mặc Hầu : Theo Vương Hồng Sển thì vua Tự-Ðức có một cái nghiên mà nhà vua rất quý, phong cho tước "Hầu" : đấy là nghiên Tức Mặc Hầu. Tự-Ðức là người ưa chuộng thơ văn, mỗi khi nẩy hứng thơ là muốn ghi ngay, không thể nhẫn nại chờ người hầu mài mực. Tức MặcHầu biết dâng mực cấp kỳ cho vua dùng nên vua rất hài lòng. Nghiên làm bằng đá Ðoan-khê, thớ mịn, mầu gan lợn sẫm, vốn là một vật vô tri không thể đoán nổi ý vua để mà dâng mực đúng lúc, nhưng đặc tính của nó là khi cần chỉ hà hơi vào là nghiên ướt, cung cấp một số mực đủ viết vài dòng.


Nghiên Tức Mặc Hầu của Tự-Ðức

Nghiên hình chữ nhật, bề dài độ hơn ba tấc tây, bề ngang hai tấc, dầy khoảng ba phân. Ðáy nghiên có khắc một bài thơ chữ Hán, ngự chế của vua Tự-Ðức đề cao đặc tính của Tức MặcHầu (32), chữ khắc nổi, mạ vàng, nét sắc sảo. Mặt nghiên, khúc trên chạm nổi, bên trái là một cổ đình ẩn khuất trong mây, bên phải là một cổ tùng, dưới chân cổ tùng nhô ra mỏm đất, trên có tám "tiên ông" đang trò chuyện. Một cái cầu nhỏ bắc ngang, nối mỏm đất với cổ đình, ngăn cái nghiên thành hai phần, phần trên là cái mặc trì, nhỏ bằng nửa phần dưới. Trên cầu có ông già chống gậy và một tiểu đồng đứng hầu đằng sau.

Chung quanh nghiên chạm một đường hồi văn và khắc hai dòng chữ ở hai bên :

Nghiên này mang những đường nét rõ ràng, đầy đặn, chỉ người hiền mới được dùng.

Nghiên không có một khuyết điểm nào, những lời vu khống hay tai ác không làm thương tổn được.

Hàng trên và hàng dưới thì khắc :

Nghiên đá Ðoan-khê của điện Kính-Diên (văn phòng của Tự-Ðức)

Tự-Ðức, Mậu-Thìn (1868), ngày lành...

Phần chính của cái nghiên, chỗ để mài mực, thoạt nhìn thì thấy bằng phẳng, nhẵn nhụi, cho nên E. Gras mới ví mặt nghiên với má giai nhân, nhưng nhìn kỹ thì thấy có mấy nốt hơi phồng lên, to bằng đầu đũa, mầu nhạt hơn đá xung quanh. Ðấy là những "túi nước" của nghiên, người Trung hoa gọi là "cùdụcnhãn" (mắt chim sáo). Bình thường nghiên khô ráo, hà hơi vài lần thì thấy một lằn mầu ngũ sắc hiện ra, từ từ chạy lên chạy xuống trên mặt nghiên rồi biến mất. Lấy tay quệt thử thì ngón tay "đẫm mực" : những "cùdục nhãn" nương theo hơi thở đã tiết ra một số nước làm ướt mực cũ, đủ viết được vài dòng.

Năm 1958 nghiên còn nằm trong Bảo Tàng Viện ở Huế, sau có người lấy đem dâng ông Ngô Ðình Diệm, từ khi ông Diệm mất, không rõ nghiên trôi dạt đi đâu ? (33)

- Mặt khác,Thực lục cũng chép về một cái nghiên Tức Mặc Hầu như sau : Năm 1842, có người dâng vua Thiệu-Trị một cái nghiên cổ dài 7 tấc 8 phân, rộng 4 tấc 7 phân, dầy 5 phân, chất rất bền chắc và nhuần mỵ, chính là một tấm ngói âm dương, người ta nhân hình thế nó mà chế thành nghiên. Ðầu nghiên ghi bài minh, có những câu đáng lưu ý :

Sắc nghiên nhuần mỵ,
Cách chế tạo cổ kính, mộc mạc.
(...) Ðổi phong cho nghiên là Tức Mặc Hầu
Liệt vào quan tước ở Lan-đài.

Sau những câu đó viết hai chữ "Tô Thức ". Lưng nghiên khắc một cái ấn to có mấy chữ "Thạch cừ các ngõa", lạc khoản đề "Nguyên phù tam niên, trọng thu, nhật chế " [= Năm Nguyên phù thứ ba (1100), tháng 8 chế].

[Gác Thạch cừ được dựng từ đời Tiêu Hà (Hán) để chứa sách sử, bản đồ vv. Ðời Tống, Tô Thức được viên ngói gác ấy đem mài thành nghiên (34) ]

o O o

Ðể chấm dứt bài này, sau đây là một giai thoại vui vui về tục khai bút. Tương truyền khi Ngô Thì Nhậm lên năm, cha là Ngô Thì Sĩ nhân ngày mồng một Tết khai bút, viết :

"Hoàng triều Cảnh-Hưng, vạn vạn niên chi thập nhất, tuế thứ Canh-Ngọ, chính nguyệt, Nguyên đán, cát thời thí bút. Tả Thanh-oai, Ngọ Phong, Ngô Thì Sĩ (Năm Cảnh-Hưng thứ mười một, trong muôn vạn năm, Canh-Ngọ, tháng giêng, mồng một, giờ tốt, thử bút. Tả Thanh-oai, Ngọ Phong, Ngô Thì Sĩ).

Viết xong, ông gọi con ra khai bút, nhân thể đặt tên. Cậu con tò mò hỏi :"Thế tên thầy ở đâu ?". Ngô Thì Sĩ chỉ vào chữ "Sĩ", cậu con liền cầm bút phẩy lên trên một nét rồi hóm hỉnh cười nói : "Hơn thầy một nét" (chữ "Sĩ" thêm một nét ở trên thành chữ "Nhậm" ). Ngô Thì Sĩ thấy con mẫn tiệp, tự đặt được tên cho mình, nên rất hài lòng, nhưng em ông là Ngô Tưởng Ðạo lại không vui, cho rằng nếu đem ra triết tự thì chữ "Nhậm" gồm hai chữ "Nhân" và "Nhâm" có nghĩa là con người khéo nịnh bợ" (35).

Rất có thể đây chỉ là giai thoại do một nhà nho nào không ưa Ngô Thì Nhậm đã bịa đặt ra.

Châtenay-Malabry, tháng 11, 1994
Sửa lại, tháng 6, 2001
CHÚ THÍCH

[1] - Không chắc tên bài thơ do Tú Xương đặt.

[2]- Nghĩa là : "Bước vào đời, không thể nào không có văn chương, chữ nghĩa ". Trích sách cổ.

[3] - Nghĩa là : "Cái phẩm giá tột cùng trong thiên hạ chính là tình đối với trăng gió "

"Cái phong lưu bậc nhất ở đời là tính khí giang hồ " (tự do, phóng khoáng, không bị cái gì giàng buộc). Trích sách cổ.

[4] - Lược Bút Nghiên, tr. 34.

[5] - Thanh Ðạm, tr. 274. Nguyễn Công Hoan không nói rõ dòng chữ viết gì, có lẽ là viết những câu chúc tụng, mừng xuân, khuôn sáo đại loại :

Ðình ấm xuân phong = ngoài sân có gió xuân ấm áp thổi (ý muốn nói trong năm cửa nhà sẽ đầm ấm, thịnh vượng).

Kim ngọc mãn đường = vàng ngọc đầy nhà vv.

[6] - Ngược Ðường Trường Thi, tr. 115.

Khi đứa trẻ chưa biết viết, cha mẹ thường viết hộ, chỉ chừa lại một nét để nó tự tay vạch xuống cho đủ lệ khai bút.

[7] - Minh-Mệnh Chính Yếu, I, tr. 214-5 : Hàng năm đến cuối tháng chạp có lệ niêm phong ấn cất đi, có nghĩa là cho các nha nghỉ việc trong dịp Tết. Sang năm mới, khai ấn, tức là các nha bắt đầu làm việc trở lại.

[8] - Thanh Ðạm, tr. 273-6.

[9] - Ðại-Nam Thực Lục Chính Biên, VI, tr. 134 ; XXIV, tr. 270 ; XXXI, tr. 105.

[10] - Thanh Ðạm, tr. 179.

[11] - Vân Ðài Loại Ngữ, tr. 300.

[12] - Thủy Hử, tập 3, tr. 774.1

[13] - Truyện "Chữ người tử tù" (Vang Bóng Một Thời, tr. 118-9) Nguyễn Tuân viết rất hay nhưng dựa theo truyền thuyết nói Cao Bá Quát bị bắt giam rồi bị xử tử. Sự thực, Ðại-Nam Thực Lục Chính Biên, XVIII, tr. 85, chép Cao Bá Quát bị suất đội Ðinh Thế Quang bắn chết ở chiến trận, sau Quang được thăng lên cai đội.

[14] - Cổ Văn Trung Quốc, tr. IX.

[15] - Vân Ðài Loại Ngữ, tr. 268-98 - Cương Mục, XVIII, tr. 69, 86 - Trung Quốc Sử Cương, tr. 8, 157, 166 - Nguyễn văn Ba, tr. 4-6.

[16] - Ðường Phố Hà-Nội, tr. 37-45 : Ðời Lý (thế kỷ 11) cửa Ðông Hoa gọi là cửaTường Phù, ở phía Ðông thành Thăng-long, mãi đến đời Lê Tương Dực (thế kỷ 16) mới đổi ra tên Ðông Hoa.

[17] - Vũ Trung Tùy Bút, tr. 38-40.

[18] - Vân Ðài Loại Ngữ, tr. 298-300

[19] - Nho Giáo, tập 2, tr. 229.

[20] - Vân Ðài Loại Ngữ, tr. 203, 178

[21] - Tục Biên, tr. 151 - Trung Bắc Chủ Nhật, số 183. tr. 67-8. chép lầm là năm 1731, Trịnh Doanh (1740-67) cấm mua sách của Trung quốc.

[22] - Ức Trai Tập, Tập Hạ, tr. 725 - Biên Niên, tr. 37 - Nguyễn Thừa Hỷ, tr. 116, 210-17 - Thăng-long, Ðông đô, tr. 261.

[23] - Vân Ðài Loại Ngữ, tr. 510.

[24] - Bùi Hạnh Cẩn, tr. 271.

[25] - Hocquard, tr. 261-2.

[26] - Nguyễn Thừa Hỷ, tr. 210.

[27] - Nguyễn Thừa Hỷ, tr. 211.

[28] - Tuyển Tập Nguyễn Tuân, tr. 227-36.

[29] - Thực Lục XXV, tr. 68 - Ngược Ðường Trường Thi, tr. 115 - Nguyễn văn Ba, tr. 4-6.

[30] - Sử Ký Toàn Thư, IV, tr. 13.

[31] - Thực Lục XXIV, tr. 236-8.

[32] - Bulletins des Amis du Vieux Hué, Juil-Sept. 1917.

Tức = tới, Mặc = mực. Thời xưa còn phong cho bút là Quản Thành Tử. Cả bút lẫn nghiên cùng được dự tước trong Lan-đài là nơi làm sách.

Núi Ðoan-khê ở Trung quốc, đá ở chân núi mầu lam, ở giữa núi mầu tím, ở đỉnh núi đẹp nhất, mầu gan lợn.

Bài thơ của Tự-Ðức được ông Ngô Ðình Diệm dịch ra tiếng Pháp, đăng trong BAVH.

[33] - Hơn Nửa Ðời Hư, tr. 533-50. Tôi lược lại và có sửa một vài chi tiết (dựa theo ảnh chụp nghiên Tức Mặc Hầu trong BAVH) vì thấy ông Vương Hồng Sển tả theo trí nhớ nên có chỗ không đúng lắm.

[34] - Thực Lục XXIV, tr. 236-8.

[35] - Giai Thoại Làng Nho Toàn Tập, tr. 182 - Chúa Trịnh Khải, tr. 22-3.


 
SÁCH THAM KHẢO

ALEXANDER, William & MASON, George Henry : Chine, Scènes de la vie quotidienne au 18e siècle. Paris : Bookking International, 1988.

BẢO VÂN : Thơ Nôm Yên Ðổ - Tú Xương. Toronto : Quê Hương, 1980.

BÙI HẠNH CẨN : 101 bài thơ Tây Hồ. Hà-nội : Văn Hóa Thông Tin, 1996.

CHANG YEE : Chinese Calligraphy. Cambridge, Massachusetts : Harvard University Press, 1973.

CHU THIÊN : Bút Nghiên. Ðại Nam tái bản ở Mỹ.

: Nhà Nho, 1943 ; Ðại Nam tái bản ở Mỹ.

ÐÀO DUY ANH : Trung Hoa Sử Cương - Từ nguyên thủy đến 1937. 1941 (?) ; Paris : Ðông Nam Á tái bản, 1985.

ÐÀO TRINH NHẤT : "Trịnh Căn sai người đi học nghề làm giấy", Trung Bắc Chủ Nhật, số 183, 16-11-1943.

ÐINH GIA KHÁNH chủ biên : Thăng-Long, Ðông Ðô, Hà-Nội. Bộ Văn-Hóa và Thông-Tin Hà-Nội, 1991.

GRAS, E. : "Sur un encrier de Tự-Ðức", BAVH, 4è année, No 3, Juil-Sept. 1917.

HOÀNG TRỌNG MIÊN : Việt-Nam Văn Học Toàn Thư, tập I. Xuân Thu tái bản ở Mỹ.

HOCQUARD, Charles Edouard, Dr : Une Campagne au Tonkin. Paris : Hachette & Cie, 1892 ; Paris : Arléa, 1999.

LÃNG NHÂN : Giai Thoại Làng Nho Toàn Tập. Saigon : Nam Chi Tùng Thư, 1966 ; tái bản ở Mỹ.

LÊ QUÝ ÐÔN : Vân Ðài Loại Ngữ. Nhà xuất bản Tự Lực ở Mỹ. Dịch giả : Phạm Vũ và Lê Hiền.

NGUYỀN CÔNG HOAN : Thanh Ðạm. Hà-Nội : Ðời Mới, 1943 ; Ðại Nam tái bản ở Mỹ.

NGUYỀN HIẾN LÊ : Cổ Văn Trung Quốc. Saigon, 1965 ; Xuân Thu tái bản ở Mỹ.

NGUYỀN TRÃI : Ức Trai Tập, Tập Hạ. Văn Học, 1994. Dịch giả : Hoàng Khôi.

NGUYỀN TRIỆU LUẬT : 
- Ngược Ðường Trường Thi. Hà-Nội : Tân Dân,1939 ; Ðại Nam tái bản ở Mỹ.
- Chúa Trịnh Khải. Hà-nội : Tân Dân, 1940 ; Saigon : Bốn Phương ; Ðại Nam tái bản ở Mỹ.

NGUYỀN THỪA HỶ : Thăng-long - Hà-nội. Thế kỷ XVII, XVIII, XIX. Hà-nội : Hội Sử Học Việt-Nam, 1993.

NGUYỀN TUÂN : 
- Tuyển Tập. Hà-nội : Văn Học, 1981.
- "Chữ người tử tù",Vang Bóng Một Thời. Hà-nội : Tân Dân, 1940 ; Cảo Thơm, 1962.

NGUYỀN VĂN BA : Hán văn tự học, quyển I. Saigon : Thư Lâm ấn quán, 1962.

NGUYỀN VĨNH PHÚC & TRẦN HUY BÁ : Ðường Phố Hà-Nội. Hà-nội, 1979.

PHẠM ÐÌNH HỔ : Vũ Trung Tùy Bút. Dịch giả : Ðông Châu Nguyễn Hữu Tiến. Hà-nội : Văn Học, 1972 ; Paris : Ðông Nam Á tái bản, 1985.

THI NẠI AM : Thủy Hử, tập 3, Dịch giả : Á Nam Trần Tuấn Khải. Sống Mới in lại ở Mỹ.

TỰ-ÐỨC : "L'encrier de S.M. Tự-Ðức", BAVH, 4è année, No 3, Juil-Sept. 1917. Traduction des inscriptions par Ngô Ðình Diệm.

TÚ MỠ : Giòng Nước Ngược, tập I. Hà-nội : Tự Lực Văn Ðoàn, 1934 ; Saigon : Phượng Giang, 1952 ; tái bản ở Pháp.

VƯƠNG HỒNG SỂN : Hơn Nửa Ðời Hư. Hồ Chí Minh : Tổng Hợp, 1992.
 

Biên Niên Lịch Sử Cổ Trung Ðại Việt-Nam. Hà-nội : KHXH, Viện Sử học, 1987.

Ðại-Nam Thực Lục Chính Biên, tập VI, XXIV, XXV, XXXI. Hà-nội : KHXH, 1963, 1971, 1974.

Ðại-Việt Sử Lược (Khuyết danh). Nguyễn Gia Tường dịch. Nhà xuất bản TPHCM, 1993.

Minh-Mệnh Chính Yếu, tập I. Huế : Thuận Hóa, 1994..