Chim Việt Cành Nam           [  Trở Về   ] 

GỬI THƯƠNG VỀ HUẾ

Tập III : Huế từ phương xa 

Võ Quang Yến

***

27- BÁC HOÀNG XUÂN HÃN KHÔNG CÒN NỮA

Sáng hôm chủ nhật 17.03.1996, nhân trời hửng nắng sau mấy tuần mưa dầm dề, tôi ra vườn vun bón mấy khóm hồng chuẩn bị cho ngày xuân săp đến.?Tôi đang cảm thấy khoan khoái trong ánh nắng dịu ban mai thì bổng có người bạn kêu giây nói lại báo tin không hay: bác Hoàng Xuân Hãn vừa mới từ trần ngay sáng hôm nay. Bàng hoàng tuy không ngạc nhiên, tôi vội thay quần áo chạy ngay lại bệnh viện Orsay gần nhà. Trên giường bệnh, bác như nằm ngủ, mặt mày có vẻ trẻ trung hơn mọi khi. Nổi bật lên là vành tráng sâu rộng của bác, thể hiện một đầu óc thông thái lạ thường. Hai bên giường, Hoà thượng Thích Thiện Châu và Sư cô Mạn Đà La (thuộc Trúc Lâm thiền viện) không ngớt tụng kinh, gây lên trong phòng một bầu không khí thật trang nghiêm. Ở đầu giường, bác Hãn gái đầu tóc bạc phơ, nước mắt đầm đìa, sụt sùi đáng thương. Tôi còn nhớ ngày nào, hai bác lại dự buổi ăn Tết với chúng tôi do Hội Người Yêu Huế tổ chức ở tiệm cơm Sông Hương trên bờ Yerrres, miền nam Paris. Hôm đó bác gái, nguyên là dược sư, đã nhí nhảnh kể lại chuyện đời xưa, những mẫu chuyện về cúng bái, ma quỷ vô cùng hấp dẫn. Giá mà bác kể thêm chuyện hai bác làm quen với nhau trên chiếc tàu thủy qua Pháp thì chắc còn thú vị hơn nữa. Hôm nay trông bác rất tiều tụy, nỗi đau buồn hiện rõ trên nét mặt. Đầu cuối giường, anh con rễ Nghiêm Xuân Hãi trầm ngâm, tư lự, chắc đang lo nghĩ đến tang lễ những ngày sắp tới. Xung quanh, một số bà con thân thích, bạn bè xa gần mau chân lại chen chúc, kề vai trong phòng bệnh nhỏ, cố sống thêm một vài giờ phút với bác, đồng thời chia sẻ mối buồn nỗi tiếc với bác gái với gia đình.

Bác Hãn sinh năm 1908 ở xã Yên Phúc, huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Hồi nhỏ, bác được gia đình mời thầy về dạy học quốc ngữ và chữ Hán tại nhà. Lớn lên, bác mới đi học trường tiểu học Pháp Việt Vinh và Thanh Hóa, sau đó thi đậu vào trường Quốc học Vinh, rồi Trường Bảo Hộ (còn gọi là Trường Bưởi) ở Hà Nội. Cuối năm đệ nhị (tức là sớm hơn thường lệ một năm) bác tự soạn thi đậu bằng Tú tài bán phần và được nhận vào Trường trung học Albert Sarrault ở Hà Nội. Năm 1928, bác đậu bằng Tú tài Toán học và đuợc cấp học bổng qua Pháp du học. Sau hai năm học lớp dự bị tại Trường trung học Louis-le-Grand ở Paris, bác thi đậu vào cả hai Trường Bách khoa và Trường Cao đẳng Sư phạm là hai trường đại cương lớn nhất ở Pháp. Trọng kỹ thuật nghĩ sẽ có ích cho Việt Nam nhiều, bác chọn Trường Bách khoa thuộc Quân đội, hồi ấy chỉ dành cho công dân Pháp. Rất nhiều các vị bộ trưởng, đại sứ, thủ tướng và cả tổng thống Pháp xuất thân từ hai trường nầy. Sau hai năm lý thuyết ở Trường Bách khoa, như thường lệ, sinh viên phải học thêm thực nghiệm ở một trường kỷ sư, cuộc chọn lựa được thi hành tùy theo số hạng thí sinh khi thi bằng tốt nghiệp. Đậu hạng cao, bác có quyền chọn một trong những trường kỷ sư lớn nhất: Trường Quốc gia Cầu cống. Trở về lại Việt Nam, bác thấy ngay người bản xứ khó đạt được chân đứng xứng với bằng cấp dù to lớn của mình trong một chính thể thuộc địa. Năm 1934, bác trở qua lại Pháp, soạn thi cử nhân rồi thạc sĩ toán học ở Phân khoa Khoa học Viện Đại học Paris. Ở Pháp, thạc sĩ là một cuộc thi tuyển khó khăn để chọn làm giáo sư trung học. Chỉ có hai ngoại lệ là bên hai Phân khoa Y học và Luật học, thạc sĩ là bằng cấp để chọn làm giáo sư đại học và thí sinh trước phải có bằng tiến sĩ.

Chính ở trên chuyến tàu thủy trở lại Pháp nầy mà bác đã làm quen với bác gái, cô Nguyễn Thị Bính, 23 tuổi, trên đường đi học tiếp dược học đã bắt đầu ở Hà Nội. Bác gái sau nấy kể chuyện là chẳng biết chàng trai nầy đã tốt nghiệp Trường Bách khoa và trở lại Pháp học thêm, nhưng cũng chịu cùng ngồi ngắm trăng và nghe bài vịnh nguyệt trêu ghẹo của chàng trai Hà Tĩnh.

Có người bảo tớ vịnh thơ trăng,
Tớ cũng toan ngâm ngợi chị Hằng.
Ngán nỗi người xinh trăng thẹn mặt,
Ngây lòng tớ gẫm bút mòn răng.
Trông trăng chỉ thấy ai cười nụ,
Gác bút vì e tớ nghĩ xằng.
Vịnh nguyệt vì người thôi cũng vịnh,
Hoạ người bên nguyệt biết tình chăng.
Cô gái Hà thành đứng đắn trả lời với một bài thơ nhắc nhủ chàng trai mà không ngờ sau nầy sẽ làm chồng mình.
Đêm trung thu trời trong sao sáng,
Mấy cành mây loáng thoáng lơ thơ.
Trên tàu du học vịnh thơ,
Biết bao cảm giác vẩn vơ trong đầu.
Hỡi các anh cùng nhau cương quyết,
Sang Âu Tây dạn tuyết xông pha.
Hãy xem văn hoá người ta,
Sau nầy thi thố nước nhà chờ mong.
Năm 1936, bác Hãn tốt nghiệp thạc sĩ, bác gái tốt nghiệp dược sĩ, cả hai cưới nhau ở Paris trước khi lấy tàu về nước. Cũng vào năm ấy, Mặt trận Bình dân phát dậy và có rất nhiều ảnh hưởng lên các thuộc địa. Ở Việt Nam, bằng tú tài bản xứ bị hủy bỏ, các trương trung học được nâng lên ngang hàng với các trường trung học Pháp, từ đấy các giáo sư cũng phải có bằng tương đương. Hồi ấy, ngoài bác Hãn, chỉ có một giáo sư trung học thạc sĩ khác là ông Phạm Duy Khiêm bên ngành văn phạm. Ngoài lớp toán học ở Trường Bưởi, bác Hãn còn đi dạy thêm ở các trường kỹ thuật khác. Năm 1943, lúc Phân khoa Khoa học Viện Đại học Hà Nội thành lập, bác được mời phụ trách Khoa Cơ học. Song song với cuộc giảng dạy ở các trường, bác Hãn không quên phận sự giáo dục quanh mình. Vào lúc thế giới đang chuyển mình trên đường khoa học, bác ý thức rõ ràng là các nhà khoa học Việt Nam cần phải nâng cao trình độ hiểu biết của quần chúng đúng với mức độ của thời đại và diễn đạt ý tưởng khoa học qua tiếng Việt Nam trong những tờ báo trí thức sáng lập ra để trau dồi ngôn ngữ ấy. Cộng sự đắc lực của tờ Báo Khoa học , bác đã cùng với nhiều bạn đồng nghiệp đề cập đến vấn đề rắc rối của một hệ thống thuật ngữ cho mọi ngành khoa học.

Năm 1942, bác cho xuất bản cuốn Danh từ Khoa học (nhà in Trung Bắc Tân Văn) mà bác đã suy nghĩ từ ba, bốn năm trước, đặt nền móng cho "một ngôn ngữ tương đồng trong khi bàn bạc về khoa học". Bác rất ý thức là công việc không dễ. "Tôi cũng là mù trong mọi bọn mù, điếc trong làng điếc. Nhưng mù phải lần đường, điếc nên dạn súng, cho nên không ngần ngại sự khó khăn mà cáng đáng đến công việc nầy". Nhưng tin tưởng ở lịch sử lâu dài và kinh nghiệm chắc chắn của Việt ngữ, bác khẳng định "không có một vấn đề khó khăn nào mà không giảng về tiếng Việt Nam được. Sự giảng rõ hay không là bởi người giảng. Sự hiểu rõ hay không là bởi người nghe". Dựa lên sự tiến hóa thiên nhiên của Việt ngữ, trở về chữ Hán để làm nguồn gốc, thu dụng những danh từ quốc tế thông dụng, luôn đứng vào phương diện thực tế, đấy là một vài đưòng lối bác đã đề nghị để đặt chữ. Cuốn sách vừa mới xuất bản đã bán hết ngay. Sau nầy nó được tái bản ba lần nữa (1948 do nhà Xuất bản Vĩnh Bảo ở Sài Gòn, 1951 và 1955 qua nhà xuất bản Minh Tân ở Paris).

Bác Hãn không chỉ hoạt động cho giới trí thức. Bác cũng nghĩ nhiều đến dân quê, người cùng khổ không có dịp đi học để biết đọc, biết viết. Hơn ai hết, bác ý thức là muốn đạt đến một nền độc lập của đất nước, cần phải dẹp cho được nạn dốt. Không phải tình cờ mà bác hoạt động mạnh mẽ trong phong trào bình dân học vụ và Hội Truyền bá Quốc ngữ ra đời năm 1936. Nhưng lối học "a,b,c" kiểu xưa không đưa lại kết quả lanh chóng. Vì vậy, một lối học mới "i, tờ" ra đời, dựa lên các vần từ các chữ gần giống nhau họp lại. Sau đấy, phương pháp lan rộng khắp các hang cùng ngõ hẻm, từ thành thị về đến đờng quê xa lánh. Nhiều câu thơ được đặt ra, không văn sáo, lãng mạng, mà tương tự như thể vè, giúp người học dễ nhớ chữ, nhớ dấu:

i, tờ hai móc cả hai, i ngắn có chấm, tờ dài có ngang?;
o tròn như quả trứng gà, ô thì đổi mủ, ơ là thêm râu,...
huyền ngang, sắc dọc, nặng tròn,
hỏi lom khom đứng, ngã...buồn nằm ngang.
Bắt đầu những năm cách mạng, phương pháp lại càng bành trướng, thúc đẩy Việt Nam thành nước vô địch trên con đường tranh đấu chống nạn dốt. Những câu trách móc loại "anh nầy sao i-tờ quá!" chứng minh mức thông dụng của phương pháp học mới. Tôi còn nhớ ở mỗi ngõ đường dẫn vào chợ, nhiều toán thanh niên vui vẻ bắt dân làng phải học vài ba chữ trước khi qua đường. Tôi cũng không quên những buổi dạy học ở làng, học sinh là những cụ già râu tóc bac phơ, tay run rẩy trên tấm bảng gỗ dưới ánh sáng lu mờ của mấy ngọn đèn dầu hiu hắt, mắt dương cao, tai mở rộng, cố học cho được vài chữ ví như các cụ đã nói, gần đất xa trời, không học bây giờ thì không khi nào có dịp khác nữa. Thật là cảm động. Không biết bác Hãn, người đã phát minh lối học mới, có chăng những dịp sống những giờ phút chạnh lòng nầy.

Với một quá khứ như vậy, không ai lấy làm lạ khi bác được mời từ Hà Nội vào Huế làm bộ trưởng bộ Quốc gia Giáo dục và Mỹ thuật trong chính phủ Trần Trọng Kim sau cuộc đảo chính 09.03.1945. Không phải là một nhà hùng biện, ăn nói hùng hồn như luật sư Phan Anh, bộ trưởng bộ Thanh niên hồi đó, bác Hãn đã lôi kéo thanh niên, học sinh với những kết quả một cuộc học hành lỗi lạc, với những công tác hướng dẫn đất nước lên một nền độc lập thực sự. Và ai cũng cho là một chuyện hiển nhiên khi bác được chính phủ cách mạng cử vào phái đoàn lên Đà Lạt đàm phán với Pháp. Một phần tư thế kỷ sau, bác đã kể lại chuyện "đời xưa" nầy trong Một vài kí vãng về Hội nghị Đà Lạt, tập san Sử Địa các số 23 và 24 (1975), AVAC tái bản ở Paris năm 1987. Nhờ cuốn sổ tay ghi chép đầy đủ, bác đã cho biết nhiều chi tiết cặn kẽ, có khi éo le, ngay trong hội nghị cũng như bên lề cuộc đàm phán. Cũng đáng nhớ là một con người khoa học như bác, đến nay hằng lặn lội với những công thức toán học hay những danh từ khoa học, khi khuây việc thì lại gởi lòng vào mấy câu thơ dễ làm xúc động, không khác gì các vị tướng thời xưa tỏ tình vào vài vần thống thiết sau một trận đánh hãi hùng.

Thông rụng, hoa suối, nhớ ta không?
Lỗi hẹn cùng nhau luống ngại ngùng
Non nước còn vương cơn bối rối
Tâm tình đâu đến lúc thung dung...
Tôi có dịp đọc lại và thưởng thức văn thơ bác trong cuốn sách nhỏ nầy nhân đi tìm tài liệu về đô đốc Thierry d'Argenlieu. Thật ra, song song với các công tác khoa học, bác đã khảo cứu nhiều về mặt văn chương, lịch sử. Dựa lên phương pháp làm việc khoa học, với cách suy luận chính xác, lại hiểu biết nhiều về ngôn ngữ Hán Nôm, bác đã thực hiện được nhiều chuyện ít người làm được. Lần lượt bác cho xuất bản Nguyễn Biểu, Một gương nghĩa liệt và mấy bài văn thơ cuối đời Trần (1941, báo Khai Trí Tiến đức), Hà thành thất thủ (1946), Thi văn Việt Nam (1947), Đại Nam quốc sử diễn ca (1948), đặc biệt Lý Thường Kiệt (1949), Mai đình mộng ký (1948, tất cả do Sông Nhị, Hà Nội xuất bản), La Sơn phu tử (1951), Chinh phụ ngâm (1954, nhà xuât bản Minh Tâm, Paris),... không kể những bài, những sách về Hồ Xuân Hương, Bích câu kỳ ngộ,... Định cư ở Pháp, tuy làm kỷ sư nguyên tử, bác vẫn luôn tiếp tục công tác khảo cứu trong lãnh vực văn chương lịch sử nầy.

Mấy năm đầu trên đất Pháp, tuy không có dịp gặp bác, tôi luôn "làm việc" với bác. Đó là những năm cuối thập niên 50, đang dư thảo văn bằng cao học ở phòng thí nghiệm của Giáo sư Bửu Hội ở Institut du Radium, thuộc Viện Đại học Paris, tôi được gặp Linh mục Cao Văn Luận, lúc bấy giờ làm Viện trưởng Viện Đại học Huế, đi "chiêu mộ" giáo sư. Sự kiện nầy buộc tôi nghĩ đến tương lai: để chuẩn bị về nước giảng dạy, từ nay tôi phải bắt đầu lo lắng về mặt bài giảng cũng như về phía danh từ, danh pháp. Tôi bắt đầu viết những bài giáo khoa khoa học đăng báo Đại học ở Huế, đồng thời những bài phổ thông khoa học gởi những tạp chí Báchkhoa, Phổ thông,... ở Sài Gòn. Vấn đề danh từ được đặt ra cấp bách, cần thiết. Người Việt làm khoa học có nhiều nhưng chăm lo vấn đề danh từ, danh pháp thì hiếm. Giải pháp tức thì là những cuốn tự điển mặc dù không phải tự điển khoa học. Tuy không nằm trong vấn đề thành ra thiếu thốn, cuốn Tự điển Việt - Hoa - Pháp của Linh mục Eugène Gouin đã giúp tôi nhiều trong bước đầu. Và cuốn sách đầu giường thời ấy của tôi lẽ tất nhiên là cuốn Danh từ khoa học của bác Hãn.

Vì vậy, một hôm cách đây cũng vài chục năm, sau 1975, sau một buổi thuyết trình của bác về Phật giáo ở Thiền viện Trúc Lâm trên ngọn đồi Hoàng Vân Sơn (tên do Hoà thượng Thích Thiện Châu đặt) thuộc xã Villebon, miền nam Paris, tôi lại xin hầu chuyện bác. Nghe tôi tự giới thiệu tên, bác hỏi ngay:

- Yến có phải là người viết bài trong bài trong báo Bách khoa phải không?

Tôi mừng quá, thấy đối với bác tôi không phải là người xa lạ.

- Dạ, thưa phải.

Tôi lại càng mừng hơn và vô cùng phấn khởi khi được bác khen:

- Tôi đã đọc nhiều bài của Yến. Chịu khó viết bài phổ thông khoa học như vậy thật là quý. Các nhà khoa học ta ở bên nầy ít ai chịu mất công làm chuyên ấy. Còn ở bên nhà, thường thì các báo chí chỉ biết ngồi dịch những bài ngoại quốc, không đi đâu được xa. Yến phải cố găng tiếp tục, ngày nay còn cần thiết hơn vì dân ta vừa thiếu vừa báo chí lẫn ngoại ngữ. Hiên giờ Yến cho đăng bài ở các báo nào?

Tôi lúng túng thú thật với bác là dạo nầy ít viết để khỏi nói là dừng viết bài vì một lẽ rất dễ hiểu là hiện nay không có báo nào đứng đắn chịu lo về mặt phổ thông khoa học, đằng khác chẳng thấy có yêu cầu từ bất cứ toà soạn nào. Rồi chúng tôi nói chuyện rất lâu trên đề tài nầy. Sau cùng bác đề nghị tôi tìm cách cho ra một loại sách phổ thông, cở nhỏ như tập Que sais-je? của Pháp, không chỉ giới hạn trong khoa học mà còn mở rộng ra kinh tế, xã hội, văn chương, chính trị,...Theo bác, phải kiếm đủ tiền cho ra ba số, mỗi số một ngàn cuốn, một nửa gởi về bên nhà biếu tặng các thư viện và các trương học, nửa kia đem bán để làm vốn cho ba cuốn sau. Tôi rất hoan nghênh, nghĩ nếu bác chịu làm giám đốc cho một tủ sách nầy thì thật là quý báu. Tin tưởng bác sẽ tìm ra được các tác giả mặc dầu biết là không phải dễ dàng, tôi chạy kiếm mặt tài chánh. Thì ra khó khăn quá sức tưởng tượng vì tôi chẳng tìm ra nhà đầu tư. Rút cuộc, tôi phải đầu hàng, công tác thật bại ngay từ trong trứng. Thật đáng tiếc.

Vài năm sau, cũng ở chùa Trúc Lâm, tôi lại chào bác mỗi khi gặp mặt. Lần nầy, vì mặt đã bắt đầu yếu, phải một lúc bác mới nhận ra tôi và hỏi ngay :

- Nghe Yến thôi làm Hội trưởng Hội Người Yêu Huế rồi ?

Tôi giải thích cho bác trong điều kiện nào chức hội trưởng qua tay người khác. Bác có vẻ trầm ngâm :

- Tôi rất tiếc vì Yến làm được việc. Hội đã thực hiện đuợc nhiều việc hay và bắt đầu có tiếng. Khi người ta đã tin tưởng ở Hội rồi thì rất dễ tiếp tục. Tôi chỉ sợ những người thay thế ít thành thực thì khó đi xa.

Thì ra bác đã theo dõi các hoạt động của Hội và thương yêu Huế như một người Huế. Mấy tháng làm bộ trưởng ở Huế dù sao đã để lại trong lòng bác những kỷ niệm khó quên, những ấn tượng giữ đời. Bên phần thanh niên học sinh chốn sông Hưong núi Ngự thì đã từng xem bác như thần tượng. Hồi ấy, tôi học lớp đệ nhị Trường Trung học Khải Định, cũng như các bạn tôi, chỉ nghe danh bác, biết bằng cấp học lực của bác rồi các công tác hoàn thành là đã đã hoàn toàn kính mến rồi. Năm sau, khi nghe tin bác sẽ ngồi cùng bàn ngang hàng với người Pháp ở Đà Lạt để đàm phán thì trai trẻ lại càng phục lăng. Tôi nhận thấy sau nầy, càng ngày danh tiếng của bác lại càng lớn thêm, lúc còn ở Việt Nam cũng như khi bác đã qua Pháp. Hôm lễ bát tuần của bác, tôi bận không đi dự được, chỉ biết gởi thiệp chúc mừng, lập tức tôi nhận được bài thơ đáp lời mừng thọ của bác. Tôi vô cùng xúc động.

Tuổi tác nay vừa chẵn tám mươi
Đời ta ngắm lại lắm khóc cười
Thương tâm bốn trận binh đao thảm
Mơ mộng nhiều phen vận hội tươi
Bọt nước hư danh mình chẳng bợn
Gốc nhà cố giữ chí không lười
Tri âm chẳng lựa so già trẻ
Xin dãi lòng son cảm tạ người.
          Paris cuối đông Đinh Mão
Hôm nay hương hồn bác nếu chưa phiêu diêu nơi cực lạc thì chắc cũng đã trở về lại với thông rụng hoa suối thuở nào. Hôm thứ năm 21.03, gia đình đã làm lễ hỏa tán bác, sau đó có lễ cầu siêu ở chùa Trúc Lâm, dưới sự chủ tọa của Hoà thượng Thích Thiện Châu. Từ khoa học qua văn chương, lại là con người lịch sử, bác đã bắt gặp trên đường đời biết bao là nhân vật. Vì vậy rất đông người đến dự chật ních cả chánh điện. Tiếp tục buổi lễ cầu siêu nầy là lễ tưởng niệm bác. Đại tướng Emmanuel Hublot, bạn đồng khoa (1930) ở Trường Bách khoa, rối ông Đỗ Quang Trị, học trò bác ở Trường Bưởi, nhà nghiên cứu Tạ Trọng Hiệp, đệ tử Hán Nôm, Giáo sư Trần Văn Khê, anh bạn vong niên, và anh Nghiêm Xuàn Hải, người con rể, lần lượt lên máy vi âm kể lại ký ức của mình. Lại một dịp để biết thêm tính nết cương trực cũng như cách đặt vấn đề, phương pháp giáo huấn của bác. Sau cùng, nữ nghệ sĩ Kim Chính thổn thức ngâm bài thơ Đáp lới mừng thọ nhân lễ bát tuần của bác. Tất cả mọi người đều cảm thấy một nỗi luyến tiếc vô bờ. Bác đã ra đi ngay truớc tuổi cửu tuần thì cũng là đúng lúc nhưng đối với người ở lại thì bao giờ cũng quá sớm. Dù sao, đời bác đã rất là đầy đủ. Tác phẩm, sự nghiệp bác để lại rất nhiều. Bác Hãn gái và gia đình có thể hảnh diện đã có một người chồng, một người cha, một ngưòi ông có một không hai ở nước Việt Nam vào cuối thế kỷ 20 nầy.
Hắc Ký Ni Sơn tối hôm 23.03.1996
Huế Xưa và Nay 16 1996


Hết Tập III


  [ trang trước ]  /  [ trang sau ]