Chim Việt Cành Nam           [  Trở Về   ] 

GỬI THƯƠNG VỀ HUẾ

Tập III : Huế từ phương xa 

Võ Quang Yến

***

24- GỞI RỂ ĐẤT NGƯỜI

Nhà tôi chung sống với tôi lâu lắm mới về làm dâu xứ Huế. Trước chuyến về quê đầy tình cảm ấy, tôi đã phải ở gởi rể đất người, bên cái nước Pháp xa xăm từng học ở trường, từng biết trong sách và ấp ủ mộng mơ suốt thời niên thiếu.

Cuối đệ nhị thế chiến, gia đình nhà tôi bị tan rã, mỗi người một nơi. Tuy sống lên trong cộng đồng công giáo, ông thân nàng mang một cái tên germanique xem là nguyên gốc Do Thái, lại bị tình nghi làm quân kháng chiến nên bị quân Đức rượt bắt hàng ngày. Bà mẹ bận chuyện riêng tư, để hai đứa con không nơi nương tựa. Nàng và cô em gái được Hội Hồng Thập Tự gởi về vùng Morvan, nơi có truyền thống nuôi giữ con mồ côi cho đến lúc trưởng thành. Những gia đình nông dân chịu giữ con nuôi nầy chẳng lãnh được bao lăm phụ cấp, thỉnh thoảng, nhân dịp Noël chẳng hạn, mới nhận thêm được bộ áo quần, đôi dày, cái chăn. Trái lại, con trẻ ăn ở trong nhà có thể giúp giùm chút ít công việc lặt vặt hằng ngày. Vùng Morvan nằm ở phía nam Paris, cách xa khoảng 250km. Xã Champeau chỉ xa thị xã Saulieu có 10km mà trông như một làng quê hẻo lánh, không có nhà thờ lớn, tòa bưu điện, không có chợ búa dù chỉ nhóm vài lần mỗi tuần. Tuy không sinh ra ở đây, nhà tôi xem đất nầy như là quê mình. Mấy năm tuổi trẻ dù sao đã để lại nhiều ấn tượng cho suốt đời người.

Dân xã chuyên về đồng áng, trồng lúa, trồng khoai, nuôi heo, nuôi bò. Trai tráng trong làng đã chết nhiều trong kỳ Thế Chiến thứ nhất, xem đài trận vong tử sĩ đặt ở đầu làng thì thấy từng dãy dài tên mỗi gia đình. Một số nữa lại hy sinh trong Thế Chiến thứ hai nên cuộc trồng trọt, chăn nuôi thiếu nhân công, người làm, ngày trở nên khó khăn, mệt nhọc. Thêm vào đấy, xe máy, xe hơi, máy thu thanh, đài truyền hình cống hiến những dịp tiếp xúc với văn minh, thành thị, làm hoa mắt với những mẫu đời có vẻ hấp dẫn nên số trai trẻ còn lại dần dần bị quyến rũ, rời làng xóm đi tìm nơi đô hội một cuộc sống tương đối xem như nhẹ nhàng, dễ chịu hơn.

Còn lại ở xã là những bà già, những cô gái lỡ làng hay những người đàn ông hoặc vì ít biết tháo vát, hoặc vì nối nghiệp và bổn phận, không thể, không muốn hay không nỡ bỏ nhà bỏ cửa ra đi. Người nuôi nhà tôi, dì Jeanne, là một bà già không biết đọc, không biết viết, nhưng rất thông minh và đầy lương tri, lý trí. Ngồi nói chuyện với dì, lúc đầu rất khó hiểu vì dì dùng nhiều thổ ngữ như mọi người ở đây, tôi nhớ nhiều đến mạ tôi, tuy sống xa hằng vạn cây số, vẫn cùng có cách suy luận về cuộc đời. Cũng như mạ tôi, dì Jeanne quen sống với quan niệm thời xưa. Cô con gái út của dì từ lâu thương yêu một anh chàng ở xã bên cạnh, xa không quá 5km, thật xứng môn đăng hộ đối, nhưng cách ngăn một ngọn đồi, với một giọng nói và ít nhiều thổ ngữ khác, mãi sau nầy không tìm được một đám nào gần hơn, mới chịu cho cưới. Có lẽ tôi là người Á Đông đầu tiên dì gặp. Hôm tôi về đây lần đầu, nhân ngồi một mình với nhà tôi, dì nhẹ hỏi: "Con không sợ nó sao?" Nghe nói người châu Phi ăn thịt người, dì sợ người Á Đông cũng có truyền thống ấy. Ông chồng dì Jeanne, dượng Emile, chỉ có bằng tiểu học mà lại rất giỏi lý luận. Tôi đã từng thi đua vói dượng: để giải một bài toán, tôi đặt phương trình, dượng ngồi tính nhẩm, tôi chỉ thắng trong những bài phức tạp, khó khăn. Nhân nói chuyện các phi hành gia đổ bộ cung trăng, thấy tôi khâm phục kỹ thuật tân tiến, dượng lắc đầu: " Mầy tin những chuyện nhảm nhí ấy à? " Theo dượng, những hình ảnh trên đài truyền hình đều là chắp ghép, đặt bày để phỉnh phờ dân chúng!

Nói chung, dân ở đây, cũng như ở nhiều vùng quê khác, sợ và ít tin người lạ, ngoại quốc hay không. Hôm tôi về đây lần đầu tiên, nhà tôi giải thích cho tôi biết trước, chẳng có ai đưa đón đâu. Đi dạo quanh một vòng trong làng, tôi nhận thấy đường sá vắng tanh. Nhưng nhà tôi kéo áo bảo tôi nhìn kỹ sau các cửa sổ, rèm màn khẽ động tức là người ta theo dõi chúng mình đó. Lẽ tất nhiên chúng tôi ngủ lại nhà dì Jeanne, trên một cái giường kê cạnh thang gác, chứ chẳng có phòng riêng dành cho khách khứa. Đây cũng là một quán cà phê, rượu nước, vừa là tiệm bán thuốc lá và vài hàng tạp hóa, vừa là trạm điện thoại công cộng cho cả xã. Trong thời kỳ kháng chiến, đây là hộp thư tiếp xúc, truyền tin của du kích quân. Tiếng tăm dì Jeanne bắt đầu từ thời ấy. Sau chiến tranh, khách qua lại thưa dần. Nhưng tối hôm đó, bỗng nhiên tiệm đông đúc lạ thường: ai cũng muốn nhân uống ly rượu, xem mặt chàng trai xứ Huế, từ đâu xa bên xứ Đông Pháp lại, nơi được vài ba anh lính tùng chinh qua thuộc địa về kể lại, cũng là nơi gần đây đã sản xuất những chiến sĩ đánh bại cả một đội quân viễn chinh của mẫu quốc trong chiến dịch Điện Biên. Và nhất là xem mặt người đã chinh phục quả tim của cô gái mà họ từng quen biết hồi trước, nay đỗ đạt gì đó ở đại học. Nhất là cô gái nầy, cũng như cô em, hồi ấy không giống những cô gái đồng quê mà là hai cô bé Parisienne, tóc dài vàng mượt, áo quần tuy không phải lụa là cũng tươm tất, sạch sẽ, với bộ tịch rõ ràng của người thị thành, con nhà nền nếp là giáo dục gia đình của hai cô trước lúc chia lìa cha mẹ. Nghe nói thời ấy, cả một đám trai trẻ thường xuyên lại nhà, kẻ bửa củi, quét nhà, người ra giếng kéo nước,... mong lọt vào mắt xanh hai cô gái mỹ miều. Con mồ côi nuôi ở đây thật cũng lắm công việc. Nhà tôi còn nhớ mãi một hôm ham đọc cuốn sách một chàng trai nọ tìm ra đâu được trên gác, đem lại biếu, nàng trèo lên ngồi trên cây đọc trong lúc phải giữ bò, để cả đàn đi ăn bậy ở ngoài, bị la một trận nên thân!

Cái thú ham mê đọc sách ấy phát xuất từ hồi còn nhỏ. Ngay bây giờ cũng vậy, thấy bất cứ gì ở đâu nàng cũng đọc. Dì Jeanne cứ la mãi: " Con đọc sách nhiều làm gì, nó không nuôi sống con đâu!" Dì Jeanne đã lầm vì lương tri của dì không theo kịp kiến thức. Sống ở nông thôn, quen với đồng ruộng, dì không dè trong thời đại mới, nhiều nghề chỉ sống với cây viết, cuốn sách và, gần đây, với một cái máy tính. Vì vậy cho con đi học là một chuyện bất đắc dĩ. Hồi ấy con trẻ bắt buộc phải đến trường đến 14 tuổi. Trường tiểu học Champeau gồm có hai phòng do một cặp giáo viên, ông bà Lacroute, đảm nhận: một phòng dành cho hai lớp dưới với bà giáo, ông giáo dạy ba lớp trên trong phòng kia. Hai ông bà giáo nầy được bổ về dạy ở đây đã lâu, ở ngay trong trường và được xem như người trong xã. Hơn nữa, ông xã trưởng ít học, vị linh mục thỉnh thoảng mới ghé qua làm lễ khi cần, hai người trí thức độc nhất trong xã là hai ông bà giáo và ông giáo đương nhiên trở thành thư ký tòa thị chính, chăm lo mọi giấy tờ từ khai sinh, khai tử đến sổ sách điện địa. Hầu hết con cái trong xã đều qua tay ông bà. Nhưng công tác đồng áng là quan trọng, lắm khi cần kíp vào mùa gặt hái hay lúc thu hồi rơm rạ, học hành trở nên việc phụ. Phần lớn, nhất là bên phía nữ, không học hết cấp tiểu học và chút ít chữ nghĩa ít vận dụng với thời gian cũng phai nhòa rất mau. Đằng khác, ít thích học thì lại phá phách nhiều. Vào những năm cuối trước khi nghỉ hưu, ông giáo già trở nên nặng tai, bọn con trai nghịch ngợm mặc sức đùa giỡn, lắm lúc hỗn láo châm chọc vị thầy mà hồi nhỏ ấy chúng không có chút kính nể.

Sau nầy lớn lên, nên gia thất, có con cái, chúng mới nhớ lại vị thầy cũ ấy thật là một nhà giáo chân chính. Ông dạy không những chỉ các môn thường thức từ chính tả qua số học, từ sử ký qua địa dư, mà còn những môn ít được xác định như vệ sinh, luân lý, công dân giáo dục. Ông luôn nhấn mạnh về mặt thực hành. Trong mấy năm chiến tranh, phía sau bảng đen ông gắn một bản đồ rồi hằng ngày lấy kim găm theo dõi trận tuyến với những tin tức nghe tối hôm trước ở đài phát thanh nước Pháp tự do. Nhà tôi thường nhắc phần lớn những khái niệm tự do, bình đẳng, bác ái, dân chủ, cộng hòa, xã hội, nàng được ông giáo giảng dạy cho từ hồi ấy. Là một giáo sĩ cộng hòa trường phái Jules Ferry, xuất thân từ trường Sư phạm đào tạo giáo viên, ông không ngừng tranh đấu cho một quốc gia ngoài giáo hội nhưng không hẳn là người chống giáo hội, một xã hội công bằng trong ấy độc quyền không có chỗ đứng và mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không rõ ông có tham dự một đảng phái nào, thấy ông thực hiện ý chí qua cuộc giáo huấn con trẻ, không chỉ dạy dỗ mà còn giáo dục cho thành công dân cộng hòa có trách nhiệm, có khả năng tự mình phán đoán, hầu mong góp phần đánh tan nạn dốt là mẹ của mọi điều xấu, cái dở. Thật là một ông giáo lý tưởng, ngay cả ở nơi thôn dã hẻo lánh nầy.

Nhà tôi học mấy năm liền với ông giáo nầy. Học giỏi, xong bằng tiểu học, nàng đậu đầu vô trường trung học Saulieu. Nhưng đi học Saulieu thì phải ở ký túc xá mà phụ cấp của Hội Hồng Thập Tự không đủ để trả chi phí. Thế là nàng phải ngồi lại với ông giáo. Sau một năm, ông bảo:" Thầy biết gì dạy nấy. Thầy đã dạy cho con tất cả gì thầy biết. Bây giờ thầy xin chịu". Nhưng trước bộ mặt rầu rĩ của cô học trò ngoan, nhân danh thư ký tòa thị chính, ông đã thành công một việc có một không hai thời bấy giờ, lúc cuộc giải phóng phụ nữ đang chập chững bắt đầu: thuyết phục hội đồng xã cấp cho nàng một học bổng! Thường con mồ côi nuôi ở vùng Morvan, khi lớn lên con trai được đưa đi làm công nhân nông nghiệp, con gái gởi vào các nhà giàu làm người giúp việc để khỏi dùng chữ "đầy tớ" lỗi thời. Được đi học thêm ở trung học với nàng là bàn đạp mở cửa để tiến lên sau nầy: trường Sư phạm, trường Đại học Sư phạm, rồi luận án Tiến sĩ Khoa học, luôn qua thi cử và học bổng nhà nước. Kể chuyện đến đây, tôi không sao tránh được nghĩ đến ông Jean Genet, cũng là con mồ côi được Hội Cứu tế Công cộng gởi về nuôi ở vùng Morvan, lúc nhỏ không có điều kiện học hành, lớn lên phải trải qua biết bao khó khăn, phiền phức của người không có gia đình, nghề nghiệp nhưng rồi với tính nhẫn nại vô bờ, lòng cố gắng không bờ bến, đã trở nên một nhà văn nổi tiếng. Ông là bạn đồng môn với ông gia tôi.

Mỗi lần về Champeau, nhà tôi không quên đưa tôi lại thăm thầy cũ. Tay bắt mặt mừng, mỗi lần ông lặp lại ông rất thỏa mãn đời giáo viên của ông vì đã có người nối nghiệp, nắm đuốc thay phiên, nhất là cô học trò được ông nâng đở lúc đầu bây giờ đạt quá mức mình. Ông nói thêm không cần nhiều, một người đã là thành công. Sau đấy, quanh chai rượu Bourgogne xưa quí lấy từ hầm ra mà ông hân hạnh thấy tôi biết cùng ông thưởng thức như người bản xứ, ông huyên thuyên hỏi nhà tôi về chuyện học hành, giảng dạy, công tác khảo cứu, hoàn cảnh gia đình, rồi quay qua hỏi tôi về tình hình Việt Nam mà ông luôn theo dõi qua báo chí, máy truyền thanh, đài truyền hình. Với đầu óc dân chủ chống thực dân, thuộc địa, ông luôn chỉ trích đoàn quân viễn chinh đi phá hoại đất người. Cũng như sau nầy ông luôn phản đối hành động của Hoa Kỳ trên đất Việt Nam.

Bên phần nhà tôi thì không ngớt kể công đức vị thầy kính mến. Điều làm tôi ngạc nhiên thú vị là hầu hết những học trò cũ của ông giáo, nhất là các cậu nghịch ngợm thời xưa, đếu thán phục ông và biết ơn ông. Thế là cách đây mấy năm, ít lâu sau khi ông giáo từ trần, chúng tôi nhận được giấy mời một cuộc gặp mặt tại nhà trường xã Champeau, một buổi chiều đầu thu trước kỳ khai giảng. Gần hai trăm người, học trò cũ cùng vợ hay chồng, thêm con cái, từ bốn phương nước Pháp lại, chen chúc nhau trong lớp nhỏ xưa, mặc sức hàn huyên, tâm sự, cùng nhau ôn lại những ký ức một thời tuổi trẻ. Rồi sau đó, không kèn, không trống, không diễn văn, hiệu triệu, cả đoàn yên lặng kéo nhau lên nghĩa địa xã nằm trên đồi cao. Trước hai nấm mồ, không có thánh giá theo lời yêu cầu của những kẻ quá cố, bên cạnh hai lăng của dì Jeanne và dượng Emile, bọn học trò nghiêng mình tưởng niệm, kính cẩn ngậm ngùi hướng về ông giáo cũ. Trời mới về thu, chưa tối mà sương mù từ các ao hồ bốc dần lên bao phủ nghĩa địa như ôm ấp mối tình nghĩa nặng của những người học trò đối với ông thầy xưa. Linh hồn ông giáo nếu linh thiêng về đây, chắc phải mãn nguyện, không những vì thấy học trò không quên mình mà còn vì thấy những lời giảng dạy của mình một phần nào đã được ghi nhớ.

Đối với tôi, một buổi lễ đơn sơ như vậy thật quá đầy đủ. Không trực tiếp được ông giáo dạy dỗ, tôi cảm động trước nỗi lòng biểu lộ của đám học trò và tưởng nhớ đến những ông giáo thời xưa bên ta.Những người đứng ra tổ chức còn đi xa hơn: tối hôm đó, một bửa tiệc thịnh soạn để bạn cũ có thì giờ tiếp tục trao đổi chuyện đời xưa và chuyện đời nay. Sau cùng, theo tục lệ vùng Morvan, có ăn thì có nhảy: một cuộc khiêu vũ với một chiếc đàn accordéon độc nhất thay thế cho dàn nhạc. Rượu Bourgogne tha hồ uống. Thấy tôi do dự vì còn phải lái xe hơi, một anh bạn lại bảo: " Đừng sợ cảnh sát đón xe kiểm soát độ rượu vì chúng tôi đã báo cho họ biết trước rồi!" Thì ra mấy cậu học trò nghịch ngợm hồi xưa, thích phá hơn học, chữ nghĩa chẳng được bao lăm, ngày nay là công chức khắp vùng, ở ty bưu điện cũng như ở sở điện lực, có người làm thợ nề, thợ mộc, có kẻ chữa máy xe, có người ở xa, có kẻ ở gần...nhưng ít ai tiếp tục nghề nông của ông cha. Tuy vậy, tôi chắc trong lúc làm ăn, thế nào họ cũng có dịp sống những giờ phút nhắc lại ông giáo xưa với những lời vàng ngọc ngày nay vang dội trong đầu óc. Càng ngẫm nghĩ, học càng thấy ông giáo ấy là bậc thầy hiếm có, con người độc nhất trong vùng được gọi là "ông" (Monsieur Lacroute) mà ngay cả vị xã trưởng cũng không được tôn vinh. Và tình nghĩa thầy trò tưởng chẳng bao giờ phai.

Về thăm lại trường cũ của nhà tôi, thao thức suốt đêm sau một ngày rạo rực, hiện ra trong đầu óc tôi một kỷ niệm xa xưa thời tiểu học. Hồi ấy tôi học lớp nhì. Nhân làm một cái khung đặt hình trong giờ thủ công, tôi phải kiếm một cái hình để cho luồng vào. Tình cờ tôi tìm ra được một cái bưu ảnh hình dung tháp Eiffel cao vút trên nền trời xanh thẳm. Từ đấy tôi hằng mong một ngày được chiêm ngưỡng kỳ quan ấy như sau nầy mơ mộng về Kim tự tháp ở Ai Cập hay Vạn lý Trường thành bên Trung Quốc, không ngờ khoảng mười năm sau thời cuộc đã cho tôi thỏa mãn mộng ước. Hơn nữa, mặc dầu không dự tính, cuộc sống đã giữ tôi lại làm rể nơi đất khách quê người nầy. 

Hắc Ký Ni Sơnthu đông 2000
Nhớ Huế 11 Huế mùa thu 2001

  [ trang trước ]  /  [ trang sau ]