Chim Việt Cành Nam           [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]     [ Tác giả ]

MẸ ĐỒNG TRINH VÀ CHÚA HÀI ĐỒNG

Bài và ảnh Võ Quang Yến

Maria ! Linh hồn tôi ớn lạnh !
Run như run thần tử thấy long nhan
Run như run hơi thở chạm tơ vàng
Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến.
Hàn Mặc Tử( Ave Maria)
(Tưởng niệm 100 năm ngày sinh)
El Greco (1640-1614),
Tây Ban Nha
Tu viện Bethléem,
Les Corbières, Savoie
Triển lãm Trung Cổ,
Amiens, Picardie
Đức Mẹ Đồng Trinh giữ một chân đứng quan trọng trong hình tượng Công giáo vì là nơi nghệ sĩ mặc sức biểu thị nhãn thức vẻ xinh đẹp trên con người. Trình bày cùng lúc đức Mẹ Đồng Trinh và vị Chúa Hài đồng lại là một dịp để diễn đạt tình thương mẹ con mà tôn giáo nào cũng đề cao. Người Pháp gọi hình tượng nầy là Vierge à l'Enfant hay Madone, người Ý có tên Madonna col Bambino. Thật ra, từ thuở ban đầu không có sự thờ cúng đức Mẹ Đồng Trinh. Trong kinh Tân ước, Bà chỉ đóng một vai trò thứ phát mẹ đẻ sinh học của đấng Giêsu. Bà bắt đầu rụt rè xuất hiện vào thế kỷ 2, những câu viết bóng gió về Bà đang còn ít át, kín đáo. Nhưng cũng bắt đầu từ đây, khuôn mặt Bà hiện diện trong từng trang lịch sử đạo Cơ đốc và mọi vị thánh Giáo hội không ngớt ca ngợi Bà. Tuy nhiên, cũng nên biết xuất thân là một thường nhân, Bà được đề cao là nhờ sự thần khải thiên tính của cậu con trai Giêsu, từ đấy Bà được đón nhận với tất cả lòng kính thương, trìu mến, cảm phục. Phát xuất từ tiếng Hy Lạp Mariam hay tiếng Do Thái xưa Hê brơ Myriam (mar yam có nghĩa là giọt nước biển), tên Marie hay Maria của Bà thường được giải thích với nguồn gốc xa xôi Ai Cập m.r.y. nghĩa là thương yêu. Hai Giáo hội Chính giáo và Giáo hội Công giáo đã đưa Bà lên một cấp đặc biệt và gọi Bà là đức Mẹ Đồng Trinh. Vì vậy, hình tượng của bà sớm được thấy nhiều trong các tranh thánh vẽ trên gỗ (icône) đông phương cũng như trên các bức tranh tây phương, đặc biệt ở Ý. Trên các tranh thánh vẽ trên gỗ thường có ba ngôi sao chỉ định sự trinh tiết vĩnh cửu của Bà : trước, trong lúc và sau cuộc sinh đẻ. Cũng để làm cho vững tin sự trinh tiết nầy, những hình tượng Bà có mang hay cuộc ở cử có lúc ban đầu, dần dần bị bỏ đi vì Giêsu đã được xem sinh ra như là một phép lạ. Đạo Tin lành xem Bà như mọi người đàn bà khác, trinh bạch trước khi có con, sau nầy còn có những đứa con khác theo như đã viết trong Phúc âm. Trong kinh Coran Hồi giáo, Myriam được ghi là mẹ của Issa, tức Giêsu, nhưng được xem như một vị thánh thường vì theo họ Giêsu chỉ là một nhà tiên tri.
Nhà thờ ND Aix-les-Bains,
Savoie
Nhà thờ Saint-Andoche,
Saulieu ,Côte d'Or
Tu viện Bethléem, 
Les Corbières, Savoie
Cuộc thờ cúng Bà Mẹ Đồng Trinh luôn được liên hợp với sự chiêm ngưỡng đấng Giêsu trong tình nhân loại vô biên của Ngài. Như vậy ta hiểu tính quan trọng của hình tượng đức Mẹ Đồng Trinh bồng Chúa Hài Đồng trình bày cho tín đồ. Vì liên quan mật thiết giữa Maria và Giêsu, vì tình yêu của mọi người đối với bà mẹ đã nuôi mình, mọi cầu xin qua trung gian của Maria ắt phải được Giêsu chấp nhận. Mặt mày vui tươi của Maria cũng như của Giêsu bộc lộ tất cả tính nhân loại của hai mẹ con. Giêsu bụ bẩm, miệng hiền cười, tinh nghịch dang tay mân mê tóc mẹ hay vú mẹ, trong khi Maria âu yếm nhìn xuống, sẵn sàng bảo vệ đứa con yêu quí của mình. Những tình cảm tế nhị và phối hợp nầy phục hồi một nguyên tắc của kinh thánh : Chúa quả thật là người, từ bụng mẹ sinh ra, uống sửa mẹ mà sống lên ! Để nhấn mạnh tinh thần nầy, lúc trước có những hình tượng trình bày Giêsu với dương vật để lộ ra, hay hơn nữa Maria đưa tay chỉ dương vật ấy, nhưng ngày nay thuần phong mỹ tục buộc các nghệ nhân lấy chăn đắp thân Giêsu, che áo lấp ngực Maria. Đúng ra, những bộ phận riêng tư chỉ được yêu cầu đừng phô bày ra nữa trong hình tượng từ Hội nghị Giám mục Trente (1545-1563). Có những tác phẩm có tiếng thời trước như bức tranh của họa sĩ người Ý Titien (1490-1576) thì được sửa lại, một tấm vải trùm khỏa lên ngực Maria, nhưng đầu Giêsu vẫn còn hướng về vú mẹ. Một hình tượng tạc khoảng thế kỷ 15 ở nhà thờ lớn Nancy, năm 1792 bị gảy, khi sửa lại không những Maria được áo che kín ngực mà đầu Giêsu cũng được dựng lên thẳng chứ không còn nghiêng như trước.
Viện bảo tàng la Grande Chartreuse, La Correrie, Isère 
Cathédrale ND et Saint-Lambert, Liège, Bỉ
Nhà thờ Saint-Maurice,
Ecole, Savoie
Hầu hết các nhà sử học đều đồng ý hình tượng đức Mẹ Đồng Trinh bồng vị Chúa Hài Đồng có liên quan đến hình tượng nữ thần Ai Cập Isis (vợ của thần Osiris) bồng con Horus. Vào thời kỳ các văn minh Hy Lạp, La Mã, cuộc thờ cúng nữ thần Isis được phát triển và hàng ngàn tượng nhỏ được phát ra. Isis được xem là bà mẹ vạn năng, nhờ cho con bú sửa mình mà cứu được con bị rắn cắn. Từ đấy, hình tượng Iris cho con bú thể hiện sức mạnh của sức sống. Rất có thể những tín đồ Thiên chúa giáo Côp ở Ai Cập đầu tiên đem Maria thay cho Isis, hình tượng được chuyển qua Bizance (tượng Galactotrophoussa, thế kỷ 7, rất có tiếng), rồi theo cuộc viễn chinh chữ thập (thế kỷ 11-13) lần lượt nhập vào nước Ý và các nước tây phương khác. Một giả thuyết khác ít được nói đến lấy nguồn gốc từ hình tượng hoàng hậu Fausta (khoảng 289-326), vợ vua La Mã Constantin I, cho con là Pietas bú. Dù sao, không phải lúc nào Giêsu cũng bú mà trong phần lớn các hình tượng, hoặc Maria chỉ trình bày vú cho con, hoặc Giêsu sờ vào vú mẹ như trẻ con nào cũng thường làm, hay có khi Maria bóp vào nấm vú để cho sửa chảy ra. Cử chỉ nầy mang tên cuộc sinh sửa của thánh Bernard. Tục truyền ở nhà thờ Saint-Vorles thị trấn Châtillon-sur-Seine, một hôm thánh Bernard khấn trước tượng đức mẹ Maria cho con Giêsu bú, khi đọc đến câu bằng tiếng La Tinh Monstra te esse Matrem (có nghĩa Kính Bà dạy cho biết là Mẹ của các con), tức thì tượng khẽ động và đức Bà ép tay vào vú cho phóng ra một tia sửa lên môi thánh từ lâu khô ráo vì đã đọc kinh ca tụng nhiều. Sự kiện dùng hai ngón tay bóp vào nấm vú đã được một nhà tôn giáo học, Thomas Peter Kunesh phát triển thành lý thuyết một cử chỉ thần thánh, cũng như Vicky Spindler đã khảo cứu tường tận cách đức Bà cởi áo để lộ vú ra cho con.
Nhà thờ Severin,
Paris
Hầm nhà thờ Montmorillon,
Poitiers, Vienne, Poitou
Nhà thờ ND des Clés,
Poitiers, Vienne, Poitou
Cảnh tượng Maria và Giêsu không phải luôn luôn giống nhau. Vào thời đại roman, Giêsu được trình bày nằm cạnh mẹ. Qua thế kỷ 13, Giêsu nhìn mẹ. Cuối thế kỷ nầy, Maria bồng con trên tay và đến thế kỷ 14 mới thấy cho con bú. Nhưng Giêsu bồng trong tay mẹ không phải lúc nào cũng là hình tượng một đứa bé. Nên biết ở phương tây, vào thời trung đại, trẻ con có một cương vị khác với bây giờ. Nó thường được mẹ nuôi dưỡng trong một môi trường vắng bóng khái niệm gia đình. Phải đợi đến thế kỷ 17 mới thấy có dấu vết gia đình trong các hình vẽ. Trẻ con sinh ra để làm việc như người lớn, được trình bày trong các hình vẽ như người lớn, xem như những họa sĩ, thợ chạm không biết kích thước giải phẩu con người, cũng không để ý đến nét mặt dịu hiền, đặc biệt má phính của những đứa bé. Rút cuộc Giêsu đứng cạnh hay ngồi trong lòng mẹ là một thanh niên, nếu không là một người đứng tuổi kích thước thu nhỏ ! Qua thế kỷ 16, khi họa sĩ và người thợ thu thập kiến thức giải phẩu con người, thông hiểu những kỹ thuật hoàn hảo từ Ý đem qua mới chế ngự được nghệ thuật hội họa, chạm trỗ, cử động của con người. Dần dần những điệu bộ, cử chỉ được hoàn thiện : mặt mày, tay chân Giêsu bụ bẩm, Maria tế nhị nắm bàn chân Giêsu, hậu môn Giêsu nhẹ nhàng đặt lên tay trái (có nhiều nơi tay mặt) Maria, Maria nghiêng mình về Giêsu, hai mặt âu yếm nhìn con, Giêsu dang tay níu cổ mẹ với tất cả mảnh lực của đứa bé,... nói chung mọi tư thế thể hiện tình thương giữa Maria và Giêsu, tình thương giữa đứa con và mẹ nó. Cảnh tượng quen thuộc, thân giao nầy đi sâu vào tim, tiến vào đáy hồn, dễ gây lên trong lòng tín đồ những cảm giác thành kính, sùng đạo.
Basilique Saint-Urbain,
Troyes, Aube, Champagne
Triển lãm Trung cổ,
Amiens, Picardie
Cathédrale ND,
Bayeux, Calvados
Ở Pháp, thường lại một thành phố mới, nhà tôi và tôi hay đi xem chợ và nhà thờ. Trong nhà thờ có nhiều tượng đức Mẹ, chúa Giêsu, các thánh,... mỗi nơi một khác. Lúc đầu chúng tôi chỉ xem cho biết, dần dần kiếm cách tìm hiểu phong cách nhà thờ, phân biệt các tượng theo niên đại, vùng đất,... Riêng phần tôi, có lẽ do ảnh hưởng sâu đậm của đức Quan Âm từ thuở nhỏ, như bao người Việt khác, trước chỉ tình cờ, dần dần tôi cố tìm xem những hình tượng đức Mẹ Đồng Trinh bồng vị Chúa Hài Đồng mà tôi cho là "đặc biệt". Tôi còn nhớ ở Bretagne, một hôm được một bà bạn chở xe đi xem những nhà thờ nhỏ vùng quê quanh thị trấn Loctudy. Đến nhà thờ Plonivel, tôi thấy được một tượng đức Maria tay mặt (chứ không phải tay trái) bồng Giêsu, tay trái cầm cuốn sách (thời ấy chưa có kinh thánh), liền chỉ cho bà bạn và nhà tôi nguyên là những người mê đọc sách. Bà bạn thú thật quen thuộc nhà thờ nầy mà không để ý đến cuốn sách. Thì ra, nếu không tò mò tìm, mình trông và chỉ thấy cái gì mình biết. Ở Aix-les-Bains, ông giám đốc sở tổ chức xe ca du lịch, khi nghe tôi trình bày có lẽ có phần thuyết phục, liền đề nghị tôi đến thăm nhà thờ làng Ecole của ông : tôi vui mừng ngạc nhiên đứng trước một hình tượng "đặc biệt" đức Maria có chúa Giêsu ngồi trên đầu gối chưa bao giờ thấy, mủ đỏ, áo xanh phủ xuống tận đất, phong cách những nghệ nhân dân gian hồn nhiên. Trong nhà thờ, nói chung hình tượng cặp Maria - Giêsu có thể đứng riêng nhưng lắm khi được tạc trong một cảnh tượng lịch sử : cảnh các pháp sư tôn thờ, cảnh chạy trốn qua Ai Cập, cảnh giới thiệu Giêsu ở nhà thờ, cảnh gia đình với các thánh Anne, Joseph. Ít thấy có Giêsu trong tay Joseph. Áo quần của hai mẹ con thì vô cùng đa dạng : hai hình thức cực độ là lúc ban đầu nghèo khổ, áo quần lem luốt, khiêm tốn như khi ở trong chuồng bò, và về sau Giêsu trở thành vua, Maria tâng lên bà hoàng, áo quần vua chúa, sơn son thép vàng, hai người đều đội mũ miện, oai nghiêm trong chốn vương triều.
Chapelle Plonivel,
Finistère, Bretagne
Tu viện Bethléem,
Les Corbières, Savoie
Viện Bảo tàng Savoie
Chambéry
Quê quán Trung Âu, tất nhiên Maria và Giêsu là người da trắng. Tuy nhiên cũng thấy có hình tượng hai vị nầy da đen. Có những tượng màu đen tạc ra ở những vùng người da đen tuy màu sắc không cùng ý nghĩa với những tượng đen Âu châu. Vẽ theo phong cách byzantin trong các tranh vẽ trên gỗ những thế kỷ 13-14, những tượng nầy thuộc thời đại trung cổ, tìm ra phần lớn ở miền nam nước Pháp và quanh vùng Địa Trung Hải, lĩnh vực của nghệ thuật roman. Ở đây còn có một tượng đen khác, Sara e Kali tức thánh Sarah da đen, thánh bổn mạng những người gitan Rom, được thờ ở hầm mộ nhà thờ Saintes-Marie. Theo Giáo hội Công giáo, màu đen của tượng lầy gốc từ câu bằng tiếng La Tinh trong bài thánh ca : Nigra sum, sed formosa, có nghĩa "Ta là đen nhưng đẹp". Lúc trước, người ta giải thích tượng đen vì loại gỗ chọn lựa : gỗ mun, gỗ dái ngựa (acajou), hay vì hương khói trong nhà thờ. Dựa theo câu thánh ca, nhiều tượng trắng lại được nhuộm đen. Tuy nhiên như tuồng màu đen đã được chỉ định từ trước. Nhiều tượng thánh như tượng các Thánh Mẫu trong các đạo nhiều thần Cibèle, Diane, phần lớn đều đen. Tượng thần Isis bồng con Horus, tìm ra trong các hầm bên Ý lúc thiên chúa giáo mới đưa sang Roma, với chú thích ở dưới : Virgini pariturae (có nghĩa Bà Trinh sẽ đẻ con) hay Isidi, seu Virgini ex qua filius proditurus est (có nghĩa Dâng Isis hay Bà Trinh, từ Bà mà con sẽ sinh ra) phải chăng cũng màu đen.
Tu viện Bethléem,
Savoie
Nhà thờ Saint-Paul Saint-Pierre,
Ferrières, Seine-et-Marne
Nhà thờ Saint-Maurice,
Ecole, Savoie
Ngoài những tượng Maria cho Jésus bú, Maria bồng Giêsu ngưòi lớn, Maria bồng Giêsu đọc sách, Maria và Giêsu đen đã thấy, trong các nhà thờ còn rải rác những biến dị khác : Giêsu đứng, Giêsu ngồi, Giêsu trần truồng, Giêsu quấn tả, Giêsu mặc áo quần, Giêsu cầm quả đất, Giêsu cầm con chim, Giêsu cầm chùm nho, Maria đưa bươm bướm cho Giêsu, Maria cầm chìa khóa, Maria cầm hoa hồng, Maria tay trái cầm hoa tay mặt bồng Giêsu, ...May mắn hay đến với người đam mê : trên một ngọn đồi cạnh tu viện Bethléem ở làng Les Corbières, cách xa Aix-les-Bains một giờ đi bộ, những bà xơ đã thu thập quanh vùng miền núi Savoie và miền nam nước Pháp một số hình tượng "đặc biệt" và những bản sao, vừa để trưng bày vừa đế bán. Tôi không có tiền mua và cũng chẳng mua làm gì nhưng sau khi chụp nhiều hình cũng lễ phép mua một vật nhỏ như để trả tiền vé vào cửa. Tư liệu của tôi chỉ sau một chiều hè đã tăng lên gấp bội. Ngắm nhìn mãi hình tượng đức Mẹ bồng Giêsu, tôi bổng nhớ trong chùa Phật giáo có đức Quan Âm là một vị Bồ Tát cứu khổ cứu mạng. Nếu Maria lấy gốc từ thần Isis, hình tượng đức Quan Âm không ít thì nhiều cũng chịu ảnh hưởng Maria. Bằng chứng là trước kia đức Quan Âm chỉ ở trong thiền đường cùng với đức Phật và những vị Bồ Tát khác, bây giờ đức Bà được đưa ra ngoài trời, trong vườn, áo quần tha thướt làm tăng thêm vẻ đẹp của Phật Bà Quan Âm. Tuy ít thấy, cũng có tượng Bồ Tát Quan Thế Âm ẳm con, gọi là Quan Âm tống tử, ít nhiều nhắc nhở đến tượng đức Mẹ Đồng Trinh và vị Chúa Hài Đồng.
Nhà thờ ND 
Bayeux, Calvados, Normandie
Dom Sankt-Peter
Sankt-Maria, Kohl, Đức 
Nhà thờ ND des Carmes,
Pont l'Abbé, Finistère, Bretagne
Vượt trùng dương, nhập gia tùy tục, Công giáo cho phép Đức Mẹ Đồng Trinh và vị Chúa Hài đồng hiện thân dưới hình thức người bản xứ. Nếu hai vị nầy đã thấy có màu da đen, không ai lấy làm lạ thấy họ cũng mang màu da vàng. Từ Ấn Độ lên Hàn Quốc, từ Trung Quốc xuống Bali, từ Campuchia qua Việt Nam, Maria và Giêsu trong nhiều hình tượng hết còn là người Trung Âu, trái lại với đức Phật Cakyamuni hay vị Giáo chủ Muhammad luôn được trình bày trung thành với nguồn gốc của mình. Trong khuôn khổ thế giới hóa biểu thị tôn giáo, Hội Truyền giáo ở nước ngoài tại Paris có một bộ hình tượng sưu tầm quí giá ít thấy Mẹ Đồng Trinh và Chúa Hài đồng ở Á châu trưng bày trong tủ kính,với y phục cổ truyền đặc sắc của mỗi xứ. Trừ ở hai tượng Trung Quốc và Bali, các Mẹ Đồng Trinh đều bồng Giêsu trên tay trái.
Trung Quốc 
Campuchia 
Bali
Hàn Quốc
Ấn Độ
Việt Nam
Hội Truyền giáo ở nước ngoài tại Paris
Trong lúc phong trào thế giới hóa đang lên cao, vào lúc cuộc Tây tiến của Phật giáo đang tiến hành, tranh bìa một dĩa nhạc Vêpres à la Vierge en Chine - Choeur du Beitang (Pékin) thể hiện một cuộc giao lưu tôn giáo, một cuộc trao đổi văn hóa Đông Tây tràn đầy hạnh phúc. Một bức tượng chạm hiện đại của Robert Levêque triển lãm ở Sceaux chứng minh khả năng vượt thời gian của nghệ thuật ; ngày nào sáng tác các nghệ nhân còn dồi dào, hình ảnh Mẹ Đồng Trinh và Chúa Hài đồng luôn còn tồn tại. Đằng khác, trong kỳ Thế giới Vận động hội 2012 vừa qua ở London, cô Meseret Defar nước Etiôpi khi đạt đến đích hàng đầu trong cuộc chạy đua 5000m liền quỳ xuống hôn đất rồi rút từ áo cánh ra một tấm ảnh Mẹ Đồng Trinh và Chúa Hài Đồng dấu trên ngực, hôn luôn vào để cám ơn đã giúp mình đạt huy chương vàng ! Tín ngưỡng trong dân gian đã xuyên thấu ngành thể thao cũng như đã thấm nhuần nghệ thuật.
Tượng của Robert Levêque
Bìa dĩa nhạc Vêpres à la Vierge
Xô thành, Vui mùa Giáng Sinh 2012