Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]         [ Tác giả ]

Chuyện một gã tâm thần

truyện ngắn: Trần Hạ Tháp

(tặng Đ.Th)
1*

Những câu hỏi cũ mèn và nhàm chán. Người ta lập lại y chang trong mỗi định kỳ kiểm tra bệnh lý. "Ông vào đây bao lâu rồi? Nhớ không" . Và cứ thế, như máy hát vừa nhấn nút play, hắn trả lời kiểu đầu từ mòn nhẵn:

-Nhớ quá chứ. Ngày cái cổng kia kìa... Đấy, đóng lại sau lưng. Khi đã ngộ ra thì quá trễ.

-Ngộ ra à, còn ngộ thêm gì nữa?

-Nhiều lắm. Chẳng hạn như qua một thời thanh xuân oan uổng do đã uống quá nhiều chất kích thích độc hại... Nói chung dần trở thành thiểu năng trí tuệ hay tiønh trạng không ngoài giải thích ấy. Khốn nạn, lại cứ đinh ninh thuốc bổ khoẻ tinh thần hiếm có.

-Ông muốn sớm ra khỏi nơi nầy chăng?

-Câu trả lời cần tế nhị.

-Tế nhị là gì nào?

-Im lặng hoặc nói quanh quẩn - tệ hơn - tỏ vẻ sôi nổi điều vớ vẩn nào đó. Coi như im-lặng-kỹ-thuật.

Viên y sĩ mỉm cười trong ánh mắt và hỏi nhanh sang chuyện khác:

-Tình trạng hiện thời sau thời gian điều trị?

-Có lẽ khá tốt.

-Nói chung ra sao?

-Dễ dàng nhưng cực kỳ hiệu quả.

-Ông có thể tóm tắt quá trình? Cụ thể nhé.

-Vâng, tự kỷ ám thị mỗi ngày bằng câu nói ngang hàng kinh điển. Nó hoạt kê với người bình thường, song với tôi quan trọng..."Tôi là người. Tôi không phải hạt tấm. Tôi không sợ con gà".

-Tại sao phải tự nhắc nhủ hoài như thế nhỉ? Tiếp tục đi.

-Đấy. Trước đây, hễ thấy gà là đâm đầu bỏ chạy bất kể sống chết, rất kinh hoàng. Lý do à? Tôi đinh ninh mình chỉ là hạt tấm. Có thế. Hạt tấm.

-Thế trước đây ông nghề nghiệp giø? Có bình thường không?

-Làm thơ, viết văn không nên gọi là nghề-nghiệp-bình-thường, lại càng không thể cho là nghề-nghiệp-tầm-thường được. Tôi xin trang trọng cải chính.

-Ra thế, xin lỗi. Nên hiểu nghề-nghiệp-phi-thường rồi đấy. Đúng chưa nhà thơ, nhà văn, nhà chữ nghĩa?

-Im lặng tế nhị.

Một vị khác gật gù tiếp lời:

-Sợ gà hả. Chắc nhiều điều đáng nói về loài vật ấy. Ví dụ ..?

-Nhập tâm luôn. Tổ tiên ta khẳng định qua quá trình chiêm nghiệm đầy chua xót "Gà nhà bôi mặt đá nhau". Từ đấy, biết bao lần phải kêu-lên-lời-ca-dao-khắc-khoải "Khôn ngoan đối đáp người ngoài. Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau". Cha ông còn sợ gà đến thế huống gì con cháu. Cái giống gà ta...

Chúng chỉ gáy là tài, là ra vẻ oai hùng lắm. Nhưng nhìn kỹ là giống vật ăn bám đệ nhất. Loài tối đa tận dụng sản phẩm người nông dân tạo tác. "Gà què ăn quẩn cối xay", ở đâu có lúa gạo mùa màng là có gà bới móc, canh phá.

Tệ lậu hơn, cái lũ ăn cho no để rồi "Gà tức nhau tiếng gáy" còn đá nhau văng máu... Chúng say sưa bạo lực như con bệnh ghiền, lấy đó làm chiến tích vinh danh "Say như say gà đá". So cọp beo dữ tợn trên rừng cũng chưa từng có thảm hoạ huynh đệ tương tàn nào lâu dài, kiểu tự huỷ nòi giống như gà cả. Đá nhau đến chết. Chúng bán mạng cho hạng cá độ rầm rập vỗ tay vòng ngoài hưởng lợi, vẫn cứ phưỡn ngực ra gáy te te đầy ngu muội.

Lợi ích gà à? Lợi bất cập hại chả ra gì. Luôn gáy sáng giúp nông dân ra đồng hả? Vâng, không thế thì lấy đâu ra lúa gạo cho chúng mổ, chúng tứa vào điều đây? Ai nhờ gà mà có lợi riêng dài dài, con buôn nào lên cơ nghiệp nhờ gà, muốn hàm ơn ư? Cứ việc. Chắc chắn hạng nầy không bao giờ đa số.

Ôi gà... Nhà nông cơ cực mỗi ngày phải "Một nắng hai sương". Sương mai còn đẫm đã rời chiếu ra đồng cho đến sương chiều xuống mới ló mặt về nhà. Thế còn chúng? Chuyên ở sân, vườn im mát chỉ đợi "Chủ vắng nhà, gà bươi bếp". Rồi cái việc "Nhất dê già, nhì gà trống" sẽ nực cười khi "Lo gà không đạp mái, lo gái không bồng con" đủ biết loài nầy siêng năng gì nhất? Thế, chiều chưa tắt mặt trời đã lo nhảy lên giàn tranh chỗ, mổ nhau chí choé. Trời vẫn cứ ưu đãi cho..."Quáng gà" để ngủ sớm hơn ai.

Này, về đạo nghĩa tri ân thì muôn đời đừng ai hỏi tại sao " Aên rồi quẹt mỏ như gà"? Cái hoạ miền quê ở gần bờ bụi kia kìa "Dẫn rắn vô nhà, chuồng gà lo phá"... Gà đấy. Ai điên, ai mất trí, ai thiểu năng trí tuệ? Tôi đành nhận cả chứ sao. Bảo không kinh sợ gà mới là lạ.

-Đến nỗi nhập tâm luôn, sinh bệnh cứ nghĩ mình là hạt tấm?

-Hạt tấm thôi nói gì. "Cơm mô cho vừa miệng chó? Ló mô cho vừa mỏ gà?"*. Cho nên, nhạy bén cảm xúc - với tôi - chỉ làm nỗi sợ gà tăng thêm thì có. Vì thế quán tính sáng tạo thơ văn cứ gọi là đi sau một triết lý...

-Triết-lý-hạt-tấm cũng là triết lý an thân?

-Im lặng tế nhị.

-Rất tốt. Hoàn mãn rồi đấy. Xin báo tin vui, nhà thơ nhà văn đang ngồi trước mặt chúng tôi đã phục hồi trí tuệ. Chúc mừng ông, chỉ vài phút thủ tục

nữa thôi giấy xuất viện sẽ được ký và trao tận tay ông. Luôn tiện, đoàn kiểm tra khoa tâm thần chúng tôi cùng nhất trí loan báo sẽ viết kiến nghị làm giấy ban khen bệnh viện đạt thành tích vượt mức hôm nay.

2*

Hắn ngồi thừ ở công viên đến trưa. Tờ giấy xuất viện trong túi áo cũng

không buồn đọc đến hai lần. Cuộc sống vốn chừng mực, vô lo ở trong khoa

tâm thần đã quen, đã ngấm ngầm hợp lý hoá tư duy của hắn. Vả lại, cái danh

nghĩa nhà thơ nhà văn trước đây đâu có mất?

Nơi ấy, không sướng sung gì nhưng vốn đã quen với nếp sống đã được xếp đặt khiến hắn có cảm giác an tâm. Ít ra, nó hơn hẳn viễn cảnh bấp bênh của ngày mai trước mắt... Khi mà hắn đã phục hồi lý trí, hay nói cách khác, trước mắt mọi người, đã không còn sự thảnh thơi của một thằng từng bị điên có giấy tờ chứng nhận. Bây giờ đây, quả trớ trêu - trong một cảnh giới mà sự ảo tưởng luôn là thành tố căn bản lại cho thấy - một điều rất hiện thực... Hắn thất thế trong cảnh giới đầy giả dối nầy.

"To be or not to be"? Hắn thầm ngán ngẩm Shakespeare trong Hamlet vì câu ấy. Đó cũng là một phần bi kịch chính hắn. Shakespeare quá lắm! Ngài chuyên chơi trò lộn tim đen nhân loại ra ngoài bằng được. Cuối cùng hắn đi đến 2 cái quyết định dứt khoát và đứng dậy bỏ đi. Khi bảo vệ cống khoa tâm thần nhiøn thấy lại mặt hắn, đã phải nhăn mặt cự nự:

-Xuất viện không lo về còn lui lại làm gì. Quên đồ đạc hả?

Hắn chạy xộc vào thở dốc, cuống quýt mặt xanh như tàu lá:

-Ngoài kia... Ghê quá. Vừa mới gặp con gà...

Người bảo vệ thất vọng lắc đầu, bỏ đi phút chốc trở ra cùng y sĩ. Ông ta tức giận thộp cổ hắn hỏi to như quát:

-Nói mau. Ông là ai. Có còn nhớ gì không hả?

-Tôi là người. Tôi không phải hạt tấm. Tôi không sợ con gà.

-Thế cứ bỏ chạy bạt mạng khi thấy gà là sao? Cha nội ưa điên lại à.

-Không. Không điên, tôi biết chắc là người chứ không bao giờ mình là hạt tấm. Đích thực người. Cam đoan.

Y sĩ dịu giọng, vỗ vai tươi cười:

-Đúng, không những thế ông còn là nhà thơ hoặc nhà văn nữa. Ông đã

từng có nghề-nghiệp-phi-thường mà. Hãy tĩnh tâm một chút, và...

-Rất cảm ơn lòng tốt mọi người, song quả thực chừng ấy vẫn chưa đủ. Điều nan giải, ai cũng bảo tôi là người, song gà thì khác. Nó đâu biết, vẫn cứ xem tôi là hạt tấm thì sao. Ai giúp tôi? Nếu không lo bỏ chạy liệu có còn cái mạng với nó? Tôi là nhà thơ nhà văn ư? Chả cái quái gì mà vênh váo. Mổ một cái xong om... Xin thưa đúng đến mấy, lý luận hay ho nào cũng đồ bỏ trước mặt con gà.

Thế là quyết định thứ nhất thành công. Hắn đã... Trở lại khoa tâm thần như cũ. Còn quyết định thứ hai? Không đụng đến ai, hắn tự đính chính lấy trong lòng về chính hắn. "Quá tội nghiệp, thật buồn cười khi cứ nghĩ rằng đã là nhà thơ nhà văn đích thực". Điều trước đây hắn luôn ngấm ngầm tự sướng.

(thành nội Huế - 07/08/2012)
Trần Hạ Tháp
(*)Ló: Lúa, tiếng miền quê Trung Việt.