Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]              [ Trang Chủ

Giới thiệu truyện ngắn
Người mù
của: Guy de Maupassant
Thân Trọng Thủy
Ánh nắng đầu tiên trong ngày đem lại niềm vui nào cho ta vậy? Tại sao ánh nắng ấy khi chiếu xuống mặt đất lại làm cho ta tràn trề  vui sống như thế? Bầu trời xanh ngắt, đồng quê  xanh rì, nhà cửa thì toàn màu trắng; và mắt ta hân hoan đón nhận những sắc màu ấy để làm cho tâm hồn ta được tươi tắn. Và ta cảm thấy muốn nhảy múa, muốn chạy, muốn hát; cảm thấy một ý tưởng thật nhẹ nhàng và hạnh phúc đang đến với ta, một thứ cảm giác êm dịu đang lan tỏa...Ta như muốn ôm lấy mặt trời.

      Giữa sự tươi vui mới lạ ấy, những người mù ngồi trước ngưỡng cửa như mọi khi vẫn giữ vẻ yên lặng, bình thản trong bóng tối vĩnh viễn của họ, và, không hiểu chuyện gì đang xảy ra, họ níu giữ mấy con chó lại vì có vẻ như chúng muốn nhảy nhót.

      Đến cuối ngày đứa em trai hoặc cô em gái sẽ dắt họ về nhà, nếu đứa em nói:" Hôm nay trời đẹp ghê" thì người kia sẽ đáp:" Anh đã biết rõ là hôm nay trời đẹp, bởi vì con Loulou đã không chịu ở yên một chỗ".

      Tôi biết một người trong bọn họ. Cuộc đời anh ấy là một trong những kiếp sống đọa đầy, khổ ải nhất mà ta có thể tưởng tượng được.

      Anh ấy là một nông dân, con một chủ trang trại người Normandie (1). Lúc cha mẹ anh còn sống thì anh còn được chăm sóc đôi chút, anh không có gì đau khổ ngoài sự khuyết tật khủng khiếp của mình, nhưng ngay sau khi cha mẹ qua đời thì cuộc sống khốn khổ bắt đầu.

     Anh được một người chị thu nhận, nhưng tất cả mọi người trong trang trại đối xử với anh chẳng khác gì với một kẻ ăn xin, ăn nhờ phần cơm của người khác. Mỗi bữa ăn họ đều nói nặng nói nhẹ về phần ăn của anh. Họ gọi anh là đồ ăn không ngồi rồi, đồ cục cằn thô lỗ, và mặc dầu phần gia tài thừa kế của anh đã bị người anh rể chiếm đoạt, họ cũng chỉ nuôi ăn anh một cách miễn cưỡng, vừa đủ để cho anh khỏi chết đói mà thôi.

      Mặt anh xanh xao nhợt nhạt, đôi mắt to và trắng như bột mì làm hồ dán. Bị chửi rủa, anh vẫn  thản nhiên, đến nỗi người ta không biết anh có cảm thấy mình bị sỉ nhục hay không nữa.Ngoài ra anh chưa hề biết đến một sự dịu dàng nào cả. Mẹ anh không thương anh, thường bạc đãi anh. Bởi vì ở ngoài đồng những người không hữu dụng đều là những kẻ có hại, và nhà nông họ sẵn sàng làm y như những con gà mẹ loại bỏ những chú gà khuyết tật trong đàn.

      Ngay sau khi ăn xong anh ấy ra ngồi trước cửa nếu là mùa hè, còn mùa đông thì lại ngồi cạnh lò sưởi, và không nhúc nhích động đậy  cho đến tối. Không một cử chỉ, không một động tác; duy chỉ có đôi mi do thần kinh bị tổn thương, căng thẳng nên thỉnh thoảng sụp xuống đôi mắt trắng dã . Anh ấy có trí óc không? Có suy nghĩ không? Có ý thức  rõ về cuộc sống của mình không? Chẳng ai bận tâm về điều đó cả.

      Mọi chuyện cứ diễn ra như thế trong vài năm. Nhưng sự thiếu khả năng làm việc cũng như sự  thản nhiên cam chịu của anh khiến những người bà con của anh bực tức. Thế là anh trở thành  kẻ bị bắt nạt, thành cái đích cho mọi người trêu chọc, thành nạn nhân của tính ác độc bẩm sinh, của những trò đùa dã man cho loại người thô lỗ chung quanh anh.

      Họ nghĩ ra toàn những trò đùa độc địa mà sự mù lòa của anh có thể gợi ý cho họ. Và để anh phải trả giá những gì anh đã ăn của họ, họ đã biến những bữa ăn của anh thành những giờ phút vui đùa cho những người chung quanh, nhưng là những giờ phút khổ ải đối với người khuyết tật .

      Nông dân những nhà lân cận đã đến tham gia trò giải trí nầy; từ nhà nầy qua nhà khác người ta truyền miệng cho nhau, và bếp của trang trại ngày nào cũng chật ních người. Một lần họ đem một con mèo hay một con chó nào đó để trước dĩa xúp của anh trên bàn lúc anh sắp ăn.Nhờ bản năng, con vật đánh hơi được sự khiếm khuyết của anh nên nó nhẹ nhàng tiến đến liếm hết dĩa xúp một cách nhanh gọn, và khi lưỡi nó khua nước xúp phát ra một tiếng động nhỏ gây sự chú ý của gã nghèo khổ đáng thương thì nó khéo léo dạt ra để tránh cái thìa mà gã đập hú họa xuống phía trước .

       Thế là vỡ òa tiếng cười, tiếng xô đẩy, tiếng dậm chân của đám khán giả chen chúc dọc theo những bức tường. Và anh ấy thì, chẳng nói chẳng rằng, tiếp tục múc ăn bằng bàn tay phải, còn bàn tay trái thì đưa ra phía trước để che chắn và bảo vệ cái dĩa.

       Một lần khác họ cho anh ấy nhai nút chai, mảnh gỗ, lá cây hoặc cả rác rến mà anh không hề biết gì cả.

      Rồi sau đó họ cũng chán cả những trò đùa nầy; và do tức giận vì cứ phải nuôi anh ấy mãi nên người anh rể đã đánh anh, vừa liên tục tát vào mặt anh, vừa cười nhạo những cố gắng vô ích của anh để chống đỡ hoặc đáp trả. Thế là có thêm trò chơi mới: trò chơi tát tai. Những người cày thuê, đám vô công rồi nghề, bọn tớ gái liên tục vả vào mặt anh khiến mi mắt anh chớp lia lịa. Anh không biết trốn vào đâu, chỉ biết không ngừng đưa hai tay ra để ngăn chận những ai lại gần.

       Cuối cùng người ta ép buộc anh ấy đi ăn xin. Những ngày có phiên chợ họ dẫn anh ấy ra đường và mỗi khi nghe tiếng chân bước gần hoặc tiếng xe chạy qua là anh chìa nón ra, ấp úng:"Xin làm ơn bố thí..."

      Nhưng người nông dân thì không hoang phí và suốt nhiều tuần lễ anh chẳng kiếm được xu nào để đem về.

       Thế là anh bị căm ghét đến tột độ, không  chút thương hại .Và đây là cách anh chết.

       Vào một mùa đông, tuyết phủ kín mặt đất. Trời giá rét khủng khiếp. Vậy mà một buổỉ sáng người anh rể dẫn anh đi ăn xin ở một nơi rất xa trên con đường cái, rồi bỏ mặc anh ở đó một mình suốt ngày. Khi đêm đến ông ta báo cho mọi người biết là không tìm thấy người ăn xin đâu cả. Rồi ông nói thêm :"Chậc! Không cần lo! Chắc có ai dắt nó đi vì thấy nó lạnh . Nó không lạc đường đâu. Mai nó sẽ về ăn thôi".

        Ngày hôm sau anh ấy không về.

        Sau nhiều giờ chờ đợi, quá lạnh và cảm thấy mình sắp chết, anh mù bắt đầu bước đi. Không dò được đường vì đường đã bị tuyết phủ, anh mò mẫm đi bừa, phó mặc cho may rủi. Anh bị  ngã xuống mương, rồi đứng lên, không nói tiếng nào, tiếp tục đi nữa, mong tìm được một cái nhà.

      Nhưng cơ thể anh càng lúc càng bị tê cóng vì tuyết, đôi chân khẳng khiu yếu ớt không còn sức để đưa anh đi tiếp được . Anh ngồi xuống giữa một cánh đồng. Anh không đứng dậy được nữa. 

      Những nụ tuyết trắng vẫn không ngừng rơi xuống, phủ lấy người anh. Thân thể tê cứng của anh biến mất dưới lớp tuyết mỗi lúc một dày thêm, và chẳng còn gì nữa để đánh dấu nơi cái thây người mù nằm.

      Mấy người bà con của anh làm ra vẻ hỏi thăm tin tức và kiếm tìm anh trong tám ngày.Thậm chí họ còn khóc nữa.

      Mùa đông thật khắc nghiệt và tuyết chẳng tan nhanh. Thế rồi một ngày chủ nhật khi đi lễ nhà thờ, mấy nông dân chú ý đến một bầy quạ rất đông cứ lượn đi lượn về bên trên cánh đồng rồi  sà xuống như một cơn mưa màu đen đổ sụp xuống một chỗ, chúng cứ bay lên rồi lại sà xuống mãi.

       Tuần lễ kế tiếp bầy quạ đen vẫn còn đó. Bầy quạ như một đám mây đen che phủ cả bầu trời, như thể chúng từ khắp chân trời tụ lại.Chúng vừa kêu inh ỏi vừa đáp xuống mặt tuyết sáng loáng, chúng vấy bẩn chỗ đó một cách khác thường, rồi chúng bới, chúng rỉa mãi.

       Một chàng trai trẻ đến gấn để xem bọn quạ làm gì và phát hiện thi thể người mù, đã bị xé tơi tả một nửa. Cặp mắt nhợt nhạt đã mất vì bị những cái mỏ dài háu ăn mổ,rỉa.

      Và tôi chẳng bao giờ còn có thể cảm thấy sự tươi vui rực rỡ của những ngày nắng mà không khỏi nhớ đến một kỷ niệm buốn và một ý nghĩ sầu muộn về một kẻ nghèo khổ, bị cuộc đời ruồng bỏ, đến nỗi cái chết khủng khiếp của người ấy lại là một sự thanh thản cho tất cả những ai quen biết anh ta.

*
Thân Trọng Thủy dịch
từ nguyên bản tiếng Pháp "L’Aveugle" của GUY DE MAUPASSANT
( Truyện ngắn nầy đã được đăng tải lần đầu ngày 31 tháng 3 năm 1882 trên tờ  Le Gaulois, nhật báo văn học và chính trị mà Maupassant là cộng tác viên).
Chú thích

(1)Normandie(=đất của người phương bắc) : Một tỉnh cũ ở Tây Bắc nước Pháp. Bây giờ là một vùng địa lý văn hóa gồm 3 đơn vị hành chánh là :
.  Haute-Normandie,  Basse-Normandie và Duché de Normandie (đất của công tước Normandie).