Chim Việt Cành Nam           [  Trở Về   ] 

GỬI THƯƠNG VỀ HUẾ

Tập II : Làm gì cho Huế 

Võ Quang Yến

***

11-HƠI THỞ SÔNG HƯƠNG 

( Nhân " Hai tháng với Huế " ở Paris )
Cái may của người Huế là có được một thành phố Huế để thương, để nhớ và cả để giận, để hờn. Ý nghĩ nầy lởn vởn trong đầu óc tôi suốt tối hôm nghe Thúy Vân hát theo nhịp điệu đàn tranh của Ngọc Diệp ở Nhà Việt Nam ngày thứ bảy 5.5.90 vừa qua. Trong suốt buổi tối hôm đó, tôi chắc là thính giả, nhất là ai đã sinh trưởng và lớn lên ở Huế, đếu có cảm tưởng như tôi : qua giọng hát, tiếng đàn, người nghe như đang được đưa về đất Huế, trên bờ sông Hương dịu mát dưới ánh trăng thanh hay trong rừng thông rào rạt qua tia nắng chiều. Một anh bạn ngồi cạnh tôi thì thầm : "May mà tôi vừa mới về thăm Huế, không thì khóc được". Tôi thú thật ngay với anh ta : " Tôi vừa mới về qua mà vẫn khóc như thường ! ". Người Huế có lẽ vì quá giàu tình cảm nên mới xúc động nhiều khi nghe lại giọng Huế, thấy lại hình ảnh quê xưa. Sau buổi trình diễn, nhân trò chuyện với mấy người quen, tôi thổ lộ hơi nhiều cảm xúc của mình, một cô bạn người Nam bẻ lại : " Bộ anh tưởng chỉ có người Huế các anh là giàu tình cảm thôi à ? " làm tôi hơi thẹn vì không biết giữ kín nỗi lòng.

Câu nói của cô bạn dù sao cũng nhắc lại cho tôi là trong phòng không chỉ có khán giả người Huế. Liệu các bạn chỉ biết Huế qua sách vở, phim truyện, qua một chuyến tham quan ngắn hạn, có thấy tâm hồn rạo rực khi nghe đàn ca nhạc Huế như mình không ? Tôi chắc những bài Đây thôn Vỹ Dạ, Nhớ Huế ngâm theo lối Huế, những khúc hò ru con, mái nhì thế nào cũng lay chuyển lòng nhiều người, mặc dầu chưa có dịp đặt chân lên đất Huế và dừng bước lại đây. Nhất là họ không phải đi viếng thăm môt mình : người hướng dẫn qua Huế hôm đó là anh Cao Huy Thuần mà các bạn hâm mộ nhạc Trịnh Công Sơn đã thưởng thức lời nói duyên dáng trong một băng nhạc của Thanh Hải. Giới thiệu Huế phải có anh Thuần. Anh đã thấm nhuần tư tưởng, phong cách, lời ăn tiếng nói, nói chung một chữ chất Huế, sâu đậm đến nỗi mỗi câu trình bày của anh dày đặc tâm tư Huế và buộc người nghe nếu không trở lại thì cũng tưởng tượng đến một khung cảnh nào đó của Huế. Đi vào lòng Huế với anh Thuần, người nghe có cảm giác được dẫn về quê mẹ thân thương của người con đã trưởng thành nơi đây.

Quê mẹ nầy đã nổi bật trong những câu ca của Thúy Vân. Có lẽ giọng hát của cô chưa được điêu luyện bằng giọng hát của vài ca sĩ nổi tiếng đã trình diễn ở Paris, nhưng giọng hát nầy thật thà, mộc mạc, tràn đầy tình cảm, dễ thấm sâu vào tâm hồn thính giả. Cách đây mấy năm, lúc mới về tiếp xúc lại quê hương, tôi đã được nghe Thúy Vân hát trên đò giữa lòng sông Hương. Tôi còn giữ mãi hình ảnh một cô gái buồn, ít cười, ít nói. Giờ đây, gặp lại Thúy Vân, với mái tóc ngắn, tôi đã tìm ra một bộ mặt vui tươi, một thiếu phụ hoạt bát, đương thì. Có lẽ điệu hát Huế là điệu hát buồn nên giọng hát của cô thích hợp với nhạc Huế. Tuy nhiên, trong đêm hát vừa qua, những người mê nhạc Huế cảm thấy bị thiếu thốn ít nhiều vì không nghe được một điệu nam ai, nam bình, một bài cổ bản, bình bán, ngay cả một câu kim tiền, lưu thủy. Qua phần thứ nhì, Thúy Vân tỏ ra không chỉ chuyên môn về cổ nhạc mà biết cả tân nhạc. Những bản Hoa rụng ven sông hay Đưa em tìm động hoa vàng đã được nhiều ca sĩ trình diễn nhưng qua giọng hát trầm, ấm của Thúy Vân, người nghe không khỏi rung động trước các khúc tình ca ấy.

Cũng ở phần thứ nhì nầy, Ngọc Diệp đã cho thính giả thưởng thức một bài độc tấu đàn tranh Tứ đại cảnh. Nếu nhạc mới phải đệm qua đàn ghi-ta, nhạc xưa Huế không thể thiếu đàn tranh. Mà không phải bất cứ tiếng đàn tranh nào. Tiếng đàn của Ngọc Diệp thánh thót, vấn vương, càng nghe càng thấy gợi lên hình ảnh đền đài, lăng tẩm của chốn đế vương, hình ảnh cô lái đò uyển chuyển trên nước xanh, sóng dịu. Nhìn mấy ngón tay dài của cô linh động vuốt ve, gảy, nhấn dây, phiếm, khán giả như bị thôi miên và có thể một lúc nào đó quên hẳn mình đang nghe đàn để ngao du vào nơi tiên cảnh. Một nhà văn Huế đã giải thích có lẽ phong cách quý phái của đất Thần Kinh đã được truyền qua tiếng đàn của Ngọc Diệp. Đêm nhạc vừa qua chỉ là đêm đầu tiên một loạt ba đêm nhạc Hơi thở sông Hương tổ chức tại Nhà Việt Nam ở Paris. Trong chương trình Hai tháng với Huế, Nhà Việt Nam có nhã ý mời hai cô Thúy Vân và Ngọc Diệp từ Huế sang trong ba tháng. Ban tổ chức cũng có ý hay là khánh thành ngay chiều hôm đó, cùng trong một phòng, một cuộc triển lãm hình Huế của Marc-Antoine de Montclos và Võ Quang Yến. Vì vậy, suốt buổi tối, lời giới thiệu của Cao Huy Thuần, tiếng hát đàn của Thúy Vân, Ngọc Diệp đã vang dội trong một bầu không khí rặc Huế. Một phần lớn các địa điểm, gợi ý đã được hình dung qua mấy chục bức hình chụp màu. Từ Bao Vinh qua An Cựu, từ Đại Nội lên chùa chiền, lăng tẩm, nhiều hình góc đường, xóm cũ, sông núi, điện đài đã giúp người xem xác định được phong cảnh thanh lịch của xứ Hương Bình cũng như thành quách điêu tàn của chốn đế đô. Rồi đây sẽ có giáo sư Trần Văn Khê giảng giải về nhạc cung đình, hòa thượng Thích Thiện Châu thuyết trình về chùa cổ và Phật giáo ở Huế, và sau cùng họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận sẽ triển lãm tranh vẽ của anh.

Ngay từ bây giờ, chắc chắn là Hai tháng với Huế, đặc biệt những đêm Hơi thở sông Hương, sẽ để lại trong lòng khán giả, nhất là trong lòng các người Huế, một ấn tượng sâu đậm, một mối tình khó quên.

Hắc Ký Ni Sơntháng5.1990
Đoàn Kết 423 1990
Văn hóa du lịch 6.1990

  [ trang trước ]  /  [ trang sau ]