Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]           [ Tác giả

Góp thêm một số tư liệu về nhà tù Côn Lôn
qua tài liệu lưu trữ và bưu ảnh

Trần Viết Ngạc

1. Sổ phóng thích:

Tòa Khâm sứ Huế có thiết lập sổ tù nhân được phóng thích để theo dõi. Tài liệu này được lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ tài liệu hải ngoại của Pháp ở Aix - en - Provence (A.O.M Aix - en - Provence).

Chúng tôi có được bản trích lục sổ phóng thích (Extraits des registres d' écrou) liên quan đến 27 can phạm do tòa án Nam triều kết tội, quê ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên bị lưu đày ra Côn Đảo (Phủ Phụ chính triều Duy Tân xét duyệt ngày 19.8.1908). Trong 27 can phạm này, đáng chú ý là trường hợp của My Sanh Phan Thúc Duyện quê Quảng Nam và Phong Niên Nguyễn Đình Quản quê Quảng Ngãi.

1.1. Phan Thúc Duyện [1]

Sổ phóng thích ghi:

- Phan Thúc Duyện, 41 tuổi, cựu cử nhân, quán làng Phong Thử, tổng Đa Hòa, phủ Điện Bàn tỉnh Quảng Nam bị bắt ngày 7.4.1908 vì lãnh đạo cuộc khuấy động ở Quảng Nam. Bản án do tòa án Quảng Nam kết án ngày 9.6.1908 và Phủ Phụ chính (triều Duy Tân) xét duyệt ngày 16.8.1908, đày Côn Lôn, được giảm án còn 13 năm khổ sai do quyết định của Phủ toàn quyền Đông Dương ngày 1.12.1913. Ngày mãn hạn tù là 7.4.1921[2]. Nhận xét: Trợ thủ chính của Phan Châu Trinh. Cần giám sát nghiêm ngặt. (Ảnh I).

Thật vậy, trong phong trào Duy Tân ở Quảng Nam, Phan Thúc Duyện hoạt động rất tích cực. Ông là người tổ chức Hợp Thương Diên Phong và Nghĩa Thục Diên Phong [3] sau khi đã tham gia Thương cuộc Hội An cùng với Huỳnh Thúc Kháng và Bang tá Kỳ Lam Nguyễn Toản. Quan trọng hơn hết, ông là người chia sẻ quan điểm chính trị dân chủ chống lại chế độ vua quan của Phan Châu Trinh như ta sẽ thấy trong tài liệu của toàn quyền Đông Dương gửi Bộ Thuộc địa Pháp [4].

1.2. Nguyễn (Đình) Quản

- 31 tuổi, cựu cử nhân, người làng Phong Niên, tổng Bình Hòa, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, bị bắt ngày 9.4.1908, xúi dục dân chúng nổi dậy ở Quảng Ngãi, bị tòa án Quảng Ngãi kết án ngày 29.4.1908, bản án do Phủ Phụ chính (triều Duy Tân xét duyệt ngày 5.6.1908, lãnh án xử giảo giam hậu [5], phát phối Lao Bảo [6].Giảm án còn 13 năm do quyết định của Phủ Toàn quyền Đông Dương ngày 1.12.1913. Mãn án tù dư kiến là 9.4.1921 (Ảnh II).

2. Như đã dẫn ở trên, trong phụ lục báo cáo của Toàn quyền Đông Dương gửi Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp nhan đề: "Note sur l'agitation anti - française depuis dix ans et le parti nationaliste annamite" [7] (Sự khuấy động chống Pháp từ 10 năm (1904 - 1914) và Đảng Annam quốc gia (Duy Tân hội), chính quyền Pháp đã đánh giá rất cao hoạt động và tư tưởng của Phan Thúc Duyện:

"Kế hoạch đưa Cường Để xuất dương sang Nhật và suy tôn Cường Để làm hội chủ Duy Tân hội đã bị hai sĩ phu là Phan Châu Trinh và Phan Thúc Diện (chữ Hán là Phan Thúc Duyện) chống đối. Hai người này đã tranh cãi gay gắt với Phan Bội Châu"[8].

Tài liệu nói trên cũng cho biết Phan Châu Trinh đã gửi thư cho Cường Để:

"Nhữ đặc bất quá nhất học sinh, nhỉ ký vô quốc hỹ, hà sở vị dân, ký vô dân hỹ, hà sở vị chủ".

(Anh chỉ là một sinh viên mà thôi. Bởi vì anh không có vương triều, anh làm sao có quốc dân, bởi vì anh không có quốc dân, anh tự xưng là chủ với ai?...)[9]

Người Pháp cho rằng Phan Châu Trinh và Phan Thúc Duyện có đồng tư tưởng chính trị. Cả hai phản đối chế độ quân chủ, tố cáo sự nhũng lạm của quan lại. Đối vối họ, Cường Để cũng chẳng hơn gì các vua trước đây.

Con đường giải phóng dân tộc là phải thực hiện cuộc cách mạng theo khuôn mẫu cách mạng Pháp!

Ngoài tư liệu trên đây, chưa có ai nghiên cứu và hiểu rõ lập trường chính trị của Phan Thúc Duyện như vậy. (Ảnh III)

3. Một sự rất lạ: Quốc sự phạm mà được quyền mua môn bài và mở cửa hiệu buôn bán: Môn bài của Phan Thúc Duyện, Nguyễn Đình Quản, Trần Thúy...

Chuyện mở cửa hàng buôn bán của các quốc sự phạm thì Huỳnh Thúc Kháng có kể lại trong Thi tù tùng thoại nhưng chuyện mua môn bài để buôn bán như những nhà buôn tự do thì không nghe ai nói đến. Dưới thời chánh tham biện O' Connell (Joseph), các quốc sự phạm không bị giam giữ ở trong khám mà được ra ngoài làm ăn. Mính Viên kể:

"Tôi cùng My Sanh, Tập Xuyên, Thai Sơn, Phong Niên [10] làm chủ hai tiệm buôn, chuyên việc buôn bán, cùng các nhà buôn Sài Gòn giao thiệp mua hàng... Tiệm tôi đầu chỉ có 4 anh em, sau đó Thông Thiệp (Bắc Hà) hùn vào, đấy là về năm 1915 - 1917. Hiệu tiệm chúng tôi là Quảng Hồng Hưng.

Có một chuyện thú là ông Hải Châu (Hàn Hải Lê Bá Trình) có chung vốn vào tiệm buôn mà không ở tiệm, chỉ chuyên nghề đồi mồi [11].

Chúng tôi được người cháu cố của Chúa đảo Joseph O' Connell tặng một số tư liệu về ông Chúa đảo "tốt bụng" này. Huỳnh Thúc Kháng gọi chính sách của O' Connell là chính sách khai phóng [12] và hết lời ca tụng chính sách khai phóng này:

Khai phóng trở thành lương thiện hóa
Trong tù luôn miệng tụng Ô-công [13]

Chính sách khai phóng, nhân bản của một giám đốc nhà tù thể hiện rõ trong việc cấp phép buôn bán và quốc sự phạm được mua môn bài. (Ảnh IV)

Môn bài của Phan Thúc Duyện, cấp cho cả năm 1916 là môn bài loại 3, hạng 6, đóng 10 đồng một năm. Đáng chú ý là trên tờ môn bài không thể hiện một chút gì là thân phận tù nhân của chủ sở hữu. Nghề nghiệp của Phan Thúc Duyện được ghi là Buôn bán lẻ (Marchant en détail) và cư trú tại: quần đảo Côn Lôn (demeunant à Poulo - Condore). (Ảnh V).

Chẳng những thế, Quảng Hồng Hưng là một tiệm buôn tạp hóa, được cấp phép bán rượu ty. (Ảnh VI).

Tờ giấy phép bán lẻ rượu ty được Công quản và thuế quan Sài Gòn cấp cho năm 1916 cũng không thể hiện nhân thân của "quốc sự phạm". Tiệm buôn Quảng Hồng Hưng nghiễm nhiên có tư cách một nhà buôn tự do để giao dịch với các nhà buôn ở Sài Gòn.

4. Về tấm ảnh của Tiến sĩ Ngô Đức Kế chụp ở Côn Đảo năm 1915. (Ảnh VII)

Trong cuốn Ngô Đức Kế, cuộc đời và tác phẩm do Ngô Đức Thọ biên soạn (Sở VHTT&DL Hà Tĩnh xuất bản, 2008), soạn giả đã cung cấp cho chúng ta một chân dung hiếm có. Hiếm có vì "quốc sự phạm" đầu tiên, vào thế kỷ XX, của nhà tù mà không mặc áo tù, lại được mặc áo tiến sĩ!

Trên ảnh có ghi bằng chữ Hán:

"Tập Xuyên, Ất Mão niên, tam thập bát tuế tiểu tượng
Tại Côn Lôn đảo đặc chiếu 1915"

(Ảnh được đặc cách chụp tại đảo Côn Lôn, Tập Xuyên năm Ất Mão, 38 tuổi).

Hiệu ảnh Hương Ký được phép ra Côn Lôn để chụp chân dung các tù nhân chính trị mà đa số là bậc khoa bảng, đây là thời kỳ khai phóng của O' Connell.

Tuy nhiên, soạn giả Ngô Đức Thọ (cháu nội Tập Xuyên) cho rằng các nhà khoa bảng lúc bị đày ra "trường học thiên nhiên" Côn Lôn, đã mang theo áo mũ tiến sĩ! Chúng tôi nghĩ sự suy diễn này không đúng. Các nhà khoa bảng đã phủ nhận các danh chức khoa cử thuộc một nền giáo dục từ chương khoa cử thì đời nào, dù cho có được phép, mang theo áo mũ tiến sĩ ra nơi tù đày!

Áo tiến sĩ (theo Ngô Đức Thọ) hay chỉ là áo the đen (hoặc xanh) có dệt hoa lá mặc ngoài một chiếc áo dài trắng như trong ảnh chắc hẳn là những trang phục mà nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp như Hương Ký đã mang theo khi hành nghề. Năm 1906, Phan Bội Châu đã được Hương Ký chụp một loạt ảnh ở nhà tham tri Bộ Binh Nguyễn Bá Trác trong thành nội Huế với đủ loại y phục: y phục Tây phương, quốc phục, y phục Trung quốc... khiến cho nhiều nhà nghiên cứu lầm tưởng rằng đó là ảnh chụp các cụ Phan ở Nhật, ở Hàng Châu (Trung Quốc).

Hương Ký đã tặng cho các vị một bức ảnh đề gửi về gia đình. Ngoài ảnh của Tập Xuyên, chúng ta chưa tìm thấy các ảnh cùng thời của Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thúc Duyện, Đặng Nguyên Cẩn... do Hương Ký chụp.
 

5. Ảnh của Lê Bá Trình và Phan Thúc Duyện chụp tại Côn Đảo trong tập bưu ảnh sưu tập Gerard O' Connell (Collection Corelli). (Ảnh VIII và IX).

Phan Thúc Duyện là người có cơ thể vạm vỡ, cao lớn như con cháu ông thuật lại. "Ông có ngoại hình to lớn vạm vỡ, sức mạnh hơn người. Khi ở tù Côn Đảo về, ông có thuật lại cho con cháu nghe là lúc ở tù ông thường gánh vác giùm phần việc vác đá, vác bao lúa, khi thì cho ông Huỳnh Thúc Kháng, khi thì cho ông Lê Bá Trinh. Do mối thân tình đó, nên ông Lê Bá Trinh có hứa, nếu cả hai còn sống về được quê nhà sẽ gả em gái cho ông (lúc này vợ ông đã mất năm 1911) [14].

Huỳnh Thúc Kháng trong Thi tù thùng thoại cũng xác nhận:

"Công việc dọn tàu nặng, lúc chúng tôi mới ra có dọn 2 lần, rất là tê mê bải hoải, rước lấy vô số là roi. Xâu này trừ vài người dân Bình Định ra đủ sức làm được như bọn tù kia. Đám quan to duy có ông Phong Thử và ông Ngô Xã làm nổi..."[15]

Trong Sưu tập Corelli[16], may mắn ta có được một bưu ảnh nhan đề: Iles Poulo - Condore Rotiniers dans le Bagne (quần đảo Côn Lôn - Thợ đan mây trong nhà lao) cho ta thấy một Phan Thúc Duyện tráng niên, vạm vỡ, đứng chống nạnh, coi bộ "oai phong"![17]

Cũng trong sưu tập Corelli, chúng ta có được chân dung Lê Bá Trinh đang ngồi trong tiệm đồi mồi của mình.

Huỳnh Thúc Kháng kể:

"Có một chuyện thú là ông Hải Châu có chung vốn vào tiệm buôn mà không ở tiệm, chỉ chuyên nghề đồi mồi, có thuê vài người tù đánh bóng bàn buổi trưa, thường có đầm đến mua đồ, đặt đồ, bọn đàn bà thợ hồ civil cũng hay qua lại như một sở công nghệ con con. Ông ta có hàm râu trông phong nhã, ăn nói có duyên, nhất là về lối giao thiệp đãi đưa, bọn tù gọi ông là "ông vua" [18].

Chú thích

[1] - Phan Thúc Duyện (1873 - 1944) sinh ngày 10.2 năm Quý Dậu, tại làng Phong Thử, tổng Đa Hòa, huyện Diên Phước, Quảng Nam. Ông đỗ cử nhân Khoa Canh Tý (1900) tại trường Thừa Thiên, cùng khóa với Huỳnh Thúc Kháng (giải nguyên) , Phan Châu Trinh, Lê Bá Trinh. Trong Quốc triều Hương Khoa lục (NXB TPHCM, 1993), ghi nhầm tên ông là Phan Sung, quê Phong Thiệm là do tự dạng chữ Duyện và Sung, Thử và Thiệm gần giống nhau.

[2] - Phan Thúc Duyện được trả tự do trước thời hạn (1919) ví có con là Phan Mính tham gia trận thế chiến (1914 - 1918) tại Pháp và ở lại học đậu kỹ sư.

[3] - Diên Phong là ghép tên hai địa danh Diên Phước và Phong Thủ?

[4] - Notre sur l'agitation anti - française depuis dix ans et le parti nationaliste annamite

[5] - Trong bản án của Phủ Phụ chính, ghi là trảm quyết giam hậu.

[6] - Sau đó, Phủ Phụ chính quyết định phát phối Côn Lôn.

[7] - Tài liệu dài 69 trang đánh máy, chứa đựng rất nhiều chỉ dẫn quý giá chi những ai nghiên cứu về phong trào giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XX, nhất là về hoạt động của Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Cường Để... và phong trào Đông Du (A.O.M. Aix-en-Provence France).

[8] - L'agitation, tlđd, trang 11.

[9] - L'agitation, tlđd, trang 2.

[10] - Phan Thúc Duyện, Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cẩn, Nguyễn Đình Quản.

[11] - Huỳnh Thúc Kháng, Thi tù tùng thoại, NXB Nam Cường, Sài Gòn, trang 172 - 173.

[12] - Thi tù thùng thoại, sđd, trang 178. Người cháu cố ông Joseph O' Connell là Ge'rard O' Connell.

[13] - nt, trang 181. Ô-công là O' Connell.

[14] - Nhiều tác giả, Phan Thúc Duyện trong Phong trào Duy Tân Việt Nam, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1997, trang 19.

[15] - Huỳnh Thúc Kháng, sđd, trang 165.

[16] - Do bác sĩ Ge'rard O' Connell tặng cho tác giả.

[17] - Có lẽ vì vóc dáng mà Phan Thúc Duyện được chọn làm cặp rằn (caplan) coi bọn tù quan!

[18] - Thi tù thùng thoại, sđd, trang 172.