Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]             [ Tác giả ]
Chiếc đồng hồ

Quý Thể

Mười năm là đúng mười năm, pháp luật thật là sòng phẳng, không thêm không bớt cho tôi một ngày, một giờ nào. Khi tôi sung sướng cầm tờ giấy phóng thích đi vào phòng giám thị nhà giam, thấy chiếc đồng hồ treo tường chỉ đúng 9 giờ 15 phút. Nơi đây người ta trao cho tôi một chiếc phong bì lớn dán bằng thứ giấy bao xi măng, màu giấy đã úa vàng, bên ngoài có ghi tên tôi, số tù, ngày vào và ra tù, phong bì dán kĩ, đóng dấu. Tôi mở ra thấy một vài món lặt vặt khi đi tù không được giữ, như cái nịt da, họ sợ người tù dùng nịt treo cổ và chiếc đồng hồ quả quít vỏ mạ vàng, đây là kỉ niệm của người cha thân yêu của tôi còn giữ được tới ngày vào tù. Tôi cầm chiếc đồng hồ, mở nắp ra xem. Ồ kì dị thay! Nó cũng dừng lại đúng 9 giờ 15 phút. Như thế trong mười năm qua chiếc đồng hồ này đã dừng lại, giống hệt như cuộc đời tôi, mười năm ấy cũng đã ngừng lại trong bốn vách tường nhà giam, thật là một sự trùng hợp mỉa mai và cay đắng.  Tôi ra khỏi nhà tù.

Những bước chân tự do đầu tiên của tôi là những bước vô định. Tôi không biết đi về đâu, làm gì?  Tôi còn nhớ vào tù được vài năm, tôi nhận được tờ đơn li dị của vợ tôi chuyển vào cho tôi kí tên thuận tình li hôn để cô ta lấy chồng khác. Tôi chỉ còn cách mượn cây bút của người cai tù đặt tờ đơn xuống nền nhà viết câu :" Tôi hoàn toàn đồng ý li dị vì tôi không còn xứng đáng với vợ tôi nữa." Tôi nắn nót kí tên và viết tên mình. Cái đơn được chuyển ra ngoài ngay hôm đó. Tháng sau vợ tôi lấy chồng. Họ kéo nhau về ngôi nhà do mồ hôi nước mắt của tôi làm ra, leo lên ngủ trên cái giường ngủ chính tay tôi đóng. Như thế tôi vừa mất vợ mất nhà, mất giường.

Tôi nhận được lá thư độc nhất cuối cùng của hai đứa con tôi cách đây cũng đã năm năm. Chúng nó, mỗi đứa viết vài hàng hỏi thăm lấy lệ. Trong tù tôi đã nghĩ ngợi về chúng nó không sót một ngày một đêm nào. Trên mảnh giấy nhỏ của bao thuốc lá tôi đã mài ngòi bút cho nét nhỏ, để víêt chi chít hàng ngàn chữ gửi cho con, không biết chúng có đọc không? Hay đem vứt bức thư của ngươi cha đi tù xấu xa. Giờ này các con tôi ở đâu?

Tôi vào phòng điện thoại công cọng gọi cho một người bạn chí thân. Khi tôi vừa cầm máy lên thì một khuôn mặt phụ nữ hiện ra ngoài cửa kính, một khuôn mặt lạ, mụ ta nhìn tôi trừng trừng rồi bỏ đi. Mụ bước đi vài bước quay nhìn lại cho kĩ khi nhận ra đúng tôi mụ nhổ nước bọt bỏ đi luôn. Ở đầu dây bên kia, tiếng nói không thể nào lầm được của người bạn chí thân cũ. Khi hắn nghe tôi xưng tên, liền cúp máy.

Tôi không làm sao hiểu nổi ai cũng nhận ra tôi là một tên tù. Tôi cố gắng đi đứng thật tự nhiên, mạnh dạn, nhưng hình như từ người tù phát ra cái gì lạ lùng lắm, khiến ai cũng biết. Họ sợ và họ lánh xa. Đến cả chó cũng nhận ra cái mùi đáng tởm của tên tù, đi đâu chúng cũng sủa vang.

Trong lúc đó chẳng thiếu cơ hội xô đẩy tôi trở lại con đường xấu xa tội lỗi năm xưa. Lũ bạn trong băng tội phạm ngày trước được tin tôi đã ra tù liền kéo đến đề nghị giúp đỡ, và nhất là gợi ý về những "phi vụ" hấp dẫn kiếm bạc tỉ khác. Mặc dù cuộc đời bạc đãi tôi thậm tệ song lần này tôi nhất quyết không quay trở lại con đường đen tối trước. Trong khi ấy những người  chung quanh tôi và hoàn cảnh hình như hùa nhau xúm đẩy tôi trở về bóng tối. Không biết tôi có giữ mình được mãi hay không?

Tôi đã sống những ngày dài đầy khó khăn như thế. Mười năm tù tội lấy đi của tôi bao nhiêu thứ. Tôi không biết tuổi thanh xuân là gì, tự do ra sao. Sức khoẻ tôi suy sụp nhanh chóng. Khi vào tù tôi nhanh nhẹn vui tươi trẻ trung, đặt niềm tin mạnh mẽ vào con người và rất yêu đời. Ra tù tôi trở thành một lão già chậm chạp, xấu xí, bệnh hoạn và tệ hại hơn cả là thù hận con người và tôi mất cả niềm tin ở con người.

Cuối cùng tôi cũng tìm được một việc làm. Loại công việc này chẳng ai nhận vì nó vất vả, nguy hiểm, buồn chán mà đồng lương chết đói. Thế mà tôi lại rất thích vì loại công việc này rất hợp với tôi. Công việc cho tôi cơ hội xa lánh mọi người. Suốt ngày làm việc một mình,  không có bạn đồng nghiệp, không tiếp xúc với bất cứ kẻ nào. Suốt ngày tôi phải treo mình bên ngoài những ngôi nhà cao tầng, để khi thì cạo sạch lớp vôi cũ, khi thì lau cửa kính. Tôi đứng trên mảnh ván nhỏ treo bằng hai sợi dây ở trên cao, rất cao, có khi hàng trăm mét. Tôi làm việc lầm lũi một mình, không có người bên cạnh, không chuyện trò với bất cứ người nào, tôi đỡ bận tâm về con người. Mỗi lần lên cao tôi mang theo nước uống, cả bữa ăn trưa. Buổi trưa, nhờ sợi dây bảo hiểm tôi cũng có thể chợp mắt vài phút. Lâu rồi tôi tập được cách sống ở trên cao, làm việc, ăn, ngủ...Những lúc nghỉ ngơi tôi giải trí bằng cách ngắm thành phố từ trên cao. Hàng đoàn xe nối đuôi nhau chạy trên đường trông như bầy dán đủ màu. Từ trên cao nhìn xuống tôi thấy người đi đường giống như những que diêm dựng đứng, chuyển động. Tại sao tôi lại sợ, lại thù hằn, ngại tiếp xúc những "que diêm" ấy đến thế?

Một hôm đang lúc làm việc bỗng có một chiếc tàu bay giấy từ trong ô cửa sổ ném ra. Nó đảo lượn vài vòng trong khoảng không rồi bay lại cạnh tôi, tôi đưa tay ra bắt lấy nó. Từ một khung cửa chỉ cách tôi vài thước có hai đứa bé chồm người ra. Chúng ngơ ngác tìm xem chiếc máy bay. Hai đứa bé kinh ngạc vì bất chợt trông thấy có một người treo mình phía bên ngoài căn nhà của chúng. Hai đứa bé có khuôn mặt thật dễ thương. Tôi trao chiếc máy bay cho chúng, chúng rất sung sướng, ngỏ lời cảm ơn. Từ ngày ra khỏi tù cho đến giây phút đó tôi mới nghe có người nói lời tử tế. Hai đứa bé không nhận lại chiếc tàu bay giấy. Chúng nói : "Bác ném cho nó bay tiếp đi!" Tôi thẳng cánh ném thật mạnh lên cao. Chiếc máy bay giấy xếp thật cân bằng, thật khéo léo, nó đảo lượn nhiều vòng, có khi vút lên cao rồi chúc xuống, chợt lấy lại thăng bằng, mở ra những vòng tròn đẹp. Lũ trẻ thích thú nhìn theo, cho đến lúc không còn trông thấy chiếc máy bay giấy. Đứa bé trai nhìn thấy tôi đứng trên mảnh ván nhỏ , hỏi:

-  Bác làm việc trên cao không sợ sao?

-  Không, bác thấy trên này vững hơn đứng trên mặt đất...

Đứa bé gái nói:

-  Ôi lạ quá nhỉ? Trên cao lại vững hơn dưới đất ?

Tôi định giảng giải cho hai đứa bé hiểu, song tôi thấy rất khó giải thích,  chúng không thể hiểu nổi tâm trạng người như tôi. Nói ra  chỉ làm vẩn đục đầu óc trong trắng lũ trẻ. Đứa bé trai quay ra sau kêu mẹ :

-  Mẹ ơi, lại xem, có một bác làm việc phía bên ngoài ngôi nhà của chúng ta.

Tôi nghe tiếng giày, rồi một người phụ nữ chồm ra. Cô ta nhìn tôi. Đôi mắt ngạc nhiên và đầy cảm tình? Rồi cô nở một nụ cười thiện cảm với tôi. Đây là nụ cười đầu tiên tôi nhận được của đồng loại kể từ ngày tôi ra khỏi chốn lao tù. Tôi không thể nói gì nhiều về nàng vì tôi chỉ trông thấy cô trong chốc lát. Thời gian ngắn ngủi đó chỉ đủ cho tôi thấy cô gái không đẹp lắm, chỉ có nụ cười là đẹp vô cùng, một nụ cười tử tế đầy tính đồng loại. Cái nhìn thiện cảm và nụ cười thân ái của cô đã làm thức dậy cả mùa xuân, sức sống hồi sinh mạnh mẽ trong tôi. Như một chuyện thần tiên. Tôi lấy chiếc dồng hồ quả quít, kỉ vật người cha ra. Tôi cẩn thận lên dây, đưa chiếc đồng hồ lên sát tai lắc nhẹ. Những tiếng tích tắc, tích tắc, tích tắc... Chiếc đồng hồ ngừng mười năm nay bắt đầu làm việc lại. Quả tim tôi cũng bắt đầu rộn ràng cùng hơi thở mùa xuân!