Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]        [ Tác giả ]

Mối tình Hồ Xuân Hương và
Hiệp Trấn Sơn Nam Hạ
Trần Quang Tĩnh

TS Phạm Trọng Chánh

 Trong Lưu Hương Ký có một bài thơ chữ Hán tuyệt bút của Hồ Xuân Hương , đó là bài thơ Dữ Sơn Nam Hạ Hiệp Trấn Quan Trần Hầu. Bài hoạ nguyên vận Quan Hiệp Trấn Sơn Nam Hạ Trần Quang Tĩnh. Bài thơ dùng điễn tích lạ và tài tình, chỉ dùng ít chữ mà tả được những tâm sự, tình ý uẩn khúc của nàng, đúng như lời khen của Cư Đình: " Học rộng mà thuần thục, dùng chữ ít mà đầy đủ, từ mới lạ mà đẹp đẽ, thơ đúng phép mà văn hoa, thật là một bậc tài nữ. "

Theo Đại Nam Thực Lục kỷ 1 quyển 31 trang 3b.: Trần Quang Tĩnh nguyên làm quan Hiệp Trấn, trấn Bình Định, tháng giêng năm Đinh Hợi (1807), được bổ làm Hiệp Trấn Sơn Nam Hạ vùng Nam Định và Thái Bình ngày nay. Quang Tĩnh ở trấn được hai năm bốn tháng. Tháng 4 năm Kỷ Tỵ (1809), ông cáo bệnh và xin về nghỉ. Có thể rằng ông lên Thăng Long cáo từ quan Tổng Trấn Bắc Thành và nhân đó đến từ biệt Xuân Hương.
 Theo Trần Trọng Kim. Việt Nam Sử Lược qu 2. Bộ Giáo Dục. Saigon 1971 tr 172. Đời Gia Long đến trước năm 1831 Đất Bắc Phần gọi chung là Bắc Thành, đặt dưới sự cai trị Tổng Trấn Bắc Thành, vị quan đầu tiên là Hữu Quân Nguyễn Văn Thành (1802-1809). Sau đó ông về kinh đô Phú Xuân giữ chức Trung Quân thống lĩnh toàn quân đội, làm Tổng Tài Sử Quán và soạn luật Gia Long.
Nguyễn Huỳnh Đức thay thế (1810-1816). Lê Chất làm Tổng Hiệp Trấn. Từ năm 1818 đến 1826 Lê Chất làm Tổng Trấn, Phạm Văn Đăng làm Tổng Hiệp Trấn.. Thời kỳ Lê Chất làm Tổng Trấn là thời kỳ phe phái của Nguyễn Văn Thành bị vu tội và thanh trừng. Tại Huế Nguyễn Văn Thuyên vì một bài thơ gửi bạn có câu " Giúp nhau thay đổi hội cơ này. " bị án chém, cha là Nguyễn Văn Thành phải uống thuốc độc tự tử. Tại Bắc Thành những người được xem là vây cánh Nguyễn Văn Thành cũng bị triệt hạ: Binh Bộ Thượng Thư (Bộ Trưởng) Đặng Trần Thường bị khui tội làm sắc phong thần cho tướng nhà Trịnh, Hoàng Ngũ Phúc (người chỉ huy đánh dẹp các Chúa Nguyễn) và tội ẩn lậu ao đầm, ruộng, ông bị giam và xử tội giảo (thắt cổ), Hiệp Trấn Sơn Nam Thượng Trần Ngọc Quán chết bất ngờ năm 1818 có lẽ tự tử. Và  Trần Phúc Hiển, chồng Hồ Xuân Hương, Tham Hiệp trấn Yên Quảng, bị Án Thủ Dung xui dân tố cáo tham nhũng 700 quan tiền, bị tử hình..

Bắc Thành chia làm 11 trấn: gồm năm nội trấn: Kinh Bắc, Sơn Tây, Hải Dương, Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ, sáu ngoại trấn: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hưng Hóa, Yên Quảng ngoài ra dó đạo Thanh Bình (Ninh Bình) và Hoà Bình còn gọi là Thanh Hoa ngoại trấn và Phủ Hoài Đức gồm Thăng Long và vùng phụ cận.
Gia Định Thành chia làm 5 trấn: Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, Vĩnh Tường và Hà Tiên. Tổng Trấn Gia Định Thành là Tả quân Lê Văn Duyệt. Sau khi Lê Văn Duyệt mất, con nuôi Lê Văn Khôi khởi loạn. Vụ khởi loạn bị triệt hạ toàn bộ tay chân Lê Văn Khôi đều bị giết, mộ Lê Văn Duyệt bị san bằng mang xích sắt.. Các chức Tổng Trấn bị Vua Minh Mạng bãi bỏ.
Đất kinh kỳ có 7 trấn và 4 doanh: 7 trấn là Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nghĩa, Bình Định, Phú Yên, Bình Hòa (Khánh Hòa) và Bình Thuận. 4 doanh là Quảng Đức (Thừa Thiên) Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Bình. Cầm đầu các doanh có quan Cai Bạ và quan Ký lục. Nguyễn Du giữ chức Quan Cai Bạ Doanh Quảng Bình từ năm 1809 đến 1813. (Các sách và bài viết ngày nay thường lầm lẫn Nguyễn Du làm Cai Bạ là một chức quan coi sổ ruộng đất, bị các quan trên  chèn ép. Thật ra Cai Bạ là chức quan tương đương với Hiệp Trấn, đứng đầu một doanh, không dưới quyền một ai trong doanh.)
Cầm đầu một trấn về an ninh có viên quan Trấn Thủ, một quan võ cao cấp. Ở một trấn nhỏ như Yên Quảng không có quan Hiệp Trấn mà đứng đầu là quan Tham Hiệp, và về an ninh có quan Án Thủ.
Từ năm 1831 Vua Minh Mạng cải cách hành chánh, đặt ra tỉnh thay trấn, nhiều trấn được chia làm hai tỉnh, như Sơn Nam Thượng được chia làm hai tỉnh: Hà Nội và Hưng Yên. Sơn Nam Hạ được chia làm Nam Định và Thái Bình. Tỉnh lớn có quan Tổng Đốc, tỉnh nhỏ có quan Tuần Vũ bên cạnh có quan Bố Chánh lo về hành chánh, Án Sát lo về hình pháp và Đốc Học lo về giáo dục. Trước năm 1831 Quan Hiệp Trấn lo hết mọi việc, có quan Tham Hiệp phụ tá đứng trên hàng Tri Phủ, Tri Huyện, vùng dân tộc thiểu số miền núi gọi là Tri Châu.
Theo GS Hoàng Xuân Hãn trong Hồ Xuân Hương với Vịnh Hạ Long. Tạp Chí Khoa Học Xã Hội số 11-12 tháng 12 năm 1983 Paris. Tr 94.: Cơ quan trung ương cai trị toàn bộ Bắc Thành cầm đầu bởi Quan Tổng Trấn và Quan Tổng Hiệp Trấn còn gọi là Phó Tổng Trấn là một vị Đại Tướng trong Ngũ Quân: (Trung, Tiền, Hậu, Tả, Hữu). Tổng Hiệp Trấn là quan văn vào hàng Thượng Thư. Được tán trợ bởi ba tào: Tào Hình lo về hình sự, Tào Binh lo bề binh bị, Tào Hộ lo về tài chánh, thuế má.. Ba người giữ chức tam Tào đầu tiên là Nguyễn Văn Khiêm, Đặng Trần Thường và Phạm Văn Đăng..Năm 1817 Trần Quang Tĩnh được cử ra làm Quan Tào Binh Bắc Thành.

Trần Quang Tĩnh, vốn quê ở Gia Định, nguyên là quan Hiệp Trấn Bình Định được đổi ra làm quan Hiệp Trấn Sơn Nam Hạ  đổi ra Bắc Hà lần đầu. Được nghe tiếng Xuân Hương đã tới thăm và tỏ tinh qua lại nhiều lần, nhưng vì một lý do nào đó không cưới nàng ? Xuân Hương có thể từng mang sách đến bán cho các quan, các phú hộ tại Trấn lỵ Nam Định. Tháng 3 năm Kỷ Tỹ 1809, nhân dịp lên Thăng Long cáo từ quan Tổng Trấn đã ghé thăm Cổ Nguyệt Đường. Hồ Xuân Hương bày tiệc dưới trăng tiễn đưa.  Trần Quang Tĩnh xướng bài thơ:

Trần Hiệp Trấn gửi  Hồ Xuân Hương

Nâng chén dưới đèn tiệc tiễn chân,
Tơ sầu dằng dặc lặng câm buồn.
Cây lặng gió yên, chim vắng tiếng,
Ngoài rèm trăng xế, khách kêu ồn.
Ta thẹn không tài thơ Bạch Tuyết,
Khen bạn duyên cao sinh Chu môn.
Trùng phùng còn còn biết ngày nao gặp,
Ngơ ngẩn tình say  vướng mộng hồn.

Thơ chữ Hán Trần Quang Tĩnh,
Hồ Xuân Hương chép trong Lưu Hương Ký,
Nhất Uyên dịch thơ.

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

Trần Hiệp Trấn xướng gửi Hồ Xuân Hương

Tống biệt đăng tiền bả tửu tôn,
Sầu ti lũ lũ dục vô ngôn,
Thụ biên phong tế điểu thanh cấp,
Liêm ngoại nguyệt tà nhân ngữ huyên.
Lân ngã bất tài hư Bạch Tuyết,
Hân quân hữu ohận thách Chu Môn.
Trùng phùng thử hậu tri hà nhật,
Thác đác tình si nhạ mộng hồn.

Điển tích:
Khách: chim khách, kêu khách khách báo hiệu có khách đến.
Bạch Tuyết và Dương Xuân: là hai khúc hát do Sư Khoáng đời Xuân Thu Chiến Quốc sáng tác. Tống Ngọc viết: khi hai khúc hát này hát ra cả nước chỉ năm ba người họa theo được, ý nói khúc hát hay nhưng khó hát, khó làm. Ý nói Xuân Hương làm thơ khó ai hoạ theo được.
Chu Môn là cửa son, gia đình danh vọng, dòng họ Hồ có nhiều người đỗ đạt danh vọng đầu triều như  Hồ Tông Thốc, Hồ Sĩ Đống, Hồ Phi Tích...
Cố nhân từ biệt nhau, bạn tiễn chén rượu này đến chén khác, lòng bâng khuâng, tơ sầu dằng dặc không nói được.Gió im, cây chẳng lay động, chim đã ngủ im tiếng. Bên ngoài rèm trăng xế chỉ còn nghe có tiếng chim khách kêu. Quang Tĩnh khách sáo cho rằng mình tài mọn, nên không nhiều thi tứ, không làm được khúc hát Bạch Tuyết. Khen Hồ Xuân Hương duyên cao nàng dòng dõi nhà quan Hồ Sĩ Đống. Không biết lúc nào còn gặp lại nàng nữa. Tình đã nặng, đêm mộng chắc khó nguôi được. Bài thơ bốn vế đầu Quang Tĩnh cảm động trước sự đưa tiễn của Xuân Hương, nhưng bốn vế sau, tình không đậm nữa chỉ nhạt dần.

Xuân Hương đã họa ngay trên bàn tiệc bài thơ của Hiệp Trấn Trần Quang Tĩnh:

Họa nguyên vận quan Hiệp Trấn 
Sơn Nam Hạ Trần Hầu

Gặp gỡ bèo mây dưới nguyệt tròn,
Ngỗn ngang sầu vọng nói gì hơn.
Phượng Cầu ai gảy đàn đưa ý,
Chim Khách kêu chi ngõ vắng buồn.
Ai chuộc tiếng kèn về Hán khuyết,
Lòng ta luống thẹn biệt Hồ môn.
Chia tay giữa tiệc tình lưu luyến,
Ngây ngát hồn tan mộng Sảnh Nương.

Thơ chữ Hán Hồ Xuân Hương
Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt

Dữ Sơn Nam Hạ
Hiệp Trấn Trần Hầu

Bình thủy tương phùng nguyệt hạ tôn,
Cương trường phiến phiến thuộc nan ngôn.
Khiêu cầu hữu ý minh hoàng xướng,
Nhiễu thụ vô đoan ngữ thước huyên.
Thùy tục già thanh qui Hán khuyết,
Tự tu liên bộ xuất Hồ môn.
Bán diên biệt hậu tình đa thiếu,
Mạch mạch không ly Sảnh Nữ hồn.

Điển tích:
Bình thủy: Bèo trên nước, khi hợp khi tan?
Khiêu cầu: Tích Tư Mã Tương Như gảy khúc Phượng cầu kỳ hoàng, (Chim phượng trống tìm con mái) để quyến rũ Trác Văn Quân, một gái góa chồng.
Ngữ thước: chim khách kêu ngoài ngõ báo tin khách tới.
Hán khuyết: Điển tích nàng Thái Diệm con gái nước Hán có tài thổi kèn,bị phiêu bạt vào đất Hung Nô miền Tân Cương bây giờ, phải lấy trai Hồ. Tào Tháo mến tiếng kèn nàng bèn chuộc về đất Hán.
Hồ Môn: cửa ải đi từ đất Hung Nô về. Hồ Xuân Hương chơi chữ có nghĩa là dòng dõi họ Hồ, danh gia vọng tộc.
Sảnh Nương, chuyện Liêu Trai Chí Dị:  Nàng họ Sảnh và Vương Trụ yêu nhau, nhưng cha mẹ nàng không bằng lòng, nàng lâm bệnh bất tỉnh. Vương Trụ buồn bỏ làng đi xa làm ăn, một hôm Vương Trụ dừng thuyền, chợt thấy Sảnh Nương khăn gói bước xuống. Hai người lấy nhau và đêm đi xa làm ăn. Năm năm sau vợ chồng về làng. Vương Trụ tới nhà trước xin lỗi cha mẹ nàng đã làm trái ý ông bà. Cha mẹ nàng sửng sốt vì Sảnh Nương ốm nặng bất tỉnh nằm trong buồng suốt 5 năm qua. Khi vợ chàng vào đến sân, Sảnh Nương lìa buồng chạy ra đón. Hai Sảnh Nương ôm lấy nhau nhập làm một, thì ra hồn Sảnh Nương đã lìa xác theo Vương Trụ đã năm năm.
Ông Bùi Hạnh Cẩn trong Hồ Xuân Hương. Thơ chữ Hán, chữ Nôm và giao thoại, nxb VHTT Hà nội 1995 tr 108 dịch là Thiển Nữ.

Tôi chép sau đây các bài dịch của Học giả Trần Thanh Mại và Giáo Sư Hoàng Xuân Hãn

Bản dịch Học giả Trần Thanh Mại

Gặp gỡ dưới trăng chuốt chén mời,
Lòng son đòi đoạn chẳng nên lời.
Khúc đàn ai gảy đà đưa ý,
Ngoài ngõ khách kêu chẳng thấy người.
Ai chuộc tiếng kèn về Hán đó ?
Tủi lê gót ngọc đất Hồ rối !
Biệt ly dỡ tiệc tình lưu luyến.,
Hồn Sảnh sầu đau mạch mạch khơi.

GS Hoàng Xuân Hãn dịch ra thơ lục bát:

Nước bèo nâng chén dưới trăng,
Ngổn ngang lòng thắm nói năng được nào !
Đàn xưa gảy khúc Phượng Cầu,
Trên cây khách gọi nhưng sầu không ai!
Ai mê kèn Hán chuộc người ?
Ta đây luống thẹn đã rời Hồ Môn.
Chia tay giữa tiệc tình còn,
Nghẹn ngào ngây ngất tan hồn Sảnh Nương.

Từng quen nhau, nay gặp lại như bèo trên nước tan rồi hợp, giây phút tao ngộ cùng nâng chén rượu dưới trăng tròn mời nhau, lòng ngỗn ngang không nói được nên lời. Xuân Hương trách Quang Tĩnh xưa đã ngỏ ý quyến dụ xin cưới nàng như Tư Mã Tương Như gảy khúc Phượng cầu kỳ hoàng. Nàng đợi chàng tới như chàng đã hứa hẹn, như lời chim khách báo tin trước ngõ, nhưng chàng không tới. Chàng đã yêu thơ thiếp như yêu tiếng kèn nàng Thái Diệm sao không như Tào Tháo chuộc nàng về đất Hán, sao chàng không cưới thiếp. Lòng thiếp tự thẹn đã vượt ra ngoài khuôn mẫu vọng tộc họ Hồ. Hán khuyết đối với Hồ Môn thật khéo léo tài tình. Chia tay nhau hôm nay, lòng còn lưu luyến. Hồn ngây ngất muốn thoát xác như nàng Sảnh Nương, để đi theo cùng chàng. Bài thơ cực mạnh với điển tích Sảnh Nương, nói lên tấm lòng nàng. Thật là một bài thơ chữ Hán tuyệt bút, của Hồ Xuân Hương, chỉ tám câu thôi mà dùng bao điển tích thật khéo léo kết hợp nhau tài tình. Hồ Xuân Hương không chỉ là bà Chúa Thơ Nôm mà thơ chữ Hán cũng vào bậc thi hào.

Bài thơ này còn được chép trong Tục Hoàng Việt thi tuyển của Nguyễn Đình Hồ, một nho gia người huyện Nam Trực tỉnh Nam Định, sách cốt nối tiếp Hoàng Việt thi tuyển của Bùi Huy Bích. Cuối năm 1960, ông Nguyễn Đình Hồ gửi tác phẩm mình cho Viện Văn Học, nhưng không dẫn bài thơ lấy từ đâu. Ông Trần Thanh Mại cố tìm hỏi thẳng nhưng tác giả đã mất.

Mối tình Hồ Xuân Hương và Trần Quang Tĩnh chỉ còn để lại hai bài thơ. Sau đó rồi mỗi người mỗi ngã, cuộc đời phủ phàng. Khi Trần Quang Tĩnh được thăng chức Tào Binh, Thống lĩnh toàn quân đội Bắc Thành dưới quyền Tổng Trấn Lê Chất, trong khi Trần Phúc Hiển, chồng Hồ Xuân Hương bị bắt, vị vu cáo, Hồ Xuân Hương có đến tìm Quang Tĩnh để nhờ cứu giúp. Quang Tĩnh chẳng làm được gì nên chẳng dám chường mặt gặp người tình cũ, chỉ sai lính đuổi nàng đi, để Hồ Xuân Hương chua chát:

Ngâm khách thế thần đâu sắc tướng,
Tình ma không sức đuổi sầu binh.

Và trái tim Trần Quang Tĩnh có lẽ đã hóa đá, trên khán đài ra lệnh cho đao phủ thủ chém Trần Phúc Hiển và khi nghe tiếng nàng Hồ Xuân Hương ôm thây chồng khóc cười điên dại: 

Hạt sương dưới chiếu chau mày khóc,
Giọt máu trên tay mỉm miệng cười.

Hai câu thơ này trong văn bản cổ nhất của bài Khóc ông Phủ Vĩnh Tường, bài thơ này bị sửa đổi nhiều thời Pháp thuộc. Câu: " Cán cân tạo hóa rơi đâu mất, " cán cân là hình ảnh nữ thần Công Lý cầm cán cân tiểu ly, đắp nổi trên các toà án thời Pháp thuộc. Thời Hồ Xuân Hương dùng chữ : đồng cân : cân có cán dài, có dĩa cân, để hàng hóa, khi cân nhấc đồng cân trên vạch, Âm công nhắc một đồng cân cũng vừa (Kiều). Mượn tay thi tướng nhắc đồng cân (Thơ Hồ Xuân Hương tặng Hiệp Trấn Sơn Nam Thượng Trần Ngọc Quán)..