Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]           [  Tác giả

Phượng Hoàng 
Một loại cây "mới" ở Việt Nam

Sóng Việt Đàm Giang


Cây hoa Phượng hoàng

Cây hoa Phượng hoàng, Chuông đỏ, Sò đỏ cam hay nhiều tên khác nữa như Hồng kỳ, Phượng hoàng đỏ, Đỉnh phượng hoàng, Tulip châu Phi, Uất kim hương châu Phi... là một loài cây gốc từ vùng tây châu Phi được thấy xuất hiện ở Đà Nẵng, Nha Trang, rất nhiều ở Bảo Lộc, Lâm Đồng, Đà Lạt, trên con đường từ phi trường Liên Khương vào Đà Lạt, trên con đường Nguyễn Văn Linh, Quận 7, TP Saigon, Vũng Tàu, Long Hải, và nhiều nơi nữa.

Cây hoa phượng hoàng đỏ (Sò đỏ cam) thấy rất nhiều ở những đảo Caribbean khi người viết có dịp thăm viếng những đảo này. Cây này người viết cũng đã thấy ở hai tỉnh Siem Riep và Phnom Penh, Cambodia, và khá thường tại nhiều tỉnh ở Việt Nam. Bài viết ngắn này phỏng theo tài liệu thu thập trên internet.

Cây hoa phượng hoàng là một loại cây trong gia đình họ Bignoniaceae. Tên latin là spathodea campanulata với những tên English như Fountain tree, African tulip tree, Flame of the Forest, Nandi Flame hay Rudra Palash, Pichkari, v.v.. Cây trưởng thành có thể cao đến 15 m. Cây được trồng nhiều ở vùng nhiệt đới viø cây chịu nóng tốt, và vì hoa của cây màu đỏ cam lớn rất rực rỡ và bắt mắt. Đôi khi cũng có một vài cây với hoa màu vàng. Gỗ cây mềm và dòn. Và vì cây mọc rất dễ qua chiết cành nên phát triển khá nhanh.

Hiện nay ở Việt Nam, cũng giống như một số quốc gia trên thế giới, cây hoa Sò đỏ cam bị đặt vào trong nhóm cây có xâm hại cho sinh thái cần kiểm soát.

Nói riêng ở Việt Nam, được biết cây hoa phương hoàng (Sò đỏ cam) này xuất hiện đầu tiên ở Đà Lạt vào năm 1965, một quà tặng của một người bạn bên châu Phi cho kỹ sư Lương Văn Sáu, và ông Sáu đã xin phép trồng cây hoa chuông đỏ này tại khuôn viên chùa Quan Thế Âm, Đà lạt. Vào thời đó phương pháp chiết cành chưa đuợc thịnh hành, và sự thụ phấn của cây này cần có sự hiện diện của một vài loại chim hummingbird mới đơm trái nên cây này được xem là một cây hiếm ở Việt Nam (vì Việt Nam không có loại chim gây thụ phấn này).

Nụ hoa là cả từng chùm hình ống chuông và chứa nước. Nụ hoa này khi ngắt và bóp thì phụt nước ra. Hoa nở hình ống và giữ nước và suơng ở trong. Ngoài chim hummingbird có mỏ dài thường hút nhụy, ngoài ra còn có những chú ong chui vào hút nhụy và rồi chết chìm trong nhụy hoa cùng làm mồi ngon cho sinh vật khác. Hoa từng cụm ở đầu cành. Trái khi chín là một nang khô dài màu nâu sậm, khi chín già thì tự mở ra để phát tán những hạt mỏng có cánh nhẹ theo gió bay đi khắp nơi.
 

Hoa và Nụ
Hạt
Vỏ và lá cây đã được dùng như thuốc cổ truyền ở một số quốc gia vùng nhiệt đới. Vỏ cây được dùng làm lành vết thương nhất là vết bỏng. Vỏ và lá được dân địa phương dùng như thuốc sát trùng và sản phẩm trích từ lá đã được xem như có công dụng trị sốt rét. Vỏ cọng qua thử nghiệm cho biết có tác dụng giảm đường trong máu ở loài chuột.

Cây này hiện nay chưa được coi như mọc tự nhiên khắp nơi mà chỉ hoàn toàn do gây trồng ở nhiều nơi như là một cây vườn cảnh, hay cây trồng dọc theo đường phố. Những cây tự nhiên mọc lên do hạt theo gió bay có thể thấy ở những vùng đất nông nghiệp bỏ hoang, dọc theo đuờng, rãnh nước, ven rừng, v.v....

Nhắc lại những đặc điểm của cây là: cây lớn, có từng chùm lá kép mọc dọc the cành, hoa có thể lớn đến cỡ 10-12 cm, có cấu trúc từng chùm ở ngọn cành. Và quả là những nang lớn khá dài có thể dài đến 30 cm giống như cácloại nang hạt đậu và khi chín nang tách đôi để phát tán những hạt có cánh nhẹ như giấy.

Nói tóm lại cây hoa Phượng hoàng hay Sò Đỏ cam là một cây khá mới ở Việt Nam (kể từ năm 1965). Cây được trồng nhiều ven đường lớn mới xây cất vì cây chiết mau lớn, chịu đựng khí hậu vùng nhiệt đới tốt, cây có lá xanh rất đẹp, và có hoa đỏ rực rỡ lớn bắt mắt. Sự tô điểm thẩm mỹ cho các đô thành đã mang lại màu sắc và ấn tượng thêm cho thành phố. Sư lo ngại về sự xâm lấn nguy hại cho môi trường cũng đáng để ý. Mặc dù nhiều tên đuợc gọi nhưng người viết đắc ý nhất với tên Phượng hoàng. Việt Nam đã có hoa tên phượng vĩ, phượng tím và bây giờ phượng hoàng, thật không gì hay hơn. Cũng cần lưu ý tên gọi phượng hoàng có thể là do vì cây đầu tiên được trồng tại chùa Quan Thế Âm, nên những vị trụ trì đã gọi cây này là phượng vàng thay vì phượng đỏ. Và vì thế mà nay có tên là phượng hoàng chăng?

Tóm lại

Cây "mới" Phượng hoàng ở Việt Nam dù đẹp, hoa đỏ rực rỡ, lá xanh mướt nhưng chắc chắn không bao giờ có thể thay thế, hay mang được cái chất thơ mộng vào tuổi học trò cho hàng ngàn, hàng vạn nam nữ sinh trung học trên khắp đất nước Việt Nam như cây Phượng vĩ đỏ.

Sóng Việt Đàm Giang
March 30, 2012