Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]           [  Tác giả ]

Du Lịch Liên Bang Nga và Bắc Âu,
(Phần-Lan, Thụy Điển, Đan Mạch)

Sóng Việt Đàm Giang

Lời mở đầu

Đối với những ai thường đi du lịch, liên bang Nga là một quốc gia không thể không thăm viếng. Chuyến du lịch đầu tháng 9, 2011 do Voyages Saigon tổ chức với ông Trần Chính, trưởng đoàn hướng dẫn chuyến du lịch thăm viếng Liên bang Nga, Phần Lan, Thụy Điển, và Đan Mạch là một chuyến đi chơi thật thú vị và qua kinh nghiệm lịch sử, văn hóa của ông trưởng đoàn, chúng tôi đã biết thêm rất nhiều về Liên bang Nga. Bài viết dưới đây ghi lại một số kỷ niệm những nơi thăm viếng tại liên bang Nga. Địa danh không đồng nhất, có thể là Việt ngữ, Anh ngữ xen lẫn Nga ngữ viết theo Anh ngữ chuyển dịch.

Du Lịch Liên bang Nga
NGÀY THỨ 01. Thứ Tư 07 September

Chúng tôi khởi hành từ Houston lúc sáng sớm bằng máy bay hãng Delta Airlines Airlines . Ghé phi trường Atlanta (Georgia), và sau đó JFK (NY) để đổi máy bay tới phi trường Moskva (Moscow/Mạc Tư Khoa/Maxcơva).

NGÀY THỨ 02 Thứ Năm 08 September.

Đến Maxcơva (Moscow), thủ đô của Liên Bang Xô-Viết (U.S.S.R.) ngày trước, và là thủ đô của Liên Bang Nga (Russian Federation) hiện nay, vào buổi trưa. Trên con đường từ phi trường về khách sạn, chúng tôi được nhìn thành phố qua chuyến xe bus. Ngoại ô Moscov hầu hết trông cũ kĩ, nghèo nàn và gồm nhiều chung cư bình dân cao cả chục tầng nhưng được biết không có thang máy.

Chuyến xe bus tiếp tục cho đi tham quan một vịng thành Maxcơva: tường thành (Kremlin walls) và Cung điện Lớn Kremlin (Kremlin Building) bên bờ sông Moskva, qua quảng trường Lubyanka với trụ sở cũ của cơ quan mật vụ KGB khét tiếng, Thư viện Quốc gia Lénin, Nhà hát Lớn Bolshoi (Grand Opera House) và quảng trường mang tên đại thi hào Pushkin (Pushkin Square).


Tường thành Kremlin với nhiều tòa tháp

Thư viện Quốc gia Lenin
Trung tâm Lubyanka (KBG cũ)
Sau khi làm thủ tục nhận phòng khách sạn, buổi chiều tối chúng tôi được đi một vòng thăm Moscow về đêm và chụp hình, nhất là chụp hình đại thánh đường nổi tiếng khắp năm châu, đó là đại thánh đường St Basil ở quảng trường Đỏ. Đại thánh đường Basil, quảng trường Đỏ, thương xá GUM và những tòa tháp của thành Kremlin thiệt lộng lẫy vô cùng. Xe bus cũng đưa chúng tôi lên đồi Chim sẻ (đồi Lenin cũ) để ngắm nhìn một phần thành phố Moscov ban đêm.
St Basil's Cathedral
Quảng trường Đỏ
Đồi Chim sẻ/Sparrow Hill/Vorobyovy Gory (Tên cũ: đồi Lénin), ngay trước mặt trường Đại học Quốc gia Lomonosov; đồi Chim sẻ cao hơn mực đô thành Moscow cỡ 80 mét. Từ đồi Chim sẻ có thể nhìn thấy nhiều cảnh đẹp chung quanh như Trung tâm thương mại Moscow, Moskva River, Luzhniki Stadium, và xa hơn một chút phía sau vận động trường là nhà thờ trắng có vòm Smolensky thuộc Tu viện Novodevichy.

NGÀY THỨ 03. Thứ Sáu 09 September .

Buổi sáng: thăm Tòa nhà trưng bày tranh Tretyakov.

Nhà trưng bày tranh Quốc gia Tretyakov

Tretyakov là một bảo tàng viện nghệ thuật ở Moscow, được một nhà buôn mang tên Pavel Mikhailovich Tretyakov (1832-1898) thành lập với bộ tranh sưu tập riêng của ông vào năm 1856. Tretyakov tiếp tục sưu tầm và mua tranh trong suốt cuộc đời của ông. Nhà tranh Tretyakov được dân Nga rất ưa thích và đặt tên cho là Tretyakovka. Hơn 30 năm sau đó, Tretyakov đã chính thức giới thiệu tất cả bộ sưu tập cho dân Nga xem vào năm 1892 và sau khi ông chết (1898), con cháu ông đã trao tặng nguyên bộ sưu tập và cả căn nhà của ông cho chính phủ Nga và nơi này mang tên Nhà tranh Quốc gia Tretyakov từ năm 1918. Vào thời điểm đó bộ sưu tập của ông gồm 1287 bức họa, 518 tranh vẽ của trường Nga, 75 tấm và 8 figures thuộc trường phái Tây Âu, 15 điêu khắc và một số icons.

Mặt tiền tòa nhà hiện tại được thiết kế bởi họa sĩ Viktor Vasnetsov trông giống như một ngôi nhà trong chuyện thần thoại. Nhà xây vào năm 1902-04 ở phía nam của điện Kremlin, phía trước có tượng Tretyakov.

Nhà tranh quốc gia này nay có 62 phòng và hơn 100,000 tác phẩm tiêu biểu cho Mỹ thuật Tạo hình Nga từ thời thế kỷ thứ 10 đến hết thế kỷ thứ 19. Trong nhà tranh Tretyakov này có hầu hết tất cả nghệ sĩ Nga đã góp phần vào văn hóa nghệ thuật Nga. Ngoài tranh họa còn gồm nhiều icons cổ nổi tiếng nhất thế giới như Our Lady of Vladimir hay Theotokos of Vladimir, Holy Trinity của Andrei Rublev, v.v...

Ngoài Viện Bảo Tàng Tretyakov còn có một nhà trưng bày Tretyakov khác trên Krymsky Val với những tác phẩm của thế kỷ 20. Một số họa sĩ được biết nhiều là Wassily Kandinsky với Composition VII, Above the town của Mark Chagall, Black square của Kazimir Malevich. Nơi đây cũng trưng bày rất nhiều tượng điêu khắc, cùng tranh họa tuyên truyền cách mạng, và đề cao xã hội chủ nghĩa.

State Tretyakov Gallery
New Tretyakov Gallery on Krymsky Val.
Một số icon tiêu biểu và một số danh họa của Nga được ghi lại ở đây.

ICON

Icon, trong cách hiểu phổ thông ngày nay, đơn giản, chỉ là biểu tượng

Icon ở Liên bang Nga thì đặc biệt hơn, được xem như một thể loại Biểu tượng Thánh gắn liền với truyền thống nghệ thuật Công Giáo Byzantin mang màu sắc phương Đông, bắt nguồn gốc từ đầu thế kỷ thứ 4 kéo dài cho đến gần hết thế kỷ 17.

Một tác phẩm icon tiêu biểu luôn luôn là đại biểu cho nghệ thuật Byzantin, một nghệ thuật thuần túy thuộc Tôn giáo, và Thần học. Theo nghệ thuật Byzantin, các nghệ sĩ thực hiện không được quyền tự do diễn đạt theo cá nhân, mà phải theo quy luật của giáo hội, phải truyền đạt với ngôn ngữ tư tưởng của các nhà thần học, nhằm mục đích giáo huấn và xây dựng Đức Tin. Nghệ thuật Byzantin là nghệ thuật tiêu chuẩn hóa (normalization) và chức thánh hóa (canonization), các họa sĩ phải tuân thủ các chuẩn mực ấn định và mẫu mực đề ra sẵn.

Nghệ thuật Byzantintheo lịch sử đã gắn liền với Đế quốc La Mã phương Đông do Hoàng đế Constantine thành lập năm 330 và chấm dứt năm 1453 khi thủ đô Constantiople (tên cũ là Byzantium) bị quân Thổ Nhĩ Kỳ chiếm và đổi tên thành Istanbul, và sau đó biến thành thủ đô của Đế quốc Ottoman.

Nghệ thuật Byzantin không chỉ nằm trong khuôn khổ địa lý và chính trị của Đế quốc La Mã. Ảnh hưởng của nó đã lan tràn sang các vùng lãnh thổ Chính Thống Giáo (tách ra từ đầu Thế kỷ 11) như Hy Lạp, Nga, Rumani, Ukraina v.v... và còn kéo dài rất lâu sau khi Đế quốc La Mã sụp đổ. Chính cơ cấu phân chia từng vùng với sự độc lập, tự trị của nhiều Giáo Hội Chính Thống Giáo địa phương (khác với Công Giáo quyền lực tập trung vào Giáo Hoàng) đã dẫn đến một sốkhác biệt trong cách diễn giải thần học và các qui chế đối với nghệ thuật Biểu Tượng Thánh.

Hình trên icon Byzantin có tính chất duy lý triệt để: mỗi hình ảnh có ý nghĩa thuần túy như một khái niệm, không mang sắc thái biểu lộ cảm tính cá nhân nào của con người. Trái lại, những icon Hy Lạp cho thấy hình ảnh được thể hiện gần với tự nhiên hơn - mang ảnh hưởng của nghệ thuật Hy Lạp cổ xưa. Còn với icon Nga thì lại bộc lộ rất rõ các phong cách trữ tình, có tính cá nhân hơn. Cũng vì lý do đó mà ngày nay khi tiếp cận với khía cạnh thần học thì người ta nghiên cứu icon Byzantin, nhưng nếu tìm hiểu về nghệ thuật thì tìm đến icon Hy-lạp hay icon Nga.

Tretyakov để lại tất cả là 62 icons khi ông qua đời, nay con số icon trong viện bảo tàng đã lên đến vài trăm. Dưới đây là một vài icon tiêu biểu trong viện bảo tàng Quốc gia Tretyakov.

Thánh Demetrius của Salonica.

Đây là một bức họa mosaic Thánh Demetrius của thế kỷ 12, làm với phalê xanh (smalt), gạch, đá, cẩm thạch. Bức này do một nhà quyền quý đặt hàng và tạo dựng từ năm 1108-1113; trước đây đặt trong Tu viện Mái Vịm Vàng Mikhailovsky ở Kiev, nay được rời sang Tretyakov. Bức họa cho thấy Demetrius mặc áo bào cổ truyền, tay cầm thánh giá, không phải là một chiến sĩ mà là một người hy sinh đời mình cho tôn giáo (thánh tử vì đạo). Theo tôn giáo, thì bức họa với hình thánh tử vì đạo tượng trưng cho những chiến sĩ của Thiên đàng và khí giới của họ là một biểu tượng Chiến thắng Thiên đàng. Chiến thắng Thiên đàng và Thánh kết hợp với năng lượng của Ánh sáng Thiên thần đã được bày tỏ rõ ràng trong bức họa này. Màu vàng chế ngự tác phẩm: Demetrius mặc áo giáp vàng, với nền màu vàng, hình Demetrius như thể trở nên vô hình thể vì tự nó khuếch tán ra năng lượng sáng ngời. Vị thánh ở đây như chiếc thuyền lớn tải ánh hào quang mầu nhiệm hướng về những người theo Cơ đốc giáo.

Đức mẹ lên trời (The Assumption of Our Lady)

Tranh đầu thế kỷ 13. Làm bằng thuốc màu trộn với hồ và lòng trắng trứng (tempera) trên gỗ.

Icon miêu tả cảnh thăng thiên trong nghệ thuật Byzantin này cho thấy Đức bà qua đời nằm trên giường. Chung quanh là tông đồ và thánh thần. Chính giữa bức icon cho thấy Đức Chúa đỡ trên tay một hình hài nhỏ bé được tẩm liệm cuốn bọc vải màu trắng tương trưng linh hồn của Đức bà. Đằng trước và phía chân giường là đôi hài đỏ tượng trưng cho con đường trần thế bỏ lại. Phần trên bức họa cho thấy thiên thần mang linh hồn Đức bà về thiên đàng, và những tông đồ bay trong mây tháp tùng bởi thiên thần. Đúng theo Cơ đốc chính thống thì bức họa đuợc gọi là The Dormition of Our Lady, có nghĩa là chỉ có linh hồn Đức bà là đi lên còn thân thể vẫn còn ở lại.

Demetrius của Salonica
Đức Mẹ lên trời
Our Lady of Vladimir
Nhà thờ trưng "Our Lady" tại Treyakov
Holy Trinity
Khi nói đến icon Nga, những người nghệ sĩ thường nhắc đến "Đức Mẹ của Vladimir" vẽ (Our Lady of Vladimir hoặc Virgin of Vladimir) có từ thế kỷ 12, và "Ba Ngôi Thiên Chúa - theo Cựu Ước" ( The Holy Trinity hay The Old Testament Trinity) của Andrei Rublev ở thế kỷ 14.

Như đã viết ở phần trên, tuy chịu ảnh hưởng truyển thống icon Byzantin từ thế kỷ thứ 4, nhưng icon Nga chỉ thực sự phát triển với sắc thái riêng bắt đầu khi Giáo hội Chính Thống Nga tách ra khỏi ảnh hưởng của Giáo hội Công giáo ở Constantinople (tên cũ là Byzantium) từ đầu thế kỷ 11.

Phát triển trễ, và mang ảnh hưởng màu sắc Chính thống giáo, icon Nga không còn chịu sự trói buộc bởi quá nhiều qui luật chặt chẽ như icon Byzantin. Lý do icon Byzantin ra đời từ thế kỷ thứ 3, và trải qua nhiều thế kỷ đã phát triển trong tư thế đối đầu với khuynh hướng Bài trừ ảnh thánh (Iconoclasm: cấm vẽ và thờ hình ảnh Chúa Cứu Thế hoặc các vị Thánh) do Hoàng đế La Mã Đông phương chủ trương từ thế kỷ thứ 7 thứ 9 và kéo dài đến thế kỷ 11 mới chấm dứt hẳn. Để tồn tại cân bằng trong vị thế đối đầu dai dẳng này, icon Byzantin phải tuân thủ các qui luật thần học hết sức nghiêm ngặt và được kiểm soát chặt chẽ.

Phát triển từ thế kỷ 11, icon Ngakhông phải chịu những ép buộc như icon Byzantin. Các qui luật thần học, do đó, cũng được thả lỏng hơn. Dấu ấn của các nhà thần học trên icon dần dần nhường chỗ trước đức tin và cảm tính của người nghệ sĩ. Icon Nga có những đặc tính khác icon Byzantin như: icon Byzantin thường không đề tên tác giả, trái lại icon Nga, mỗi tác phẩm đều mang tên người sáng tạo. Nhìn hình ảnh icon Nga, người ta ghi nhận những khuôn mặt có cảm xúc, gần gũi và thân thuộc hơn. Và người ta có thể liên hệ bức tranh với cá nhân nghệ sĩ sáng tạo bức họa đó.

Our Lady of Vladimir

Tác phẩm này, thực hiện ở Hy Lạp. Năm 1131, nó được đưa đến Ukraine, như một món quà do tổng trưởng Byzantine Luke Chrysoberges của Constantinople gởi tặng hoàng tử Yury Dolgoruky của Kiev. Sau thời gian lưu giữ tại Tu viện Mezhyhirskyi, Kiev, năm 1155, tác phẩm được chuyển về Vladimir. Theo truyền thuyết, ban đầu, con trai của Yury không có ý định đưa tác phẩm đến Vladimir, nhưng khi đến Vladimir thì con ngựa của ông đã ngưng vó không chịu đi nữa. Mọi người giải thích điều này như một dấu hiệu cho thấy Biểu tượng Thánh muốn ở Vladimir. Vì thế một ngôi nhà thờ lớn dành riêng cho Biểu tượng Thánh được xây ở Vladimir. Bắt đầu từ đó, tác phẩm được mang tên "Đức Mẹ Đồng Trinh (của) Vladimir". Icon Đức Mẹ Vladimir của Chúng ta đã cứu được nước Nga ra khỏi một hoàn cảnh thê thảm. Vào năm 1395, khi quân Mông Cổ mang quân xâm chiếm thủ đô Moscow thì tác phẩm được chuyển đến Moscow để giúp dân cầu nguyện. Trong lúc toàn dân trong thành phố đang quỳ gối cầu nguyện thì phép lạ xẩy ra: không một lý do rõ rệt nào, tự nhiên quân Mông Cổ rút lui ra khỏi thành phố. Điều này, đã khiến cho người dân Nga càng tin tưởng mãnh liệt hơn vào sự linh thiêng của Biểu tượng Thánh "Đức Mẹ Vladimir". Trong một khoảng thời gian ngắn, tác phẩm đã được sao chép và được thờ kính ở khắp nơi trên đất nước Nga.

Bỏ ra ngoài câu chuyện gắn bó lịch sử trên, icon "Our Lady of Vladimir" đã được xem như một trong những icon tiêu biểu của nghệ thuật Nga. Vì nó thể hiện được cái đẹp tự nhiên có nhân tính. Nhìn kỹ hơn chúng ta thấy chân dung Đức Mẹ mang những nét hiền hoà, trìu mến của một người mẹ với đứa con, cùng mang nét đau khổ suy tư lo sợ về những khổ nạn sẽ xẩy ra cho con mình. Còn đứa trẻ biểu lột sự vô tư, hồn nhiên đuợc bao bọc che chở sát bên người mẹ. Cũng vì bức tranh mang một thông điệp xúc động lòng người, nó trở nên gần gũi với người hơn, như một nguồn an ủi trong những tàn phá khốc liệt xẩy đến với dân Nga. Tưởng cũng nên nhắc là bức họa sau hơn 900 năm đã trải qua tất nhiều thay đổi do trùng tu vì sự tàn phá của thời gian, nhưng khuôn mặt của Đức mẹ và Chúa không hề thay đổi.

Và có thể nói từ bức họa này mà phát sinh ra nghệ thuật vẽ icon ở Nga. Icon này được coi như kim chỉ nam dẫn đường dẫn lối vẽ icon cho những hoạ sĩ như Andrei Rubley (Tác giả bức Trinity) và Theophanes the Greek (vẽ Our Lady of the Don)

Bức họa Our Lady of Vladimir qua nhiều thế kỷ, đã được đặt trong Thánh Đường Đức Mẹ Lên Trời trong thành Kremlin (Moscow) trước khi được vĩnh viễn mang vào Nhà Bảo Tàng Quốc Gia Tretyakov. Để bảo vệ mọi bất trắc và thay đổi của điều kiện bên ngoài, bức họa được đặt trong một hộp kính chống đạn đặc biệt, điều hòa ở nhiệt độ 18-20 độ C và độ ẩm thấp hơn 55% . Có tài liệu từ Nga cho rằng sự phòng vệ bức icon này còn cẩn thận và tinh vi hơn cả sự phòng thủ tại Bảo Tàng viện Hermitage ở St. Petersburg, Nga, và Louvre ở Paris, Pháp.

Một bức họa khác : Đức Chúa Trời Ba Ngôi -Cựu Ước (Holy Trinity).

Holy Trinity là một đề tài quan trọng trong những bức họa icon đai biểu cho Cơ đốc giáo phương Đông. Bức họa tiêu biểu cho Old Testament Trinity này do nhà họa sĩ Andrei Rublev sáng tác cỡ nãm 1410-1425 để phục vụ thờ nguyện ở Nhà thờ Ba ngôi tại thánh viện Serge. Như đã biết trong Cựu Ước, thông điệp Ba Ngôi Thiên Chúa được thể hiện qua câu chuyện ba người khách của Abraham.

Trong bức họa đúng ra được gọi là "Sự Khoản đãi của Abraham" này Rublev đã không vẽ Abraham và Sarah mà chỉ vẽ ba thiên thần với mục đích miêu tả sự Bí ẩn của Tam vị Nhất thể (Trinity). Hậu cảnh có ngôi đền (tượng trưng cho cãn lều của Abraham) và câu sồi Mamre mang ý nghĩa "Cây sự sống". Chủ đề chú trọng vào ba nhân vật. Sự hài hòa siêu thoát của bức tranh cùng màu sắc làm rung động lòng người, làm tác phẩm trở nên rất thật.

Trong nhà trưng bày tranh Tretyakov còn trưng bầy rất nhiều tranh của các thế kỷ tiếp nối. Dưới đây là một số họa sĩ Nga nổi tiếng trước thế kỷ 20.

Orest Kiprensky: A. Pushkin
       Vasily Tropinin: A. Pushkin
Orest Kiprensky (1782-1836). Có thể nói Kiprensky là họa sĩ vẽ chân dung rất truyền cảm, rất lãng mạn, trong ba mươi năm đầu của thế kỷ 19. Bức họa chân dung A. Pushkin (1799-1837), nhà thơ nổi tiếng người Nga, tiểu thuyết gia, kịch gia, vẽ năm 1827 của Kiprensky được xem như là tác phẩm mà Kiprensky ưng ý nhất. Màu sắc và đuờng nét rất hài hòa, hậu cảnh bên phải sau Pushkin có vẽ tượng của Nàng Thơ (Muse) thần bảo hộ thơ văn tượng trưng cho bẩm tính thơ văn của Pushkin. Trên vai Pushkin có một tấm khăn quàng sọc vuông của Tô cách lan như gợi ý có sự tương đương với nhà thơ George Byron của Âu châu và là thần tượng lãng mạn. Khuôn mặt Pushkin được vẽ rất sáng như tượng trưng cho tinh anh xuất phát tạo nên hào quang phía sau.

Vasily Tropinin (1776-1857). Tropinin là một họa sĩ Nga thời kỳ lãng mạn (cuối nửa thế kỷ 19). Suốt quãng đời còn trẻ ông là một nông nô, và chỉ lấy được tự do khi ngoài 40 tuổi. Ông có ba bức họa nổi tiếng là chân dung Alexander Pushkin và hai bức họa vẽ ngươi đàn bà đang làm ren và người đàn bà thêu chỉ vàng (The Lace Maker The Gold-Embroideress).

Bryullov: The Last day of Pompeii
A. Ivanov: Christ's Appearing to the People
Karl Bryullov (1799-1852) sanh trưởng ở St. Petersburg trong một gia đình có tiếng về khảm khắc trên gỗ. Tuy có theo học trường Cao đẳng Mỹ thuật ở St. Petersburg nhưng Bryullov không thích đường lối cổ điển của trường mà nghiêng về hội họa của Ý. Bức tranh nổi tiếng của ông vẽ Ngày cuối cùng của Pompei (The Last Day of Pompeii/1830-1833) trong thời gian ở Ý được các nhà văn Nga đương thời như Pushkin và Gogol khen ngợi và đánh giá như ngang hàng với tác phẩm của họa sĩ Âu châu như Rubens và Van Dyck.

Alexander Ivanov (1806-1858) có một với bức họa rất lớn 5.4 x 7.5 m và công trình 20 năm mới hoàn tất "Christ's Appearing to the People". Bức vẽ miêu tả ham muốn nồng nhiệt của Ivanov cho sự tổ chức lại căn bản nhân loại, niềm hy vọng, và lòng tin vào tự do, cùng một đời sống khá hơn cho người dân Nga trong tương lai.

Tronh hình cho thấy phản ứng của dân khi nghe John Baptist tuyên bố người đi tới là Thiên chúa. Nhìn khuôn mặt của người nô lệ đưa áo cho chủ. Với nét mặt của một người nô lệ chịu đựng lâu đời, thái độ khiêm nhương cố hữu, bừng sáng với hy vọng, sống dậy cái cảm giác phẩm cách con người.

Ivanov đã lát con đường rất khác biệt và quan trọng trên lộ trình dẫn tới những tác phẩm nổi tiếng của thế kỷ 19 như Nikolai Ghe, Vassili Surikov, Mikhail Vrubel, v.v.. Bức họa của Ivanov đánh dấu cao điểm trễ của nghệ thuật cổ truyền Nga.

Pavel Fedotov (1815-1852), là nghệ sĩ vẽ tranh căn cứ vào những hình ảnh ông quan sát ngoài đời, và mở đầu cho sự phát triển một khuynh hướng nghệ thuật mới cho nửa sau của thế kỷ 19. Tranh ông có sự khôi hài, châm biếm nhẹ nhàng và sống động.

Bức họa Cầu hôn của Thiếu tá (Major's Marriage Proposal) hay còn được gọi là Làm mai mối (Matchmaking) vẽ năm 1848 là bức họa thành công nhất của Fedotov. Chúng ta thấy trong căn phòng của một thương gia giầu có, ông bố ăn mặc giản dị, bà mẹ sống áo hợp thời, người quản gia sửa áo cho cô gái, cô gái ngượng ngùng đang sửa soạn trang phục cho buổi tiệc và ở cửa vào phòng ăn là một nhà quý tộc, một sĩ quan rất tự tin đang hỏi lấy cô gái làm vợ vì tiền. Sự khôi hài hiển nhiên thấy qua động tác của các nhân vật diễn tả trong tranh. Chi tiết căn phòng cho người nhìn thấy kỹ hơn được hoàn cảnh xã hội đương thời và càng thán phục tài châm biếm của họa sĩ.

Vasily Vladimirovich Pukirev (1832-1890) là một họa sĩ và cũng là một người vẽ tranh ảnh. Ban đầu ông thường vẽ chân dung, nhưng về sau nổi tiếng nhờ những bức họa lịch sử. Bức họa nổi tiếng của ông là Một Cuộc Hôn nhân Bất xứng (The Unequal Marriage).

The Unequal Marriage (1862), cho ta thấy sức mạnh của đồng tiền qua hôn lễ của một vị sĩ quan cao cấp lớn tuổi với một cô gái trẻ. Người sĩ quan cao cấp già giàu có và quý phái, nét mặt thản nhiên nhìn xuống cô gái bằng đuôi mắt, nói nhỏ vài lời vẻ như không bằng lòng với cô dâu, người con gái trẻ mà ông có lẽ chỉ xem như một món đồ mà ông đang bỏ tiền ra mua. Phía sau cô gái có một người đàn ông để râu đang quan sát cảnh hôn lễ. Hình ảnh cô gái trẻ hoàn toàn trái ngược với cái nhìn của chú rể. Khuôn mặt nàng rất dễ thương, mái tóc vàng mượt mà, chiếc miệng xinh xinh, tất cả mang những nét khả ái đầy nữ tính. Nàng rất tinh khiết, thơ ngây. Đôi mắt nàng nhìn xuống, mí mắt sưng húp vì khóc. Nàng chẳng nhìn người chủ hôn và cũng chẳng màng đến ngọn lửa trên cây đèn cầy đang cầm trong tay. Bàn tay kia đưa ra trước mặt người chủ hôn một cách máy móc, gượng gạo như để miễn cưỡng nhận chiếc nhẫn gắn đời nàng với người đàn ông xa lạ và không có một chút yêu thương nào. Bức họa này được xem như bức họa nổi tiếng nhất của Pukirev. Tông tích của người thiếu nữ trẻ trong bức họa là một bí ẩn cho đến tận năm 2002 khi một bức họa chân dung vẽ một người đàn bà trung niên trông buồn bã và đau khổ của Pukirev được viện bảo tàng Tretyakov mua. Bức họa vẽ bằng bút chì mầu tầm thường trở nên vô giá, với hàng chữ ghi lại ở phía dưới: "Praskovia Matveevna Varentsova, 44 năm trước là người mẫu cho bức họa nổi tiếng The Unequal Marriage của Purikev. Bà Varentsova sống ở Moscow rất nghèo nàn". Hai tác phẩm cách nhau 44 năm về một người đàn bà đã là đề tài cho sự tò mò của mọi người. Nhân viên viện bảo tàng sau đó đã khám phá ra rằng người con gái trẻ trong hình là người yêu ngày đó của Pukirev, nàng đã chối bỏ tình cảm riêng tư của nàng và kết hôn với một vị hoàng tử già nua. Và đặc biệt hơn nữa là người ta đã khám phá ra tông tích của người đàn ông để râu đứng sau cô gái đang nhìn buổi hôn lễ trong bức họa. Người đàn ông này không ai khác hơn, chính là họa sĩ Pukirev.

Bức họa được nổi tiếng vì biểu hiệu cho một thảm cảnh của xã hội thời đó (chủ nghĩa hiện thực phê phán) cho thấy vị trí thấp kém của đàn bà và một chính quyền đầy tham nhũng của những năm 1860s. Những chỉ trích trên tranh họa và báo chí thời đó, phản ảnh kêu gọi đổi mới cho xã hội Nga, dẫn đến sự phóng thích nông nô/nô lệ vào năm 1861.

Fedotov: Major's Marriage Proposal
       Pukirev: The Unequal Marriage
Vasily Grigorevich Perov (1834-1882) là một họa sĩ Nga theo trường phái hiện thực và là một trong những sáng lập viên của nhóm họa sĩ hiện thực Peredvizhniki. Một bức họa nổi tiếng của Perov là Troika. Apprentices Fetch Water, 1866 Troika". Apprentice Workmen Carrying Water
1866.

Với nhiều người Nga thì bức họa nổi tiếng Cỗ Xe Tam Mã (Troika) của Perov rất quen thuộc. Một bức họa miêu tả trong cảnh chạng vạng tối mùa đông trên một con con đường phố trong đô thành có hai đứa bé trai và một bé gái trong cơn bão tuyết lạnh đến cắn răng với gió thổi phần phật vào quần áo, đang ráng hết sức kéo một cỗ xe chứa một thùng gỗ chứa nước bao phủ đầy tuyết. Ba trẻ như kiệt sức. Một người tốt bụng nào đó đã giúp sức đẩy xe lên qua đồi. Một trong hai bé trai vẽ trong hình tên là Vasya, con của một người đàn bà pilgrim tên Maria. Theo lời của bà Tachiana Ludkevich, nhân viên khoa học chính thức của Viện Bảo Tàng Nghệ Thuật Tretyakov, thì trong một thời gian rất lâu bà Maria đã không bằng lòng cho con bà làm người mẫu cho Perov vẽ vì với lòng tin dị đoan của bà rằng vẽ chân dung của một người sẽ làm mất đi sức khỏe của kẻ đó và có thể làm kẻ đó tử vong. Trong khi bà Maria kể chuyện thì Perov đã phác họa chân dung của cậu bé. Khi bức họa hoàn tất, Tretyakov thấy bức họa thì mua liền và treo ở phòng tranh. Bốn năm sau đó, bà Maria đến báo tin cho Perov biết là con trai bà cậu bé Vasya đã chết vì bị bệnh đậu mùa, nay bà thu góp tiền bạc và muốn mua bức tranh. Perov giải thích ông không còn bức họa đó và dẫn bà Maria vào nhà tranh của Tretyakov và bà Maria đã quỳ trước bức tranh hàng giờ để cầu nguyện.

Bỏ ngoài sự tích bức họa, đề tài Cỗ xe Tam mã tương trưng bởi ba đứa trẻ nghèo kéo nước trong mùa đông lạnh giá của họa sĩ hiện thực Perov đã nói lên một thực trạng thời đó. Ông muốn tố cáo sự lợi dụng bắt trẻ em làm việc một cách vô nhân đạo vì xã hội bất công đã đẩy các trẻ em vào cảnh đói khát khốn khổ.

Perov: Troika
       Perov: Fyodor Dostoyevskye
Ngoài vẽ tranh theo phái hiện thực Peredvizhniki Perov còn vẽ nhiều tranh chân dung. Tranh vẽ chân dung của ông được so sánh như ngang với tranh của Repin và Kramskoi. Tranh ông vẽ giản dị, tự nhiên, không xa hoa với mầu sắc hài hòa. Nổi tiếng nhất là bức chân dung nhà văn Fyodor Dostoyevsky (1872). Lưng hơi đưa về phía trước, đầu kéo vào đôi vai, đôi tay mạnh, rộng nắm chặt lấy nhau vòng qua đầu gối nói lên một người đàn ông đã từng được biết là chịu đựng rất nhiều nhưng vẫn giữ nguyên một nội lực vững mạnh. Hình vẽ cho thấy một khuôn mặt nhợt nhạt, hốc hác với đôi mắt sắc và tối. Hàm ý của bức chân dung lại càng rõ rệt hơn với gam mầu nâu và xám, chỉ có một chút lốm đốm đỏ trên chiếc cà vạt là nét chấm phá cho bức họa. Kramskoi nhà phê bình tranh và cũng là họa sĩ cho rằng bức họa này của Perov là bức tranh có giá trị nhất trong hội họa Nga.

Ivan Nikolaevich Kramskoi (1837-1887) là một họa sĩ Nga và cũng là một nhà phê bình nghệ thuật. Ông là một lãnh đạo của phong trào nghệ thuật dân chủ Nga trong khoảng 1860-1880).

Nhìn vào bức họa Người đàn bà vô danh (Unknown Woman, 1883) ta nhận thấy Kramskoi muốn dùng hình ảnh để phơi bày cảm xúc phức tạp, cá tính, và số phận của gái. Cô gái vô danh này có lẽ là một cô gái bao của một người đàn ông giầu có nào đó, cô ta còn rất trẻ, ăn mặc y phục đắt tiền, áo choàng lông thú, khuôn mặt kênh kiệu, bất cần đời, đội mũ và ngồi trên xe ngựa kéo.

Kramskoi: Unknown Woman
Surikov: Morning of Streltzi's execution
Vasily Ivanovich Surikov (1848-1916) là một họa sĩ Nga nổi tiếng vẽ tranh lịch sử nhưng không phải vẽ giới quyền quý mà là những hình ảnh đặt trọng tâm vào dân chúng Nga. Trong bức họa mang tên Cuộc Nổi Loạn của Nhóm Strelty (The Strelty Uprising of 1698 hay Morning of Strelty's execution) Surikov vẽ hình ảnh Nga trong quá khứ liên quan đến dân Nga. Bối cảnh trong tranh họa cho thấy cuộc hành quyết dân nổi loạn nhóm Strelty được thực hiện ở trước công trường Đỏ có Thánh đường St. Basil nằm phía sau (ở Moscow). Sử gia Nga tin rằng đó là hình miêu tả cuộc hành quyết nhóm nổi loạn Strelty là nhóm có mưu đồ lật đổ Peter the Great và muốn mang bà Sophia lên thay quyền. Cuộc nổi loạn thất bại và hầu hết nhóm Strelty đều bị giết trước sau cả vài ngàn người. Nhưng cũng có sử gia cho rằng đó chỉ là cuộc hành quyết nhóm nổi lên chống lại chế độ nô lệ, chống lại sự đàn áp của quân đội và những nhiễu nhương thái quá của chính quyền.

Ilya Yefimovich Repin (1844-1930). Repin là một nhà điêu khắc và họa sĩ có tiếng của Liên bang Nga thuộc trường phái hiện thực Peredvizhniki. Một phần lớn tác phẩm để tưởng nhớ quê ông Ukraine. Tác phẩm hiện thực của ông diễn tả chiều sâu tâm lý và phơi bày nhưng xung khắc trong xã hội thời đó.

Hãy nhìn bức họa Đoàn người Tham dự Đám rước Tôn giáo trong Giáo khu Kursk/ Religious Procession in the Province of Kursk là thấy ngay cái hình ảnh dân Nga quốc gia đương thời. Hình cho thấy nhiều giai cấp khác nhau trong bối cảnh buổi lễ tôn giáo cổ truyền và manh nha hợp nhất xã hội. Bức họa hoàn tất trong khoảng 1880-1883 cho thấy cảnh đám đông đang làm lễ thường niên rước biểu tượng thánh Our Lady of Kursk từ tu viện Korennaya đến thành phố Kursk gần đó ở miền tây nước Nga. Trong tranh phía bên phải có những giáo dân vặm vỡ vác kiệu chứa biểu tượng thánh đặt trong một lồng kiếng, với tràng hoa, và cờ phướn tung bay. Ánh sáng phản chiếu vòm kiệu và biểu tượng thánh trong hòm kiếng. Ngay sau kiệu là những thầy tu, những người mặc y phục đẹp, mang biểu tượng thánh trước ngực của họ. Giữa bức họa là một vị Giáo chức đi riêng biệt, với lễ phục hoa gấm, tay trái đang vuốt tóc, theo sau là một người đàn bà mặc áo màu vàng hai tay ôm một biểu tượng thánh. Phía trái của hình cho thấy cảnh sát đang dùng gậy để giữ kỷ luật ngăn cản đám hành khất hay người nghèo, dẫn đầu bởi một người đàn ông trẻ tàn tật. Phiá bên phải cũng cho thấy một người cảnh sát đang vung gậy đe dọa sự xâm lấn của đám dân vào đoàn người rước lễ. Hậu cảnh cho thấy một biểu tượng thánh hình tròn đi sau hai cột cớ phướn, và liền ngay phía sau là một Thập tự Rước lễ lớn ẩn hiện trong đám bụi

Repin: Religious Procession in Kursk Province
Bức họa Đám Rước của Repin nói lên hình ảnh của những giai cấp thời đó, tuy nhiên Repin có khuynh hướng tổng hợp tất cả vào một bức họa với ám chỉ tất cả dân Nga đều chia xẻ một trách nhiệm chung cho đất nước và lòng tin của họ.
Repin: Ivan the Terrible killing his son
       Rokotov: Unknown Man
Một bức họa nổi tiếng khác của Repin vẽ năm 1885, miêu tả cảnh Đại đế Ivan đau khổ hối hận ôm người con trai mà chính ông vừa giết chết. Tài liệu kể rằng vào ngày 16 tháng 11, năm 1581, Ivan The terrible đánh đập người con dâu đang mang thai, vợ của con trai Ivan, vì cô ta ăn mặc không thích hợp. Con trai Ivan, cũng mang tên Ivan giận dữ đấu khẩu với bố, sự xung đột bất ngờ đã mang lại cái chết cho Ivan con khi Ivan bố dùng gậy nhọn đâm/đập vào đầu con trai.

Fyodor Rokotov

Fyodor Stepanovich Rokotov (1736-1808) là môt họa sĩ Nga chuyên vẽ chân dung. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo làm nông nô cho một giòng họ quyền quý. Sau khi gia đình mua lại được tự do vào những năm cuối 1750s, ông chuyên vẽ chân dung cho giới quyền quý để mưu sinh.

Bức họa nổi tiếng nhất của Rokotov là Chân dung của Alexandra Struyskaya (1772), và Chân dung của Countess Elisabeth Santi (1785), và Lady in a Pink Dress (1770s). Một bức họa trong phòng tranh gây chú ý cho người xem. Đó là một bức họa chân dung của Rokotov mang đề tựa Một Người Đàn ông Vô danh Đội mũ Xếp (Portrait of an Unknown Man in a Cocked Hat). Hìnhcho thấy một người đàn ông trẻ, nét mặt thanh tú, hiền hòa mặc áo kín cổ, choàng áo khoác rộng phủ thân. Trước đây, nhiều sử gia chuyên nghệ thuật đã cho rằng đây là chân dung của Grigoryevich Bobrinsky, một người con hoang của Elizabeth II và Grigory Orlov. Nhưng gần đây hơn theo tường trình của chuyên viên tìm hiểu nguồn thiệt giả và ước lượng giá trị của bức họa thì họ đã khám phá ra rằng bức họa này đã được Rokotov vẽ chồng lên một bức họa cũ. Những sử gia chuyên về họa đã dùng quang tuyến X và khám phá ra bức họa trước đó vẽ một người đàn bà mặc áo hở cổ và đeo nữ trang, và cũng tìm hiểu được nguyên do mà chủ nhân bức họa, nhà thơ Nikolai Struiysky đã mướn Rokotov vẽ hình một người đàn ông đè lên hình vợ đầu của ông mặc áo hở cổ, chỉ trừ khuôn mặt vì ông ta vẫn còn thương nhớ người vợ đầu đã chết vì sinh con, và không muốn buồn lòng người vợ ông lấy sau đó, một sự nguỵ trang lạ đời. Như thế bức họa mang đề tựa Người đàn ông vô danh đội mũ xếp đã mang đôi mắt đẹp của một người đàn bà đang nhìn hướng về những ai chiêm ngưỡng bức họa.

Marc Chagall

Trước khi rời bảo tàng viện Tretyakov, chúng ta thử nhìn đến tranh của Marc Chagall (1887-1895). Marc Zakharovich Chagall sinh ngày 7 tháng 7, năm 1887 ở Vitebsk, Belorussia. Ngày còn trẻ Marc Chagall sinh sống tại Nga, năm 1910, Marc Chagall sang Pháp sinh sống và trong thời gian đó, ông ngả theo trường phái tranh lập thể (cubism). Nãm 1913, ông trở về Nga, gặp lại người bạn gái cũ Bella Rosenfeld ở Vitebsk, ngỏ lời cầu hôn và lấy nàng. Bức tranh trưng bày trong Tretyakov mang đề tựa Above The Town chính là bức tranh đính hôn của hai người. Đề tài bay bổng đuợc nhìn thấy hiển nhiên. Bella viết "Em có cảm tưởng như chúng ta đang bay lên cao, anh cân bằng trên một chân, như căn phòng không thể giữ anh lại được, anh bay lên trần, đầu chúng ta đối nhau. Rồi chúng ta bay qua cánh đồng hoa, những căn nhà, mái ngói, vườn cây, nhà thờ." Bức họa cho thấy cả hai đã bay bổng lên cao, vẻ cận khá lớn so với hậu cảnh thành phố phía dưới nhỏ hơn. Những đường cong và dốc trên mặt đất giống như cái nhìn từ trên không gian xuống mặt đất. Cả hai như tự chủ đuợc nhưng cũng thụ động giống như họ đang bơi trong làn khí khi họ đang bay. Quần áo họ mang chút lập thể như những mảnh giấy gặp gió bay đập lên chỗ này chỗ kia, mỗi chỗ một chút

Chagall: Above The Town
Marc Chagall rời Nga năm 1922, và sang lập nghiệp tại Paris, Pháp. Năm 1941 rời Đức qua Hoa Kỳ, và đến năm 1948 thì trở lại Pháp và sống tại Saint-Paul-De-Vence từ năm 1950. Vợ Chagall, Bella Rosenfeld qua đời trong thời gian trước khi ông trở về Pháp đã làm ông ngưng sáng tác một thời gian. Năm 1952 ông lấy Valentine Brodskii, và người vợ thứ hai đã khuyến khích ông thực hiện thành công nhiều dự án quan trọng. Năm 1964 ông nhận trang trí trần toà nhà hát lớn Paris Opera, Pháp, và sau đó là tường tòa nhà Metropolitan Opera ở New-York City. Sau một thời gian bị ruồng bỏ ở Nga, ông lấy lại được danh vị ở Nga và tranh ông được dân chúng Nga ưa chuộng.Tranh ông vẽ có thiên thần, có những kẻ yêu nhau, có đàn vĩ cầm, có gánh xiệc trình diễn, có gia súc v.v... và ông thường vẽ những cảnh quen thuộc với ông hồi còn nhỏ tuổi ở Vitebsk. Mầu sắc tươi sáng, tranh ông thường mang lại niềm vui cho người nhìn.
(còn tiếp...)

Sóng Việt Đàm Giang
27 December 2011