Chim Việt Cành Nam     [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]           [ Tác giả ]

CARNAVAL THÀNH VENISE Ở PARIS

Bài và ảnh Võ Quang Yến

Pháp, carnaval thành phố Nice rất có tiếng. Paris cũng có carnaval nhưng ít được biết hơn. Trái lại, từ mười năm nay, Paris tổ chức carnaval venitien, lặp lại y phục, mặt nạ carnaval thành Venise đã được lưu truyền khắp thế giới từ nhiều thế kỷ nay.
Ở Ý, từ thế kỷ 10, dân gian có tục lệ tư do ăn chơi  trước những tuần chay hành xác công giáo Carême. Qua thế kỷ 11, tục lệ nầy được chính thức hoá và năm 1269, viện Nguyên Lão quyết định ngày trước Carême là ngày lễ Mardi gras tức là ngày ăn mặn. Cho đến ngày nầy, và luôn trong sáu tháng, từ tháng mười đến lễ Giáng sinh Noël, rồi từ lễ Hiện thân Epiphanie đầu tháng giêng đến Mardi gras, dân gian có quyền mang mặt nạ để không ai biết ai là ai, nhất là trong quan hệ người nghèo kẻ giàu, người sang kẻ hèn. Trong cảnh tráng lệ, huy hoàng biểu dương những ngày lễ ở Venise, đây là một dịp để giàu sang tiện bề biểu lộ, thời trang mặc sức quyến rũ, tất cả thể hiện trong cảnh hài hòa màu sắc, cuộc thi đua xa hoa, sự hăng say cuộc sống, trong một bầu không khí vui tươi, nhộn nhịp. Nhân dịp nầy, mọi hiềm khích trong các gia đình được tạm quên. Để tránh nổi buồn cho kẻ nghèo, một đạo luật cấm những nhà giàu mang đồ trang sức rực rỡ, trừ những ngày sau cùng, thế là mấy ông nhất là mấy bà mặc sức làm đỏm. Trong đêm tối, qua ánh sáng chập chờn những bó đuốc, chuyển động những chiếc mặt nạ lấp lánh kim cương, hột hoàn, những chiếc áo vải quý dài xuống tận đất, lắm khi phải có các cô phục dịch chạy theo vén tà. Thế mà trong đám đông chen chúc không hề có chuyện cướp bóc, những cử chỉ đe dọa, mọi sự diễn biến trong trật tự, hòa bình như là một buổi lễ gia đình.
Có thể xem carnaval vénitien là một thành công chính trị, kinh tế, văn hóa. Dân gian thích giải trí tìm ra trong carnaval vui chơi, thích thú, một phương cách biểu lộ tự do có một không hai. Trong thời gian carnaval, mặc sức chỉ trích, chế giễu bất cứ ai, quý tộc phải cúi đầu trước dân chủ qua hình thức vui cười. Thỏa thê lý trí từ đấy góp phần vào hòa bình xã hội. Khách khứa hằng vạn người, trong ấy vô số vương hầu công tử đua nhau lại tự do vui chơi những ngày carnaval nhân đấy trở thành một nguồn lợi tức đáng kể cho người dân thành phố. Tất cả đều lợi dụng mặt nạ che thân áo choàng che bóng. Thật vậy, nếu trò chơi và tự do là điểm chung của mọi carnaval, carnaval vénitien còn là một phong cách sống, một trạng thái tinh thần. Suốt thời gian carnaval, ai cũng mang măt nạ, chủ nhà, đầy tớ, giáo sĩ, quan tòa,…làm việc như thường ngày nhưng nay tự do nói, tự do dám, không còn phải tôn trọng lề thói, mọi hàng rào xã hội đều bị xóa bỏ. Chiếc mặt nạ, cái áo choàng tabarro trở nên những biểu hiệu của sự tự do, tự do nói, tư do chơi, tự do thực hiện mọi sở thích, ham mê, điên rồ. Không ai bắt buộc ai, cấm đoán ai….
Cái mặt nạ bắt nguồn từ những nhân vật trong hài kịch Ý với các cá tính đặc sắc, các hình bóng đặc trưng, các đạo cụ lố bịch qua các vai trò nổi tiếng Brighella, Colombine, Scaramouche, Polichinelle, Pierrot, Arlequin và Pantalon,…cho nên mặt nạ là chủ chốt y phục carnaval. Nhưng không chỉ có mặt nạ. Áo quần có thể dựa theo bất cứ nhân vật nào trong đời sống : ông y sĩ, vị thầy tu, người ăn mày,…miễn là người mặc áo phải đóng đúng vai trò hay thái quá. Cô gái nào mà không thích thú được làm công chúa dù là chỉ một ngày. Phụ nữ nào mà không thèm muốn lên ngôi hoàng hậu dù chỉ là một buổi tối. Song song với những niềm vui lãng mạn, nghệ thuật biếm họa, cử chỉ nhạo báng gây lên những trận cười thích thú, ngay cả ở những người trong cuộc, những người thấy mình qua thái độ của một kẻ khác dù thổi phồng quá mức. Ở một góc đường, một y sĩ già chữa bệnh dịch hạch, nổi giữa mặt nạ một cái mũi dài đầy cây thuốc, hai tay vén lên các tà áo những người xung quanh cho là bệnh nhân, gây ra những tràn cười hồn nhiên. Góc đường bên kia, một nhà quý tộc gia tài khánh tận, đầu đội mũ lớn che mặt, thân mang áo dài sờn vai, chân đi đôi giày mòn gót, lủng lẳng bên hông chiếc kiếm hài kịch, cống hiến người qua đường bảo vệ, vàng bạc, lâu đài của một thời vàng son đã qua. Cái cười của kẻ xem thế nào cũng nêu lên trong lòng khán giả một vài suy nghĩ về nhân tình thế thái, thời buổi thịnh suy, nếu không là vài giọt lệ lặng thầm thấm ước đôi mi. Carnaval venitien là thế đó, cười ra nước mắt chưa chắc phải là chuyện vui.
Trong tinh thần carnaval venitien, từ mười năm nay, người sáng lập và là hội trưởng Hội  Paris Carnaval, bà Michelle Santi, cùng với Hội lặp lại cuộc biểu diễn y phục và mặt nạ. Làm việc công không, không có một phụ cấp nào, may sắm lại rất đắc tiền, mặc dầu là kỷ niệm lễ 10 năm thành lập Hội, Carnaval venitien ở Paris năm 2010 chỉ thao diễn hai chiều cuối tuần, thứ bảy và chủ nhật 10-11 tháng tư, thay vì sáu tháng như ở bên Ý. Địa điểm được chọn lựa là cảng Arsenal, trên bờ sông Seine, cạnh quảng trường Bastille. Chủ yếu là y phục và mặt nạ nên phần trình bày nặng hơn phần diễn kịch. Giữa hai carnaval, hai năm một lần, trong xưởng may chật chội ở Paris quận 12 của bà Santi, một số phụ nữ, dưới sự chỉ dẫn, điều khiển, khuyến khích của bà hội trưởng, đã vui lòng may, thêu, vận dụng nhung, lụa, ren, vải cải hoa, vải dệt kim tuyến, dải trang sức, sợi tơ xe, khăn ngực, áo nịt, quần nịt, mũ vành ba múi, quạt,…và lẽ tất nhiên đủ loại mặt nạ Venise, những morettabauta, để chế biến theo quy tắc nghệ thuật carnaval vài trăm mẫu trang phục lộng lẫy làm hoa mắt khán giả. Năm nầy qua năm khác, bà Santi nổ lực phục vụ Hội với tất cả bản tính hào hiệp, độ lượng, kinh nghiệm nghệ thuật, kỹ thuật may mặc, tài năng của mình để mỗi năm y phục càng khác vì, theo thường lệ, ở Venise, áo quần năm nầy qua năm khác không giống nhau. Có những diễn viên ở tỉnh cũng tự động may áo quần lên Paris biểu diễn chia vui với Hội Paris Carnaval.
Năm 2010,  khoảng 200 diễn viên đử thứ, đến từ khắp Âu châu, nhạc sĩ, văn sĩ, ca sĩ, họa sĩ, người hát rong, kẻ kể chuyện,… tất cả đều hóa trang để cống hiến khán giả một cuộc biểu diễn thần diệu, màu sắc chói lọi. Những mặt nạ thai nghén theo trí tưởng tượng dồi dào của những nghệ sĩ sáng tạo trong xưởng bà Santi đưa người xem về thành phố Venise khêu gợi, bí ẩn. Nhưng những diễn viên đến đây lại tranh đua duyên dáng, lịch sự, kiểu cách lại cố đem tinh thần Venise về trên cảng Arsenal ở Paris. Những tàu bè đậu dọc theo cảng cũng treo cờ đón tiếp carnaval. Giữa cảng, một chiếc đò gondole quen thuộc ở Venise chở vài ba diễn viên y phục rặc rỡ tựa những xe hoa trên bộ. Cái cầu Mornay dài 100m bắc qua cảng cũng được trang hoàng để thay mặt ponte Rialto. Trên cầu và trên một chiếc tàu thủy, vào khoảng 16 giờ, nhiều ca sĩ ténor soprano trình diễn những bài hát opéra Ý giữa một số diễn viên y phục cũng không kém phần trang nhã. Trên bờ sông, khách có duyên còn gặp được những người hát rong với những điệu hát xưa, những kẻ kẻ chuyện trong qua sự tích của Venise huyền bí. Khách đi xem nếu không len lỏi xem các y phục, mặt nạ, có thể dừng chân nghe hát hay kể chuyện, cũng  có thể vào xem cuộc triển lãm tranh ảnh kỷ niệm mười năm Hội. Ban tổ chức, nhất là bà Hội trưởng Santi, sau những ngày rộn rịp chuẩn bị trong một bầu không khí thần diệu, với nhiệt huyết của kẻ đam mê carnaval vénitien, chắn chắn đã được hài lòng trước mức thưởng thức lớn lao, trước những lời khen ngợi chân thành của khán giả. Và mọi người chờ đợi hai năm nữa để lại được dự một biểu lộ văn hóa Carnaval vénitien ở Paris khác, hy vọng còn hấp dẫn, sống động hơn.

   Xô thành những ngày hè 2011
Võ Quang Yến