Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]           [ Tác giả ]
Con thuyền chén đĩa

Truyện ngắn của Quý Thể

Mỗi người có một thú tiêu khiển, trò chơi của chị Thuận là rửa chén bát đũa muổng...Phải ngồi xem chị ấy rửa hay nghe chị hướng dẫn cho cô Thu em gái của chị mới thấy, công việc rửa chén bát đĩa không đơn giản.

Sau bữa cơm, anh Nguyện dẫn tôi lên nhà trên chuyện trò.Anh kể tiếp chuyện thời kháng chiến 9 năm chống Pháp. Hồi đó anh làm C trưởng ( đại đội trưởng). Câu chuyện đang đến hồi hấp dẫn, đó là đoạn sau một trận đánh lớn ở miệt rừng Phan Thiết. Quân ta quân địch chưa kịp thu dọn chiến trường, cứu thương, mang xác đồng đội về, thì mấy con cọp đã làm trước chuyện đó. Xác ta xác Tây kể cả mấy người bị thương nặng nhẹ, chúng cũng dọn sạch. Anh kể rất chi tiết đoạn hấp dẫn nầy. Thế nhưng tôi vẫn không bị câu chuyện đầy tình tiết li kì ấy hấp dẫn mà dán mắt xuống bếp, chỗ có cái vòi nước máy xem chị Thuận, hướng dẫn cô em gái kĩ thuật, lẫn nghệ thuật rửa chén. Thuận nói:

- Làm đàn bà con gái, mỗi khi nấu ăn xong phải bắc lên bếp ấm nước...

Thu không hiểu ý chị, nói:

- Nước sôi nấu từ sáng, pha trà, còn dư chế phích rồi. Nấu làm chi nữa?
Chị Thuận :

- Không phải có nước sôi rồi thì không nấu. Chị nói với ý khác. Còn than củi trong bếp phải biết tận dụng. Nhà người ta vẫn nhốt than đỏ lại, làm thế cũng hao, chi bằng nấu ấm nước trụng chén đĩa lợi hơn.

Rồi chị nói qua những giai đoạn rửa:

- Trước tiên phải tráng qua một ít nước lạnh. Tráng qua thôi để dồn thức ăn thừa lại đổ vào thùng nước gạo, cho ông Tư hàng xóm xách về nuôi heo. Mình được cái tiếng giúp người, lại còn được cái đức cần kiệm, không phí hạt cơm là hạt ngọc của trời, sau nầy về làm dâu con người ta, không ai chê vào đâu được. Hôm nào thức ăn nhiều dầu mỡ phải rửa xà phòng thực kĩ...

Chị nầy miệng nói tay làm, cử chỉ gọn gàng, mấy cái chén đĩa kiểu phát tiếng kêu kin kít trong đôi bàn tay, va chạp nhau lanh canh trong chậu nước. Trong chậu bọt xà phòng dậy lên rồi tan ra, từng khối bọt chạy vòng vèo trong chậu, trông như chiếc pháo chuột. Theo tôi thì mọi vật tới giai đoạn nầy đã quá sạch, song đối với chị Thuận chỉ mới bắt đầu. Phải còn qua hai giai đoạn nữa là rửa nước thường và trụng nước sôi. Đến đây mới được xem là xong việc rửa. Úp vào chạng, đem phơi. Phơi đối với chị cũng hết sức nhiêu khê. Chị dặn Thu:

- Hôm nào trời âm u mà bọn trẻ con không đá bóng thì có thể đặt chén bát phơi dưới giàn hoa thiên lí nhà mình. Ngày nào nắng gắt mà bọn trẻ con ra sân chơi đá bóng, bụi bay mịt mù thì phơi ở sân sau, gần cây khế ngọt, nhưng cũng phải đậy điệm cẩn thận.

Tính kĩ lưỡng của người phụ nữ nầy khó ai sánh kịp. Cô Thu học bài học vỡ lòng về môn tề gia nội trợ này xem ra chẳng chút thích thú. Cô vô tình lấy năm ngón tay ướt sũng nước rửa chén xòe ra làm lược, chải ngược mái tóc ngắn lòa xòa trước trán ra sau. Chị Thuận thét lên:

- A ! Trời ơi cái con này! Tay chân ướt mèm xà phòng dầu mỡ, nước rửa chén lại bôi lên đầu? Với lại đã xong đâu? Còn rửa nồi niêu son chảo úp lên giá, quét dọn nhà bếp. Tính bỏ đó cho ai, đi chơi hả?

Hình như chị Thuận thấy mình đã to tiếng với cô em gái trong khi nhà trên đang có khách. Chị hạ giọng : "Tòan là khách đàn ông. Người ta đến coi mắt đó. Liệu mà làm lụng đi! "Cô Thu miễn cưỡng làm theo lời chị. Thuận giống như vị giám khảo nghiêm khắc, đứng chống nạnh mắt nhìn cô em tỏ vẻ chẳng chút bằng lòng. Thu cũng bất cần bà chị khó tính, bất cần luôn mấy thằng đàn ông tới coi mắt. Lúc nầy cô chỉ muốn lui về phòng mình, cởi cái quần jean bó chặt mông đùi, cứng như gỗ, rất khó chịu. Tháo cái nịt vú thít chặt phía trên, rất khó thở. Mấy thứ này đều do Thuận bày đặt ra cho cô em gái mình suốt cả buổi sáng, lại kéo em tới bàn phấn săn sóc nhan sắc cho đứa em gái bất cần đời nầy.

Anh Nguyện nói chuyện song thỉnh thoảng vẫn ý tứ đưa mắt xuống bếp nhìn hoạt cảnh dưới ấy. Rõ ràng hôm nay dưới bếp nhà anh đã xảy ra chuyện quan trọng do vợ giàn dựng. Để tôi bớt chú ý anh kéo tôi tới bàn nước. Uống tới chén thứ hai anh giục: "Thôi nghỉ trưa nửa tiếng, đi làm" Chiều nay vợ tôi đi Bình Tân.

Tôi không hiểu anh nhắc chuyện vợ vắng nhà cho tôi biết làm gì? Bốn giờ chiều hai chúng tôi đi làm về. Một lần nữa anh Nguyện giữ tôi ở lại ăn cơm. Tôi độc thân, quanh năm cơm hàng cháo chợ, tôi rất thèm không khí đầm ấm và bữa cơm gia đình. Anh chị Nguyện đã nhiều lần gợi ý mời tôi đến ở chung, tôi còn ngại, vì trong nhà có cô con gái chưa chồng. Chiều nay anh Nguyện đi làm về anh chạy ngay xuống bếp, cố làm ra vẻ ôn tồn, hỏi:

- Chị về chưa em?

- Không biết!

Nguyện hơi xẳng giọng:

- Sao lại không biết?

- Không biết là không biết chớ tại làm sao?

Nguyện cố nhẫn nại:

- Cơm nước có chưa em?

- Có rồi!

- Dọn lên chưa?

- Dọn rồi!

Tôi để ý thấy nhà nầy lạ lắm. Trong khi cô chị nói năng lúc nào cũng ý tứ ngọt ngào thì cô em lại cộc lốc, cụt ngủn, nhát gừng. Thu không chịu lên ngồi ăn chung với chúng tôi. Nàng ra hiên ngồi xem người đi qua đi lại. Nàng nhìn tất cả mọi người một cách hết sức chú ý. Lúc đầu tôi tưởng cô chờ ai. Sau thấy cô nhìn ai cũng có vẻ say sưa, tôi không hiểu cô đang chơi trò gì?

Chúng tôi ăn xong, Nguyện nói trổng:

- Dọn xuống rửa đi!

Thu nghe nhưng làm như chẳng nghe, không chịu rời ghế rời trò chơi nhìn và đếm người qua lại. Một lúc sau cô mới chịu vô nhà. Nguyện rất biết tính Thu nên chẳng dám giục nữa, anh làm bộ không quan tâm. Theo đúng cách thức chị Thuận hướng dẫn, mỗi khi nhà trên ăn xong, bưng mâm xuống bếp, lấy ngay khăn lên lau sơ, sau lau bàn ăn bằng khăn ướt, để ruồi không bu, và để khách khứa tới nhà không nghe thoang thoảng mùi nước mắm. Thu chẳng làm theo. Trên mặt bàn đầy cơm và thức ăn rơi vãi. Chính anh Nguyện thấy chướng quá phải đứng dậy lau bàn. Tôi nhìn xuống bếp xem cô em có nhớ bài học buổi sáng hay không? Hình như cô gái quên tất cả. Cô làm theo ý mình.

Chiều hè, trời tối rất chậm, trong nhà bếp còn sáng cô Thu vẫn mở ngọn đèn tuýp thước hai sáng trưng, ngồi nhà trên nhìn xuống rất rõ. Cô lấy chân đẩy cái thau nhựa màu đỏ tới dưới vòi nước, mở ra, nước chảy ào ào vào , một lúc sau nước đầy thau. Thu ngồi xuống, chậm chạp lấy từng cái chén cái đĩa, cái tô...cẩn thận đặt lên mặt nước trong thau, sao cho chúng không chìm. Tất cả nổi bềnh bồng. Bây giờ trong thau chén đĩa nhấp nhô như những con thuyền trên bến cảng. Thu ngồi yên ngắm cái bến cảng tí hon với đội thuyền đông đúc của mình có vẻ hết sức thích thú. Nàng lấy bột giặt rắc đều lên như người ta rắc hoa giấy ( Confetti) lên áo cưới cô dâu chú rể. Kế đó cô lấy đũa khuấy nhè nhẹ. Những con thuyền chén đĩa sóng sánh va vào nhau lanh canh. Những con thuyền bắt đầu chuyển động theo vòng tròn, ban đầu chậm, sau nhanh dần. Hạm đội chén đĩa giống như bị rơi vào con xóay lớn. Có chiếc nghiêng ngửa rồi chìm. Rồi thì tất cả hạm đội vùi mình dưới lòng nước sâu, cô nhặt lên từng cái, đặt vào sóng chén bát. Tôi chưa thấy ai rửa chén bát nhanh và dễ dàng lại rất thú vị như cô gái nầy!

Có lần nhìn hai chị em đứng cạnh nhau tôi bắt đầu nghi ngờ về cái thuyết di truyền của nhà khoa học Mendel. Về hình dáng hai người không có điểm nào giống nhau. Về tính tình lại còn khác xa nhau một trời một vực. Thuận tế nhị, khôn ngoan, lanh lợi và tinh quái, "đàn bà" một trăm phần trăm thì trái lại Thu ngây thơ, nghịch ngợm, lơ đễnh. Chị em ruột thịt cùng cha cùng mẹ sao khác nhau đến thế? Có lần tôi nghe anh chị Nguyện nói xa gần về tính tình cô em gái, và họ cũng đang rất nóng lòng về đường tình duyên của cô. Thu đẹp, có thể dưới cái nhìn của tôi Thu đẹp hơn chị, chỉ có điều trong cô chất "đàn bà" quá ít . Khuôn mặt và nhất là cơ thể cô thiếu những đường cong dịu dàng của phụ nữ, thiếu cả sự mũm mĩm, mềm mại và tròn trịa của phái yếu. Nét mặt cô sạch và gọn ghẽ quá, tóc thì ngắn và không được chải chuốt thường xuyên, đi đầu trần nên tóc ngả sang màu vàng hoe hoe như tóc bọn con trai chạy chơi suốt ngày trong nắng. Thế nhưng cô vẫn có cái duyên thầm rất bắt mắt đàn ông. Chị Thuận thường làm tiệc bảo chồng dẫn bạn trai về thử có ai lọt mắt xanh cô em gái. Nhưng hình như kế hoạch tìm chồng cho cô đến nay chưa thành.

Tuần sau tôi lại được anh chị mời cơm lần nữa. Lần này cũng toàn những món ăn đặc trưng của người Huế. Trong khi ăn tôi mở miệng khen món nào thì chị Thuận liền nói: "Của em Thu nó làm, còn vụng lắm, khen em nó mắc cở". Thỉnh thoảng anh chị có đôi lời vừa trách nhưng lại ngụ ý khen ngợi về tính tình ngây thơ trong trắng và của cô em: "Con gái con lứa hai mươi mấy tuổi rồi mà chẳng có bạn bè xứng đôi, cứ đi theo chơi với mấy thằng bé con..."

Lần đó, cơm nước xong cô Thu bưng mâm lên dọn. Lúc này tôi đã qua bàn khác, anh Nguyện đem bình nước ra sân súc, chị Thuận ở dưới bếp. Nhà trên chỉ còn cô Thu và tôi. Tôi thấy cô đứng nhìn chăm chăm con ruồi đậu trên mép tô canh. Thu sè sẹ đưa tay ra búng, con ruồi giật mình bay tạt sang bên rơi tõm vào tô canh. Nó ra sức lội vào bờ, đến nơi thì hai cánh đã ướt mèm. Cô Thu lấy móng tay giúp nó bò lên thành tô, cô hất cho nó rơi xuống mâm, nó trườn được một đoạn rồi dừng lại giũ cánh chải chuốt, một lúc sau mới bay lên được.

Và cũng chỉ một lúc sau cô gái này tìm ra trò chơi khác. Cô ném mẫu xương giữa con chó với con mèo, cô tính toán thế nào mà hai con vật phải xuất phát thật nhanh mới chộp được. Kết quả là anh mèo mun được, hối hả phóng lên giàn mướp, con Ki phóng theo, chồm lên sủa. Cô Thu thích thú dừng tay đứng nhìn hai con vật. Tôi không rõ sau đó bưng mâm xuống bếp cô còn tìm ra được trò chơi nào khác không?

Khi anh từ sân đi vào, chị từ bếp đi lên, họ thấy mặt bàn loang loáng nước cùng với những hạt cơm trắng, hai người yên lặng nhìn nhau, một cái nhìn đầy ý nghĩa, cả hai đành câm lặng... Chị xuống bếp, nói gì đó nho nhỏ với Thu, lúc sau tôi thấy cô cầm khăn lên lau bàn. Ba chúng tôi uống nước ở bàn bên, không hẹn mà cùng liếc mắt qua chỗ cô Thu. Tôi thấy anh chị nhíu mày, tôi biết họ rất bất bình về việc cô Thu không chịu lau bàn nhanh mà còn đứng đấy lấy ngón tay vẽ từ mấy giọt nước trên bàn thành ra nhiều hình thù kì dị.

Trưa hôm đó do sự sắp xếp thế nào mà anh chị cùng vắng nhà, để hai chúng tôi lại. Chị Thuận đã ra tới đường còn quay vào dặn em:

- Hồi nào anh Bách ( tên tôi ) ngủ trưa dậy, em ra gánh chè mụ Tôn mua chè hạt sen đường cát cho anh xơi. Nói mụ Tôn làm một chén đặc biệt nhiều sen Tịnh tâm với đường cát trắng. Nhớ lấy chén đĩa kiểu đi mua, đem theo đĩa để bưng, đĩa để đậy, giờ đó trẻ con thường đá bóng, bụi bay đầy đường. Aø mà này ! Trưa nay chúng kéo nhau lại đá bóng, đuổi đi để cho anh ngủ nghe em...

Tôi khâm phục tính cẩn thận của chị Thuận và thầm mong sau này có được người vợ giống chị. Giọng chị thanh tao ngọt ngào còn cô Thu thì cộc lốc: "ƯØ!" Tôi không có thói quen ngủ trưa, hôm nay đến nhà anh chị tôi đóng vai công chức trung lưu, trưa cũng phải lên giường nằm cho hết buổi. Tôi nằm úp tờ báo lên mặt, lén nhìn cô Thu chơi trò gì. Trong nhà nhìn ra tôi thấy cô Thu thơ thẩn dưới gốc cây, mắt cô ngước lên tìm kiếm cái gì ở trên cành. Cô đến gốc cây, bỏ guốc, xắn quần. Tôi tính, nếu cô gái này trèo cây tôi cũng sẽ ra vườn, đứng dưới ngó lên, thế nào cũng được chiêm ngưỡng hai quả đào tiên vừa chín tới. Cô Thu leo mà không được, cô gắng sức ghê lắm, mặt đỏ bừng, tóc bết mồ hôi. Cô làm động, lũ kiến vàng chui ra cắn, cô cuốn quít phủi kiến. Cô gái bỏ ý định trèo cây, xoay qua trò khác, cô quanh quẩn, nhìn đất, hoá ra cô tìm hòn đá. Cô cố ném hòn đá bay vu vơ chẳng hiệu quả nào. Cô vô nhà, lúc sau lấy ra cây chổi cán dài, lấy que cột làm cái móc. Cuối cùng cũng có được quả ổi chín vàng rơi xuống. Cô nhặt lên cắn, ruột ổi đỏ tươi. Tôi ra vườn, cô quay nhìn, chẳng chút bối rối. Tôi hỏi:

- Sao cô Thu không ngủ trưa ?

- Ngủ rồi !

Tôi nghĩ, may quá, cô gái cũng biết nói láo. Đối với tôi, một cô gái nói láo là chuyện bình thường. Tôi thầm mong cô Thu cũng bình thường như mọi cô gái khác. Tôi cố tìm câu chuyện gì đó hợp với cô, chưa tìm ra, Thu hỏi:

- Anh ăn chè chưa tôi đi mua ?

- Thôi cảm ơn, tôi không ăn.

- Không ăn đâu được !

Tôi ngạc nhiên về cái mệnh lệnh kì quái bắt phải ăn chè này. Tôi hỏi:

- Tại sao không ăn không được?

- Việc này anh chị tính toán đã bốn ngày nay...

- Việc gì?

- Việc mua chè cho anh ăn. Anh mà không ăn , tôi bị rầy.

Tôi không hiểu tại sao có chuyện kì cục này, tôi hỏi:

- Mấy ngày nay anh chị bàn chuyện chi?

- Thì hai người nhỏ to bàn tính chuyện tiếp đãi anh...

- Có gì to tát, quan trọng đến thế ?

- Hai người còn gây lộn nhau nữa chớ bàn tán.

- Gây nhau về chuyện gì?

Anh Nguyện nói: "Chỗ quen biết đừng bày vẽ quá mất tự nhiên" Chị Thuận cãi: "Trước khác nay khác, phải tiếp đãi cho tươm tất, đàng hoàng" Rồi hai người to tiếng. Tí nữa anh Nguyện xáng vỡ cái ấm.

- Nhưng mà chuyện gì mới được chớ?

Anh Nguyện nói : "Để từ từ, không gì phải vội" Chị Thuận nói: "Từ từ sao được. Con Thu mà ế chồng thì ông chịu!"

À tôi hiểu ra mọi chuyện. Đối với người khác tôi không dám hỏi câu này, nhưng cô Thu, một cô gái đặc biệt, tôi dám, tôi hỏi:

- Có phải anh chị muốn kiếm chồng cho Thu không?

- Ừ !

- Có người nào chưa?

- Có rồi !

- Ai?

- Anh chớ ai!

***

Buổi trưa hè, trong vườn lặng gió, mấy quả bưởi to nặng quá làm cành cây oằn xuống mỏi mệt. Thu đừng dưới gốc cây, bóng nắng đu đưa trên một gương mặt rất sạch, cặp lông mày lưỡi kiếm rất con trai, rất đẹp cạnh chiếc trán thông minh và cặp môi lúc nào cũng tinh nghịch. Tôi thích cô gái này, nơi nàng có cái gì rất dễ gần gũi, có thể đùa cợt như với người bạn trai. Lúc này chỉ có một nam một nữ trong khu vườn vắng, chẳng khác gì cảnh vườn địa đàng. Buổi trưa hè nóng nực vốn thường làm cho tôi khó chịu, đó là cái bứt rứt thôi thúc, khó khăn của một chàng trai. Lúc này tôi làm chuyện gì mà chẳng được? Nắm tay cô, ôm hôn, hay thậm chí mở từng hạt nút, nhưng không hiểu tại sao tôi cảm thấy làm việc đó với cô gái khác thì được, còn cô gái này lại không. Làm như thế thì xoàng quá, ác quá, vả lại với cô gái này không có cái quyến rũ để làm chuyện tầm bậy. Tôi chợt nãy ra ý tưởng ngộ nghĩnh, một trò chơi đặc biệt, tôi nói:

- Bây giờ chơi trò cởi nút áo, ai nhanh thì thắng.

Để cô gái không có thời gian suy nghĩ, tôi liền đếm , một, hai, ba! Tôi cho tay lên hạt nút đầu tiên cổ áo mình. Giống như một vận động viên khi nghe tiếng súng lệnh, cô Thu xuất phát rất nhanh, nhanh hơn tôi. Rồi hạt nút thứ hai thứ ba cũng rất nhanh. Thế nhưng tới hạt nút thứ tư cô dừng lại, không chịu mở nữa. Hình như tới lúc này, cái bản năng gìn giữ tự vệ của con gái từ thời nguyên thuỷ, thể hiện bằng cái đuôi đậy kín bộ phận sinh dục lại, ngăn cô không hành động nữa. Cô gái nhìn tôi, thoáng chút nghi ngờ, nói : "Không chơi trò đó nữa!" Trò chơi quái gở vừa rồi bất thành nhưng tôi rất mừng. Tôi nghĩ dù sao ông trời cũng phú cho những cô gái khôn ngoan đúng lúc. Tôi hỏi:

- Cô Thu có thích lấy chồng không?

Thu ngần ngại chưa trả lời, tôi giải thích:

- Lấy chồng là hai người nam nữ sống với nhau, ăn ở với nhau, tối lại lên giường ngủ chung với nhau, sinh con đẻ cái, lần hồi nhà đông người lên, chén đĩa nhiều lắm, rửa chén đĩa mệt lắm.

Cô Thu vội cướp lời:

- Rửa chén đĩa có gì nhọc đâu. Mình chơi trò thả thuyền ấy mà./.