Trở Về  ]          [ Trang chủ ]

Tài liệu tham khảo:

PHONG TRÀO SỬ CA, KHÁNG CHIẾN CA

Lê Trương 
Trong một giai đoạn mà người ta không được nói thẳng cái cảm nghĩ hay thái độ của mình thì họ tìm cách nói gián tiếp, nhưng khi nghe thì ai cũng hiểu được ý muốn của họ. Đó là lý do xuất hiện của Phong trào Sử Ca, Kháng Chiến Ca.

Những bài sử ca như Khúc khải hoàn, Hội nghị Diên Hồng, Bạch Đằng giang, Thăng Long hành khúc, Gò Đống Đa v.v... là những bài gián tiếp chống thực dân trước đây. Đó là những bài dành cho quần chúng đô thị trong cuộc tranh đấu khéo léo, tế nhị. Những bài Kháng chiến ca như Lên đàng, Du kích sông Thao, Tiếng hát sông Lô, An phú đông, Nhạc tuổi xanh, Đường về quê v.v...là những bài dành cho cuộc tranh đấu trực tiếp chống lại thực dân Pháp vừa qua. Cả hai loại nhạc này nay lại được sinh viên học sinh Sài gòn phục sinh thành một phong trào khá rầm rộ nhằm tạo một cuộc tranh đấu gián tiếp tại các đô thị. Chúng tôi gọi đó là phong trào Sử ca, Kháng chiến ca.

http://media.tuoitre.vn/Album.aspx?AlbumID=775

1. Đặc tính thứ nhất của phong trào là làm sống lại những trang sử oai hùng.

Giữa lúc chiến tranh khốc liệt và dai dẳng có thể làm cho nhiều người bi quan, tuyệt vọng về tương lai của đất nước thì vẫn còn rất nhiều người vẫn tin tưởng vào lịch sử, vào sức mạnh của dân tộc. Sử ca có tác dụng làm cho niềm tin trên vững vàng hơn. Niềm tin càng vững, tiếng hát lại càng mạnh với kẻ đã cố gắng dùng Sử ca để thổi một luồng gió dân tộc anh hùng vào các đô thị. Những bài ca này được kết lại thành những nhạc cảnh nên lại trở thành mới mẻ, lôi cuốn người thưởng thức.

Đại nhạc cảnh Việt Nam Gấm Vóc kể lại một huyền thoại hình thành giang sơn Việt Nam: Người Việt không muốn bị tiêu diệt nên đào đất đắp lên trụ đồng của Mã Viện; đất đào đi còn lại sông hồ, đất đắp nên thành núi, thành gò. Những bài Sử ca được dùng trong nhạc cảnh này là: Giòng sông Hát, Hồ Lãng Bạc, Du kích sông Thao, Chiều Yên Thế, Bạch Đằng giang, Gò Đống Đa, Tiếng sông Hương, Tiếng hát sông Lô, Cửu Long giang, Khúc Khải Hoàn.

http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=xLvnkPZaHr (Bạch Đằng giang)

http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=eDdgYoyvk0 (Du kích sông Thao)

Đại nhạc cảnh Xuân Việt Nam vẽ lại hai mùa xuân dân tộc: một mùa xuân thanh bình có hội chùa hái hoa, trẩy lộc và một mùa xuân chinh chiến có cuộc tiến công đại phá hai mươi vạn quân Thanh. Những bài ca được sử dụng trong đại nhạc cảnh này là: Chùa Hương, Xuân và Tuổi trẻ, Thúc quân, Thăng Long hành khúc v.v...

http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=-6Ndb_a959 (Xuân và Tuổi trẻ)

http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=MJd9WmSXFv (Thúc quân)

Nhạc kịch Sơn Tinh, Thủy Tinh thể hiện ý chí vô cùng vĩ đại của dân tộc: nước càng lên cao, núi càng cao hơn nữa, cũng như không có một sức mạnh nào có thể phá vỡ được những con đê Việt Nam.

2. Đặc tính thứ hai của phong trào là ngợi ca, tán dương các cuộc chiến đấu chống chế độ thực dân.

Sinh khí Kháng chiến ca còn bàng bạc trong lòng mọi người, Kháng chiến ca còn là hơi thở của người Việt hôm nay. Hễ nhạc trỗi lên là máu trong người cuồn cuộn chảy. Đại nhạc cảnh Hoàng Hoa Thám thể hiện ý chí sắt đá của dân Việt không hề lùi bước trước quân sài lang. Đại vũ Lúa thơm đồng xanh diễn tả sinh hoạt nông thôn phục vụ chiến tranh giải thực:

Lúa của anh thơm trên đồng xanh,
Lúa người nghèo nuôi dân cả nước,
Lúa một trăm năm nuôi anh kháng chiến,
Lúa còn đời đời đuổi giặc xâm lăng.

Hoạt cảnh Bà mẹ Gio Linh thể hiện một bà mẹ Việt Nam điển hình trong cuộc chiến tranh giải thực.

3. Đặc tính thứ ba của phong trào là thức tỉnh trí thức đứng dậy cứu nước.

Không có một giới nào trong xã hội lại bị chê bai mạt sát bằng giới trí thức. Hễ đất nước lâm nguy là bởi sĩ phu sa lầy trong quyền lợi nhất thời của cá nhân, trong hèn nhát, trong yếu đuối. Thảm trạng đó được mô tả rất nhiều trong văn chương.

Với hiện tình đất nước, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy nhiều vở kịch xuất hiện để công kích hay để thức tỉnh trí thức. Vở kịch Tiếng trống Hà hồi mô tả tâm trạng ray rứt, dằn vặt của giới trí thức Bắc hà trong những ngày giặc Thanh xâm chiếm nước ta. Cho đến khi họ dứt bỏ được mọi ràng buộc của tư tưởng, của gia đình để ra đi cứu nước thì tiếng trống Tây Sơn đã nổi lên thúc quân đánh tan xâm lăng. Vở kịch Hàm Tử Quan mô tả tâm trạng sĩ phu Bắc hà trong thời đất nước bị giặc Minh xâm chiếm. Người thì vì quyền lợi riêng tư, viện đạo quần thần mà phù Trần diệt Hồ, người thì cho rằng nhà Trần vì chiếc ngai vàng mà cấu kết với quân Minh rước voi về giày mả tổ cho nên họ nhất định theo Hồ quý Ly chiến đấu chống xâm lăng. Nhưng mấy ai thoát được vòng danh lợi, chọn con đường gian khổ mà đi, do đó Hàm Tử Quan trở thành một vết nhục trong Việt sử.

Chúng tôi nhận thấy không những người ta dùng Sử ca, Kháng chiến ca trên sân khấu mà ngay trong những sinh hoạt khác như trong những công tác xã hội, Hội thảo, Xuống đường tranh đấu, Đêm không ngủ v.v...Tiếng hát sông Lô, Du kích sông Thao, Lên đàng, Khúc Khải hoàn, Nhạc Tuổi xanh, Thanh niên ca, Đường về quê, An phú đông v.v... là những bài kháng chiến ca trên môi những người trẻ hiện đang bất mãn chế độ.

http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=mTPAlnPV1R (Khúc Khải hoàn)

http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=urtIJS3aK_ (Nhạc Tuổi xanh)

Sử ca, Kháng chiến ca trở thành một phong trào phản ảnh cảm nghĩ của quần chúng trước tình trạng hiện tại của đất nước. Do đó phong trào hàm chứa một ý nghĩa chính trị bất lợi cho chính quyền Việt Mỹ lúc bấy giờ. Cũng vì vậy, những nhà chính trị này lại khua đũa phù thủy triệt hạ phong trào bằng cách cũng ca ngợi những trang sử oai hùng bằng Sử ca và ngợi ca kháng chiến giải thực bằng Kháng chiến ca. Bài ca nào không thể hát được thì họ thay lời đổi nghĩa, phá cho hư thối đi, làm cụt hứng người nghe cho dù nghe lại nguyên bản. Ví dụ ở bài Tình Nước, câu cuối Nằm kề nhau chờ giặc đến, Lòng súng nao nao, đã bị đổi thành Nằm kề nhau chờ trăng lên, Lòng thấy nao nao. Trong bài Bà mẹ Gio Linh, chữ TÂY trong câu hát Nhà thì Tây đốt còn đâu, đã bị đổi thành NÓ.

Nhưng một hậu quả của hành động chính trị trên là sự hình thành của một phong trào Tranh đấu ca, tức là những bài ca nhắm thẳng vào chế độ mà tấn công, chớ không còn nói úp mở bóng gió gì nữa hết. Quần chúng lại tiến lên một bước nữa trong cuộc tranh đấu và nhờ hiện tượng này, chúng ta càng hiểu rõ chủ tâm của phong trào Sử ca, Kháng chiến ca vậy.