Chim Việt Cành Nam     Trở Về  ]          

Lan man chuyện làng tôi

Đỗ Đình Tuân

3. Mùa nước
Vào mùa nước, người làng tôi cũng đua nhau sắm sửa , hoặc tu bổ lại các đồ kiếm cua, kiếm cá. Các anh thanh niên lớn khỏe thì thường rủ nhau làm sẻo, mua sẻo. Sẻo là tên một dụng cụ đánh cá. Nó gồm một khung tre hình cánh cung nửa vòng tròn (180 độ). Cánh cung này được luồn qua một cán sẻo cũng được làm bằng tre, có lỗ đục ở đỉnh. Cán sẻo vừa là cái tay cầm vừa là cái trụ giữa của khung sẻo. Người ta nối hai đầu cánh cung với đáy cán sẻo bằng một sợi riềm dây gai, làm đường đáy sẻo. Còn thân sẻo thì chỉ là một cái túi lưới được luồn giữ vào cái khung sẻo kể trên để làm chỗ hứng cá. Khi đánh sẻo người ta phải cắm đáy sẻo xuống mặt ruộng rồi dùng một cái gậy tre nữa chống sau cán sẻo để giữ cho sẻo không bị đổ khi cá thúc, cá ghì. Người đánh sẻo thường chọn những chân ruộng trũng, có độ sâu ngập nước khoảng từ trên đầu gối đến bụng dưới là cùng. Nông quá thì chưa có cá mà sâu quá thì không lội lừa được. Vả lại độ cao của cán sẻo chỉ chừng độ một mét nên cũng không thể đánh sâu quá hai phần ba độ cao ấy được. Cá sẽ vượt chỗ trống ra ngoài mất. Người ta thường lợi dụng một cái bờ cao làm một mé chắn, rồi lần lượt cắm sẻo theo một hàng ngang từ trong bờ ra ngoài ruộng. Cái ngoài cùng cắm hơi vát vào một chút để đón cá vọt ra dìa. Từ đây mọi người sẽ nối đuôi nhau, chia đều khoảng cách quây lấy một khoảng ruộng úng, rồi chân khùa, tay ném đánh động lừa cho cá chạy vào sẻo. Vòng vây người càng khép lại thì tốc độ càng nhanh dần. Cuối cùng thì phải cùng nhau ùa vào mà nhấc sẻo lên. Đám đánh sẻo thường rất ồn ào, khi lừa đuổi thì người ta hò hét. Khi nhấc sẻo lên được cá thì reo hò hố há ầm ĩ cả một khu đồng. Đánh sẻo vì thế tuy mệt, nhưng vui, rất thích hợp với đám thanh niên tuổi trẻ còn đang độ đông sức.

Những người lớn tuổi, lấy kiếm cá làm nghề kiếm gạo như ông Lý Tín, ông Trương Giai thì sắm vó bè; ông Tặng thì sắm độ mươi tay lưới bén một hai cái thuyền bơi. Còn đa phần lấy kiếm cá làm việc kiếm cái ăn thêm thì chỉ sắm một vuông vó tay hoặc vài tay lưới bén để "thả vẳng". Thả vẳng tức là tìm một chỗ nghi có nhiều cá đi trên cánh đồng ngập úng, có độ sâu chừng đến rốn, lội xuống dọn lấy một đường cho sạch rong rêu, có độ dài bằng độ dài của các tay lưới mình định thả. Nếu có thuyền bơi thì ngồi thuyền mà thả lưới, nếu chưa có thuyền thì lội ruộng mà thả bộ. Thả xong thì lên bờ, lên đống ngồi chơi. Cứ một lúc lâu lâu lại đi soát lưới một lần, thấy có cá thì bắt gỡ, thấy có chỗ nào lưới rúm lại thì san ra cho đều...Đây là lối đánh của dân nghiệp dư chưa có kỹ năng kỹ xảo gì về bơi thuyền, thả lưới, và gỡ lưới. Chỉ là thấy "người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào" thôi. Bố tôi và ông nho Mại là những người đánh lưới theo kiểu này. 

Tôi cũng thường được theo bố tôi ra đồng xem đánh lưới. Chắc là ngồi "thả vẳng" một mình cũng buồn, nên bố tôi thường cho tôi đi theo. Những lúc có bạn và vui chuyện thì bố tôi lại cho tôi đi "soát lưới". Thế là tôi lại bồng bềnh trên thuyền đi theo những đường thả lưới để kiểm tra. Nước ruộng trong văn vắt trông rõ cả lưới và cả đáy ruộng, nên có con gì vướng lưới cũng biết ngay. Mỗi giống cá cũng quấn lưới theo một cách riêng đấy. Có anh chạm lưới thì vội vàng quay đầu lại định tìm đi lối khác. Nhưng không kịp nữa rồi, lưới vòng lại theo ngay và trói chặt lấy anh ta bằng những "búi tròn". Đó là giống cá chép, cá nhòng. Có anh vướng lưới thì cứ thế mà ghì, mà thúc lấy được, cố "mở đường máu" để thoát thân. Đó là giống trắm đen. Chúng phải kéo lưới chúi vào chân rong, chân súng một đoạn dài đến hàng mét.

Những lúc ngồi chờ không trên bờ, trên đống, bố tôi hay hút thuốc lào vặt và thỉnh thoảng ông cụ cũng kể chuyện. Cứ thủng thẳng nhát gừng và rất ngẫu hứng thôi chứ chẳng có hệ thống gì. Chẳng hạn có lần ngồi chờ trên đống Quán Giáo, giữa một cánh đồng ngập nước mênh mông trắng lạng, thì tự nhiên ông cụ bảo "Đây nó là một cái quán chợ đấy". Rồi ông cụ chỉ tay ra phía bờ sông Đào " Còn ngoài kia là Cổng Chợ". Lần ngồi chờ trên đống Gốc Đề giữa bốn bề trắng nước thì ông cụ lại bảo "Ngày trước ở đây có cây đề to lắm, thời còn bé tao vẫn còn thấy gốc"...Chính những câu nói bất ưng của ông cụ như thế đã kích thích trí tò mò của tôi và cũng có lần tôi hỏi: " Thế còn trại Phù Trang, trại Phù Trang là gì?". Bố tôi giải thích: " Phù Trang là trại nổi, chắc là bà công chúa đầu tiên về lập trại ở đấy, chứ ngày trước đã làm gì có đê."...Thế là trí tưởng tượng của tôi lập tức bóc tất cả những con đê đi, những con đê dài dòng và quanh co theo bờ sông Lục Đầu giang, theo bờ sông Kinh Thày chạy mãi xuống tận Ba Kèo. Tôi cứ mặc cho nước của những dòng sông Cái thả sức mà tràn vào trong đồng dìm ngập tất cả xuống. Chỉ còn lại có một cái Trại Nổi và một bà công chúa...

Người đánh lưới "ăn gạo" đánh kiểu khác. Làng tôi chỉ có nhà ông Tặng mà tôi gọi bằng chú là đánh lưới bén "ăn gạo" thôi. Chú Tặng là con bà hai, bố tôi là con bà cả. Ông tôi có những ba bà đồng thê cơ. Bà cả được bốn người con giai sinh vào các năm 1905,1909,1913 và 1921. Bố tôi là thứ ba, nên làng gọi là "Ông Ba Đăng". Giữa bố tôi và chú út có một lần sinh con gái nhưng không nuôi được. Bà hai được cô Hằng, chú Tặng và cô Thắng. Lúc tôi lớn thì cô Hằng đã có một đàn con, người làng không gọi cô theo tên chồng nữa mà đã gọi theo tên con cả: cô Lưu. Còn cô Thắng lấy chồng người Nam Gián Đoài, tuy cũng nhiều con, nhưng ở xa nên người làng vẫn quen gọi theo tên chồng: cô Xuân. Bà ba được chú Sen và cô Hường. Cô Hường sinh năm 1935 là bà cô duy nhất còn sót lại của thế hệ này. Cô Hường không có chồng. Có đi kiếm một lần nhưng không nuôi được. Cũng có lần, một ông già người làng bên hỏi làm vợ lẽ để định đẻ thêm con, những cũng không thành gia thất. Cô trở về nhà sống với mẹ và anh. Bây giờ thì mẹ và anh đều mất cả, bà sống với các cháu con anh ruột.

Ấy là chưa kể còn bà Nghiêm Thị Cách, người cùng làng, mới dạm hỏi chưa cưới xin gì, nhưng theo tục lệ ngày xưa " miếng trầu là dâu nhà người" nên trong "Đỗ tộc gia phả" vẫn thấy ghi tên bà là chính thất. Cả bà đẻ ra bố tôi- bà Lê Thị Áng-cũng ghi là chính thất. Vậy là ông nội tôi có đến hai bà chính thất. Tôi còn được nghe kể về cuối đời ông tôi đâu còn dan díu với một bà nữa gọi là bà Tư Út. Nhưng cuộc nhân duyên này diễn ra khi bốn đứa con giai bà cả đã lớn bằng sào bằng gậy cả rồi. Không hiểu do bà cả chỉ đạo, hay "hội đồng ba bà" cùng chỉ đạo, hay chỉ là do "tình cảm tự phát của bốn chàng nghịch tử" mà cuộc nhân duyên này đã bị "đàn áp thẳng tay". Bốn anh em bố tôi đã rủ nhau vác gậy ra đuổi đánh bà Tư Út, khiến bà ta sợ quá phải trốn biệt và không bao giờ dám trở lại nữa.

Chú Tặng nhà tôi đánh lưới bén rất sành điệu. Cái thuyền bơi của chú thường đan vũm và có hai cái mũi thuyền cong hơn mọi người. Có lần tôi đã ngồi lên định bơi thử. Nhưng chao ôi, nó chòng chành quá, cứ như nó muốn hất tôi ngã xuống sông ngay. Chẳng khác gì cưỡi một con trâu nghịch.Tôi hoảng quá, không dám bơi thử nữa. Ấy vậy mà chú ngồi lên thì nó cứ im de. Không những thế, khi đánh lưới, chú còn phải đứng ở trên thuyền, đánh chòng chành theo chiều dọc mũi thuyền, cầm sào đập vụt xuống mặt nước, chọc khoắng vào những chỗ nghi có cá chúi...để cho cá chạy. Mà cá chạy là sẽ có nhiều cơ hội mắc vào lưới chú.Vậy mà chiếc thuyền vẫn luôn luôn ngoan ngoãn vâng theo ý chú. Trông động tác thả lưới của chú mới nhịp nhàng làm sao. Tay phải cầm bơi chèo điều khiển con thuyền. Miệng ngậm đầu phao khảo lưới. Tay trái rút lưới thả xuống sông, xuống ruộng theo một đường quây nào đó đã định trước. Khi rút lưới cũng tương tự. Chỉ khác là bây giờ tay trái làm ngược lại. Động tác gỡ cá của chú cũng thật nhanh gọn: chú nhấc con cá đặt vào lòng thuyền, để tạm bơi chèo xuống giải phóng cho tay phải tham gia gỡ cá. Nhưng cũng chỉ nháy mắt là chú đã "cởi trói" được cho con cá. Chú lại thả đoạn lưới ấy xuống sông, san gẩy thêm vài động tác nữa. Thế là "mối rối" đã gỡ xong và tay lưới lại phẳng phiu sạch sẽ như thường. Xem chú đánh lưới, tôi mới hiểu tại sao con thuyền của chú lại cong và vũm hơn mọi thuyền? Thì ra vũm là để cho khoang ở dưới sạp thuyền có độ sâu hơn, chỗ sống cá được nhiều hơn, tốt hơn; còn mũi cong hơn là để khi dập dềnh đuổi cá được mạnh mẽ hơn. Trong nhà chú luôn luôn có hàng chục tay lưới đủ các cỡ: mắt thưa, mắt dầy, mắt nhỡ. Mắt thưa để bắt cá to, mắt nhỡ để bắt cá vừa, còn mắt dầy thì bắt được cả cá bé nữa. Tùy nơi đánh và tùy mùa đánh mà chú dùng các loại lưới khác nhau. Đánh ngoài sông Cái thì phải dùng loại lưới mắt to, sợi dai để chỉ bắt cá lớn.Còn đánh trong đồng thì thường dùng hai loại mắt nhỡ và mắt dầy. Lòng thuyền và cầu ao nhà chú thường xuyên có cá sống, để ăn và để bán cho người làng, ai nhỡ cái ăn thì đến mua. Nhà chú ở ngay cạnh con sông Đào. Địa bàn hoạt động thường xuyên của chú cũng chính là con sông Đào. Chú thuộc lòng sông Đào lắm. Chú thường kể ở chỗ ấy, chỗ nọ có con cá chép to lắm. Nhưng dưới đáy sông Đào lại có cái thùng đấu, nên cứ động nước, biết mình đã quây lưới là y như nó chúi xuống đó không đi nữa...

Không hiểu có phải chú "trăng trói" nhiều cá quá nên chúng oán hay sao mà khoảng cuối năm 1951, trong một trận càn chú bị Pháp bắt. Chú cũng bị chúng trăng trói, đánh đập rồi bỏ tù mãi đâu trên Hòa Bình. Năm 1952, khi ta đã mở chiến dịch Hòa Bình, trong một lần đi làm lao dịch, chú trốn được. Chú bơi vượt dòng sông Đà về phía bên mình, rồi cứ hỏi thăm đường những đoàn dân công mà tìm về. Một buổi tôi, nghe làng nước nói "ông Tặng trốn được về rồi!". Mừng quá, bố tôi bèn dẫn tôi đến ngay. Họ hàng làng xóm đã đến chật cả ba gian nhà. Nhà kháng chiến cũng không lấy gì làm rộng rãi lắm. Chỉ có ánh sáng của một ngọn đèn dầu Hoa Kỳ tranh tối tranh sáng. Hôm ấy trông chú người gầy teo, nhưng phấn chấn lắm, ngồi ở một góc chiếu và đang tíu tít kể chuyện trốn tù, vượt ngục. Mọi người chăm chú nghe và ai cũng mừng thay cho. Nhưng những trận đòn tù đã làm sức khỏe chú suy giảm đi nhiều. Năm 1957 thì chú mất. Ngày chú mất, tôi đang học ngoài Hải Dương. Đúng đêm hôm chú mất, tôi đang ngủ say mà tự nhiên bên chân trái giật "đánh phách" một cái. Tôi choàng mình tỉnh dậy nhưng không hiểu vì sao. Mấy ngày hôm sau, tôi về, mới hay tin là chú đã mất rồi ! 

Còn bọn trẻ con chúng tôi thì chỉ bắt nạt được mấy cái dậm thôi. Hầu như không có đứa trẻ nào trong làng tôi là không được bố mẹ trang bị cho một cái dậm. Bộ đồ nghề đầy đủ của chúng tôi gồm ba thứ: một cái dậm, một cái mõ dậm và một cái giỏ.Dậm thực ra chỉ là một cái rổ to, đan bằng tre nhưng khi cạp người ta để miệng méo và hẹp trông gần giống như một cái hình tam giác cân lùn. Đỉnh miệng dậm và giữa đáy dậm được buộc vào một chiếc cán tre cao tầm đến cổ người. Cái cán dậm này là để cầm khi đánh và để vác khi di chuyển. Đây là bộ phận chặn hứng tôm cua ...Còn cái mõ dậm là để lừa đuổi. Mõ dậm thường được làm bằng ngọn một cây tre sầu vì ngọn cây tre sầu thường khô rỗng, khi dậm xuống nước nó tạo nên những tiếng ùng ục rất mạnh. 

Vào những mùa cày bận rộn thì chúng tôi thường đi "đánh lẻ". Vì sáng sớm ra chúng tôi còn phải đưa trâu ra đồng chăn cho nó ăn tươi vài miếng cỏ trước buổi cầy. Khi thợ cày ra bắt trâu cầy thì chúng tôi mới về nhà đeo giỏ, vác dậm ra cánh đồng úng, dậm theo vài bờ cỏ kiếm đủ bữa canh thì lại phải vội về chuẩn bị nấu nướng bữa trưa: bòn rau, giã cua, vo gạo... Vần xong nồi cơm, lại vội vội vàng vàng đi ra đồng đón trâu là vừa. Chỉ có những ngày rỗi rãi thì chúng tôi mới hay rủ nhau tụ vạ "đánh tập thể". Có khi thì rủ nhau quây lòng con sông Đào, ngâm sâu đến tận cổ để đánh dậm tôm. Có khi, lại bắt chước các anh thanh niên đánh sẻo bằng dậm. Thực ra đây cũng chỉ là một trò nghịch thôi. Cố nhiên là đánh "sẻo dậm" chỉ đánh được ở những chân ruộng nông thôi vì miệng dậm hẹp. Ấy vậy mà nhiều khi "mèo mù vớ cá rán". Có một lần mười ba đứa chúng tôi rủ nhau đánh "sẻo dậm". Chúng tôi quây ngay ở một cái ruộng nông choèn gần Cổng Chợ. Dậm tôi đặt sát trong bờ. Mười ba cái mõ dậm quây tròn lại vừa dậm vừa đùa cứ như người ta bừa chân đám mạ. Dè đâu đến khi tôi vào nhấc dậm lên lại thấy dậm bễ hẳn xuống, nặng chình chịch. Tôi trông xuống: một con cá chuối to bằng bắp vế đang dãy đành đạch ở trong dậm. Tôi sung sướng quá nhảy cẫng lên, reo hò ầm ĩ, rồi cứ thế vác dậm và con cá chạy một mạch về nhà. Đó là một mẻ dậm mà cả đời tôi không bao giờ quên được.

Làng tôi cũng có một ông già hay đánh dậm: đó là ông Đĩ Tới. Tuy cũng ở khu giữa làng, ngay bên cạnh dinh cơ nhà ông Ký Đính, nhưng nhà cửa tuyềnh toàng, sân vườn nhếch nhác, vại mẻ, bếp lạnh, rõ ra cái cảnh nhà nghèo. Ông có ba người con: hai cô con gái là Khơi lớn và Khơi con. Đốt giữa là một cậu con trai đặt tên là Tới. Con cái ông cũng sớm cho đi ăn đi ở cả, ít khi thấy ở nhà. Bà Đĩ Tới ít nói, trông gọn gàng, lành lặn. Đầu cạo trọc, trông cứ thấy lốm đốm những chân tóc đen xen kẽ với những chân tóc bạc. Ông Đĩ Tới người cao, lưng hơi còng. Khi ông đánh dậm mái tóc "hoa râm" của ông: sợi đen, sợi bạc, túm dọc, túm ngang thường nhảy rất linh tinh lộn xộn ở trên đầu. Nhìn trước mặt, thấy ông có đôi mắt hơi sâu, cái mũi nhọn nhòm mồm, đôi má hóp và cái cằm hơi nhọn, nên cũng dễ sợ. Nhưng ông hiền, người làng không ai bàn gì về tính nóng, hay tính ác của ông. Người ta chỉ nhắc đến cái "máu rượu" và "máu nhắm" của ông thôi. Ông đánh dậm chỉ là để tìm cái nhắm về uống rượu. Hễ thiếu cái nhắm là ông lại vác dậm đi, đánh thần tốc ít mẻ, đủ cái nhắm là lại về ngay. Ông bắt tất tần tật những con gì đã vào dậm của ông: cua, cá, ốc, ếch, rằn mùng, rắn nước...Đủ bữa là về. Chế biến. Rồi một mình dọn rượu. Một mình. uống! Ngày thường ít cũng một bữa, nhiều thì đôi bữa. 

Tôi sớm đi học xa, ít trở về làng nên đoạn cuối đời của ông Đĩ Tới tôi không được rõ. Khi tôi về thì khuôn đất trước đây gia đình ông ở, đã thành vườn của người khác. Hai cô con gái Khơi lớn và Khơi con đều đi lấy chồng thiên hạ cả. Từ thưở bé đến giờ tôi cũng chẳng gặp lại lần nào. Còn lại cậu con giai thì đã thành ông Tới. Mà ông Tới thì nghe nói cũng là một tay phiêu bạt giang hồ lắm. Thời còn là "anh Tới", anh có đi ở chăn trâu cho nhà tôi một thời gian. Có một lần chạy giặc càn, bố tôi sai anh cõng tôi chạy, nhưng chỉ chạy được vài bước, anh lại tụt tôi xuống, quay lại lắc đầu bảo bố tôi: "Nặng lắm, cháu không cõng được!". Thế là bố tôi lại vùa phải cõng tôi, vừa phải rong trâu chạy theo người làng đang tớn tác như kiến cỏ ở trên đồng. Người vợ đầu của anh Tới là một cô gái người hàng xóm: cô Thoa. Cái mối tình này cũng say sưa nồng nàn lắm. Chẳng mấy lúc không thấy anh, thấy ả cặp kè ở bên nhau: khi thì cùng đi cắt cỏ, khi thì cùng đi tát nước, khi thì lại thấy thì thầm khúc khích ở trong buồng cô Thoa. Nhưng khi đã có đến ba đứa con với nhau rồi thì lại "náy sinh vấn đề". Cứ vác sào vác gậy đánh nhau liên tục. Cuối cùng thì họ bỏ nhau. Bà Thoa nuôi con, còn ông Tới thì bỏ làng đi biệt.

Nửa đời thì ông Tới lại trở về làng. Lấy đâu một người vợ ở bên Nam Sách mang về. Họ mua lại cơ ngơi cũ của nhà ông Trương Giai, ở. Lúc ấy thì ông Tới làm nghề "đúc nồi nhôm". Về sau lại thấy họ lục đục. Lại bỏ nhau. Ông Tới lại đi biệt. Lần này thì ông ấy đi xa lắm. Đâu vào mãi trong Nam. Cuối đời, làng lại thấy ông Tới lần về. Vác theo một người vợ miền Nam thật. Họ mua lại một miếng đất của nhà ông Bé, xây cấp tập hai gian nhà cấp bốn, tường xây gạch ba banh, mái lợp ngói hybrô. Ở tạm. Nhưng chỉ ít thời gian sau thì ông Tới mắc bạo bệnh rồi mất. Người vợ miền Nam của ông bỏ đi. Ngôi nhà không người ở, khóa cửa bỏ đấy. Còn ông Tới, cũng đã lên tiểu sành. Một mình nằm bơ vơ giữa lòng đất lạnh.

Nhưng đan dậm khéo nhất thì lại là anh Cua. Anh Cua là em út của một gia đình làm sãi mõ ở làng tôi. Nhưng khi tôi lớn lên thì tệ phân biệt đối xử cũng không còn nữa. Có chăng cũng chỉ còn ở trong bụng của lớp người lớn thời cũ thôi. Còn chúng tôi, chúng tôi coi anh Cua như anh, như bạn. Anh Cua mắt kém, cái cổ cứ nghiêng nghiêng ghé ghé cúi gằm xuống, nên trông dáng đi của anh cũng khá tội nghiệp. Thế mà anh lại có cái nghề đan lát đồ tre nan rất giỏi. Đặc biệt là đan dậm. Đánh cái dậm mua ở chợ về nó cứ bí rì rì ấy. Vì nan lòng, vót bẹt nên khó thoát nước. Ngược lại đánh cái dậm của anh Cua đan, nghe nó thoáng, nó nhẹ làm sao. Vì anh đã dùng nan cật mà lại vót nan thon. Cố nhiên muốn có dậm của anh Cua thì phải đặt trước và giá tiền cũng đắt hơn dậm chợ.

4. Thuyền mủng
Người làng tôi chuyên đẩy thuyền bằng sào. Không dùng mái chèo như người làng Chí Linh gần sông lớn. Có lẽ vì nước nông, sông tĩnh. Cái thuyền mủng nào cũng phải có một cây sào, làm bằng một cây tre hóp đá dài độ ba, bốn mét. Cây sào này vừa là "động cơ" lại vừa là "bánh lái". Khi chở thuyền, người ta đứng trên sạp lái, dùng hai tay nhịp nhàng kéo sào lên. Khi chân sào đã khỏi mặt nước, thì lại nhấc đứng cây sào dậy mà cắm xuống một điểm ngay dưới đít thuyền. Lại dùng hai tay lần sào mà đẩy thuyền đi. Khi bàn tay đã lần đến điểm mút đầu sào thì nhún mạnh thêm một cái nữa. Con thuyền sẽ dồ sóng mà lao về phía trước. Người đẩy thuyền thạo, thường biết kết hợp các động tác "cắm", "đẩy", "nhún" với "lái" vào làm một. Cho nên trông họ thường nhàn nhã, khoan thai mà con thuyền cứ đi theo "sự lãnh đạo" của họ. Bởi ngay từ động tác "cắm sào" người ta cũng đã có ý "lái" rồi. Rồi động tác "đẩy", động tác "nhún" đều lồng ý "lái" vào trong ấy cả. Cho nên con thuyền đi tự do mà ngoan ngoãn. Ngược lại người lái thuyền tồi, chưa biết lái thuyền thì chỉ biết "cắm " là "cắm", "đẩy" là "đẩy", "nhún" là "nhún"... chứ không biết kết hợp và lồng cái ý "lái" vào. Cho nên họ cắm được cắm hỏng. Có khi cắm đứng sào quá, chặt chân sào quá, không đẩy đi được nữa. Thế là cái sào đẩy thuyền lại thành ra cái cọc buộc con thuyền lại. Nếu họ cũng lại cứ đẩy, cứ nhún nữa thì sào sẽ đi đằng sào, thuyền sẽ đi đằng thuyền... Con thuyền sẽ mất phương hướng, quay lô lô giữa dòng, vùng vằng không chịu đi cho. Nhiều khi "người cầm lái" còn ngã ùm cả xuống sông nữa kia.

Nhưng thuyền mủng ở làng tôi cũng ít được dùng vào công việc chính của làng là làm ruộng. Vì vụ gặt chiêm làm mùa thì nước chưa to mà đến vụ gặt mùa thì nước lại cũng đã cạn rồi. Chỉ có những gia đình có ruộng ở Đồng Chiêm, Đồng Dành, giáp ngọn con sông Đào, người ta mới dùng thuyền chở lúa về làng. Còn đa phần vẫn gánh bộ, không lích kích phải bốc lên xếp xuống. Rụng lúa. Rốt cục thuyền mủng chủ yếu chỉ để cho bọn trẻ con chúng tôi đi đưa cơm cho thợ cày ở những cánh đồng xa, hoặc bồng bềnh đẩy xuống mé sông Gốm, đồng Gốm để kiếm rau lợn. Bởi ở đồng Gốm có một thứ rong dùng nấu cám rất sánh và lợn rất hay ăn. Làng tôi gọi cây rong đó là cây "rau vậy", nhưng cũng có làng lại gọi nó là cây rong " áo tơi". Đồng làng Gốm thấp hơn cánh "đồng dưới" làng tôi một cấp, nên nước cũng ngập sâu hơn một cấp. Độ ba bốn mươi phân gì đấy. Những buổi trưa hay chiều mùa hè, nắng chói chang, nước đồng trong văn vắt. Chúng tôi cứ cho thuyền lượn lờ đi trên đồng, quan sát dưới đáy ruộng. Hễ thấy khu vực nào có cây rau vậy to và dày thì mới cắm sào đỗ thuyền lại. Những cây rau vậy to trông nó rườm rà như một cái nơm để ngửa. Những con cá "xí cờ" thập thò bơi quanh hóng mát. Cũng có khi là mấy chú cá "lầm đất", nghe tiếng động thuyền thì rối rít chúi chạy, loáng nhoáng hiện những cái thân, cái bụng lấp lánh trắng ở dưới gốc. Chúng tôi phải lột áo, tụt quần, vứt ở trên sạp lái. Lội xuống. Ngụp. Dùng tay cầm tận sát gốc cây rau vậy. Nhổ. Rũ cho sạch đất bùn bám ở rễ, rồi xếp chúng vào thuyền. Đủ định lượng thì chúng tôi lại bồng bềnh đẩy thuyền về cập bến làng Riêng.

Nhưng người lớn làng tôi chuẩn bị thuyền là nhằm những mục đích quan trọng hơn nhiều. Đó là cái phao cứu sinh cho cả một gia đình. Bởi vì ở vùng tôi, cái thảm họa nước to, do mưa lớn hay vỡ bối, vỡ đê luôn là một khả năng treo lơ lửng ở trên đầu. Cho nên nhà giầu nào cũng thường xây một gian kho có nền rất cao như nhà Cụ Hậu, nhà ông Ký Đính, nhà ông Lý Tịnh...Ít ra thì cũng chuẩn bị sẵn cây que bắc lấy một gian gác để nếu gặp "tình trạng khẩn cấp" thì để thóc lúa lên gian gác ấy. Nhưng để chạy người thì vẫn phải có một con thuyền mủng. Ngày còn rất bé, tôi láng máng nhớ có một lần chạy nước to như thế. Ngày ấy tôi hãy còn mẹ. Nghe người làng kêu "Ới làng nước ơi, vỡ bối rồi!". Tôi thấy mẹ tôi cuống quýt dựng tôi dậy. Bà đặt tôi đứng trên cái phản ở giữa nhà, vào buồng vơ lấy cái áo mặc thêm cho tôi. Vừa mới đóng xong mấy cái cúc thì nước đã ngập đến hè, rồi ngập vào nền nhà. Mãi đến khi nước gần lên đến chỗ chân tôi đứng thì bố tôi mới kéo đến một con thuyền mủng. Mẹ tôi bế tôi lên thuyền và cả nhà chạy lên Bãi Đá. Mấy ngày sau, bố cho tôi về thăm nhà, tôi thấy nước ngập đến tận giọt gianh. Sóng cứ vỗ dập dềnh liếm vào mái rạ. Căn nhà chỉ còn như một cái nón vuông kéo dài nằm úp trên mặt nước.

Sau trận càn đầu tiên của giặc Pháp, làng tôi bị đốt hầu hết nhà cửa. Nhà tôi cũng bị đốt hết cả: gồm năm gian nhà gỗ xoan kẻ truyền, chồng chóp; gian bếp rồi tiếp đến là ba gian nhà ngang làm nhà ăn và để cối xay, cối giã; khu chuồng trâu, chuồng lợn... Người làng tôi hốt hoảng mà không biết chạy đâu. Họ bèn dắt díu nhau bỏ làng chạy lên ngọn con sông Đào. Mỗi nhà đào một cái "Tăng xê" trên bờ con sông Đào, úp thuyền lên trên làm mái che. Cửa hướng ra sông Đào thì tạm che bằng phên nứa, phên gianh; vừa làm hầm trú ẩn lại vừa làm nhà ở. Bờ sông Đào bỗng thành một dãy "phố tăng xê", nối liền nhau như "mủng úp". Ban ngày người lớn đi làm gì ở đâu tôi không biết. Bố mẹ tôi gửi tôi ở nhà chơi với những anh những chị lớn hơn bên "hàng phố". Tôi thường cũng ấm ích, phụng phịu một lúc. Nhưng khi bố mẹ đã đi rồi thì chẳng còn "làm nũng" với ai được nữa. Thế là tôi lại tha thẩn chơi, đào lỗ cóc, móc lỗ kiền ở trên bờ con sông Đào. Duy nhất tôi thấy có một bà cô của tôi, lúc ấy đã có ba con và góa chồng, đang có một ông bạn người làng dưới, cũng góa vợ lên "tìm hiểu" là ở nhà với nhau thôi. Họ thường khép kín cửa, thì thầm to nhỏ với nhau trong tăng xê. Sự lạ ấy gợi trí tò mò của bọn trẻ con chúng tôi. Mấy anh lớn rất hay rủ bọn chúng tôi đến xem trộm. Tôi sợ, chỉ dám đứng ở đằng xa. Còn các anh lớn thì cúi người đi rón rén vào gần tận cửa. Người thì dán mắt vào khe cửa: dòm. Người thì dán tai vào phên liếp: nghe. Một lát lại thấy cười rúc rich. Có tiếng người đàn ông hỏi to: "Đứa nào, Làm gì ngoài đấy?". Thế là các anh ấy cười ré lên chạy ra. Một anh vừa cười vừa kể bằng cái giọng vừa lắp, vừa ngọng của anh ấy: "Yì..ình...yì..ình ...ình...ừ..ừng... ! Yì...ình...yì...ình ở...ở ại ới eng ơ...! Ệ...ệ ...y...úng...úng ó !"...

Nhưng ở giữa cánh đồng không mông quạnh, chẳng có tre pheo gì che chắn, lại nằm dưới lòng đất ẩm lạnh, trẻ con người già không chịu được. Thế là thấy yên yên, người làng tôi lại trở về làng. Nhà tôi với nhà chú Đặng tôi, dựng tạm trên nền nhà ngang nhà tôi, hai gian nhà nhỏ ở. Nhà tôi ở một gian, nhà chú Đặng ở một gian. Một thời gian sau, chú Đặng làm xong ba gian nhà ngang dưới gốc thị thì chú thím về nhà mới. Nhà tôi ở cả hai gian. Bố tôi cắt vách, mở cửa nách và ngăn một gian ra làm buồng. Còn gian ngoài có cửa trước ra sân và cửa sau đi xuống bếp. Bếp chỉ là một gian bán mái con con, gác ở đằng sau nhà. Lúc này thì bệnh của mẹ tôi đã bắt đầu nặng. Sau lần sinh đứa em gái sau tôi-Bé Tạo-mẹ tôi bị "hậu sản". Người cứ sốt, cứ gầy rạc đi, hết thuốc ông lang này, lại đến thuốc ông lang khác mà vẫn không khỏi. Mẹ tôi ốm, không đủ sữa nuôi con nên bé Tạo cũng bị "suy dinh dưỡng" nặng. Nó quấy nhèo nhẹo như cái dẻ vắt vai. Da vàng bủng. Đít dúm . Mà chân tay thì cong vẹo, nhăn nheo và bé tẹo. Bố tôi phải thuê một bà người bên làng Ngô Đồng sang ở vú phụ nuôi bé Tạo mà cũng chẳng ăn thua. Bệnh mẹ tôi thì càng ngày càng nặng. Người trông chỉ còn da bọc xương. Đầu cạo trọc. Trên gương mặt bà chỉ còn thấy có đôi mắt là to hơn cả.

Một buổi trưa đầu hè nắng gắt. Bố tôi đang làm rạ lợp nhà ở ngoài sân. Trong nhà, cô Lý Tường sang thăm, vẫn ngồi trên giường nói chuyện với mẹ tôi. Đang giang giang câu chuyện thì bỗng cô Lý Tường gọi giật giọng "Bác ơi ! Bác ơi ! Bác làm sao thế ?". Nghe tiếng gọi khác lạ, bố tôi vội hớt hải chạy vào. Cô Oanh bên hàng xóm cũng vội chạy sang. Chỉ một loáng sau, người đã đến chật nhà. Còn tôi, trước đấy vẫn tha thẩn chơi trong nhà, nhưng lúc này tôi lại đến nằm phục phị bên đầu giường mẹ. Tôi vẫn chưa có cảm giác rằng mẹ tôi đã chết, nên cứ chằm chằm nhìn vào mặt mẹ. Quả nhiên, mẹ tôi lại mở mắt ra thật. Mở rất to, nhìn tôi một lúc lâu, dưới hố mắt ứa ra một giọt lệ rồi mới thấy từ từ khép lại...Chắc mẹ tôi thương tôi lắm, nên đã ra đi rồi, mà vẫn không đành lòng, còn nán lại nhìn tôi. Sau này nghe bố tôi kể lại, những ngày sắp mất, mẹ tôi cứ dặn đi dặn lại bố tôi hai điều: Một là anh phải gắng nuôi con cho nó thành người; hai là tôi còn bố già, anh phải gửi sang đấy cho tôi một con nghé đực, nhờ bác cả nuôi hộ. Khi nào ông cụ mất, thì dùng con trâu ấy lo việc ma cho ông cụ. Xem như đó là phần đóng góp của tôi.

Chỉ độ một giờ sau thì đằng ngoại bên Ninh Xá nhà tôi sang. Họ sang rất đông. Họ vừa vào đến nhà thì tiếng khóc cũng váng lên ngay. Nhất là mấy cô cháu gái thì khóc rất to và thảm thiết lắm. "Ới cô ơi !...Cô đi đâu mà cô bỏ chồng, bỏ con thế cô ơi ?..", "Ới cô ơi !...Con cô còn bé dại thế kia, mà cô nỡ bỏ cho ai nuôi... cô ơi ?...". Những tiếng khóc ấy làm tôi không chịu nổi. Tôi vội chạy ra đằng sau nhà, gục đầu vào tường thổn thức khóc một mình. Mãi đến tối, dì Thiều tôi mới tìm tôi về dỗ dành cho ăn, cho uống và tôi ngủ lúc nào cũng không biết nữa. Sáng hôm sau, bố tôi mặc cho tôi bộ quần áo sô, đội mũ rơm rồi vừa dắt, vừa bảo tôi mũ gậy đưa mẹ ra đồng. Ít ngày sau thì bé Tạo cũng mất. Hôm đám tang mẹ tôi, tôi không thấy bố tôi khóc. Nhưng đến tối hôm bé Tạo mất, tôi lại thấy bố tôi khóc dữ lắm: "Ới con ơi... bây giờ thì ai cho con ăn, ai ru con ngủ ..con ơi...", " Ới em ơi... sao em lại bỏ tôi gà sống nuôi con một mình, em ơi...", "Ới giời ơi ...thân tôi có tội tình gì mà giời bắt tội tôi thế này, giời ơi..." Giữa đêm khuya thanh vắng, nghe tiếng một người đàn ông khóc vợ, khóc con và tủi phận mình mới não nuột làm sao. Tôi nằm trong lòng cụ Ứng, nghe bố tôi khóc thế, cũng không cầm lòng được, cứ nức nở rung hết cả người lên. Chắc cụ Ứng cũng nghẹn ngào không nói được. Cụ chỉ ôm ghì tôi thật chặt và an ủi tôi bằng những cái vỗ tay đều đều đằng sau lưng.

Sau đó là những ngày mà tuổi thơ tôi đã phải sống rất bơ vơ. Giặc đốt hết nhà cửa, vợ ốm đau dài ngày, rồi người chết, của hết... Bố tôi rơi vào hoàn cảnh hoàn toàn trắng tay. Ông cụ phải chạy chợ lần hồi kiếm ăn từng bữa. Hôm nào cũng thế, cứ độ ba-bốn giờ sáng là ông cụ đã trở dây, nổi lửa nấu cơm. Ông cụ nắm làm hai nắm: một nắm to ông cụ mang đi ăn đường và một nắm con phần tôi ở nhà ăn bữa trưa. Ông cụ thường mua muối ở chợ Phả Lại đem vào chợ Bến Tắm bán, rồi lại mua chè tươi và các hàng lâm sản ở chợ Bến Tắm đem về bán ở chợ Phả lại. Những hôm có phiên chợ Bến Tắm thì ông cụ phải đi sớm lắm. Tôi phải ở nhà một mình ngay từ lúc trời còn chưa sáng. Đầu tiên cũng sợ, sau quen dần. Tôi cứ lủi thủi một mình ngồi ở đầu hè bạn với vầng trăng gà gáy cũng lạnh lẽo, cô đơn một mình giữa bầu trời đã vãn hết sao. Cho đến đến tận bây giờ, cứ mỗi lần gặp lại vầng trăng gà gáy là tôi lại nhớ lại cái đoạn đời ấu thơ côi cút này.

Nhưng cũng có một lần, đang đêm tôi thức dậy, thấy ánh lửa chập chờn, tôi nghĩ là bố tôi đang nấu cơm ở dưới bếp như mọi đêm. Tôi gọi "Bố ơi,...bố!". Nhưng không có tiếng bố tôi trả lời. Tôi bèn trở dậy chạy xuống bếp. Cũng không thấy bố tôi đâu. Mà quay ra thì thấy phía giữa làng lửa cháy rừng rực, tiếng nổ đôm đốp, tro than bắn lên tung tóe cả. Tôi hoảng quá, khóc toáng lên, chạy ra sân, gào bố ầm ĩ. Vẫn không thấy bố tôi đâu cả. Mà lửa cháy thì càng to và tiếng nổ lại càng dữ. Nhưng xóm làng thì vắng lặng, hoàn toàn không thấy có tiếng người. Một thứ vắng lạnh nghe ghê ghê rờn rợn. Tôi càng hoảng sợ, cứ vừa khóc vừa gọi, vừa cuống quýt chạy quanh tìm bố. Rồi tôi nghe thấy tiếng một người phụ nữ se sẽ gọi "Tuân ơi Tuân, ra đây chị bế". Nhưng trong cơn hoảng loạn, tôi không xác định được tiếng gọi ấy phát ra từ hướng nào. Nên tôi lại cuống quýt chạy ra cổng. Người phụ nữ vội vàng chạy vụt ra, ôm chặt lấy tôi. Chị bịt mồm tôi lại và nói sẽ vào tai tôi "Tây đấy! để chị bế đi trốn!". Bây giờ thì tôi nhận ra đó là chị Khuông, con cô Cả Luyến. Tôi im bặt ngay và ôm chầm lấy chị. Chị bế tôi đi lẻn phía vườn sau, sang góc cái bếp con, làm cạnh một cái điện thờ Thần đất bên nhà chú Đặng tôi, ngồi ẩn. Cô Cả Luyến ôm chị Khuông, chị Khuông lại ôm tôi. Ba người ngồi chết dí trong xó bếp, trốn giặc. 

Cả Luyến chỉ là tên chồng, còn tên thật của cô là gì thì cho đến nay tôi cũng chưa biết. Lúc này cô đã già, lưng đã còng và hai mắt thì mờ tịt. Giữa ban ngày ban mặt, nhưng đi lại cô vẫn phải đưa chân chậm chạp ra phía trước dò dẫm và đưa tay ra trước mặt sờ soạng. Cô chưa làm lại được nhà, đang ở nhờ nhà chú Đặng tôi. Vì có quan hệ họ hàng gì đó nên tôi mới chỉ gọi là "cô" chứ không gọi là "bà" như với những người dưng khác ở trong làng. Sau này đọc "Đỗ tộc gia phả" tôi mới biết, bác Lý Tín nhà tôi có một người cô ruột (chị bố) lấy chồng về Bắc (Từ Sơn, Bắc Ninh: nơi phát tích của họ nhà tôi) đẻ ra cô. Cô cũng đã lấy một đời chồng ở trên Bắc rồi. Sinh được một người con trai thì chồng chết. Cô về làng tôi (quê mẹ) lấy ông Cả Luyến là đời chồng thứ hai, sinh thêm được ba trai và một gái. Chị Khuông chính là mụn con gái cấn cơm cấn sữa của cô. Sau này chị Khuông yêu anh Chấp lắm nhưng chỉ vì anh Chấp là con riêng của vợ hai bác Lý Tín nên tự nhiên họ lại thành ra "có họ" và không thể lấy được nhau nữa...

Ngồi như thế một lát thì nghe có tiếng giày đinh đi vào trong sân. Chúng tôi co dúm cả người lại, sợ đến nghẹt thở. Nhưng vì ngồi ép sát bức vách có lỗ thủng nên tôi vẫn nhìn ra được ngoài sân. Tôi thấy một thăng tây lênh khênh đi vào. Nó đứng ở giữa sân, nghênh ngó một lúc, rồi lại đi ra, không bắn súng mà cũng không đốt nhà.

Tờ mờ sáng hôm sau, khi giặc đã rút đi, mọi người ấn trốn mới tìm về rì rầm kể với nhau về chuyện đêm qua. Thì ra làng tôi họp mít tinh trong sân nhà ông Ký Đính. Còn đang hát quốc ca thì có tin báo "Tây đấy!". Thế là mọi người bỏ chạy tán loạn. Bố tôi không cả kịp chạy qua nhà đón tôi. Nhưng khi đã chạy ra ngoài đồng, ngồi ẩn trong ruộng lúa, nhìn về làng thấy ngọn lửa bốc cao, bấy giờ ông cụ mới bồn chồn lo "nó mà đốt ra đến xóm đình thì thằng bé chết cháy". Sau lần chết hụt ấy, đàn ông làng tôi không giám ngủ đêm trong làng nữa. Cứ cơm tối xong, là lại ôm chăn, ôm chiếu xuống thuyền, bồng bềnh ra ngủ rải rác ở các đống ngoài đồng xa. Cố nhiên là bố tôi phải mang cả tôi đi theo. Cứ hai ba người lại chọn một đống để cùng ngủ cho vui. Họ thường trải chiếu lên cỏ, còn trên thì đắp chăn, đắp màn để che sương. Vì đống thường không bằng phẳng lại có một lớp cỏ, cho nên cái cảm giác nằm trên đống ngủ cũng bồng bềnh như nằm trên sóng vậy.