Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]          [ Tác giả ]
Hợp

Truyện ngắn của Quý Thể

Ngồi trên xe Hợp tính, đến nơi, xách hành lí vô nhà. Việc đầu tiên là thay quần áo và đi gội đầu ngay. Mấy ngày đi chơi với anh Quan ở Sài gòn nàng đều có tắm rửa song gội tóc thì chưa. Thời gian của những kẻ đang yêu ngắn ngủi gấp rút lắm. Chương trình du hí thì nhiều, cái thời khoá biểu gần như đầy kín, không trống giờ nào để đến tiệm gội đầu. Hợp định, nếu khi bước chân vào nhà, hắn mà lộ vẻ nghi ngờ có "mùi đàn ông" trong tóc, trong người vợ, nàng sẽ nói... Nói gì thì chưa nghĩ ra. Hợp còn đang loay hoay tìm lý do.

Nàng đưa mắt nhìn ra cửa xe, cánh đồng lúa xanh mơn mởn chuyển động như bức tranh gắn trên chiếc đĩa quay khi chiếc xe chạy rất nhanh trên đoạn đường êm. Màu lúa xanh êm dịu vô cùng, thật dễ chịu sau bao ngày chìm đắm trong cái thành phố năm triệu con người. Hợp thấy lúc này ngồi một mình trên xe mà không nghĩ ra được cách nói láo thì khi về nhà trước mặt hắn, biết đối đáp làm sao? "Hắn" gọi nơi đây là chồng nàng. Hợp nhớ lại trước đây có lần hắn đi làm về, vừa bước chân vào nhà, hắn hít không khí trong phòng khách, giống như chó đánh hơi, lên tiếng:

- Sáng nay thằng nào đến đây?

- Ai đâu!

- Sao có mùi thuốc lá thơm?

Hợp thầm phục cái mũi hắn. Phải hồi lâu Hợp mới nhớ ra, lúc sáng có người đến thu tiền điện, anh ta phì phèo điếu thuốc.

Chuyến này đi chơi với Quan, lúc nào cũng thấy anh ta hút thuốc. Thế nào trong quần áo tóc tai mình lại chẳng thấm đẫm cái mùi thuốc lá, mùi đặc trưng của bọn đàn ông. Vậy thì hãy nghĩ cho ra cái lý do nói láo. Trong xe có tiếng phụ nữ càu nhàu :

- Ngột quá! Làm ơn tắt thuốc đi.

Có tiếng đàn ông:

- Tắt sao được? Người ta mới đốt, cả ngày thèm thuốc muốn chết.

Lại có tiếng phụ nữ than phiền:

- Xe đông khách, cửa kính quay lên kín mít, ngồi trong xe hút thuốc, người khác thở sao nổi. Chỗ đông người phải biết lịch sự chớ.

Có người thuộc phái chống thuốc phụ hoạ:

- Ở nước ngoài người ta cấm hút thuốc nơi công cộng, trên tàu xe, rạp hát, cơ quan, có luật hẳn hoi, thiệt đúng.

Có ai đó ở cuối xe kêu lớn:

- Quay cửa kính xuống cho thoáng!

Lại có người la:

- Mở cửa thì còn chi là xe có máy lạnh?

Mẩu đối thoại giữa hai nhóm hút thuốc và chống hút thuốc gợi cho Hợp ý kiến tuyệt vời. Nếu hắn có nghi ngờ, Hợp sẽ nói, ngồi trong xe ai cũng hút thuốc, khói thuốc bay đầy, nó nhiễm vô tóc tai quần áo. Nhất là tóc, vì tóc có bôi dầu, dầu mỡ là thứ dễ nhiễm mùi. Không thấy người ta thu mùi hoa hồng bằng cách bôi mỡ heo trong lòng cái cốc thuỷ tinh úp lên những đoá hoa hàm tiếu đó sao? Với lý lẽ hùng hồn đầy tính chất khoa học đó, thế nào cũng thoát hiểm.

Nhưng đó cũng chỉ là cách hoá giải cái mùi lạ, còn về thời gian thì thể nào hắn cũng hỏi tại sao nói đi ba ngày lại đi đến mười ngày. Hợp chẳng lo. Có cả triệu lý do để giải thích việc này. Mấy anh công nhân, binh lính, học sinh, công chức, có anh nào đi phép về đúng thời hạn ghi trong giấy phép đâu, nhưng cũng không có ai không có lý do, người thì đau ốm, trễ tàu xe, người thì lí do này nọ. Còn Hợp, nàng sẽ nói nhà giữ lại thêm mấy ngày để ăn lễ hỏi con Tâm. Má biểu ở lại thêm mấy ngày kỵ giỗ ông nội. Để tiễn gia đình chú Thu đi Pháp. Để chờ thằng Nga đi thi... nhưng Hợp nghĩ lại, những cách nói láo đó rất xoàng, thiếu tính sáng tạo, thiếu chi tiết, thiếu cụ thể. Nói tóm lại là thiếu tính thuyết phục. Đã nói láo thì phải hay ho hơn. Nhưng đó là con dao hai lưỡi. Nếu bị bắt mà cung khai kiểu này, người ta kiểm chứng từng chi tiết, sẽ lộ ngay. Vậy tốt nhất vẫn là cách nói mơ hồ, vu vơ, ỡm ờ. Nếu hắn hỏi vì sao về trễ, cứ nói:

- Thì bao nhiêu là công chuyện.

Hắn hỏi: "Chuyện chi?", lại ỡm ờ.

- Đủ thứ chuyện lặt vặt ai mà nhớ.

Nhưng nếu hắn chưa chịu dừng, cứ hỏi tiếp: "Lặt vặt là chuyện gì?". Thì mình làm bộ gắt: " Đàn ông hỏi chuyện lặt vặt của đàn bà làm cái chi?". Nói xong mình giả bộ bực tức bỏ đi. Chắc hắn cũng chẳng dám làm khó mình nữa.

Mình đã đọc biết bao nhiêu tiểu thuyết trinh thám của những nhà văn lừng danh trên thế giới họ luôn dựa vào những chi tiết cụ thể, rõ ràng, mạch lạc để rút ra kết luận. Không ai dựa vào những lời nói, sự suy luận, phán đoán viễn vông. Vậy thì phải kiểm soát thực kỹ từng chi tiết trước khi trở về nhà. Hợp đã bỏ ra cả một buổi chiều sau cùng để lục tung túi xách quần áo. Xem túi áo, túi quần, lấy ra giũ từng cái thử có vật gì là tàng tích của cuộc đi chơi với người tình. May quá, còn một tí nữa thì chết vì hai cái vé xem phim nằm trong quần Jean. Lai quần còn dính đầy cỏ may. Về Sài Gòn thì cỏ may đâu, chỉ có nước kéo nhau vào bụi vào bờ. Hợp thấy cổ nhân nói rất đúng : "Cư an tư nguy" nghĩa là muốn an ổn phải lo nghĩ đến sự nguy nan. Nếu không có việc tái kiểm soát này đã nguy to rồi.

Lâu nay hai người đã có quy ước, không viết lách thư từ gì cho nhau, dù là một chữ. Đó là nguyên tắc. Lời nói gió bay. Lời nói là kẻ thù của ngành điều tra vì nó chẳng để lại vết tích gì. Dù có "bắt" được lời nói bằng cách ghi âm thì lời nói cũng không được coi như bằng chứng được pháp luật công nhận. Người bị kẻ khác thu thanh, khi ra toà họ phản bác, không công nhận đó là tiếng nói của mình thì cũng chẳng có cách gì chứng minh ngược lại.

Đã kỹ lưỡng đến thế nhưng phút chót Hợp vẫn lo lo, không biết còn sai sót gì không? Nàng tính chuyến trở về này mình sẽ tự giặt quần áo, không sai bảo ai cả.
Xong vật chứng rồi còn phải lo đến nhân chứng. Hợp cố nhớ lại thử chuyến phiêu lưu vừa rồi có gặp người quen nào không? Rõ ràng là không gặp ai, gặp người quen sao được trong cái thành phố xa lạ này. Mình chỉ là hạt cát giữa bãi sa mạc. Nhưng ở đời chẳng thiếu sự ngẫu nhiên. Bao nhiêu cuộc toan tính, bao nhiêu mưu đồ đại sự, do những bộ óc siêu việt vẫn cứ bị đổ bể vào phút chót chỉ bằng những cái cớ rất nhỏ, gọi là "sự ngẫu nhiên chết người!". Ngẫm nghĩ lại. Hợp thấy sợ hai hạng người này nhất. Hạng thứ nhất gồm những người họ biết mình mà mình chẳng biết họ. Đã có khi Hợp gặp một người, kẻ đó hỏi han niềm nở, tỏ ra biết Hợp với gia đình nàng rất rõ, thế nhưng Hợp nghĩ ngợi nát óc vẫn không nhớ họ là ai, quen nàng trong trường hợp nào ? Còn hạng người thứ hai cũng thật nguy hiểm, đó là những người trông thấy mình mà mình không thấy người. Về trường hợp nhân chứng Hợp đã có đối sách: Nếu có kẻ nào đó nói lại với hắn đã gặp Hợp đi chơi với một người đàn ông xa lạ khác thì nàng sẽ chối, chối tận cùng. Trước tiên làm bộ kinh ngạc, hỏi:

- Sao?

Hắn sẽ lặp lại câu hỏi: "Có người nói...". Hợp quyết liệt:

- Tầm bậy!

Hắn lại nói: "Người ta nhìn thấy...". Hợp làm như tìm ra chân lý:

- À, người giống người ấy mà, họ lầm cũng phải.

*

Suy nghĩ vẫn vơ đủ thứ chuyện, con đường về nhà như ngắn lại. Lúc xách va-li vào nhà nàng nghĩ, thôi tới đâu hay tới đó. Tính toán mãi thêm mệt óc. Rồi trong một phút bốc đồng Hợp lại thách thức, không cần theo đúng kịch bản nào, cứ "hát cương".

Hợp bước chân vào nhà thấy mặt chồng rất bình thản, hiền lành, quen thuộc như mọi khi, nàng rất yên tâm, tự nhủ: Ôi thế mà cứ nghĩ ngợi lung tung. Hãy xem " nghệ sĩ nhân dân " Ngọc Hợp biểu diễn đây! Trước tiên nàng tỏ vẻ mệt nhọc sau một chuyến đi dài vất vả. Tất cả nàng đổ tội cho... Nhà nước.

- Có mấy trăm cây số đi cả ngày mới tới. Xe cộ chậm như rùa. Tiền của đổ vào đâu chẳng chịu sửa chữa mấy con đường. Giao thông là huyết mạch mà chẳng chịu lo...

Hợp liếc mắt, thấy hắn ta loay hoay tìm kiếm cái. À thì ra hắn nghe mình than mệt, làm nước cam cho mình giải khát. Hợp nói:

- Đường xá xấu, xe cộ lại hư hỏng đủ thứ...

Rồi đột nhiên nàng cao hứng hư cấu, sáng tác ra câu chuyện trở về nhà thăm gia đình rất sinh động và rất nhiều chi tiết: "Lúc đầu mình tính chỉ ở lại vài ngày, không ngờ cả mười ngày sau mới về được, nhớ nhà muốn chết!". Anh ta không nói gì cả. Hợp nói tiếp: "Trong nhà vui vẻ lắm. Ngày đầu chẳng việc gì, ngày sau má đổ bệnh. Em tưởng bệnh xoàng, sai con thu ra Phắc-ma-xi mua thuốc. Ngày sau trở nặng phải nhập viện. Người ta theo dõi hai ba ngày chưa biết nguyên nhân. Hôm nay mới khá khá nhưng cũng chưa xuất viện về nhà được...". Hợp cũng chẳng nghe anh ta nói năng gì. Nàng tiếp: "Muốn bỏ về sớm nhưng không được, bà già trách chết. Sau đi liều, đi xa mới thấy không nơi nào bằng nhà mình...". Hợp còn ngồi nơi ghế sa-lông, chưa chịu xách hành lí vào phòng. Ý nàng còn muốn huyên thuyên diễn xuất thêm một lúc nữa một lúc nữa. Hắn làm xong hai cốc nước cam, mang đến đặt trước mặt nàng một cốc nước cam. Còn cốc nữa hắn đặt phía đối diện rồi bỏ đi. Hợp kêu lại:

- Ngồi xuống đây uống chớ, bỏ đi đâu? Tôi còn phải hỏi công việc nhà, có làm đúng những lời tôi dặn trước khi đi hay không?

Hắn ta vẫn bước ra nhà sau. Hợp kêu giật lại:

- Không nghe người ta nói sao lại bỏ đi?

Hắn quay lại:

- Chờ một tí để anh mời má em ra uống nước, rồi muốn nói gì thì nói.

!!!