Chim Việt Cành Nam        [ Trở Về  ]            [ Trang chủ ]          [ Tác giả ]         [ PDF ]
Độc Cô Mục
獨 孤 穆

Tác Gỉa   : Trần Hàn
Nguyên Tác : Dị Văn Tập
Bản Dịch của : Phạm Xuân Hy

Khoảng niên hiệu Trinh Nguyên nhà Đường, Độc Cô Mục người Hà Nam, sống xa nhà ở  Hoài Nam.Một tối, Mục đến Đại Nghi Huyện để tìm chỗ nghỉ đêm, đi chừng hơn mười dặm, thì gặp một người con gái áo xanh, cưỡi ngựa đi tới.Nhan sắc trông cũng khá mặn mà xinh đẹp.
Mục bèn kín đáo buông lời lơi lả.
Người con gái áo xanh cũng trả lời một cách khôn khéo, lễ độ.Rồi cả hai cùng đi.Được một lát, thì có một cỗ xe từ hướng bắc chạy đến, đón người con gái áo xanh lên.
Mục vội vã bảo :
-Vừa mới được sơ ngộ, những tưởng cùng nhau chung đường bầu bạn, sao lại bỏ nhau đi ngay vậy ?
Người con gái gái áo xanh đáp :
-Nghĩ mà xấu hổ, thật ra, phận thiếp nào dám mong được chung đường với ai.Hơn nữa, nương tử còn ít tuổi, sống độc cư một mình, tính tình đoan trang nghiêm chỉnh, nên cũng  khó nhận lời công tử lắm !
Nhân thế, Mục mới hỏi tính danh, cùng họ hàng thân thích của nương tử là ai.
Người con gái áo xanh chỉ cho Mục biết là nương tử là người họ Dương, con thứ sáu trong gia đình.
Ngòai ra, không cho chàng biết gì thêm.
Một lúc sau, không biết đi thêm được mấy dặm nữa,  thình lình đến một nơi, có một tòa nhà to lớn, cửa nẻo trông rất uy nghi, trang trọng.
Người con gái áo xanh, xuống ngựa đi vào trong ngôi nhà đó.Mãi một lúc sau mới đi ra, mời Mục vào, và bảo với Mục :
-Từ mấy năm nay nương tử đóng cửa tạ khách, nay biết có quý nhân đến thăm, không đành cự tuyệt.Xin công tử đừng chê là chỗ thô lậu nhá.
Sau đó, đi đốt đuốc, kê giường, sửa sọan gối chăn thật là chu đáo.Một lúc lâu, lại đi ra, bảo với Mục :
-Chẳng hay công tử có phải là hậu duệ của Xa Kỵ Tướng Quân Độc Cô Thịnh  đời nhà Tùy đó không ?
Mục nghe hỏi, bèn đem thân thế tự thuật cho người con gái áo xanh biết, chàng  chính là cháu đời thứ tám của Xa Kỵ Tướng Quân Độc Cô Thịnh.
Người con gái áo xanh, nói :
-Nếu quả vậy, thì nương tử với công tử là chỗ cố giao rồi !
Mục hỏi nguyên do nguồn gốc.
Đáp :
-Thiếp là tỳ nữ của nương tử, nên không rõ được ngọn nguồn, chút nữa nương tử sẽ đích thân nói cho công tử biết.
Một lát sau, cơm nước được dọn ra.Mục thấy sơn trân hải vị bầy  la liệt, không thiếu thứ gì.
Ăn cơm xong, Mục thấy mấy chục tì nữ đi trước dẫn đường, miệng hô :
-Huyện chúa đến nơi !
Mục thấy một nữ lang, tuổi khỏang mười ba mười bốn, nhan sắc có thể nói là "tuyệt đại giai nhân 絕代佳人"
Sau khi vái chào Mục, nữ lang ngồi vào ghế, rồi bảo với Mục :
-Nhà cửa ở nơi sơn dã, cô liêu tịch mịch, hơn nữa, thiếp tạ từ tân khách đã lâu, chằng ngờ hôm nay đựợc công tử hạ cố tới thăm, thật là ơn lớn.Vả, công tử với thiếp là chỗ cựu giao, đâu dám để bọn tì nữ  nói với công tử, xin công tử miễn thứ, đừng chê cười nhá !
Mục đáp :
-Kẻ tha hương lữ thứ, được cho ăn nhờ ngủ đậu như thế này đã là một ân huệ lớn lao rồi, nào dám nghĩ đến điều được tương kiến, lại còn cho biết là chỗ cố giao.Mục tôi bình sinh chưa từng xa rời kinh thành, nên thân bằng cố cựu ở vùng Giang Hoài này, phần lớn không biết, xin Huyện chúa chỉ bảo tường tận.
Hyện chúa nói :
-Thiếp cũng muốn dãi bầy hết cho công tử rõ, nhưng lại e làm công tử sợ hãi.Thiếp rời nhân thế đã hai trăm năm nay rồi, thì công tử làm sao thể biết được !
Lúc mới đầu, khi nghe nói nàng họ Dương, lại tự xưng là Huyện chúa, Mục trong bụng đã có ý  nghi ngờ, nay nghe nàng nói như vậy, mới biết nàng là ma, nhưng Mục chẳng lấy gì làm sợ.
Huyện chúa nói :
-Nhân vì công tử là hậu duệ của Độc Cô Tướng Quân ngày xưa, nhiều đời tiếng tăm trung liệt, bởi vậy, thiếp mới có điều muốn phó thác cho công tử, xin công tử chớ vì chỗ u, minh khác biệt mà nghi ngại.
Mục đáp :
-Tổ tiên của thần là tướng quân nhà Tùy, nhờ danh thanh được Huyện chúa biết đến, mà đem lòng gửi gấm, đó là niềm vui trong đời của thần, đâu có điều gì nghi ngại nữa ?
Huyện chúa nói :
-Thiếp những tưởng đem hết tâm sự dãi bầy cho công tử biết, nào ngờ lại gây ra mối bi cảm.
Cha thiếp là Tề Vương, con thứ hai của Hòang Đế nhà Tùy.Khi nhà Tùy bị đổ, thì cha thiếp ngộ hại.Đại thần, và các khanh tướng cũ, tất cả đều bỏ theo kẻ làm lọan.Duy chỉ  tiên tướng quân của công tử, chống lại nghịch đảng.Thiếp lúc đó còn thơ ấu, thường hay ở bên cạnh phụ thân, nên biết rõ ngọn ngành.Kịp đến lúc lọan binh tiến nhập vào cung, có kẻ muốn  cưỡng bức, làm ô nục thiếp, bị thiếp mắng chửi, nên thiếp bị chúng giết.
Nói xong, không cầm được nỗi bi thương.
Mục nhân thế, mới hỏi đến những nhân vật và những việc xẩy ra cuối niên hiệu Đại Nghiệp nhà Tùy, thì được biết phần lớn cũng giống như trong sách Tùy sử vậy.
Lát sau, huyện chúa sai bầy tiệc rượu để cùng Mục đối ẩm.Nói năng thường nghẹn ngào, sót sa.
Rồi làm một bài thơ tặng cho Mục.
Thơ rằng :
 江都昔丧乱,
阙下多构兵。
豺虎恣吞噬,
戈干日纵横。
逆徒自外至,
半夜开重城。
膏血浸宫殿,
刀枪倚檐楹。
今知从逆者,
乃是公与卿。
白刃污黄屋,
邦家遂因倾。
疾风知劲草,
世乱识忠臣。
哀哀独孤公,
临死乃结缨。
天地既板荡,
云雷时未亨。
今者二百载,
幽怀犹未平,
山河风月古,
陵寝露烟青。
君子乘祖德,
方垂忠烈名。
华轩 一会顾,
土室以为荣。
丈夫立志操,
存没感其情。
求义若可托,
谁能抱幽贞。

Giang đô tích tang loạn , 
Khuyết hạ đa cấu binh 。 
Sài hổ tứ thôn phệ , 
Qua can nhật tung hoành 。 
Nghịch đồ tự ngoại chí , 
Bán dạ khai trùng thành 。 
Cao huyết tẩm cung điện , 
Đao thương ỷ diêm doanh 。 
Kim tri tòng nghịch giả , 
Nãi thị công dữ khanh 。 
Bạch nhận ô hoàng ốc , 
Bang gia toại nhân khuynh 。 
Tật phong tri kính thảo , 
Thế loạn thức trung thần 。 
Ai ai độc cô công , 
Lâm tử nãi kết anh 。 
Thiên địa kí bản đãng , 
Vân lôi thời vị hanh 。 
Kim giả nhị bách tải , 
U hoài do vị bình , 
San hà phong nguyệt cổ , 
Lăng tẩm lộ yên thanh 。 
Quân tử thừa tổ đức , 
Phương thùy trung liệt danh 。 
Hoa hiên nhất hội cố , 
Thổ thất dĩ vi vinh 。 
Trượng phu lập chí thao , 
Tồn một cảm kì tình 。 
Cầu nghĩa nhược khả thác , 
Thùy năng bão u trinh 。

Mục đọc xong bài thơ, lòng không ngớt ta thán thở dài, cho rằng tài năng của Huyện chúa dù Ban Tiệp Dư cũng không hơn được.Nhân thế, mới lại hỏi đến những sáng tác trong cuộc đời của nàng, thì huyện chúa đáp :
-Thiếp vốn bất tài,nhưng tính thích văn thơ cổ, nên thấy chị em Tạ Đạo Uẩn, và Bào Chiếu đều giỏi sáng tác văn chương, nên đem lòng ngưỡng mộ.Hòang Đế cũng là người yêu thích văn học, thường thường có lệnh sai bảo.Lúc bấy giờ, danh tiếng của Tiết Đạo Hành đồn vang thiên hạ, nhưng mỗi lần thiếp đọc văn của bà ta, thì lòng lại coi khinh.Ngày trước, tình cảm  ở trong lòng đem ra phô bầy, nhưng chỉ là thấy sao nói vậy mà thôi, đâu đáng để công tử khen ngợi.
Mục nói :
-Tài năng của huyện chúa là do trời ban tặng, đó là tài của nhóm Kiến An Thất Tử, Tiết Đạo Hành đâu có sánh kịp.
Rồi Mục cũng làm một bài thơ đáp tặng.
Thơ rằng :
皇天昔降祸,
隋室若缀旒。
患难在双阙,
干戈连九州。
出门皆凶竖,
所向多逆谋。
白日忽然暮,
颓波不可收。
望夷既结衅,
宗社亦贻羞。
温室兵始合,
宫闱血已流。
悯哉吹萧子,
悲啼下凤楼。
霜刃徒见逼,
玉笄不可求。
罗襦遗侍者,
粉黛成仇仇。
邦国已沦覆,
余生誓不留。
英英将军祖,
独以社禝忧。
丹血溅黼扆,
丰肌染戈矛。
今来见禾黍,
尽日悲宗周。
王树已寂寞,
泉台千万秋。
感兹一顾重,
愿以死节酬。
幽显傥不 昧,
中焉契绸缪。”

Hoàng thiên tích hàng họa , 
Tùy thất nhược chuế lưu 。 
Hoạn nạn tại song khuyết , 
Can qua liên cửu châu 。 
Xuất môn giai hung thụ , 
Sở hướng đa nghịch mưu 。 
Bạch nhật hốt nhiên mộ , 
Đồi ba bất khả thu 。 
Vọng di kí kết hấn , 
Tông xã diệc di tu 。 
Ôn thất binh thủy hợp , 
Cung vi huyết dĩ lưu 。 
Mẫn tai xuy tiêu tử , 
Bi đề hạ phượng lâu 。 
Sương nhận đồ kiến bức , 
Ngọc kê bất khả cầu 。 
La nhu di thị giả , 
Phấn đại thành cừu cừu 。 
Bang quốc dĩ luân phúc , 
Dư sanh thệ bất lưu 。 
Anh anh tướng quân tổ , 
Độc dĩ xã tắc ưu 。 
Đan huyết tiên phủ ỷ , 
Phong cơ nhiễm qua mâu 。 
Kim lai kiến hòa thử , 
Tận nhật bi tông chu 。 
Vương thụ dĩ tịch mịch , 
Tuyền đài thiên vạn thu 。 
Cảm tư nhất cố trùng , 
Nguyện dĩ tử tiết thù 。 
U hiển thảng bất muội , 
Trung yên khế trù mâu 。

Huyện chúa ngâm nga mấy lần liền tiếp.Gịong bồi hồi sót sa, không cầm nổi trong lòng.
Một lúc sau, có một đám thị nữ cầm nhạc cụ từ trong nhà đi ra. Một đứa tiến lên trước thưa với Huyện chúa :
-Nhắc lại chuyện năm xưa, e sẽ chỉ làm cho đau lòng, vả lại, Độc công tử mới đến, lẽ nào lại cả đêm ngồi nhìn nhau mà khóc hay sao ? Thiếp xin làm sứ giả vời người trong nhà ra bầu bạn cho vui.
Huyện chúa ưng thuận.Sau đó nói với Mục :
-Đây là Lai Hộ Nhi là ca nhi của Hữu Kiêu Vệ Đại Tướng Quân  ngày xưa đấy. Lúc đó đều ngộ hại chung với thiếp cả.Nay cư ngụ cũng ở gần đây thôi.
Khỏanh khắc, thì  cả bọn tới.Trông cô nào cũng xinh đẹp diễm lệ, nói cười vui vẻ, lưu lóat.Sau đó đàn hát, ăn uống rất là hả hê.
Người con gái ca nhi họ Lai ca mấy bài, song Mục chỉ ghi nhớ được có bài :
平陽縣中樹
久做廣陵塵
不意阿郎至
黃泉重見春

Bình  Dương huyện trung thụ 
Cửu tố quảng lăng trần 
Bất ý a  lang chí 
Hoàng tuyền trùng kiến xuân

Một lúc lâu sau, người con gái họ Lai mới lại nói :
-Thiếp với Huyện chúa cư ngụ tại nơi đây cũng hơn hai trăm năm rồi, nào ngờ, hôm nay lại thình lình được gặp ngày hôn lễ tốt đẹp.
Huyện chúa nói :
-Công tử đây vốn là người trong gia đình trung liệt Độc Cô Tướng Quân, nên thiếp mới nguyện ý gặp gỡ, để thổ lộ cho vơi nỗi niềm bi hận tích tụ trong lòng, chứ đâu dám đem tấm thân bụi trần làm ô uế công tử.
Nhân thế, Mục mới ngâm lại câu cuối trong bài thơ của Huyện chúa.
Huyện chúa cũng mủm mỉm cuời, nói :
-Chí nhớ của công tử thật là bên bỉ !
Mục lại ngâm tiếp một bài khác.Huyện chúa cũng ngâm một bài nữa đáp lễ.
Người con gái họ  họ Lai bèn nói :
-Ngày trước Tiêu Hòang Hậu có ý muốn đem Huyện chúa gả cho con người anh của Hòang Hậu, chẳng ngờ xẩy ra cuộc chính biến phản lọan ở Giang Đô, nên đám cưới không thành.Độc Cô là một thế gia vọng tộc, trung liệt anh hùng, hôm nay tương ngộ, thật là đẹp đôi hợp lứa.
Mục lại hỏi đến đất phong của Huyện Chúa ở đâu.
Huyện chúa đáp :
-Thiếp nhân sinh vào năm Nhân Thọ tứ niên ở kinh sư, khi ấy hòang đế đến cung Nhân Thọ, nên mới đặt tên cho thiếp là Thọ Nhi.Năm sau thì Thái Tử tức vị, phong cho thiếp Huyện chúa Thanh Hà, đến khi nhà vua đến cung Giang Đô thì lại cải phong cho thiếp làm Huyện chúa Lâm Truy.Thiếp do được Hòang Hậu yêu quý đặc biệt, nên thường ở trong nội cung.
Bấy giờ người con gái họ Lai, thưa :
-Đêm đã khuya lắm rồi, xin công tử hòan thành hôn lễ, thiếp đợi hầu ở Đông Các chờ sáng ,sớm mai xin lại đến chúc mừng.
Thế là đám tỳ nữ đều hò reo, bông lơn ,cười đùa náo nhiệt như chốn dương gian vậy.
Lúc Mục tiến vào trong ngọa thất, chàng cảm thấy Huyện chúa có vẻ mơ hồ, như có như không, thân thể  giá băng, lạnh lẽo.
Lát sau, Huyện chúa khóc, bảo với Mục :
-Người chết rồi, lâu ngày sẽ trở thành tro bụi.Thiếp may mắn được hầu hạ chiếu chăn với công tử, nên chết mà không hủ nát.
Rồi lại gọi ca nữ Lai thị đến, cùng nhau yến ẩm như lúc đầu.Nhân thế lại hỏi Mục :
-Công tử đi Giang Đô, thì ngày nào lại trở lại ?Thiếp xin phó thác một việc, liệu có được không ?
Mục đáp :
-Chết, thần còn chẳng ngại, huống chi việc gì khác !
Huyện chúa noi :
-Hòang đế đã cải táng đi chỗ khác rồi.Nơi đây chỉ còn lại có mình thiếp độc cư, ngày nay lại bị ác vương ở mộ bên  quấy nhiễu, muốn ép thiếp làm bé, thiếp là người thuộc gia tộc đế vương, quyết không chịu để cho ác quỷ hối nhục.Thiếp vốn mong được gặp công tử, chính là việc này đây.Công tử sắp đi Giang Nam, trên đường sẽ qua mộ của tên ác vương này, nhân vì việc của thiếp, tất thế nào cũng bị y bức khốn.Bùa của đạo sĩ Vương Thiện Giao vẽ bán ở khu chợ Dương Châu, có thể chế ngự được quỷ thần.Nếu như công tử xin được bùa của ông ấy, tất sẽ tránh được tai họa.
Ngừng lại một lúc, lại tiếp :
-Thiếp cư ngụ chốn này lòng không yên ổn.Ngày công tử trở về Giang Nam, xin mang thiếp  đi về táng ở Bắc Bản Lạc Dương, cho được gần gũi với công tử, và được nương nhờ mãi mãi.Đó là ơn huệ lớn cho thiếp.
Mục đều đồng ý nhận lời cả, nói :
-Việc cải táng Huyện chúa thì Mục này sẽ lo.
Rồi cùng nhau đối ẩm, cho đến lúc thật say, Huyện chúa mới dựa người vào Mục ngâm ngợi ca hát.Ca xong, thì lệ ngọc lã chã hai hàng, ướt đẵm cả khăn hồng.
Ca nhi họ Lai thấy thế, cũng sụt sùi rơi lệ, bảo với Mục :
-Xin công tử  chớ quên mối cảm tình thâm sâu của Huyện chúa đấy !
Mục bèn làm thêm một thơ tặng nàng.
Huyện chúa vừa khóc vừa tạ ơn, nói :
-Cám ơn công tử đã tặng thơ, thiếp xin mãi mãi ghi sâu mối duyên tình hữu hảo này.
Chốc lát, trời đã hửng sáng.
Mục và Huyện chúa cùng nhìn nhau mà  khóc, rồi từ giã tất cả những người có mặt trong bàn tiệc.
Khi Mục ra ngòai cửa, quay đầu nhìn lại, thì những gì chàng đã gặp đều biến đâu mất.Chỉ thấy một vùng đất trống không, bát ngát bằng phẳng.Ngôi mộ của Huyện chúa cũng chẳng còn một dấu tích nào.
Mục cảm thấy tâm thần hốt hỏang, một lúc lâu sau mới trấn tĩnh lại được, bèn đánh một cây liễu đến trồng tại đó để ghi nhớ.
Bọn gia nhân của Mục cũng nóng lòng,vội vã đi tìm chàng.
Mấy ngày sau, Mục đến vùng chợ Hòai Nam.Quả nhiên, gặp được đạo sĩ Vương Thiện Giao ở đấy, và mua được một lá bùa của ông ta.
Lúc Mục đi qua ngôi mộ của Ác Vương, thì bị một cơn lốc lớn thổi thốc vào mặt ba bốn lần.Chàng rút lá bùa của đạo sĩ ra thị oai, cơn lốc mới ngưng lại.
Trước đó, Mục vốn là người không tin chuyện quỷ thần, nay thấy lời Huyện chúa nói, không điều gì là không ứng nghiệm, mới kín đáo đem chuyện kể cho những người thân nghe.
Lúc đó, vào tháng giêng, Mục từ Hòai Nam trở lại, đến nơi đó, cho đào sâu mấy thước  đất lên, thì tìm được một bộ hài cốt, bèn lấy áo quần, vải vóc liệm lại.Nhưng lại cho rằng lúc Huyện chúa bị chết vội vã, chôn cất  sơ sài, không được chu tất, nên khi về đến Lạc Dương, Mục bèn sửa sọan tang lễ cho thật long trọng, đích thân viết một bài điếu văn để tế nàng, và đem táng ở ngòai cửa An Thiện Môn.
Đêm hôm đó, Mục nằm ngủ một mình trong một ngôi nhà khác ở thôn ngòai, chợt thấy Huyện chúa đến, bảo với chàng :
-Ân đức cải táng hài cốt, thiên cổ thiếp không quên.Thiếp ở chốn âm gian, đã lâu không hề được hưởng ân đức như thế nầy.May sao, công tử không quên tình nghĩa cũ, giúp cho thiếp có chỗ cư trú an tòan vĩnh viễn.Lúc đi đường, thiếp khhông dám ra gặp công tử, là e công tử thấy tấm thân  đã xấu xa của thiếp.
Mục nhìn những xe ngựa, nghi trượng, kẻ hầu người hạ đi theo Huyện chúa, tất cả đều hoa mỹ .
Nàng chỉ vào đó và bảo với Mục :
-Tất cả đây là do công tử ban cho cả.Xin đợi đến năm Kỷ Mão sẽ gặp lại nhau .
Và đêm hôm đó Huyện chúa ngủ lại với Mục.Đến sáng thức dậy thì từ biệt ra đi.
Sau khi Mục đã trải qua mấy ngàn dậm cải táng cho Huyện chúa trở về.Chàng đem mọi việc kinh qua kể cho thân thuộc bằng hữu biết. Đến năm Trinh Nguyên thập ngũ niên, chính là năm Kỷ Mão, một buổi sáng thức dậy, Mục c ra nhà ngòai, thình lình thấy có mấy chiếc xe ngựa đi tới.
Có người trong đám bảo với chàng :
-Công tử có thư của Huyện chúa !
Chàng lẩm bẩm nói một mình :
-Ngày hẹn đã đến rồi đây !
Tối hôm đó, Mục bị bạo bệnh qua đời .
Và được hợp táng chung mộ với Huyện chúa.
(Paris dịch xong lúc 22 G 25 – ngày 20-7- 2010 Phạm Xuân Hy)
_________________________________
Chú Thích của Phạm Xuân Hy
Trần Hàn
陳翰
Truyện « Độc Cô Mục » được trích trong tác phẩm « Dị Văn Tập » của Trần Hàn.
Trần Hàn sự tích bất tường.Theo sách « Đường Thư-Nghệ Văn Chí », thì Trần Hàn là người cuối đờ Đường, từng giữ chức Đồn Điền Viên Ngọai Lang, và sông trong khỏang niên hiệu Hàm Thông (860-874) đời vua Đường Ý Tông Lý , và Càn Phù (874-879) đời vua Đường Hy Tông Lý Huyên.
 

Thanh Y
青衣
Y phục mầu xanh, hoặc mầu đen gọi là thanh y.Từ sau vương triều nhà Hán, phần lớn nhưng người có địa vị ty tiện, thấp kém thường mặc mầu xanh.
-Tỳ nữ,  Thị nữ , Cung nữ, nhạc công cũng gọi là thanh y.

Tùy Triều
隋朝
Năm 581 CN, Dương Kiên diệt nhà Bắc Chu xưng hoàng đế, tức Tùy Văn Đế, lấy quốc hiệu là Tùy.Đếnnăm 583CN, Tùy Văn Đế kiến đô ở Đại Hưng (nay thuộc Tây An tỉnh Thiểm Tây).Đến năm 587 diệt nhà Hậu Lương,và  năm 589 CN,nhà Tùy diệt nhà nhà  Trần  chấm dứt cục diện Nam Bắc Triều, thống nhất tòan quốc.Trong thòigian tại vị, Tùy Văn Đế kế tục thực hành Quân điền chế, để mở rộng diện tích khai khẩn, biên lại hộ tịch để bảo đảm việc thu nhập.Về phương diện chính trị thiết lập tam tỉnh là Nội Sử,Môn Hạ, Thượng Thư để tăng cường trung ương tập quyền.
Năm 604, thái tử Dương Qủang giết chết cha để lên kế vi, tức Tùy Dạng Đế.Trong thời gian từ 605 CN đến 611 CN, Tùy Dạng Đế hòan thành Đại Vận Hà, cấu thông bốn con sông lớn của trung Quốc là Hải Hà,Hòang Hà, Hòai Hà, và Trường Giang.
Nhưng vì lao dịch và chiến tranh liên niên đói khổ, khiến cho khắp nơi xẩy ra những cuộc nổi lọan, năm 618 CN, tùy Dạng Đế bị cuộc chính biến ở Giang Đô ( nay thuộc Dương Châu tỉnh Giang Tô) lật đổ và bị giết.
Nhà Tùy bị diệt vong, trải qua hai đời vua, cộng 38 năm

Đại Nghiêp.
大業
Đại Nghiệp là niên hiệu của vua Tùy Dạng Đế từ năm 605 CN đến năm 618 CN.Trong truyện,tác giả ghi là cuối niên hiệu Đại Nghiệp,tức năm 618 CN ;

Huyện Chúa.
縣主
Huyện Chúa là phong hiệu của những con gái thuộc hòang tộc.Đến thời Đông Hán, con gái vua đều được phong là Phong Huyện  Công Chúa .Dưới các triều Tùy, và Đường con gái chư vương phong là Huyện Chúa.Đến đời Tống, con gái các bậc công thần cũng gọi là Huyện Chúa.Đời Thanh, con các quận vương gọi là Đa La Cách Cách, dịch ra hán ngữ là Huyện Chúa.
Ngòai ra, Huyện Lệnh cũng còn gọi là Huyện Chủ 縣主, tức Huyện Chúa

Độc Cô Thịnh
獨孤 盛
Độc Cô là một thuộc họ phúc tính.Thời Nam Bắc Triều, họ Độc Cô là một đại quý tộc Tiên Ty, như Độc Cô Tín từng giũ chức Đại Tư Mã nhà Hậu Ngụy, và con gái của Độc Cô Tín từng là hoang hậu của Tuỳ Văn Đế Dương Kiên, đẻ ra Tùy Dạng Đế Dương Quảng.Một người con gái khác của Độc Cô Tín là hòang Hậu của Chu Minh Đế.Các đại quý tộc Tiên Ty lúc bấy giờ có nhiều, nhưng không ai có thể so sánh được với họ Độc Cô.
Trong cuộc nổi lọan của Tư Mã Đức Kham, Vu Văn Hóa Cập ở Giang Đô cuối thời nhà Tùy, Độc Cô Thịnh, giữ chức Xa Kỵ Tướng Quân, đem hơn mười người quân sĩ ở Thành Tựong Điện chông trả với Vu Văn Hóa Cập và bị Vu Văn Hóa Cập giết chết cùng với Tùy Dạng Đế.

Nương Tử
娘子
-Nương tử  là từ chỉ chung  thiếu nữ, đàn bà phụ nữ.
Ngoài ra nữ lang còn chỉ nữ chủ nhân, có khi người chồng cũng gọi vợ là nưong tử. Cung nữ cũng gọi là  nương tử.

Tề Vương
齊王
Tề Vương tức Dương Gỉan, con thứ hai của vua Tùy Dạng Đế, và cha của Huyện Chúa.Khi xẩy ra cuộc chính biến« Giang Đô»,Tề Vương Dương Gỉan bị Tùy Dạng Đế nghi ngờ la người chỉ huy cuộc chínhbiến này,nhưng  cuộc chính biến này là do phe đảng của Tư Mã Đức Kham phát động .Dương Gỉan bi Vu Văn Hóa Cập cho người lùng bắt , và sau đó bị giết như trong truyện tường thuật.

Tạ Đạo Uẩn
謝 道 韞
Tạ Đạo Uẩn là nữ thi nhân thời Đông Tấn, người Dương Hạ Trần Quận (nay thuộc Thái Khang tỉnh Hà Nam), sinh tốt bất tường, là con gái của Tạ Dịch và vợ của Vương Ngưng Chi, là con thứ hai cura Vương Hy Chi.
Ngay từ lú còn bé, Tạ Đạo Uẩn đã tỏ ra thong minh, mẫn tiệp, bác học và có tài biện bác, giỏi tho văn.
Một hôm, trời tuyết lớn, người chú là Tạ An mới hỏi :
-Tuyết rơi tơi tả giống như cái gì. 
Tạ Đạo Uẩn bèn thưa :
-Giống như lá liễu bị gió thổi bay lên.
Câu trả lời của Tạ Đạo Uẩn rất được Tạ An khen ngợi.;
Người em của Vương Ngưng Chi là Vương Hiến Chi, thường cùng bằng tân khách thanh đàm; có khi bị duối lý không giải đáp được, đôi khi được Tạ Đạo Uẩn "giải vây" cho. Trong những tân khách không ai có thể thắng nổi Tạ Đạo Uẩn.
Năm 399, Vương Ngưng Chi làm Nội Sử Cối Kê, bị giết trong cuộc nổi lọac của Tôn Ân.Tạ Đạo Uẩn từng sách gươm xuât tì nữ chống lại, bị bắt, nhưng không chịu khuất phục. Sau được thả, sông quả cư ở Cối Kê; được sách "Thế thuyết tân ngữ" khen ngợi là người "thần tình tán lãng 神 情 散 朗", "Lâm hạ phong khí 林 下 風 致".
Sáng tác của Tạ Đạo Uẩn gồm có thi, phú, góp lại thành "Tạ Đạo Uẩn Tập" gồm hai quyển, nhưng nay đã thất truyền, nay còn mấy bài như "Đăng Sơn", "Nghĩ Kê Trung Tán Vịnh Tòng", mô tả du lịch sơn thủy, lời lẽ thanh thóat uyển chuyển, tự nhiên.

Bào Chiếu
鮑 照
Bào Chiếu (ước 414-466) là thi nhân kiệt xuất trong văn học sử Trung Quốc, người thời Nam Triều nhà Tống,  xuất thân hàn vi, lúc còn bé thông minh mẫn tiệp, đên khi lớn, tài năng hiển lộ, từng dâng thư lên Lâm Xuyên Vương Lưu Nghĩa Khánh, được Lưu Nghĩa Khánh mến tài kính trọng, đề bạt làm Quốc Tự Lang.
Đến khi Lưu Nghĩa Khánh mất, Bào Chiếu lại được Thủy Hưng Vương Lưu Tuấn  tiến cử, được bổ nhiệm Thị Lang.
Khi Tóng Hiếu Võ Đế Lưu Dụ tức vị, Bào Chiếu được bổ ra làm  huyện lệnh Hải Ngu, rồi làm Thái Học Bac Sĩ, kiêm Trung Thư Xá Nhân.
Được ít lâu, lại ra làm huyện lệnh Mạt Lăng , rồi đổi làm huyện kệnh Vĩnh Hạ.
Lâm Hải Vương Lưu Tử Húc trấn thủ Kinh Châu, Bào Chiếu được bổ nhiệm làm Tiền Quân Tham Quân, vì thế người đời thường gọi là Bào Tham Quân.
Năm 465, Tấn An Vương cử binh làm phản, , Lưu Tử Húc cử binh hưởng ứng, năm sau  cuộc nổi dậy của Tấn An Vương bị  bại.
Cũng nhân cuộc lọan lạc khởi binh này, Tống Cảnh, người Kinh Châu cũng nổi đậy đánh cướp thành trì, Bào Chiếu bị lọan quân của Tống Cảnh  giết.
Trong lúc lọan lạc, những bản thảo thi văn do Bào Chiếu sáng tác đều bị thất tán quá nửa.
Bào Chiếu làm rất nhiều thơ văn.Các thi, phú, biền văn của Bào Chiếu rất được người đời tán tụng thưởng thức.Về văn hiện còn hơn ba chục bài.Thơ hơn hai trăm bài, trong đó có 80 bài thuộc nhạc phủ thi, bài “Nghĩ hành lộ nan thập bát thủ” được coi là tác phẩm đại biểu được người đời sau truyền tụng nhiều..
Bào Chiếu là một người tài hoa, lòng ôn chí lớn, bị giai cấp sĩ tộc chèn ép, nên một đời bất đắc chí.
Vì thế, nội dung chính trong thi ca của Bào Chiếu thường phản ánh nỗi phẫn hận và sự phản kháng đối vời giai cấp môn phiệt sĩ tộc.
Ngoài ra, Bào Chiếu còn có những sáng tác mô tả về đời  sông của nhung tốt ngòai biên ải, phản ảnh tinh thần chiến đấu anh dũng chông xâm lược.Hoặc là những bài thơ tán tụng cái đẹp của ngày xuân và tình ái tự do.
Bào Chiếu sở trường về nhạc phủ, đặc biệt là thể thất ngôn.Nội dung phong phú, tình cảm mãnh liệt thâm khắc, tiết điệu lên xuống trầm bổng, mang nhiều sắc thái lãng mạng.
Về phong cách và hình thức, thơ của Bào Chiếu có một ảnh hưởng lớn đối với các thi nhân đời đời sau như Lý Bạch, Sầm Than.
Bài “Khương Thành Phú” là một bài tiểu phú trữ tình nổi tiếng đương thời, mô tả cảnh phồn hoa ngày trước, và cảnh hoang lương tan nát sau chiển tranh ở Qủang Lăng.
Cùng với Tạ Linh Vận, Nhan Đình Chi? Bào Chiếu được  xưng tụng là “Nguyên Gia Tam Đại Gia” thời nhà Tống đời Nma Triều..Tuy nhiên, thành tựu về thi văn của Bào Chiếu hơn hản họ Tạ và họ Nhan.
Về trứ tác,  trong “Tùy Thư –Kinh Tịch Chí” ghi là 4 quyển, nhưng đều đã thất lạc.

Trinh Nguyên
貞元
Trinh nguyên là niênhiệu của vua Đường Đức Tông Lý Thích, từ năm 785 CN đến năm 805 CN.

Xa Kỵ Tướng Quân
車騎相軍
-Dưới thời nhà Tây Hán, vua Hán Văn Đế bắt đầu đặt ra  chức Xa Kỵ này, dùng để làm danh hiệu của các  tướng  lãnh.Người có danh hiệu Xa Kỵ Tướng Quân bấy giờ là Bạc Chiêu.Sau đó là Qúan Anh, Chu Á Phu , Kim Nhật Quan đều được mang danh xưng này cả.Tuy nhiên, danh  hiệu này không thường  đặt ra.
-Đến thòi Đông Hán, danh hiệu Xa Lỵ Tướng Quân chỉ được dùng để bổ nhiêm người họ ngọai nhà vua.
-Thòi vua Hán Linh Đế  thường ban danh hiệu Xa Kỵ Tướng Quan cho các  họan quan, hoặc dùng để ban tăng cho người tử vong.
Địa vị của Xa Kỵ Tướng Công ngang với tam công, và thường do các bậc quyền thần ở trong triều  đảm nhậm việc chinh thảo kẻ bội phản.
-Đến các thời Ngụy, Tấn,  Nam Bắc Triều, vẩn  còn thiết lập chức quan này.
-Đến mãi nhà Đường thi danh hiệu Xa Kỵ Tướng Quân bị bãi bỏ .