Chim Việt Cành Nam         Trở Về   ]            [ Trang chủ ]          [ Tác giả

Leo tháp
Phước Duyên

Bài và ảnh của Phanxipăng

Là danh lam cổ tự tiêu biểu trong quần thể thắng tích cố đô Huế, 
chùa Thiên Mụ với ngọn tháp Phước Duyên trên đồi Hà Khê 
luôn quen thuộc với muôn người. Tuy nhiên, du khách thập phương 
ghé tham quan chùa Thiên Mụ cũng như cư dân miền Hương Ngự 
rất ít ai được may mắn leo lên ngọn tháp kia. Bởi thế, bao giai thoại ly kỳ 
liên quan đến toà tháp được quần chúng tha hồ dệt thêu và truyền tụng. 
Bởi thế, tôi càng háo hức lúc gặp dịp leo suốt bảy tầng bảo tháp....
Chùa Thiên Mụ chính thức khởi lập năm Tân Sửu 1601, đời chúa Tiên - Nguyễn Hoàng. Tháp Phước Duyên được xây cất muộn hơn, từ năm Giáp Thìn 1844, niên hiệu Thiệu Trị thứ IV. Bia đá Ngự chế Thiên Mụ tự Phước Duyên bảo tháp dựng năm Bính Ngọ 1846 và hiện còn nguyên trạng, ghi nhận rằng chính vua Thiệu Trị đích thân thiết kế tác phẩm kiến trúc đặc sắc này rồi giao quan thống chế Hoàng Văn Hậu làm quản đốc công trình. Sau 2 năm khẩn trương lao động, tháp được lạc thành.

Hồi ấy, cha ông ta chưa trang bị phương pháp giải lượng giác, lập ma trận, cũng chưa biết phối hợp tính toán chi li đầy đủ về trọng lực, trọng lượng, cơ học đất, kết cấu móng nền, sức bền vật liệu, v.v. Vậy vua Thiệu Trị cùng cộng sự vẽ đồ án thế nào để tạo tác ngôi tháp cao 21m đo từ mặt đế (1) mà vẫn bảo đảm chất lượng vừa kiên cố, vừa thẩm mỹ?

Phước Duyên có gì đặc biệt?
Thoạt tiên, tháp mang tên Từ Nhân 慈仁, nhưng chẳng bao lâu sau chính vua Thiệu Trị đổi tên tháp thành Phước Duyên 福緣. Trong Bulletin des Amis du Vieux Hué (BAVH) (2) in năm 1915, công sứ Pháp A. Bonhomme còn ghi nhận một tên khác là "tour de Confucius" tức "tháp Khổng Tử" (!?). Thực tế thì dân gian vùng Huế xưa nay quen gọi là "tháp Thiên Mụ" hoặc "tháp Linh Mụ".

Tháp Phước Duyên gồm 7 tầng - kể cả tầng trệt, 8 góc (bát giác), thật sự là tác phẩm độc đáo trong lịch sử kiến trúc Việt Nam nếu so sánh với tất cả ngôi tháp của nước nhà từng xuất hiện trước đấy. Chẳng hạn tháp Bình Sơn, tục gọi tháp Then, cao 16m, được xây thời Lý (thế kỷ XI), hiện còn di tích ở Vĩnh Phúc. Hoặc tháp Phổ Minh cao 21m, xây thời Trần (thế kỷ XIV) rồi được tôn tạo vào thời Tây Sơn (thế kỷ XVIII) ở Nam Định. Then với Phổ Minh toàn là tháp tứ giác với bình đồ hình vuông.

Nhìn sang Trung Hoa, thấy nước bạn có tháp Hoa ở Quảng Đông được xây từ thời Lương (thế kỷ VI) và tháp Hổ Khâu ở Chiết Giang được xây thời Tuỳ (thế kỷ VII) đều là tháp bát giác 7 tầng. Song, một trong những yếu tố mà tháp Trung Quốc không có được là tháp Phước Duyên 8 mặt thì chỉ trừ chính diện, còn 7 mặt đều bày gạch mộc không tô. Dường đó là dấu ấn kế thừa kiến trúc Chăm cổ?

Gạch mộc liên kết nhau bởi mạch vôi keo hồ, tạo nên vách tường mang vẻ đẹp riêng, qua hơn 16 thập niên vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt trong điều kiện thời tiết thất thường và khí hậu khắc nghiệt. Càng ngạc nhiên hơn khi biết thêm rằng toàn bộ công trình xây dựng tháp Phước Duyên chỉ sử dụng nguồn vật liệu thuần tuý bản địa: đá Thanh, gạch Bát Tràng, gạch hoa tráng men Long Thọ, ngói thanh lưu ly và hoàng lưu ly, cùng một ít sắt, đồng, gỗ. Đáng chú ý là các chi tiết trang trí bằng pháp lam - sản phẩm cao cấp phủ men màu đa sắc lên cốt kim loại - chỉ tồn tại ở Huế từ đời Minh Mạng đến đời Tự Đức, được xem là một nét độc đáo đặc trưng cho văn hoá Phú Xuân. Ấy là các cù dao hình ngọn lửa nơi góc đao mái mỗi tầng, và nhất là bình cam lồ bằng đồng trên đỉnh tháp. Biên soạn sách Chùa Thiên Mụ (3), Hà Xuân Liêm nêu nhận định: "Bình cam lồ [trên tháp Phước Duyên] không giống với bất cứ một đỉnh tháp nào của Ấn Độ đã đành, mà kể cả Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam thời Lý - Trần cũng không có tháp nào có đỉnh bình cam lồ như thế. Như vậy, đây là một yếu tố khả dĩ gọi là yếu tố độc sáng của văn hoá Việt Nam đã được thể hiện ra trong kiến trúc ở bảo tháp Phước Duyên chùa Thiên Mụ".

Bấy lâu nay, khách thập phương vãn cảnh chùa Thiên Mụ tha hồ dạo gót trên nền đình Hương Nguyện, ghé xem các bia đá và đại hồng chung, đoạn bước qua Nghi Môn vào viếng các điện Đại Hùng, Địa Tạng, Quan Âm. Duy tháp Phước Duyên thì khách chỉ có thể quan sát, chụp ảnh, quay phim phía bên ngoài, vì cửa tháp thường xuyên khoá kín. Việc nhang đèn, quét tước phía trong tháp do tăng chúng của chùa âm thầm thực hiện. Hằng năm, cửa tháp khẽ mở chốc lát vào dịp Tết Nguyên đán và đại lễ Phật đản, với sự túc trực của người giữ phận sự.

Bởi vậy, nội thất bảo tháp vẫn là điều "bí ẩn" của hầu hết mọi người. Thiên hạ bảo rằng sở dĩ tháp Phước Duyên cần hạn chế tối đa kẻ ra người vào vì ba lý do. Thứ nhất, đây là chốn cực kỳ tôn nghiêm. Thứ nhì, phòng tránh nguy hiểm tính mạng. Thứ ba và là nguyên nhân chủ yếu: bên trong tháp phụng thờ tượng Phật được đúc nguyên khối bằng vàng ròng.

Vụ trộm hy hữu
Các sách Chùa Thiên Mụ của Hà Xuân Liêm, Bốn trăm năm chùa Thiên Mụ của Nguyễn Đắc Xuân (4), Thăm chùa Thiên Mụ của Mai Khắc Ứng (5) đều in nhiều ảnh màu minh hoạ, song không có bức nào chụp các pho tượng Phật thờ trong tháp Phước Duyên. Hà Xuân Liêm còn viết: "Hiện nay sách vở viết về chùa Thiên Mụ đều không có chỗ nào nói rõ về những pho tượng này". Nhận xét thế e thiếu chính xác. Cuối năm 1993, tuyển tập Trẻ số 2 (6) đã đăng bài của Trần Đức Anh Sơn mang tiêu đề Sự thật về tượng Phật bằng vàng ở chùa Thiên Mụ. Trước và sau thời điểm đó, nhiều cây bút khác cũng từng trình bày đề tài này với lắm điều mâu thuẫn, xa rời thực tế, rất đáng hồ nghi.

Bia đá Ngự chế Thiên Mụ tự Phước Duyên bảo tháp cho biết danh hiệu các vị "kim thân Thế tôn" được kính cẩn thờ phụng trong 7 tầng tháp như sau: "Chiếu y Thích điển phụng cổ Phật dĩ lai kỳ đệ nhất Quá Khứ Tì Bà Thi Phật; đệ nhị Thi Khí Phật; đệ tam Tỳ Xá Phù Phật; đệ tứ Câu Lưu Tôn Phật; đệ ngũ Câu Na Hàm Mâu Ni Phật; đệ lục Ca Diếp Phật; đệ thất Trung Thiên Điều Ngự Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Văn Phật, Tây Phương Cực Lạc Pháp Vương, bồi chi hữu A Nan, Ca Diếp tôn giả". Nghĩa: "Chiếu theo kinh sách Phật giáo thì tầng thứ nhất thờ Phật Quá Khứ Tỳ Bà Thi (Vipassi); tầng hai thờ Phật Thi Khí (Sikkhi); tầng ba thờ Phật Tỳ Xá Phù (Vessabhu); tầng tư thờ Phật Câu Lưu Tôn (Kakusandha); tầng năm thờ Phật Câu Na Hàm Mâu Ni (Konagamana); tầng sáu thờ Phật Ca Diếp (Kassapa); tầng bảy thờ Trung Thiên Điều Ngự Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Văn Phật (Sakkamuni), Tây Thiên Cực Lạc Pháp Vương, thêm A Nan (Ananda) và Ca Diếp (Mahakasyapa)".

Vậy là trong 7 tầng tháp vốn thờ 10 pho tượng cả thảy. Thứ tự các tầng tháp mà văn bia liệt kê kiểu gì? Cụ thể là "tầng thứ nhất" chỉ tầng trệt hay tầng cao chót vót?

Nhiều tài liệu như Cố đô Huế của Thái Văn Kiểm (7), Khảo sát về một số cổ tích và địa danh ở Huế của Phan Văn Dật (8), Kiến trúc cố đô Huế của Phan Thuận An (9) đều xem "tầng thứ nhất" là tầng trệt. Công sứ A. Bonhomme viết trong BAVH 1915 rằng muốn vào tháp Phước Duyên cần phải xin giấy phép triều đình An Nam vì chùa vừa thuộc Bộ Lễ, vừa thuộc Bộ Công, và ông ấy cũng tính rằng "tầng thứ nhất" là tầng trệt. A. Bonhomme tường thuật: "Sau khi vào cửa, ta như đang ở trong một cái ổ bằng gạch có một tượng đồng Quá Khứ Tỳ Bà Thi Phật (Vispassyi)". Sách Nguyễn triều cố sự của Bửu Kế (10) mô tả tháp Phước Duyên: "Bên trong tầng nhất thờ đức Quá Khứ Tỳ Bà Thi Phật (Vispassyi) rồi có cầu thang xây hình trôn ốc đưa đến các tầng trên... Từ tầng sáu, muốn lên tầng bảy, phải qua một cái cửa sắt thường khoá và niêm lại. Chìa khoá do Bộ Công giữ, mỗi năm chỉ mở cửa một lần để quét dọn. Sở dĩ có việc đề phòng ẩn mật như vậy vì tầng trên, ngoài các vị Thích Ca Mâu Ni, A Nan, Ca Diếp, còn các vị Phật khác cũng đều bằng vàng cả".

Hồng Hoài - bút danh của Lê Văn Hoàng, từng làm việc trong Ngự tiền văn phòng vua Bảo Đại - lại quan niệm "tầng thứ nhất" nằm trên cùng. Trong tập Ba trăm năm thăng trầm của chùa Thiên Mụ (11), Hồng Hoài viết: "Tầng thứ bảy ở dưới trống không, nếu muốn lên tầng thứ sáu ở trên thì phải bắc thang, mà thang này lại do Bộ Công cất giữ... Dưới thời vua Bảo Đại, mỗi khi muốn mở tháp có việc cần phải lập Tam nha hội đồng, nghĩa là Bộ Lễ đem chìa khoá đến, Bộ Công vác thang đến, ngự tiền văn phòng do ký giả [tức Hồng Hoài] mang thủ sách đến".

Qua ấn phẩm ấy, Hồng Hoài còn kể một sự kiện chấn động: "Năm 1942, ở tháp Phước Duyên đã xảy ra một vụ mất trộm rất ly kỳ và có vẻ khoa học. Hai tấm cửa sắt dày và khoá tầng dưới của tháp vẫn nguyên vẹn. Kẻ gian lại từ cửa tháp tầng trên chóp mà vào. Thành thử vụ mất bảo vật xảy ra từ bao giờ không ai hay biết. Một hôm có người phu thấy cửa tháp tầng chóp trên cùng mở, liền tri hô lên rồi đi báo Bộ. Ba cơ quan [Bộ Lễ, Bộ Công và Ngự tiền văn phòng] họp lại, mở cửa lên xem, bao nhiêu tượng Phật vàng ở bảy tầng đều mất hết, chỉ còn lại những thứ đồ thờ bằng bạc".

Trên báo Đuốc Tuệ số 15 (12), Nguyễn Bảo Tụng cho rằng vụ trộm các pho tượng Phật bằng vàng trong tháp Phước Duyên xảy ra sớm hơn cả thập niên: năm 1933.

Một số bậc cao niên hiện còn sống tại Huế còn kể rằng xưa quanh tháp Phước Duyên thường xuyên có đội tự phu 20 người dân làng Vạn Xuân luân phiên canh gác suốt đêm ngày. Vậy mà vẫn bị mất trộm và chẳng tài nào phát hiện dấu vết thủ phạm! Lẽ nào đạo chích là tay võ nghệ tuyệt luân, cực kỳ xuất sắc về khinh thân công lẫn bích hổ công?

Song le, Tết Tân Tị 2001, giai phẩm Phú Xuân(13) đăng bài Tượng Phật vàng trên tháp Phước Duyên chùa Linh Mụ do Nguyệt Đình viết với lắm chi tiết khác: "Tượng Phật Thích Ca thờ ở tầng 7 đúc bằng vàng, nặng hàng mấy chục ki lô, cho nên cửa tháp khoá đến 2 lớp - khoá cửa tầng 1 giao cho chánh tổng Hà Khê giữ, chìa khoá tầng 7 giao cho Bộ Lễ giữ... Công việc bảo vệ tượng Phật ở tháp Phước Duyên thận trọng như vậy, thế mà tượng Phật vàng vẫn bị lấy trộm nhiều lần. Chúng là những tên trộm tài danh, võ nghệ cao cường, chẳng cần thang, chẳng cần khoá, chỉ một phát phi thân là lên tận tầng cao hơn 21m, ung dung bê tượng Phật vàng rồi biến mất. Nhưng khối lượng vàng quá lớn, khó bề tiêu thụ êm xuôi nên chúng trộm 5, 7 lần thì 5, 7 lần đều bị bắt, thành ra 5, 7 lần máu chảy đầu rơi dưới lưỡi gươm luật pháp".

Đoạn vừa dẫn chẳng rõ căn cứ vào tư liệu nào, tuy nhiên nội dung quá khó tin!

Chạm cõi trời tự tại
Từ lâu, tôi thầm mong gặp dịp leo lên tháp Phước Duyên để trực tiếp kiểm chứng những gì mình đã nghe, đã đọc. Mong ước ấy, mãi đến năm Kỷ Mão 1999, tôi mới thoả. Rồi mùa hè Canh Dần 2010, tôi lại trèo 7 tầng tháp quý.

Sau khi hai lớp cửa - một lớp cửa đồng và kế tiếp là lớp cửa gỗ - lần lượt mở ra, tôi bước vào bảo tháp theo sự dẫn lối của một chú tiểu ở chùa Thiên Mụ. Nhìn phía ngoài, thấy tháp hình bát giác đều, nhưng bên trong lại hình tròn.

Ngay tầng trệt, tôi thấy bệ thờ có một tượng Phật ngồi kiết già trên đài sen. Năm 1999, tượng được tô phết nhiều màu, riêng phần y được phủ nhũ vàng. Năm 2010, đó là tượng đồng óng ánh vàng. Đài sen lại là khối đá Thanh không sơn phết. Cả tượng lẫn đài sen được đặt trong lồng kính. Vách tường phía sau pho tượng có khắc danh hiệu bằng Hán tự lối khải thư: 中天調御本師釋迦牟尼文佛 Trung Thiên Điều Ngự Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Văn Phật.

Chừng ấy đủ để xác nhận: "tầng thứ bảy" trong văn bia của vua Thiệu Trị trỏ tầng trệt. Hiện tại, ở tầng này chẳng thấy tượng Tây Thiên Cực Lạc Pháp Vương lẫn tượng A Nan cùng Ca Diếp.

Phải chăng khá nhiều tác giả từng viết về nội thất bảo tháp song chưa hề vào đây để tận mắt quan sát quy cách thờ tự?

Ngay sau bệ thờ là cầu thang xoắn ốc dẫn lên tầng trên, theo hướng tay phải. Đi theo hướng cầu thang này, Phật tử có thể sẽ thắc mắc:

- Mùa an cư kiết hạ, chư tăng hành lễ quá đường vẫn đi quanh điện thờ Phật theo hướng tay trái. Cớ sao cầu thang trong bảo tháp Phước Duyên bố trí ngược chiều?

Nghiên cứu cầu thang này, Hà Xuân Liêm (sđd) kết luận: "Chứng tỏ người thiết kế đã không hiểu gì mấy về đạo Phật".

Quả thật, bình sinh vua Thiệu Trị chưa bao giờ sùng bái Tam bảo gồm Phật - Pháp - Tăng. Chính ông đề thơ vào bia chùa Diệu Đế thế này:

Ư ngã bổn phi sùng siển giáo,
Vi dân đản nguyện phúc sủng hồng.
Nghĩa: "Ta vốn chẳng phải kẻ sùng đạo, vì nguyện vọng của nhân dân nên cho lập chùa mà thôi."

Cũng bởi thế nên an vị Phật trong tháp Phước Duyên dịp lạc thành, nhà vua không mời chư tăng thiết trai đàn, mà chỉ cử "các hoàng tử rước kim thân Thế tôn lên bảo tháp" như bia đá Thiên Mụ chung thanh còn lưu.

Càng leo lên cao, tháp càng hẹp dần, mùi phân dơi càng toả nồng nặc. Ấy là năm 1999. Hiện nay, sau quá trình tu bổ và tôn tạo, các cửa sổ tròn được bịt kín bằng kính trong suốt, do đó lòng tháp hết bị dơi phóng uế (14).

Kiểu thức thờ tự ở các tầng đều hao hao nhau. Tầng nào cũng có bệ bằng đá Thanh thờ một pho tượng Phật ngồi trên đài sen đặt trong lồng kính. Các tượng khác nhau về vóc to nhỏ, tư thế tay bắt ấn. Danh hiệu mỗi tượng đều được đề rõ trên vách.

Tỉ khâu (15) Thích Hải Bình cho tôi hay:

- Hồi trước, tượng thờ trong tháp toàn bằng đồng. Nhưng đề phòng nạn ăn cắp nhôm đồng, ăn trộm cổ vật, cố hoà thượng trụ trì Thích Đôn Hậu bèn cho phục chế tượng y cỡ bằng thạch cao vào Phật lịch 2528, tức năm Giáp Tý 1984. Lúc đó, các tượng đồng được chuyển vào điện Đại Hùng. Năm Đinh Hợi 2007, các pho tượng đồng lại được thỉnh ra thờ trong các tầng tháp như xưa.

Trong các tầng tháp, ánh sáng và khí trời được thu nhận qua những ô kính nơi khung cửa tò vò chính diện cùng loạt cửa sổ hình tròn ở mấy mặt tường. Quan sát loạt cửa sổ ấy, tôi mới hay rằng lâu nay phần lớn tranh vẽ tháp Phước Duyên dù tả thực vẫn không bám sát hiện thực. Tại mỗi tầng, các cửa sổ không nhất định phải nằm ngay vị trí cân đối như người ta tưởng. Thêm nữa, các cửa sổ mỗi tầng được thể hiện bằng một kiểu hoa văn riêng: tầng trệt có hoa văn chữ thọ, tầng nhì - hoa thị 6 cánh, tầng ba - hồi văn chữ vạn, tầng tư - hoa thị 4 cánh 4 gạch, tầng năm - hoa thị 4 cánh, tầng sáu - chữ thọ đơn, tầng trên cùng - chữ vạn.

Tầng áp chót thờ 尸棄佛 Thi Khí Phật. Ấy là "tầng hai" tính theo văn bia của vua Thiệu Trị. Đến đây, cầu thang xây xoắn trôn ốc đã hết. Muốn leo lên tầng cao nhất, phải sử dụng cái thang bằng gỗ lim cao 2m gồm 8 bậc bắc vào một ô cửa vuông vức. Thang có thể dịch chuyển được. Còn ô cửa sát sàn tầng trên hẳn thuở xưa có tấm đồng che chắn và thường được khoá chặt. Trong tuyển tập Trẻ số 2, Trần Đức Anh Sơn lập luận: "Do cách bố trí hệ thống cầu thang có sự khác biệt giữa tầng trên cùng với các tầng kia, đặc biệt xuất hiện cái thang gỗ di động do Bộ Công cất giữ và cánh cửa có chìa khoá do Bộ Lễ quản lý, chứng tỏ tầng trên cùng có một chế độ bảo vệ đặc biệt và vô cùng nghiêm ngặt. Từ đó chúng tôi cho rằng chỉ có pho tượng tầng trên cùng mới thật sự bằng vàng".

Tất nhiên, pho tượng 過去毘婆尸佛 Quá Khứ Tỳ Bà Thi Phật nếu được chế tác bằng vàng thì chỉ tồn tại ở tầng cao nhất của tháp Phước Duyên trước khi xảy vụ trộm "vô tiền khoáng hậu". Sau đấy, người ta đã thay bằng tượng đồng. Một thời gian là tượng thạch cao. Bây giờ, đồng lại hoàn đồng (16).

Ở tầng cao nhất, chú tiểu mở cửa tò vò và nhẹ nhàng cảnh báo:

- Ai sức khoẻ kém, lên tới đây ắt chóng mặt, ù tai. Nếu bạo gan nhìn xuống đất, người nào bị bệnh tim mạch thì coi chừng... ngất xỉu. Do đó, hạn chế khách leo tháp Phước Duyên là chí lý.

Tôi đánh bạo, lom khom nhoài mình ra cửa để phóng tầm mắt nhòm toàn cảnh cố đô. Thật hiếm khi được thoải mái ngắm nghía tổng thể địa bàn sông Hương núi Ngự từ điểm cao tuyệt diệu vầy. Ngước đầu, tôi thấy trên cổng tò vò có hoành phi ba chữ: 自在天 Tự tại thiên. Ồ! Há lẽ may mắn đặt chân đến đây là thong dong chạm cõi trời tự tại?

____________
(1) Theo Ngự chế Thiên Mụ tự Phước Duyên bảo tháp bi thì: "Khởi tự sơn điên sốc không nhi thượng cao dĩ cổ xích độ đắc bát thập thất xích hữu linh dĩ kim xích độ thành ngũ trượng tam xích nhị thốn". Thích Giới Hương dịch: "Trên đỉnh núi, ngọn tháp đứng sừng sững cao vút lên trời xanh, dùng thước xưa đo được 87 thước, thước hiện nay thì tháp cao 5 trượng, 2 tấc". 87 thước tức 5 trượng 2 tấc tương đương 21 mét.

(2) Tập san của Hội "Những người bạn cố đô Huế" (Association des Amis du Vieux Hué), thường được gọi tập san Đô Thành Hiếu Cổ

(3) NXB Thuận Hoá, Huế, 1999

(4) NXB Thuận Hoá, Huế, 1998

(5) NXB Thuận Hoá, Huế, 2004

(6) NXB Đà Nẵng, 1993

(7) Tập thượng - Nha Văn hoá, Bộ Quốc gia Giáo dục, Sài Gòn, 1960

(8) Tập 1 Mỹ thuật do trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế thực hiện, 1974

(9) Công ty Quản lý di tích Huế ấn hành, 1990

(10) Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1956 - NXB Đà Nẵng in lại, 1996

(11) Xuân Hữu xuất bản tại Huế, không ghi niên đại

(12) Phát hành ngày 6-6-1964 tại Sài Gòn

(13) NXB Trẻ, 2001

(14) Sáng thứ năm 28-8-2003, tháp Phước Duyên cùng 17 hạng mục khác của chùa Thiên Mụ bắt đầu được tu bổ và tôn tạo bởi Viện Khoa học công nghệ (thuộc Bộ Xây dựng) phối hợp với Công ty Mỹ thuật trung ương (thuộc Bộ Văn hoá Thông tin) thi công theo đề án được đầu tư tổng kinh phí hơn 14,8 tỉ đồng. Hạng mục quan trọng nhất là tháp Phước Duyên được xử lý chống lún, chống nghiêng, thay 21 con giao ngũ sắc đầu các bờ quyết bằng sản phẩm pháp lam đạt 85% so với bản gốc, v.v. Dự kiến ngày 30-12-2005 thì đề án ấy hoàn tất, tuy nhiên ngày 15-5-2006 mới xong. Sáng thứ năm 20-12-2007, khánh thành công trình tu bổ và bảo tồn chùa Thiên Mụ, tổng kinh phí đã tăng vọt: 26,5 tỉ đồng.

(15) Tỉ khâu còn được gọi tỉ khưu, tỉ khiêu, tỉ kheo, tì kheo. Chữ Hán ghi 比 丘. Đó là phiên âm danh từ Phạn ngữ: bhiksu trong Bắc Phạn (Sanskrit) & bhikkhu trong Nam Phạn (Pàli), đọc phích khu, nghĩa gốc là khất sĩ / người ăn xin, nghĩa phát sinh là nam giới xuất gia, sống không nhà, hoạt động chính gồm thiền định và giảng đạo.

(16) Khắp thế giới, những tháp 7 tầng đều được sắp xếp quy cách thờ Phật trong từng tầng như vậy. Ở Huế, nơi sân chùa Từ Đàm, tháp Ấn Tôn cao 27,5m vừa được khởi công xây dựng ngày 6 tháng giêng Mậu Tý (12-2-2008) và khánh thành ngày rằm tháng 2 Canh Dần (30-3-2010), 7 tầng cũng thờ 7 tượng Phật bằng đồng với danh hiệu theo thứ tự y hệt.

Đã đăng trên tạp chí Thế Giới Mới 529 (31-3-2003)
Nhuận sắc đăng lại trên tạp chí Nghiên Cứu & Phát Triển 80 (5-2010)
Đăng tiếp trên Kiến Thức Ngày Nay 726 (10-10-2010)

Bảo tháp Phước Duyên.
Ảnh: Phanxipăng
Mở cửa để vào lòng bảo tháp. 
Ảnh: Phanxipăng
Tầng trệt (tức tầng 7 theo văn bia của vua Thiệu Trị) 
thờ Trung Thiên Điều Ngự Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Văn Phật
Ảnh: Phanxipăng
Tầng áp chót còn gọi tầng 6 
(tức tầng 2 theo văn bia của vua Thiệu Trị) 
thờ Thi Khí Phật
Ảnh: Phanxipăng
Từ tầng cao nhất, nhìn xuống nền đình Hương Nguyện, trụ biểu, 
đường Nguyễn Phúc Nguyên, sông Hương. 
Ảnh: Phanxipăng