Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ

Người Việt-Nam Ở Nước Ngoài
"Cộng Đồng VN tại Pháp"

***
An-Tiêm Mai Lý Cang

Hiện nay, cộng đồng người Việt-Nam định cư ở nước ngoài được ước tính lên bằng con số triệu. Theo tài liệu thống kê gần đây cho biết, trong khoảng hơn chín mươi quốc gia trên thế giới bây giờ, thì nơi nào cũng đã có sự hiện diện của nhiều ít kiều bào. Riêng tại Âu-Châu, thành phố Paris là nơi mà hình ảnh người Việt có nhiều cơ hội, để ngày càng in đậm rõ nét hơn nhờ vào tác dụng ảnh hưởng của những hình thức tổ chức sinh hoạt tập thể. Và một trong những chương trình liên hoan, giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc của cộng đồng đáng được gọi là hấp dẫn, ghi nhớ, có sức lôi cuốn đến sự hiếu kỳ của người địa phương...Chính là do có những buổi kết hợp tổ chức văn nghệ, trình diễn duyên dáng Việt-Nam trong y phục thời trang áo dài.

Thướt tha, duyên dáng là những đặc điểm của chiếc áo dài cổ truyền dân tộc. Và với dáng vẻ thùy mị, đơn sơ, chiếc áo dài đàn bà Việt-Nam đã thực sự chinh phục được cảm tình của khách nhìn ở khắp mọi nơi trên toàn thế giới chứ không riêng gì ở nước Pháp. Mặt khác, tại đây món ăn "Phở" vốn là một hình thức ẩm thực nặng mang tính chất đặc trưng về văn hóa của người Việt, ngày nay cũng được nhiều người dân bản địa biết đến sau chả giò, rượu đế. Và bây giờ, thì người ta có thể tìm thấy ở trong rất nhiều nhà hàng Á-Đông đều có bày bán các món ăn bình dân, hạp khẩu nầy. Đây là một hình thức kinh doanh ngoại lệ của người Việt, đã có tác dụng vô tình phát huy được ảnh hưởng sắc thái đặc biệt, hiếm hoi của cộng đồng trên đường xâm lăng, bành trướng văn hóa của dân tộc mình ra tận ở nước ngoài.

Trong cộng đồng tạp chủng tại xã hội Âu-Châu bây giờ. Mặc dù sinh sau đẻ muộn, nhưng hình ảnh người Việt vẫn có những nét linh hoạt và một sức sống năng nổ, không kém gì các cộng đồng dân tộc di dân khác đã có mặt ở nơi đây từ trước.

Khởi đầu từ những dãy nhà lụp xụp, nguyên là trại lính cũ kỹ ở Livrade, cách không xa dòng sông Garonne tươi mát ở miền Nam xứ Pháp. Những người Việt-Nam đi lính Tây, sau tháng bảy năm 1954, họ cùng gia đình vợ con theo chân đoàn quân viễn chinh về nước và được đưa ngay về cư ngụ nơi trại gia binh nầy. Và người ta có thể nói, đó là một một làng Việt-kiều đầu tiên được thành hình ở tại Âu-Châu, có mang nhiều hình ảnh sinh hoạt sắc thái đặc biệt về phong tục, tập quán của cuộc sống tập thể, cộng đồng. Nhưng trước đó, thì cũng đã có những người lính thợ Việt-Nam được tuyển mộ sang qua Pháp làm việc ở rải rác khắp các miền trong thời kỳ đệ nhị thế chiến. Và cùng lúc, cũng có các phu đồn điền Việt-Nam được đưa sang làm việc cạo mủ cây cao su ở tại Tân-Đảo (Nouvelle- Calédonie).

Như một cánh tay từ lâu đã có được cơ hội tiếp nối kéo dài, thì ngày nay, nếu không dưới hình thức nầy, thì cũng sẽ bằng trường hợp khác. Điều mà tôi muốn nói ngay ra đây, là trong một kỳ phát hành của tờ công báo (Journal Officiel) đã chính thức có đăng tên tôi...Và cùng một số đồng bào, đồng hương trong danh sách chung của những người ngoại quốc lúc bấy giờ đang sinh sống trên lãnh thổ Cộng-Hòa Pháp được chấp thuận hồi tịch. Ở đây, tưởng cũng nên xin nhắc lại, là thế hệ của những ai sanh ra trước năm 1954 ở miền Nam VN, và đến Pháp xin tị nạn chính trị sau ngày chấm dứt chiến tranh Đông-Dương, đều được chính phủ Pháp chiếu theo những nghi định cũ còn hiệu lực đương nhiên cho quyền hồi tịch. Do vậy, dạo ấy thật khó mà diễn tả ra cho hết được về tâm trạng đặng chẳng mừng, mất tủi thân của tôi kể từ khi giây phút đầu tiên cầm trong tay tấm thẻ căn cước mới. Vì từ giờ đó, tôi chính thức được nhận làm người công dân Pháp gốc dân thuộc địa Pháp về mặt luật pháp hành chánh, và là người Pháp gốc Việt-Nam rặc về mặt chủng tử di truyền.

Rồi sau thời gian không lâu, tôi cũng quen dần cuộc sống hòa mình với những hình ảnh người Việt mình hiện cư ngụ trên xứ Pháp. Một lần, trong siêu thị nơi khu phố đông người Bắc-Phi và da đen, vô tình tôi nghe trộm được rõ ràng có những câu đối thoại với nhau bằng ngôn ngữ Việt. Quay đầu nhìn lại, tôi không tìm thấy bất cứ người da vàng nào. Nhưng sau đó, lại có những tràng âm thanh tiếng mẹ đẻ nổi lên từng chập. Lần nầy, tôi bắt gặp quả tang có một nhóm người Á-Rập và da den đang bàn chuyện với nhau về trị giá của một món hàng mà họ chỉ đứng nhìn. Lần mò hỏi thăm, thì ra, trường hợp hồi hương và hồi tịch của những người nầy là theo diện con lai, mà vào thời điểm đó, hình ảnh mồ côi bơ vơ, đáng thương của họ đã đánh động được lương tâm của người dân bản địa. Và họ được các cơ quan phương tiện truyền thông gọi cho một cái tên đáng thương hại là "Les enfants honteux!" (Những đứa con tủi thẹn!). Cụm từ mang ý nghĩa đầy cay đắng, phũ phàng nầy có khác xa với những hàng tít đậm in trên các bài phóng sự cũng của làng báo trước kia ở tại Paris. Nói về, trường hợp "ngược lại" của một cô cô bé da đen lai Việt...Trên hai tháng trời, những tờ tạp chi lớn tranh nhau khai thác về đề tài một vị Hoàng-đế xứ Trung-Phi (Centrafricaine) có nhờ Đại-sứ quán của Pháp ở tại Sài-Gòn bí mật tìm giùm đứa con gái bị thất lạc ở tại miền Nam Việt-Nam. Cuộc tìm kiếm xảy ra vô cùng gay cấn, ngoạn mục. Vì lý do chẳng bao lâu đó, thì hành tung của một cô gái da đen duyên dáng, xăm mình dám cả gan mạo nhận mình là công chúa Trung-Phi, vừa từ Việt-Nam được đưa sang đến thủ đô Bangui thì đã bị ông Vua phát giác.

Cho đến lần sau, giống y trang như chuyện thần tiên trong câu truyện cổ ngàn lẻ một đêm. Một cô bé lọ lem xấu xí đang sống trong cảnh khốn khổ, bần cùng nhưng có nhiều nét đẹp ở tâm hồn được tìm thấy ở Biên-Hòa. Cô bé da đen lai Việt nầy mới chính là công chúa thật. Và cô đã từ Sài-Gòn đến Paris xuất hiện ra dưới sự tràn ngập của các ống kính thu hình trước khi trên đường về xứ đoàn tụ cùng phụ vương, với đầy đủ chứng từ kỷ vật của gia đình.

Tuy nhiên, nếu phải kể tới những huyền thoại của báo chí từng nói về người VN ở nước ngoài, thì ngược dòng thời gian cũng đã có những bài điều tra phóng sự ly kỳ khác. Thuở ấy, các phóng viên săn tin viết về một hình ảnh người Việt huy hoàng, nổi tiếng bê tha trụy lạc hết mình nơi trà đình tửu điếm, mà điển hình là trường hợp có một không hai của anh chàng Bạch công tử ở Nam-Kỳ.

Trái với đầu óc của những nhà triệu phú dầu lửa Á-Rập đến ở tại Âu-Châu ngày trước, lúc nào cũng nghĩ tới chuyện khuếch trương đầu tư, lợi nhuận...Có những chàng công tử điền chủ ở miền Nam Việt-Nam, lúc đương thời đã thừa hưởng được địa vị giàu sang, gia tài vàng bạc kếch sù (so với người Việt). Có cả ruộng vườn cò bay thẳng cánh, chó chạy cong đuôi, đến Paris tiêu tiền như cỏ rác. Đó chính là hình ảnh hào hoa phong nhả, vang bóng một thời, ăn chơi xả láng của Bạch công tử tên thật là Lê-công-Phước con của ông Đốc-Phủ Sủng ở Chợ Gạo Mỹ-Tho. Theo tài liệu ghi trong "Điếu-Cổ Hạ-Kim", thì ông ta xuống tàu du học tại Pháp vào năm 1909. Đó là một nhân vật được đánh giá như là có công lao, trong danh sách của những vị mạnh thường quân đóng góp nhiều công của vào cho nền ca nhạc cải lương Nam-Bộ ngày trước. Nhất là, trong thời kỳ ông đang là phu quân của cố nghệ sĩ Phùng-Há. Hơn nữa, ông ta là người còn có nhiều bản lãnh phi thường, và đã hạ được Hắc công tử trong chuyện tranh giành, chinh phục trái tim của các người đẹp. Và tại các hộp đêm, từng có dịp nổi máu anh hùng, đã trổ tài lấy "le" bằng cách cầm đốt những tờ giấy bạc một trăm đồng, để tìm bạc cắc hay chiếc khăn tay đánh rơi dưới đất.

Ở địa hạt thể thao cũng vậy. Ngày trước, tại Sài-Gòn của chúng ta đã có những tay vợt bóng bàn lỗi lạc, từng đem chuông đi đánh xứ người, làm say mê khán giả mộ điệu bốn phương. Và đã từng chiếm giải thể thao bóng bàn tại Pháp. Đặc biệt là đấu thủ Mai-văn-Hòa, vô địch bóng bàn Á-Châu có lối chơi phòng thủ độc đáo, hữu hiệu, mà các nhà bình luận thể thao thời đó gọi anh là "le robot défenseur" (cái máy đỡ). Tiếc thay! Từ sau thế hệ của anh, Việt-Nam không có đào tạo ra được danh tài bóng bàn nào có tầm cỡ làm rạng danh hơn, nếu đem so với kỹ thuật hiện đại của thời buổi bây giờ..

Và bây giờ, chúng ta cùng nhau trở lại với một hình ảnh người Việt của cộng đồng đã từng có những sinh hoạt trên lĩnh vực nghệ thuật sân khấu nhạc kịch cùng với đồng bào tại Tây-Âu ngày trước. Trái với những người nghệ sĩ mang nghiệp cầm ca khác, nghệ sĩ trí thức dân tộc Trần văn Trạch (em ruột của nghệ sĩ trí thức dân tộc Trần-văn-Khê) từ lâu đã tự chọn cho mình một hướng đi là diễn vai Hề! Nhưng không tầm thường chút nào. Người ta từng có dịp so sánh hình ảnh của Trần văn Trạch với danh Hề Coluche của Pháp, một nhà hài hước nổi tiếng là hào phóng. Và có tâm hồn cao thượng được nhiều người mến thương, cũng như từng được mệnh danh là nghệ sĩ của những người nghèo. Lúc sinh tiền, ông nầy chính là người đã chủ trương sáng lập ra tổ chức "Les Restaurants du Coeur" tại Paris, để nhằm mục đích nghĩ tới thân phận của những kẻ bạc phần bơ vơ, lạnh lẽo giữa mỗi mùa Đông.

Nghệ sĩ Trần văn Trạch đã qua đời tại Pháp. Trước thời gian đó không bao lâu, ông cũng có dịp trở lại sân khấu tại khu Maubert Mutualité để trình diễn trước số khán giả cộng đồng. Tại Việt-Nam ngày trước, người ta thấy ông có lối trình diễn hài hước đặc biệt nên đã tôn vinh ông là quái kiệt. Và sự ái mộ đó ngày nay vẫn còn nằm ở trong lòng đồng bào của chúng ta ở hải ngoại, đặc biệt là ở tại Pháp. Nhưng có rất ít người gần gũi, hiểu được mục đích tâm hồn cao cả của người nghệ sĩ nầy mỗi khi bước lên sân khấu. Theo những lời tâm sự tận đáy lòng của ông với chúng tôi trong một buổi gặp gỡ thân hữu; là những lúc trổ tài "thọc léc" khán giả, ông không bao giờ có ý nghĩ rằng mình muốn để được họ hoan nghinh. Ngược lại, mục đích của ông trong giây phút đó là muốn tìm cơ hội giái trí, làm cho đồng bào vơi đi niềm đau khổ triền miên chứa đựng ở trong lòng. Và ông thường nói, nước ta là một quốc gia chiến tranh có quá nhiều bất hạnh, mà người dân cần phải được hưởng sự an ủi thực tế, và có dịp vui để thể hiện ra bằng những tiếng Cười.

Trong cộng đồng người Việt-Nam tại Pháp còn có một nhân vật không thể nào không được đề cập đến, đó chính là hình ảnh vị vua cuối cùng của triều đình nhà Nguyễn. Vua Bảo-Đại. Ngai vàng của ông từ lâu đã không còn, và ông sống cuộc đời còn lại tại nơi đây trong những ngày qua như chiếc bóng lẩn khuất bên đường. Lần cuối cùng, ông có dịp xuất hiện tại khu phố Belleville, thuộc quận 11 thành phố Paris cùng với một số kiều bào trong một buổi dạ tiệc thân mật. Vài năm sau ông đã qua đời trong sự dửng dưng của quốc gia dân tộc, vì kể từ khi bị soán ngôi, ông được coi như là một nhân vật đứng bên lề lịch sử của nước nhà.

Thuở sinh tiền, trị giá chiếc áo long bào của ông đã được các sử gia đánh giá phê bình qua lăng kính chủ quan, mà theo tôi, ông chính là một nạn nhân "ngoại hạng" của chủ nghĩa thực dân, đế quốc trong thời kỳ quá khứ. Nhìn lại toàn bộ ý đồ và tập chứng từ trong chính sách thuộc địa của Pháp, mà ngày nay, gần như đã được hoàn toàn "bạchhóa". Người ta đã thấy rõ vai trò và địa vị của ông là luôn luôn bị tù hãm trá hình, bị kềm kẹp giữa dòng âm mưu chính trị tinh vi, sâu độc của "mẫu quốc". Do vậy, dù cho ông nếu có tài ba đởm lược đến đâu, thì cũng sẽ không bao giờ làm được gì có thể khác lại hơn trong bối cảnh lịch sử đen tối thời đại lúc bấy giờ. Chính vì thế mà ông phải thản nhiên cam tâm chịu đựng dòm cảnh trò đời, vận nước, và tiếp tục âm thầm tiêu dao thời khắc (mặc cho dư luận) qua những tháng ngày sống gởi nạc, thác gởi xương ở nơi đất khách quê người.

Dù cho ông có bất tài thật nhưng thế hệ mai sau sẽ nghĩ sao, về tâm trạng não nề của một vị thiên tử bị mất ngôi. Nhưng có ai dám "bảo hoàng hơn Vua", để hiểu được thế nào là tâm can của một con người từng muốn được làm công dân một quốc gia độc lập, còn hơn là làm Vua một đất nước nô lệ?

Tôi yêu mến Paris nhiều hơn bất cứ thành phố lớn nào trên thế giới. Tình cảm xuất phát ra đó không phải vì đây là nơi mà tôi đang sinh sống, mà chính vì thủ đô nầy có mang nhiều tính chất văn hóa phong phú, đa dạng, biểu tượng cho sự Tự-do, Dân-chủ và Nhân-quyền. Nhiều nước ở Âu-Châu và nói riêng ở tại xứ nầy, mỗi con người đều có vị trí xã hội ngang nhau. Một cầu thủ thần tượng bóng đá có cặp giò bằng vàng như Platini, Zidane, ca sĩ danh tiếng như Johnny Hallyday, Dalida v.v đều được xem như là những đứa con cưng của quốc gia, là tài hoa của đất nước. Và họ được quần chúng nhiệt tình ngưỡng mộ, không thua kém gì cảm tình ủng hộ của người dân đã dành cho những chính khách, danh nhân. Nhưng cũng có một vài cộng đồng sắc tộc ở Paris, thì lại có một cái nhìn vào hình ảnh xã hội nầy hơi khác! Chẳng hạn như một người Ai-Cập mỗi khi đi ngang qua quảng trường Concorde, thì đều hướng mắt vào trụ đá sừng sững giữa trời mà chạnh lòng nghĩ tới thành quách trơ gan cùng tuế nguyệt ở Luxor từ lâu đã bị mất một trụ đá song sinh! Hay như một người Á-Châu, Á-Rập nào khác khi có dịp vào các viện bảo tàng ở Paris, thì nghĩ rằng số di tích bảo vật lịch sử nào đó, đáng lý ra phải được châu về hiệp phố ngay trên quê hương của chính họ v.v.

Trở về với hình ảnh của những người Việt vô danh, thầm lặng, từ lâu đã do hoàn cảnh vô tình đan kết được thành một mạng lưới cộng đồng tại Pháp. Người ta nhận thấy tiếng Việt là một phương tiện duy nhất hữu hiệu, đóng vai trò nhịp cầu chuyên chở tinh thần, tình cảm dân tộc ra ở tận nước ngoài. Những câu nói dân gian quen thuộc mà chúng ta thưởng bắt gặp trong các buổi hội hè, lễ lộc của cộng đồng như:

Hôm qua, qua nói qua qua mà qua không qua.
Hôm nay, qua nói qua không qua mà qua qua...

chính là những ngôn từ hóm hỉnh, bình dân thân thuộc của quê hương xóm làng mà ai nghe qua cũng rất lấy làm vui tai, thích thú. Và bây giờ, thì trẻ em của chúng ta khi ở tuổi lớn khôn cắp sách đến trường, thì thường quen dần kiểu cách ăn nói bạo dạn cùng với bạn bè. Trước mắt chúng chỉ có một con đường là đi tới tương lai. Chúng thường nói nhiều chuyện vui đùa, và thích chen vào các loại thành ngữ có ý nghĩa lạc quan, yêu đời chẳng hạn như câu nói "Après la pluie, le beautemps" (Sau cơn mưa, trời lại sáng). Sự kiện nầy làm cho tôi nhớ lại kỷ niệm xưa, khi còn nhỏ, cứ được dịp nghe mãi câu kết luận của những ông thầy bói để lại cho thân chủ là "Chuyện đời lắm nỗi phải đề phòng!". Vì ý nghĩa di dịch của cuộc đời là sau lúc thịnh, ắt phải có lúc suy.

Tiếng Việt không nghèo! Tiếng Việt thân thương của chúng ta mặc dù có đủ sức diễn tả phong phú, linh động, nhưng với hoàn cảnh hiện nay ở nước ngoài, thì nó đã vô tình trở thành một loại ngoại ngữ khó nuốt của các thế hệ con em ở trong nhà. Nói một cách khác, hình ảnh người Việt đợt sống mới rồi đây sẽ bị lai căng, mà tình cảm dân tộc ở xứ người thì rất cần những trái tim nhiệt thành, bén nhạy để hàn huyên, trao đổi với nhau bằng ngôn ngữ đầy thú vị của ông bà. Rồi suy đi nghĩ lại về hoàn cảnh tha phương bất đắc dĩ ở nước ngoài, thì thương người mà ta cũng cảm thương thân! Người ta xa nước xa non cả ngàn năm, mà cũng còn lần mòn tìm đường trở về cố quốc. Chẳng lẽ xác thân nầy không bao giờ còn có dịp để trở về hôn lên nắm đất quê hương?

Nhưng trong cộng đồng của chúng ta ở tại Pháp hôm nay đã có nhiều người bỏ cuộc trở về vì thời gian tuổi già sức yếu, để âm thầm sống lại chuỗi ngày với hào quang quá khứ, và sẵn sàng chấp nhận mọi tình huống dị ứng thay vì hòa nhập. Có kẻ còn năng lực hăng say nuôi mộng lớn, hẹn ngày tái ngộ góp phần làm đẹp quê hương với tư thế của riêng mình. Có người trầm tĩnh lập chí, đầu tư sự nghiệp tinh thần vào cho con em trong cuộc sống dưới mái gia đình v.v. Mỗi người tự tìm lối thoát cho chính mình và mọi người đều chí lý. Ngoài ra, những hình thức thể hiện của cá nhân được tìm thấy trong ý thức dấn thân hành động trước sự kiện như nước đã đến chân, trả thù mẫu quốc (xin hiểu theo nghĩa ăn chơi trào phúng). Hay như gió đã xoay chiều, nắng chiều nào che chiều nấy...thì đó chính thật là những mối phức tâm, đôi khi, kèm theo với nhiều mâu thuẫn của tâm hồn.

Là người dân Việt chính tông sống trên nước Pháp lâu ngày (ngay luôn cả những người hiện đang sống ở trong nước), thì cũng đã có rất nhiều người không từng được biết, hoặc chưa hề có dịp may mắn nào để nhìn thấy được bàn chân cội rễ của giống người Giao-Chỉ chính cống đặc biệt của chúng ta, là có hai đầu ngón cái giao đầu. Vậy thì, phải hiểu rằng, chân dung thế hệ của những hình ảnh người Việt tương lai của chúng ta ở hải ngoại sẽ còn bị mất mát thêm rất nhiều cơ hội thực tế, để có dịp nghiên cứu am tường về bản sắc nguồn cội của tổ tiên. Chính vì vậy, mà bóng dáng của các ngôi chùa Việt-Nam, các cơ sở văn hóa bảo hộ cung đình tư tưởng dân tộc tại xứ người. Giờ đây, cần phải luôn luôn được coi như là những hình ảnh gắn bó thủy chung, không thể thiếu vắng đối với thực thể tinh thần của người dân Việt hiện đang sinh sống nơi vùng trời đất khách.

Trong quan niệm về bản sắc đó, chúng ta cũng ghi nhận là hình ảnh tập thể của cộng đồng người Việt tại Pháp ngày nay đã có dịp được người dân xã hội địa phương "giải oan" về tướng mạo. Họ đã có kinh nghiệm đoán mò và biết phân biệt về nhân dạng. Bây giờ, mỗi khi giễu cợt cầm lấy hai ngón tay trỏ kéo chằng đôi mắt làm thành hai cái đuôi, là họ muốn ám chỉ ra ngay vào thành phần di dân vốn là người Việt gốc Hoa trước ở tại miền Nam VN. Hay đồng chủng của những người nầy, hiện đang có mặt trong đất nước của họ. Nhưng về mặt tâm lý khác, thì hình ảnh người Việt tại Pháp của chúng ta hiện nay cũng đã còn có nhiều khuyết tật trong sự liên hệ thờ ơ với cộng đồng, cần phải được đặc biệt lưu tâm đặt thành những vấn đề tế nhị trong tinh thần tương thân, tương ái lẫn nhau. Chính bằng những âm thanh của tiếng nói tầm thường, những món ăn quốc túy. Những bộ y phục truyền thống phong tục v.v có dịp được tìm thấy thường xuyên ở địa phương quê người, là những lớp vỏ văn hóa của dân tộc, từ lâu đã cụ thể góp phần duy trì hình ảnh người Việt ở nước ngoài.

Nhìn chung, những hình ảnh người Việt thoáng qua trên xứ Pháp hãy còn nhiều...

- Có thể đó là hình ảnh của những vị sĩ phu khả kính Nam-hà cao tuổi ngày nay còn sống sót lại ở xứ người.

- Có thể đó là hình ảnh của những thế hệ có gần phân nửa cuộc đời, được gọi tên bằng con số thứ tự ở nơi dành cho phu mỏ, phu đồn điền.

- Có thể đó là hình ảnh xế chiều, áo dài khăn đóng của các nhà hoạt động văn hóa trong những ngày trọng đại tế tự dân tộc.

- Có thể đó là hình ảnh của những con người ngậm ngùi xa xứ, u sầu nhìn chân trời mênh mông, bát ngát qua khoảng cách đại dương.

- Có thể đó là hình ảnh của những thành phần sinh viên năng nổ hiện nay đang du học.

- Có thể đó là hình ảnh của đám thiếu nhi vô tư, biết yêu tiếng mẹ từ khi mới ra đời v.v.

Nhưng tất cả ảnh hình của nhục thể trên cõi đời nầy đều là giả tạm! Dù ở Âu hay Á, thì màu sắc của nó lúc nào cũng đều có mang theo ý nghĩa huyễn mộng, giây lát, in tợ bóng dáng của bọt xà phòng, như của áng mây tan. Chính vì vậy mà dưới mái hiên chùa ở đây, hiện tại đã có nhiều người ngày càng thấm sâu đạo lý, sau những ngày dài chứng nghiệm qua cuộc sống ở quê người. Ngày nay, kể từ khi dấu chân không đầu tiên của người Việt khởi đi từ Động Đình Hồ, thì bây giờ, bàn chân của người Giao-Chỉ mang giày đã có dịp giẫm lan tràn ra trên thế giới. Người Việt-Nam tiếp cận, học hỏi với nền văn minh Tây-Phương đầu tiên là qua nước Pháp, rồi mới đến các quốc gia cơ khí sau nầy. Lịch sử thành hình cộng đồng hải ngoại của chúng ta hôm nay cũng vậy. Ý nghĩa đổi thay của cuộc đời là thêm một bước đi...

Trong tinh thần đó, hình ảnh người Việt tiếp đến sau cùng trong bài nầy là chân dung của một vị thiền sư. Tại Pháp, có một ông nguyên là cựu tướng lãnh ở miền Nam VN. Sau khi tuổi hạc đã quá nửa đoạn đường đời nơi phương xa xứ lạ, hồi tưởng lại dĩ vãng oai hùng trong trận mạc thuở nào chỉ là những hình ảnh vụn vặt, chấp vá, phù du. Và nay, do nhờ ý thức giác ngộ dưới bóng thiền tông, và sớm có duyên lành tu tập nên đã đi tìm ra được con đường thoát tục, mưu cầu hạnh phúc ở tâm hồn. Đó là trường hợp của một vị tiến sĩ Tỳ-Kheo ở tại Limoges.

Cách đây hơn hai thập niên qua, nhân ngày kỷ niệm lễ quy y của đồng đạo, tôi đã có làm một bài thơ kính tặng sau đây với tựa đề là "Giã chiến bào":

Khoác áo cà sa giã chiến bào
Nguyện về đất mẹ khỏi binh đao
Thuở nọ giáo gươm liều nợ nước
Thời nay thiền định luyện anh hào
Gương sáng đạo đời ngàn thu trước
Đi tìm cửa Phật chốn non cao
Dưới bóng linh sơn cầu cội phước
Cho tình dân tộc mãi yêu nhau...*

An-Tiêm Mai-Lý-Cang
(Paris)
*- Tướng Phạm-Đăng-Lân từ lâu đã có duyên hạnh ngộ xấp mình dưới chân Phật-tổ trong đạo tràng thanh tịnh Tùng-Lâm Linh-Sơn tại Pháp. Và bài thơ nầy sau khi lên báo, thì đã có nhiều bài họa của các độc giả bốn phương. Trong dịp nầy, tác giả xin mạn phép giới thiệu lại nguyên văn đăng trên trang báo sau đây của một vị thân hữu:
(Kính họa bài thơ "Giã Chiến Bào" của Giáo-sư Đông-Phương Mai-Lý-Cang trong báo Hoằng-Pháp số 62, trang 33 đề tặng Tiến-sĩ Tỳ-Kheo Thích-Trí-Tạng).

***
Trước bệ tòa sen rực ánh hào
Nghĩ về đất nước nhớ đồng bào
Trút bỏ chinh y cầu phước báu
Quê nhà an lạc thoát binh đao
Dưới bóng linh sơn tìm nương náu
Nhặt lá Bồ-Đề rạng ánh sao
Ngộ biến tòng quyền gìn khổ hạnh
Khoác áo cà sa giã chiến bào...**

Đại-Tá Châu-Hữu-Lộc
(**- Trích báo Hoằng-Pháp Xuân Nhâm-Thân - năm thứ 16- phát hành tháng 12/1991. Số 64, trang 45.Pháp quốc).

**************************