Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]          [ Tác giả ]

Lan man chuyện làng tôi
1. Sông Đào
2. Cụ Hậu


Đỗ Đình Tuân

1. Sông Đào
Tôi sinh ra ở một làng nhỏ ven sông Kinh Thày mà dân cả vùng tôi vẫn quen gọi là sông Cái. Ngày nay, làng tôi mang một cái tên là làng Thông Lộc (Cổ Thành, Chí Linh, Hải Dương). Cái tên này cũng là do mấy ông cán bộ địa phương hồi sau cách mạng tháng Tám (1945) đặt ra thôi, chứ trước kia, làng tôi vốn tên là Cổ Châu Hạ xã, thuộc tổng Cổ Châu, huyện Chí Linh, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Nhưng cửa miệng thì người đời vẫn gọi làng tôi là Hạ thôn hoặc làng Riêng. Hạ thôn thì chỉ là cách rút gọn của Cổ Châu hạ xã, còn làng Riêng mới là cái tên gắn liền với lịch sử hình thành ra làng. Vốn dĩ trước đây làng tôi và làng Dâu chỉ là một làng có cái tên chữ là Cổ Châu xã. Nhưng rồi về sau do phe cánh hay anh em dòng tộc mâu thuẫn nhau gì đó mà một số người mới bỏ làng ra lập trại ở riêng. Không những ở riêng mà họ còn đòi lập làng riêng, đòi có triện đồng lý trưởng riêng. Không rõ cuộc đấu tranh ấy kéo dài bao lâu nhưng cuối cùng người làng tôi cũng đạt được mục tiêu. Họ còn chiếm được cả cái chợ và cái đền thờ bà Công chúa Trần triều vốn là người mở bến, lập chợ, chiêu dân lập ra cái làng Cổ châu này. Cái tên làng Riêng gốc tích là như thế. Nhưng còn cái tên làng Thông Lộc đặt ra sau này thì không thấy có một căn cứ gì. Làng tôi đâu có rừng thông, cũng chẳng có lấy một cây thông nào cả. Vì vậy mà "Thông Lộc" là gì thì tôi cũng chịu không sao giải thích được. Thời còn sống ma ông bố tôi, trong những lúc giải lao chuyện gẫu giữa buổi cày, buổi gặt, đôi khi ông cụ cũng có giải thích một cách hài hước rằng "Làng mình ở cạnh con Sông Đào, nên có bao nhiêu "lộc" thì nó "thông" đi cả, vì thế mới gọi là làng "Thông Lộc"?

Đúng là làng tôi nằm ngay cạnh một con Sông Đào. Các ông già bà cả trong làng thường vẫn kể về sự tích con sông này là do quân lính nhà Mạc đâo. Vua Mạc định đóng đô ở vùng núi thuộc Bình Giang-Phả Lại bây giờ, mới cho quân lính đào con sông này, cắt ngang qua cánh đồng, từ sông Kinh Thày vào, làm con đường thủy chuyển kinh đô từ Cổ Trai (Dương kinh) lên. Nhà vua lệnh cho quân lính phải đào xong ngay trong một đêm. Nhưng mới đào được đến nửa chừng thì có một vị thần núi hóa thành một con gà trống cất tiếng gáy báo sáng. Quân lính tưởng là trời sáng thật nên cũng nghỉ không đào nữa. Con Sông Đào thành một con sông cụt. Ngọn nó lửng lơ ở giữa cánh đồng mà việc xây dựng kinh đô của nhà Mạc ở vùng này cũng bị hủy bỏ. Nhưng ở đây vẫn còn dấu tích của thành nhà Mạc ở Phả Lại. Gần thành nhà Mạc còn có một cái ao cạn khá to gọi là Đấu Đong. Không phải để đong thóc, đong gạo mà là để đong quân lính. Đặc biệt, còn cả một phòng tuyến bằng lũy đất nối dài đến hàng mấy cây số, vẫn gọi là Bờ Hào. Ngọn con Sông Đào có cái tên rất hình tượng: Đuôi Nheo. Cái tên này đã làm tôi luôn nghĩ con Sông Đào chính là một con cá nheo khổng lồ, đầu nó rúc vào sông Kinh Thày còn đuôi nó thì ve vẩy quẫy ở giữa cánh đồng. Mà cái Đuôi Nheo ấy đang quẫy thật. Bởi nó nối liền với đầu của ba dòng suối chảy từ Chùa Sùng về, từ Càng Cua ra và từ Lễ Kễ xuống. Ba con suối ấy vòng vèo uốn lượn như ba dải lụa mềm vắt vẻo qua cánh đồng mà nối với Đuôi Nheo.

Đuôi Nheo chính là ngọn sông Đào làng tôi. Không biết có phải vì thế không, mà người làng tôi những lúc ru con hay những khi làm cỏ trên đồng thường hay hát cái khúc hát này:

Muốn tắm mát lên ngọn sông Đào
Muốn ăn sim chín thì vào rừng xanh
Hai tay vít lấy hai cành
Quả chín thì vặt, quả xanh thì đừng
Cùng một lời hát ấy thôi, khi hát ru thì nghe rất thiết tha nhắn nhủ, mà khi hát vui trên đồng nghe lại ngân nga, bay bổng, cứ như muốn khoe khoang cùng trời đất vậy. Tuổi thơ tôi đã từng được ru trong câu hát ấy và tôi cũng cứ đinh ninh rằng câu hát ấy là do chính người làng tôi làm ra, mặc dù cho đến tận bây giờ tôi vẫn chẳng có lấy một bằng cứ nào để chứng minh cho điều ấy cả.

Ngày chúng tôi còn bé, hàng năm, cứ đến mùa mưa rào là nước rừng theo các dòng suối ấy mà đổ vào Sông Đào. Nước con Sông Đào lại dâng lên cuồn cuộn chảy đổ ra sông Cái. Các loài thủy sinh, nhất là giống cá chép lại từ ngoài sông Cái được dịp ngược nước vào trong đồng tìm bãi đẻ. Đó là mùa người làng tôi thường rủ nhau đi úp cá giả. Toàn được cá thật thôi nhưng lại vẫn gọi là cá giả. Bởi ở mùa sinh nở, bao nhiêu tuyết vị thơm ngon béo ngọt của con cái thì dồn vào trứng, con đực thì dồn vào tinh cả, nên cá gầy ăn nhạt nhẽo không ngon. Gọi "cá giả" là vì thế. Giống cá đẻ thường thích chọn những ruộng trũng, hoặc bãi cỏ ven sông. Con cái lao lên đấy, chạy vòng tròn quẫy đạp rồi đẻ trứng. Những con đực cũng bám đuôi theo, hễ thấy con cái đẻ trứng thì lập tức chúng cũng phun tinh dịch vào.

Làng tôi có ông Lý Tín quanh năm kéo vó bè và hay sờ mò cá mú đêm hôm nên rất thạo về cá. Tôi phải gọi "ông Lý Tín" bằng bác, vì là anh em thúc bá với bố tôi và là bác trưởng tộc dòng họ Đỗ nhà tôi ở đời thứ 6. Ngày ấy, chúng tôi chưa biết được tên tục của bác, chỉ biết "Tín" là tên cô con gái cả, mà tôi vẫn gọi là chị, còn "Lý" thì bố tôi bảo chỉ là một chức "Lý mua" chứ không phải "Lý làm". Sau cách mạng tháng Tám, cũng như nhiều làng khác, làng tôi không còn "Tục hội đình", "Tục giỗ hậu" và "Tục bán chức" nữa. Nhưng những ai đã làm, đã mua, tức là đã thành danh thì người làng gọi quen rồi không thay đổi được nữa: ông Lý Tín, ông Đội Nhân, ông Lý Khang, ông Hội Tùng, ông Hội Mậu, ông Cai Viêm, ông Lý Vỵ, ông Tiên Phác, ông Ký Đính, ông Trưởng bạ Thọ, ông Trương Hương, ông Nho Mại...

Bác Lý Tín nhà tôi, có dáng người cao cao, cái đường ngôi cân ở giữa và một mái tóc mượt luôn được vuốt ngược về phía sau, trông khá ấn tượng. Chúng tôi thường thấy bác vận một bộ quân áo nâu đã bạc mầu nắng gió. Ống quần thường cộc chỉ chấm đến đầu gối. Ống tay cũng cắt cộc vừa chấm đến khuỷu tay. Những lúc đi cày ,đi bừa bác hay đội nón gủ và có cái dáng đi rất lững thững. Nhưng những lúc đi úp cá thì khác, bác thường để đầu trần hoặc chỉ đội một cái nón mê rất bé. Vì đã thông thạo những nơi cá hay đến đẻ nên bác thường đi "úp lảnh", nghĩa là đi riêng một mình chứ không "quần tam tụ ngũ" như dân nghiệp dư. Bác cũng không úp bằng nơm mà úp bằng một cái dập. Dập là một công cụ úp cá trông giống như một cái "vó tôm". Nó gồm có hai cái gọng tre và một vuông lưới gai được nối vào bốn chân gọng tre bằng những đường riềm sợi gai rất chắc. Úp bằng dập có cái diện tích úp lớn hơn nơm, nhưng vì mắt lưới thoáng nên lại nhẹ hơn nơm. Bác thường nép mình dưới một bóng tre, hay ngồi thu mình trên bờ, chăm chú theo dõi những đường cá chạy, y như một con thú rình mồi. Chỉ khi nào đàn cá cắn đuôi nhau đã thu vào thành một vòng tròn nhỏ và con cá cái ở giữa bắt đầu quẫy đẻ bác mới giương dập lên úp gọn. Có lần một mẻ dập của bác đã tóm gọn được cả một đàn cá có đến 12 con và cứ to đều như hòn gạch chỉ. Bác lễ mễ ôm cái bọc cá ấy về nhà trước sự trố mắt ngạc nhiên và thán phục của những người chứng kiến...

Bác Lý Tín có hai bà vợ. Bà vợ cả là kết quả của một mối tình đầu mãnh liệt. Hai người phaỉ lòng nhau, nhưng gia đình nhà gái không chịu gả cho bác vì chê nhà bác nghèo, mà lại đem ép gả cho người làng khác. Không chịu mất nhân ngãi bác hẹn với nhân tình cứ để đúng đến đêm hôm cưới thì trốn đi. Âu cũng là duyên trời, ngay tối hôm cưới, khi người chồng bé con còn đang vòi ngủ với mẹ, thì "cô dâu" trốn được ra điểm hẹn và hai người rủ nhau đi biệt. Làng xóm lại ồn lên về một câu chuyện tình vừa ly kỳ vừa sốt dẻo. Người ta bàn luận, khen chê, phỏng đoán... nhưng cũng là để cho vui miệng thế thôi chứ ảnh hưởng gì? Mãi đền khi câu chuyện tình kia đã nguội và những người "rỗi hơi" cũng đã thấy mỏi mồm thì đôi "vợ chồng trẻ" mới dẫn nhau về. Lúc này thì bụng "cô dâu" đã lùm lùm, ván đã đóng thuyền và thuyền đã có lái, một tay lái vững vàng, chắc khỏe. Bấy giờ thì "nhà giai" bên "chồng cũ" chỉ còn cách thuận tình cho nhà gái giả lễ. Nhưng bác cả này chỉ sinh được ba cô con gái: Tín, Ái, Phiếm. Bác càng ngày càng khát con trai. Giữa nạn đói năm 1945, cô Son-em gái bác, một lần ra chợ Bến, thấy một bà mẹ đói muốn cho con đi, cô Son đã xin về cho anh chị mình nuôi. Vì xin ở chợ Bến nên cũng đặt tên luôn là Bến và cái tên đầy đủ của người nghĩa tử trưởng tộc này là Đỗ Đình Bến.

Về sau, trong làng lại có một bà góa chồng mà mới sinh được một mụn con trai, đặt tên là Chấp. Người ta cũng đang cần chỗ dựa mà bác cũng đang cần một người vợ biết đẻ con trai. Bác tìm đến và cả hai bên đều thuận tình vui vẻ. Không ngờ cái mối tình "rổ rá cạp lại" này lại sinh thêm cho bác đúng ba người con trai nữa: Sĩ, Cam, Tý.

Nhưng khi lũ rừng về, nước sông Cái lên to, thì nước lại chảy ngược con sông Đào mà vào trong đồng. Người làng tôi lại phải hò nhau ra lấp cống để ngăn nước sông Cái không cho chảy vào đồng. Qua mùa lũ lại phải đào lên tháo cống ra để lấy nước vào đổ ải cấy chiêm. Không rõ con đê được đắp lên từ bao giờ nhưng cái cống Kỳ Đặc nối sông Đào ra sông Cái thì có ghi niên đại xây dựng là năm 1922. Năm nào cũng thế cứ phải một lần lấp xuống, lại một lần đào lên tốn khá nhiều công sức.

Nhưng cứ đến mùa lũ sông Kinh Thày thì bắt buộc phải lấp, không lấp thì cả làng, cả huyện sẽ ngập trong nước lũ. Bởi con sông Kinh Thày có đến bốn nguồn cung cấp nước: sông Đuống, sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam. Cho nên cứ sau một trận mưa nguồn vài hôm là nước sông Kinh Thày lại dâng lên. Dòng nước đục ngầu cuồn cuộn chảy, và cuốn theo nó cơ man nào là củi rác ở trên rừng về. Những cành cây củi rác từ trên rừng núi Thái Nguyên theo sông Cầu mà đổ vào sông Lục Đầu. Những cành cây củi rác trên núi rừng Yên Thế theo dòng sông Thương cũng đổ vào sông Lục Đầu. Những cành cây củi rác từ vùng núi Chàng, Chũ theo sông Lục Nam cũng lại đổ vào sông Lục Đầu. Sông Lục Đầu gom chúng lại rồi đưa chúng về xuôi. Nhưng đến đoạn hợp lưu với con sông Đuống thì bị ngọn nước của dòng sông Đuống này đánh tạt sườn, đùn phần lớn củi rác ở sông Lục Đầu vào sông Kinh Thày. Con sông Kinh Thày thành một dòng sông chở đầy củi rác. Dân hai ven bờ cứ thấy lũ đem củi về thì lại đua nhau ra kéo củi về đun, và họ cũng đặt tên luôn cho con sông này là dòng Sông Củi . Có lẽ đây mới chính là cái tên khai sinh của dòng sông . Rồi từ tên Sông Củi, các nhà nho mới chuyển nó thành tên chữ: Sài Giang: sài là củi mà giang cũng là sông. Sau này Sài Giang lại được thay hình đổi dạng một lần nữa mà thành ra Kinh Thày: "thày" vẫn là củi mà "kinh" cũng chỉ là một dòng kênh, tức là sông. Cũng giống như Sài Sơn được gọi là Núi Thày, rồi từ Núi Thày mà có tên Chùa Thày vậy...

Từ khi cống Kỳ Đặc bị lấp, nước sông Đào không có đường thoát ra sông Cái nữa. Chúng bị ứ lại và dìm làng tôi và hàng loạt các làng khác suốt một vùng trong đê của huyện Chí Linh vào mùa úng ngập. Cả cánh đồng dưới làng tôi bị ngập nước trắng băng, chỉ còn thấy nổi lên lác đác những gò đống: đống Cao, đống Mả Dậm, đống Quán Giáo, đống Cổng Chợ, đống Gốc Đề, đống Gốc Cậy, trại Phù Trang...Theo các bờ ruộng, giống cỏ nùng, cỏ môi ngoi lên nhanh chóng. Còn dưới chân ruộng thì tha hồ cho các loài rong rêu tự do mọc: rong đuôi chó, rong vẩy ốc, rau vậy, trang trang, súng...Vụ mùa, cánh đồng dưới làng tôi không cấy lúa được. Nó thành nơi thả trâu, đánh dậm, đánh sẻo và thả lưới bén...

2. Cụ Hậu...
Hồi đầu kháng chiến, có một lần giặc Pháp đi càn qua làng tôi. Chúng đóng quân lại một đêm trong khu nhà ngói ở giữa làng. Đó là khu nhà của cụ Hậu. "Hậu" chỉ là một chức mua của làng còn tên thật cụ là Đỗ Thị Thang, chị ruột của ông nội tôi. Nhưng khi tôi lớn lên thì các cụ đã "đi" cả rồi, nên những chuyện về các cụ tôi chỉ còn được nghe "hóng hớt" qua những cuộc chuyện trò giữa bố tôi với các bác, các chú, hoặc với những người bạn cày, bạn thợ. Qua những câu chuyện nghe "hóng hớt" được ấy, đại khái tôi hiểu rắng cụ Hậu là một người giầu nhất làng tôi. Cụ có đến năm mươi mẫu ruộng. Cụ cũng có lấy một đời chồng, gọi là cụ Nhất (do đỗ đầu một khoa thi hương nào đó mà có cái danh xưng này). Nghe nói cụ Nhất quê ở vùng Gia Lộc, cũng là một đấng mày râu "phong tình có hạng". Cụ đã từng có khá nhiều vợ, nhiều con ở các vùng quê khác. Thế mà không hiểu sao, đoạn cuối đời cụ lại bén duyên với "cô Thang" làng tôi và sống ở đấy cho đến trót đời. Không ai nhớ và kể về câu chuyện tình của họ. Người ta chỉ kể lại loáng thoáng về cuộc sống cao sang, đài các của "cặp uyên ương" ấy ở làng tôi thôi: cơm thì toàn những tám xoan, gạo dự, thổi bằng một loại niêu đất chỉ to bằng chiếc gáo dừa. Thức ăn mặn thì giò rim, tôm rang, cá kho...và chúng đều được tẩm ướp, kho rang rất công phu kỹ lưỡng. Các món canh, món nấu cho đến hoa quả ăn tráng miệng cũng vậy. Tuy hai ông bà ăn ít thôi nhưng phải thơm ngon, tinh khiết và hợp khẩu vị. Chẳng hạn: chuối phải là chuối chín trứng cuốc, hồng phải là thứ hồng chín đỏ và thật nhừ, đặc biệt là na thì phải chọn những quả to, chín mềm, để sẵn vào đĩa rồi dùng tăm gẩy hết mắt đi...Hai ông bà sống trong một ngôi nhà hai tầng duy nhất và cao nhất làng tôi. Phía sau là một một dinh cơ nhà ngói cây mít, sân gạch tường hoa của một trong những người con trai của cụ Nhất: ông Tiên Phác. Đằng trước, phía tay phải, hướng vuông góc với ngôi nhà hai tầng là bể hứng nước mưa đủ ăn quanh năm không cạn. Rồi đến năm gian nhà ngói chạy dài làm chỗ ở cho những người làm thuê. Kế đến là một khu nhà kho, nhà bếp có nền khá cao, chắc là để đề phòng những năm nước lớn. Dãy nhà kho nhà bếp này đối diện với ngôi nhà hai tầng và cách ngôi nhà hai tấng bằng một cái sân gạch, lát bằng gạch vuông Bát Tràng rộng mênh mông. Chỉ cách một con đường, và hơi chếch về phía tây nam khuôn viên này, lại là một cơ ngũ nữa: cũng nhà ngói cây mít, cũng sân gạch tường hoa, vườn bên ao trước, mênh mông thoáng đãng. Đó là dinh cơ của nhà ông Ký Đính con giai nuôi cụ Hậu (nhưng vẫn lấy họ chồng là họ Nguyễn). Ngôi nhà ông ký Đính tuy chỉ có một tầng nhưng cũng cao ngất nghểu y như nhà hai tầng. Bởi nó có cái nền rất cao. Trước cửa nhà để tiền sảnh. Mặt trước tiền sảnh xây tường hoa, có để ô thoáng. Hai bên xây hai bậc lên xuống trông giống như hai cái cầu thang vậy.

Nhưng không hiểu là do lấy chồng muộn hay sinh phải giờ "độc đinh cô quả" mà cụ Hậu làng tôi không sinh nở được. Bao nhiêu của nả cụ vun vào xây dựng cho con chồng, rồi xây dựng cho con nuôi. Cụ còn mua Hậu làng và xây trước cho mình một khu lăng mộ trên đống Mả Bà. Đây là một khu lăng mộ xây dựng toàn bắng đá xanh: kiểu dáng rất thanh thoát mà vẫn bề thế, khá bình dị mà vẫn hoành tráng. Giữa khu lăng là hai ngôi mộ nằm song song của hai ông bà. Phía đầu lăng có một am đá nhỏ. Phía chân lăng để một lối đi có bậc lên xuống. Xung quanh lăng được quây dựng bằng một hàng lan can đá. Không thấy có dựng bia tạc tượng cũng không thấy có bất kỳ một ý định phô trương nào trong khu lăng mộ này.

Nhưng ngay khi giặc vừa rút đi khỏi khu nhà ngói giữa làng tôi thì lập tức một đơn vị bộ đội được cử về phá sập. Người ta chỉ để lại cho làng năm gian nhà ngói tuy không dỡ mái nhưng vẫn phá tường. Ngược lại ngôi nhà hai tầng chỉ đánh sập được tấng, được mái nhưng lại không đánh sập được tường quây. Ngoài ra các khu khác đều thành những đống gạch vụn. Sau đó người làng tôi đi nhặt nhạnh những viên gạch lành còn sót lại xếp quây tạm tường bao và dùng ngôi nhà ngói năm gian này làm "Trụ sở", làm "Nhà văn hóa" của làng trong suốt một thời gian dài, qua kháng chiến chống Pháp, rồi hòa bình lập lại, mãi đến cải cách ruộng đất đem chia quả thực cho nông dân nó mới bị phá dỡ hoàn toàn.

Bước vào thời tao loạn, những con đường làng tôi, cũng không còn được tu bổ hàng năm như trước nữa. Nước ngập, rồi trâu bò đi lại nhiều, nó cuốc phá ra, lở xuống sông, xuống ao hết cả. Làng tôi bước vào thời kỳ "Trăm cái tội không bằng cái lội làng Riêng". Nhưng không thể lội bộ mà gánh gồng chuyên chở mãi được. Người làng tôi chuyển sang đan thuyền, đan mủng để "vận tải thủy", biến cái "khó" thành cái "thuận". Hàng năm cứ đến mùa nước úng, người làng tôi lại thi nhau đan thuyền hoặc sắn lại thuyền. Việc đan thuyền không nhẹ nhàng như đan rổ, đan rá nên phải có một "tốp thợ" mới làm được. Vì nan thuyền to, dài và cứng nên sau khi đưa chúng vào "lóng" còn phải gõ, sảm cho chúng thật khít vào nhau. Khi đã đan xong mê thuyền, lại phải chọn một nơi đất cứng, đào lấy một cái khuôn giống như cái thuyền thật, đặt mê thuyền vào rồi dùng chân dận, vồ đập, đòn thúc, sao cho mê thuyền ăn thật khít vào khuôn đất. Khi ấy người ta mới cạp thuyền. Nhưng thuyền cạp xong cũng chưa thể hạ thủy ngay được, còn một khâu quan trọng nữa: sắn thuyền. Sắn thuyền tức là dùng một loại vật liệu đặc biệt chát kín những kẽ nan để chống thấm nước.

Ở vùng tôi có một loại vỏ cây chuyên dùng vào việc sắn thuyền và người ta cũng gọi luôn cây đó là cây sắn thuyền. Làng tôi không sẵn loại cây này nên thường phải đi chợ Thiên, chợ Ngái mua về: băm nhỏ ra, cho vào cối đá đại, dùng chày dài đứng giã tung tơi ra như ruốc, đổ loại bột này vào lòng thuyền, dùng một loại đòn tre, có dập mềm đầu đi một chút, rồi cứ thế mà thúc, mà chà đi xát lại cho bột vỏ sắn thuyền nhét kín vào các kẽ nan. Chất nhựa trong vỏ cây sẽ làm cho loại bột này tự kết dính lại, ngăn cho nước không ngấm được lên lòng thuyền nữa. Nhưng thực ra nó cũng chỉ làm chậm quá trình ngấm nước lại thôi, cho nên cái thuyền nào người ta cũng vẫn phải để chừa ra một khoang nhỏ gần sạp lái làm tầu tát nước. Hễ nước vào nhiều thì lại phải dùng gầu, dùng gáo múc tát nước ra.

Tôi biết được cây sắn thuyền là nhờ ở vườn sau nhà cụ Hội Thỉnh, ngay phía trước nhà tôi có một cây sắn thuyền to lắm. Khoát của nó chắc phải già một gang tay. Đoạn thân đứng thẳng, từ gốc đến chỗ phân chi, phân nhánh phải cao ngót ba mét. Hàng năm tôi vẫn thấy nhà ông cụ cho bóc vỏ một lần. Nhưng chỉ một thời gian sau vỏ mới lại mọc ra che kín cái thân gỗ.Tán lá cây sắn thuyền khá thon gọn. Màu lá cây sắn thuyền không xanh biếc, xanh đậm mà ngả màu nhung bạc như có một lớp sương khói mỏng láng ngoài. Quả cây sắn thuyền khi chín giống như quả mồng tơi nhưng tròn hơn. Nó có vị chua chua ngòn ngọt mà bọn trẻ chúng tôi rất lấy làm khoái khẩu. Nhưng thèm là thèm vậy thôi, chứ vườn nhà ông cụ rào kín, nhà lại có chó. Nhất là cái thằng Phả, cháu nội của ông cụ, kém tôi vài tuổi, thỉnh thoảng lại tụt quần ôm áo, lon ton chạy ra gốc sắn thuyền, chìa cái mông trắng hếu của nó ra mà ị. Con chó quen rồi cũng lập tức chạy theo và nó ị đến đâu thì con chó cũng "tiêu thụ" ngay đến đó. Thành thử, nhiều khi đứng ngoài dậu, trông thấy những quả sắn thuyền rơi lấp lánh trên lá, trên cỏ mà chúng tôi vẫn không dám xé dậu chui vào bởi nhỡ ra...thì sao...?

Chỉ có cây duối ở góc vườn nhà ông cụ, ngay trước cổng nhà tôi, là nằm ngoài hàng rào và không ai giữ cả. Cây duối này cũng to. Gốc chả kém gì cây sắn thuyền nhưng giống duối không cao cây như sắn thuyền. Lá duối mép có răng cưa, mặt trên xanh biếc và nhẵn, mặt dưới xanh nhạt và nháp. Chúng tôi thường lấy lá duối, gấp mặt nhẵn vào, dùng mặt nháp để đánh trắng răng, làm đỏm. Cây duối này rất sai quả và quả chín rất rộ. Nhiều khi đến bất ngờ. Chiều hôm trước chưa thấy gì, thế mà chỉ sau một đêm, sớm hôm sau trời hửng nắng, nhìn lên cây đã thấy vàng mọng những quả là quả. Cứ như những chùm vàng ,chuỗi ngọc treo gắn thấp thoáng ẩn hiện khắp vòm lá xanh. Quả duối to như hạt ngô, khi chin ngả mầu vàng, mọng nước trông rất là ngon mắt, nhưng ăn thì chỉ nhan nhát ngọt không mấy thú vị. Nhất là sau những trận mưa, quả duối trông càng mọng, càng to thì ăn lại càng nhạt. Nhưng mùa nào thứ ấy, có thứ hoa quả gì mà chúng tôi không vơ vào miệng: duối, sung, vú bò, phèn đen, trà vó, rút rế...

Cơ ngơi của cụ Hội Thỉnh tuy chưa có nhà ngói cây mít nhưng đã có sân gạch tường hoa và ngôi nhà năm gian bằng gỗ xoan rất đẹp. Chính giữa vườn trước sân, có một khóm mẫu đơn hoa trắng, to như cái đống rạ lùn. Đến mùa hoa nở, trông cứ trắng đều như bát úp, thỉnh thoảng lại thấy dập dờn những cánh bướm, to như cái bàn tay, màu sắc sặc sỡ, bay dạo quanh kiếm mật. Bên cạnh khóm mẫu đơn là một cái bể chứa nước. Xung quanh bể có trồng mấy cây cau, vừa tạo cảnh vườn quê vừa làm những cái phễu để hứng nước mưa. Hết vườn trước là đến ao trong, rồi đến ao ngoài (vì nó nằm ngoài bờ tre, giáp với cánh đồng bãi nên gọi là ao ngoài). Bên bờ ao trong, mép vườn trước, có một cây hồng, nhưng không mấy khi trông thấy quả. Chúng tôi để mắt nhiều hơn đến cái cây ổi Tầu đã đổ ngả xuống ao, một phần cành lá của nó đã nhúng xuống cả mặt nước.

Cụ Hội Thỉnh thuộc lớp người cùng thế hệ với ông nội tôi. Nghe đâu, ông nội tôi trước đây đã từng dạm hỏi đính ước với chị gái cụ hội Thỉnh: bà Nghiêm Thị Cách. Nhưng chưa kịp cưới xin gì thì bà Cách đã mất sớm. Sau này khi biên soạn lại gia phả của dòng họ, tôi vẫn thấy ở một bản sao chép lại trong cuốn vở học trò của chi hai (chi nhà tôi) có tên bà Nghiêm Thị cách. Có lẽ vì thế mà khi bố tôi đến tuổi lấy vợ, ông nội tôi muốn nối lại nghĩa cũ tình xưa để đi lại cho thêm gần gặn, mới định hỏi cô Nghiêm Thị Giảng, con gái cụ Hội Thỉnh cho bố tôi. Nhưng cụ Hội Thỉnh không chấp nhận với lý do: "Còn có họ, không lấy được!". Thế là cô Giảng phải đi lấy chồng người làng Gốm, sau khi sinh được một người con trai thì lại mất vì bệnh hậu sản. Bố tôi sau này lấy mẹ tôi người bên làng Ninh xá. Có sinh nở vài lần, nhưng nuôi được có mỗi mình tôi rồi cũng mất vì bệnh hậu sản. Số phận của hai người phụ nữ này cũng na ná giống nhau. Đó là lý do mà về sau này bố tôi thường hay than thở với những người bạn cày: "Ấy cũng tại cái số tôi nó thế. Lấy bà nào thì bà ấy cũng chê mình mà bỏ mình đi!".

Ông Hội Thỉnh là người cáu bẳn và cố chấp. Cái giọng nói của ông cụ vừa dè dè vừa lảu nhảu gắt gỏng rất khó nghe. Không mấy ngày mà hàng xóm không thấy tiếng ông cụ quát tháo gắt gỏng ở bên nhà. Ngày tôi còn bé, tôi cũng gặp đôi lần ông cụ sang nhà tôi chơi. Nhưng hơi tý là ông cụ cũng mắng mỏ hoạnh họe rất to tiếng với tôi, làm tôi chẳng mấy có cảm tình với cái "lão già này". Nhưng sau đó thì ông cụ xuống sức nhanh chóng. Tôi không còn thấy ông cụ sang nhà tôi chơi nữa. Nhưng thỉnh thoảng vẫn còn nghe thấy tiếng những cơn ho kéo dài của ông cụ. Tiếng ho cứ ngày càng nhỏ dần. Rồi ít tháng sau, ông cụ mất vì bệnh ho lao.

Cụ bà Hội Thỉnh ngược lại rất ít tiếng, miệng luôn bỏm bẻm nhai trầu, nhưng nói câu nào nghe cũng vắt vẻo, khoảnh khoái giọng bề trên lắm. Cho nên cũng ít người gần gặn. Được cái bà cụ ăn mặc khá tươm tất, chỉnh tề: cái váy thâm đất, cái áo cánh nâu, cái khăn mỏ quạ, lúc nào cũng lành lặn sạch sẽ, chứ không lôi thôi cũ kỹ như bà cụ Chùa, bà cụ Chuột làng tôi. Bà cụ sống mãi đến thời cải cách ruộng đất, bị nông truy bức đấu tố, không chịu nổi, một đêm bà cụ trốn nhà ra một cái chuôm giữa đồng trẫm mình chết. Sáng hôm sau có người làng phát hiện ra, vớt xác cụ lên thì cua đã cắp nát tai, nát mắt bà cụ rồi!

Nhà ông cụ có cả thẩy sáu người con: Thỉnh, Chư, Giảng, Đọc, Mưu, Nghệ. Trong đó có ông Thỉnh, ông Chư là con trai. Ông Chư biết nói, đi tham gia cách mạng từ ngày còn "bóng tối", mất ở xa, không thấy trở về làng. Ông Thỉnh là cả thì lại bị câm. Tuy không nói được nhưng ông Thỉnh tỏ ra rất khôn và làm thợ mộc giỏi nhất làng tôi. Khi giao tiếp với mọi người ông ta chỉ "a, á...á, á...", "ự, ự...ự ự..." và dùng tay ra hiệu chỉ trỏ, dùng cổ gật gật, lắc lắc, cộng thêm với nét mặt nữa, để biểu hiện ý mình. Bọn trẻ chúng tôi không hiểu được ngôn ngữ của ông Thỉnh. Nói đúng ra, chúng tôi chỉ hiểu được vài từ rất bản năng và phổ biến. Chẳng hạn để chỉ đàn bà, con gái hoặc cái của đàn bà con gái mọi người thường ấn đầu ngón trỏ vào ngón giữa rồi khuỳnh ngón ra để làm biểu tượng. Ông Thỉnh làm đơn giản hơn, chỉ bấm đầu ngón trỏ vào đầu ngón cái tạo ra một vòng tròn để làm biểu tượng thôi. Còn biểu tượng chỉ đàn ông, con trai hoặc cái của đàn ông, con trai thì cũng như mọi người: đó là một ngón tay trỏ. Ông Thỉnh rất hay dùng cái biểu tượng này để trêu đùa chúng tôi. Hễ thấy chúng tôi đâu là ông ấy lại lấy cái ngón trỏ, xỏ xỏ vào cái vòng tròn, hất hàm hỏi: " Đã muốn lấy vợ chưa?". Chúng tôi lắc đầu "chưa, chưa" là ông ta lại cười và lắc đầu không thừa nhận "Các cậu đếch trung thực!"...Ông Thỉnh cũng có vợ, có con đàng hoàng. Vợ ông Thỉnh là một người phụ nữ cũng khá gái và tính tình rất điềm đạm. Nghe bà ấy kể lại thì ông Thỉnh cũng là người khá nóng tính. Cái gì không vừa ý là cũng gắt nhặng lên, có khi còn đấm đá túi bụi rồi dùng tay hẩy hẩy đuổi cút vợ đi. Những lúc như thế, bà Thỉnh chỉ lẳng lặng chấp hành, giả vờ đi chơi bên hàng xóm. Đợi khi ông ấy đi làm thì lại mò về lo toan việc nhà, chứ chấp gì với cái ông câm.