Chim Việt Cành Nam             [ Trở Về ]

KHI 'TRIẾT GIA' TRẦN ĐỨC THẢO NÓI VỀ NGUỒN GỐC CỦA Ý THỨC CON NGƯỜI
______________________________________

Võ Hưng Thanh

Đây là bài viết của ông Trần Đức Thảo được đăng trên Tập San Đại Học Sư Phạm (Hà Nội), miền Bắc VN, số 1, 1955, tr. 7 - 24. Mặc dầu đến nay có vẻ thời gian đã cũ, những thật ra ý nghĩa của vấn đề lại không cũ. Bởi lẽ cho đến nay có nhiều người VN vẫn rất ngưỡng mộ và tôn vinh ông Thảo, như là một triết gia đầu tiên vĩ đại nhất VN, ngang tầm với những nhà triết học hàng đầu thế giới vào chính thời kỳ vẽ vang mà ông đã xuất hiện. Tất nhiên, nếu điều đó đúng thì là một vinh quang lớn của đất nước VN mà hết thảy mọi người đều ao ước. Nhưng có điều là, khi đọc các bài viết của ông Thảo từ đó đến nay, phần lớn đều chỉ có một giọng, đó là sự si mê thuần túy của ông Thảo đối với một nhà tư tưởng khác, còn hầu như phần riêng tư và đóng góp của ông vào lịch sử tư tưởng nói chung thật sự đều không có gì cả, ông chỉ như người hoàn toàn đi minh họa lại tư duy và quan điểm tư tưởng của người khác, thế thôi.
 
Thật ra, cũng có nhiều lý do để có thể thông cảm được với ông Thảo. Chẳng hạn, cũng có thể bối cảnh thời đại lúc đó trong cuộc sống ở miền Bắc, có thể do áp lực của hoàn cảnh lúc đó, của những người chung quanh ông Thảo, khiến ông không thể nói khác đi những điều gì ông đã nói. Nhưng nếu thế thì ý thức sâu sắc của một nhà triết học đối với đối với cuộc đời và những người khác chung quanh mình, liệu nói lên tính cách của ông Thảo ra sao. Còn nếu quả thực ông Thảo không chịu áp lực từ đâu cả, mà những điều ông viết ra là hoàn toàn sáng suốt, tự nguyện và hăng hái, thì liệu năng lực tư duy hay khả năng tư tưởng của ông Thảo có cho thấy điều gì đó có ý nghĩa hay giá trị, cũng như kết quả đóng góp của ông ta về mặt tư tưởng triết học cho đời thật sự có gì đáng nói, hay thật sự chỉ biểu hiện một khả năng xoàng xỉnh và tầm thường, sẽ còn lưu dấu mãi mãi lại với thời gian, và cũng khiến bao người đã sống, hiện tại, và cả trong tương lại biết đâu chẳng bội phần thất vọng.

Thật sự, đây là một đề tài hết sức căn cơ và nền tảng về mặt triết học, tức nói về "nguồn gốc của ý thức con người", rất tiếc ông Thảo chỉ có một cái nhìn hoàn toàn hời hợt và hết sức thường tình. Giống như bất kỳ người nào biết chút ít về triết học mác xít đều có thể nói ra được. Ông Thảo là người mác xít, đáng lý ra ở đây ông ta có thể soi rọi hay nâng cấp hơn chính quan điểm mác xít đã có, đằng này ông chỉ như một cậu học sinh học thuộc bài, một cán bộ văn hóa bình thường đi thuyết giảng hay tuyên truyền chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử đã có, mà không không thể hiện bất cứ cái nhìn triết học nào riêng tư về phần ông đối với một vấn để của triết học nói chung, không phải chỉ là ý nghĩa riêng của triết học Marx. Có nghĩa gần như ông Thảo không có một cái nhìn toàn diện và sâu xa gì về triết học, giống như ông chỉ có nhập tâm điều gì ông đã biết về thuyết duy vật của Marx, thế thôi, và sự tranh luận nổi tiếng của ông với Jean Paul Sartre, nhà văn và nhà triết học thời đó của Pháp, tất nhiên cũng giống như một trò chơi cân não về quan điểm chính trị, mà thật sự chẳng ăn thua gì với bản thân, giá trị cùng ý nghĩa của triết học nói chung cả.

Chủ đề thật sự của ông Thảo muốn nói ra đây là "Nguồn gốc ý thức trong cuộc tiến hóa của hệ thần kinh", tức ông Thảo muốn đặt vấn đề về mối quan hệ giữa hệ thần kinh và ý thức, theo như quan điểm tư tưởng của ông, mà nói đúng ra đây là quan điểm tư tưởng mác xít, mà thực chất chẳng có gì mang tính cá biệt hay riêng tư của Trần Đức Thảo cả. Nên nếu bài viết này ông đem dạy sinh viên trong trường thì có lý, giống như đối tượng để cho ông tuyền tuyền điều gì mà chính mình đã hiểu biết, còn nếu đặt vấn đề như muốn nói lên các suy nghĩ và tư duy riêng của ông cho mọi người được biết, và nhằm đóng góp vào cho sự phát triển của tư tưởng nói chung trong lịch sử xã hội, thì điều này không những là một con số không, mà thậm chí còn phi triết học, phản triết học, thậm chí phản khoa học, như những điều gì ông Thảo đã viết. Điều đó không cần biện luận, cũng không phải nhằm cố ý bôi bác gì Trần Đức Thảo, nhưng quà thật giấy trắng mực đen những gì ông viết ra thì mãi mãi vẫn cứ tồn tại đó, cho dầu ngay nay ông có muốn sống lại để nhằm cải chính hay bổ sung thêm gì cũng hoàn toàn không thể được, và đây chính là kinh nghiệm ngàn đời cho TĐT.

Chẳng hạn, ngay ở đầu của bài viết, ông Thảo đã phải mào đầu ngay bằng một lời trích dẫn từ Engels : "Thế giới vật chất mà chúng ta nhìn thấy được bằng giác quan, trong đó có cả chúng ta nữa, là thực tại độc nhất.  Ý thức và tư tưởng của chúng ta, dù có tỏ ra siêu việt đến đâu chăng nữa, cũng chỉ là những sản phẩm của một khí quan vật chất của cơ thể, tức là bộ óc.  Vật chất không phải là sản phẩm của tinh thần, nhưng chính tinh thần chỉ là cái sản phẩm cao cấp của vật chất". Chắc ông Thảo cho lời dẫn chứng này là khuôn vàng thước ngọc. Nhưng ông lại không nhìn ra rằng mệnh đề "thực tại độc nhất" chỉ là một mệnh đề cảm tính. Lấy cơ sở nào để bảo là thực tại độc nhất nếu không chứng minh được về mặt lô-gích hay mặt toán học, kể cả mặt vật lý học. Nói thông thường thì được, nhưng phát biểu về mặt triêt học là không chặt chẽ. Người bình thường tán thành là được, những với tính cách là nhà triết học, hay người có năng lực tư duy triết học, người khoa bảng và có bằng cấp triết học được đào tạo chính quy ở Pháp, thì thật tình cho thấy quá tầm thường và xoàng xỉnh.

Ông lại viện dẫn Engels tiếp : "Aêng-ghen nói trong cuốn Lút-vích Phơi-ơ bác: "Vấn đề chủ yếu và căn bản của tất cả các triết lý, đặc biệt là triết lý cận đại, là vấn đề quan hệ giữa tư tưởng và thực tại"". Ông Thảo lại một lần nữa cho thấy tính cách ngờ nghệch của mình khi trích dẫn như thế. Bởi vì nhà triết học không nhất thiết luôn luôn phải trích dẫn người khác. Người ta mong đợi là tư tưởng của riêng anh, không phải việc anh có khả năng biết dẫn chứng hay biết viện dẫn ra điều gì người khác nói. Dẫn chứng mà không biết suy xét, vì vấn đề quan hệ giữa tư tưởng và thực tại đâu phải ý nghĩa duy nhất của triết học. Chẳng hạn, sự tồn tại của bản thân vật chất, hay mối quan hệ nội tại hoặc tự thân của tư tưởng, cũng là những ý nghĩa cơ bản đấy chứ. Có nghĩa ông Thảo không hề làm triết học hay cũng chẳng muốn hay tha thiết gì đối với việc làm triết học, mà thật sự ông chỉ nhằm đi phụ họa theo người khác về những cái gì người khác đã nói và ông đã học được.

Sự tầm thường đó cho thấy qua sự suy nghĩ "lãng nhách" sau đây của ông Thảo : "Sự phân biệt, liên quan và tác động lẫn nhau giữa tư tưởng và thực tại, tinh thần và vật chất, là một kinh nghiệm hiển nhiên trong đời sống hàng ngày. Ai cũng biết rằng điều kiện ăn, ngủ, hoạt động cơ thể nói chung có ảnh hưởng sâu sắc đến ý thức tư tưởng. Trái lại, tình hình tư tưởng tác động vào khả năng và trạng thái của cơ thể. Nhưng vấn đề là nhân tố nào là nguồn gốc và căn bản. Đó là nội dung chia rẽ các nhà triết học. Một bên thì không phủ định cái ảnh hưởng của vật chất, nhưng lại cho rằng đấy là hiện tượng nông cạn, và xét tới cùng thì tinh thần là nhân tố nguyên thủy và quyết định.  Bên kia thì cũng nhận thấy những hiện tượng tinh thần, nhưng vẫn quả quyết rằng vật chất là nguồn gốc và xét tới cùng thì quyết định đời sống tư tưởng". Ông Thảo như chỉ muốn kể lại lịch sử triết học, mà hình như tự ông chẳng có mặn mà gì với chính các vấn đề mang tính sâu xa hay các vấn đề cốt lói trong bản thân của triết học. Đó cũng đâu phải vấn đề chia rẽ của triết học, hình như ông Thảo chỉ quen các danh từ và ý niệm trong đấu tranh chính trị, thay vì là thái độ nghiêm túc chỉ luôn luôn muốn vì chân lý với ý nghĩa khách quan của triết học.

Và cũng chính vì sự hồ hởi riêng tư đó mà TĐT viết : "Sau những cuộc tranh luận cực kỳ phức tạp giữa hai phe, kéo dài đến 25 thế kỷ, chủ nghĩa Mác đã đề ra giải pháp khoa học vững chắc : ý thức tư tưởng xuất hiện trong cuộc tiến hoá vĩ đại của tự nhiên đi từ vật chất, qua sinh vật, lên nhân loại. Tư tưởng là sản phẩm của vật chất đã đạt tới trình độ tối cao của nó, tức là bộ óc của người ta phản ánh đời sống xã hội của loài người". Nhưng lấy cơ sở nào để TĐT có thể viết được điều này. Đây như thể là một sự áp đặt tư duy thuần túy. Đối với người nào không biết triết học, chỉ dựa trên niềm tin hay cảm tính, còn có thể thông cảm được. Đằng này TĐT muốn phát ngôn như một nhà triết học, thật hoàn toàn lố bịch và thấp kém, mang tính bất chất, vô trách nhiệm trí thức, cũng như phản tri thức một cách đáng chê trách. Trong khoa học và triết học, muốn xác quyết điều gì đều cần phải được chứng minh chặt chẽ, không thể chỉ có nói bừa một cách vô ý thức giống kiều TĐT như đã thấy.

Rồi TĐT lại viện dẫn Engels để nói tiếp : "Đành rằng hoàn cảnh khách quan tác động vào cá thể mỗi người, nhưng chính cái tác động đó lại thông qua bộ óc, tức là xuất hiện dưới hình thức tinh thần. Như Ăng-ghen lại nói trong tác phẩm nhắc ở trên, "không thể nào tránh khỏi rằng tất cả cái gì kích thích người ta, tất nhiên phải qua bộ óc: đến việc ăn uống cũng là từ một cảm giác đói khát trong bộ óc.  Những tác động của ngoại giới vào người ta được biểu diễn và phản ánh trong bộ óc dưới hình thức cảm giác, tư tưởng, xúc động, ý muốn, nói tóm lại, dưới hình thức "xu hướng tinh thần" và, dưới hình thức đó, biến thành "lực lượng tinh thần"". Nói kiểu nầy TĐT giống hệt kẻ ngây thơ, bởi vì nói như vậy nhằm làm gì, triết học và khoa học không phải chỉ nhằm mô tả sự vật mà chính là lý giải và cắt nghĩa bản thân của sự vật. Trong sự xác quyết trên có tính cách gì là lý giải chiều sâu đâu, quả là một ý thức hoàn toàn thiển cận, và cũng rất hết sức tầm thường của Trần Đức Thảo về mặt tư duy triết học. Thật ra, chủ ý của TĐT ở đây chỉ muốn khẳng định tinh thần cũng chỉ là vật chất, là sự khẳng định hoàn toàn một chiều và cũng là một sự khẳng định theo người khác một cách thuần túy.

Và đây là sự kết lại của TĐT về ý nghĩa của tiến hóa mà thuyết Darwin đã nêu ra từ lâu : "Cuộc tiến hoá ấy lại được soi sáng từng bước, nhờ những quy luật biện chứng do Marx, Engels, Lenin đã phát kiến, và nhờ sinh vật học và tâm sinh lý học tiền tiến của Mít-su-rin và Páp-lốp. Trên cơ sở lý luận đó, vấn đề huyền bí cựu truyền, vấn đề quan hệ giữa tư tưởng và thực tại, tinh thần và vật chất, trở thành hoàn toàn khoa học: nó là vấn đề vật sinh tâm qua lịch sử của hệ thần kinh trong cuộc tiến hoá của tự nhiên và xã hội". Chúng ta biết lý thuyết tiến hóa đã được Darwin mô tả bằng những dữ kiện cụ thể sinh học của hình thái và đời sống sinh học. Đó là khoa học khách quan, và ngày nay lý thuyết tiến hóa đó còn được đi sâu thêm vào ý nghĩa vi mô của sinh học phân tử. Nhưng ở đây TĐT lại chỉ muốn nhét duy nhất vào ý nghĩa "biện chứng", một ý nghĩa hoàn toàn mơ hồ, mang tính cách siêu hình, giáo điều, lại được TĐT diễn đạt theo cách cả vú lấp miệng em, là một thói quen hay thái độ phi khoa học mà ông ta thường diễn đạt. Rõ ràng TĐT chỉ cốt nhằm minh họa cho cái được gọi là "ý hệ" mà không hề phản ánh mục đích khoa học hay triết học gì có tính phê phán, đóng góp, hay sâu xa cả. Tinh thần TĐT sử dụng là dùng một ý thức huyền bí để phê phán tư tưởng của những người khác do mình không ưa là huyền bí.

Và sau khi phân tích lằng nhằng tầm thường về các ý nghĩa của cảm giác, tri giác, tư duy ý thức, TĐT quả nhiên đã đi đến một kết luận luôn luôn có tính cách muôn thuở của mình : "Cảm thức chuyển lên nhận thức lúc mà hoạt động của cơ thể tiến lên lao động sản xuất.  Tổ chức cử động và ý thức chủ quan không còn đóng khung trong những quan hệ trực tiếp giữa cơ thể và hoàn cảnh, vì đã phải thông qua phương thức sản xuất và thượng tầng kiến thức.  Tuy nhiên quan hệ trực tiếp, tức là quan hệ cảm thức, vẫn là nhân tố căn bản và tất yếu để xây dựng những quan hệ có tổ chức trong xã hội loài người. Quá trình tiến hoá thực tại chứng minh cụ thể nguồn gốc và cơ sở vật chất của ý thức tư tưởng". Sở dĩ TĐT viết như thế bởi do chính Marx đã viết như thế thôi. Tức tất cả đều quy về cho lao động sản xuất, phương thức sản xuất cũng như thượng tầng kiến trúc, và tất nhiên cuối cùng tinh thần là do vật chất mà ra. Toàn bộ kiến thức và năng lực hiểu biết của TĐT chúng quy luôn chỉ có thế. Nó hoàn toàn là một niềm tin khẳng định mà không hề là nhu cầu đi tìm cái mới trong khoa học và triết học gì cả.

Bởi chính câu hỏi lớn về mối quan hệ giữa vật chất và ý thức, giữa vật chất và sự sống, giữa sản xuất kinh tế và tư duy khoa học hay ý thức lô-gích là điều TĐT không bao giờ đặt ra một cách độc lập, nhưng chỉ là người lặp lại thuần túy ý thức hệ của Marx. Ông ta không bao giờ muốn, không bao giờ chịu, hay thậm chí không bao giờ có khả năng đi vào phân tích chiều sâu tận kỳ cùng các ý nghĩa vấn đề theo đòi hỏi và yêu cầu của triết học cũng như khoa học đích thực, mà chỉ luôn dừng lại ở mức khẳng định theo niềm tin, theo giáo điều đã có, không bào giờ đặt ngược vấn đề liệu các tiền đề như thế đã cơ bản chưa, những điều như thế có đúng không, có đầy đủ và khách quan không, như ý nghĩa của cái được ông gọi là 'biện chứng' chẳng hạn. Bởi khái niệm biện chứng là khái niệm duy tâm của Hegel, ý nghĩa và nguồn cội của nó là duy tâm. Một ý nghĩa duy tâm thuần túy khi được Marx đem vào áp dụng cho quan điểm duy vật thuần túy, liệu nó có còn cơ sở hay giá trị, đó là điều mà nhà triết học như kiều Trần Đức Thảo không bao giờ nghĩ đến, bởi vì ông ta chỉ là một tay giáo điều thuần túy.

Đó chính là điều mà TĐT đã viết : "Trước khi tìm hiểu biện chứng pháp của hệ thần kinh, và đi vào vấn đề ý thức, cần phải quy định rõ những bước quan trọng đã được thực hiện trong cuộc tiến hoá". Nhưng thế nào là biện chứng pháp của hệ thần kinh, thật là hoàn toàn ngớ ngẫn và huyền hoặc. Hệ thần kinh là một tổ chức sinh học, TĐT lại có ý muốn nhìn như một tổ chức vật chất. Trong khi vật chất chỉ là cấu trúc vô cơ thuần túy, hệ thần kinh là một cấu trúc có mục đích, có ý nghĩa, có sự chọn lựa, là điều mà TĐT không hề hay không muốn nghĩ đến. Thế hệ thần kinh là "biện chứng pháp" vật chất hay "biện chứng pháp" ý thức mà TĐT muốn nói đến. Hoạt động sinh học, tức sinh lý, phải chăng là hoạt động mang tính 'biện chứng' theo kiều giản đơn là mâu thuẫn và phủ định của phủ định như TĐT đã thuộc nằm lòng, một điều mà không bao giờ ông ta muốn phân tích, mà chỉ là một niềm tin mang tính chất cứng nhắc. Hệ thần kinh là cơ chế sinh học, thế thì giữa cơ chế sinh học này và cơ chế hoạt động trừu tượng của ý thức có mối quan hệ thực chất sâu xa nhất ra sao, TĐT không hề nghĩ đến, bởi vì chính ngay trong khoa học ngày này người ta vẫn hãy còn chưa rõ. Quả TĐT chỉ là một đầu óc mê muội về mặt ý thức hệ.

Và sau khi dùng những luận cứ tiến hóa sinh học hoàn toàn khách quan của khoa cổ sinh vật học và thuyết tiến hóa trong khoa học tự nhiên, TĐT viết tiếp : "Đến trình độ KHỈ HẠ TẦNG, vỏ óc mới lại phát triển thêm, đặc biệt là múi trán. Thị giác và thính giác chiếm ưu thế rõ rệt đối với khứu giác và do đấy nâng cao trình độ thuận ứng trong không gian. Đây mới là quan hệ không gian trực tiếp hiện tại trước mắt. Đến trình độ KHỈ NHÂN HìNH, vỏ óc mới tiếp tục phát triển, tổ chức cử động đã bắt đầu đi xa hơn giới hạn hẹp hòi của những quan hệ trực tiếp kia. Đến loài NGƯỜI thì múi trán phát triển một cách đặc biệt, hai bán cầu vỏ óc mới đã che lấp hoàn toàn những bộ phận cũ của bộ óc. Những cử chỉ dùng, tìm, sắp xếp và giữ dụng cụ đã vượt qua một bước quyết định và tiến lên một trình độ đặc biệt mới, tức là lao động sản xuất và bảo tồn công cụ". Đấy, mục tiêu của Trần Đức Thảo là vậy. Chỉ vận dụng các dữ liệu khách quan của khoa học tự nhiên để cốt đưa vào ý thức hệ. Một sự quy nạp hay áp đặt vô căn cứ, ý hệt việc đặt cái cày trước con trâu, và buộc con trâu phải đẩy, thay vì ý nghĩa của con trâu là phải kéo cái cày. Tức ở đây khoa học và triết học không còn nhiệm vụ khám phá cái mới trong chân lý nữa, mà chỉ là minh họa hay duy nhất trở nên sản phẩm của ý thức hệ đã có sẵn từ trước. Chỉ cần khẳng định kiểu áp đặt mà không cần lý giải thật sự hợp lý và đầy đủ, đó luôn luôn là tiêu chí của TĐT.

Ông Thảo viết : "Công cụ và dụng cụ có thể giống nhau về hình thức, nhưng xét đến thực chất thì khác nhau sâu sắc. Sự phân biệt đây đánh dấu bước nhảy vọt chuyển từ vật lên người, từ tự nhiên lên nhân loại. Công cụ là do người làm ra, đồng thời lại sát nhập thành một bộ phận cần yếu của sức lao động sản xuất của loài người, cơ sở để tái tạo thiên nhiên, gây nên một thế giới nhân bản. Với thái độ lao động sản xuất và bảo tồn công cụ, đã xuất hiện những quan hệ chặt chẽ giữa người và người trong những tập đoàn sản xuất. Ngôn ngữ là một khí cụ truyền đạt, phát sinh trong những quan hệ công tác, tổ chức, truyền thuật, giữa những người sản xuất. Với cái khí cụ đó, loài người đã có năng lực tạo nên một thế giới ý tưởng phản ánh thế giới thực tại. Trong thế giới ý tưởng ấy, người ta xây dựng lại những sự việc thực tại theo những quan niệm phản ánh trong tinh thần phương thức sản xuất vật chất của xã hội. Những lực lượng tạo tác tối cao của tinh thần là sản phẩm của những lực lượng tạo tác vật chất của loài người lao động".

Ý ông ta muốn nói chính sự phát triển của công cụ lao động đã biến con vật thành ra con người. Và toàn bộ thế giới tinh thần và ý thức của con người cũng chỉ là sản phẩm của những lực lượng tạo tác vật chất của loài người biết lao động. Ở đây TĐT quả đã rơi vào câu chuyện con gà và cái trứng. Cái gì làm phát sinh hay nguồn gốc của cái gì. Đồng thời ông Thảo cũng giản lược mọi ý nghĩa đời sống tinh thần của con người vào vào bản thân của công cụ lao động và hoạt động sản xuất vật chất. Thế hỏi ông Thảo trong thế giới hiện đại, công cụ lao động cứ phát triển mãi, khi đó con người sẽ có khả năng chuyển hóa được thành thánh thần chăng. Và cũng xin hỏi ông Thảo, nếu mâu thuẫn chỉ là sự trái ngược nhau giữa hai khuynh hướng đối lập, thế thì kết quả của giải quyết mâu thuẫn có gì bảo đảm chỉ theo hướng này mà không theo hướng khác. Giống như con diều và sợi dây là sự mâu thuẫn, nhưng cái gì làm cho con dều bay, hay bay theo hướng này hoặc hướng khác, có thể cũng do bản thân của sự mâu thuẫn giữa cái dây và con diều hay chăng. Trần Đức Thảo quả là một đầu óc quá tầm thường trong ý thức, khả năng, cũng như các mục đích tư duy triết học và khoa học.

Đó chính là điều mà TĐT viết : "Đường lối xây dựng cơ thể cá biệt của mỗi động vật cũng phải theo quá trình biện chứng đã được thể hiện trong cuộc tiến hoá của vũ trụ". Thật là một lời nói hoàn toàn ngu ngơ chẳng có chút ý nghĩa giá trị khoa học và triết học thật sự gì cả. Đó vẫn chỉ là thói quen gọt chân cho vừa giầy, sự ngụy biện, gán ép, cốt nhốt chân lý khách quan vào trong sự suy nghĩ chủ quan và tiên kiến của mình. Rồi ông ta khẳng định : "Nguồn gốc vật chất của ý thức tư tưởng không phải chỉ là một sự kiện của lịch sử vũ trụ, nó vẫn cứ tồn tại với tính chất chân lý căn bản, thực hiện trong bản thân mỗi người chúng ta". Đây chỉ là sự mô tả khách quan thuần túy, hoàn toàn chưa hề có một sợi dây lô-gích khách quan nào được cụ thể hóa hay làm cho sáng tỏ cả. Nói như thế cũng chỉ nói về một chân lý hoàn toàn tự nhiên và tầm thường, chẳng có lấy chút gì là đóng góp hay khai phá ra cái mới cả. Nếu chỉ nói đơn giản như thế thì nhằm liệu giải quyết được ý nghĩa hay vấn đề gì, đó là sự thơ ngây, nông cạn, và thậm chí quê mùa hay vô cùng thiếu sót của Trần Đức Thảo trong tính cách như một nhà triết học theo yêu cầu đúng nghĩa.

Đây, ta hãy nghe TĐT lý luận : "Vậy chúng ta phải xét lại cuộc tiến hoá và tìm hiểu nguyên nhân của mỗi bước tiến. Tính cách tự chủ của mỗi trình độ tổ chức chỉ là tương đối và bắt nguồn trong những mâu thuẫn xuất hiện ở giai đoạn trước". Vẫn chỉ là một lối nói lòng vòng, chỉ khẳng định về điều "mâu thuẫn" như một điệp khúc thường xuyên, nhưng sự định hướng của mâu thuẫn, hay các mục đích mà mâu thuẫn dẫn đến thì TĐT lại không thấy ra, hoặc dường như vẫn còn sợ hãi không muốn nói đến. Vấn đề không phải chỉ là sự mâu thuẫn, mà chính là tính định hướng trong phát triển của sự mâu thuẫn, và trong hai cái cái nào là quan trọng hơn cả cho sự tiến hóa và phát triển, quả nhiên TĐT hãy còn quá tù mù, chỉ biết nói theo sách mà không có sự suy nghĩ sâu xa hay mới lạ nào về mặt triết học và khoa học nói chung cả. Ý nghĩa chính cái gì là động lực hay động cơ của sự mâu thuẫn là điều mà hầu như TĐT không hề bao giờ nghĩ đến hay nói đến. Ông ta chỉ biết chính Hegel là người đầu tiên xướng lên ý niệm mâu thuẫn như một thực tại khách quan trong ý hướng duy tâm của mình, Marx lặp lại ý niệm mâu thuẫn đó trong quan điểm duy vật của ông ta, rồi TĐT lại lặp lại nguyên xi quan điểm của Marx, chỉ có thế thôi. Tinh thần cũng như khả năng nhận thức và phê phán triết học của TĐT thật chẳng lớn hơn cái mắt cá.

Điều đó chẳng ngoa khi ông Thảo nói : "Vậy hệ thần kinh không phải là một cái máy giống như những máy mà chúng ta làm. Đặc tính của nó là giữ lại trong cơ cấu hiện tại hình thái tự phát của những cử động trong giai đoạn trước. Nghĩa là quá trình xây dựng hệ thần kinh không phải chỉ là một hiện tượng sắp xếp một số tế bào trong không gian, nó là một quá trình biện chứng lịch sử, trong đó có những bước vọt "tổng kết" những giai đoạn tự phát. Chính tính chất biện chứng đó là cơ sở để giải quyết vấn đề ý thức. Vì những hình thái cử động phát sinh do tương quan sinh hoạt giữa cơ thể và hoàn cảnh gây nên, tất nhiên bao hàm những khía cạnh mộc mạc của ngoại giới, những khía cạnh này nổi bật trong tương quan kia". Rõ ràng TĐT đã muốn bắt ép hoạt động khách quan của hệ thần kinh con người vào trong cái khung "biện chứng". Kết quả ông ta lại tự mâu thuẫn với mình, kiểu như gậy ông lại đập lưng ông, trong lối nói lần quần, ngụy biện, mà bất cứ người tinh ý nào đều có thể nhận ra sự tự mâu thuẫn kể cả thiếu chặt chẽ và thiếu sót trong lý luận đó mà chính bản thân của TĐT, người phát ngôn viên của tư tưởng Marx lại quá ngây thơ hay ngờ nghệch nên hoàn toàn không thấy rõ. Nói khác đi, ở đây ông Thảo muốn dựa vào cái cục bộ để lý giải về cái tổng thể, muốn đánh đồng cái riêng lẽ và cái bao quát, đó là một ý tưởng nông cạn và thơ ngây của nhà triết học Trần Đức Thảo.

Cũng chính từ đó mà TĐT đã hạ giá triết học xuống chỉ còn như một "thế giới quan" theo đúng quan điểm của Marx khi ông viết về chủ thuyết Marx : 'Chủ nghĩa này, phủ nhận của sự phủ nhận, không phải chỉ là sự khôi phục đơn thuần của chủ nghĩa duy vật cũ. Trên cơ sở vĩnh viễn của chủ nghĩa duy vật cũ, nó đặt thêm cả nội dung tư tưởng của hai nghìn năm tiến hoá của triết học và khoa học tự nhiên và cả của hai nghìn năm lịch sử đó. Vậy nó không còn là một lý thuyết triết học nữa, nó chỉ là một thế giới quan, thế giới quan này cần được chứng minh và thực hiện trong những khoa học thực sự, chứ không phải là trong một "khoa học của các khoa học" tách rời những khoa học này. Vậy đây triết học đã được "thu hút", nghĩa là "vượt qua" và đồng thời "giữ lại", vượt qua về mặt hình thức và giữ lại về mặt nội dung thực sự của nó". Có nghĩa TĐT đã hoàn toàn phủ nhận triết học như một ý nghĩa riêng biệt và độc lập giống các khoa học khác, mà chỉ nhìn nó thuần túy như một "thế giới quan" như ông nói. Không có triết học thì làm gì còn có nhà "triết học" TĐT. Đây thật sự chì là nhà "thế giới quan" TĐT. Có nghĩa đây chỉ là một "khoa học" không giống ai, một khoa học chuyên "nói lại" các ý nghĩa của những khoa học thực tế khác dưới hình thức bề cạn, hoàn toàn không thay thế được cho các khoa học, có nghĩa nó thật sự chỉ dư thừa và hoàn toàn vô bổ, thậm chí ngăn cản và trở lực của mọi nổ lực tư duy cùng nhận thức tự do khác nhau của nhân loại, bởi nó chỉ còn là con đường lệ thuốc vào một "ý thức hệ" kiểu hoàn toàn tự biên và tự diễn.

Ông Thảo viết : "Biện chứng pháp của hệ thần kinh là đoạn cao nhất của biện chứng pháp của tự nhiên, đoạn nhảy vọt qua phương thức trực tiếp của thực tại và tiến lên ý thức phản ảnh thực tại". Thật hoàn toàn ngớ ngẩn. Biện chứng (Dialektik, dialectic, dialectique) nếu có là một khái niệm về hành tác (Tätigkeit, actuality, actualité), làm gì hệ thần kinh là một cơ chế, một tổ chức sinh học, lại mang ý nghĩa biện chứng. Quả thật là thái độ nói bừa nhằm cho được việc, nhằm ý nghĩa của tuyên truyền ý hệ, còn tại sao tự nhiên lại 'biện chứng', tại sao có ý nghĩa nhảy vọt, và lý do nhảy vọt như thế nào, hình như ông Thảo chỉ có xác tín mà không thể hay cũng không muốn tìm cách để lý giải một cách sâu sắc và thuyết phục được. Ngay như bảo ý thức phản ảnh thực tại, nhưng lý do và mục đích gì để ý thức phản ảnh thực tại, hay phải chăng đó cũng chỉ là một sự phản ảnh gương hoàn toàn thụ động, quả tình ông Trần Đức Thảo cũng chẳng hề có một mảy may thắc mắc hay quan tâm đến.

Và mục đích của ông Thảo thật sự là chỉ nhằm biện minh cho quan điểm duy vật khi ông viết : "Tính chất đặc biệt của ý thức đã gây cớ cho những nhà tư tưởng duy tâm tách rời nó ra khỏi thực tại. Họ nói rằng ý thức "diễn tả thực tại", vậy không phải là "thực tại được diễn tả" : tức là chủ thể của ý thức không phải là vật thể, nhưng là một tâm hồn huyền bí. Đây là một trường hợp điển hình của phương pháp suy luận trừu tượng siêu hình, đồng thời cũng là nơi thử thách quyết định của biện chứng pháp duy vật. Cần phải chứng minh rằng tuy ý thức không phải là thực tại, mà là phản ánh thực tại, nhưng chính sự phủ định thực tại trong ý thức cũng là một sản phẩm của thực tại, cụ thể là sản phẩm của hệ thần kinh, vậy xét tới cùng thì vật thể vẫn là chủ thể độc nhất". Ông Thảo đã hoàn toàn nói rõ chỉ có vật thể là chủ thể độc nhất. Tức theo ông ý thức trừu tượng cũng là vật thể, còn ý nghĩa của khái niệm chủ thể không hề được ông quan tâm tới. Quả tình ông rất thơ ngây và nông cạn. Người ta dùng khái niệm vật thể để nói về các tồn tại vật lý, đáng này ông Thảo cho rằng bản thân của chủ thể và ý thức cũng là vật thể, thật không hiểu nổi ý nghĩa tư duy triết học cua một nhà "triết học" từng nổi tiếng như ông.

Quả tình ông Thảo không phân biệt nổi hệ thần kinh và ý thức. Đánh rằng có hệ thần kinh mới có ý thức, nhưng bản chất của cả hai hoàn toàn khác, một bên là vật thể và cụ thể, còn một bên là chủ thể và phi vật thể. Đáng lẽ ra ông Thảo nếu muốn thì phải cần làm sáng tỏ ra tính chất hai mặt giữa hệ thần kinh và ý thức, nhưng năng lực của ông hoàn toàn không thể làm được điều đó, bởi thế công việc đơn giản của ông chỉ là cố hết sức để lặp lại một cách thô sơ và dư thừa những điều gì mà Marx và cả Engels đã viết. Đây, ông vẫn chỉ luôn viết giống hệt nhau như một cái máy : "Tất nhiên quan hệ giữa hoạt động phản ứng và cơ cấu chuyên môn không phải chỉ là quan hệ nhân quả máy móc: sự phân biệt cơ cấu trong tế bào là do một quá trình tiến triển biện chứng xuất phát từ mâu thuẫn nội bộ trong chất sống". Tính cách của ông Thảo nhiều lắm chỉ đi đến được khái niệm "vật chất sống" một cách hoàn toàn thô thiển, mà không hề suy nghĩa đào sâu thêm gì về chính cả bản thân của điều đó. Tại sao vật chất từ chỗ không sống, tức từ chỗ vô cơ lại chuyển sáng được năng lực của vật chất sống, và ngay như bản thân của vật chất sống là gì, ông Thảo cũng chẳng cần lưu ý, mà chỉ có nhắm mắt phán đùa là nhờ vào quy luật 'biện chứng', xem đó như một nguyên tắc thuần túy máy móc, mà ông vốn hoàn toàn tin chắc một cách hết sức giản đơn, cũng như chỉ biết có việc lặp đi lặp lại nó một cách thụ động và lệ thuộc mà thôi.

Rồi ông lại viện dẫn Engels tiếp : "Bản tính của sự sống là được xây dựng trên mâu thuẫn : mâu thuẫn giữa sự thay đổi và sự duy trì. Như Aêngghen nói trong cuốn Chống Đuhring : "sự sống, phương thức tồn tại của chất pờ-rô-it, trước hết là ở chỗ mà nó là nó và đồng thời lại là cái khác". Vì cơ thể pờ-rô-tít chỉ có thể tồn tại nhờ sự trao đổi hoá chất với bên ngoài: cơ thể hấp thụ và đồng hoá những chất thích hợp chung quanh, đồng thời những phần đã già thì bị phân giải và thải trừ. Cuộc chuyển hoá liên tiếp đó là điều kiện sinh sống căn bản của chất pờ-rô-tít, và lúc mà nó ngừng lại cũng là lúc mà cơ thể pờ-rô-tít bị phân giải, tức là chết. Nghĩa là bản tính của chất sống là được luôn luôn đổi mới: nó là nó trong lúc nó lại không phải là nó, mà nó chỉ có thể là nó bằng cách nó không phải là nó, nhưng cái chất mới luôn luôn được xây dựng lại trong quan hệ trao đổi với chất chung quanh. Đó là mâu thuẫn căn bản trong nội bộ sự sống, chính mâu thuẫn ấy là căn nguyên của sự tiến hoá trong thế giới sinh vật. Vì sự đổi mới liên tiếp của chất sống không thể nào đóng khung một cách tuyệt đối trong những cơ cấu di truyền sẵn có. Những cơ cấu này đến một lúc nào đấy cũng phải thay đổi, do điều kiện trao đổi hoá chất, tức là do quan hệ sinh hoạt giữa cơ thể và hoàn cảnh. Nghĩa là theo điều kiện khách quan và tác dụng lẫn nhau giữa cơ thể và hoàn cảnh, quá trình đổi mới chất sống phát triển mâu thuẫn trong nội bộ sự sống và gây ra những giống loài mới, với những hình thái sinh sống càng ngày càng tiến hoá và đánh dấu những bước vọt trong lịch sử sinh vật".

Quả thật trong câu nói của Engels hoàn toàn cũng chỉ sử dụng khái niệm mâu thẫu và biện chứng để nhằm mô tả sự vật một cách đơn thuần hình thức mà chẳng có gì lý giải về mặt chiều sâu hay phân tích ra được điều gì thật sự sâu sắc về mặt triết học. Và Trần Đức Thảo cũng chỉ nhất nhất lặp lại như thế, không đặt vấn đề, cũng chằng phát huy thêm được một điều gì mang tính sâu xa hay mới mẽ cả. Tin tưởng và lặp lại, đó chính là khả năng triết học thường xuyên của Trần Đức Thảo, và trong thực trạng như thế, người ta cũng chỉ cần đọc thẳng ngay vào Marx hay vào Engels mà chẳng cần phí thời giờ để đọc qua những điều gì luôn được diễn đạt lại của TĐT. Chẳng hạn, TĐT nói : "Xét tới cùng thì chính cơ năng phản ứng của tế bào nguyên thuỷ đã là một bước đầu trong sự phát triển mâu thuẫn đó. Như Aêng-ghen lại nói trong đoạn đã nhắc ở trên, "Từ sự trao đổi hoá chất trong quá trình tiếu hoá và thải trừ, tức là cơ năng căn bản của chất pờ-rô-tít". Quả thật giống như chỉ nói để mà nói, không mang một chút ý nghĩa sâu xa hay mới mẻ nào về mặt phân gích nội dung gì hết. Chủ yếu chỉ đề nại ra khái niệm mâu thuẫn một cách thuần túy hình thức trong lý luận.

Và nó thật sự quá đổi ngô nghê về mặt khoa học và triết học khi ông Thảo viết : "Nghĩa là ngay trong quá trình chuyển hoá, mâu thuẫn căn bản giữa sự thay đổi và sự duy trì không phải là hoàn toàn đóng khung trong sự đổi mới hoá chất. Vì chính sự đổi mới hoá chất trong quá trình chuyển hoá đã bao hàm một phần nào sự thay đổi hình thái trong hoạt động phản ứng : chính thức ăn là kích thích nguyên thủy, gây phản ứng hấp thụ nó trong tế bào". Có nghĩa đã bắt ép cả tế bào cũng phải nói đúng theo ngôn ngữ hay khái niệm biện chứng mà ông Thảo vẫn sử dụng. Hoàn toàn chỉ là một thứ lô-gích tưởng tượng đầy tính chất hình thức. Chẳng hạn ông viết : "Quá trình lay chuyển và xây dựng lại hợp chất pờ-rô-tít bao hàm những hiện tượng chuyển hoá đặc biệt, do đấy trạng thái căng và đặc tăng lên dịu xuống, chất tế bào co vào dãn ra. Đây mâu thuẫn nội bộ trong sự sống giữa sự thay đổi và sự duy trì đã tiến rõ rệt từ trình độ đổi mới hoá chất lên trình độ thay đổi hình thái, trong sự thay đổi hình thái này cơ cấu di truyền của tế bào được bảo đảm và cuối cùng thì con vật lại trở lại hình thái cũ". Đúng là ông ta chỉ nói lung tung, đã biện chứng tại sao lại có yếu tố cơ cấudi truyền của tế bào, kiểu cái nọ xọ cái kia đầy tính ngụy biện và biến báo cho phù hợp với điều gì mình vốn đã tin tưởng.

Điều ngụy biện về khoa học đó càng rõ nét hơn khi ông bảo : "dần dần sự chuyển hoá làm cơ sở cho năng lực phản ứng cũng được thực hiện một cách dễ dàng hơn, rồi đến một lúc nào đấy quá trình biến lượng trở thành biến chất, mâu thuẫn giữa hoạt động phản ứng và cơ cấu chưa phân biệt của tế bào nguyên thủy được thống nhất bằng sự thắng lợi của cái mới thế vào cái cũ, phân biệt những cơ cấu tế bào chuyên môn phản ứng". Ở đây rõ ràng cơ giới luận thay cho mục đích luận, tính chất định hướng của việc phát triển sự sống hầu như TĐT không hề đề ý đến, lý do vì biện chứng duy vật thì không thể nói tới điều đó, nó hoàn toàn khác với khái niệm biện chứng duy tâm trong Hegel. Điều này cũng cho thấy ý niệm biện chứng duy vật của Marx đưa ra là hoàn toàn khiên cưỡng, bất chấp lô-gích, nhưng TĐT cũng chẳng có thành tích đóng góp gì về điều ấy, hay kiến thức triết học của ông thật sự chỉ là lặp lại thuần túy mọi điều gì mà các bậc thầy Marxs, Engels của ông trước kia đã nói.

Đây hãy nghe ông Thảo "biện chứng hóa" các quá trình tự nhiên trong sự phát triển của thế giới sinh học : "Quá trình tổ chức và hệ thống hoá hình thái cử động tự phát là một quá trình biện chứng. Nó phát triển mâu thuẫn nội bộ trong con vật tập đoàn tổ tiên, và thống nhất mâu thuẫn đó ở một trình độ cao hơn, với sự phân biệt của tổ chức gân thịt và thần kinh. Mâu thuẫn đây là mâu thuẫn giữa hình thái đặc biệt của cuộc biến chuyển sinh lý hoá trong hoạt động phản ứng và cơ cấu chưa phân biệt của tế bào nguyên thủy. Ví dụ như trong lúc tế bào co và dãn ra, quá trình lay chuyển và xây dựng lại hợp chấp pơ-rô-tít, do quan hệ hỗ tương tác dụng trong nội bộ chất sống, bắt buộc phải uốn theo đường sợi. Đường này gây mâu thuẫn với cơ cấu di truyền chưa phân biệt. Mâu thuẫn đó phát triển với những cử động của con vật tập đoàn, và đến một lúc nào đấy kết thúc bằng một cuộc biến chất phát sinh một loại tế bào mới, với cơ cấu hình sợi gân thịt". Đúng là ông chỉ đặt tên lại cho cái gì đã có, tức dùng bình mới cho rượu cũ, một sự mệnh danh mới, một sự hoán vị danh từ, hoán vị vị trí giữa sinh học và triết học, kiểu như một trò lộn nhào, trò đu dây giữa hai cột trụ đã được dựng nên mà không có gì khác.

Cho nên, hãy nghe ông ông tiếp tục phát biểu một cách ngớ ngẩn về mặt khoa học và triết học : "Trong quá trình phát triển và hệ thống hoá hình thái cử động tự phát, mâu thuẫn nội bộ trong chất tế bào phát triển theo biện chứng pháp đã phác qua ở trên và gây ra những cơ cấu chuyên môn gân thịt và thần kinh". Tức hoàn toàn chỉ có nói mà không lý giải, không lập luận ý nghĩa của điều mình nói có cơ sở hay có giá trị nào không. Và cuối cùng như không thể nào cứ ấp úng mãi, ông đành phải thú nhận : "Bây giờ đã rõ rằng tính chất biện chứng của quá trình tiến hoá giải thích một cách đầy đủ những đặc tính của tổ chức sinh vật. Từ đời thượng cổ, những nhà tư tưởng vẫn cảm phục trật tự của hệ thống sinh vật, đặc biệt là động vật, với những giống loài riêng biệt, có những tổ chức di truyền nhất định bảo đảm những quan hệ thích nghi phức tạp, từ thấp lên cao. Những hiện tượng đó, quan niệm trong ý thức hệ của giai cấp quý tộc đã đưa đến chủ nghĩa "mục đích" của Thượng đế tạo ra theo một kế hoạch tài tình với mục đích là thưởng ngoạn cái kết quả mỹ mãn của thiên tài mình. Tư tưởng Thiên mệnh đây là một cách phản ảnh và biện chính cho chế độ quân chủ độc đoán : Thượng đế sắp xếp các loài sinh vật cũng như nhà vua sắp xếp các đẳng cấp trong xã hội, và một khi quan hệ ngôi thứ đã được tuyệt đối hoá trong Thượng đế, uy quyền của nhà vua lại được biện chính, nghĩa là quan niệm như là một cách phản ảnh quy luật trật tự của vũ trụ trong xã hội loài người".

Đúng là ông Thảo đã cố tình đánh đồng tôn giáo và triết học, đánh đồng triết học và các ý thức xã hội, và tầm thường hóa triết học chỉ còn như một hình thái ý thức, một "thế giới quan" như trên kia ông ta đã nói. Tức ông Thảo đã đánh ngang tầm triết học và khoa học với chính trị khi ông viết : "Đến lúc phong trào nhân dân, thông qua sự lãnh đạo của giai cấp tư sản, đánh đổ chế độ quân chủ độc đoán, chủ nghĩa Thiên mệnh cũng không thể đứng vững được nữa. Nhưng chế độ tư sản cũng lại là một chế độ bóc lột, và cách mạng tư tưởng trong phong trào tư sản không thể nào vượt qua những giới hạn lịch sử của thực tiễn xuất hiện đương thời. Vì thế mà đã xuất hiện hai lý thuyết có tính cách tiến bộ về vấn đề nguồn gốc các giống loài, nhưng đều bất lực trong nhiệm vụ giải thích cụ thể nguồn gốc đó, thuyết La-mác và thuyết Đác-uyn. Theo hai thuyết này, những giống loài không có tính chất bất di bất dịch, những cá thể trong mỗi loài không bắt buộc phải lặp lại hoàn toàn những cơ cấu di truyền của loài. Trái lại, những nhân tố di truyền mới có thể xuất hiện trong mọi cá thể, và dần dần xây dựng những tổ chức giống loài mới".

Thật vậy, hãy xem thử ý hướng phê bình của ông Thảo đối với các nội dung lý thuyết tiến hóa của Darwin và Lamarck : "Hai thuyết này đều có phần chân lý, vì cũng nhau đả phá quan niệm giống loài bất di bất dịch. Quan niệm này hoàn toàn mâu thuẫn với thực tế khách quan của lịch sử sinh vật: nó phản ánh những điều kiện bóc lột của giai cấp quý tộc, cần phải phân biệt những đẳng cấp bất di bất dịch trong xã hội, và quan niệm những đẳng cấp đó như những giống loài hoàn toàn tách rời nhau. Chủ nghĩa tiến hoá của La-mác cũng như của Đác-uyn phản ánh phong trào nhân dân đánh đổ những đẳng cấp bất di bất dịch của chế độ phong kiến, và đề cao quyền của mỗi công dân tham gia xây dựng tổ chức xuất hiện. Vì thế mà hai ông đã thấy được một phần nào quá trình biện chứng xây dựng các loài sinh vật, và đã quả quyết rằng trong tự nhiên có sự biến chuyển từ loài nọ sang loài kia. Nhưng trong giới hạn hẹp hòi của ý thức hệ tư sản, cuộc đấu tranh chống những đẳng cấp phong kiến chỉ được quan niệm trên cơ sở quyền lợi cá nhân, vậy La-mác cũng như Đác-uyn, lúc đả phá chủ nghĩa giống loài bất di bất dịch, cũng chỉ thấy vai trò cá thể và chỉ quan niệm cuộc tiến hoá của các giống loài trong phạm vi chuyển biến cá thể. Do đấy hai ông đều thất bại trong nhiệm vụ giải thích cụ thể tính chất tập thể tương đối riêng biệt của những loài sinh vật mỗi loài có một tổ chức di truyền tương đối thống nhất".

Và sự phê bình lý thuyết tiến hóa sinh học Lamarck cũng được TĐT phát biểu theo cách hoàn toàn tương tự : "La-mác, đứng trên lập trường tiểu tư sản thủ công, đề cao hoạt động cá thể xây dựng dần dần những khí quan thích hợp, nhưng không giải thích được vì sao và trong trường hợp nào sự thay đổi trong một con vật lại được truyền cho con cháu, vì sao hoạt động cá thể lại đưa đến những giống loài tương đối riêng biệt. Đác-uyn, đứng trên lập trường tư bản cạnh tranh, đề cao cuộc đấu tranh để sống giữa các cá thể, theo luận điệu tư bản nói rằng đó là cách tốt nhất để lựa chọn những kẻ có ưu điểm. Nhưng thực ra thì nếu quan niệm sự cạnh tranh như Đác-uyn, tức là cạnh tranh giữa các cá thể, thì sự thắng bại không nhất thiết là do ưu điểm hay khuyết điểm, mà có thể xuất phát từ điều kiện ngoại lai, làm cho con vật có ưu điểm thì chết, mà con vật có khuyết điểm thì lại còn lại. Mà cũng vì lập trường tư bản đề cao quyền lợi cá nhân, nhưng đồng thời lại đánh giá đồng loạt và thực tế là khinh miệt hết cả mọi người, ai sống thì sống ai chết thì chết, Đác-uyn cũng quan niệm những chuyển biến di truyền trong các cá thể sinh vật một cách hoàn toàn bàng quan, nói rằng những nhân tố di truyền mới, xuất hiện trong mỗi cá thể, không theo hướng nào nhất định. Nhưng nếu thế thì không thể hiểu vì sao cuộc tiến hoá lại phát sinh những tổ chức sinh lý hoá cực kỳ phức tạp và đồng thời có hệ thống chặt chẽ, ví dụ như những giác quan hay hệ thần kinh. Những khí quan này tổng hợp rất nhiều yếu tố khác nhau, và không ai có thể quan niệm rằng sự tổng hợp đó lại có thể thực hiện bằng một tràng biến chuyển ngẫu nhiên, dù có được lựa chọn trong cuộc đấu tranh để sống. Vì cuộc đấu tranh này lựa chọn những cơ thể đã ra đời, nhưng không giải thích vì sao đã xuất hiện được những cơ thể tổ chức một cách khéo léo như thế. Chính Đác-uyn cũng đã thú rằng: "Lúc tôi nghĩ đến tổ chức con mắt, thì tôi lên cơn sốt"".

Để cuối cùng thì rồi Trần Đức Thảo cũng đành phải trả bài : "Chỉ có nhờ ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lê, trên lập trường tư tưởng của giai cấp công nhân, mới có thể giải quyết đúng đắn vấn đề nguồn gốc các loài sinh vật Mít-xu-rin và Lư-xen-cô, áp dụng biện chứng pháp duy vật vào sinh vật học, đã chứng minh rằng cuộc tiến hoá sinh vật không phải là do những biến chuyển di truyền xuất hiện một cách ngẫu phát trong các cá thể, mà cũng không phải là do sự tích luỹ đơn thuần những thói quen trong hoạt động của con vật. Thực ra thì nó xuất phát từ quan hệ hỗ tương tác dụng giữa cơ thể và hoàn cảnh phần nào những quan hệ đó thay đổi quá trình trao đổi hoá chất. Đây sinh vật học tiền tiến của Liên-xô đã vượt hẳn những giới hạn hẹp hòi của chủ nghĩa cá thể mà La-mác cũng như Đác-uyn, bị kìm hãm trong ý thức hệ tư sản, không thể nào thoát khỏi. Cá thể và giống loài được liên hệ một cách đứng đắn vì quan hệ giữa cơ thể và hoàn cảnh là quan hệ cá thể, mà quá trình trao đổi hoá chất lại theo quy luật giống loài. Sự thay đổi qúa trình trao đổi hoá chất xuất phát từ quan hệ cá thể với hoàn cảnh và đưa đến những quy luật trao đổi hoá chất mới, tức là những loài sinh vật mới". Quả thật ông Thảo đã bê nguyên cà trường phái sinh học Nga vào thuyết duy vật biện chứng cũng như vào cả cho triết học.

Đọc bài ông Trần Đức Thảo nói về nguồn gốc ý thức con người như trên, quả thật mới thấy ông Thảo tầm thường đến cỡ nào. Được nổi tiếng như một nhà tư tưởng, một nhà triết học mà thật ra ông Thảo chẳng có tư tưởng hay triết học nào riêng biệt cả. Ông giống như người học trò trả bài, như một người chuyên tụng lại quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của Marx và Engels mà chẳng có sự đóng góp về phần mình nào khác. Nguồn gốc ý thức con người nói theo ông Thảo tức cũng nói theo Marx có nghĩa là vật chất. Sự lý giải tiến trình từ vật chất đến ý thức đó là dựa vào quan điểm biện chứng của Hegel. Đây là quan điểm cảm tính thuần túy, bởi vì thế giới chung quanh là vật chất, vũ trụ vật lý là vật chất, thế thì ý thức là từ vật chất chứ còn đâu ra nữa. Điều này thì ai cũng có thể nghĩ cảm được. Rất tiếc khái niệm biện chứng của Hegel lại được đặt vào đây không đúng chỗ hay chỉ là một sự lạm dụng. Bởi ý nghĩa biện chứng của Hegel là trên cơ sở duy tâm, lại được đặt vào cho cơ sở duy vật là điều hoàn toàn trái lý, mà Trần Đức Thảo, với tính cách là nhà tư tưởng đường như không hề thấy, đã cho thấy tính cách mê đắm của ông ta.

Trong lịch sử tư tưởng triết học Đức, có ba ý nghĩa hay ba trường phái đối kháng nhau theo từng nhóm một cách khá nổi bật. Một bên là Kant và Hegel, và phía bên kia là Marx. (kéo theo Engels). Kant và Hegel đều duy tâm, nhưng quan điểm khác nhau, duy tâm của Kant không toàn diện, còn duy tâm của Hegel mang tính toàn diện về mặt nhận thức. Kant cho khả năng trí tuệ con người bị hạn chế, ít ra là về mặt chân lý siêu hình hay triết học, nhưng Hegel thì phủ nhận điều đó, cho ý thức hay nhận thức con người có thể đạt đến được chân lý tuyệt đối, chỉ tiếc rằng ông cho đó là hệ thống tư tưởng của ông. Cả Kant và Hegel đều nói đến khái niệm biện chứng. Nhưng khái niệm này ở Kant chỉ mới mang là ý nghĩa của quy luật nhận thức của lý trí, nó gần giống như nguồn cội ở nhà triết học Hy lạp cổ đại nổi tiếng là Platon. Tính chất biện chứng trong tư duy nhận thức. Thế nhưng, nơi Hegel, quy tắc biện chứng đó được đẩy tới thành một quy luật khách quan của tồn tại. Đó chính là điều Marx rất tâm đắc, và biến biện chứng duy tâm của Hegel thành biện chứng duy vật của mình như trên đã nói. Có nghĩa kết hợp sự nhận thức bằng cảm tính và quy luật không thuộc bản chất lý thuyết của mình, Marx đã xây dựng nên một lý thuyết giả khoa học (pseudo-scientifique) đã được Trần Đức Thảo mê như điều đổ qua bài viết trên kia đã thấy.

Chủ yếu học thuyết triết học của Marx nhằm phủ nhận triết học truyền thống, xem triết học chỉ như một vũ trụ quan, tức quan niệm về vũ trụ do sự kiện ý thức phản ánh vật chất, đó là điều mà TĐT đã rất trung thành và nhiệt tình minh họa. Mục đích cuối cùng của Marx là dời triết học xuống cùng bình diện kinh tế chính trị học nhằm xây dựng một xã hội hoàn toàn lý tưởng theo ông quan niệm. Có nghĩa nơi Marx, triết học và kinh tế chính trị học chỉ là hai mặt của một vấn đề, đó là vấn đề ý hệ, hay quan điểm duy vật lịch sử. Chính dựa vào quan điểm biện chứng mà Marx cho rằng loài người đạt đến xã hội lý tưởng như một quy luật khách quan tất yếu. Đó là mục tiêu tranh đấu và cổ vũ trong suốt cuộc đời của Marx. Điều này cũng hoàn toàn giống như suốt cuộc đời và thân phận của chính Trần Đức Thảo trong thực tế cuộc sống. Sự hăng hái đấu tranh của TĐT đã phần nào được minh họa và diễn đạt ngay trong bài viết như trên của ông. Quả nhiên triết học đã trở thành hay chỉ còn lại như bản thân của kinh tế chính trị học. Nhưng chính điều này làm sai lệch cả triết học lẫn kinh tế chính trị, cả hai không còn là các khoa học khách quan những đều là một thứ vũ trụ quan (đầy cảm tính), thiếu khách quan và không thực tế. Điều này lịch sử thực tại của thế giới đã chứng minh quá nhiều, không cần gì phải nói thêm nhiều nữa.

Sở dĩ TĐT đã trở nên nổi tiếng vì một lần ông đã đứng ra tranh luận cùng nhà văn kiêm nhà triết học của trường phái hiện sinh lớn của Pháp là Jean Paul Sartre. Nội dung và kết quả của tranh luận hơn một tuần này tất nhiên ít người được biết. Chẳng rõ cơ sở thế nào và rốt cục ai thắng ai thua, khi cả hai người khi ấy đều theo khuynh hướng mác xít, nhưng có lẽ quan điểm lại khác nhau. Nói cho cùng lợi thế của ông Thảo khi ấy là quan điểm duy vật lịch sử, giống như thứ vũ khí ông sử dụng một cách áp đảo để nhằm tranh luận với những đối thủ hoàn toàn không sử dụng vũ khí ấy. Phải chăng đây chỉ là sự tranh luận kiều ông nói gà bà nói vịt mà mọi người đều có thể đoán ra được. Có lẽ ngay trong tác phẩm viết của TĐT về sự đối chiếu giữa quan điểm duy vật lịch sử của Marx và quan điểm hiện tượng luận thuần túy duy thức của Husserl cũng vậy. Tất nhiên khi Trần Đức Thảo nghiên cứu và phát biểu về triết học hiện tượng luận của Husserl, một nhà triết học hiện tượng luận Đức, không thuần túy vì mục đích triết học mà là nhằm đấu tranh cho tư duy duy vật của Marx và hệ thống triết học ý thức hệ của Marx. Ông Thảo chính là người chiến binh của Marx mà không thuần túy chỉ là nhà triết học theo khuynh hướng khách quan và lý tưởng.

Trở lại vấn đề nguồn gốc của ý thức, ý nghĩa cuối cùng của ông Thảo là đồng hóa vật chất và ý thức. Tất nhiên vật chất không có tính chủ thể, còn ý thức có tính chủ thể, là điều mà TĐT hoàn toàn không nói đến. Cái phi chủ thể trở thành cái chủ thể, thay vì cần phải phân tích sâu sắc thì TĐT chỉ lờ đi. Đó là sự nông cạn, hời hợt, hay thậm chí là lấp liếm của ông. Song vật chất theo ông Thảo hiểu vẫn là vật chất của cảm tính. Thật ra ông Thảo hoàn toàn không thấy rằng mặc dù vật chất là khách quan, song nó lại được nhận thức bởi ý thức. Như vậy ở đây đặt ra vấn đề khác biệt giữa tồn tại và ý nghĩa, cũng là điều mà bản thân ông Trần Đức Thảo cũng không thấy nốt. Tất nhiên, sự chủ động thân xác con người vẫn chỉ hệ thần kinh là chính yếu và trọng tâm của cái chính yếu đó vẫn là não bộ. Thế nhưng não bộ dầu sao cũng là một cơ chế sinh học, hữu hình, trong khi đó ý thức là có chế trừu tượng, vô hình, cũng là điều hết sức thú vị và đặc biệt, nhưng ông Thảo vẫn chẳng hề quan tâm đến. Vậy thì có rất nhiều điều mà Trần Đức Thảo chẳng hề tư duy gì cả, ông chỉ có làm một việc duy nhất là trả những bài đã có theo cách nằm lòng. Nhưng xin hỏi ông Thảo đi đến tận cùng của thế giới vật lý khách quan cũng chỉ còn năng lượng như Einstein cũng đã vạch ra, và đi đến tận cùng của hệ thần kinh cũng không bao giờ nhin được ra đâu là ý thức, thì liệu những điều đó đã đi đến kết luận tối hậu nào chưa, hay chỉ là sự tranh đấu bằng mồm giữa ý nghĩa duy vật và duy tâm mà ông Thảo vẫn luôn luôn hết sức nhiệt tình, hăng hái và quyết liệt.

Nên nói cho cùng ông Thảo không hề đủ tiềm lực của một nhà tư tưởng hay nhà triết học tầm cỡ của thế giới và của đất nước như nhiều người vẫn nói. Bởi vấn đề triết học không phải vấn đề kinh tế chính trị và vấn đề ý thức hệ. Đó chỉ là những hoạt động thực tiễn, lịch sử và xã hội, trong khi triết học chỉ như một khát vọng ý thức chính đáng của con người. Triết học cũng không thể đồng hóa với tôn giáo hay khoa học thực nghiệm. Đành rằng triết học có thể được hiểu như một khoa học về trí tuệ hay về tư duy, nhưng chắc chắn hoàn toàn không thể chỉ là một khoa học theo kiểu thực nghiệm. Ý thức của Marx là dùng triết học để phản bản triết học, đó là một sự mâu thuẫn của Marx bởi Marx hoàn toàn là một người duy vật. Một người hoàn toàn duy vật như Marx lại chủ xúy xây dựng một xã hội tuyệt đối lý tưởng, cũng là một khía cạnh tự mâu thuẫn trong ý hướng và quan điểm của Marx. Marx không phải là một nhà kinh tế nhưng lại dùng triết học để thảo luận về kinh tế và triết học hóa kinh tế, đó cũng là một nghịch lý hay mâu thuẫn tự thân của Marx mà thật sự ít người nhìn thấy, trong đó tất nhiên phải có cả Trần Đức Thảo. Bởi nếu triết học có thể được thay thế bằng các khía cạnh thực nghiệm, thì cũng chẳng cần gì đến triết học, và nếu các ngành thực nghiệm lại cũng được thay thế bằng triết học, lại cũng chẳng cần gì đến các ngành thực nghiệm. Cuối cùng, ý thức triết học cũng không phải là ý thức tôn giáo, để chỉ nhằm khăng khăng cãi nhau về duy tâm hay duy vật, hữu thần hay vô thần.

Đó chính là nguồn gốc ý thức của Trần Đức Thảo rất ư là đơn giản. Có nghĩa nguồn gốc ý thức của TĐT là ý hệ của Marx, còn nguồn gốc ý thức của loài người là vật chất. Sự tiến hóa của ý hệ Marx sang ý thức của Trần Đức Thảo là sự học thuộc lòng, còn sự tiến hóa của ý thức con người từ vật chất là sự tiến hóa theo luật biện chứng duy tâm của Hegel được áp dụng cho quan điểm duy vật của Marx. Đó là điều hoàn toàn dễ hiểu trong toàn bộ tư tưởng hay triết học của nhà triết học Trần Đức Thảo. Ông Thảo quên rằng ngay như bản thân quy luật biện chứng khách quan mà Hegel đưa ra liệu có khách quan thật sự hay không. Đây là điều mà chính bản thân Marx còn chưa suy nghĩ huống gì là TĐT. Sự phê phán về biện chứng chúng tôi đã nói nhiều ở các nơi khác rồi, không phải ở đây. Tất nhiên các quy luật tồn tại của thế giới là khách quan, còn đặt tên và nhận thức về bản thân các thực tại đó lại là chuyện khác. Chẳng hạn, toán học là quy luật của tư duy hay quy luật của vật chất khách thể. Nó chỉ là một sự phản ánh thực tại khách quan hay tự nó cũng là một thực tại khách quan trong trí tuệ của con người. Triết học cũng vậy, chỉ là một khoa học trừu tượng về thực tại phổ quát, chỉ là hoạt động lô-gích tự nhiên của tư duy, là toán học của tư tưởng, là ý thức và nhận thức về chân lý, hay chỉ là sự phản chiếu của thượng tầng kiến trúc như TĐT đã hoàn toàn khẳng định theo quan điểm của Marx. Nói chung lại, TĐT chỉ là một nhà mác xít chân chính và nhiệt tình mà không hề là một nhà triết học hoàn toàn đúng nghĩa theo truyền thống đã có của nhân loại.

Saigòn 02/9/2010
VÕ HƯNG THANH*


(*) Xem cùng tác giả :“Trần Đức Thảo phê bình Truyện Kiều” 25/8; “Trần Đức Thảo nhận thức về tư tưởng nguyên thủy của loài người” 27/8; “Trần Đức Thảo  nhận thức về tư tưởng triết học của Hegel” 28/8/2010; Trần Đức Thảo nói về nội dung tư tưởng của  triêt học Kant’ 29/8/2010.