Chim Việt Cành Nam             [ Trở Về ]

TRẦN ĐỨC THẢO NÓI VỂ NỘI DUNG TƯ TƯỞNG
CỦA TRIẾT HỌC KANT
______________________________________

Võ Hưng Thanh

(Tham chiếu từ tác phẩm Lịch sử Tư tưởng trước Marx, tr. 386-423, của Trần Đức Thảo)
Nội dung này nói chung ông Trần Đức Thảo đã viết vào cuối thập niên những năm 50 của thế kỷ trước ở miền Bắc VN, tức cách đây đã ngót 50 năm, nên chính ý nghĩa lịch sử và cả tính cách triết học của nó hiện nay cũng đã có nhiều thay đổi. Nói cách khác, thời thế đã đổi thay nên tất nhiên những gì mà ông Thảo đã viết, giờ đây không còn mấy giá trị về mặt xã hội khách quan của nó nữa. Nhiều điều đã không còn đúng như nội dung lý thuyết mà ông đã bày tỏ, ngay trong bối cảnh của thế giới hiện đại. Tuy vậy, cũng nên trình bày ra đây, coi như một kinh nghiệm cũ xưa về ý nghĩa và tính cách của phương pháp luận khoa học hay triết học nói chung, về những điều gì mà ông Trần Đức Thảo thật sự đã từng bày tỏ, trong rất nhiều tính cách, trong các ý nghĩa và nguyên khác nhau, do ở vào chính cái thời điểm đã qua ấy.
Thật vậy, khi nói về lịch sử tư tưởng trước Marx, chủ yếu Trần Đức Thảo chỉ muốn dùng tư tưởng Marx như một điểm tựa, hay như cái trục xoay, tức một dấu mốc thời gian quan trọng, như kiểu cái bản lề mà ông đã muốn quy chiếu vào đó. Ý của Trần Đức Thảo, có nghĩa tư tưởng của Marx là chân lý khách quan tuyệt đối, kiểu "duy nhất đúng", và các tư tưởng trước Marx, theo ông quan niệm, cũng như theo quan điểm của Marx, đều chỉ là tư tưởng triết học kiểu tư sản, của "bọn tư sản"; nó chỉ phản ảnh quan điểm hay kết quả của tính đấu tranh giai cấp trong lịch sử của châu Âu qua từng thời kỳ hay các giai đoạn, mà bản thân Trần Đức Thảo chỉ muốn vạch ra. Nên ở đây, trước khi đi sâu vào phần nội dung trình bày của TĐT, thiết tưởng cũng nơi gợi ý sơ qua một chút về chính các nội dung và ý nghĩa của những vấn đề mà chính ông Thảo sẽ muốn nói đến.

Quả vậy, trước hết, chúng ta có thể thấy được ý nghĩa của con người về mặt tồn tại, nói chung lại, chính yếu luôn vẫn là mặt ý thức hay nhận thức. Tức cũng có thể nói, mỗi cá nhân vẫn chính là một đơn vị ý thức. Nơi ý thức ấy, có sự nhận thức về chủ thể và đồng thời là sự nhận thức về khách thể. Nhận thức về chủ thể chính là là sự phán đoán, sự phản tỉnh, và sự so sánh. Còn nhận thức về khách thể là sự nhận thức về thế giới khách quan ngoại vật mà trong đó chủ thể đang tồn tại. Tất nhiên, trong thế giới ngoại vật đó có sự tồn tại của xã hội, tức cũng có sự hiện diện của những ý thức hay chủ thể khác. Riêng nói về khả năng của ý thức, hay tính cách của sự nhận thức, thì cũng có nghĩa vừa nói đến tâm lý học, mà cũng vừa nói đến triết học. Các nội dung này, cơ bản đã được Kant và Hegel nói đến rất nhiều, rất toàn diện và bao quát, ít ra là về mặt triết học. Nhưng chính Marx lại đã lái vấn đề đó sang một hướng khác, là hướng duy vật biện chứng, duy vật lịch sử hay đấu tranh giai cấp trong phạm vi kinh tế xã hội, và cũng là điều mà TĐT đã muốn vận dụng nhiều hơn hết.

Vì rõ ràng con người vẫn tồn tại trong vũ trụ, và trước khi có con người, vũ trụ vốn đã có sẵn. Điều đó thật sự không có gì lạ, bởi vì cứ xét theo thực tế khách quan, hay theo các kết quả hiểu biết về khoa học cho đến nay, sự xuất hiện của con người, hay xã hội con người vẫn là do kết quả của sự tiến hóa, đã vốn do từ sự tồn tại và sự phát triển của tự nhiên mang lại. Có nghĩa, hai phạm trù vật chất và ý thức của con người vẫn luôn là hai phạm trù cơ bản nhất, thực tế nhất, mà cả triết học và khoa học nói chung đều vẫn luôn quan tâm đến. Nhưng thay vì xem xét mặt khoa học và mặt triết học theo ý nghĩa nói chung, Marx lại chủ trương đặt nó thuần túy vào bình diện ý thức hệ do ông nêu ra, tức là bình diện của quan điểm duy vật lịch sử, của đấu tranh giai cấp, mà ở đây chúng ta thấy TĐT vẫn luôn luôn bám theo sát nút. Bởi vì đó là quan điểm duy vật, và TĐT thì luôn theo đúng luận điểm của Marx, còn mọi quan điểm nào trái lại, TĐT cũng đều cho là tư tưởng của triết học tư sản tuốt tuột. Tuy nhiên, khởi điểm duy vật liệu đã đầy đủ, cũng như hoàn toàn và thật sự hợp lý chưa, thì dường như TĐT không nói đến, hay không quan tâm đến, mà chỉ xem đó như chính là một niềm tin đích thực và hữu lý nhất.

Và như trên đã nói, việc trước khi có mặt con người, đã có sự tồn tại của bản thân vũ trụ mới là cái chính yếu. Nhưng trước khi có sự tồn tại của vũ trụ, tức là trước khi có tồn tại của thế giới vật chất, thì bản thân của cái ban đầu đó là cái gì, hiện vẫn còn là một sự bí ẩn về nhiều mặt. Cũng như thế, trước khi có sự tồn tại của xã hội, thì đã phải có ý thức ban đầu xuất hiện. Tất nhiên, ý thức phát triển cũng giống như sự sống phát triển, đó là cả một quá trình lịch sử rất lâu dài nằm trong toàn bộ lịch sử phát triển các sự vật khách quan nói chung. Còn ý nghĩa kinh tế hay giai cấp của xã hội về sau này, cũng chỉ là một khía cạnh, một phạm trù cụ thể nhất định của cấu trúc xã hội. Nhưng chính điều này lại đã được Marx đưa lên như một nền tảng tối hậu, và tất tất mọi sự kiện, mọi yếu tố lịch sử đều được ông ta giải thích xoay chung quanh đó. TĐT, do vậy, tuy nổi tiếng như một nhà triết học, nhưng sự thật lại không đưa ra được một kết quả tư tưởng gì riêng biệt, mà thực tế ông chỉ có sử dụng và minh họa lại quan điểm tư tưởng của Marx, như mọi người đã thấy rõ qua các bài viết trước mà chúng tôi đã minh chứng đầy đủ.

Đối với tư tưởng của Kant, ông Thảo nói : "Lúc đầu Kant có khuynh hướng duy vật, nhưng khi Kant đặt vấn đề về triết học căn bản, tức là vấn đề quan hệ giữa tư tưởng và thực tại, thì Kant lại chuyển sang duy tâm. Kant đặt vấn đề triết học trên lập trường phê phán. Đó là một mặt thay đổi mới so với hướng huyền học". Điều này ông Thảo nói đúng : "Hướng huyền học đặt vấn đề: thực tại là gì? Trái lại, Kant đặt vấn đề : chúng ta hiểu biết đối tượng khách quan thế nào, làm thế nào mà hiểu biết được thực tế khách quan - Do chỗ phê phán năng lực hiểu biết mà quy định được đối tượng thực tế". Và ông nói tiếp : "Cách mạng của Kant đi từ khách quan vào chủ quan, cho lý tính quy định thực tại chứ không phải thực tại quy định lý tính như trước nữa. 'Cách mạng' của Kant là một 'cách mạng duy tâm'. Tức là đối với Kant : "muốn có đối tượng thì phải có kinh nghiệm. Ở chỗ này, Kant có phần tiến bộ vì đã chống lại hướng huyền học cũ".

Có nghĩa khi nêu lên tiến trình của tư tưởng khách quan, mà cụ thể ở đây là tư tưởng của Kant về mặt lịch sử triết học, TĐT cũng không nói điều gì xa khác ngoài chính thực tế khách quan ấy. Tuy nhiên, khi bắt đầu nhận xét, phê phán, ông liền giở quan điểm duy vật lịch sử của Marx ra để áp dụng chay chay như một, khi ông viết : "Xã hội Đức cuối thế kỷ XVIII còn là một nước lạc hậu so với  các nước Tây Âu chung quanh. Tập đoàn phong kiến Đức đang thống trị vững mạnh. Giai cấp tư sản Đức còn yếu đuối, nhỏ mọn, chưa có điều kiện lên nắm chính quyền. Giai cấp tư sản chưa đòi thực hiện nhân sinh quan của nó trong thực tế khách quan, trong xã hội thực tại; mà trong thực tế khách quan là thực tế xã hội phong kiến Đức, tư sản không thể tìm tiêu chuẩn để hoạt động được". Đây là thói quen hay mục tiêu của TĐT khi bàn về mọi khía cạnh hay mọi nguyên lý triết học. Và đây cũng là điều làm người ta dễ dàng thất vọng và bực bội nhất, giống như ông không hề là một nhà triết học.

Và đó là thói quen nhận định về tư tưởng khi ông Thảo viết : "Trong khi đó, ảnh hưởng cách mạng tư sản các nước xung quanh, nhất là cách mạng tư sản Pháp, đã vang dội mạnh vào tư tưởng của giai cấp tư sản Đức; giai cấp tư sản Đức cũng đặt vấn đề cách mạng, nhưng trong tư tưởng thôi, chứ không phải là trong thực tế". Tức ông Thảo lúc nào cũng chỉ biết khư khư về giai cấp và cách mạng, hơn là các ý nghĩa triết học về bản thân tư tưởng một cách khách quan và bao quát thật sự. Ông luôn luôn giống như một chiến sĩ cộng sản, một nhà hành động đấu tranh chính trị, hơn là một nhà triết học đúng nghĩa cần thiết nhất. Rồi quả thật ông kết luận : "Sự bất lực trong tư tưởng của Kant phản ánh sự bất lực của giai cấp tư sản Đức nằm trong một hệ thống Châu Âu đã tiến bộ nhiều, đã hoặc đang làm cách mạng tư sản. Tính chất bất lực ấy phản ánh trong quan niệm bị động về nhận xét thẩm mỹ, cho nó là sự gặp gỡ giữa lý tính và cảm giác, có mục đích mà không tiến tới mục đích". Đây là phần phê phán của TĐT đối với quan niệm thẩm mỹ học của nhà triết học lớn Kant.

Và khi nói về ảnh hưởng tư tưởng triết học của Kant, TĐT viết : "Giai cấp tư sản Âu Tây sau khi làm cách mạng thành công, sau khi đã nắm chính quyền thì nó hết vai trò của nó. Lực lượng kinh tế của nó đã được thỏa mãn, đồng thời nó đang phải e sợ, chống đối với một lực lượng xã hội mới đang lên là giai cấp vô sản. Giai cấp tư sản trở thành lạc hậu, phản động. Những mục đích cao xa mà nó đề ra khi đứng lên làm cách mạng như công lý, bình đẳng, bác ái... chỉ còn là lý tính, lý tưởng, không phải là cái để thực hiện nữa. Những mục đích đó chỉ còn được nhớ lại như một lý tưởng, một lý tưởng cần thực hiện và là một lý tưởng có thể thực hiện được". Nếu đọc sách của TĐT cốt chỉ biết như thế về các ý nghĩa và lịch sử triết học, có lẽ người ta phải nên tìm đọc các sách chỉ nói về lịch sử xã hội hay chính trị với mọi quan điểm và nội dung khác nhau còn thấy thú vị và bổ ích nhiều hơn.

Đến độ mà bản thân quan điểm triết học của ông Thảo đã trở thành nhảm nhí khi ông nói huỵch tẹt ra những gì mà đầu óc ông ta suy nghĩ : "Tư tưởng triết học Kant ở cuối thế kỷ XVIII đã phù hợp với tư tưởng giai cấp tư sản Âu Tây của thế kỷ XIX và sang thế kỷ XX này. Triết học Kant thành tư tưởng thống trị, mang dạy trong các trường học ở Âu châu, đến nỗi sách giáo khoa tư sản Âu Tây phân hai giai đoạn tư tưởng nhân loại về cổ điển và cận đại, lấy Kant làm mốc". Chẳng hiểu ông Thảo nói như vậy nhằm để làm gì, thay vì làm triết học khách quan, sâu sắc và cần thiết thật sự, TĐT hầu như chủ yếu chỉ đi rao giảng quan điểm duy vật lịch sử của Marx là chính, tức ông muốn làm chính trị trong khi đang triết lý, hay nhiệm vụ của ông là truyền bá tư tưởng Marx, và làm cách mạng xã hội, hơn là ý nghĩa và vai trò của một nhà triết học đúng nghĩa và có giá trị thật sự.

Đây tính cách bộc lộ triết học của ông quả chẳng khác mấy như một nhà sử học, hay nói cho đúng, một nhà sử học mác xít khi ông viết : "Trong lịch sử thế kỷ thứ XVI vả XVII, các lực lượng tiến bộ ở Đức đã bị đàn áp và tiêu hủy phần lớn, đặc biệt là trong 'Chiến tranh nông dân' là cuộc chiến tranh trong đó cải cách tôn giáo của Luther chống phong kiến. Phong trào Luther lúc đầu lôi cuốn nông dân đi với công thương và tiểu phong kiến chống lại phong kiến và Giáo hội. Nhưng kết quả của nó chỉ là sự thất bại của nông dân, và chỉ đi đến sự xóa bỏ một phần quyền lợi Giáo hội, đề cao quyền lực các hoàng thân (Chúa chư hầu) với cải cách của Luther. Nó chỉ là thắng lợi của chế độ hoàng thân dựa vào tiểu phong kiến và lôi cuốn bọn tư sản và tiểu tư sản đầu hàng, còn nông dân thì bị đàn áp hoàn toàn. Sau đó, những hạng tiểu tư sản và tư sản cũng bị đàn áp không ngóc đầu lên được. Chế độ thắng là chế độ phân quyền, các hoàng thân cát cứ ngăn trở kinh tế tư sản phát triển. Qua nửa đầu thế kỷ XVII, lại có chiến tranh 30 năm  với sự can thiệp của hầu hết các cường quốc Âu châu, đã tiêu hao gần hết lực lượng của Đức".

Rồi ông kết luận : "Về tư tưởng triết học, cái gọi là Cổ điển Đức (danh từ của Marx) có 4 triết gia: Kant, Fichte, Schelling và Hegel. Đặc biệt là tư tưởng Kant và Hegel phản ánh trong phạm vi duy tâm (vì hoàn cảnh nghèo nàn của Đức) những yêu cầu của Cách mạng tư sản Âu châu nói chung, nhất là Cách mạng tư sản Pháp. Lập trường thì duy tâm, nhưng nội dung thì lại có phần sâu sắc hơn những nhà tư tưởng Pháp, Anh, vì những người này hạn chế những vấn đề nghiên cứu trong phạm vi những đòi hỏi thực tế trước mắt. Cụ thể Kant đặt vấn đề: về mặt triết học lý thuyết, phải tiêu diệt những mơ hồ của huyền học và tôn giáo, biện chính khoa học mới. Các nhà tư tưởng tư sản tiến bộ Anh, Pháp đã thực hiện trên nhiệm vụ ấy về hai mặt : xây dựng vũ trụ quan duy vật, và xây dựng lý thuyết kinh nghiệm chủ nghĩa về quá trình hiểu biết của người ta (Locke, Condillac, Diderot, Helvétius ...). Kant cũng đặt vấn đề phê phán huyền học, phê phán khoa học giả dối chứng minh bằng lý tính những cái mơ hồ như tồn tại của Thượng đế, bất diệt của Linh hồn, tuyệt đối của Tự do".

Có nghĩa, TĐT không hề coi triết học như một hoạt động độc lập của tư duy, trí tuệ con người đối với các ý nghĩa và vấn đề hay đối tượng nhận thức, mà ông chỉ coi nó như một phản ảnh ý thức đấu tranh giai cấp trong xã hội đúng theo quan điểm tư tưởng do Marx đã đề ra. TĐT quả thật chỉ đi minh họa và áp dụng quan điểm tư tưởng của người khác, nhưng không bao giờ tự ông là một nhà triết học thật sự. Có nghĩa ông ta quên các khoa học tự nhiên hay toán học phải chăng chúng cũng phản ảnh ý nghĩa ý hệ hay đấu tranh giai cấp. Chắc ông sẽ nói, khoa học tự nhiên là khác, còn triết học và tư tưởng là khác. Nhưng cơ sở nào để nói như vậy, hay do chính Marx đã nói mà nó đã trở thành một chân lý khách quan thật sự. Quả thật tư tưởng của TĐT là tư tưởng lệ thuộc, nô lệ người khác, áp dụng người khác, hơn là tư tưởng của một nhà tư duy độc lập và chân chính thật sự. Cuối cùng, ông đã viết : "Kết quả là trong phạm vi tư tưởng, Kant chỉ có thể phê phán lý tính thuần túy trên một lập trường duy tâm, nếu không thì không thể biện chính được những mệnh đề có phần tiến bộ và lạc hậu ấy, phản ánh ảnh hưởng tư tưởng Cách mạng tư sản Âu Tây trong hoàn cảnh lạc hậu của nước Đức".

Và khi thật sự đi sâu vào nội dung tư tưởng triết học của Kant, ông viết : "Kant đề cao kinh nghiệm, nhưng lại cho nó căn bản là chủ quan, không phản ánh thực tại, nên học thuyết của Kant là duy tâm tiên nghiệm. Nó đối lập với duy tâm kinh nghiệm chủ nghĩa, cả hai đều lấy chủ quan làm xuất phát điểm, nhưng chủ quan của Kant có tính chất phổ cập và tất yếu, nó là điều kiện tiên thiên của tất cả các cảm giác chủ quan có tính chất phổ cập và tất yếu, nó là điều kiện của đối tượng thực tại tương đối trong kinh nghiệm, tuy không phải là thực tại tuyệt đối, không phải là tự tại (ta không biết được tự tại mà chỉ biết được thực tại trong không gian và thời gian)". Có nghĩa điều lấy làm tiếc của TĐT là Kant không phải duy vật mà là duy tâm, và duy tâm của Kant là duy tâm tiên nghiệm, còn tệ hơn cả duy tâm kinh nghiệm chủ nghĩa giống như một số người khác. Có nghĩa TĐT không cần các chân lý khách quan của triết học, không phải ông muốn đi tìm cái gì còn chưa rõ, mà thật sự ông chỉ muốn tìm cho ra cái mà mình muốn phải tìm ra nó cho được, tức quan niệm duy vật lịch sử của Marx, đó chính là tính cách của tinh thần triết học nơi nhà "triết học" Trần Đức Thảo.

Đây, hãy nghe TĐT nói : "Kant có phê phán huyền học, nhưng lại hạ thấp giá trị của khoa học cho là không nắm được thực tại tuyệt đối, và như thế đã mở hé cửa cho sau này trở lại tôn giáo. Đó là hai mặt của lý thuyết, phản ánh thực trạng xã hội và tình trạng giai cấp tư sản Đức : trong khi đả phá cái thuần tuý của huyền học, Kant lại bảo vệ một thứ thuần túy khác gần kinh nghiệm hơn - thuần túy Toán lý. Kant chưa công nhận thế giới vật chất quan niệm theo cơ lý là thực tại tuyệt đối. Giai cấp tư sản Đức đã thấy cái hình thức thực tại xuất hiện trong cuộc Cách mạng tư sản, nhưng chưa đi tới chỗ thấy được chỉ có thực tại ấy mà thôi". Quả thật trong khi Kant là nhà triết học nghiêm túc, thận trọng và tôn trọng điều gì mình đang đi tìm, cho dầu điều đó là gì đi nữa, TĐT hầu như hạ giá triết học, tầm thường hóa triết học, kiểu như một trò chơi giả tạo nhằm phục vụ chính tiên kiến hay ý đồ hoặc niềm tin sẵn có của mình, đúng là chưa tìm ra chân lý đã vội vàng tự mình bán rẻ và phản bội chân lý khách quan một cách thấp kém và tầm thường nhất.

Nói cụ thể hơn, đây là luận điểm rẻ tiền đó của TĐT khi ông viết : "Do đó, sau này triết học Kant ảnh hưởng rất nhiều trong tư tưởng tư sản Âu Tây, biến thành một học thuyết giáo khoa xem như học thuyết mở đầu cho một thời kỳ mới. Thực ra, nó chỉ xây dựng một cơ sở duy tâm, để một mặt thì hoạt động trong kinh nghiệm thực tế, nhưng một mặt khác thì lại chống lại lập trường duy vật của phong trào xã hội chủ nghĩa, và một phần nào hé cửa để đến lúc cần trở lại tôn giáo. Điểm tiến bộ nữa là nó sẽ mở đường cho sự phân tích những hiện tượng tinh thần. Sự nghiên cứu quan hệ giữa cảm thức và nhận thức sẽ mở đường cho sự nghiên cứu quá trình tiến triển của ý thức của Hégel, cung cấp điều kiện để phát triển chủ nghĩa duy vật về sự hiểu biết của người ta từ thực tế lên lý luận. Đó là công trình lớn nhất của Triết học Cổ điển Đức". Quả đầu óc của TĐT như chỉ bằng một hạt đậu, chỉ nói theo người khác, tuân thủ theo tư tưởng người khác, còn mình chẳng có tư duy gì riêng lẻ, độc lập cả.

Rồi ông kết luận : "Công trình của Kant có tính chất lịch sử, nhưng mặt khác, trong khi phê phán huyền học, Kant lại tuyệt đối hóa phạm trù của khoa học tự nhiên, nên lại sa vào một thứ huyền học mới. Cơ sở giai cấp của huyền học ấy đã đưa nó tới chỗ không nắm được khách quan tuyệt đối, mà chỉ nắm được một đối tượng của ý thức có tính chất khách quan đối với chúng ta. Những hiện tượng đó có tính chất khách quan trong ý thức mà thôi, nhưng trong ý thức nó vẫn có tính chất khách quan. Thế giới khách quan mà Kant biện chính trên lập trường duy tâm là thế giới khoa học mới theo quy luật số lượng và nhân quả. Nó là thế giới khách quan của khoa học máy móc, do giai cấp tư sản đang lên xây dựng. Kant công nhận và biện chính nó, nhưng chỉ công nhận nó là do những quy luật sắp xếp cảm giác, không công nhận nó là một thế giới thực sự. Vì Kant đã biện chính thế giới quan mới, nên trong đoạn này, Kant có phần tiến bộ ở chỗ chống thế giới quan cũ".

Và để cụ thể hóa hơn về các nội dung nguyên lý trong triết học của Kant, thì TĐT quy kết : "Quá trình ứng dụng những phạm trù để xây dựng một thế giới quan có tính chất khoa học theo quy luật nhất định, phổ cập và tất yếu, là quá trình trong ý thức chủ quan phản ánh quá trình thực sự xây dựng thế giới mới theo kỹ thuật máy móc mới. Kant đã mô tả quá trình xây dựng một đối tượng trong ý thức theo những quy luật máy móc của kỹ thuật thực sự mới xuất hiện trong xã hội. Chính sức sản xuất mới là kiểu mẫu của quá trình xây dựng ý thức mà Kant đã mô tả trên lập trường duy tâm. Kant nói : cái đó đối với tôi là vật mà tôi xây dựng trong ý thức theo quy luật. Trong thực tế khách quan, cái mà người ta xây dựng thực sự theo quy luật nhất định, chính là sản phẩm sản xuất theo kỹ thuật máy móc. Nhưng Kant đã duy tâm hóa quá trình xây dựng ấy, biến quá trình xây dựng thiết thực thành một quá trình xây dựng trong tinh thần, theo quy luật tinh thần. Nội dung thì có tính chất tiến bộ vì nó phản ánh sức sản xuất mới, nhưng lập trường thì phản ánh điều kiện thực tế của giai cấp tư sản Đức đương thời, tức là chỉ hiểu biết kỹ thuật mới trong phạm vi duy tâm chứ không nắm được một cách thực sự. Do đấy sau này, đến lúc giai cấp tư sản Âu Tây đã nắm được quyền thống trị rồi thì cái mà Kant gọi là suy luận tiên nghiệm của phạm trù (tức là suy luận giá trị thuần túy trước kinh nghiệm của phạm trù của trí tuệ) được rất nhiều tác dụng, vì nó chứng minh phương thức sản xuất tư sản có giá trị khách quan".

Bằng nào thì TĐT cũng phải cố gắng đưa cho được các ý niệm giai cấp, các ý niệm về đấu tranh giai cấp vào trong các lý luận triết học thì ông ta mới có thể chịu được. Và bằng chứng đó lại càng cụ thể hơn khi ông viết tiếp : "Nhưng mặt khác, giá trị khách quan ấy chỉ có trong ý thức mà thôi. Nó dựa vào kinh nghiệm, có ứng dụng trong kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm đó chỉ được công nhận trong phạm vi ý thức chủ quan. Nó đã biện chính tất cả những điều kiện thiết thực để phát triển phương thức sản xuất tư sản, nhưng không cho đi xa hơn, nghĩa là không công nhận rằng phương thức sản xuất là thực tế khách quan, có thực ngoài ý thức. Do đấy, nó chống được lập trường duy vật, tức là chống được tư tưởng tiến bộ của giai cấp công nhân. Để kiểm tra kết quả của suy luận tiên nghiệm của phạm trù, Kant xét lại những lập luận giáo khoa của huyền học cũ, và chứng minh rằng sở dĩ đã có những lập luận ấy là vì lý tính đã sử dụng những phạm trù của trí tuệ ngoài phạm vi kinh nghiệm, mà sử dụng như thế tất nhiên phải sai lầm".

Dù sao TĐT vẫn có những khả năng triết học nhất định khi ông viết : "Theo Kant, đó là mâu thuẫn căn bản trong huyền học cũ, và trở thành nội dung tranh luận của các nhà huyền học cũ, cũng vì lý tính sử dụng phạm trù trí tuệ ngoài kinh nghiệm thực sự (kinh nghiệm có hạn nhưng phát triển được mãi), và đặt vấn đề toàn bộ. Đó là những mâu thuẫn của lý tính thuần túy. Cuối cùng xét đến kinh nghiệm Thượng đế thì nó cũng xuất phát từ việc sử dụng một cách không chân chính, 'quá mức' một phạm trù của trí tuệ mà nó có giá trị trong phạm vi kinh nghiệm". Điều này hoàn toàn chính xác, cũng như khi ông viết : "Trong điều kiện kinh nghiệm đã có sự tồn tại, Thượng đế là một thực thể tất nhiên, tuyệt đối, tồn tại vô điều kiện. Kant cho rằng không được, vì không thể định nghĩa danh từ rồi tự mình bắt buộc mình công nhận. Tồn tại không phải là một tính chất thường mà ta có thể định nghĩa được bằng những thuộc tính của khái niệm. Tồn tại chỉ nắm được bằng kinh nghiệm, không thể xây dựng tồn tại bằng khái niệm, như thế đã chuyển từ danh từ sang thực tại. Sở dĩ như thế vì đã sử dụng phạm trù ngoài phạm vi kinh  nghiệm thực tế, nên chỉ là danh từ, vì không đặt cho tồn tại những điều kiện trong kinh nghiệm. Vì lý tính đã sử dụng một phạm trù chân chính của trí tuệ ra ngoài kinh nghiệm : trong kinh nghiệm, ta chỉ nắm được giống như một con chim càng bay cao càng nhẹ, có ý nghĩ là nếu thoát khỏi thế gian thì bay rất nhẹ nhàng, bay cao mãi, mà không biết là thoát khỏi không khí thì không bay được".

Đây là quan điểm chính xác của Kant và ông Thảo đã nêu lại một cách khách quan, trung thực, chứng tỏ cái gì người khác đã nói ra ông có thể nhận thức được đầy đủ cả, cà Kant lẫn Hegel hay Marx. Có điều TĐT học được của người khác thì tốt, nhưng cách phê phán và tư duy của ông lại rất kém hay mang tính tầm thường hóa và phủ nhận triết học giống như Marx đã làm. Nhưng phủ nhận triết học bằng chính quan điểm triết học, đó là điều mâu thuẫn, nghịch lý. Tại sao anh không mặc nhiên phủ nhận triết học mà phải đi vào triết học để phủ nhận triết học. Phải chăng việc làm đó là có cơ sở hay chỉ là sự lạm dụng và ngờ nghệch. Anh lấy cái anh cho là không có để nhằm phủ nhận cái anh không thể phủ nhận được, bằng một cách lý giải khác, có phải chăng là sự lấp lững, xuyên tạc một cách không chính đáng, thiếu nghiêm túc, không kết quả, và không cần thiết. Đây chính là điều hăng hái nhất mà TĐT đã luôn luôn theo chân Marx. TĐT quả là người mác xít, không phải là nhà triết học thật sự đúng nghĩa như người ta vẫn tưởng. Chính những kết quả thực tế của lịch sử khách quan đã phủ nhận, mâu thuẫn, hay cho thấy ngược lại những gì TĐT tâm đắc và quyết chí, về phương diện bản thân, và phương diện lịch sử xã hội nói chung cũng vậy.

Cuối cùng, để tổng lược về tư tưởng của Kant, TĐT viết : "Kant có công lớn trong việc chấm dứt huyền học cũ. Ông đã phê phán đứt khoát và thực tế không trở lại nữa (trừ trong các nhà tu) phạm vi triết học. Nhưng mặt khác, trong khi phê phán huyền học thì lại tuyệt đối hóa những phạm trù của khoa học tự nhiên, đi đến một thứ huyền học mới. Nỗi mừng này của TĐT chính là thấy Kant đã phủ nhận siêu hình học (huyền học, Metaphysik, metaphysic, métaphysique), ít ra là về phương diện nào đó. Song TĐT không thấy rằng, Kant không hề phủ nhận siêu hình, song chỉ chuyển hướng, hay đặt siêu hình học theo một hướng khác, hướng không thuộc kinh nghiệm học hay khái niệm học. Đây là điều làm TĐT thất vọng, bởi vì TĐT chỉ mơ ước Kant trở thành một nhà triết học hoàn toàn duy vật y như Marx. Có điều TĐT quên rằng, về xuất xứ xã hội thì Marx, Hegel và Kant cũng như nhau, cũng gần cùng một thời đại và hoàn cảnh bản thân không khác, tức có tri thức, có khuynh hướng triết học, và khuynh hướng triết học thì mỗi người mỗi khác. TĐT cho đó là hệ lụy của ý thức giai cấp, của đấu tranh giai cấp xã hội y như Marx nói. Quả TĐT chỉ biết nhai lại tư duy của người khác, còn mình không có khả năng hay ý thức về một nhu cầu tư duy triết học độc lập, riêng biệt nào cả.

Chính vì thế mà ông đã viết : "YÙ nghĩa triết học lý thuyết của Kant là một chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm, xây dựng khách quan trên cơ sở chủ quan, nhưng không phải là chủ quan cá nhân, mà là chủ quan có giá trị phổ cập. Nhưng nó vẫn là chủ quan, là duy tâm : Kant có phê phán tôn giáo của thần học cũ, nhưng lại mở đường tái lập tôn giáo một cách khác". Bởi TĐT là người mác xít nên ông ta cũng muốn Kant cũng phải là người mác xít như chính ông, ông không chấp nhận kiểu Kant có tư tưởng riêng như trên đã thấy. Cái gì dúng theo Marx thì TĐT cho là "tiến bộ", còn khác đi là phản động, là tư sản. Ôi quả, thật đầu óc của TĐT quả chỉ có thế, đó là đầu óc của một "triết gia" thứ thiệt, chỉ biết có một khuynh hướng triết học để chống lại tất cả mọi khuynh hướng triết học khác hay phủ nhận triết học nói chung. Đó chính là nguồn gốc tư duy độc đoán trong Marx mà TĐT quả là một bản sao hoàn hảo và rẻ tiền nhất. Thương thay một "nhà triết học" tiên phong hiện đại của VN mà chính giới học thuật của thế giới đều biết đến. Chính TĐT đã chữi lại những gì gọi là hào quang của ông mà những người khác đã vô tình khoác lên cho ông trên bình diện tư tưởng triết học.

Điều này quả thật không ngoa khi TĐT viết tiếp : "Trong phê phán huyền học của Kant, có phần tiến bộ là : Kant đã đề cao : điều kiện của kinh nghiệm cảm giác : thời gian và không gian. Kinh nghiệm làm nội dung tất yếu của cảm thức chân chính. Trong phần cảm giác luận, Kant đã chứng minh rằng không thể lẫn lộn điều kiện của cảm giác với điều kiện của tư tưởng. Những điều kiện ấy là điều kiện của đối tượng kinh nghiệm trong cảm giác. Tư tưởng phải phục tùng điều kiện ấy. Đó cũng là cơ sở để phê phán huyền học tôn giáo". Có nghĩa cái gì có hơi hướng duy vật thì TĐT luôn luôn hứng khởi, rộn rã, còn nói khác đi, tức ra ngoài khuynh hướng triết học mác xít, thì ông phù mang nổi quạu. Đó hoàn toàn là một thái độ tiền kiến, không phải vì năng lực triết học của con người, vì chân lý khách quan của khoa học hay triết học, mà vì cảm tính, tình cảm tư riêng, vì cảm xúc, và vì thiên kiến. Trong ý nghĩa như thế, quả TĐT cũng giống như một loài nhai lại, làm gì còn được năng lực triết học, làm gì còn được ý nghĩa khám phá và sáng tạo không ngừng trong triết học, làm gì cho sự đóng góp cho phát triển của tư duy nhân loại được.

Điều minh chứng đó là thế này, khi TĐT đã nói huỵch tẹt ra : "Kant tuy đứng trên lập trường duy tâm nhưng đề cao kinh nghiệm, đề cao lao động trong kinh nghiệm, tuy chỉ là lao động tinh thần. Kant tuy đứng trên lập trường duy tâm, có quy định một số điều kiện của khoa học, phản ánh hoàn cảnh thực tế của khoa học bấy giờ, và xét tới cùng, cũng là do hiệu lực của phương thức sản xuất (phương thức sản xuất tư bản, đương tiến bộ). Lao động trí óc của nhà khoa học xây dựng vũ trụ theo quy luật lý tính, nó phản ánh điều kiện lao động thực sự, thực hiện một phương thức sản xuất có tổ chức chính xác, tức là phương thức sản xuất máy móc". Đây xét cho cùng không hề là tư duy triết học đúng nghĩa mà chỉ là quan điểm kinh tế chính trị học mác xít, giống như bất cứ vị khoa giáo hay sinh viên bình thường ngày nay tại VN đều nói được. Tức TĐT thảo đã hoàn toàn chuyển hướng triết học khách quan thành một môn kinh tế chính trị học thông thường mà ngày nay mọi sinh viên tại VN từ lâu vẫn đã học.

Đây, hãy xem ông Thảo viết : "Đó là công trình lớn của Kant : ông nắm vững những điều kiện hoạt động thực sự của trí tuệ (kinh nghiệm thực tế). Nó phản ánh sự tiến bộ nói chung của giai cấp tư sản Âu Tây bấy giờ: đã đi đến yêu cầu Cách mạng tư sản Pháp, ảnh hưởng đến toàn bộ Âu Tây. Tư tưởng của Kant đã phản ánh được cái mức độ cao đó, nhưng trong phạm vi hoàn cảnh giai cấp tư sản Đức, thì chỉ quan niệm cách mạng trong tinh thần : đánh đổ huyền học trong tinh thần, với vũ khí tinh thần, tức là dựa vào các điều kiện chủ quan của kinh nghiệm thực tế (không gian và thời gian) quan niệm như là hình thức của cảm giác, đồng thời cũng dựa vào những phạm trù của trí tuệ. Do đấy, Kant đi đến chỗ định nghĩa một thế giới duy lý và có hình thức khách quan, nhưng cũng là một thế giới tinh thần, chỉ có trong phạm vi ý thức. Thành ra, Kant không tin tưởng thực sự ở thế giới mới mà cho nó là một thế giới hiện tượng (không phải là một thế giới tự tại), do đó ta có thể tưởng tượng một thế giới tự tại trong đó tái lập những khái niệm cũ về linh hồn và Thượng đế. Kant đã dựa vào đâu để tái lập sự bất diệt của linh hồn và sự tồn tại của Thượng đế một khi đã bác bỏ nó ra ngoài thế giới khoa học? Kant đã dựa vào luân lý trong cuốn Phê phán lý tính thực tiễn".

Nói như trên, rõ ràng TĐT không hiểu hay không muốn hiểu triết học nói chung và triết học của Kant nói riêng về phương diện bề sâu, mà chỉ dừng lại, chỉ có khả năng hiểu, hay chỉ muốn hiểu thuần túy trên tầm mức bề cạn, tức kinh tế chính trị học mác xít như trên kia đã nói. Cho nên TĐT đã "bẻ lái" quan điểm lý trí thực tiễn của Kant lại theo ý mình như sau : "Động cơ vì quyền lợi hay tình cảm có phải là những động cơ được ta đề cao một cách vô điều kiện không ? Không, vì tình cảm hay quyền lợi có khi là những động cơ tốt, có khi là những động cơ xấu. YÙ thức nhiệm vụ thì chúng ta lại đề cao vô điều kiện. YÙ thức nhiệm vụ có khi đối lập với tình cảm hoặc quyền lợi, nhưng bao giờ nó cũng phải trước. YÙ thức nhiệm vụ thực hiện với khả năng sẵn có thì được đề cao một cách vô điều kiện. Đó là cái tài sản chung của tư tưởng nhân dân, trong nhân dân người ta đề cao cái ấy. Nhưng ý thức nhiệm vụ chỉ là một trạng thái chủ quan thôi. Vậy nhiệm vụ ấy là nhiệm vụ gì ? Đối tượng của nó là gì ? Nếu đề cao nó một cách tuyệt đối, thì chúng ta không thể nào quan niệm cái đối tượng của nó ngoài cái hình thức nhiệm vụ ấy : nếu nói là vì gia đình, vì Tổ quốc, v. v... thì nó vẫn hữu hạn. Cái vô điều kiện là cái mệnh lệnh pháp luôn luôn có trong lương tâm là chúng ta phải hoạt động với ý thức nhiệm vụ".

Điều này có lẽ đã làm TĐT thỏa mãn, vì ông đã nhét được hai chữ "nhân dân" vào trong lý lẽ triết học đó. Tuy nhiên, quan điểm đạo đức của Kant đã không làm cho TĐT thỏa mãn được là vì : "Theo Kant thì ý thức nhiệm vụ dựa vào một mệnh pháp phổ cập, mơ hồ, phát hiện quyền tự do của con người trên mọi quyền lợi cá nhân, nhưng mệnh pháp phổ cập ấy dựa vào đâu, thì Kant cũng không giải quyết được. Kant cũng đã nói hình thức ấy cũng là nội dung. Đối tượng của mệnh pháp luân lý là nhân tính thuần túy, còn nhân tính là mục đích chứ không phải là phương tiện. Xét đến cùng, nhân tính ấy cũng chỉ là hình thức không có nội dung, bắt nguồn ở một động cơ siêu nhiên là Thượng đế". Có nghĩa TĐT cũng phủ nhận cả nhân tính, bởi đối với ông chỉ có vật chất là chính. Theo TĐT, nhân tính cũng chỉ là vật chất, hoàn toàn không có nội dung, chính là điều mà Kant đã nhầm lẫn khi đề cao nhân tính, và điều này TĐT đã nhân danh tư tưởng của Marx để bẻ lại một cách kịch liệt như trên đã thấy.

Luận điểm đó, TĐT lý giải như sau : "Tại sao đến Kant mới đề cao ý thức nhiệm vụ đó một cách tuyệt đối, đến nỗi không còn nội dung gì nữa. Sở dĩ Kant đã gạt bỏ tất cả những ưu điểm trước kia đặt ra, là vì với cách mạng tư sản, một hình thức mới trong những quan hệ giữa người với người đã được xây dựng. Đó là hình thức pháp lý đối lập với các quan hệ trước như ban ơn, như quan hệ gia đình, nghĩa hiệp v. v... Với quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, quan hệ này đã chấm dứt mọi quan hệ được quy vào một hình thức chung phổ cập có tính chất duy ý : quan hệ trao đổi hàng hóa. Đây là quan hệ bình đẳng hình thức giữa những người trao đổi không có vấn đề tình cảm cá nhân". Quả nhiên TĐT đã dựa vào phạm trù hàng hóa trong kinh tế học để phê phán nội dung ý nghĩa triết học của Kant. Đem chuyện dưới đất để phê phán chuyện trên trời đó là quan điểm tư tưởng của TĐT. Đó cũng là phương pháp luận khoa học và triết học của Trần Đức Thảo, cũng chỉ là thói quen hay năng lực mang râu ông nọ cắm cằm bà kia như nhiều lần chúng tôi đã nói.

Quan điểm đó hoàn toàn phơi bày đúng mức khi TĐT viết : "Pháp lý được xây dựng là một hình thức phổ cập gạt bỏ những động cơ trước. Chính cái đó mà tư tưởng tư sản đã lý tưởng hóa trong khái niệm ý thức thuần túy về nhiệm vụ. Tất nhiên, trong thực tế sự trao đổi hàng hóa cũng phải dựa vào động cơ cá nhân, nhưng trong hình thức nó gạt bỏ động cơ cá nhân ấy. Pháp lý mới được lý tưởng hóa trong luân lý của Kant. Nó có tính chất tiến bộ, vì nó đả phá quan niệm cũ: đề cao ý thức nhiệm vụ; nhưng nó duy tâm và phản ánh pháp lý tư sản, đại diện cho quyền lợi giai cấp tư sản dưới hình thức tự do và bình đẳng. Nó có tính chất khô khan, vì nó phản ánh tính chất khô khan của pháp lý tư sản, vì quan hệ sản xuất hàng hóa gạt bỏ động cơ có nội dung tình cảm, đặt quan hệ giữa người và người có tính chất duy lý theo một nguyên tắc tự do và bình đẳng. Cái bình đẳng tự do này có phần chân chính, nó đã đả phá phong kiến, bảo đảm một phần nào quyền lợi nhân dân, nhưng trên hình thức thôi; còn nội dung là quyền lợi của giai cấp tư sản. Đó chính là nội dung luân lý của Kant. Trong phạm vi của Kant, mâu thuẫn được giải quyết như thế nào? Khi Kant đề ra quyền tự do tuyệt đối của lý tính con người, thì lại có mâu thuẫn giữa quyền tự do tuyệt đối ấy và thế giới quan quy luật tính của khoa học mới mà Kant đã thiết lập trong cuốn phê phán lý tính thuần túy".

Ngay như quan điểm triết học thuần túy về thẩm mỹ nghệ thuật của Kant cũng đã bị TĐT nhét vào khái niệm đấu tranh giai cấp : "Một vật đẹp thì phải biểu hiện một cái gì, một nội dung chân chính gì. Quan niệm thẩm mỹ trên cũng xuất phát từ cơ sở giai cấp của Kant trong quá trình cách mạng tư sản : nghệ thuật có được giải phóng, nó không phục vụ trực tiếp một số người có địa vị rõ rệt như trong xã hội phong kiến nữa; nhà nghệ thuật không phải bám vào phong kiến mà có thể sinh sống bằng nghệ thuật của mình, trên cơ sở quan hệ trao đổi hàng hóa. Nhưng sự giải phóng đó cũng chỉ là hình thức. Vì thực tế thì tranh bán cho ai ? Và ai có tiền mua ? Tranh phải thỏa mãn người mua. Cho nên hình thức tự do cũng phục vụ tư sản, phủ định cái nội dung cũng là phục vụ cho tư sản. Giai cấp tư sản sống về hình thức, với hình thức ấy, nó phản ánh sâu sắc phương thức sản xuất tư sản là tự do cạnh tranh : cứ cạnh tranh rồi sẽ được điều hòa hết. Hình thức tự do này đã được tư sản đề cao trong quan niệm 'nghệ thuật vị nghệ thuật'".

Thật là xuẩn ngốc khi TĐT phê phán về triết học và về thẩm mỹ nghệ thuật theo kiểu như vậy. Nếu theo cách đó thì chỉ nên "vứt mẹ" triết học và thẩm mỹ nghệ thuật đi, cần gì phải tốn công tốn sức để nói đến nữa. Phải chăng sở dĩ cần nói đến là để nhằm "cải tạo" con người, nhằm "lèn" vào đó những cái trước kia không có mà nay đã có, để nhằm cải tạo thế giới, cách mạng thế giới theo lối một chiều mà chính TĐT hãy hãy còn rất say sưa, hăm hỡ. Sự phủ nhận triết học bằng triết học, phủ nhận thẩm mỹ nghệ thuật bằng thẩm mỹ nghệ thuật, phủ nhận tinh thần bằng vật chất, phủ nhận nhân tính bằng nhân tính, phủ nhận xã hội bằng chính trị, phủ nhận con người bằng ý thức hệ một chiều, đơn lẻ, đó chính là thâm ý và mục đích sâu xa nhất của Trần Đức Thảo, mà hoàn toàn mọi luận điều như trên của ông đã thật sự khách quan và đầy đủ cho thấy.

Và đây là sự kết luận đầy trơ trẽn của ông về mặt ý thức triết học : "Tư tưởng của Kant biểu hiện những ưu và khuyết điểm của cách mạng tư sản một cách đặc biệt đúng đắn. Triết học của ông đã có nhiều ảnh hưởng trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa (tư bản tiếp tục phát triển khuyết điểm của ông). Trong triết học tư sản, đối lập với tư tưởng của giai cấp công nhân lúc bấy giờ, có hai hướng chính là Kant và Herder, nhưng hướng phổ cập vẫn là hướng của Kant, vì một mặt tư tưởng ông sát với quyền lợi của giai cấp tư sản, một mặt biện chính cho mọi kinh nghiệm thực tế của giai cấp tư sản : phê phán lý tính thuần túy (khoa học), phê phán lý tính thực tiễn (pháp lý) và thưởng thức thuần túy (thẩm mỹ học). Đó là thế giới quan hình thức chỉ dựa vào hình thức mà đòi nắm được nội dung". Sự chê trách Kant của TĐT đã hoàn toàn rõ. "Thế giới quan" của Kant chỉ là thế giới quan hình thức, tức thế giới quan tư sản. Nên làm thế nào mà "thế giới quan" đó lại có thể nắm được "nội dung" của cách mạng, tức nội dung mác xít của thế giới quan duy vật, của ý thức hệ duy vật, mà chính ông Trần Đức Thảo lại nhằm muốn bắt buộc Kant phải hướng đến cho được.

Trở lại vấn đề triết học đích thực. Có thể hiểu triết học như một trong các khuynh hướng hoặc yêu cầu văn hóa cơ bản của con người. Yêu cầu đó là yêu cầu tri thức hay nhận thức khách quan, và nó cũng chẳng khác gì như các nhu cầu của toán học, vật lý học, sinh học, vũ trụ học, hay bất kỳ những mục đích hiểu biết thật sự nghiêm túc và hấp dẫn nào đó khác mà con người vốn có. Khái niệm lịch sử xã hội, khái niệm giai cấp và đấu tranh giai cấp, chỉ xuất hiện mãi về sau này. Đó có thể cũng mới chỉ là một khái niệm có mang chất cảm tính, hay vốn được căn cứ vào thực nghiệm, theo cách như thế nào đó, thì vẫn mới có sau triết học, không phải chính là nguồn gốc duy nhất của triết học, như Marx và ông TĐT đã cứ theo Marx mà nghĩ tưởng. Dùng một ý niệm nhỏ để nhằm bao quát cả một ý niệm lớn, đó chính là một điều ngây thơ và ngờ nghệch của TĐT. Chẳng hạn, các phạm trù của tư duy ý thức và nhận thức mà Kant đã từng vạch ra, hay sự tồn tại thực tế về các giống loài, hoặc về phái tính nam nữ, lại cũng chỉ là sản phẩm của đấu tranh giai cấp, y như ông Thảo vẫn cố ý biện bạch về lịch sử xã hội và triết học trong thực tế, dưới cái nhìn hết sức toàn diện và bao quát hay sao.

Cho nên, ý nghĩa của tồn tại về không gian và thời gian, ý nghĩa tồn tại của vật chất, ý nghĩa tồn tại của ý thức, ý nghĩa tồn tại của phát triển lịch sử về mọi phương diện hay mọi mặt, tức tính sử nói chung; hoặc nói gộp lại, sự tồn tại của ý thức, cũng như của mọi phạm trù tồn tại khác nhau trong hiện thực, vẫn thiết yếu là các ý nghĩa lớn, hay các mục tiêu tìm kiếm lớn hay hướng tới của triết học, mà thật sự cũng không ăn nhập gì đối với các vấn đề của ý thức hệ nào đó, hay về đấu tranh giai cấp xã hội, mà chính Marx đã đưa ra cả. Quan điểm gộp chung vào ý thức giai cấp và đấu tranh giai cấp, vốn chỉ là quan điểm triết học của chính Marx, không phải là quan điểm về chân lý toàn diện của triết học nói chung. Có nghĩa, trước khi Marx đưa ra tư tưởng của mình, và sau khi Marx đã chết đi, thì mọi trào lưu triết học vẫn có, và vẫn tiếp tục xuất hiện; chẳng phải Marx mới là người đầu tiên và cũng là người cuối cùng của chính sự tồn tại triết học. Tư tưởng của Marx dù chỉ là một tư tưởng chủ quan, nhưng cũng không thể phủ nhận nó; nhưng thật sự cũng không thể dùng nó để nhằm khuynh loát hết tất cả mọi cái khác, như chính Marx đã từng mong muốn, và TĐT cũng chỉ là một ý thức có tính nô lệ và nhiệt tình hướng theo.

Rút gọn lại, Kant là một nhà triết học lớn. Các suy nghĩ triết học của Kant hoàn toàn đúng đắn, nghiêm túc và khách quan. Thậm chí có thể nói Kant còn sâu xa hơn cả Hegel và hơn cả Marx. Vì thái độ của Hegel là thái độ trịch thượng, còn thái độ của Marx là thái độ phần nào đó có tính bôi bác triết học, hay ít ra cũng là đối với Kant, đối với Hegel, và thậm chí đối với cả chính tinh thần và ý hướng triết học nói chung. Còn riêng Trần Đức Thảo, hầu như không đủ khí thế và tầm vóc của một nhà triết học, nhà tư tưởng thật sự, mà thực chất giống như anh học trò quèn, múa rìu qua mắt thợ, như thể cốt để làm lóa mắt những người không có chuyên môn sâu, hay phần nào yếu kém về năng lực tư duy triết học. Một thái độ như thế, nếu có thật sự, đều có phần nào thiếu nghiêm túc, phi triết học, phản triết học, kể cả phản khoa học, nếu hiểu triết học cũng như là một khoa học. Có nghĩa, đó cũng chỉ là một thái độ nhận thức vấn đề theo kiểu cách hạn hẹp, kiểu giản lược tối thiểu, mà thật sự chưa có được tinh thần rốt ráo, tính chất bao quát, tinh thần toàn diện, mà bất kỳ nhà triết học, nhà tư tưởng nghiêm túc nào đó, đều luôn cần phải có, giống như Kant chẳng hạn.

Mục đích của Marx là gì, là muốn xây dựng một xã hội tuyệt đối lý tưởng theo kiều Marx quan niệm. Nhưng khái niệm xã hội lý tưởng đó là khái niệm cảm tính, khái niệm thực nghiệm, khái niệm triết học hay khái niệm khoa học là điều phải nên suy xét. Bởi nó xuất phát từ cơ sở nào, cơ sở cảm tính, cơ sở thực nghiệm, hay cơ sở chân lý triết học trừu tượng. Tất cả mọi cơ sở như thế đều không tương thích với khái niệm xã hội động và mang tính cách sử tính, biến đổi không ngừng, phát triển không ngừng của lịch sử. Nếu hình tượng sự phát triển lịch sử xã hội giống như sự trôi chảy của một dòng sông thì mọi sự mô hình hóa xã hội đều hoàn toàn nông cạn và lố bịch. Chính Marx đã dựa vào quan điểm mâu thuẫn và quan điểm biện chứng của Hegel nhằm sáng tác ra một mô hình xã hội hoàn toàn cứng nhắc và phi thực tế như thế. Điều đó cũng cho thấy cả Marx và TĐT đều chẳng nghĩ đến, hay chẳng có quan niệm gì đến ý nghĩa của cấu trúc trong mọi vật thể. Bởi ngay như chính ý niệm phạm trù của Kant cũng chỉ là một khía cạnh của ý niệm cấu trúc, mà đầu óc của TĐT không hề nghĩ ra.

Cho nên về phương diện thực tế, ngay từ đầu đã có gợi ý về ý nghĩa chủ thể tính. Mỗi cá nhân đều giống nhau và khác nhau cũng ở chỗ khái niệm chủ thể tính. Mọi ý nghĩa về thể lý, tức thân xác, xã hội, giai cấp thảy đều các hiện tượng bên ngoài của chính chủ thể tính đó. Chẳng hạn, hòn đã hay mọi vật thể khác đều chỉ là vật chất, nhưng sự sống đơn bào cho đến đa bào và cuối cùng là ý thức con người, chính là các phương thức tồn tại khác nhau, hay các trình độ tồn tại khác nhau của chủ thể tính. Nói khác đi, mỗi cá nhân con người trong xã hội, hay mỗi chủ thể, mỗi tồn tại chủ thể tính đều như một véc tơ toán học. Xã hội là một tập hợp hay một tập thể mọi tồn tại như thế. Đó là một bản chất, một lực lượng, một thực tại luôn luôn biến chuyển. Nó chịu nhiều áp lực khác nhau, nội tại cũng như bên ngoài, và kết quả cuối cùng của nó chính là kết quả cuối cùng của mỗi cá nhân cũng như của toàn xã hội.

Nói khác đi, phát triển của xã hội thực chất vẫn luôn luôn là phát triển của ý thức con người. Mọi ý nghĩa hay kết quả của phát triển xã hội về mặt lịch sử, đời sống, khoa học, toán học, triết học nói chung, đều không ngoài chính sự phát triển cơ bản đó. Tất nhiên ý nghĩa của triết học là phân tích, cũng giống như toán học, mà không phải chỉ là ý nghĩa tổng hợp như kiểu các khoa học thực nghiệm khác. Có nghĩa, mục đích của triết học cơ bản vẫn là bản thân của nó, không phải chỉ là kết quả phải tìm ra của nó. Bởi không bao giờ có kết quả tìm ra được sau cùng của bất kỳ ngành khoa học nào, kể cả toán học. Thực tại luôn luôn bày ra cái mới, và nhận thức con người cũng luôn luôn đi đến cái mới, đó là điều mà chính Kant là người đầu tiên đã nhận thấy rất rõ, và thật sự cũng hết sức sâu xa, và vô cùng sâu sắc. Nhưng TĐT nhiều lắm chỉ nhìn thấy Kant trên bề cạn, nhưng hoàn toàn không muốn, hay cũng không thể nhìn thấy Kant trong bản chất bề sâu như thế, vì nhiều lý do khác nhau.

Chỉ nói riêng về mặt nhận thức, sự phát triển của nó cũng giống như hình ảnh sự phát triển của hai đường thẳng giao nhau. Trong một mặt phẳng nào đó, như một mặt phẳng a? cha?ng ha?n, ta ve? hai ?ường thẳng giao nhau. Hai đoạn hội tụ sẽ tiến tới cùng một điểm, và vượt qua xong điểm ấy lại thành hai đoạn phân kỳ. Nhận thức của con người cũng vậy, đi đến bề sâu tận cùng của một lãnh vực nào đó, sẽ cũng có thể lại bắt đầu phân kỳ sang một lãnh vực khác, và thật sự điều đó cũng lại có thể bắt đầu tiến tới vô hạn. Điểm nút đó chính là điểm mà Kant quan niệm. TĐT nhiều lắm chỉ nhìn thấy được phần nào chính miền của mặt phẳng thực tại mà không nhìn thấy hết các miền khác, cũng như không quan niệm nổi điểm nút và khả năng phân kỳ của nó. Tất nhiên, từ hai miền đối đỉnh (tức nghịch lý, hay mâu thuẫn) đó, có thể cũng vẽ nên được vô số các đường thẳng đi qua điểm nút đó. Đó là ý niệm bao quát nhất về quy luật mâu thuẫn hay biện chứng, mà Hegel chỉ mới một phần nói đến, còn Marx lại phiên dịch lệch đi, và Trần Đức Thảo thì chỉ như anh học trò bưng tráp theo thầy, thầy nói chi mình cứ nói y lại như vậy; đó quả là sự thảm hại cho tinh thần, cho ý thức triết học, cũng như cho cả bản thân triết học, mà vốn từ các đầu óc hạn hẹp lại có thể gây nên biết bao điều tác dụng và hệ lụy.

Trong thực tế, sự phát triển của ý thức cá nhân và ý thức xã hội là một diễn tiến khách quan trong thực tại. Có nghĩa, ý thức cá nhân và ý thức xã hội luôn tương tác nhau theo hoàn cảnh, cũng như theo quan hệ với môi trường tự nhiên. Điều này cũng giống như trong sinh học. Nhưng lãnh vực sinh học là lãnh vực cơ chế của sự sống thể lý, còn lãnh vực ý thức lại là lãnh vực phát triển nhận thức của sự sống trí tuệ. Bởi thế, nếu ý thức đấu tranh giai cấp trong kinh tế là thật hữu, thì đó cũng chỉ là một bộ phận, một tập hợp con, một phạm trù con nào đó, không phải chính là một phạm trù khuynh loát hay kể cả cái toàn thể. Marx đã dựa vào nguyên lý biện chứng của Hegel để khái quát hóa như một bản thân toàn diện của thực tại xã hội, là thật sự rất khiên cưỡng quá đáng, cũng như không hề chứng minh được về cơ sở khoa học cũng như về cơ sở triết học, theo yêu cầu phải phân tích đầy đủ và toàn diện thật sự. Trong khoa học không bất kỳ một tính cách đặc thù hay phạm trù nào riêng lẻ lại có thể được cho phép khái quát hóa sang một phạm trù khác, hoặc nó khái quát hóa để trở thành toàn diện.

Nếu thế, nó sẽ chỉ trở nên như một sự ức đoán, một sự giả định, mà không hề là cơ sở lô-gích khách quan, hay đầy đủ thật sự. Nhưng với tính cách là nhà triết học, Trần Đức Thảo đã mơ hồ hay không xác định được điều này, mà lại chỉ cho thấy một tinh thần thụ động và mù quáng, quả thật đáng tiếc. Nhưng triết học như đã nói, không phải chỉ cốt nhằm khẳng định một kết quả, mà đúng nghĩa ra đó chỉ như một cuộc hành trình bất tận. Tức một cuộc hành trình của nhân loại về mặt ý thức và mặt nhận thức trừu tượng. Nhưng cũng từ cuộc hành trình đó, mà triết học thông thường vẫn như một cuộc tìm tòi, một cuộc khám phá về chân lý, một cuộc sáng tạo ra các phương pháp mô tả, một phương pháp tìm kiếm, một phương pháp đánh giá, mà chắc chắn không hề bao giờ là một sự "sáng tạo" ra chân lý. Nói khác, mục đích của con người chính là nhằm sống trong một bầu khí chân lý, hay ít ra cũng là bầu khí không ngừng đi tìm chân lý, mà không phải như sống trong một chân lý đã được tìm ra một cách dứt khoát và trọn vẹn nào đó. Đó là ý nghĩa của sự tự do ý thức, tự do xã hội, mà tuyệt đối không thể nào là sự độc đoán của ý thức, hay sự độc đoán của xã hội như mọi người đều biết.

Không ai "thực hiện" toán học, mà chỉ qua toán học để thực hiện những cái khác. Đối với triết học cũng tương tự như vậy. Quan điểm thực hiện triết học là quan điểm ngây thơ, nông cạn, phản triết học, phản xã hội, phản ý thức, phản thực tại, và nói chung là phản chân lý. Đó cũng chính là những hiểu biết hoàn toàn sơ đẳng về mặt triết học, điều mà chính Kant đã đặt nền móng thật sự hữu lý đối với triết học, cũng như đối với mọi khoa học trong thực tiễn duy nghiệm. Tiếc rằng Trần Đức Thảo khi phê phán về Kant vẫn không thấy hết ra được điều ấy, mà trái lại ông chỉ muốn cố bắt ép Kant phải hoàn toàn lập luận giống y theo Marx. Đó quả là một sự lố bịch và lơi khơi của Trần Đức Thảo về mặt chân lý khách quan, cũng như về mặt triết học. Do vậy, mọi quan điểm hiện tượng luận (Phenomenologie) trong các trường phải triết học đã có, thật sự cũng chỉ là những phân tích về ý thức hay về tương quan của ý thức. Còn nếu xét về mặt thực tiễn kinh tế xã hội, cũng như mặt lịch sử cụ thể của thực tại, thì chẳng qua cũng chỉ là xét về cấu trúc xã hội trong hiện thực, mà chính ý thức nói chung vẫn thực chất vẫn giữ quyền tích cực và chủ động về các ý nghĩa nào đó. Cơ sở hiện thực của cá nhân con người hay xã hội nói chung vẫn luôn là vật chất. Nhưng thật sự đó chỉ là công cụ hay phương tiện cần thiết mà không bao giờ chính là mục đích. Ngay cả mối quan hệ giai cấp nếu có như Marx quan niệm, thật ra đó cũng chỉ là phương tiện mà không bao giờ là mục đích có thể được con người xem là tối hậu cả.

Bởi vậy như đã nói, một chủ thể cá nhân như một đơn vị vectơ cụ thể trong một "trường" xã hội luôn luôn biến chuyển. Môđun xã hội và môđun của mỗi vectơ đó đều luôn luôn tương tác, trong chính các điều kiện thực tiễn nói chung của chúng. Mỗi vectơ cá thể vẫn luôn luôn vận động như một hàm số gồm rất nhiều các biến số, có những biến số cụ thể và những biến số phi cụ thể hay trừu tượng, mà chính mỗi cá nhân đó mới biết rõ. Cho nên, quan điểm giai cấp và quan điểm đấu tranh giai cấp theo kiểu huyền học, siêu hình, hoặc như một công thức phát triển xã hội mang tính biện chứng theo kiểu toán học mà Marx đã tưởng tượng ra, thật sự ngay từ đầu đã không có cơ sở, và ngày nay cả thực tế cũng đã chứng minh cho thấy điều ấy là hoàn toàn vô lý về mặt mục tiêu và lý tưởng. Bởi sự phát triển xã hội căn bản vẫn là sự phát triển khoa học kỹ thuật, như một sự phát triển thực tế trong việc nhận thức, được gắn cùng với nhiều yếu tố tinh thần khác nhau, mà trong đó, thật sự yếu tố xã hội cũng chỉ như một cơ sở nhất định. Ấy vậy, mà sự mê tín của TĐT đã được phơi bày rõ rệt như trên kia, khi ông ta đã viết một cách dè bỉu : "Đó là thế giới quan hình thức chỉ dựa vào hình thức mà đòi nắm được nội dung" khi ông ta muốn đưa ra kết luận cho việc phê phán Kant, như trên kia đã thấy. "Nội dung" đó mà ông muốn hiểu ở đây, tất nhiên không gì khác hơn chính là nội dung của quan điểm duy vật lịch sử trong tư tưởng của Marx, mà ông Thảo vốn đã được nhập tâm từ rất lâu, và vì thế ông ta bao giờ cũng chỉ muốn phải luôn luôn nói đến.

Sàigon, 29/8/2010
VÕ HƯNG THANH*


(*) - TS Triết học. Xem cùng tác giả :“Trần Đức Thảo phê bình Truyện Kiều” 25/8; “Trần Đức Thảo nhận thức về tư tưởng nguyên thủy của loài người” 27/8; “Trần Đức Thảo  nhận thức về tư tưởng triết học của Hegel” 28/8/2010