Chim Việt Cành Nam         Trở Về   ]            [ Trang chủ ]         Tác giả   ]
 
Tháng sáu trời (không) mưa
Cát Hoàng
...
Tôi là hạt cát đời nung bỏng
Đợi gì tháng sáu trời (không) mưa?

Tháng sáu - Tháng cuối của kỳ nghỉ hè. Đây là khoảng thời gian nhiều vui lắm buồn của sinh hoạt tuổi học trò.

Vào thập kỷ 70 thế kỷ trước (TK 20) đất nước đang trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, bọn học trò trung học chúng tôi thường nói vui với nhau: "Đây là ba tháng quân trường" - Bởi lẽ, thời điểm nghỉ hè cũng là lúc gia đình chuẩn bị gieo cấy vụ lúa mùa (làm ruộng mỗi năm một vụ), nên nghỉ hè về nhà là phải cùng gia đình "Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" chớ đâu có được nghỉ ngơi vui thú gì! Trước năm chuẩn bị thi Tú tài IBM, vài ba thằng bạn kéo nhau lên Mỹ Tho (Từ Bình Đại-Bến Tre đi đò lên) tự lực học cua (học thêm) bằng cách mướn xích lô luân phiên nhau làm phu đạp kiếm tiền (khi đó nghề đạp xích lô còn dễ sống). Nhắc lại còn dzui dzui, khi đạp xích lô thì kéo nón đệm che kín mặt sợ người quen thấy được cười tía má mình, nhưng đêm về cả bọn diện đẹp chểm chệ quán café sang trọng ra phết (Thành phố Mỹ Tho trước ngày giải phóng có một dãy quán café - có cả quán café nhạc sóng của ca sĩ Hoài Vĩnh Phúc- ở đường Trưng Trắc, dọc bờ sông Bảo Định, giáp vườn hoa Lạc Hồng - Nay là Công viên, Tượng đài Trương Định).

Tôi có nhỏ bạn học rất thích hát: "Tháng sáu trời mưa... trời mưa không dứt...Trời không mưa em cũng lạy trời mưa...". Mỗi lần nghe nó hát tôi nhạy lại: "Sáu tháng người yêu...người yêu không dứt... Người không yêu em cũng lạy người yêu...". Vậy là, tôi với nó cãi nhau và bao giờ nó cũng giành phần thắng theo chủ thuyết: Không phải yêu rồi lấy chồng là...hết. Bây giờ, sau gần 40 năm gặp lại, nó vẫn chẳng thèm lấy chồng mà chỉ chăm chú phụng sự Nước Chúa (!)

Tôi có hai thằng bạn học, một thằng thích vẽ, một kẻ thích đàn, gần như cả đời hai đứa nó chẳng có thứ gì đáng quan tâm hơn là được vẽ, được đàn. Mà phải công nhận tụi nó có năng khiếu thiên bẩm, riết rồi thầy cô không nỡ trách phạt việc tụi nó mê vẽ, mê đàn, bỏ bê bài vở học tập. Đáng buồn là hai "thiên tài" đều "mệnh đoản" và cùng chọn tháng sáu để đi về cõi vĩnh hằng mới lạ (?)

Lần cuối chia tay với tuổi học trò, rời xa mái trường phổ thông  trung học Bình Đại (1974), diễn ra một cách bất ngờ ngoài dự định đối với tôi. Phải nói năm học 1973-1974 là năm học đầy ắp vui buồn, kỷ niệm sâu sắc nhất trong tuổi học trò của tôi, do trong năm dưới sự hỗ trợ tận tình của cô giáo dạy văn, chúng tôi thành lập Bút nhóm Hương Bình, mới ra số báo đầu tiên (Quay ronéo đóng tập, mà phải mang lên tận Mỹ Tho đặt làm) thì bị Ngài Quận trưởng "rầy rà" quá mạng, khiến mấy nhỏ "són" nên "dẹp cái rột". Cũng trong năm nầy tôi "bất ngờ" chia tay luôn với "Tình trong như đã mặt ngoài còn e".

Tháng sáu bất ngờ nắng, bất ngờ mưa như đời người vậy. Tựa chữ "duyên" Nhà Phật - Nó dẫn dắt ta đi, đến chừng bạc tóc ngẫm lại "nghiệp" mình, thì "bỏ thương vương tội". Ta phụ người. Người phụ ta. Quanh đi quẩn lại khổ sở bởi lòng thương ghét.

Giờ đây, mỗi độ tháng sáu về nhìn phượng đỏ, mưa bay,... ngậm ngùi luyến nhớ bạn học xưa đã lưu tán ngoài nước, trong nước, hiếm khi gặp lại mừng rơi nước mắt. Có những đứa đã ra người thiên cổ, với nhạc phẩm bất thành: "Mùa hè lại đến... xác hoa phượng ôm gót giày... Phượng rơi rơi... vài cánh lá lao xao... Âm thầm và vọng xa tiếng cuốc kêu. Biết khi nào? Biết khi nào... lại gặp nhau?...", cùng bao ước mơ, hoài bảo khác đành gác lại.

Giờ đây, nếu viết lại được cổ tích. Tôi sẽ nhập đề theo lối truyền thống: Ngày xưa, tháng sáu trời (không) mưa...

Bến Tre, 6/2009


  Trở Về   ]