Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]

 NHỮNG ĐIỀU HỌC HỎI

Thuần-Phong Ngô-văn-Phát

Lời giới thiệu :

Bài viết sau đây là của nhà văn hóa Thuần-Phong Ngô-văn-Phát, giảng sư ĐHVH SG , Ông Thuần-Phong viết về một buổi làm việc của Ủy ban điển chế danh từ khoa học mà G.s. Chủ-tịch trong bài là giáo sư LÊ VĂN THỚI.

Giáo sư thực thụ LÊ VĂN THỚI ,người Gò Dầu ,Tây ninh , là Tiến sĩ hóa học tốt nghiệp tại PHÁP, là cựu học sinh Petrus Ký SG, là nguyên viện trưởng viện Đại học Saigòn cho đến năm 1963 .Giáo sư đã từng đảm nhận chức Giám đốc Trung tâm nguyên tử ĐAø LAT.Sau ngày này (1963) , Giáo sư chọn niềm vui mới cho mình bên cạnh công tác giảng dạy tại trường ĐHKHSG là dồn nổ lực của mình vào niềm tin " văn hoá " , chỉ có văn hóa là muôn đời , con đường giáo sư chọn là hình thành "nhóm tự nguyện" với sự giúp đở của Bộ Quốc gia Giáo dục thời VNCH, làm sao có thể tạo ra qua dịch thuật những từ mới có tính cách chính quy, họp thức mà ngôn ngữ Việt cần dung nạp vào các lãnh vực khoa học, nghệ thuật ... , làm sao và cách nào để tạo ra từ mới mà mọi người đều có thể vui vẻ dung nạp nó một cách tâm phục khẩu phục. Giáo sư theo đuổi công trình này cho đến lúc mất dù nơi công khai hay chỗ riêng tư.

Giáo sư LÊ VĂN THỚI là Trưởng Ủy Ban Điển chế Danh từ khoa học, ủy ban này là nơi tập hợp các giáo sư đầu ngành thuộc viện ĐH SG ( nay vẫn còn nhiều vị giáo sư còn sống là Trần Ngọc Ninh , Học Canh , Nguyễn Chung Tú, Phạm hoàng Hộ ... ) , nơi gặp gở giữa các nhà khoa học, các nhà Hán học, các học giả danh tiếng, các giáo sư Văn khoa xuất phát từ các nguồn đạo tạo khác nhau . Họ cùng nhau làm việc một cách tự nguyện để tìm từ thích hợp khi dịch chuyển từ một từ có nguồn gốc tiếng Anh, tiếng Pháp sang tiếng Việt sao cho đúng nhất. Mục tiêu hướng đến là một từ tiếng Anh chỉ được dịch sang một từ duy nhất trong tiếng Việt của chúng ta và ngược lại . Có như thế thì các bản văn khoa học mới được hiểu một cách chính xác.

Nhận thấy việc này, nay không còn là việc mang tính chất "trà dư tửu hậu " nữa, mà là một việc khẩn cấp trong tình hình ngôn ngữ rất "loạn " hiện nay , bài viết trích dẫn dưới đây như là kinh nghiệm để Quý Thầy của thể hệ chúng tôi, lớp đàn anh nay đang tản mạc khắp nơi trên thế giới, trong tuổi già, tuổi hưu trí của mình, tất cả Họ đều có một kiến thức uyên bác, một sở học uyên thâm, cả tiếng Hán, cả tiếng La tinh và Nhật ngữ. Tất cả Họ đều mang trong lòng mình một mong muốn đóng góp một cái gì đó cho cộng đồng Việt. Lẽ nào lực bất tòng tâm mà phải chịu bó tay!. Nay Họ có thể ngồi lại bên nhau qua không gian ảo, họ sẽ tìm được một tiếng nói chung về " danh từ Kỹ thuật" , "danh từ Khoa học ", "danh từ Văn học "....

Nhớ vài năm trước đây trong diễn đàn Talawas có bàn về việc dịch danh từ khoa học có tên là "Vi tính" dịch từ "microcomputer "của tiếng Anh. Có "Vị ?" ký tên mình một cách hiên ngang, cho địa chỉ đàng hoàng tại Hà nội , ông ta có ghi bằng cấp Tiến sĩ trước tên mình.. nghĩ mà "?"!, Thầy của chúng tôi ngày xưa hiếm khi viết TsX, nếu bài viết không phải là lãnh vực mà mình đã lãnh văn bằng đại học .

laiquangnam xin sao lục bài viết sau đây là của học giả Thuần- Phong Ngô-văn- Phát, giảng sư Đại học văn khoa SG ,người cùng một thế hệ "?" với thi sĩ Đông Hồ ,chúng tôi trích lại từ tập san Xuân 1975 phát hành vào tháng giêng 1975 của Ủy ban này để gọi là " đốt lò hương " xưa .

Quê nhà,2010
Người sao lục
laiquangnam
-o0o0o-
Nguyễn Du đã than:
"Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng."
                                Kim-túy Tình-Từ
Tấm lòng đa-cảm của thi-sĩ, tấm lòng từ-bi của một người căn lành. Tôi có tấm lòng... hiếu-học, nên xin phép đạp cỏ cú, nếu nói theo Bắc thì tập-Kiều,rằng :
"Trải qua nhiều cuộc luận bàn
Đã học nhiều với Ủy-ban Danh-từ!
Tôi đã học-hỏi được tinh-thần và phương-pháp khoa-học chánh-xác trải qua mấy năm trời trong lòng Ủy-Ban Quốc-Gia Soạn-Thảo Danh-Từ Chuyên-Môn, mà thành-phần đa-số là những nhà khoa-học, toán-học, kỹ-thuật, quen cầm ống kiếng, cây thước, cây cân, những dụng-cụ chính-xác.

Văn-học không quen với dụng-cụ-chính-xác đó, không thường sử-dụng phương-pháp khoa-học theo tinh-thần khoa-học chánh-xác đó. Văn-học vốn có tinh-thần và phương-pháp của mình, của văn nghệ nói chung. Tinh-thần và phương-pháp văn-nghệ chấp-nhận một tác-phẩm nhiều ý-nghĩa để mỗi người có thể thưởng-thức theo nhãn-quan và cảm-quan của mình. Có lẽ vì vậy mà ngôn-ngữ văn-học mới có "nhứt tự lục nghì" ; cũng có lẽ vì vậy mà một tiếng văn-học Pháp khó nổi dịch ra một tiếng văn-học Việt. Nhưng tinh-thần và phương-pháp khoa-học chánh-xác bắt buộc phải dịch cho thông.

Nhờ Ủy-ban đã dịch thông được một số danh-từ Văn-học mà tôi đã học hỏi được khá nhiều trải qua nhiều phiên luận-bàn hội-hiệp.
 
TRI ÂM AI ĐÓ

Trong phiên họp ngày 22-1-1974, sau khi Ủy-ban đã thảo-luận rốt-ráo về những từ ngữ Hán-Việt thuộc về căn lý mà Ủy-ban đã chấp thuận đem dịch những danh-từ Pháp-ngữ raison, logique, moral v.v., G.s. Chủ-tịch lặp lại ý muốn ghi lại thành bài những cuộc hoạt động lý-thú của Ủy-ban để đăng vào Nội-san. G.s. Chủ-tịch đã từng bày tỏ ý muốn đó trong nhiều phiên họp và quí vị ủy-viên vẫn biểu-thị tán-thành. Kỳ thật, ý muốn đó rất là chánh-đáng và việc làm vốn là cần-thiết, vì bài tường-thuật các cuộc thảo-luận chẳng những phản-ảnh được nguyên-tắc và phương-pháp làm việc của Ủy-ban, mà còn thị-hiện được sức cố-gắng, tinh-thần hợp-tác, kiến-thức uyên-bác và thiện-chí thành-tâm của những vị tận-tụy cùng chức-vụ. G.s. Chủ-tịch tin chắc rằng ai cũng quan-niệm như vậy, chỉ hiềm vì ai cũng vướng-bận trăm công nghìn việc, không được rảnh tay. G.s. Chủ-tịch day qua Tiểu-ban Văn-học, mỉm cười:

- Bây giờ chúng ta đang dịch danh-từ Văn-học, vậy các Cụ cố-gắng viết cho ít bài.

G.s. Lê Ngọc Trụ đang tra từ-điển chữ Hán. G.s. Nghiêm-Toản với tôi nhìn nhau. Chúng tôi chưa kịp đáp-ứng, G.s. Chủ-tịch lại ngó tôi ; tôi không giấu được ngần-ngại:

- Tôi xin hết lòng cảm ơn G.s. Chủ-tịch chiếu-cố đến. Phận tôi cảnh nhà đơn-chiếc thêm công việc đa-đoan, nên từ ngày Ủy-ban xét đến danh-từ Văn-học dĩ chí hôm nay, tôi chỉ rán viết được hai bài. Tôi cũng muốn viết thêm, nhưng tôi lấy làm e-ngại.

G.s. Chủ tịch tỏ vẻ ngạc nhiên :

- E ngại ? Sợ đụng chạm ?

G.s. Chủ-tịch đón trúng tâm-lý tôi, lại tiếp :

- Cụ sợ mất lòng, vì phải kể tên quí-vị ủy-viên ? Nếu phải kể tên quí vị giáo-sư có phát-biểu ý-kiến, tôi tưởng cũng không có chi mất lòng ai, bởi vì sự thật quí vị ấy đã có góp ý.

G.s. Đào Quang Huy can thiệp :

- Tôi thiết tưởng không có chi sợ mất lòng. Trái lại, có vị nào đã dự vào thảo luận, thì ta cứ ghi tên vị ấy, để tỏ rằng mình lương thiện và để cho người ta chịu trách nhiệm về những ý kiến của người ta đã phát biểu. Trong ngành Luật chúng tôi, chúng tôi dùng tên người nào đề nghị luật gì đặt tên cho đạo luật đó.

- Xin cảm ơn giáo sư. Thông lệ chung đành là như vậy, xong tôi vẫn ngại vì hai trường hợp. Trong trường hợp thứ nhứt, trong bài sẽ viết, tôi sẽ hài tên một vị nào, tôi sợ vị ấy không vui, vì ý kiến của mình có thể không được Ủy ban chấp nhận. Trong trường hợp thứ nhì, tôi có thể quên tên một vị có góp ý kiến, hoặc càng có thể quên luôn ý kiến của những vị đã có tham gia thảo luận.

G.s. Chủ tịch liền giải phá mối e ngại của tôi :

- Tôi tưởng trong cả hai trường hợp, sẽ không có ai cố chấp đâu, vì điều thứ nhứt, nếu có ý kiến nào đã phát biểu mà không được Ủy ban chấp nhận, nếu giáo sư chép lại, thì chẳng qua là ghi lại một sự thật trong qua trình cuộc thảo luận, không có ẩn ý ác tâm; và điều thứ nhì, nếu có bỏ sót một vài ý kiến nào mà làm sao khỏi sót ? thì ắt vô hại, bởi ý kiến bị bỏ sót chắc không phải là ý kiến quan trọng.

G.s. Chủ tịch nói thêm :

- Nếu bài viết được vô tư, mà ắt phải vô tư, tôi tưởng chúng tôi ai đọc, thấy phản ảnh được phần nào nét sống động của cuộc thảo luận, chắc ai cũng lấy làm thích và chẳng ai phiền trách vì lý lẽ cá nhân.

- Tôi xin chân thành cảm ơn G.s. Chủ tịch đã rộng xét và xin đa tạ quí vị Giáo sư sẽ khoan hồng cho, để tôi ghi lại đây những điều đã học hỏi được với quí vị, để tôi được thêm cơ hội thấm nhuần tinh thần và phương pháp của khoa học chánh xác.
 
 
BỨT DÂY ĐỘNG RỪNG

Khoa học chánh xác là một thứ rừng U minh mà thời xưa nhà nho ta chưa biết qui mô và giới hạn đến ngần nào. Vậy mà, trong thời nho học thạnh hành, người xưa cho văn chương là cõi minh mông bất tận và cho học vấn là cõi bao la vô cùng, dường như cho rằng ngoài văn chương không có môn học nào sâu rộng nữa. Bình dân mô tả kho kiến thức đó bằng câu tục-diêu :

Rừng nhu (nho), biển thánh khôn dò,
Nhỏ mà không học , lớn mò ra sao ?
Biển học rừng văn ngày nay có lẽ không kém bao la, nên G.s Nghiêm toản, Trưởng tiểu ban Văn học thường buột miệng than rằng chạm đến một danh từ văn học lắm khi động đến cả dòng họ bà con, khiến Ủy ban nhọc nhằn bối rối. G.s. Chủ tịch và cả Ủy ban cũng đều nhận thấy như vậy, mà đã nhiều lần vui lòng chịu bối rối nhọc nhằn lặn lội vào biển học rừng văn để cố tìm chọn lấy nghĩa đúng tiếng hay.

Trong phiên họp ngày 4-5-1974, tiếng Adjectif đã dắt dẫn Ủy ban vào rừng văn phạm, dưới ánh sáng của koa học chánh xác!

Tiểu ban văn học đã đề nghị dịch :

Adjectif : phụ từ, phụ danh từ, tính từ, hình dung từ.

Sau khi Gs. Nghiêm Toản đọc lời đề nghị, G.s. Chủ tịch liền nhận định tổng quát:

- Trong các danh từ đề nghị, tôi nhận thấy có danh từ dung ; nhưng cân nhắc lại, hình như tiếng phụ từ là gần căn của tiếng Pháp hơn hết, còn mấy tiếng kia thì dịch nghĩa. Nhưng đó chẳng qua là thiển kiến, còn phải xin tôn ý của quí vị.

Lần lượt quí vị giáo sư đề ra những tiếng : thể từ, phó từ, phó danh từ. Có vị cho rằng tiếng phó gợi ý tiếng chánh, không ra vẻ văn học, nên đề nghị tiếng phụ : phụ từ, phụ danh từ, và nhơn đó, đề nghị dịch Adjectif Numéral : phụ toán từ.

Kỹ sư Vương Đình Xâm xét lại các tiếng trong đề nghị của Tiểu ban văn học, rồi nói :

- Trong các danh từ đề nghị, tôi thấy nên giữ lại tiếng tính từ, bởi vì Adjectif chỉ tính cách; luôn dịp tôi đề nghị dịch : Adjectif Qualificatif : tính từ hình dung và Adjectif Possessif : tính từ chủ hữu.

Một vị giáo sư liền đỡ lời :

- Adjectif Qualificatif mới nên dịch là tính từ, chớ Qualiticatif không có nghĩa là hình dung,

G.s. Chủ tịch can thiệp :

- Qualiticatif hay Possessif hay chi chi nữa thuộc Adjectif là chi tiết, tưởng nên để về sau. Bây giờ chúng ta lo liệu tiếng gốc, là Adjectif đã. Còn muốn luôn dịp này xét luôn những tiếng chánh trong Văn phạm, thì tôi đề nghị thử dịch những tiếng sau đây : Article, Nom, Adjectif, Verbe, Adverbe, Pronom, Préposition, Conjonction, Interjection.

Mọi người ra vẻ nghi ngợi. G.s. Chủ tịch tiếp theo :

- Chúng ta khởi sự dịch tiếng Nom.

Nhiều người ứng một lượt :

- Danh từ.

G.s. Chủ tịch tuy đồng ý, nhưng muốn xét choàng qua những tiếng gần nghĩa để chọn lấy tiếng chánh xác nhứt, nên lại đề nghị dịch luôn. Một vị giáo sư dở Dictionnaire des synonymes đọc những tiếng đồng nghĩa với tiếng Nom : terme, expression, mot, vocable, locution, idiotisme.

Tiếng terme đã gợi ra những tiếng : đơn vị từ ngữ, từ vị, từ và thuật ngữ. G.s. Lê Kim Đính nhắc thêm nghĩa bên Toán học : số hạn. Nhưng rốt lại tiếng thuật ngữ để dịch tiếng terme technique và thuật ngữ học để dịch terminologie.

Tiếng expression gợi thêm ba tiếng "tiếp nghĩa" : trivial, noble, improper. G.s. Lê Kim Đính cho biết bên Toán học expression đã dịch biểu thức, còn G.s. Thuần Phong nhắc rằng tiếng thành ngữ đã được phổ biến, trong lúc vài vị giáo sư khác đề nghị diễn ngữ và cách ngữ. Sau một hồi thảo luận rốt ráo, Ủy ban chấp thuận :
 
Expression Diễn ngữ, thành ngữ
Trivical diễn ngữ dung tục, dung ngữ
Noble diễn ngữ cao nhã, nhã ngữ,diễn ngữ bất hạp (không sát)

Về tiềng Mot, Ủy ban đồng ý dịch:
 
Mot Tiếng, từ
Propre Tiếng sát nghĩa
Impropre không sát
Inexact không đúng
Mot Imprecis không chính xác, không chính
- a' Mot  Tiếng một
Gros Mot  Tiếng thô tục
Grand Đại ngôn, tiếng lớn lối, khoa ngôn

Còn tiếng Locution rất gần nghĩa với Expression, nên lấy căn thành tạo ra tiếng thành ngôn để dịch Locution.

Hai tiếng Vocable và Idiotisme xa nghĩa với Mot, nêm Ủy ban không dịch. Ủy ban soạn lại những tiếng đã chấp nhận để dịch những tiếng Terme, Expression, Mot, Locution, nhận thấy những tiếng dịch ấy không có tiếng nào sát với nghĩa tiếng Nom bằng tiếng danh từ, nên đã đồng ý dịch :

Nom : danh từ.

Sang tiếng Verbe, G.s. Chủ tịch thỉnh ý G.s. Lê Ngọc Trụ, G.s. Lê Ngọc Trụ cho biết tiếng dịch quán dụng là động từ, nhưng thêm rằng :

- Những nhà văn phạm bây giờ có hai quan niệm vê tiếng Verbe, nên đã dùng hai tiếng khác nhau để dịch một tiếng Verbe: 1.động từ, nếu là loại từ trong cách phân loại danh từ, tính từ, trạng từ v.v ; 2.thuật từ, nếu để chỉ chức vụ trong nội bộ một câu, gồm chủ từ, thuật từ, túc từ.

T.P. Trần Thúc Linh can thiệp :

- Verbe nghĩa tổng quát là ngôn từ, nghĩa văn phạm là động từ.

Đáp lời G.s.Chủ tịch, G.s. Nguyễn Văn Dương phát biểu :

- Riêng tôi thiết tưởng những tiếng văn phạm đương phổ biến không được chánh xác lắm, chẳng hạn tiếng Adjectif, xét căn adjectivus, không có nghĩa gì là tĩnh cả, mà người ta đã dịch là tĩnh từ ; và tiếng Verbe, căn latinh là verbum, nghĩa là Parole, ton de voix, mà dịch là động từ ; nếu dịch Verbe theo căn latinh và theo nghĩa tiếng Pháp, có thể dịch là ngôn từ, -tiếng tuy mới, nhưng mình sẽ định nghĩa sau.

Thấy G.s.Thuần Phong cứ "dựa cột mà nghe", G.s. Chủ tịch hỏi :

- Xin Giáo sư cho biết ý kiến ?

G.s. Thuần Phong cảm ơn G.s. Chủ tịch đã chiếu cố đến, gượng đáp :

- Tự điển Đào Duy Anh giải Ngôn từ là lời nói và văn chương ; tuy Ngôn từ gần căn latinh của tiếng Verbe, song ta đem tiếng đó từ địa hạt văn chương qua phạm vi văn phạm e cho táo bạo quá ; Ngôn từ ở khía cạnh văn phạm như vậy, tôi ngại có vẻ mới quá, không biết thiên hạ sẽ chấp nhận chăng ?

G.s. Chủ tịch liền trấn định :

- Chúng ta không lo điều đó, chúng ta cũng không bắt buộc ai chấp nhận công trình của chúng ta : công trình của chúng ta có thể bị phủ nhận, vì lẽ nầy, lẽ kia. Nhưng chúng ta cố gắng làm cho tận tâm theo nguyên tắc ; nhận hay bác là quyền của hải nội chư quân.

G.s. Chủ tịch ngừng một giây rồi tiếp :

- Vậy Giáo sư chọn tiếng Động từ hay Ngôn từ.

G.s. Thuần Phong ngập ngừng :

- Nếu Ủy ban nặng về căn hơn quán dụng, thì đành chịu Ngôn từ là sát căn.

G.s. Nguyễn văn Dương liền vui vẻ nhắc lại nguyên tắc phiên dịch của Ủy ban:

- Nếu tiếng quán dụng dịch đúng thì mình dùng tiếng quán dụng ; chừng nào tiếng quán dụng không đúng thì mình mới theo căn.

G.s. Chủ tịch tiếp lời G.s. Nguyễn văn Dương, vừa xác nhận nguyên tắc phiên dịch đó, vừa hỏi G.s. Thuần Phong :

- Giáo sư có đồng ý vây không ?

- Tôi đã biết và đã thuận theo nguyên tắc đó, nhưng trường hợp những tiếng văn phạm gây thắc mắc cho tôi quá nhiều và đã mấy mươi năm nay. Nếu G.s. Chủ tịch và quí vị cho tôi một phút, tôi xin trình bày khái quát quan niệm của tôi về danh từ văn phạm.

Từ thuở trẻ, tôi đã từng đọc sách văn phạm của Trương Vĩnh Ký, Trần Trọng Kim và Lương Ngọc Luông, nhận thấy các bậc tiền bối ấy quả là đã nặng lòng với tiếng mẹ đẻ và rán sức xây dựng qui tắc của tiếng ra thành một văn phạm đúng đắn. Nỗ lực của họ rất đáng được khâm phục. Nhưng tôi không vừa ý với công trình của họ, vì họ kẻ ít người nhiều đã đồ thêm văn phạm Pháp. Phần tôi, bất tài không đủ trí khôn, nên đã bó tay trước vấn đề văn phạm Việt và thầm mong chờ những khám phá mới, hợp lý và xác thật hơn. Mãi đến năm 1942 (?), một quảng cáo trong tạp chí Ngày Nay báo tin sắp phát hành quyển sách Việt Nam Văn Phạm của Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Phạm Duy Khiêm. Tôi mừng không xiết kể, tin chắc rằng ba vị tôn sư nầy sẽ tránh khỏi vết xe trước và sẽ đưa mình vào lòng văn phạm chánh hiệu của tiếng mẹ Việt Nam. Một tuần qua, một tháng qua, hai ba con trăng lặn mọc, đến một chiều tối nọ tôi mới chụp được một bổn, từ Hà Nội gửi vào một nhà sách ở Bạc Liêu. Lòng khắp khởi, tôi dở sách ra đọc bài tựa. Con mắt tôi sang lên vì mừng, lướt qua lanh lẹ ; mắt tôi càng sáng bừng lên, khi liếc đến đoạn tác giả chỉ trích những soạn giả đã soạn văn phạm Việt Nam theo phương pháp Tây.(1) Nhưng qua trương sau, mày tôi châu lại, vì thấy tác giả làm ngược lại lời nói, khẳng nhận rằng dùng phương pháp Tây mà soạn văn phạm Việt Nam không phải là sai lầm (2). Tôi tức mình, đọc đi đọc lại, sợ tôi đã đọc nhầm ; nhưng cuối cùng tôi thấy rõ tác giả mâu thuẫn trong lời nói và việc làm. Tôi không mua sách đó. Nhưng về nhà, nằm gác tay lên trán, trách mình quá nóng, trông mau sang trở ra mua lấy về đọc kỹ xem sao. Sáng ra, tôi trở ra nhà sách, đọc ít trương, lại bỏ sách đi về. Rồi cả tuần, tôi cứ ngày ngày trở ra đọc ít trương, đến chiều thứ bảy, tôi mới bặm môi bỏ ra năm đồng bạc mua sách về đọc.

Đọc hai quận, tôi tức mình, không giằn được, cả gan viết một bài dài phê bình !

Tôi còn nhớ đã nhập đề đại ý như vầy : "Đây là một tác phẩm của ba nhà đại nho : một nho Tàu, Ô. Bùi Kỷ ; một nho Tây, Ô. Phạm Duy Khiêm và một nho lai Tàu, lai Tây, Ô. Trần Trọng Kim. Tài và tuổi tôi không cho tôi xách dép, làm học trò của ba học giả uyên bác đó. Song tôi xin phép hỗn hào, vì tiếng mẹ đẻ, có mấy lời thưa đến, cầu mong được soi xét cho..."

Bài tôi gửi ra tập chí Ngày Nay ở Hà Nội : chắc nó đã được giỏ rác nghinh tiếp, vì nhiều lẽ, một lẽ thấy rõ là vì cả gan "phạm-thượng". Tôi chịu khó chép lại, gửi lên Sài Gòn đến nguyệt san Phóng-sự : tờ báo này tuy là một cơ quan của "Quyền thứ Bốn", song cũng không rộng miệng cao cổ hơn tôi, nên tiếng kêu báo động của tôi chìm trong im lặng, theo báo Phóng sự ngự trong tiệm của chú Ba ve chai.

Về sau nầy, cho đến rất gần đây, có mấy học giả khác cũng soạn văn phạm Việt Nam ; trong các học giả ấy, có vài bạn của tôi. Công trình của họ cũng đáng quí, nhưng tôi vẫn chưa thấy đó là văn phạm Việt-Nam, như tôi hằng mong ước.

Tôi xin lặp lại rằng tôi không đủ tài khám phá được văn phạm của tiếng Việt chúng ta, tuy tôi tin rằng tiếng ta ắt có văn phạm.

Bây giờ nếu cần dịch danh từ của văn phạm Pháp, thì tôi thiên về những tiếng đã trót phổ thông, miễn đừng sai thôi.

G.s. Đặng Vũ Biền tiếp lời :

- Nếu tôi nhớ không lầm thì các cụ Trần trọng Kim, Bùi Kỷ, Phạm Duy Khiêm không có chỉ trích ai đâu. Tôi nhớ dường như các cụ nói nhún nhường vậy thôi, để các cụ cố gắng làm ra một văn phạm theo quan niệm của mình, để sau mặc ai đóng góp. Trong tình trạng hiện tại, mỗi người dùng một danh từ theo ý riêng của mình. Ủy-ban nên tìm tiếng nói cho đúng hơn. Như vậy sẽ có hai hệ thống danh từ, một của người ta một của Ủy-ban.

B.s. Lê Văn Lân can thiệp :

- Năm xưa tôi có tiếp xúc Phạm Duy Khiêm, tôi có hỏi ông trong thí dụ : "Tôi thì ai cũng sợ", tiếng tôi là sujet hay là complement ? Ông bảo trong trường hợp đó, thật là khó phân biệt chức vụ được. Tôi thấy bây giờ người ta có khuynh hướng dạy Structure chứ không dạy Grammaire. Tôi tưởng Ủy ban nên theo sát căn mà dịch, cho khỏi sai lạc.

T.P. Trần Trúc Linh đề nghị vừa giữ những tiếng đã phổ biến, vừa dịch ra tiếng mới :
 
Tiếng phổ biến Tiếng đề nghị
Article Loại-từ Tiết-từ
Nom Danh từ Danh-từ
Pronom Đại-danh-từ Đại-danh-từ
Adjectif Tĩnh-từ Phụ-danh-từ, phụ-từ
Verbe Động-từ Ngôn-từ
Adverbe Trạng-từ Phó-ngôn-từ, phó-từ
Preposition Giới-từ Tiền-từ
Conjonction Liên-từ Tiếp-từ
Interjection Tán-thán-từ Thán-từ

Ủy-ban hứa sẽ trở lại xét kỹ những tiếng Article, propostion, Conjonction và Interjection ; hôm nay chỉ chấp thuận dịch :
 
Nom Danh-từ
Adjectif Phụ-từ (Tĩnh-từ) {Hình-dung-từ}
Verbe Ngôn-từ (Động-từ)
Adverbe Phụ-ngôn-từ (Trạng-từ)

Trường hợp dịch thuật danh từ văn phạm trên đây cho thấy rằng chúng ta xưa nay đã làm văn chương mà không hề nghĩ đến mẹo-luật : nhà bác-học cũng như người bình dân cứ sáng-tác theo tức-hứng, không thuân theo một tiêu-chuẩn nào có tánh-chất khoa-học chánh-xác, có lẽ vì ngôn-ngữ ta có một cơ-cấu đặc-biệt thế nào.
 
Chú thích

(1) Ít lâu nay đã có người Pháp biết tiếng Việt Nam và người Nam cũng đã nghĩ đến sự làm sách văn phạm, nhưng vì hoặc làm sơ lược quá, hoặc quá thiên về cách làm văn phạm tiếng Pháp, thành thử những sách ấy còn nhiều cỗ khiếm khuyết. Trần Trọng Kim cùng làm xới Bùi Kỷ và Phạm Duy Khiêm, sdd, Bổn Tàn Việt, in lần thứ tám xem lại và sửa lại cẩn thận (không ghi năm), tr. VII.

(2) Chúng tôi thiết nghĩ rằng đã học một tiếng nói, thì phải biết rõ cái giá trị và công dụng của từng tiếng ở trong câu nói. Muốn hiểu rõ như thế, tất phải theo cái phương pháp của Tây học, chia các tiếng ra thành từng loại, rồi mỗi loại xét riêng một mục, như lối văn phạm của tây, để phân biệt cái tính cách và cách dùng các thứ tiếng ấy...

Có người nói rằng : Tiếng Việt Nam có cái tính cách và cái tinh thần không giống các nước bên Tây. Nếu theo phương pháp văn phạm của Tây mà làm văn phạm Việt Nam thì sợ không đúng. - Chúng tôi vẫn biết mỗi một tiếng nói là có một cái tinh thần đặc biệt. Song tiếng nói là cách biểu diễn cái tư tưởng của người ta ra cho người khác biết. Cách biểu diễn ấy tuy khác, nhưng bao giờ cũng phải theo cái lý cho thuận. Đã theo lý, thì dù đông dù tây, đâu đâu cũng một lý cả. Vậy theo phương pháp của tây mà phân ra các tư loại, tưởng không phải là sai lầm, miễn là ta giữ được cái tinh thần của ta mà đem phô diễn ra cho rõ rang là được. Trần Trọng Kim Sdd, tr. VIII, IX

Lời chú riêng của người sao lục : G.s. Nguyễn văn Dương là người bạn đồng hành với Giáo sư Lê Văn Thới ngay từ lúc ban sơ khi thành hình ủy ban . Giáo sư LVT trong chổ riêng tư rất phục và nể giáo sư Dương.



Trở Về  ]