Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về   ]                 [ Trang Chủ ]


Fujiwara no Teika
藤原定家
biên tập

THƠ WAKA TRĂM NHÀ
(Hyakunin Isshu)
百人一首

Thiên nhiên và luyến ái trong cổ thi Nhật Bản

Nguyễn Nam Trân
dịch chú

- Bản Thảo 2008 -

Mục Lục

I) Lời Giới Thiệu

II) Nguồn gốc và diễn biến của Hyakunin Isshu.

III) Dịch, chú và bình luận từng bài một với các mục chính:

a- Nguyên văn 
b- Phiên âm.
c- Diễn ý
d- Thoát dịch ra thể thơ Việt Nam (theo hai thể ngũ ngôn và lục bát).
e- Tiểu truyện tác giả và hoàn cảnh sáng tác.
f- Thưởng ngoạn và bình phẩm.
g- Dư hứng (Hán dich, Anh dịch và giai thoại).
Phần I: Bài 1 đến 20
 

---> sẽ ra :
Phần II : Bài 21 đến 40
Phần III: Bài 41 đến 60
Phần IV: Bài 61 đến 80
Phần V: Bài 81 đến 100

IV) Bạt: 

Vai trò văn hóa của Hyakunin Isshu:
1)      Thiên nhiên
2)      Luyến ái
V) Phụ Lục: Vài qui ước cần thiết khi đọc thơ Waka.

VI) Tư liệu tham khảo.

I - Lời Giới Thiệu
Ngày nay khi nói đến thơ Nhật, người ta chỉ nghĩ đến Haiku. Điều đó không phải không đúng vì phạm vi phổ biến của thể thơ này quá rộng lớn. Tuy nhiên, thơ Nhật hãy còn là Ca dao cổ đại (Kayô), Hòa ca (Waka), Hán thi (Kanshi) và thơ mới (Shintaishi) nữa. Trong đó, Hòa ca đóng vai trò quan trọng nhất vì thừa hưởng dư ba của ca dao, tiếp nhận ảnh hưởng cổ thi Trung Quốc, phản ánh từ rất sớm mọi khía cạnh của tâm hồn người Nhật thông qua một vốn liếng kỹ thuật tu từ phong phú. Cũng cần phải nói là nhờ Hòa ca (Waka) xưa kia , ta mới có Đoản Ca (Tanka), Bài Cú (Haiku) ngày nay.

Việc giới thiệu thơ Hòa Ca, tinh hoa của văn chương cung đình thời trung cổ, do đó trở thành cần thiết để hiểu văn hóa Nhật Bản. Không thể nào hiểu một cách thấm thía Murasaki Shikibu, Bashô, tuồng Nô, kịch Kabuki, Tanizaki, Kawabata, ca nhạc mới... mà thiếu kiến thức Waka. Tập sách này không những chỉ đóng vai trò diễn nghĩa và dịch sang thơ Việt mà còn thuyết minh về xuất xứ, tác giả, hoàn cảnh sáng tác và đánh giá nội dung cũng như hình thức của từng bài thơ Nhật với tham vọng giúp cho người yêu thơ và sinh viên khoa Đông Phương có cơ hội tiếp cận được tường tận một mãng văn hóa thế giới quí báu.

Nội dung của tập sách này chung đúc từ nhiều tài liệu biên tập khác nhau, cơ sở là sách giáo khoa sử dụng trong các trường trung học Nhật Bản sau mới tới những tác phẩm phê bình và thưởng ngoạn của các văn nhân, thi sĩ Nhật Bản. Việc dịch sang thơ Việt do chính Nguyễn Nam Trân tạm đảm nhận.

Như nữ sĩ Shirasu Masako (1910-1998), một nhà nghiên cứu và tùy bút gia cận đại có nói, việc dịch Waka từ cổ văn sang tiếng Nhật hiện đại thôi cũng rất khó, càng dịch càng xa cái ý ban đầu của tác giả vì mỗi chữ trong thơ xưa đều có cái hồn thiêng (言霊 kotodama) của nó, không tài nào xê dịch được. Chính dịch giả Dickins trước một bài quá khúc mắc (bài 88 trong tập này) đã chọn ...không dịch sang tiếng Anh đó sao? Do đó, việc làm của chúng tôi là chuyện chẳng đặng đừng và chỉ là một bước chập chững trên đường cầu học lắm chông gai của mình. Mong nhận được sự chỉ bảo từ các tiền bối và bầu bạn khắp nơi.

Những bài thơ dịch ra Hán ngữ là của Đàn Khả (1979) qua Nhật bản Cổ Từ Nhất Bách Thủ, gián tiếp trích từ sách Nhật Bản Cổ Thi Nhất Bách Thủ (1985), học giả Trung Quốc Diệp Vị Lương biên tập (chi tiết, xem thư mục). Các bản dịch sang Anh ngữ vốn không phải ít [1]  nhưng xin chọn bản dịch qua tiếng Anh cổ xưa (cho hợp với thời đại của nguyên tác) của học giả F.V. Dickins (1886), [2]  trích từ Hyakunin Isshu no Sekai (Thế Giới của Hyakunin Isshu) mà bà Chiba Shizuko soạn năm 1992. Tuy vì tam sao thất bản, nó nhiều lỗi đánh máy, nhưng có ưu điểm là chứa đựng một hồn thơ hiếm có. Chúng tôi đã cố gắng sửa chữa các lỗi ấy mà vẫn còn lắm chỗ chưa thấu đáo. Những bản dịch Hán, Anh này hy vọng sẽ có giá trị tư liệu nào đó cho người nghiên cứu văn học đối chiếu.

Nguyễn Nam Trân
 [1] -  Như Alfred Marks (1970), Howard S.Levy (Langstaff, 1976), William Porter (Tuttle, 1979), Tom Galt (Princeton, 1982), Steven D. Carter (Stanford, 1991) vv...
 [2] -  F.V. Dickins, 1866, Hyaku Nin Is’shiu (Japanese Lyrical Odes), Smith Elder &Co, London.