Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]


 
Miyazawa Kenji, Người viết truyện nhi đồng cho mọi lứa tuổi

-
Nguyễn Nam Trân 

Con Người và Tác Phẩm

Miyazawa Kenji (Cung Trạch, Hiền Trị, 1896-1933) chỉ là nhà văn Nhật muốn đi tìm một cõi đời không tưởng (Utopia) nghĩa là không thể nào thực hiện trong thế giới hữu hạn của chúng ta. Ông vừa cố vấn về nông nghiệp, vừa rao giảng kinh Pháp Hoa, lại làm thơ và viết truyện nhi đồng, sống một cuộc đời vị tha, nhân ái.

Ông vốn là con trai trưởng trong một gia đình làm nghề cầm đồ ở vùng Hanamaki thuộc tỉnh Iwate miền Bắc nước Nhật, nơi nổi tiếng nghèo nàn, dân chúng thường lâm vào cảnh đói kém. Điều này ám ảnh ông nhiều, nhất là vì được nuôi dạy trong truyền thống từ bi của Phật giáo, ông rất thông cảm kiếp sống nhọc nhằn của họ.

Từ nhỏ ông đã làm quen với truyện nhi đồng của Iwaya Sazanami (Nham Cốc, Tiểu Ba, 1870-1933) và thơ Ishikawa Takuboku (Thạch Xuyên, Trác Mộc, 1886-1912), hai nghệ sĩ có tư tưởng cấp tiến. Sau khi học xong bậc trung học, ông không chịu nối nghiệp nhà mà ghi tên vào Trường canh nông Morioka và học ở đó từ năm 1915 đến 1918. Thời ấy ông đã bắt đầu làm thơ (mà ông gọi là "ký họa của tâm hồn") và đăng những truyện nhi đồng trong tạp chí Azaria do ông sáng lập năm 1917.

Ông tự bỏ tiền xuất bản tập thơ Mùa Xuân và Tu La (Haru to Shura,1924).Tu La là một chữ trong kinh Phật có nhiều nghĩa nhưng ý chính hiểu là một cảnh tranh chấp, chém giết hổn độn. Thơ ông gây được tiếng vang nhưng tập truyện nhi đồng mang tên Quán ăn mè nheo lắm chuyện (Chuumon no ôi ryôriten) ra đời cùng năm lại bị rơi vào quên lãng. Ra trường xong ông vào dạy Trường canh nông Hanamaki cũng ở trong vùng nhưng từ 1926, đã xin thôi việc để mở một văn phòng cố vấn về canh nông cho dân nghèo. Hành động này làm gai mắt nhà cầm quyền đương thời vì lúc đó phong trào đòi quyền sống do nông dân đề xướng đang bộc phát và họ sợ rối loạn trị an.

Năm 1928, ngã bệnh nhưng ông vẫn cố gắng viết tập văn Đêm theo đường sắt lên Ngân Hà (Ginga tetsudô no yoru)Matasaburô như làn gió (Kaze no Matasaburô), hai tác phẩm chính của ông..

Ông mất ngày 20 tháng 9 năm 1933 vì bệnh lao lúc mới 37 tuổi.

Trong các tác phẩm của ông, ảnh hưởng của Phật Giáo phái Nhật Liên (Nichiren) và tư tưởng xã hội nhân đạo được nhận thấy rõ ràng. Truyện nhi đồng của ông giống như truyện thần tiên, khác hẳn với loại cổ tích mà trẻ em Nhật Bản vẫn được nghe. Nhất là từ khi ông mất, giới phê bình và quần chúng mới bắt đầu tìm thấy những cái hay đẹp trong các tác phẩm của ông (năm 1934, sau khi Đêm theo đường sắt lên Ngân Hà được phát hành). Không những giàu nhạc tính, tươi tắn, dí dỏm, đậm đà ngôn ngữ địa phương, tình yêu thiên nhiên và cuộc đời, truyện của ông còn có tính quốc tế, đầy chất thơ, không bị thời gian xoi mòn dù đã trải qua hơn nửa thế kỷ.

Lịch Sáng Tác và Hoạt Động

-1896: sinh ra ở thôn Hanamaki, tỉnh Iwate, miền Đông Bắc Nhật Bản..

-1903: 7 tuổi, học tiểu học ở quê nhà, từ năm 3 tuổi đã thuộc nhiều kinh kệ Phật Giáo.

-1909: 19 tuổi, lên học trường trung học trên huyện. Ở ký túc xá.

-1910: 14 tuổi, cùng thầy và các bạn leo núi Iwate.

-1911: 15 tuổi, biết đến tập tanka Ichi no Tsuna (Vốc Cát) của Takuboku và bắt đầu làm thơ.

-1913: 17 tuổi, học tham thiền và đọc văn chương Nga.

-1914: 18 tuổi, tốt nghiệp trung học, bắt đầu biết khổ vì yêu. Cảm động khi đọc kinh Pháp Hoa.

-1915: 19 tuổi, vào học Cao Đẳng Canh Nông ở Morioka, thủ phủ của Iwate. Tham gia hoạt động Phật Giáo với bạn học.

-1916: 20 tuổi, lên Tôkyô chơi. Về bắt đầu viết văn và làm thơ với bút hiệu Kenkichi (Kiện Cát).

-1918: 22 tuổi, bắt đầu đi làm sau khi tốt nghiệp Cao Đẳng Canh Nông. Nghiên cứu về phân bón. Có triệu chứng sức khoẻ kém, hay đau ốm. Về sáng tác, bắt đầu chuyển qua truyện nhi đồng.

-1919: 23 tuổi, quen biết với thi sĩ Hagiwara Sakutarô và chịu ảnh hưởng thơ tượng trưng của tác giả Tsuki ni hoeru (Sủa Trăng). Chuyên chú vào việc đọc sách và thu thập tranh mộc bản Nhật Bản.

1921: 25 tuổi, lại lên Tôkyô, bắt đầu sáng tác mạnh. Những truyện Tsukiyo no denshinbashira(Cột truyền tin trong đêm trăng), Donkuri to yamaneko (Đám hạt dẻ và mèo rừng), Chuumon no ôi ryôriten (Quán ăn mè nheo lắm chuyện) và tập thơ Fuyu no sukecchi (Ký họa về mùa đông) ra đời vào năm này.

-1922: 26 tuổi, bắt đầu viết Haru to Shura (Mùa Xuân và Tu La), Suisenzuki no yokka (Ngày thứ tư tháng thủy tiên), Yamaotoko no shigatsu (Tháng tư của người rừng). Tự học tiếng Đức và Esperanto. Em gái mà ông rất thương yêu là cô Toshi, mới có 24 tuổi, qua đời. Thương tiếc, ông viết Eiketsu no asa (Buổi mai vĩnh quyết), Musei dôkoku (Khóc không thành tiếng).

-1923: 27 tuổi, viết Hyôganezumi no kegawa (Bộ lông của con chuột vùng băng hà). Lên đảo Karafuto miền cực bắc và viết một số thơ loại banka (tang khúc) để vơi đi nỗi buồn thương xót người em xấu số.

-1924: 28 tuổi, ra tập thơ Hizashi to karekusa (Ánh nắng và cỏ khô), tự bỏ tiền xuất bản 1000 cuốn Mùa Xuân và Tu La. Đưa học trò trường Canh Nông Hanamaki thăm đảo Hokkaidô.

-1925: 29 tuổi, tự học đàn phong cầm và trung hồ cầm (violoncelle). Đăng nhiều thơ trên báo.

-1926: 30 tuổi, viết truyện nhi đồng Opperu to zô (Ozbel và con voi), Neko no jimusho (Văn phòng con mèo). Diễn giảng và viết sách về nghệ thuật của nông dân và cách bón ruộng, canh tác lúa gạo.

-1927: 31 tuổi, khuyến khích nông dân dựng kịch, chơi trung hồ cầm trong giàn nhạc giao hưởng. Viết 1000 về cách dùng phân bón ruộng. Đồng thời đăng thơ Fuyu to ginga sutêshon (Mùa đông và trạm xe Ngân Hà).

-1928: 32 tuổi, trúng mưa trong khi đang quan sát vụ lúa, mắc bệnh sưng phổi. Mặc dầu đau ốm, viết hai tác phẩm quan trọng nhất văn nghiệp ông: Đêm theo đường sắt lên Ngân Hà (Ginga tetsudô no yoru)Đứa con của gió (Kaze no Matasaburô).

-1931: 35 tuổi, bệnh có hơi đỡ, nhận chức kỹ thư khai thác than đá ở vùng Đông Bắc. Viết Kitamori Shôgun to sannin kyodai no isha (Ba anh em thầy thuốc và ông tướng Kitamori). Tháng 9, lên cơn sốt ở Tôkyô, chữa không khỏi nhưng phải về quê. Bài thơ Ame ni mo makezu (Không chịu thua mưa gió) viết vào thời điểm này.

-1936: 36 tuổi, trên giường bệnh lại tự học toán. Vẫn viết báo và thơ, kể cả thơ tản văn và haiku.

-1933: 37 tuổi, đi đứng khó khăn nhưng vẫn góp ý với nông dân về việc dùng phân bón. Tiếp tục làm thơ và viết văn nhưng đến ngày 21 tháng 9, sau khi dặn người nhà cho phát kinh Pháp Hoa thì nhắm mắt, ra đi vĩnh viễn.

Sách tham khảo về Miyazawa Kenji

- Origas, Jean-Jacques, Dictionnaire de littérature japonaise, Quatridge PUF, Paris, 2000.
- Napier, J. Susan, The Fantastic in Modern Japanese Literature. the subversion of modernity, Routlege, London & New York, 1996.
- Bester, John, The Tales of Miyazawa Kenji, Kodansha International, Tokyo, 1996.
- Bester, John, Night Train to the Stars and other stories, Kodansha English Library, Tokyo, 1987.
- Miyazawa, Kenji, Les Pieds nus de lumière, Morita, Hélène et Burgnat Shizuko, Le Serpent à Plumes, Paris, 1997.
- Miyazawa Kenji, Shinhen Ginga tetsudô no yoru, Shinchô Bunko, 2003, (32th edition).
- Miyazawa, Kenji, Train de nuit dans la voie lactée, Morita, Hélène, Le Serpent à Plumes, Paris, 1995.
- Miyazawa, Kenji, Chuumon no ôi ryôriten, Kadokawa Bunko 924, Kadokawa Shoten, Tokyo,1992.
 
 

Quán ăn mè nheo lắm chuyện

(Chuumon no ôi ryôriten)

Miyazawa Kenji

Hai vị công tử ăn mặc y hệt binh sĩ quân đội Anh hoàng, khoác súng săn bóng loáng trên vai, dắt theo hai con chó to như gấu trắng, đang đạp lá khô rào rạo, bước trên con đường khá sâu trong núi. Họ vừa đi vừa tán gẫu:

- Cái vùng núi rừng này sao mà quái thế! Chả có lấy một bóng chim bóng thú. Bây giờ tớ muốn gặp bất cứ thứ gì miễn là pằng pằng được cho đỡ ngứa tay thôi.

- Nếu mà có con nai nào nằm phơi cái bụng vàng ra đây để tụi mình nện hai ba phát hỏi thăm sức khỏe thì hết ý nhỉ. Tớ cứ tưởng tượng lúc nai chạy loanh quanh mấy vòng rồi ngã đánh ầm.

Hiện họ đã đi khá sâu vào trong núi đến nỗi người thợ săn chỉ đường cho họ cũng lạc mất dấu. Họ không biết mình đang loanh quanh ở đâu. Tệ hơn nữa, cảnh núi rừng khủng khiếp quá thể nên hai con chó săn to như gấu trắng kia bỗng thấy đầu óc choáng váng một loạt, hộc lên hộc xuống rồi sùi bọt mép lăn quay ra chết.

- Thế là tớ mất toi hai nghìn bốn trăm đồng yên bỏ ra mua con nỡm này.

Một trong hai vị công tử lật sơ mí mắt một con chó chết, vừa xem vừa bình phẩm.

- Còn phần tớ thì thiệt mất những hai nghìn tám vì con này cơ đấy!

Công tử thứ hai lắc đầu ngán ngẫm.

Sắc mặt công tử thứ nhất bỗng nhợt nhạt, cậu kia nhìn mặt bạn rồi bảo:

- Tớ muốn quay về thôi, cậu ạ!

- Ừ, tớ cũng thấy gây gây lạnh và hơi đói. Thế mình về nhé!

- Hôm nay chấm dứt ở đây được rồi. Có gì trên đường về mình ghé cái nhà trọ tôi qua, bỏ mười yên mua vài con chim núi đem về cùng là được.

- Ở đó, bọn họ còn bán cả thỏ rừng. Rốt cuộc, không phải vậy mà cũng giống vậy. Thôi, mình về!

Thế nhưng kẹt cho hai cậu là dù họ có muốn về cũng không biết phải đi lối nào.

Gió giật từng cơn, cỏ xào xạc, lá lao xao và cành cây rung lách cách.

- Đói bụng quá đi thôi. Từ nãy giờ đói đau thắt cả ruột.

- Tớ có hơn gì cậu đâu. Thiếu điều bước hết nỗi rồi.

- Sức đâu mà đi. Tớ muốn có cái gì dằn bụng ngay thôi.

Hai công tử nói với nhau như thế khi họ đứng giữa đám cỏ lau.

Cũng vừa lúc đang nhìn dáo dác chung quanh, họ chợt thấy một căn nhà gạch sang trọng cất theo lối Tây Phương hiện ra. Ngoài hiên nhà có tấm biển đề:

Restaurant Hiệu Cơm Tây

Wild Cat House - Quán Mèo Rừng (2)

-Này cậu! Vừa vặn quá! Sao ở chốn này lại có được cái quán. Mình vào đi nhé!

-Tớ ngại quá, tiệm nào mà mở ra nơi đây. Nhưng thôi, chắc phải có cái gì ăn chứ!

-Dĩ nhiên. Không thấy biển đề kia à?

-Ta vào đi vậy. Tớ mà không có cái gì vào bụng là xỉu ngay bây giờ!

Hai người đứng trước tiền sảnh.Nơi này lợp toàn ngói bằng sứ trắng, trông thật hoa lệ. Thế rồi họ thấy trên cánh cửa kính để mở có khắc một hàng chữ vàng như sau:

Bất cứ vị nào cũng mời bước vào trong. Xin đừng e ngại.

Wild Cat House - Quán Mèo Rừng

Hai người hết sức mừng rỡ, nói với nhau:

-Cậu thấy không. Mọi sự rồi cũng suông sẻ thôi. Suốt ngày mình thiếu may mắn bao nhiêu nhưng bây giờ cũng có cái hên như thế này. Coi bộ họ muốn nói ở tiệm này mình cứ ăn mà chẳng phải lo trả tiền.

-Có lẽ cậu nói đúng. Câu nói của họ chắc ngụ ý như thế.

Hai người mới đẩy cửa vào trong và gặp ngay cái hành lang. Đằng sau cánh cửa kính, họ lại thấy khắc mấy chữ vàng:

Đặc biệt hoan nghênh các vị khách trẻ và béo tốt.

Hai người thấy viết được đặc biệt hoan nghênh, không khỏi vui mừng.

-Này cậu, cứ như bọn mình là hết sức được hoan nghênh đấy nhé!

-Tụi mình đáp được cả hai điều kiện kia mà!

Họ đi xâm xâm dọc hành lang thì vừa vặn gặp một cánh cửa sơn màu xanh dương.

-Cái nhà này kỳ ghê ta! Sao mà nhiều cửa nẻo vậy kìa!

-Nhà kiểu Nga đó. Ở trong núi sâu lạnh lẽo nên phải bố trí như thế.

Khi họ dợm mở cánh cửa thì thấy trên đó lại ghi một giòng chữ màu vàng:

Quán chúng tôi đòi hỏi lắm chuyện. Dám mong quí khách niệm tình.

-Làm ăn khá quá hả! Ở giữa rừng -núi như thế này!

-Nhằm gì! Mấy hiệu ăn lớn ở Tôkyô cũng đâu nằm ngay ở ngay phố chính.

Hai người vừa nói với nhau vừa mở cánh cửa thì ở mặt trái của nó, họ thấy viết:

Khách đặt món ăn rất đông. Cảm phiền đợi đến phiên mình.

-Viết thế này là muốn nói cái gì?

Một trong hai cậu hơi nhăn mặt.

-Hừm. Chắc họ muốn cho biết không hở tay vì nhiều khách đặt món ăn nên xin lỗi trước.

-ƯØ, chắc thế. Tớ chỉ muốn họ nhanh nhanh đưa mình vào cái phòng nào đó.

-Rồi sắp cái bàn để mình ngồi nhỉ!

Có điều rắc rối là hai người bỗng thấy một cánh cửa khác hiện ra và bên cạnh nó có treo tấm kính. Dưới chân đã bày sẵn một bàn chải có cán dài.

Trên cánh cửa thấy ghi một hàng chữ đỏ.

Yêu cầu quí khách chải tóc và gạt bùn sạch giày nơi đây.

-Phải đàng hoàng sạch sẽ như thế chứ.Hồi nãy ngoài tiền sảnh, tôi đã nghĩ đây không phải là quán cho dân rừng rú.

-Tiệm này đòi hỏi khắt khe. Chắc chắn thể nào cũng thường có khách hạng sang tới ăn.

Cả hai bèn chải tóc gọn gàng rồi gỡ bùn dính vào đôi ủng.

Sau đó thì sao? Vừa khi họ đặt lại bàn chải lên kệ gỗ thì thoáng cái nó đã tan biến đâu mất. Một luồng gió thổi thốc vào gian phòng.

Hai người ngạc nhiên, tựa sát nhau rồi mở cánh cửa bước vào gian bên kia. Bọn họ nghĩ thầm nếu bây giờ không ăn một món gì nóng để lấy sức thì không làm tiếp được những gì có thể đòi hỏi sau đó.

Đằng sau cánh cửa, họ lại thấy có viết mấy chữ kỳ lạ:

Hãy để tất cả súng đạn nơi đây.

Nhác thấy bên cạnh đã có cái kệ đen. Một trong hai cậu mới nói.

-Đúng rồi, đi ăn mà lại mang súng thì đâu phải phép.

-Chính thế. Tớ nghĩ dân tới đây ăn toàn là mấy ông lớn.

Hai cậu công tử mới tháo súng và cởi băng đạn. Họ đặt tất cả lên cái kệ.

Họ thấy tiếp đó một cánh cửa màu đen.

Làm ơn cởi bỏ giày mũ và áo khoác.

-Sao, cởi ra nhé!

-Đành làm theo chớ biết sao giờ. Chắc khách đang ngồi trong kia toàn mấy ông lớn.

Hai cậu cởi áo ngoài và mũ khoác lên cái đinh treo, xong tháo cả giày rồi lẹt bẹt đi vào sau cánh cửa. Đằng sau, đã thấy viết thêm hàng chữ:

Kẹp ghim cà vạt, cúc cài tay áo, kính mắt, ví tiền, tất cả những vật làm bằng kim loại hay có đầu nhọn đều phải bỏ lại.

Xế ngang bên cánh cửa là một tủ sắt uy nghi sơn đen, cửa đã mở sẵn. Có cả chìa khóa cài lên đàng hoàng.

-Chắc họ nấu nướng bằng điện nên không cho mang kim loại vào sợ nguy hiểm. Đặc biệt những vật nhọn. Tớ đoán thế.

-Có lẽ. Thấy thế thì biết là khi ra về họ sẽ tính tiền ở chỗ này.

-Không khéo là như vậy!

-Chắc chắn phải thế thôi.

Hai người hết tháo kính, lại cởi bộ cúc trên ống tayrồi cho tất cả vào trong tủ sắt, sập khóa cẩn thận.

Đi thêm một quãng, cả hai lại gặp một cánh cửa khác. Đằng trước cánh cửa thấy có đặt cái vò. Trên cửa viết như thế này:

Xin dùng kem trong vò thoa kín mặt mũi tay chân.

Nhìn lại thấy đúng là trong vò có chứa một loại kem sữa bò:

-Bảo bôi kem là để làm gì thế nhỉ?

-Này nhé! Bên ngoài lạnh, trong nhà thì ấm, da mình làm gì chẳng nứt nẻ. Bôi kem là để đề phòng hờ đó. Mới biết quán này tiếp toàn hạng người sang trọng. Không chừng chúng mình sẽ có dịp gần gũi với những nhà quí tộc.

Hai cậu mới lấy kem trong vò bôi lên mặt, lên tay. Xong lại cởi cả tất để thoa chân. Bôi bao nhiêu mà vẫn còn thừa kem thành thử họ lại vờ bôi thêm lên mặt để nhân đó thử nhấm nháp.

Sau đó họ vội vã mở cánh cửa và tiến vào bên trong. Đằng sau cánh cửa thấy viết:

Quí vị thoa kem đầy đủ chưa? Đã bôi lên cả hai tai chưa nào?

Nơi đó lại có để một vò kem nhỏ.

-Đúng, đúng. Tớ quên mất, không bôi kem hai tai. Suýt nữa thì bị nẻ tai. Cái ông chủ hiệu này chu đáo thật.

-ƯØ, ông ta để ý cả đến từng chi tiết. Có điều là tớ đang đói đây mà đi suốt hành lang nãy giờ vẫn chưa tìm ra được cái ăn

Vừa nói đến đó, họ đã đến nơi có cánh cửa kế tiếp.

Cơm sắp xong xuôi.

Quí vị chỉ còn đợi khoảng mười lăm phút.

Sẽ được xơi thôi.

Trong khi chờ đợi, xin rưới nhanh ít nước hoa lên đầu hộ cho.

Trước cánh cửa đã để sẵn một một bình đựng nước hoa vàng ánh. Hai người thi nhau tưới lên đầu mình thứ nước hoa đó nhưng sao thứ này lại thoảng mùi giấm.

-Nước hoa này chua như giấm. Sao lại thế nhỉ?

-Chắc người ta lộn thôi. Chị giúp việc có lẽ bị cảm mạo chi đó mà chế nhầm chăng?

Hai người mở cửa rồi bước vào bên trong.

Đằng sau cánh cửa, có viết một giòng chữ lớn như thế này:

Quán đòi hỏi lắm chuyện chắc làm phiền quí khách. Xin thứ lỗi. Chỉ quấy quả bấy nhiêu thôi. Bây giờ xin quí khách vào trong xát muối lên người nhiều vào.

Hai cậu công tử đã thấy một vại gốm đựng đầy muối để ngay ngắn. Nhưng sau khi hết chuyện này chuyện khác lại xảy ra, trong lòng các cậu đã dậy mối ngờ. Hai cái mặt bóng đầy kèm ngoảnh lại nhìn nhau.

-Có thấy kỳ không nào?

-Tớ cũng lấy làm lạ!

-Quán có thể đặt lắm món nhưng đó là phía bên quán họ đòi hỏi mình làm.

-Cho nên theo ý tớ, khi gọi là Quán Cơm Tây không phải có nghĩa chỗ làm cơm Tây cho người ta đến xơi mà ngụ ý là nơi bắt khách làm thành món ăn rồi dọn họ ra. Cho nên cái quán này là ừ à........nó là.....ừ à.......

Cậu ta không đủ sức nói tiếp nữa, chỉ run lập cà lập cập, nói cà lăm...

-Thế thì chúng mình...à mà........

Cậu kia cũng lắp ba lắp bắp, không thêm được lời nào cả..

-Thôi, trốn cho mau....!

Một trong hai cậu lẩy bẩy muốn đẩy cánh cửa sau lưng nhưng cửa vẫn không nhúc nhích một phân.

Phía trong cùng hãy còn một cánh cửa nữa, trên đó tạc hình dao và nĩa bạc, có hai lỗ khóa thật to.

Ôi chao, quí vị đã bỏ nhiều công sức.

Nhưng mọi sự đâu vào đấy cả rồi.

Xin mời vào bên trong ngay cho.

Trên cửa không những ghi như vậy thôi đâu mà từ hai lỗ khóa có hai đôi mắt xanh lè đang dò xét họ.

-Ôi chu choa...! Một cậu lập cà lập cập...

-Ôi chu choa...! Cậu kia cũng lập cà lập cập theo.

Hai cậu bỗng khóc òa.

Thì cùng lúc, phía bên kia cánh cửa lại vọng ra tiếng nói:

-Không xong. Hai đứa nó biết rồi.Coi bộ tụi nó không chịu xát muối.

-Chứ gì nữa! Ông chủ mình viết bậy quá. Sao lại ngu đến nỗi tội nghiệp chúng nó nọ kia!

-Viết thế cũng đâu nhằm gì. Tụi mình có được mẩu xương nào đâu!

-Thế thì thế nhưng tụi nó mà không chui vào đây, mọi trách nhiệm sẽ đổ lên đầu mình đấy chứ!

-Gọi nhé? Gọi chúng nó nhé? Kìa, quí khách ơi, đến đây với chứ. Chén bát đã rửa sạch, rau đã bóp muối sẵn sàng rồi.Bấy giờ chỉ còn cần sắp quí khách với rau lên mấy cái đĩa trắng tinh kia thôi. Đến đây nhanh lên nào!

-Nầy, đến nhanh đi, đến đi. Hay quí khách không thích rau? Nếu không thích rau sống thì để bắc lửa xào nó lên nhé. Nhưng bề gì cũng đến gấp cho.

Hai cậu công tử lòng đau như cắt, mặt dúm dó ra như tờ giấy nhàu, đưa mắt nhìn nhau run rẩy, thút thít khóc.

Phía trong cửa lại nghe như có ai cười khúc khích, rồi ở đó vọng ra tiếng gọi:

-Mời vào, mời vào. Khóc làm gì? Đã cất công bôi kem lại để cho nó vữa ra à? Này, đến giờ rồi đấy nhé. Vào đây mau!

-Nhanh lên nào. Ông chủ đã đeo khăn ăn, cầm dao lên và thè lưỡi liếm môi rồi đấy. Chỉ còn đợi quí khách vào thôi.

Hai cậu công tử chỉ biết khóc, khóc, khóc và khóc!

Vừa vặn lúc đó thì đằng sau họ có tiếng gâu gâu rồi gầm gừ...và hai con chó săn, to như gấu trắng, phá toang cửa nhảy xổ vào phòng. Hai cặp mắt trong lỗ khóa bỗng biến mất. Lũ chó xộc mũi đánh hơi, sục qua sục lại trong phòng.

Đùng một cái, chúng gâu một tiếng rõ to rồi phóng vào phía cánh cửa bên trong. Cánh cửa bật ra đánh ầm, nuốt chửng hai con chó đang chạy bay vào.

Trong khoảng tối đen đằng sau cánh cửa, nghe có tiếng meo, meo, rù rù... rồi có tiếng xô xát và rền rĩ.

Căn phòng chợt biến mất như một ngọn khói và hai cậu công tử của chúng ta thấy mình đang đứng giữa đám cỏ, lạnh lẽo và run như cầy sấy. Từ áo khoác, đồ ghim cà vạt, đôi ủng cho đến ví tiền của họ, tất cả vẫn còn treo lủng lẳng trên cành cây hay bày ra giữa đám rễ cây. Một luồng gió thổi qua làm đám cỏ lại xào xạc, vòm lá lao xao và cành cây rung lên lách cách.

Lũ chó đã quay lại, chúng thở hồng hộc và từ sau lưng chúng, có ai đang lên tiếng gọi:

-Mấy cậu! Mấy cậu ơi!

-Ới, ơi!

Hai cậu công tử đã lấy lại chút thần hồn, cũng gọi trả.

-Chúng tôi ở đây này. Đến mau lên!

Người thợ săn dẫn đường đội cái mũ bện bằng rơm cũng vừa đến nơi làm hai cậu cảm thấy an tâm.

Xong, hai cậu ngốn nghiến mấy cái bánh bao người thợ săn mang đến cho rồi lên đường trở lại Tôkyô, dọc đường không quên bỏ mươi đồng Yen mua ít con thịt đem về.

Thế nhưng lúc đến nhà và sau khi đã ngâm người trong bồn tắm, hai cái mặt đã có lúc dúm dó như tấm giấy vò nhàu kia không còn bao giờ trở lại bình thường như trước nữa.

(Dịch xong ngày 8 tháng 10 năm 2006)
 
 

Thổ Thần và Con Chồn

(Tsuchigami to kitsune)

Miyazawa Kenji

Tượng đồng Miyazawa Kenji dựng trên sân ngôi trường cũ ở Hanamaki, quê ông.
(Ảnh báo International Herald Tribune, 2006)

(1)
Tít bờ phía bắc của cánh đồng Ippongi (Một Cây) có nổi lên cái gò, trên đó mọc toàn loại cỏ có gié nhọn như đuôi chó. Ngay giữa gò trơ trọi mỗi một cây phong. Đó là một cây phong nữ xinh xắn.

Thật ra cây không cao to gì lắm nhưng thân nó đen nhánh, cành vươn ra đẹp đẽ, đến tháng năm thì vòm hoa nở trông như chòm mây trắng, còn vào thu thì lá vàng lá đỏ và bao nhiêu màu sắc nữa rụng xuống bời bời.

Vì thế từ những giống chim giang hồ như chim cu gáy hay chim bách thiệt cho đến những con chim bé như chim tiêu hay chim bạch nhãn, tất cả đều đến tụ họp trên cây. Chỉ có điều là khi mấy con chim ưng trẻ hay giống chim to nào tìm đến thì các loài chim nhỏ từ xa đã để mắt cảnh giác chúng rồi và không bao giờ dám lại gần.

Nàng phong này vốn có hai người bạn. Một người là ông thổ thần sống cách nó chỉ có khoảng năm trăm bước trong một vùng đất trũng sình lầy và một người nữa là con chồn nâu lúc nào cũng từ phía nam cánh đồng đi tới.

Nàng phong coi bộ thích chú chồn hơn. Lý do là thổ thần, tuy mang tiếng là thần đấy nhưng tính nết lão ta lại quá hung hãn, tóc để bùi nhùi như bó bông gòn, mắt thì đỏ ngầu và quần áo cứ kéo lê lếch thếch bên người như mớ rong biển. Thổ thần lúc nào cũng đi chân trần, móng chân để dài và đen thui. Ngược lại, chú chồn hết sức thanh lịch và ít khi làm cho ai phải nổi cáu vì mình.

Thế nhưng nếu so sánh cho rốt ráo thì điều đáng nói là thổ thần rất thẳng thắn trong khi chú chồn có hơi đểu giả một chút.

(2)
Đó là một buổi chiều đầu hạ. Nàng phong kia đang mang đầy những chiếc lá mới mềm mại hương thơm lựng. Trên bầu trời, dòng sông Ngân như vệt sữa đang chảy ngang qua và những vì sao lung linh run rẩy, chợt sáng chợt tắt.

Vừa lúc đó, dưới đất, chú chồn tay cầm một quyển thơ, tìm đến thăm nàng phong. Hắn mặc một cái áo khoác màu xanh đậm mới may, đôi giày da màu nâu đỏ nghiến nhè nhẹ dưới mỗi bước chân.

-Đêm yên tĩnh quá nhỉ?

-Vâng.

Nàng phong dịu dàng trả lời.

-Này, cô có thấy chòm sao Bò Cạp đang bò qua bầu trời đằng kia không? Bên Tàu, người ta thường gọi ngôi sao màu đỏ trong chòm đó là sao Hỏa đấy.

-Ngôi sao ấy không phải là Hỏa Tinh à?

-Nó khác với Hỏa Tinh chứ. Hỏa Tinh (3) là một hành tinh, còn ngôi sao Hỏa tôi nói là một định tinh cơ.

-Hành tinh với định tinh khác nhau thế nào?

-Này nhé, hành tinh là ngôi sao tự nó không phát ra ánh sáng.Nhờ nó nhận ánh sáng từ một ngôi sao khác mà người ta tưởng như là nó sáng. Còn định tinh tự nó đã sáng rồi. Ví dụ mặt trời dĩ nhiên là một định tinh. Nay ta thấy nó lớn và làm ta lóa mắt nhưng nếu nhìn nó từ một nơi thật xa thì nó cũng giống như những ngôi sao bé khác thôi.

-Ôi chu cha, ông mặt trời chỉ là một ngôi sao thôi à.Thế thì trên bầu trời này phải có biết bao nhiêu ông mặt trời, không, bao nhiêu là ngôi sao, ý, không phải, bao nhiêu là mặt trời đó há!

Chú chồn mĩm cười khoái trá:

-Ờ, cô hiểu như thế thì cũng tạm được!

Chồn lại cười vênh váo, vòng hai tay rõ cao trước ngực.Tập thơ hắn đang kẹp xộc xệch dưới nách nhiều lúc tưởng suýt rơi đến nơi nhưng sao vẫn bám được vào chỗ đó

-Các ngôi sao cái thì màu da cam, cái thì xanh, đủ loại màu nhưng chúng đều có cớ cả đấy.Này nhé, lúc đầu tất cả các thiên thể chỉ giống như những đám mây với hình thù không rõ rệt. Bây giờ trên trời hãy còn những đám mây như thế. Trong những chòm sao như Tiên Nữ (4) , Lạp Hộ (5) hay Lạp Khuyển chẳng hạn. Trong chòm Lạp Khuyển thì chúng là đám mây có hình cái xoáy nước. Có loại được gọi là hoàn trạng tinh vân vì có hình tròn. Còn nếu giống miệng cá thì được gọi là ngư khẩu tinh vân (7) nữa. Tinh vân như thế thì trên bầu trời nhiều lắm.

-Trời ơi, em muốn xem một lần cho biết. Chòm sao giống hình miệng cá chắc đẹp hết chỗ nói!

-Đẹp chớ sao không hở cô. Tôi đã xem nó ở biết bao nhiêu lần ở đài thiên văn.

-Em cũng muốn đi xem ghê.

Được, để rồi tôi cho xem. Nói thật cô hay, tôi đã đặt mua một chiếc viễn vọng kính của Đức đấy. Sang xuân, khi kính tới nơi thì thế nào tôi cũng cho cô dùng thử.ngay.

Chồn nói liều như thế không suy nghĩ nhưng sau đó thì cu cậu tự nhủ ôi thôi ta lại nói dối với người bạn duy nhất của ta rồi. Tuy nhiên, ta chẳng hề có ác ý.Ta chỉ định làm vui lòng cô nàng thôi. Được rồi, sau này ta sẽ nói rõ sự thật cho cô ấy vậy.

Chồn lặng người một lúc, suy nghĩ miên man như thế. Nàng phong thì nào có biết, cứ mừng rơn và bảo:

-Thích quá. Anh lúc nào cũng dễ thương với em.

-Chớ sao, nếu cô muốn tôi còn làm được bao nhiêu thứ khác nữa chứ. Có muốn đọc tập thơ này không. Của cái ông tên là Heine (8) viết đấy. Chỉ là bản dịch thôi nhưng hay đáo để.

-Anh cho em mượn đọc có được không?

-Được chứ sao không. Cầm lấy thủng thỉnh mà đọc! Bây giờ, tôi phải đi có việc một chút. Thế nhưng, hình như tôi có điều gì quên nói với cô thì phải.

-Chuyên về màu của các ông sao đấy anh!

-Đúng, đúng đấy. Thôi để lần sau đi nhé.Tôi không dám làm phiền cô lâu.

-Không, có chi đâu anh!

-Tôi còn tới nữa mà. Thôi, chào cô.Tôi để cuốn thơ lại cho cô mượn. Thôi, chào nhé.

Chồn nói xong, vội vã bỏ ra về. Còn cây phong, nàng để mặc cho chòm lá của mình xạc xào trong luồng gió Nam lúc bấy giờ đang thổi tới, lần giở những trang thơ mà chồn ta để lại dưới ánh sáng mờ mờ của dòng sông Ngân và của ngàn sao dát trên bầu trời. Tập thơ đó đầy những bài tuyệt đẹp ví dụ bài Lorelei (9) của Heine. Nàng phong đọc nó suốt cả một buổi tối. Chỉ đến khi sao Kim Ngưu (10) hiện ra ở phương Đông bầu trời trên cánh đồng hoang sau ba giờ sáng thì nàng phong mới bắt    đầu lim dim buồn ngủ.

-Này, cô có thấy chòm sao Bò Cạp đang bò qua bầu trời đằng kia không?








Bình minh đã rạng. Mặt trời lên cao.

Cỏ lấp lánh ánh sương và ngàn hoa đua nở. Từ phía đông bắc của cánh đồng, thổ thần, người tắm trong ánh nắng nên toàn thân như nhuộm màu đồng nung chảy, đỉnh đạc đi đến. Dường như đang tư lự điều gì, lão ta vừa khoanh tay trước ngực vừa chậm rãi bước

Cây phong dù có vẽ ngại ngùng nhưng cũng huơ huơ những cành lá xanh lấp lánh về hướng thổ thần đang tiến đến. Bóng của chúng lướt tha lướt thướt quét qua quét lại trên mặt cỏ.

-Phong ơi! Chào cô nhé.

-Em xin chào ông.

-Này cô, ta có nhiều chuyện thắc mắc hết sức. Có bao nhiêu là chuyện ta không sao hiểu nổi.

-Chuyện gì mà ông không hiểu thế ông?

-Ví dụ nhé, tại sao cỏ sinh ra từ đất đen mà lại có màu xanh. Hoa của chúng có cái trắng, cái vàng? Đó là những chuyện ta không hiểu.

-Có phải bởi vì trong hạt giống của cỏ đã có sẵn màu xanh và trắng rồi, hở ông nhỉ?

-À, à, phải rồi. Cô nói như thế thì quả là thế nhưng ta vẫn chưa nắm được tại sao. Ví dụ mấy cái nấm mùa thu, cũng từ dưới đất ngoi lên, nào có hạt giống gì đâu mà cũng có cái màu đỏ, cái màu vàng, cái đủ màu đủ sắc kia nữa đấy. Không hiểu nổi!

-Thế thì ông thử đi hỏi anh chồn xem sao?

Chỉ vì cây phong chợt nhớ đến câu chuyện hết sức lôi cuốn về bầu trời sao cô nghe tối qua nên mới ngõ lời như thế.

Nghe thế, thổ thần liền đổi ngay sắc mặt. Ông ta vung nắm đấm lên:

-Cái gì? Chồn à? Thế thằng chồn nói những gì nào?

Giọng của cây phong bỗng trở thành rưng rưng:

-Anh ấy có nói gì đâu nhưng em nghĩ có khi anh ấy giải thích được chút ít.

-Chồn cáo mà dạy được thần thánh à? Ai bảo cô như thế hử?

Cây phong sợ hết vía, mình mẩy tứ chi run lên bần bật. Thổ thần thì nghiến răng trèo trẹo, hai tay đang khoanh khuỳnh lên cao, bước qua bước lại. Cái bóng đen của lão in đến đâu trên mặt cỏ thì ở đấy, lá cỏ cũng sợ hãi run lên.

-Cái giống chồn là thứ nguy hại cho xã hội. Chúng toàn nói láo nói lếu, không những làm biếng, hèn nhát mà còn ganh tỵ hết cỡ nữa chứ. Đồ súc vật, cái tụi đó!

Lúc đó, cây phong bèn nói lãng qua chuyện khác:

-Hình như lại sắp đến ngày lễ hội ở đền ông rồi đấy ạ?

Thổ thần mới dịu giọng đôi chút.

-Phải rồi. Hôm nay mồng ba tháng năm. Chỉ còn sáu hôm nữa thôi.

Thế nhưng sau khi nghĩ ngợi gì đó, lão lại nổ bùng cơn tức giận:

-Loài người thật là giống không xài được. Mấy lúc sau này, gặp ngày lễ của ta, chúng chẳng chịu đem gì đến cúng kiến cả. Do đó, lần này nếu có đứa nào bén mảng trước tiên đến địa phận của ta, ta sẽ kéo nó dìm xuống đáy đầm bùn cho chúng biết tay!

Thổ thần vừa nói vừa nghiến răng trèo trẹo.

Cây phong mới nhận ra rằng những cố gắng xoa dịu thổ thần của nàng đã mang đến toàn hậu quá trái ngược nên không biết làm gì hơn là để mặc cành lá của mình đong đưa theo làn gió nhẹ. Còn thổ thần thì toàn thân đã đỏ rực lên vì tắm trong màu nắng chiều, hai tay khoanh lên cao trên ngực và răng vẫn nghiến trèo trẹo. Lão có vẻ đang nghĩ tới nghĩ lui và càng nghĩ càng tức lộn ruột. Rồi như không kìm hãm nỗi nữa, lão rống lên mấy tiếng rồi bực dọc chui về hang động của mình.

(3)

Chỗ thổ thần cư ngụ khoanh vùng được cho một trường đua ngựa cỡ nhỏ. Đó là một cái đầm lạnh lẽo ẩm thấp phủ đầy rêu và lau sậy, cỏ hoang mọc um tùm, ở vài nơi, gai góc chen giữa đám dương liễu thân thấp chủn và oằn oại. Những vệt phèn đỏ như rĩ sét trồi lên mặt đầm úng nuớc nhầy bùn gây ra một cảm giác khó ở.

Chính giữa miếng đất ấy là cái gò giống hòn đảo con và trên đó có một cái miếu thổ thần bằng gỗ cao chỉ độ hai thước.

Về đến hòn đảo đó rồi, thổ thần nằm duỗi người dài trước miễu. Rồi gãi sồn sột hai cái chân đen thui dài ngoẵng của mình. Lão chợt thấy một con chim đang bay trên trời vút ngang qua đầu mình. Lập tức lão trở mình nhõm dậy và "Hù!" một tiếng. Con chim nghe kêu, ngạc nhiên, chao mình suýt rơi xuống đất, rồi cánh nó như tê liệt, mất hẳn độ cao, sà thấp xuống và trốn về đằng xa.

Thổ thần cười cười rồi bật dậy. Lão dán mắt về phía ngọn đồi không xa mấy nơi có cây phong mọc, mặt biến sắc và đứng đực mặt. Thế rồi đưa tay lên đầu vò bứt tả tơi mớ tóc bờm xờm của mình

Lúc đó từ phía Nam trũng đất, một gã tiều phu đang tiến lại. Có lẽ anh chàng lên ngọn núi Mitsumori kiếm củi. Bằng những bước nhanh, anh ta men theo con đường nhỏ bên bờ trũng đất. Như thể đã biết chuyện về thổ thần nên lâu lâu anh ta lại ném một cái nhìn lo âu về phía miếu. Tuy vậy, gã tiều phu này không thể nào nhìn thấy hình ảnh của vị thần.

Khi thổ thần vừa nhận ra gã tiều phu, mặt lão ửng hồng lên vì sung sướng. Thế rồi lão vươn cánh tay mặt về phía đó chụp lấy gã còn tay trái thì nắm cườm tay phải để dồn sức kéo lấy nó về phía mình. Điều kỳ lạ xảy ra là tuy gã tiều phu nghĩ mình đang đi trên đường mà thật ra gã cứ tiến dần vào vùng đất trũng. Rồi như ngạc nhiên về điều đó, gã dấn buớc cho nhanh, mặt bắt đầu tái và mồm há rộng để thở.Thổ thần bèn từ từ vặn tréo nắm tay mặt. Tiều phu đang bước nhanh bỗng như bị vật gì ngáng lại, miệng gã ú ớ còn chân cứ đi lòng vòng một chỗ. Hình như gã cũng muốn thoát cho mau khỏi vùng đất trũng nhưng dầu hết sức cố gắng, chỉ xoay quanh được mỗi một nơi. Rốt cuộc gã chỉ còn biết òa khóc, nhấc hai tay lên định ù té chạy. Điều đó hình như làm cho thổ thần khoái trá, lão không cần nhấc mình ngồi dậy, chỉ cười khinh khỉnh và đưa mắt nhìn gã tiều phu chẳng mấy chốc đã kiệt sức, choáng váng ngã gục xuống nước.Lúc đó thổ thần mới từ từ đứng lên, lội bì bõm đến, vác thân hình gã tiều phu vừa ngã xuống ném cái ình về phía cánh đồng cỏ. Gã tiều phu rên ư ử mấy cái và hơi nhúc nhích một chút nhưng có lẽ vẫn chưa lại hồn.

Thổ thần bật cười khanh khách. Tiếng cười của hắn biến thành những âm ba quái gỡ vọng về phía trời xa.

Tiếng cười bay cao lên không trung lại dội về rơi ngay đúng chỗ cây phong kia. Nàng phong mặt mày bổng đổi sắc, những tia nắng lọc qua vòm lá của nàng cũng trở thành tái xanh, và nàng bắt đầu run lẩy bẩy.

Thổ thần như không nhịn nổi, đưa cả hai tay vò đầu bứt tóc, bụng thì nghĩ: "Sở dĩ ta khó chịu trong người thế này, trước tiên là tại cái thằng chồn. Mà tại cái con phong kia còn hơn cả thằng chồn nữa chứ. ƯØ, tại cả thằng chồn lẫn con phong.Thế nhưng mà mình không giận được cái con phong mới cay. Con phong mà tử tế thì ta cũng bỏ qua cho thằng chồn. Ta có bần tiện chăng nữa thì cũng mang cương vị một ông thần. Bây giờ phải bận tâm vì một con chồn thì thật muối mặt.Nhưng nó cứ ám ảnh thì ta biết sao đây! Thôi ráng quên cây phong ấy đi cho được việc. Nhưng làm cách nào để quên nó bây giờ! Sáng nay thấy nó mặt xanh lè run lẩy bẩy, trông thương quá làm ta không tài nào quên được.Ta nổi khùng nên mới ăn hiếp cái thằng người tội nghiệp kia cho đã nư nhưng rốt cục chả giải quyết được gì cả. Lúc giận dữ quả thật không ai lường được việc mình làm".

Thổ thần càng nghĩ lòng càng tê tái. Trên bầu trời, một con chim ưng đang dương cánh bay qua nhưng khác với lần trước, thổ thần chẳng làm gì cả, chỉ im lặng đưa mắt nhìn.

Ở một nơi cách đó xa khơi mù tít chợt có tiếng súng của đám kỵ binh đang diễn tập nổ lốp đốp như tiếng muối ném vào lửa. Từ trên bầu trời, vệt sáng màu xanh biếc tuôn tràn lên khắp cánh đồng. Làm như thể hớp được sinh khí đó, gã tiều phu nãy giờ bị ném ra giữa đám cỏ bắt đầu tỉnh táo trở lại, hoảng hốt lòm ngòm bò dậy rồi đảo mắt dòm quanh.

Thế rồi lấy lại thần hồn, như tên bắn, gã chạy trốn khỏi nơi đó và phóng một lèo về hướng núi Mitsumori.

Nhìn cảnh tượng đó, thổ thần cất tiếng cười to.Tiếng cười của lão lại vọng lên từng không, đến giữa chừng lại rơi đánh bịch xuống chỗ cây phong

Cây phong một lần nữa lại đổi màu lá và cả người run rẩy nhưng khá nhẹ nhàng nên khó ai nhận ra.

Thổ thần bước tới bước lui lòng vòng quanh ngôi miếu của mình một hồi thì hình như tạm lắng dịu, hình bóng lão cũng tan biến vào trong điện thờ.

(4)

Đó là một đêm tháng tám, sương mù thật dày. Thổ thần cảm thấy cô đơn và buồn đến nẫu người nên lão bất chợt rời cái miếu để ra bên ngoài. Thế rồi dù muốn hay không, bàn chân đã đưa lão về chỗ có cây phong. Không hiểu tại sao, mỗi lần nghĩ đến cây phong thì lão thấy hồi hộp và se sắt con tim. Dạo này, lão cảm thấy tâm thần có khác đi, thư thái hơn, cho nên lão muốn mình không phải bận lòng vì con chồn hay cây phong nữa. Tuy không muốn nghĩ nhưng lão không sao đuổi được hai nhân vật đó ra khỏi đầu. Lão vẫn tự nhủ ngày đêm "Dù tính tình mi có ti tiện nhưng mi vẫn đứng ở cương vị một ông thần. Nó chỉ là cây phong thì nào có gì đáng kể đối với mi!". Thế nhưng buồn vẫn hoàn buồn, nhất là chỉ cần nghĩ một chút về con chồn thì lão đã cay cú ngay, toàn thân phừng phừng bốc hỏa.

Chìm đắm trong dòng suy nghĩ, dần dần lão đã gần tới cạnh cây phong. Khi lão nhận ra rõ ràng mình đang ở trên đường đi đến chỗ của nàng ta, tim lão đã như nhảy múa reo vui trong lồng ngực. Lâu rồi không gặp chắc nàng cũng trông ngóng mình chứ chẳng chơi! Càng nghĩ thổ thần càng tin chắc về điều đó và cảm thấy mình thực tệ vì đã bỏ bê nàng bấy lâu. Thổ thần xăm xăm đạp cỏ bước tới, lòng như mở hội. Thế nhưng bước chân dũng mãnh kia chợt khựng lại và một bức màn xanh buồn bã bao trùm lên đầu lão. Bởi vì chồn ta đã có mặt ở đó rồi. Tuy trời đã tối hẳn nhưng dưới ánh trăng mờ và sau bức màn sương mù, lão vẫn nghe được tiếng của con chồn vọng lai:

-Vâng, dĩ nhiên rồi. Đâu phải vì có sự phù hợp với nguyên tắc đối xứng một cách máy móc mà gọi là đẹp được. Cái đẹp đó có chăng nữa chỉ là cái đẹp không hồn.

-Em hoàn toàn đồng ý với anh!

Giọng nàng phong trả lời dịu dàng.

-Cái đẹp thực sự không giống như một mô hình hóa thạch. Mọi người đòi hỏi phải tuân theo luật đối xứng nhưng thật ra chỉ cần có trong đầu cái tinh thần đối xứng là đã tốt rồi.

-Em thật tình cũng nghĩ vậy, anh ạ.

Giọng nói thỏ thẻ của nàng phong lại cất lên.

Lúc ấy, thổ thần cảm tưởng như có những lưỡi lửa hồng đang liếm khắp người lão. Nhịp thở lão mỗi lúc càng hổn hển đến mức độ không chịu nổi nữa. Thổ thần thầm trách mình: "Có gì đâu mà mi lại đau khổ đến thế! Cùng lắm chỉ là mẩu chuyện ngắn ngủi trao đổi giữa một cây phong và con chồn trên cánh đồng không này mà thôi. Để chút việc đó làm bấn loạn tâm trí mà mi cũng đòi xưng thần xưng thánh à?".

Con chồn lại cất tiếng:

-Vì thế nên quyển sách nào viết về mỹ thuật cũng đều bàn đến điều này.

- Thế anh có nhiều sách viết về mỹ thuật hở anh?

Nàng phong ướm hỏi.

-Ờ, nhiều thì tôi không dám nói nhưng sách viết bằng tiếng Nhật, Anh hay Đức đại khái tôi đều có cả. Quyển mới ra thì hãy còn bên YÙ, chưa qua đến nơi.

-Chắc đằng nhà anh phải có cả một thư viện?

-Không đâu, chỉ loe hoe vài cuốn thôi cô ạ. Vì tôi dùng chỗ để sách làm cả nơi nghiên cứu nên bừa lắm, góc thì kính hiển vi, góc thì mấy tờ London Times (Luân Đôn Thời Báo), có cả tượng ông Julius Ceasar bằng cẩm thạch nằm lăn lóc ra nữa kia.

-Chao ôi, thế thì tuyệt quá. Thật là tuyệt vời đó anh!

Con chồn hinh hích một tiếng không biết để tỏ vẻ khiêm tốn hay tự mãn, thế rồi sau đó, trong phút chốc, không nghe họ nói gì nữa cả.

Giờ đây, thổ thần đứng không yên mà ngồi cũng không yên.Nghe những lời chồn ra oai thì thấy rõ ràng hắn ăn đứt mình."Cho dù ti tiện thì thần vẫn là thần", cái lý lẽ mà lão luôn luôn nhắn nhủ với chính mình coi bộ lần này không còn hiệu quả nữa. Tức chết đi được, lão chỉ muốn chạy vùng ra banh thây xé xác con chồn. Thế nhưng chuyện như thế thì mình cũng không nên mơ tưởng đến, nếu mà làm, rốt cuộc mình sẽ trở thành giống gì đây, thấp kém hơn cả con chồn mất thôi. Ta phải hành động thế nào cho phải? Lão rầu rĩ, muốn cào cấu ngực mình.

-Thế cái viễn vọng kính anh nói hôm trước vẫn chưa tới nơi ạ?

-Ơ, cái kính viễn vọng hôm trước hả. Chưa tới đâu! Không biết sao mà lâu thế. Đường tàu bè từ bên Âu Châu qua đây lúc này khá kẹt. Khi nào kính đến nơi, tôi sẽ mang đến cô ghé mắt xem.Cái vòng bao chung quanh Sao Thổ nom đẹp lắm cô ạ.

Thổ thần đưa tay lên bưng lấy hai tai mình và chạy vù về hướng Bắc. Nếu cứ im lặng mà nghe họ nói với nhau như thế này thì lão sợ rằng sẽ không lường được phản ứng của mình.

Lão cứ mê mãi chạy như bay cho đến lúc hết hơi và ngã sóng soài dưới chân ngọn núi Mitsumori.

Thổ thần vừa vò đầu bứt tócvừa lăn lộn trên bãi cỏ. Thế rồi lão cất tiếng gào khóc. Tiếng khóc của hắn giống như một cơn sấm không đúng mùa vang dội vào không gian, làm cho khắp cả đồng cỏ chỗ nào cũng nghe thấy. Thổ thần tiếp tục khóc cho đến khi ngày rạng ra, và sau đó thất thểu bước lui về cái miếu của mình.

(5)

Thế rồi, chẳng bao lâu sau mùa thu đã tới. Cây phong hãy còn xanh ngắt nhưng đám cỏ đuôi chó chung quanh đã phô những cái gié vàng diệp lấp lánh đong đưa trong gió và đó đây quả cây lan dại chín tới đỏ ối.

Buổi sáng ấy có nắng vàng trong vắt, thổ thần thấy người thật khoan khoái. Tất cả những điều khó chịu trong đầu suốt dịp hè đã tan loãng làm thành những vòng tròn sương mù mơ hồ lượn lờ trên đầu lão. Thế rồi cái tính nết khó khăn ác độc không tưởng tượng nỗi của lão cũng biến đi đâu mất. Lão cảm thấy rằng cho dầu cây phong kia có muốn trò chuyện với con chồn thì lão cũng để mặc chúng, và nếu chúng có vui vẽ với nhau thì càng tốt cho chúng thôi. Trong lòng nhẹ nhàng, thổ thần tiến bước về phía cây phong với ý định thổ lộ điều đó cho nàng.

Nàng phong đã nhìn thấy thổ thần từ xa và cũng như mọi lần, nàng không khỏi lo lắng, run rẩy đón chờ.

Thổ thần đến gần, chào hỏi một cách nhẹ nhàng:

-Chào cô phong. Hôm nay trời đẹp quá nhỉ?

-Em chào ông. Vâng, hôm nay trời thực đẹp.

-Sự vận hành của mặt trời thật cần thiết. Mùa xuân sắc đỏ, mùa hè sắc trắng, còn vào thu lại vàng. Khi mùa thu vàng nho sẽ có màu tím. Đáng quí thật!

-Ông dạy chí phải ạ.

-Hôm nay ta thấy trong người rất sảng khoái. Từ dạo hè đến giờ, ta phải chịu đựng nhiều điều khó chịu nhưng từ sáng hôm nay, lòng ta nhẹ nhỏm ra.

Nàng phong dợm nói điều chi nhưng không hiểu vì sao, có gì đè nặng trong ngực nên không thốt được thành lời.

-Giờ đây ta sẵn sàng chết cho bất cứ ai. Ngay cả đổi mạng ta để cứu một con giun phải chết nếu nó chưa muốn chết.

Thổ thần nói và nhìn về phía bầu trời xanh ở đằng xa. Mắt lão ánh lên đen lánh.

Lần nữa, nàng phong định trả lời nhưng lại cảm thấy có điều gì hết sức nặng nề trong lòng cho nên chỉ biết thở dài thườn thượt

Lúc đó, chính lúc đó, chồn ta bỗng từ đâu đi đến.

Vừa nhìn thấy bóng thổ thần, mặt chồn chợt biến sắc.Thế những không lẽ quay về, chồn đành tiến lại gần, người thì run lẩy bẩy.

-Chào em phong.Có phải ông thổ thần đứng cạnh em đấy không?

Chồn hỏi thăm. Hôm nay chàng ta đi một đôi dày bằng da màu đỏ, khoác chiếc áo rain coat đi mưa nâu nhưng vẫn đội cái nón mùa hè.

-ƯØ, có ta là thổ thần đây. Trời đẹp há?

Thổ thần tình thật vui vẻ như thế. Chồn cố dấu để tình cảm ghen tuông của mình khỏi hiện lên nét mặt, nói với cây phong:

-Xin lỗi đến quấy rầy lúc em đang có khách. Đây là quyển sách tôi hứa hôm trước. Còn cái viễn vọng kính thì để đêm nào trời quang tôi sẽ đem đến em xem. Thôi, chào em!

-Ôi chao, em cảm ơn anh.

Trong lúc cây phong đang nói thì chồn đã lỉnh đi về mất, nó không thèm chào thổ thần một tiếng. Cây phong liền tái xanh tức khắc và cả thân hình lại run lên nhè nhẹ.

Trong một chốc lát, thổ thần chỉ biết thẩn thờ nhìn theo bóng chồn đi nhưng lão bất chợt sực tỉnh vì ánh nắng loang loáng từ đôi giày da màu đỏ của chồn phản chiếu khi nó bước trong đám cỏ. Liền sau đó, có gì như bật dậy trong óc lão. Còn chồn thì cứ hiên ngang bước đi về phía xa, dáng điệu hầu như thách đố. Thổ thần giận sôi lên. Mặt lão xám xịt lại. "Sách về thẩm mỹ với kính viễn vọng là cái chó gì, để rồi mầy xem ông!". Nghĩ xong lão liền phóng lên đuổi theo chồn. Cả lá lẫn cành của cây phong hoảng hốt cùng rung lên một lượt.Cảm thấy có gì chẳng lành, chồn ta quay đầu ngó lại, vừa vặn thấy thổ thần, toàn thân đen kịt, đang bay đến như một cơn giông. Chồn sợ hãi, mặt trắng bệt ra, mồm miệng méo mó, cũng chạy biến như con trốt.

Thổ thần cảm thấy đồng cỏ chung quanh lão như đang bốc lửa cháy rực. Ngay cả khung trời xanh lấp lánh ở đằng xa cũng đột ngột biến thành một cái hố đen ngòm và từ đó những ngọn lửa đỏ bùng lên dữ dội.

Cả hai bên phì phò ra sức rượt đuổi chẳng khác hai chiếc xe lửa. Chồn chạy mà như đang nằm mơ, trong đầu nó, chỉ còn đủ chỗ cho một ý nghĩ: "Thôi, thôi, thế là tiêu tan tất cả, tiêu tan tất cả! Viễn vọng kính, viễn vọng kính, ơi là viễn vọng kính!".

Phía trước họ là một ngọn đồi trọc màu đỏ. Chồn chạy vòng chung quanh tìm cho được lỗ tròn của cái hang mình khoét dưới chân đồi. Giữa lúc chồn đang cúi đầu và hai chân sau đang tung cao để chui vào trong hang thì thổ thần đã nhào tới chụp được nó từ phía đuôi. Một giây sau là cả người chồn đã bị thổ thần gô lại và vặn tréo, đầu nó ngoẹo trong cánh tay của lão và mồm chẩu ra như đang phác một nụ cười.

Thổ thần bèn ném chồn lên mặt đất và chà đạp bẹp nhẹp người nó bốn năm bận.

Thế rồi lão đột ngột chui vào hang chồn. Bên trong tối tăm và trống trơn, chỉ có mỗi cái sàn bằng đất đỏ được nện cứng cẩn thận.Thổ thần mồm há hốc có lẽ vì có gì làm lão ngạc nhiên, xong chui ra bên ngoài.

Thổ thần bèn thọc tay phanh phui cái đãy đựng đồ trong chiếc áo đi mưa của con chồn, giờ đây đã là cái xác không hồn. Vật mà chồn cất trong đó chỉ có hai gié cỏ gà khô nâu mà bọn chồn thường dùng làm lược chải lông. Từ cái mồm há hốc tự nãy giờ của thổ thần cứ như thế mà phát ra những âm thanh khó có ai dự tưởng, đó là tiếng khóc của lão.

Những giọt nước mắt đó tuôn xuống như mưa rơi trên xác chồn. Chồn nằm chết, đầu của nó duỗi thẳng và trên môi như còn thoáng điểm nụ cười.

(Dịch xong ngày 15 tháng 10 năm 2006)

 
 
Đám hạt dẻ và mèo rừng

(Donguri to yamaneko)

Miyazawa Kenji

Vùng Đông Bắc Nhật Bản thanh u và nghèo khó, quê hương của Miyazawa Kenji.
(Ảnh nhật báo Nihon Keizai Shinbun, 2006)







Một chiều thứ bảy, Ichirô nhận được tấm bưu thiếp với nội dung kỳ lạ như thế này:

Ngày 19 tháng 9.

Kính gửi ông Kaneta Ichirô,

Được biết ông khỏe, thế là không gì vui hơn.

Ngày mai tôi phải xử một vụ kiện hơi rắc rối, mời ông đến nhé. Xin đừng mang theo súng ống.

Trân trọng chào ông,

Mèo Rừng

Võn vẹn chỉ có thế. Chữ viết xấu như quào, mực lem luốc dây ra cả đầu ngón tay cậu ta nhưng Ichirô cảm thấy sung sướng vô cùng. Cậu kín đáo cất tấm bưu thiếp vào trong cặp đi học của mình và suốt ngày cứ vui vẻ chạy nhảy tung tăng.

Đêm đó dầu đã chui vào chăn rồi mà Ichirô vẫn không tài nào dỗ giấc ngủ. Đầu óc cậu ta cứ bị ám ảnh với hình ảnh nụ cười "khinh khỉnh" của Mèo Rừng và quang cảnh vụ kiện sẽ được xét xử ngày mai.

Nói thế chứ khi Ichirô thức giấc thì trời đã sáng bạch. Bước ra đằng trước nhà xem, cậu ta thấy những ngọn núi ở chung quanh đang vươn mình đứng dậy, dàn hàng dưới bầu trời xanh như thể chúng mới được dựng lên cách đây không lâu. Ichirô lùa vội miếng cơm rồi một mình lấy con đường men theo khe núi trèo lên thượng nguồn.

Mỗi lần có trận gió sớm quét nhanh qua, từ trên cây dẻ, hạt rụng xuống tung tóe. Ichirô ngước mặt nhìn lên cây, hỏi:

-Dẻ ơi, Dẻ. Chú có thấy Mèo Rừng đi ngang qua đây không?

Cây Dẻ trầm ngâm một lát rồi mới trả lời:

-Mèo Rừng à? Hồi hừng sáng có thấy ông ta ngồi xe ngựa phóng như bay về hướng Đông.

-Hướng Đông à. Tôi cũng đang trên đường đi về hướng Đông đây mà. Lạ nhỉ! Thôi, để tôi đi xem đoạn nữa xem sao. Cảm ơn Dẻ nhé!

Cây Dẻ không nói gì, tiếp tục rắc những hạt dẻ xuống khắp mặt đất.

Ichirô đi thêm một đổi thì đã đến Thác Thổi Sáo. Sở dĩ thác mang cái tên này vì ở vào khoảng giữa kè đá trắng tinh có một chỗ hở ra thành hình cái lỗ nhỏ. Nước đổ ào ào xuống thung lũng xuyên qua nơi đó tạo ra những âm thanh nghe như tiếng sáo.

Ichirô cất tiếng hỏi Thác Thổi Sáo:

-Này, này, hỡi người thổi sáo, Mèo Rừng có đi ngang chỗ này không?

Thác trả lời bằng một giọng cao trong như tiếng hót:

-Mèo Rừng hồi nãy phóng xe đi về hướng Tây rồi!

-Lạ quá, nếu hướng Tây thì là hướng nhà tôi. Thế nhưng thôi, để tôi đi thêm chút nữa xem sao.Cảm ơn người thổi sáo nhé.

Nhưng lúc đó thác đã tiếp tục thổi sáo trở lại như cũ.

-Ichirô đi thêm một thôi đường nữa thì thấy dưới chân một cây giẻ gai, vô số nấm trắng đang họp thành đội hàng, chơi một điệu nhạc kỳ dị, kèn trống ồn ào.

Ichirô khom người xuống hỏi chúng:

-Này mấy chú nấm.Có thấy Mèo Rừng qua đây không nào?

Nói xong thì đám nấm trắng bèn trả lời:

-Hồi sáng sớm, Mèo Rừng đã phóng xe ngựa đi về hướng Nam rồi.

Ichirô chỉ biết lắc đầu kinh ngạc:

-Nếu hướng Nam thì nằm phía bên kia rặng núi. Kỳ cục quá ta! Thôi, cứ đi thêm một khúc nữa hẵn hay. Cảm ơn nấm nhé!

Nhạc đội nấm đã trở lại bận rộn với điệu nhạc huyên náo của chúng.

Ichirô đi thêm một chút nữa bỗng chợt thấy có chú sóc đang chuyền thoăn thoắt trên ngọn một cây hồ đào. Ichirô bèn vẫy tay bảo sóc ngừng để hỏi thăm:

-Này, sóc ơi. Mèo Rừng có đi ngang qua đây không vậy?

Nghe thấy thế, trên cành cao, sóc đưa tay ngang trán nhìn Ichirô rồi trả lời:

-Hồi mới tờ mờ sáng, Mèo Rừng đã phóng xe ngựa đi về hướng Nam rồi.

-Phía Nam à! Lạ lùng quá! Ít nhất có hai người trả lời với ta một kiểu như thế. Nhưng thôi, hãy tiến lên thêm một quãng nữa thử xem. Cảm ơn sóc nhé!

Thế nhưng sóc đã biến mất dạng. Chỉ thấy mấy cành cao trên ngọn cây hồ đào lay động và thoắt cái, có ánh nắng loáng loáng trong khóm lá của cây giẻ gai bên cạnh trong giây lát.

Ichirô đi thêm một đổi nữa thì thấy con đường men theo khe núi hẹp dần rồi mất hẳn nhưng lại có một con đường mòn mở ra ở phía nam của cái khe ấy, đưa anh về hướng một khu rừng cây cao tối sầm. Ichirô theo con đường ấy mà trèo lên. Cành cây đen chồng lên nhau thành nhiều tầng, che kín cả trời xanh, đường thì dốc đứng. Mặt Ichirô đỏ ké, mồ hội đổ thành giọt lớn. Bỗng nhiên, qua khỏi con dốc ấy, trời sáng hẳn đến chói cả mắt.Trước mặt anh là một cánh đồng vàng chóe, lá cỏ reo lên trong gió. Những hàng cây lớn màu xanh ô-liu vây bọc chung quanh.

Ở ngay chính giữa cánh đồng, Ichirô nhận ra có một người đàn ông hình thù kỳ lạ, thấp bé, đầu gối co lại, trong tay cầm một cái roi da, đang im lặng nhìn về phía mình.

Ichirô từ từ tiến đến bên cạnh người đó nhưng bỗng đột ngột ngừng bước. Anh thấy gã ta chỉ có mỗi một mắt, con mắt không thấy đường thì trắng nhỡn và động đậy không ngừng. Gã mặc một cái áo khoác lạ lùng nửa thầy nửa thợ. Không những thế, chân gã khoành ra như thể chân dê núi, đặc biệt mấy đầu ngón chân lại giống vá xúc cơm. Ichirô tuy kinh hoàng nhưng cũng cố lấy lại bình tỉnh, hỏi thăm:

-Thưa, ông có quen biết Mèo Rừng không ạ?

Gã đàn ông đưa con mắt còn lại liếc ngang Ichirô rồi nhăn mặt cười khó chịu:

-Ngài Mèo Rừng sắp về bây giờ. Ông là Ichirô chắc?

Ichirô chưng hửng, thụt lùi một bước:

-Vâng, tôi là Ichirô. Sao ông lại biết?

Nói xong đã thấy gã đàn ông quái dị ấy nhe răng cười khỉnh:

-Đã đọc bưu thiếp rồi chứ hả?

-Đọc rồi ạ. Vì thế hôm nay tôi mới đến đây.

-Văn chương lủng củng lắm hả?

Gã đàn ông cúi mặt nhìn xuống đất, trông có vẽ buồn bã làm Ichirô thấy tội nghiệp:

-Đâu, tôi thấy hay đáo để.

Nghe trả lời, gã đàn ông có vẻ hài lòng, thở phào, mặt đỏ bừng đến cả mang tai, phanh ngực áo ra như muốn gió lùa hơi mát vào trong người.

-Thế chữ viết cũng coi được chứ?

Gã lại hỏi. Ichirô nhịn cười không nổi, trả lời:

-Coi được chứ. Người học hết năm thứ năm chưa chắc đã viết hơn!

Gã đàn ông bỗng xụ mặt.

-Ông muốn bảo là học trò năm thứ năm tiểu học?

Câu hỏi yếu ớt, nghe mới thê thảm. Ichirô vội vã đính chính:

-Không, sinh viên năm thứ năm đại học chứ.

Nghe xong, gã đàn ông vui trở lại, mồm miệng cười nói tía lia.

-Chính tôi thảo cái bưu thiếp ấy đấy!

Ichirô buồn cười nhưng ráng nín, hỏi thăm:

-Thật ra chức vị ông là gì vậy?

Gã đàn ông chợt nghiêm nghị đáp:

-Tôi là người đặc biệt phụ trách đánh xe cho ngài Mèo Rừng đấy.

Lúc ấy, gió bỗng ào ào thổi tới, cả vùng cỏ đều ngã rạp xuống như làn sóng. Ông phụ tá đặc biệt kia bỗng khom lưng cúi chào một cách trịnh trọng.

Kìa, chúng đã tới. Trông chúng chẳng khác gì đàn kiến!

Ichirô lấy làm quái lạ mới quay lại nhìn thì đã thấy Mèo Rừng, khoác bên ngoài một tấm áo như thể chiến bào màu vàng có thêu vân, hai con mắt xanh tròn xoe, đang đứng đó nhìn mình.Khi anh vừa nhận ra rằng Mèo Rừng có đôi lỗ tai nhọn đứng thẳng tắp như mọi con mèo thì Mèo Rừng đã khẽ nghiêng người. Ichirô cũng lễ phép chào:

-Ô, xin chào ông. Hôm qua tôi vừa nhận được bưu thiếp. Cảm ơn ông ạ.

Mèo Rừng đưa tay lên vuốt chòm râu cho thẳng thớm, ưỡn ngực:

-Chào ông. Cảm ơn ông đã quá bộ đến chơi. Thực ra, từ hôm kia đã bắt đầu có một cuộc tranh chấp khá phức tạp. Vì không thể phán quyết dễ dàng nên tôi muốn mời ông đến để hỏi ý kiến. Giờ thì ông nghĩ ngơi cho khỏe đi. Bọn hạt dẻ cũng tới ngay thôi. Năm nào cũng như năm nấy, tôi cứ khổ tâm vì mấy vụ kiện tụng kiểu này.

Mèo Rừng lấy trong áo ra một hộp thuốc lá vấn và đưa một điếu đặt lên môi và chìa hộp thuốc về phía Ichirô:

-Ông xơi một điếu?

Ichirô ngạc nhiên, đáp:

-Không dám.

Mèo Rừng cười có vẻ kênh kiệu:

Ư ừmm. Ông còn trẻ, không sao!

Rồi đánh diêm cái xoẹt, làm bộ nghiêm sắc mặt, thở phù ra ngọn khói xanh. Còn gã đánh xe cho Mèo Rừng thì đứng phăng phắc bên cạnh đợi lệnh, hình như gã đang lên cơn ghiền thuốc lá, nước mắt cứ ràn rụa vắn dài.

Trong lúc đó thì Ichirô bỗng nghe dưới chân mình có tiếng nổ lốp đốp như ai rắc muối lên lửa. Hoảng hồn, anh cúi mình nhìn xuống thì trên mặt cỏ, rãi rác từ chỗ nọ đến chỗ kia, có những vật thể hình tròn vàng ánh chiếu lấp la lấp lánh.Nhìn kỹ thêm chút nữa thì anh thấy đó là những hạt dẻ, tính ra cũng hơn ba trăm, chúng đều mặc quần màu đỏ và đang cố sức tranh cãi ồn ào náo nhiệt.

Mèo Rừng vứt điếu thuốc lá, tức tốc ra lệnh cho gã đánh xe:

-Kìa, chúng đã tới. Trông chúng chẳng khác gì đàn kiến. Này, rung chuông mau lên coi! Hôm nay, ở chỗ đó có nắng tốt đấy. Cắt cỏ phía đó cho ta!

Gã đánh xe bèn nhanh nhẩu lấy cái liềm lớn lận trong lưng ra cắt phăng phăng đám cỏ ở miếng đất trước mặt Mèo Rừng. Từ bốn phía đám cỏ, đám hạt dẻ lấp lánh đều

ùa ra cả đấy, ồn ào như vỡ chợ.

Gã đánh xe bấy giờ mới rung chuông kính coong kính coong. Tiếng chuông âm vang kính coong kính coong khắp khu rừng cây. Đám hạt dẻ vàng từ từ im lặng. Không biết tự lúc nào Mèo Rừng đã lấy cái áo choàng dài bằng xa-tanh đen mặc lên, ngồi bệ vệ giữa đám hạt dẻ. Ichirô có cảm tưởng cảnh tượng này đã từng thấy trong bức tranh vẽ đoàn người đi tham bái đức Phật bằng đồng ở Nara. Sau đó, gã đánh xe còn vung roi da quất hai ba bận nghe đôm đốp. Trời trong xanh không một gợn mây. Đám hạt dẻ lấp lánh trông thật đẹp mắt.

Mèo Rừng ngồi bệ vệ giữa đám hạt dẻ

-Hôm nay là ngày thứ ba của phiên tòa đấy nhé. Liệu hồn các ngươi mà thỏa thuận với nhau đi!

Mèo Rừng nói với vẻ lo âu nhưng cũng cố gắng giằn giọng. Khổ cái vừa dứt lời thì đám hạt dẻ đã nhao nhao:

-Không, không, không thể được.Dầu muốn nói thế nào, hạt dẻ đầu nhọn mới là kẻ quan trọng nhất. Mà đầu tôi lại nhọn hơn cả ai hết.

-Sai, sai rồi. Đầu tròn mới quan trọng chứ. Tròn nhất là tôi đây!

-Phải to mới được. To mới oai chứ. Tôi to nhất, vậy tôi quan trọng nhất.

-Không đúng. Sao to bằng tôi được. Hôm qua quan tòa đã phán quyết như thế mà.

-Lại nói nhảm rồi, phải tính chiều cao chứ! Chiều cao mới quan trọng.

-Người có sức đẩy mạnh mới quan trọng. Lấy sức đẩy làm tiêu chuẩn quyết định đi!

Tất cả mọi người la hét om sòm để tranh lấy phần phải, bảo cái này cái nọ, nhặng xị như một đàn ong, không còn biết đâu vào đâu. Mèo Rừng lúc ấy phải gắt lên:

-Quậy như thế đủ rồi! Chúng bay biết đây là đâu không? Im ngay! Im ngay!

Gã đánh xe lai vung roi đập đôm đốp thị uy và đám hạt dẻ yên ắng trở lại. Mèo Rừng mới vuốt râu cho thật ngay ngắn, nói:

-Phiên tòa đã kéo dài đến hôm thứ ba, các ngươi phải khôn hồn mà thỏa thuận với nhau đi.

-Nói thế sao được. Đầu phải nhọn mới ...

Và nọ nọ kia kia........

-Hết chịu nổi chúng bay.Phải biết đây là đâu chứ!Im ngay, im ngay.

Gã đánh xe lại vung roi vụt đôm đốp và tất cả đám hạt dẻ hết ồn ào. Mèo Rừng thì thầm với Ichirô:

-Đấy, ông thấy chưa. Bây giờ tôi phải tính sao đây?

Ichirô mới cười trả lời:

-Nếu thế thì ông chỉ cần bảo bọn này như sau: Trong bọn các ngươi ai ngu nhất, ai khùng nhất, ai vô tích sự nhất sẽ là người quan trọng nhất. Tôi có lần nghe người ta dùng câu nói đó khi giảng đạo!

Mèo Rừng gật gù có vẻ như chợt hiểu ra. Hắn mới vén cái cổ áo xa-tanh để cái chiến bào thêu vàng lộ ra ngoài một tí cho oai, trịnh trọng sửa soạn ban bố phán quyết của mình cho đám hạt dẻ:

-Được rồi, lắng tai mà nghe! Đây là phán quyết: Trong đám các người, đứa nào hèn kém nhất, điên khùng nhất, ngu ngốc nhất, vô tích sự nhất, đầu óc tối tăm nhất sẽ là người quan trọng hơn cả.

Đám hạt dẻ tự nhiên xìu xuống. Bọn chúng nín thin thít.

Khi ấy, Mèo Rừng mới cởi áo choàng xa-tanh đen ra, vừa lau mồ hôi trán vừa cầm lấy tay Ichirô. Gã đánh xe cũng khoái chí vung roi lên đập chí cha chí chát. Mèo rừng nói:

-Cảm ơn ông thật nhiều. Một phiên tòa rắc rối như thế này mà ông chỉ cần có một phút rưỡi đã giải quyết hộ xong. Xin ông vui lòng từ nay nhận chức thẩm phán danh dự cho tòa án của tôi. Khi nào nhận được thiếp mời, xin ông cảm phiền quá bộ đến nhé. Tôi sẽ không quên tạ lễ ông trọng hậu đâu.

-Đến thì xin vâng. Thế nhưng lễ lạc tôi không dám nhận.

-Không được.Ông nhận cho tôi nhờ. Ông không nhận là làm mất mặt tôi đấy. Từ nay, trên thiếp tôi sẽ đề tên ông là Ngài Kaneta Ichirô và gọi nơi đây là Pháp Đình. Ông thấy viết thế đã đúng cách thức chưa?

-Vâng, sao cũng được.

Khi Ichirô vừa dứt lời thì Mèo Rừng như còn có điều gì muốn bổ túc nên cứ đưa tay lên vuốt hàm râu và mắt thì hấp ha hấp háy. Lát sau, dường như đã quyết tâm, hắn mới cho biết tiếp:

-Ngoài ra, về phần văn từ trong thiếp mời thì xin được viết kiểu này nhé: "Nhân vì có việc quan trọng cần xét xử, yêu cầu ngài đến trình diện vào đúng ngày mai".

Ichirô bật cười nói:

-Hả, kiểu viết như thế hơi kỳ cục đấy nhé. Tôi khuyên ông dẹp dùm nó đi.

Mèo Rừng có vẻ thất vọng vì không tìm ra được kiểu nói nào hay hơn, mặt cúi gầm trong ít lâu, tay thì vẫn mân mê chòm râu nhưng cuối cùng đành bỏ cuộc.

-Thế thì thôi, ông cho tôi giữ nguyên cách viết lúc đầu vậy. Còn về phần lễ tạ hôm nay thì tôi xin biếu ông hoặc một thăng hạt dẻ bằng vàng hoặc một đầu cá hồi muối, tùy ông lựa chọn.

-Tôi thích hạt dẻ bằng vàng hơn ạ.

Mèo Rừng coi bộ mừng ra mặt vì Ichirô không chọn cái đầu cá muối, mau mắn quay sang ra lệnh cho gã đánh xe của mình,.

-Mang tới đây cho ta một thăng hạt dẻ bằng vàng. Nếu không đủ một thăng thì pha loại hạt dẻ mạ vàng vào cũng được. Nhanh lên!

Gã đánh xe bèn tóm mấy cái hạt dẻ khi nãy bỏ vào trong cái đấu, cân xong rồi hô lên:

-Đúng một thăng!

Mảnh chiến bào của Mèo Rừng bay phần phật trong gió. Hắn vươn vai duỗi người thẳng ra, sụp mi mắt xuống, ngáp vội một cái rồi nói:

-Tốt lắm. Bây giờ, thắng xe cho ta ngay!

Chiếc xe ngựa vốn làm bằng một cái nấm trắng khổng lồ được đánh tới. Kéo nó là một con ngựa hình thù kỳ quặc với bộ lông xám tro như chuột.

-Này để tôi đưa cậu về nhà.

Mèo Rừng mời. Hai người leo lên xe. Gã đánh xe đã cho vào trong đó cái đấu đầy ắp hạt dẻ bằng vàng.

-Đốp, đốp, chát!

Chiếc xe ngựa ra khỏi cánh đồng. Cây cối bờ bụi lung linh nhạt nhòa dần như làn khói. Trong khi Ichirô nhìn đấu hạt dẻ vàng thì Mèo Rừng làm ra dáng dửng dưng, mắt dõi về đâu mãi xa.

Chiếc xe ngựa càng tiến về phía trước màu vàng của hạt dẻ cứ dần dần cứ nhạt đi. Được một đỗi, khi chiếc xe ngựa dừng lại thì mấy cái hạt dẻ ấy đã lấy lại màu nâu thiên nhiên của nó. Thế rồi, chiếc chiến bào màu vàng của Mèo Rừng, gã đánh xe và cả chiếc xe ngựa, tất cả đã biến mất cùng một lượt. Ichirô mới nhận ra là anh đang đứng trước ngôi nhà của mình, trên vẫn cầm cái đấu hạt dẻ.

Từ đó về sau Ichirô không bao giờ còn nhận được thiệp mời với dòng chữ "Trân trọng chào ông" của Mèo Rừng nữa. Nhiều khi anh ngẫm nghĩ nếu mình cứ để cho hắn mặc tình viết "Yêu cầu ngài đến trình diện" kia nọ thì có phải hay hơn không!

(Dịch xong ngày 22/ 10/2006).

 

(1) - Nguyên tác Golden Week, tuần có những ngày nghĩ lễ liên tục.

(2) - Tiếng Anh có sẵn trong nguyên tác.

(3) - Mars. Tiếng Hán là sao Huỳnh Hoặc.

(4) - Tiên Nữ (Cô Tiên Bị Xiềng) hay Andromeda

(5) - Lạp Hộ (Thợ Săn) hay Orion (Hiệp Sĩ).

(6) - Lạp Khuyển (Chó Săn) hay Hunting Dogs

(7) - Fish-Mouth Nebulae.

(8) - Heinrich Heine (1797-1856) thi sĩ trữ tình người Đức.

(9) - Truyền thuyết của Đức nói về một nàng yêu nữ trên kè đá dốc đứng bên bờ sông Rhine, giữa Mainz và Koblenz, có tiếng hát quyến rũ làm mê hoặc những người lái thuyền đi ngang qua đó, để cho thuyền đắm.

(10) - Taurus. Con gọi là sao Tất, một ngôi sao trên đường hoàng đạo.
 



 Trở Về