Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]


 
Tre trúc Việt Nam

Nguyễn Dư

Tình cờ trong lúc đi tra nghĩa một thành ngữ, tôi được đọc :

Trong bài hịch kể tội Tuỳ Dượng Đế, Lý Mật có viết :  Chặt hết trúc trên núi Nam Sơn, chẻ thành tre cũng chẳng đủ để ghi tội ác của Tuỳ Dượng Đế. (Điển cố văn học, Đinh Gia Khánh chủ biên, nxb Khoa Học Xã Hội, 1977, tr. 412).

Lời giải thích nghe hơi lạ.

" Chặt hết trúc, chẻ thành tre ", nghĩa là thân cây trúc to hơn thân cây tre à ?

Thế mà từ thuở bé đến giờ tôi cứ đinh ninh là tre to hơn trúc. Hình ảnh cái mành trúc, cái chõng tre của bà nội, cái xe điếu uốn cong của bố, cái cầu ao đầu làng... Hay là mình nhớ sai ?

May quá, Từ điển tiếng Việt của nhóm Hoàng Phê cho biết  Trúc là tên gọi chung của nhiều loài tre nhỏ, gióng thẳng. Nghĩa là... trúc nhỏ hơn tre. Yên tâm chưa ? Dạ... chưa. Định nghĩa rõ như vậy mà còn chưa yên tâm à?

Định nghĩa thì rõ nhưng thí dụ đưa ra thì hơi mù mờ. Từ điển tiếng Việt giải thích thành ngữ " Trúc chẻ ngói tan " là ví thế quân mạnh như chẻ tre, đánh đến đâu, quân đối phương tan tới đó.

Trúc chẻ là... chẻ tre. Hoá ra trúc lại là tre ?

Rốt cuộc, trúc là tre hay khác tre ? Là... cả hai! Thế mới... điên cái đầu !

Đầu đuôi chỉ vì :

- Nếu trúc là chữ Hán thì tiếng Việt dịch là cây tre. Thí dụ : Trúc côn là cái gậy tre (Từ điển tiếng Việtcủa Văn Tân).

- Nếu trúc là tiếng Việt thì trúc... hơi khác tre.

Họ tre có nhiều cây, mỗi cây có một tên gọi khác nhau : trúc, bương, luồng, vầu, lồ ô, giang, mai, nứa, hóp v.v.. Trúc là một giống tre nhỏ. Trúc xinh trúc mọc đầu đình.

Tre to lớn hơn trúc. Tre mọc hoang thành rừng. Tre được trồng để bao bọc, bảo vệ xóm làng. Làng tôi xanh bóng tre.

Thân tre được để nguyên, dùng làm nhà, làm cầu ao...hoặc được chẻ nhỏ làm tăm, tước mỏng làm lạt...

Tre và trúc khác nhau như vậy. Nhưng đôi khi cũng bị lẫn lộn.

Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi có câu :

Quyết Đông Hải chi thuỷ, bất túc dĩ trạc kỳ ô ;
Khánh Nam Sơn chi trúc, bất túc dĩ thư kỳ ác.
Văn Tân dịch là :
Tát cạn nước Đông hải, không đủ rửa vết nhơ
Chặt hết trúc Nam sơn, chẳng đủ ghi tội ác
Trúc Khê dịch là :
Múc cạn nước Đông Hải dễ mà rửa sạch tanh nhơ
Đẵn hết trúc Nam Sơn chẳng đủ biên ghi tội ác
Bùi Kỷ dịch là :
Độc ác thay ! trúc rừng không ghi hết tội
Dơ bẩn thay ! nước bể không rửa sạch mùi
Chữ trúc được cả ba người dịch dịch là... trúc. Đúng ra phải dịch là tre.

Nguyễn Trãi muốn nói rằng Chặt hết tre Nam Sơn (chẻ thành thanh) cũng không đủ để ghi tội ác (của quân Minh).

Trong một bài biểu dâng lên vua Gia Long, Đặng Trần Thường cũng nói :

Xét tội ác (của bọn Ngô Thời Nhậm thì) chẻ hết tre cũng khó biên hết.(Đại Nam thực lục, tập 1, bản dịch của Nguyễn Ngọc Tỉnh, Giáo Dục, 2002, tr. 547).

Ngày xưa, khi chưa có giấy, người ta viết lên tre. Những thanh tre chép sử, có lớp vỏ màu xanh, được gọi là thanh sử. Thanh sử dịch sang tiếng Việt là sử xanh.

Nghìn thu gặp hội thăng bình
Sao Khuê sáng vẻ văn minh giữa trời
Lan đài dừng bút thảnh thơi
Vâng đem quốc ngữ diễn lời sử xanh...
(Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái, Đại Nam quốc sử diễn ca)
Ngày nay lịch sử được viết bằng giấy trắng mực đen, được gọi là trang sử. Chỉ có mấy ông hoài cổ, ưa màu mè, mới phóng bút viết những trang sử xanh (rờn).

Thân trúc (tiếng Việt) vốn nhỏ, người Việt không chẻ trúc để làm gì cả.

Chỉ có văn học mới lôi trúc (chữ Hán) ra chẻ.

Bản dịch Bình Ngô đại cáo có câu :

Trận Bồ Đằng như sấm vang chớp giật,
Trận Trà Lân như trúc chẻ tro bay.
Thơ Nôm cũng có những câu tương tự :
Nhân cơ phá trúc đuổi dài
Bảo Hà mở luỹ, Hồng Mai trú đồn
(Đại Nam quốc sử diễn ca)
Thừa cơ trúc chẻ ngói tan
Binh uy từ ấy sấm ran ra ngoài
(Kiều)
" Trúc chẻ " chữ Hán là " phá trúc ". " Phá trúc " dịch hết sang tiếng Việt là " chẻ tre ".

" Trúc chẻ ngói tan " chỉ thế quân mạnh, đánh đâu được đấy. Dễ như chẻ tre, tháo ngói. Chẻ tre, chẻ được một mắt thì các mắt khác tự tách ra. Tháo ngói, tháo được một hòn thì cả mảng sụt theo (Đào Duy Anh, Từ điển truyện Kiều).

Đào Duy Anh gián tiếp đồng ý rằng " trúc chẻ " nghĩa là " chẻ tre ".

Tại sao trong thơ văn xưa của ta, chữ tre không được dùng, chữ trúc không được dịch ? Chỉ vì niêm luật, thanh điệu của thơ văn. Tre (thanh bằng) không thay thế cho trúc (thanh trắc) được. Rốt cuộc các tác giả, dịch giả đã chọn cái hay (nhưng tối nghĩa) thay cho cái đúng (nhưng nằm ngoài vòng luật lệ).

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
 (Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Miệng ăn măng trúc, măng mai
Những giang cùng nứa lấy ai bạn cùng
(Trấn thủ lưu đồn, Ca dao)

Măng mai to bằng bắp chân ăn còn bữa đói bữa no, huống hồ măng trúc nhỏ như ngón tay. Nguyễn Bỉnh Khiêm có thể sai người ở đi tìm măng trúc về... nhắm rượu, nhưng anh lính thú " ngày thì canh điếm tối dồn việc quan " kia thì nhất định không mất thì giờ đi kiếm măng trúc về... nhâm nhi, ăn chơi.
Oằn oại đôi vai quân tử trúc
Long lay một cổ trượng phu tòng
(Nguyễn Hữu Huân, Khi bị đóng gông)
Gông mà làm bằng trúc thì chỉ có gông hàng mã cho trẻ con bẻ chơi.

Luật bằng trắc đã loại chữ tre, dùng chữ trúc (Hán).

Tuy nhiên, đôi khi chữ trúc cũng được niêm luật cho phép dịch là tre.

Tú hoa dã trúc tam xuân hảo
Tinh nguyệt minh song nhất thất hư

(Tre hoang, hoa đẹp, ba xuân tốt,
Cửa sáng, trăng trong, nhà trống trơ).
(Nguyễn Bỉnh Khiêm, Xuân đán cảm tác, Đinh Gia Khánh dịch)

Mặc dù bị trúc Tàu lấn át, thỉnh thoảng cây tre của ta cũng được các cụ nhà Nho đề cao. Thế à? Hoá ra bụt chùa nhà cũng thiêng sao ?

Đồ đựng tăm ngày xưa được khắc câu Mỗi phạn bất vong quân tử trúc  (Mỗi bữa cơm không quên cây tre quân tử). Cây tre được ví với người quân tử vì tre có " tiết cứng, lòng không " :

Vị xuất thổ thời tiên hữu tiết
Đáo lăng vân sứ dã vô tâm

(Chưa mọc lên khỏi mặt đất đã có tiết
Lên đến mây cao thì không có tâm)

Có chắc là cây tre không ?
Con ve kêu ỏng ảnh tiếng chầy
Kìa quân tử trúc, dạ này bâng khuâng...
Dân ca cũng tơ tưởng quân tử trúc kia mà !

Quân tử trúc là... quân tử Tàu. Quân tử tre là... quân tử ta.

Đôi khi dân ca còn vượt cả chữ nghĩa của thánh hiền :

Gió đưa bụi trúc ngã quỳ
Ba năm trực tiết còn gì là xuân
Tiết hạnh của nữ nhi và tiết tháo của quân tử, cái nào đáng quý hơn cái nào ?

Trở lại chuyện cơm nước hàng ngày.

Mỗi bữa cơm không quên cây tre quân tử. Người ta có thể ba ngày, ba tháng không đọc sách, nhưng mấy ai có thể khoanh tay...chịu mắc răng nửa ngày ? Câu nói vừa có nghĩa đen là ăn cơm xong phải nhớ lấy tăm (tre) xỉa răng, vừa có ý nhắc nhở mọi người phải tu thân để trở thành người quân tử.

Dạ, dạ, quân tử dễ thương lắm.

Chả thế mà chị Xuân Hương đã nhiều lần thủ thỉ :

Quân tử có yêu thì đóng cọc
Xin đừng mân mó nhựa ra tay (Quả mít)

Quân tử có thương thì bóc yếm
Xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi (Ốc nhồi)

Bọn em chỉ mơ được :
Một đêm quân tử nằm kề
Còn hơn thằng nhắng vỗ về quanh năm
Oan cho nhà Nho đến thế là cùng. Nhà Nho khuyên mọi người sống như quân tử chứ không phải khuyến khích các em... chơi trèo với quân tử như vậy đâu.

Người ta, kẻ thì mong được " một phút huy hoàng ", kẻ thì lỡ dại được " một giờ ", thế mà mấy em đòi những... " một đêm"! Quân tử như gió, tiểu nhân như cỏ...  Mưa gió suốt đêm, coi chừng có ngày sập nhà, gãy giường đấy.

Nghĩ mà bực mình giùm cho thằng nhắng Việt Nam. Dớ da dớ dẩn, rờ rẫm ra sao để đến nỗi xôi hỏng bỏng không, bị chê sát ván như vậy ? Nó phải sống ở bên Tây thì mới đúng đất dụng võ. Tha hồ trổ tài vỗ về các bà. Huy chương vàng nịnh đầm (galant) đút túi là cái chắc !

Ta có thành ngữ Tre già măng mọc  để nói thế hệ trẻ nối tiếp thế hệ cha ông. Ngày xưa còn có thành ngữ  Tre còn măng mất (Nguyễn Đình Chiểu, Lục Vân Tiên), và Tre già khóc măng  (Génibrel) để chỉ hoàn cảnh con cái chết trước cha mẹ.

Mới ngày nào...

Tre được dựng thành hàng rào dày đặc để phòng giữ các bản làng miền núi, để bảo vệ các ấp chiến lược xa xôi hẻo lánh. Tre được vót nhọn, cắm tua tủa dưới hầm chông.

Qua rồi, cái thời chinh chiến...

Mẹ nhìn lên cao trong vắt trăng sao
Đầu làng tre xanh vui đón xôn xao
Mẹ nhìn tay con không súng không dao
Nụ cười trên môi
Ôi trái tim người...
(Phạm Thế Mỹ, Giấc mơ của mẹ)
Bụi tre, khóm trúc lại trở thành chứng nhân của hò hẹn, yêu đương...
Anh nhớ xót xa, dưới tre là ngà
Gợn buồn nhìn anh, em nói mến anh
Mây lướt thướt trôi, khi nắng vương đồi
Nhớ em dịu hiền, nắng chiều ngừng trôi.
(Lê Trọng Nguyễn, Nắng chiều)
... của nhớ thương, hờn trách
Công anh đắp nấm trồng chanh
Chẳng được ăn quả vin cành cho cam
...
Chắc về đâu đã hẳn hơn đâu,
Cầu tre vững dịp hơn cầu thượng gia
Cầu thượng gia tức là cầu " thượng gia hạ trì " (trên là nhà, dưới là ao). Có nơi gọi là " cầu ngói " (Thanh Toàn), " cầu Nhật Bản " (Hội An).

Chàng trai trách người yêu tham giàu phụ nghèo. Em ơi, cầu thượng gia kia nhìn bề ngoài thì sang trọng, to lớn nhưng chắc gì đã vững bền hơn chiếc cầu tre đơn sơ, mộc mạc này?

Thuở thanh bình, tre trúc reo vui...
Vườn nhà chúng tôi tre mọc um tùm.
Lúc mới dọn về, vườn chỉ có một khóm tre thưa. Vợ chồng hăm hở đánh vài gốc, cắm trồng mấy góc vườn. Hàng xóm đỡ dòm sang nhà mình . Không ngờ, mấy năm sau chỗ nào cũng đầy tre. Chặt rồi lại mọc. Tre mọc kín hàng rào. Tre chui dưới tường, đâm ra ngoài đường. Tre bò sang hàng xóm. Tre nâng cả gạch lát sân. Rễ tre sắp lan đến bếp, sắp đụng phòng khách.

Người bạn Pháp ngạc nhiên :

- Ồ ! Tre biết lách, biết luồn tránh chướng ngại. Nhiều đốt cụt ngủn, hình thù xiên xẹo.

- Một vài cây bị biến tướng. Có lẽ tại thuỷ thổ.

- Bên Pháp không có tăm tre, người Việt xoay xở ra sao ?

- Không có tăm tre thì có tăm quẹt, tăm gỗ, tăm nhựa. Tăm nào chả được, miễn sao sạch sẽ, được việc.

Nguyễn Dư
(Lyon, 6/2006)


Trở Về  ]