Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]

Những cái Nhìn

Lại Hữu Đức

Hồi chưa gia nhập lãnh vực nghệ thuật, tôi đọc sách, báo nhiếp ảnh thường thấy viết và luận về " cái nhìn ".

- Có lúc thì nhún nhường : tập nhìn cảnh vật trước mắt.

- Có lúc thì cao kỳ : nhìn trên cái nhìn tầm thường, nhìn bằng nửa con mắt.

- Có lúc thì dữ dằn hay mơ màng : bắt cái nhìn, khóe nhìn, nhìn qua cửa sổ.

Tôi thầm nghĩ, người ta sinh ra đương nhiên là có mắt và biết nhìn, phân biệt xấu hay đẹp mà sao bộ môn nhiếp ảnh lại có nhiều cách để nhìn. Nhìn biết thế nào là đẹp, biết thế nào là xấu. Khi tôi mua được cái máy ảnh, thường là chụp ảnh kỷ niệm gia đình, đôi khi cũng chụp ảnh phong cảnh. Cảnh đồi núi hay đồng quê bao la thật là đẹp mà khi chụp vào ảnh làm tôi thất vọng. Chỉ thấy đồi, núi, cây cối, sông ngòi loạn xạ không còn là cảnh đẹp nữa. Kiểm điểm lại khả năng của mình cần phải học hỏi, nên tôi ghi tên theo học lớp nhíếp ảnh. Một phần lãnh hội được lời giảng dậy, một phần chụp ảnh thực hành cùng đọc sách báo, tôi mới dần dần giải tỏa được những thắc mắc nêu trên.

Mắt Người Và Ống Kính

Ống kính vô tri vô giác, chỉ ghi lại một cách trung thực, hiện thể diễn biến trước mắt trong một khuôn khổ hai chiều của bức ảnh. Con mắt người ta là một cơ thể nối liền với óc, những hình ảnh gì mắt ghi nhận được là do trí tuệ chi phối : ghi nhớ, nhận xét, suy luận. Cảnh đẹp trước mắt nếu chỉ bấm máy thu hình ảnh, mà không dùng đến trí óc nhận xét, suy diễn thì khó mà đạt được mức nghệ thuật.

Nghe giảng về bố cục, chụp ảnh là vẽ bằng ánh sáng. Ánh sáng chiếu vào cảnh vật trong vũ trụ cho ta thấy những hình thể, đường nét, sắc độ chi tiết, phối cảnh và màu sắc. Đó là những yếu tố để bố cục, còn thêm nữa là phương pháp bố cục. Thuần nhất, biến đổi khác nhau, nhịp nhàng cân xứng kích thước tỷ lệ.

Tập Nhìn Cảnh Vật Trước Mắt

Có được một ít kiến thức nghệ thuật rồi, tôi nghĩ đến tự luyện, tập nhìn cảnh vật trước mắt, dù là ở trong nhà hay ngoại cảnh, dù là gần hay xa mà không dùng máy ảnh.

Thấy ánh sáng cửa sổ chiếu vào mặt bàn, có để ít đồ gia dụng, tôi cũng sắp xếp lại để bố cục. Thấy ở góc nhà có xe đạp, đồ chơi trẻ em. Thấy ngoài sân, bóng cây đổ trên lối đi cùng vài đôi giày dép, tôi cũng xử dụng bố cục.

Luôn luôn tập luyện để mỗi khi đưa máy ảnh ra thu hình, đỡ lúng túng, làm chủ được tình thế trước cảnh và còn có thể tiết kiệm, đỡ phí phạm phim, giấy ảnh cho những ảnh sai bố cục sẽ loại đi.

Nhìn Qua Cửa Sổ

Được nghe nói bố cục là phải đóng khung để giới hạn khoảng ghi nhận cho máy ảnh nên tôi đã phải xử dụng một miếng bìa đen cứng to bằng bàn tay, ở giữa có khoét một lỗ hình chữ nhật 2x3 inches để đưa lên mắt nhìn hoặc dùng khung của slide nhìn qua bố cục thay cho kính nhắm ( viseur ) khỏi phải mở máy ảnh ra mà không sử dụng thu hình... Tôi còn cẩn thận chia ô chữ nhật trên ra ba băng dọc để có được chín ô chữ nhật nhỏ đồng đều trong khung ( dùng giây chỉ đen dính vào bìa cứng để phân chia ) và còn phải để ý bốn điểm mạnh ở bốn góc ô chữ nhật nhỏ ở chính giữa. Lại còn chủ đề, hậu cảnh và tiền cảnh; Chủ đề là trọng tâm của ảnh, đặt ở một trong bốn điểm mạnh đừng để những chi tiết của hậu cảnh hoặc tiền cảnh tranh giành ảnh hưởng với chủ đề, chi phối nhãn quan của người xem ảnh. Ngoài ra bối cảnh lại rất cần để phụ giúp chủ đề diễn tả theo đề tài đã chủ trương thực hiện.

Tôi còn luyện cái nhìn bằng cách soát lại những ảnh cũ đã loại đi, nghiên cứu những đường nét, những mảnh đậm, lợt để cắt xén, có thể nói là bố cục lần thứ hai, lắm khi những ảnh coi như đã bỏ đi nhưng nay cắt xén những chỗ không phù hợp, không cân xứng, hoặc những chỗ rườm rà để lộ ra những đường nét mạnh, sắc độ mạnh làm nổi bật chủ đề phù hợp với nguyên tắc của bố cục.

Nhìn Trên Cái Nhìn Tầm Thường

Danh từ dùng có vẻ trừu tượng, nhưng bên nghệ thuật còn có phần khêu gợi sự tò mò, muốn tìm hiểu để tạo cảm giác. Được hiểu là con mắt người ta là một cơ thể nối liền với óc, những cái gì mắt ghi nhận là do trí tuệ chi phối. Nên chỉ nhìn theo bố cục chưa đủ vì bố cục chỉ là hình thức, còn phải nhìn theo quan niệm của mình bằng sự nhận xét, nhìn theo kinh nghiệm theo kiến thức bằng trực giác. Đây có thể nói là một trong những yếu tố chính để sáng tác nghệ thuật. Mắt nhìn nhưng óc suy tư, vận dụng sự nhận xét khả năng bày đặt, tìm hiểu tinh tế v những hình thật đã ghi vào tiềm thức để mang ra trình bày trước ống kính.

Nhìn nghệ thuật khác với nhìn thông thường ở chỗ phải suy diễn, tạo nội dung cho ảnh và trình bày ảnh sao cho độc đáo, gợi cho người xem ảnh cùng chia sẻ tâm tư với tác giả.

Nhìn Bằng Nửa Con Mắt

Lim dim hé mắt nhìn cảnh trước mắt, đôi khi phải áp dụng chốc lát để cho chi tiết và màu sắc trong cảnh mờ nhòe mà chỉ còn những hình thể chia những đường nét chính hiện diện dễ bề cho bố cục. Một phương pháp bên hội họa cũng thường xử dụng. Luôn luôn màu sắc làm bắt mắt trước tiên, rồi đến những chi tiết quá đẹp làm chi phối óc nên không nhận xét được dễ dàng những yếu tố bố cục.

Bắt Cái Nhìn

Bấm máy đúng lúc để ghi nhận được sự diễn tả đúng mức của người mẫu. Mắt là cửa sổ của tâm hồn, là trung tâm biểu lộ tâm tư, mắt truyền ra cái nhìn cảm xúc, cái nhìn hồn nhiên, cái nhìn xúc động v.v... người ảnh nên nhận xét và ghi lúc cao độ của đôi mắt để diễn tả.

Khóe nhìn

Lối suy diễn để ghi vào ảnh theo cá tính của người ảnh. Dù là sử dụng nghệ thuật hay kỹ thuật, người ảnh đưa ra cái nhìn theo nhận định của mình về chủ đề với một phong cách riêng. Chọn góc cạnh thu hình khác thường để trình bày quan điểm của mình, thử thách đưa ra một đường lối riêng để được chấp thuận.

" Cái nhìn " nhiếp ảnh thật phong phú, dù là nhìn trên xuống, nhìn dưới lên làm sao cho có sự dung hòa giữa mắt người và ống kính, giữa tâm trí và kỹ thuật để diễn tả thế giới trước mắt theo quan niệm của người ảnh.
 


Trở Về   ]