Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]            [ Trangchủ ]
Mê Thảo - Thời vang bóng 

Từ Deauville đến Bergamo …
___

Đặng Tiến

Deauville là một thành phố nhỏ, chưa đến một vạn dân cư. Nổi tiếng là nơi thanh lịch vì là bãi biển, nơi nghỉ ngơi trưởng giả cách Paris hai giờ đường xe. Deauville, tiếng Pháp nghĩa là Thủy Phố, có nhiều môn chơi : trường đua ngựa, sòng bạc, gần đây phát triển sinh hoạt Liên Hoan Phim, nổi tiếng nhất là phim Hoa Kỳ. Cách đây năm năm, thêm Festival Phim Á Châu, lần này được tổ chức giữa tháng Ba.

Những nước dự thi : Trung Quốc, Ðài Loan, Hồng Kông, Thái Lan, Đại Hàn, Indonésia. Tác phẩm Blind Shaft (Hầm Tối) của Lý Dương, Hồng Kông, đoạt cả năm giải Bông Sen : cho tác phẩm, đạo diễn, nam diễn viên (với Wang Baoqiang), giải báo chí và giải khán giả.

Blind Shaft là một phim hiện thực, u ám, phê phán những điều kiện lao động trong mỏ than, dưới quyền những chủ nhân ông phi pháp trong thời kinh tế thị trường man dã tại Trung Quốc. Phim bị cấm chiếu tại hoa lục. Đạo diễn Lý Dương tiết lộ đã trải qua lắm gian nguy, kể cả về tính mạng. Phim đã làm xong nhưng nguy biến vẫn còn đe dọa, trước hết là tôi sẽ không còn được phép hành nghề tại hoa lục.

Thời kỳ Trung Quốc " hiện đại hóa " đã mở cửa cho hằng nghìn mỏ than, chẳng mấy chốc biến thành cơn ác mộng cho phu mỏ. Giới tư sản tư nhân, thay vì đầu tư vào phương tiện an toàn thì bỏ vốn mua chuộc cán bộ để được tự do bóc lột công nhân, trong những phương thức đào mỏ thời nguyên thủy "

Lý Dương cho biết : ông không dụng tâm dàn dựng một " bi kịch " mà chỉ sao chép sự thật, như một phim tài liệu.

Phim Indonésia Eliana, Eliana của Riri Riza, diễn tả tình mẹ con, trong đời sống đô thị lớn, đoạt giải nữ diễn viên với Rachel Maryam Sayidina và Jajang C. Noer.

Một số phim dự thi không xuất sắc, tham vọng thẩm mỹ vượt quá tầm kỹ thuật. Nhưng đặc sắc của Deauville năm nay là những phim không dự thi. Như các phim Ấn Độ vinh danh tài tử Amitabh Bachchan với thành tích hơn 30 năm đóng hơn 100 phim, chủ yếu là tác phẩm đại chúng. Hay phim Trung Quốc Anh Hùng của Trương Nghệ Mưu tổng kết những mưu sát Tần Thủy Hoàng, vừa có tính lịch sử, chính trị, triết lý trong cốt truyện võ hiệp kỳ ảo, với mấy tài tử chính là Lương Triều Vỹ và Dương Nhất Nhất không xa lạ gì với khán giả.

*
* *

Đặc biệt nhất là phim Mê Thảo - Thời vang bóng của Việt Linh - phỏng theo truyện Chùa Đàn (1946) của Nguyễn Tuân - thực hiện năm 2002, 108 phút, phim màu. Phim có Đơn Dương thủ một trong những vai chính – do đó tại Việt Nam tác phẩm đã gặp phải phiền toái bất ngờ.

Nữ đạo diễn Việt Linh sinh năm 1952, tại Sài Gòn, đã nổi tiếng qua nhiều phim trước đây, như Gánh Xiếc Rong (1988), Dấu Ấn Của Quỷ (1992), Chung Cư (1999).

Mê Thảo-Thời vang bóng là một phim hay, đã được dư luận tán thưởng tại Liên Hoan Deauville. Sau đó dự thi tại Liên Hoan phim Bergamo, thành phố 150.000 dân miền bắc nước Ý, từ 15 đến 23 tháng 3-2003, đã đoạt giải nhất Bông Hồng Vàng, trước các phim Pháp " Trên Đầu Ngón Tay " của Yves Angelo, và " Chuyện Gì Đã Xảy Ra " của Rabah Ameur-Zaimeche. (Năm 1998, cũng tại Bergamo, phim " Ai Xuôi Vạn Lý " của Lê Hoàng đã đoạt giải Bông Hồng Đồng).

Mê Thảo là tên (tưởng tượng của Nguyễn Tuân) một thôn ấp hẻo lánh miền Trung Du Bắc Bộ, chuyên nghề nuôi tằm dệt tơ, vào những năm 1920. Chủ ấp tên Nguyễn chuẩn bị đám cưới người yêu, nhưng cô dâu chết trong một tai nạn xe hơi. Nguyễn đau khổ vì tình ; đâm ra căm thù văn minh cơ khí, sống chìm đắm trong hoang tưởng và men rượu, sùng bái hình tượng người yêu quá cố, bỏ bê công việc. Tam, người quản lý trang trại, nguyên can án ngộ sát, được chủ ấp bao che, nên biết ơn và hết lòng phò tá. Tam muốn Nguyễn tìm lại được lẽ sống qua tiếng đàn giọng hát.

Tam lại là một tay đàn cự phách, ngày xưa đệm đàn cho một danh ca, cô Tơ, nay đã bỏ nghề sau khi chồng chết. Cô Tơ phát nguyện chỉ hát theo cung bậc của cây đàn chồng để lại. Nhưng cây đàn này linh thiêng : ai đụng đến là có thể nguy đến tánh mạng. Tam chấp nhận cơ nguy, để cứu ân nhân là Nguyễn, và cũng để thí nghiệm lý tưởng của mình. Tam thuyết phục được Tơ – vốn là tình cũ nghĩa xưa – Tam đệm đàn, Tơ hát và Nguyễn nằm nghe. Bốn dây nhỏ máu trên đầu ngón tay, Tam xuất huyết và chết gục trên cây đàn. Nguyễn cùng đoàn tùy tùng đưa xác về ấp. Và trên đường về, gặp công trường đường sắt đang được thực hiện, Nguyễn tuyệt vọng, đốt những vò rượu "vô cố nhân " và bỏ mình trong đám cháy. Trước cái nhìn bất lực của cô Câm, một gia nhân đã yêu mình trong câm nín và nhẫn nhục.

Mê Thảo – Thời vang bóng là một thành công về nghệ thuật, xứng đáng với những lời tán thưởng tại LHP Deauville và phần thưởng ưu hạng tại Bergamo. Phim hay về nhiều mặt.

Trước hết là chuyện phim hấp dẫn ly kỳ, pha chất quái đản sẵn có trong " yêu ngôn " Chùa Đàn của Nguyễn Tuân, pha ánh sáng huyền ảo của điện ảnh hiện đại.

Thứ đến là kỹ thuật diễn xuất của các tài tử tương đối tự nhiên so với nhiều phim Việt Nam khác, đặc biệt Đơn Dương (Tam), Thúy Nga (Tơ) và Minh Trang (Câm). Phim dựa trên âm nhạc và phần nhạc đệm, lời ca, tiếng hát (ca trù) xuất sắc.

Sau nữa, Mê Thảo là một nguồn tư liệu cao giá về mặt địa lý, lịch sử và dân tộc học. Người xem chứng kiến hình ảnh Việt Nam hồi đầu thế kỷ, miền Trung Du Bắc Bộ : đồi núi, sông hồ, chùa chiền, nhà cửa. Cách phục sức, giải trí, cách trồng dâu, nuôi tằm, những xe tơ, những nong tằm chín đỏ – mà Nguyễn Tuân đã phác thảo bằng chữ nghĩa. Ngoài ra, bối cảùnh xã hội, trong buổi tiếp xúc đầu tiên với văn minh cơ khí cũng được thể hiện.
 

Để làm được điều này Việt Linh đã bỏ nhiều năm sưu tập tài liệu, từ các viện bảo tàng đến các nơi bán đồ cũ, từ hè phố đến thư viện... Và trong lúc thực hiện hẳn chị và các cộng sự của mình đã phải khổ công thu dọn và tránh né những dấu ấn hiện đại dày đặc trong bối cảnh thời nay.
 

Cuối cùng, là kỹ thuật và ngôn ngữ điện ảnh đã soi chiếu vào nội dung hàm súc và đa nghĩa, về nhân bản, xã hội, thậm chí chính trị, mà mỗi khán giả tiếp thu một cách khác nhau, tùy tầm nhìn. Chúng tôi không phân tích ở đây.
 

Chỉ trả lời một điểm nghe nhiều người bàn tán : phim Mê Thảo của Việt Linh có trung thành với nguyên tác Chùa Đàn của Nguyễn Tuân không ? Xin trả lời là có trung thành, thậm chí còn soi sáng Chùa Đàn, một truyện ngắn 30 trang, ít người biết đến, nâng cấp thành một cuốn phim dài non hai tiếng, tôn trọng và làm nổi bật phần cốt lõi của truyện bằng một ngôn ngữ khác, tân kỳ và hiện đại.

Là người đã có dịp thân thiết với Nguyễn Tuân và thường xuyên đọc lại tác phẩm ông, từ non nửa thế kỷ nay, tôi tự cho mình đôi chút thẩm quyền thành thật nói lên niềm tâm đắc đó.

Chưa kể, ngoài ra, hai chữ trung thành, trong thường tình, đã là một tính từ khó định nghĩa. Trong nghệ thuật, chuyển một tác phẩm từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, lại càng phức tạp hơn.

Khi mình lẩn thẩn tự hỏi : mình có trung thành với mình không, thì trả lời đã bở hơi tai.

Những con sông dài, chỉ chung thủy với chính mình khi đổ vào biển lớn, hòa mình với những dòng sông khác, trong cõi vô cùng, vô chung và vô thủy.

Đặng Tiến
(Trích VietMercury, ngày 4/4/2003)


Trở Về  ]

 Thứ tư, 26/3/2003, 10:56 GMT+7

Việt Linh và bộ phim đứng đầu LHP Bergamo - 'Mê Thảo'

 Sau bao trắc trở, đứa con tinh thần của nữ đạo diễn Việt Linh đã giành giải Bông hồng vàng tại LHP của Italy vào 22/3. Giải bạc và đồng thuộc về 2 phim của Pháp. Sắp tới, chị lại giới thiệu tác phẩm này tại LHP Singapore.

- Ban giám khảo, khán giả và báo chí Italy đánh giá thế nào về "Mê Thảo - Thời vang bóng"?

- Giải của LHP Bergamo do khán giả bình chọn nên khán giả chính là giám khảo và đánh giá của họ thể hiện trên lá phiếu có thang điểm từ 1 đến 5. Sau buổi chiếu duy nhất chiều 20/3, rất nhiều người đã đến gặp tôi bày tỏ sự thích thú về cốt truyện, hình ảnh, không khí và âm nhạc...

Do tôi rời Bergamo sáng chủ nhật ngay sau khi nhận giải nên chỉ kịp có trong tay tờ Nhật báo Bergamo ra ngày 22/3 với bài, ảnh giới thiệu Mê Thảo và tiên đoán phim VN chiến thắng. Mấy ngày nay, bạn bè bên Italy cho biết, kênh truyền hình RAI 3 và RAI Sat có phát 3 lần hình ảnh bế mạc LHP.

- Cảm giác của chị khi nhận giải?

- Không bất ngờ lắm. Theo chương trình, sau khi giới thiệu phim, tôi sẽ về lại Pháp sáng ngày 21/3 chứ không chờ kết thúc. 12h30 đêm 20/3, đột nhiên ban tổ chức gọi điện hỏi tôi có thể ở lại đến ngày bế mạc để họ đổi vé máy bay? Tôi thấy nghi nghi nên đồng ý. Sáng ngày 21/3, bà Martini, giám đốc LHP nói riêng cho tôi biết phim VN đang dẫn đầu số điểm, nhưng vì còn 2 phim dự thi chưa chiếu nên không biết Mê Thảo - Thời vang bóng sẽ được giải nào. Dù sao cũng thật xúc động khi nghe xướng lên hai chữ Việt Nam và những tiếng vỗ tay...

- Chị có thấy mâu thuẫn khi trước đó "Mê Thảo - Thời vang bóng" chỉ được Hội điện ảnh VN trao giải khuyến khích?

- Duy nhất một lần với Gánh xiếc rong được ngồi giữa chiếu (giải bạc, không có vàng) còn thì, theo cách nói vui của bè bạn, các phim của tôi đã khuyến khích chuyên nghiệp! Chẳng có gì mâu thuẫn, mỗi người bình chọn đều có riêng lý lẽ để phân chia ngôi thứ. Làm nghề sáng tác thì phải chấp nhận mọi lý lẽ đánh giá, dù hữu lý hay vô lý. Trừ các giải thể thao và khoa học, giải nghệ thuật đâu đâu cũng vậy, là nơi biểu hiện cá tính, chất lượng tác phẩm tranh giải lẫn người chấm giải. Hãy để dư luận đánh giá.

Là người sáng tác, chưa đạt đúng tiêu chuẩn, chưa được chính đất nước mình công nhận, dĩ nhiên tôi có buồn, nhưng buồn nhiều hơn cho các cộng sự.

- "Mê Thảo - Thời vang bóng" cũng được LHP Singapore mời tham dự cuộc thi vào cuối tháng tư. Chị cảm thấy thế nào?

- Tôi không được tự tin. Trừ những tuyệt tác hiển nhiên, chuyện thua thắng ở các LHP quốc tế cũng mênh mông lý lẽ của người chấm giải. Có điều kẻ thi, người chấm ở đây đều xa lạ nên các lý lẽ khách quan hơn, ít áp lực hơn. Điện ảnh chúng ta còn nhỏ bé, được mời góp mặt LHP quốc tế, được giới thiệu văn hóa VN với thiên hạ là đã đủ vui.

- Có đạo diễn VN nói rằng, LHP quốc tế thực chất chỉ là những chợ phim, có những LHP chỉ cần điền đơn là có thể tham dự?

- Thế thì hay quá, nên hỏi xin người ấy danh sách những LHP như vậy để điện ảnh chúng ta lấy đơn về điền! Riêng những gì tôi biết thì chỉ có một ít LHP như Châu Á - Thái Bình Dương là nhận phim các nước thành viên đề cử (có nghĩa cũng đã chọn). Entry form là thủ tục phải điền nhưng chỉ điền sau khi LHP đã quyết định mời. Cũng có vài LHP phát Entry form ra ngoài nước để sưu tầm, xét chọn, nhưng điền đơn, gửi phim giới thiệu không có nghĩa là được tuyển.

Thu Hương thực hiện

LHP Bergamo:
- LHP lần thứ 21 năm nay trình chiếu 45 phim, trong đó 6 phim dự thi.
- LHP mỗi năm tổ chức một lần tại thành phố Bergamo, vùng Bắc Italy.
- Mục đích là giới thiệu những tác phẩm điện ảnh có cá tính, những đạo diễn trẻ chưa được thế giới biết đến...
- Năm 1998, VN cũng đoạt giải đồng với Ai xuôi vạn lý của đạo diễn Lê Hoàng.